NHẬT BẢN: Tượng Phật gây tranh cãi sẽ trở về Nhật Bản
Một pho tượng Phật giáo thế kỷ 14 sẽ được chuyển từ Hàn Quốc đến Nhật Bản vào ngày 10-5-2025 sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết rằng pho tượng phải được trả lại cho ngôi chùa Nhật Bản mà tượng này đã bị buôn lậu, theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin.
Việc bàn giao sẽ diễn ra khi sư trưởng chùa Kannonnji của Nhật Bản ở Tsushima, tỉnh Nagasaki, đến thăm chùa Buseoksa ở Yeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Chùa Buseoksa, được cho là chủ sở hữu thực sự của pho tượng Quán Thế Âm Bồ tát ngồi bằng đồng mạ vàng, khẳng định rằng di vật này đã bị cướp đi vào cuối thời kỳ Goryeo (918-1392).
Năm 2023, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã phán quyết rằng ngôi chùa Nhật Bản Kannonji là chủ sở hữu bất kể nguồn gốc của pho tượng, vì họ đã giữ tượng này một cách “bình yên và công khai” trong ít nhất 20 năm trước khi nó bị tuồn lậu ra khỏi Nhật Bản vào tháng 10-1012. Kể từ tháng 12 năm đó, chùa Buseoksa đã sở hữu pho tượng sau khi cảnh sát địa phương bắt được những kẻ buôn lậu.
Ban đầu chỉ trích quyết định của tòa án, nhưng năm nay chùa Buseoksa đã đồng ý chuyển giao tượng sau một buổi lễ kéo dài 100 ngày cho đến Lễ Phật Đản vào ngày 5-5-2025 vốn bao gồm cả việc công chúng được chiêm bái hiện vật này.
(heraldcorp.com – April 25, 2025)
ẤN ĐỘ: Đức Đạt lai Lạt ma cùng Phật tử chia buồn về sự ra đi của Giáo hoàng Francis
Đức Đạt lai Lạt ma đã chia buồn về sự ra đi của Giáo hoàng Francis, người đã từ trần vào ngày 21-4-2025 tại Vatican.
Lời tôn kính của Đức Đạt lai Lạt ma là một trong nhiều lời tôn kính từ khắp thế giới Phật giáo, nơi Giáo hoàng Francis được tưởng nhớ vì nhiều nỗ lực liên tôn giáo của ngài.
Giáo hoàng đã phải chịu đựng tình trạng sức khỏe kém trong nhiều tháng, khiến Phật tử và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác trên khắp thế giới cầu nguyện cho ngài hồi phục vào tháng trước. Vào thời điểm qua đời, Giáo hoàng Francis thọ 88 tuổi.
Trong một lá thư gửi đến Đức Hồng y Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa thánh tại Ấn Độ, Đức Đạt lai Lạt ma đã bày tỏ nỗi buồn khi biết tin Đức Giáo hoàng qua đời. Đức Đạt lai Lạt ma phát biểu rằng ngài đã cầu nguyện và chia buồn với các đạo hữu của Đức Giáo hoàng và những môn đệ của ngài trên khắp thế giới.
Một buổi lễ tưởng niệm được cộng đồng Tây Tạng tổ chức tại Tsuglagkhang, ngôi chùa Tây Tạng chính ở Dharamsala, Ấn Độ.
(Buddhistdoor Global – April 22, 2025)
HÀN QUỐC: Tranh cuộn Phật giáo treo tại Chùa Muryang được công nhận là Bảo vật quốc gia
Ngày 24-4-2025, bức tranh cuộn Phật giáo tại Chùa Muryang đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bức tranh cuộn về Đức Phật Di Lặc này dài 14 mét (45.9 feet), được lưu giữ tại Chùa Muryang ở Quận Buyeo, tỉnh Nam Chungcheong, vừa được Cơ quan Di sản Quốc gia công nhận là Bảo vật Quốc gia - 18 năm sau lần đầu tiên tranh được công nhận là Bảo vật vào năm 1997.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997, một bức tranh Phật giáo được nâng lên thành Bảo vật Quốc gia. Có khoảng 120 bức tranh Phật giáo tại Hàn Quốc, bao gồm 7 Bảo vật quốc gia và 55 Bảo vật.
Tranh cuộn Phật giáo khổ lớn thường được sử dụng trong các nghi lễ ngoài trời tại các chùa.
Các dòng chữ khắc ở dưới cùng của bức tranh cuộn tại Chùa Muryang ghi rằng tranh được vẽ vào năm 1627 trong thời Triều đại Joseon (1392–1910).
(joongang.co.kr - April 24, 2025)
TÍCH LAN: Triển lãm Xá lợi Răng Phật sau 16 năm
Lần đầu tiên sau 16 năm, Tích Lan trưng bày xá lợi răng thiêng của Đức Phật lịch sử cho công chúng như một phần của một lễ hội tôn giáo và văn hóa quan trọng. Triển lãm 10-ngày tại Chùa Xá lợi Răng thiêng ở thành phố Kandy sẽ kết thúc vào ngày 27-4-2025.
Nằm gần Cung điện Hoàng gia cổ đại ở Kandy, Chùa Xá lợi Răng thiêng, là một trung tâm thờ cúng được công nhận trên toàn cầu và là nơi lưu giữ xá lợi răng thiêng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngôi chùa này được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1988.
Từ thành phố Kalinga ở Ấn Độ cổ đại dưới thời trị vì của Vua Keerthi Sri Meghavarna (trị vì 301-328 sau Công Nguyên), xá lợi được Công chúa Hemamala và Hoàng tử Dantha mang đến Tích Lan. Xá lợi đã được di dời đến nhiều đền thờ khác nhau khi vương quốc này dời đô.
Xá lợi Răng Phật cuối cùng đã được đưa đến Kandy vào năm 1590, trở thành biểu tượng của Phật giáo Tích Lan và là một trong những ngôi đền được tôn kính nhất trong thế giới Phật giáo.
ẤN ĐỘ: Hội nghị Phật giáo tại Namsai bế mạc bằng những lời cầu nguyện
Namsai, Arunachal Pradesh - Ngày 23-4-2025, Hội nghị Quốc tế về ‘Phật pháp và Văn hóa Đông Bắc Ấn Độ’ đã kết thúc bằng màn thể hiện chân thành về sự đoàn kết, sự ấm áp về văn hóa và sự suy niệm tâm linh tại quần thể Chùa Vàng ở Namsai.
Ngày bắt đầu bằng những lời cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất gần đây ở Miến Điện và Thái Lan.
Vào cuối ngày, các đại biểu được chào đón trong một đại lễ truyền thống của cộng đồng Tai Khamti tại Tịnh xá Chongkham Raj, một trong những tu viện lâu đời nhất trong khu vực.
Hội nghị kết thúc bằng chuyến thăm một dự án tôn giáo lớn hiện đang được xây dựng - pho tượng Đức Phật cao 280 feet tại Lalpahar, được gọi là Noi Dhamm, sẽ là tượng Phật cao nhất ở bang Arunachal Pradesh.
Hội nghị ‘Phật pháp và Văn hóa Đông Bắc Ấn Độ’ là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, lòng trắc ẩn, và niềm tự hào về văn hóa được chia sẻ bởi người dân trong khu vực và cộng đồng Phật giáo toàn cầu.
(ANI – April 24, 2025)