ẤN ĐỘ: Các nhà lãnh đạo Phật giáo bày tỏ lòng biết ơn chính phủ vì đã đưa ‘Pali’ vào danh sách ‘ngôn ngữ cổ điển’
Mumbai, Ấn Độ - Ngày 5-10-2024, các nhà lãnh đạo Phật giáo Ấn Độ đã gặp Thủ tướng Narendra Modi và bày tỏ lòng biết ơn đối với quyết định của chính quyền trung ương đưa tiếng Pali vào danh sách ‘ngôn ngữ cổ điển’.
Trong cuộc hội kiến, các nhà lãnh đạo Phật giáo cũng đã đọc một số câu thơ bằng tiếng Pali như một dấu hiệu của sự cảm kích.
Ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ thiêng liêng đối với Phật tử vì đây là ngôn ngữ của kinh điển Phật giáo Nguyên thủy - được gọi là Kinh điển Pali – vốn chứa đựng những giáo lý cốt lõi của Đức Phật. Nó kết nối những người thực hành với các nguồn gốc lịch sử của Phật giáo, làm phong phú thêm sự hiểu biết của họ về các khái niệm chính như vô thường, đau khổ và vô ngã.
Đức Phật đã sử dụng tiếng Pali để thuyết giảng và các tín đồ của Ngài đã sử dụng nó để truyền bá những lời dạy của Ngài trên khắp thế giới.
Vào ngày 3-10, Nội các Liên bang đã phê duyệt việc công nhận vị thế ngôn ngữ cổ điển cho các ngôn ngữ Marathi, Pali, Prakrit, Assam và Bengali.
BHUTAN: Hòa thượng Pomnyun Sunim khảo sát các dự án Phát triển Bền vững tại Bhutan
Hòa thượng Pomnyun Sunim - vị Pháp sư Hàn Quốc đáng kính và là nhà hoạt động Phật giáo dấn thân xã hội - đã trở lại Bhutan vào đầu tháng 9. Ông đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát cộng đồng và hoạt động phát triển xã hội trong các cộng đồng xa xôi, nhằm mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày và khảo sát kỹ các dự án phát triển bền vững vốn có thể đóng vai trò là mô hình để nhân rộng trên toàn thế giới.
Trong chuyến thăm gần đây nhất của mình, Hòa thượng Pomnyun Sunim đã tổ chức một hội thảo 3-ngày về phát triển bền vững cho các cộng đồng nông thôn ở miền trung Bhutan.
Các hoạt động của Hòa thượng Pomnyun Sunim tại Bhutan đang được tổ chức cứu trợ nhân đạo Phật giáo JTS Hàn Quốc thực hiện với sự hợp tác của Chính phủ Hoàng gia Bhutan.
Trong những ngày sau khi kết thúc hội thảo, Hòa thượng Pomnyun Sunim đã có bài thuyết trình tại trường Cao đẳng Hoàng gia Thimphu, và tổ chức các cuộc họp để thảo luận về hợp tác và cộng tác với các quan chức từ Hội đồng Du lịch Bhutan, Bộ Nông nghiệp và Hội Tarayana, nơi thực hiện các dự án xóa-nghèo ở các vùng nông thôn.
(Buddhistdoor Global – October 2, 2024)
HOA KỲ: Trung tâm Phật giáo Bodhi Path trên đảo Martha's Vineyard kỷ niệm 25 năm thành lập
Trung tâm Phật giáo Bodhi Path tại Martha’s Vineyard, Massachusetts, bắt đầu hoạt động vào năm 1999 và 25 năm sau, nơi đây đã trở thành trung tâm thực hành Phật giáo trên đảo này.
Vào ngày 18-9-2024, trung tâm đã kỷ niệm 25 năm thành lập bằng cách khánh thành một bảo tháp mới. Bảo tháp này bằng đá xám, có hình ảnh Đức Phật đang thiền định ở hai bên, được xây dựng tại Nepal và vận chuyển đến Hoa Kỳ.
Bảo tháp đã được lắp ráp bởi Celio Guimaraes - chủ doanh nghiệp cảnh quan địa phương tại Martha’s Vineyard - và được các thành viên của Bodhi Path đặt gần tòa nhà thiền định của trung tâm.
