ẤN ĐỘ - NEPAL: Mạng mạch Phật giáo: tuyến du lịch xuyên quốc gia từ Ấn Độ đến Nepal
Ấn Độ hào hứng công bố rằng Mạng mạch Phật giáo sẽ là tuyến du lịch xuyên quốc gia đầu tiên của nước này bằng cách kết hợp với Lâm Tì Ni của Nepal.
Nỗ lực này sẽ thúc đẩy du lịch tại Nepal và Tích Lan, bên cạnh ngành du lịch tại Ấn Độ, với những di tích trong mạng mạch Phật giáo cũng như mạng mạch Ấn giáo Ramayana bắc qua 2 nước kia.
Bản đồ mạng mạch Phật giáo như dự định bao gồm Bồ Đề Đạo Tràng, Vaishali, Thành Vương Xá và Câu Thi Na ở bang Bihar, Vườn Lộc Uyến và Thành Vệ Xá ở bang Uttar Pradesh, cùng với Ca Tỳ La Vệ và Lâm Tì Ni ở Nepal.
Một trung tâm hội nghị có sức chứa 2,500 người đã được phê duyệt tại Bồ Đề Đạo Tràng, để các nhóm công ty có thể tổ chức các cuộc hội nghị trong khi đi theo tour mạng mạch Phật giáo.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không Dân dụng của Nepal cho biết mạng mạch Phật giáo 160 km theo kế hoạch sẽ kết hợp 10 di tích Phật giáo lớn, bao gồm Ca Tỳ La Vệ, Devdaha và Ramgram ở Nepal.
(Kathmandu Post – June 1, 2016)
PAKISTAN: Chư tăng Tích Lan viếng các di tích Phật giáo tại thành phố Mardan
Takhtbhai, Mardan – Ngày 31-5-2016, ông Daya Gamage, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Tích Lan đã ca ngợi những nỗ lực của chính phủ Pakistan trong việc bảo tồn các di tích Phật giáo trên toàn quốc. đặc biệt là ở Takhtbhai.
Ông Daya Gamage và phu nhân là bà Anoma Gamage, Bộ trưởng Dầu khí và Tài nguyên Thiên nhiên, đã đi cùng một nhóm 16 nhà sư và 8 nữ du khách đến viếng tu viện Phật giáo Takhtbhai.
Chuyến thăm dành cho du khách Tích Lan này đã được sắp xếp bởi Mohsin S.Haqqani, Thư ký Liên bang về Lịch sử và Văn học Quốc gia Pakistan. Chư tăng và các vị chức sắc Tích Lan đã cầu nguyện tại bảo tháp chính và viếng những phần khác nhau của di tích Phật giáo này.
Bộ trưởng Daya Gamage nói với các phóng viên rằng việc duy trì và bảo quản tốt các di tích khảo cổ cho thấy lòng khoan dung về tôn giáo của nhân dân Pakistan.
(thenews.com.pk – June 1, 2016)
CỘNG HÒA KALMYKIA (NGA): Ra mắt dịch vụ tin nhắn Phật giáo cho 500 triệu người sử dụng
Một dịch vụ tin nhắn mới tìm cách liên kết 500 triệu Phật tử trên khắp thế giới sẽ ra mắt tại Kalmykia, một vùng thuộc Nga có dân số Phật giáo lớn. Khoảng 1 triệu usd sẽ được đầu tư vào dự án này. Nhà đầu tư chính kiêm tác giả của dự án là Kirsan Ilyunzhinov, cựu Tổng thống của Kalmykia. Ông đã phát triển ứng dụng cho App Store và Google Play.
“Nó tương tự như các tin nhắn khác: miễn phí, có thể gởi video, mail, thực hiện cuộc gọi điện thoại,” ông Ilyunzhinov nói. “Thêm vào đó nó sẽ phổ biến các bài giảng từ các vị cao tăng Phật giáo”.
Ban đầu, dịch vụ tin nhắn này dự kiến ra mắt vào tháng 5 trùng với lễ Phật Đản, nhưng phải hoãn lại cho đến ngày 6-6 nhằm sinh nhật thứ 81 của Đức Đạt lai Lạt ma.
(NewsNow – June 2, 2016)
TÍCH LAN: Lễ cúng dường và cầu an sau khi kết thúc việc tìm kiếm nạn nhân vụ lở đất ở Aranayake
Colombo, Tích Lan – Ngày 2-6-2016, chư tăng Tích Lan đã tổ chức một buổi lễ tôn giáo để tích công đức cho hơn 100 dân làng bị chôn vùi trong vụ lở đất của núi Samasara ở Aranayake trước đó 2 tuần, sau khi các nhân viên cứu hộ chính thức kết thúc việc tìm kiếm những người đã thiệt mạng.
Tại trường Hathgampola Maha Vidyalaya, một lễ cúng dường vật phẩm đã diễn ra vào ngày này để tích đức cho những người đã chết trong thảm họa. Và 60 nhà sư đã tụng kinh Seth Pirith để cầu an phước cho người dân.
Các lực lượng an ninh đã chính thức kết thúc việc tìm những người mất tích theo yêu cầu của thân nhân sau vụ lở đất lớn chôn vùi 3 ngôi làng tại Aranakaye ở huyện Kegalle vào ngày 17-5-2016.
(Colombo Page – June 2, 2016)
HÀN QUỐC – NHẬT BẢN: Triển lãm “Bồ tát Trầm mặc: Bảo vật của Hàn-Nhật”
Seoul và Tokyo đã phối hợp tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt với các bảo vật quốc gia từ cả hai nước để kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Triển lãm kỷ niệm này mang tên “Bồ tát Trầm mặc: Bảo vật của Hàn Quốc và Nhật Bản”, diễn ra tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc từ ngày 24-5 đến 12-6, và sau đó sẽ đến trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản, từ ngày 21-6 đến 10-7-2016.
Tượng bồ tát trầm mặc của Hàn Quốc bằng đồng mạ vàng, được cho là tạo tác vào thế kỷ thứ 6 của thời Ba Vương quốc của Triều Tiên (812-936).
Với vị trí đối diện tượng của Hàn Quốc, pho tượng bồ tát trầm mặc của Nhật Bản sẫm màu hơn và lớn hơn nhiều, với chiều cao 167.5 cm. Được làm từ 11 mảnh gỗ cây long não, tượng này có nguồn gốc từ thời Asuka vào cuối thế kỷ 17. Tư thế của tượng Nhật Bản rất giống với tượng của Hàn Quốc.
(tipitaka.net – June 6, 2016)
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới