LIÊN BANG NGA: Học viện Phật giáo Aginsky ở Siberia
Học viện Phật giáo Aginsky là một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp về tâm linh nằm ở làng Amithasha, thuộc Quận Agin-Buryat của Lãnh thổ Transbaikal (Zabaykalye), ở đông nam Siberia.
Mục đích học thuật của Học viện Phật giáo Aginsky là tích hợp giáo dục tâm linh và thế tục, đồng thời tìm ra sự tổng hợp kiến thức trong thực hành y học Tây và Đông phương.
Học viện hiện bao gồm các khoa triết học, chiêm tinh học, thiên văn học, nghệ thuật Phật giáo và y học Tây Tạng. Chương trình giáo dục kéo dài 4 năm, sau đó sinh viên nhận bằng tốt nghiệp trong các chuyên ngành của giảng viên-nhà nghiên cứu y học Tây Tạng, nhà triết học-thần học, và họa sư về hội họa Phật giáo. Họ được cấp bằng Cử nhân Khoa học Phật giáo.
Các nhà sư và Lạt ma của Học viện Phật giáo Aginsky nổi tiếng với học thuật vượt xa biên giới nước Nga, và trình độ kiến thức của họ được sánh ngang với các giảng viên Phật giáo hàng đầu của Tây Tạng và Mông Cổ.
(Buddhistdoor Global – September 21, 2021)
Học viện Phật giáo Aginsky ở Siberia
Photo: Buddhistdoor
ẤN ĐỘ: Hòa thượng Phật tử Dấn thân Bhikku Sanghasena được vinh danh với Giải thưởng Hòa bình Thế giới A. P. J. Abdul Kalam
Nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng và nhà sư Phật giáo gắn bó với xã hội, Hòa thượng Tỳ kheo Sanghasena đã nhận được Giải thưởng Hòa bình Thế giới Tiến sĩ A. P. J. Abdul Kalam lần thứ Bảy để ghi nhận những nỗ lực suốt đời của ông nhằm thúc đẩy hòa bình và thúc đẩy các giá trị của sự chính trực, chăm sóc từ bi và trách nhiệm xã hội.
Vinh dự này được trao tặng trong Hội nghị Hòa bình Quốc tế lần thứ 11 - tổ chức tại Viện Nghiên cứu Phật học Trung ương ở Leh tại Ladakh vào ngày 21-9-2021, nhân Ngày Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Hòa thượng Tỳ kheo Sanghasena là giám đốc tinh thần của Trung tâm Thiền định Quốc tế Mahabodhi (MIMC) phi lợi nhuận ở Ladakh, miền bắc Ấn Độ, là người sáng lập Quỹ Mahakaruna, Tổ chức Cứu Hi Mã Lạp Sơn, và là cố vấn tinh thần cho Mạng lưới Phật tử Dấn thân Quốc tế (INEB) .
Hòa thượng Tỳ Kheo Sangsena thành lập Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi (MIMC) ở Leh vào năm 1986. Kể từ đó, ông đã trở thành một gương mẫu của Phật giáo gắn bó với xã hội, khởi xướng nhiều dự án, sự kiện và sáng kiến,.
MIMC đã phát triển thành một khuôn viên mở rộng và trở thành trung tâm cho nhiều chương trình văn hóa xã hội và cộng đồng.
(Buddhistdoor Global – September 23, 2021)
MIẾN ĐIỆN: Các nhà sư tuần hành chống lại chính quyền quân sự
Ngày 25-9-2021, hàng chục các nhà sư Phật giáo ủng hộ dân chủ đã xuống đường tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Miến Điện, tuần hành để phản đối cuộc đảo chính quân sự trong các cuộc biểu tình trùng với lễ kỷ niệm 14 năm các cuộc biểu tình quần chúng do tu sĩ lãnh đạo trước đó.
Hàng chục nhà sư mặc áo cà sa màu cam tươi và màu đỏ thẫm đã diễn hành qua các đường phố của Mandalay với cờ và biểu ngữ, và ném những chiếc cờ hiệu nhiều màu lên không trung.
“Các nhà sư yêu mến sự thật đứng về phía người dân”, một lãnh đạo cuộc biểu tình nói.
