NEPAL: Phật tử phản đối dự án mở rộng đường vành đai với lý do gây thiệt hại cho các khu di sản
Kathmandu, Nepal - Những người yêu quý di sản văn hóa Phật giáo đã phản đối dự án mở rộng Đường Vành đai của chính phủ, nói rằng dự án này nhằm phá hủy các di sản văn hóa trong khu vực Swayambhunath.
Dẫn chứng rằng các lực lượng khác nhau đang hoạt động chống lại các di tích tôn giáo và văn hóa bằng cách phá hủy chúng nhân danh các hoạt động phát triển ở Nepal, người dân theo đạo Phật của khu vực Swayambhu đã phản đối việc phá dỡ các cấu trúc khác nhau của khu vực Swayambhu vốn được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới.
Họ tuyên bố rằng các công ty Xây dựng CPN-UML, CPN-Maoist Center của Trung Quốc và chính phủ do cựu thủ tướng KP Oli lãnh đạo trước kia đã làm việc một cách gian trá để phá bỏ lần lượt các di tích văn hóa của thủ đô.
Một phần lớn của khu di sản Phật giáo và khu rừng xung quanh Swayambhunath nằm trong tầm ngắm của dự án mở rộng Đường Vành đai.
(NewsNow – February 2, 2022)
MÃ LAI: Tu viện hang động Đàm mô Thích Ca Mâu Ni đối mặt với sự tàn phá do khai thác đá
Một nhóm nhà sư tại Tu viện Đàm mô Thích Ca Mâu Ni ở Thung lũng Kinta của bang Perak đang tranh đấu để cứu lấy nhà của họ.
Được xây dựng trong các hang động đá vôi, tu viện này nằm trên khu đất vốn đã được cho một công ty khai thác đá thuê và các kế hoạch đang được tiến hành để bắt đầu khai thác trên núi. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm ngoái, Hội đồng thành phố Ipoh gần đó đã gửi thư ủng hộ tu viện trong nỗ lực chỉ định khu vực này là di sản văn hóa.
Tu viện Đàm mô Thích Ca Mâu Ni là một trong những ngôi chùa hang động đá vôi cuối cùng còn lại ở Mã Lai vẫn đang được hoạt động liên tục. Tại tu viện có khoảng 15 nhà sư sống toàn thời gian, và du khách đến từ các khu vực xung quanh để chiêm bái và tham dự các buổi pháp giảng.
Tuy nhiên Hiệp hội Xi măng Pan Malaysia (APMC) gần đây đã nộp đơn xin giấy phép để bắt đầu khai thác ngọn núi nơi tu viện tọa lạc, nói rằng họ có quyền hợp pháp đối với khu đất này và các nhà sư phải rời đi.
Hai ngọn núi kề cận khác đã bị phá hủy do khai thác đá, chỉ còn lại những bậc thang bằng đá và một mạng lưới đường xá.
Trong khi đó, ngọn núi xung quanh tu viện Đàm mô Thích Ca Mâu Ni có thảm thực vật tươi tốt và là nơi sinh sống của không chỉ các nhà sư, mà còn là của quần thể động thực vật vốn có thể bị đe dọa bởi sự tàn phá sâu hơn.
(Buddhistdoor – February 4, 2022)
TÂY TẠNG: Các nhà sư Tây Tạng bị chính quyền Trung Quốc đưa đến các trại lao động vì loan tin tượng Phật bị phá hủy
Vào tháng 1 -2022, 11 người Tây Tạng bị đánh đập và bắt giữ vì tung tin về việc chính quyền Trung Quốc đã phá hủy một pho tượng Phật cao 99 feet và hàng chục cối kinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Họ đã bị đưa đến các trại lao động trong khu vực.
Các nhà sư Tashi Dorjee, Tsering Samdup, Nyima Lhamo, và Trụ trì Pelga, cùng với trợ lý của Pelga là Nyima, và 6 người Tây Tạng không rõ danh tính khác đã bị bắt sau vụ phá hủy bức tượng và 45 cối kinh truyền thống ở hạt Drago của châu Kardze, Tỉnh tự trị Tây Tạng vào tháng 12-2021.
Nhà chức trách Trung Quốc đã bắt 11 người này vì nghi ngờ họ gửi tin tức và hình ảnh về vụ phá hủy pho tượng cho những người liên lạc bên ngoài khu vực.
(RFA – February 4, 2022)
Pho tượng Phật cao 99 feet ở tỉnh Tứ Xuyên, trước khi bị chính quyền Trung Quốc phá hủy
Photo: RFA
PAKISTAN: Các đồ tạo tác thuộc thời kỳ Phật giáo cách đây khoảng 1,800 năm được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ ở Swabi
PESHAWAR, Khyber-Pakhtunkhwa - Cục Khảo cổ và Bảo tàng tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa (K-P) đã phát hiện một số lượng lớn cổ vật và đồ tạo tác thuộc thời kỳ Phật giáo cách nay khoảng 1,800 năm.
Khám phá này đã được thực hiện tại làng Babu Dehri thuộc huyện Swabi của K-P và được xem là một thành công lớn trong lịch sử khảo cổ của tỉnh.
“Việc tìm thấy một số lượng lớn các hiện vật như vậy từ một địa điểm, bao gồm khoảng 400 đồ tạo tác và một bảo tháp lớn, là một kỳ công lớn và được xem là phát hiện lớn nhất của tỉnh”, Tiến sĩ Abdul Samad, Giám đốc Khảo cổ học K-P, nhận xét.
Tiến sĩ Samad cho biết tất cả những khám phá này đều có niên đại khoảng 1,800 năm thuộc thời kỳ Phật giáo.
(The Express Tribune - February 5, 2022)
Địa điểm khảo cổ ở Swabi, nơi phát hiện các đồ tạo tác thuộc thời kỳ Phật giáo cách đây khoảng 1,800 năm
Photos: pkmashable.com & EXPRESS TRIBUNE
ANH QUÓC: Hiệp hội Phật giáo Kendal cảm ơn Hòa thượng Piyatissa về 20 năm giảng pháp
Trong 20 năm qua, nhóm Hội Phật giáo của thị trấn Kendal đã hân hạnh được tổ chức các chuyến thăm và pháp giảng từ Hòa thượng Piyatissa, người đã mang lại hơn 50 năm kiến thức và kinh nghiệm cho nhóm.
Hòa thượng Piyatissa đã bắt đầu cuộc hành trình Phật giáo của mình tại Đại học Tích Lan, và đã truyền bá các bài thiền giảng, văn hóa Phật giáo, Giới luật và Giáo lý của Phật giáo.
Hòa thượng Piyatissa đã trụ trì tại Tịnh xá Phật giáo Ketumati của Manchester từ năm 1999.
Ông đã giảng dạy cho Hội Phật giáo Kendal trong 20 năm. Nhóm này được thành lập vào năm 1999 và làm việc chặt chẽ với nhóm Keswick và nhiều tổ chức khác trên khắp Vương quốc Anh.
Trước đại dịch Covid, ông thường đến Kendal mỗi tháng để thuyết pháp, tuy nhiên kể từ khi bị phong tỏa do dịch, Hội Phật giáo Kendal đã thích nghi bằng cách sử dụng các diễn đàn trực tuyến.
Hòa thượng Piyatissa cũng đã giảng dạy ở Stoke, Wolverhampton và nhiều nhóm khác trên khắp nước Anh.
(tipitaka.net – February 6, 2022)