ĐỨC: Khánh thành bảo tháp tại Đại Tịnh xá Hamburg
Đánh dấu một mốc quan trọng cho Phật tử tại Đức, bảo tháp đầu tiên đã được khánh thành tại Đại Tịnh xá Hamburg vào ngày 8-9-2018. Bảo tháp được đặc biệt mang đến từ Tích Lan, và công trình này liên quan đến việc thành lập một bảo tháp do Hòa thượng Tiến sĩ Rathmale Punnaratana của Đại Tịnh xá Hamburg khởi xướng, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Tích Lan tại Berlin.
Các xá lợi linh thiêng đã được tôn trí trong bào tháp tại một buổi lễ đặc biệt với sự tham gia của Đại Tăng đoàn cùng sự tham dự của một số quan chức của 2 nước.
Đông đảo của Phật tử Tích Lan và Đức tham dự và phụ giúp đã làm cho buổi lễ thành công tốt đẹp. Đại sứ Tích Lan Hettiarachchi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện lịch sử đặc biệt này, vốn sẽ cho phép và tạo thuận lợi cho người dân để suy nghiệm và thấm nhuần lời dạy của Đức Phật.
(NEWS.LK – September 23, 2018)
Khánh thành bảo tháp tại Đại Tịnh xá Hamburg
Photo: NEWS.LK
NHẬT BẢN: Các tu sĩ Nhật Bản chia sẻ kinh điển Phật giáo cổ đại thông qua âm nhạc hiện đại
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của một tu sĩ Phật giáo là tụng niệm kinh Phật như là một phần trong tu tập hàng ngày của mình.
Tuy nhiên, hai tu sĩ Nhật Bản - một tăng, một ni - đã có cách tiếp cận khác bằng cách truyền bá đạo Phật qua âm nhạc đương đại: tăng sĩ Kanho Yakushiji và ni cô Satoshi Yamamoto cùng kết hợp kinh điển Phật giáo với dàn nhạc và công nghệ hiện đại.
Yakushiji và Yamamoto thành lập ban nhạc Kissaquo vào năm 2003, và kể từ đó họ đã trình diễn âm nhạc của mình tại các chùa và các câu lạc bộ nhỏ. Các ca khúc của họ đặc biệt thu hút giới trẻ đến với Phật giáo. Và kể từ khi thành lập ban nhạc, cặp đôi này đã phát hành một số album, hiện có trên các nền tảng chia sẻ âm nhạc trực tuyến. Trong số các bản phát hành phổ biến nhất của 2 tăng ni ca sĩ này có Tâm Kinh, một trong những bản kinh nổi tiếng nhất trong Phật giáo Đại thừa, đã trở thành một bản hit của họ.
Một ni cô ca sĩ khác, trình diễn với nghệ danh Thần tượng-bồ tát (Idol-bosatsu), cũng đang thực hiện sứ mạng tương tự để thu hút thanh niên đến với Phật giáo. Cô hát những giai điệu techno-pop do các nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác.
(Buddhistdoor Global – September 24, 2018)
Nhà sư ca sĩ Kanho Yakushiji
Photo: nikkei.com
Ni cô ca sĩ Idol-bosatsu
Photo: twitter.com
THÁI LAN: Trường Đại học tăng sĩ của Thái Lan sẽ mở các khóa thạc sĩ và học vị tiến sĩ thiền định
Ngày 24-9-2018, một vị cao tăng từ Trường Đại học tăng sĩ Mahachulalongkornrajavidylaya ở Bangkok cho biết trường sẽ mở một chương trình thạc sĩ và học vị tiến sĩ về nghiên cứu ý thức và thiền định.
Phra Maha Hansa Thammahaso, giám đốc trường Cao đẳng Nghiên cứu Phật giáo của trường đại học này nói rằng trường đã ký một thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Phật giáo Dharma Gate (Pháp Môn) ở Hungary để cung cấp các khóa học này.
Các khóa học dựa trên những ý kiến và kết luận từ một hội thảo học thuật quốc tế được tổ chức gần đây về thiền định, vị giám đốc nói.
Các khóa học sẽ bắt đầu trong năm học tới, ông nói thêm.
(The Nation – September 24, 2018)
Trường Đại học tăng sĩ Mahachulalongkornrajavidylaya (Bangkok, Thái Lan)
Photo: studyinthailand.org
CỘNG HÒA KALMYKIA (Liên bang Nga): Hòa thượng Yelo Rinpoche hoằng pháp tại thủ đô Elista
Cao tăng Phật phái Gelug, Hòa thượng Yelo Rinpoche, đã từ nước cộng hòa Burytia sang thăm nước cộng hòa Kalmykia từ ngày 14 đến 25-9-2018 để hướng dẫn các nghi thức Mật tông hàng năm và thuyết pháp.
Chương trình được tổ chức tại ngôi chùa lớn nhất Âu châu - chùa Thích Ca Mâu Ni Kim Tự, còn gọi là chùa trung tâm - ở thủ đô Elista của Kalmykia.
Yelo Rinpoche sinh năm 1943 tại Tây Tạng. Năm 3 tuổi, ngài được công nhận là hóa thân thứ tư của Yelo Rinpoche, và 4 năm sau ngài thọ giới tu sĩ. Về sau ngài rời quê hương, sang Ấn Độ tu học và làm việc. Ngài đạt được trình độ giáo dục cao nhất trong truyền thống Gelug, gọi là geshe lharampa (tương đương với bằng tiến sĩ) vào năm 1979.
Năm 1993, theo lời khuyên của Đức Đạt lai Lạt ma, Yelo Rinpoche chuyển đến Buryatia – một trong những nước cộng hòa Phật giáo ở Liên bang Nga – và vào năm 2004 ngài thành lập chùa Datsan Rinpoche Bagsha tại thủ đô Ulan Ude của Buryatia.
(Buddhistdoor Global – September 26, 2018)
Yelo Rinpoche (đứng giữa) chủ trì các nghi thức Mật tông tại Elista, Kalmykia
Photo: shakyamuni.ru
PHI LUẬT TÂN: Tổ chức nhân đạo Phật giáo JTS cứu trợ nạn nhân trận siêu bão Mangkhut
Ngay sau khi trận bão lớn Mangkhut tấn công Luzon, hòn đảo nằm ở cực bắc và là đảo lớn nhất tại quần đảo Phi Luật Tân vào ngày 14-9-2018, tổ chức nhân đạo Phật giáo phi chính phủ Join Together Society (JTS) đã nhanh chóng triển khai một đội nhân viên cứu trợ tình nguyện để cứu trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trận siêu bão này.
Khi đến hiện trường, đội cứu trợ đã khảo sát tác động của bão và thiết lập hệ thống phân phối để cung cấp cho người dân địa phương các mặt hàng cơ bản và hàng cứu trợ, như gạo và các sản phẩm thực phẩm khác và các đồ gia dụng thiết yếu, bao gồm lưới chống muỗi, muỗng, chén dĩa, xà phòng, văn phòng phẩm và dụng cụ nấu ăn. Các tình nguyện viên JTS đã mang được hàng cứu trợ đến cho khoảng 440 hộ gia đình ở Itogon và hơn 65 hộ gia đình ở Loacan gần đó.
Hội JTP Quốc tế được thành lập vào năm 1993 bởi Thiền sư Hàn Quốc Pomnyun Sunim. Có trụ sở chính tại Seoul, Hàn Quốc, JTS điều hành các văn phòng chương trình tại Hàn Quốc, Đức và Mỹ, cùng với các văn phòng làm việc tại hiện trường ở Ấn Độ và Phi Luật Tân.
(Buddhistdoor Global – September 27, 2018)
Tổ chức nhân đạo Phật giáo JTS cứu trợ nạn nhân trận siêu bão Mangkhut
Photos: Kim Ji Hea & JTS