Các nhà sư đã hô hào trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả các thành viên đảng chính trị của bà Aung San Suu Kyi, là đảng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Một số nhà sư mang bình bát úp ngược (là vật dụng thường được dùng để quyên đựng lương thực cúng dường từ cộng đồng) trong một biểu tượng phản đối để bác bỏ chế độ quân phiệt, vốn tự gọi mình là Hội đồng Hành chính Nhà nước.
“Chúng tôi phải chấp nhận rủi ro để phản đối, vì chúng tôi có thể bị bắt hoặc bị bắn bất cứ lúc nào. Chúng tôi không còn an toàn để sống trong tu viện của mình nữa", một nhà sư 35 tuổi nói.
(AFP – September 25, 2021)
TÍCH LAN: Người Tích Lan tổ chức lễ kỷ niệm thành lập Ni đoàn vào Ngày Binara Poya
Colombo, Tích Lan - Người Tích Lan đã kỷ niệm Ngày Binara Poya (ngày rằm tháng 6 theo lịch Sinhalese), nhằm ngày 20-9-2021.
Ngày Binara Poya có ý nghĩa đặc biệt đối với phụ nữ vì nó đánh dấu sự thành lập của Ni đoàn ở Ấn Độ vào thời Đức Phật: Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Kiều Đàm Ni) - kế mẫu của Thái tử Tất Đạt Đa, người đã nuôi dưỡng Ngài sau khi mẹ Ngài qua đời - mong muốn từ bỏ cuộc sống thế tục và trở thành một tỳ kheo ni.
Bà đã gặp Đức Phật và bày tỏ mong muốn của mình nhưng Ngài đã ba lần từ chối nhận bà vào giáo phái. Cuối cùng, bà đã đi cùng 500 phụ nữ Sakya với mái đầu cạo trọc và mặc áo choàng màu vàng đến gặp Đức Phật, và Đại đệ tử A Nan của Đức Phật đã cầu xin Ngài ban cho bà ước nguyện của mình. Cuối cùng, Đức Phật nói Ngài sẽ cho phép những phụ nữ tuân theo 8 Điều luật Khắt khe dành cho Ni giới được thọ giới.
Bà Ba Xà Ba Đề đồng ý với những điều kiện này. Bà và những người phụ nữ đi cùng đã được xuất gia làm Tỳ kheo ni vào ngày Binara Poya.
Vào thời đó khi phụ nữ có địa vị thấp hơn trong xã hội Ấn Độ, việc thành lập Ni đoàn đã giúp phụ nữ có quyền tự do xuất gia, tuân theo Giáo Pháp và đạt Đạo.
(Tipitaka Network - September 25, 2021)
ẤN ĐỘ: Dự án Chư Ni Tây Tạng thông báo thành công về việc gây quỹ cho Ni viện Dolma Ling
Dự án Chư Ni Tây Tạng - một tổ chức từ thiện được đăng ký tại Hoa Kỳ có trụ sở tại Seattle và ở quận Kangra của Himachal Pradesh, Ấn Độ - đã thông báo rằng một đợt gây quỹ thành công cho các nữ tu Phật tử của Ni viện và Học viện Dolma Ling đã mang lại một số tiện nghi nhà bếp hiện đại rất cần thiết để giúp cuộc sống của các ni cô dễ dàng hơn
“Nấu ăn cho khoảng 250 ni cô mỗi ngày là một thách thức, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch,” Dự án Chư Ni Tây Tạng phát biểu. “Mùa xuân này, các nữ tu tại Ni viện và Học viện Dolma Ling đã nhờ các bạn giúp đỡ để mua một nồi cơm điện, một máy làm bột, một tủ lạnh và hai bếp ga mới. Hiện nay các thiết bị nhà bếp này đã đến và các ni cô rất vui vì nhiệm vụ hàng ngày của họ an toàn hơn và dễ dàng hơn. ”
Được khánh thành bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma vào năm 2005, Ni viện và Học viện Biện chứng Phật giáo Dolma Ling nằm trong thung lũng Kangra gần Dharamsala, miền bắc Ấn Độ. Ni viện là học viện đầu tiên dành riêng cho giáo dục Phật giáo cấp cao hơn cho các nữ tu Phật giáo Tây Tạng từ tất cả các truyền thống, và được tài trợ hoàn toàn bởi Dự án Chư Ni Tây Tạng.
(Buddhistdoor Global – September 27, 2021)