Bảo tháp nói trên của Trung tâm Phật giáo Bodhi Path có chứa những câu thần chú được viết trên giấy, cũng như những chiếc bình báu và một pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong 25 năm hoạt động, Trung tâm Phật giáo Bodhi Path tại Martha’s Vineyard đã tạo dựng được danh tiếng là một thiên đường yên tĩnh và thanh bình. Tọa lạc tại thị trấn West Tisbury và do vị thầy thường trú là Lạt ma Yeshe Drolma điều hành, Trung tâm Phật giáo Bodhi Path cung cấp 3 buổi thiền định hàng tuần và thường xuyên tiếp đón các vị thầy và tôn bảo đến thăm từ mạng lưới Bodhi Path.
(Buddhistdoor Global – October 3, 2024)
ẤN ĐỘ: Dự án Chư ni Tây Tạng công bố kết quả kỳ thi Geshema 2024 dành cho các nữ tu sĩ Phật giáo
Dự án Chư ni Tây Tạng (TNP), một tổ chức từ thiện tại Hoa Kỳ - có trụ sở ở Seattle và Quận Kangra của bang Himachal Pradesh, Ấn Độ - vào tháng 8 đã công bố kết quả kỳ thi kỷ lục 144 nữ tu sĩ Phật giáo vốn trải qua nhiều cấp độ khác nhau của quá trình thi geshema. Các kết quả này bao gồm 13 geshemas mới sẽ tốt nghiệp trong năm nay.
“Kết quả kỳ thi Geshema năm 2024 đã có!” TNP cho biết trong một thông báo. “Vào mùa hè, một số lượng kỷ lục các nữ tu Phật giáo Tây Tạng đã tham gia nhiều cấp độ khác nhau của kỳ thi 4 năm để lấy bằng geshema. Trong số 144 ni cô, có 123 người đã thi đỗ, đạt tỷ lệ đỗ là 85 %. Tất cả 13 ni cô đã tham gia kỳ thi năm thứ tư và cũng là năm cuối cùng đều đã đỗ.”
Kỳ thi Geshema (tương đương với bằng Tiến sĩ về nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng) năm nay được tổ chức tại Ni viện Jangchub Choeling ở Mundgod, miền nam Ấn Độ, từ ngày 21-7 đến ngày 15-8.
Một buổi lễ tốt nghiệp chính thức cho 13 geshemas mới sẽ được tổ chức vào tháng 11, sau cuộc tranh biện liên-tu viện thường niên tại Bồ Đề Đạo Tràng. Sự kiện này sẽ nâng tổng số geshemas lên 73 kể từ năm 2012.
(NewsNow – October 3, 2024)
BA LAN: Hội Phật giáo Từ Tế cứu trợ lũ lụt tại Ba Lan
Sau trận bão Boris gây ra lũ lụt trải rộng ở nhiều nơi tại châu Âu, Hội Phật giáo Từ Tế Đài Loan đã chia sẻ thông báo về chương trình gần đây của hội nhằm cứu trợ nhân đạo cho các gia đình ở Ba Lan.
Bão Boris, một áp thấp sâu trên vùng Trung và Đông Âu, đã mang đến những điều kiện thời tiết khắc nghiệt bao gồm lượng mưa kỷ lục đối với một số quốc gia châu Âu từ ngày 14 đến 21-9-2024.
Vào ngày 17-9, Hội Từ Tế đã huy động các tình nguyện viên của mình đến thị trấn Klodzko bị ảnh hưởng nặng nề nhất - là nơi sinh sống của khoảng 26,000 người, nơi ước tính 80 % nhà cửa đã bị phá hủy - và ngôi làng Oldrzychowice Klodzkie. Ở cả 2 khu vực này, nhiều con đường đã bị tê liệt và các cây cầu đã bị sập.
Các tình nguyện viên của Từ Tế đã đi thăm từng nhà của những gia đình bị ảnh hưởng cho đến tận đêm ngày 17-9 để phân phát chăn, thẻ tiền mặt trị giá khoảng 157 USD mỗi thẻ, đồ dùng vệ sinh và các hàng hóa thiết yếu khác.
(NewsNow – October 3, 2024)