Diệu Âm lược dịch
BANGLADESH: Áp dụng lệnh cấm khi viếng Chùa Vàng ở Bandarban
Ngày 14-02-2016, các viên chức của Chùa Vàng ở huyện Bandarban đã ban một lệnh cấm khi đến viếng ngôi chùa này, nơi được xem là điểm thu hút chính đối với khách du lịch và là một thánh địa đối với Phật tử.
Quyết định nói trên sẽ có hiệu lực vào ngày 20-2-2016 trong khi các tín đồ vẫn sẽ được phép vào chùa,
Các viên chức của chùa đã đưa ra quyết định này là vì du khách đến đây thường làm hỏng môi trường của thánh địa qua việc ném xả các loại đồ vật khác nhau khắp chùa.
Shib Nath, một thành viên của ủy ban bảo trì Chùa Vàng, nói rằng du khách từng đến viếng chùa này thường chạm vào tác phẩm điêu khắc của Phật giáo và mang cả giày khi đi vào trong chùa. Điều đáng nói là vào ngày 14-2, có cả một nhóm du khách cố mang giày vào chùa nên đã tạo ra một tình huống không mong muốn.
Sau đó các viên chức của chùa đã đưa ra quyết định nói trên.
Được xây vào năm 2000, Chùa Vàng thuộc tông phái Phật giáo Nguyên thủy vốn được người dân Marma bản địa thực hành.
(Dhaka Tribune – February 15, 2016)
ẤN ĐỘ: Chính quyền bang Maharashtra chấp thuận sáng kiến dịch Tam Tạng Kinh sang tiếng Marathi
Chính quyền bang Maharashtra của Ấn Độ đã đồng ý thành lập một ủy ban để dịch Kinh Tam Tạng từ tiếng Phạn sang tiếng Marathi để kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar - học giả, nhà hoạt động xã hội và là nhà cải cách Ấn Độ. Viện Nghiên cứu và Đào tạo Babasaheb Ambedkar (BARTI) đã đề xuất dự án này với chính quyền vào tháng 8 năm ngoái.
Marathi là một ngôn ngữ Ấn-Aryan chịu ảnh hưởng mạnh bởi tiếng Phạn. Là một trong 23 ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ, Marathi là ngôn ngữ chính thức của bang Maharashtra và là ngôn ngữ bán chính thức của bang Goa. Theo số liệu điều tra dân số, có 73 triệu người nói tiếng Marathi ở Ấn Độ vào năm 2001.
Dự án tại bang Maharashtra này phản ảnh sự cam kết đầy tham vọng của sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu 84000, vốn vào năm 2010 đã bắt đầu dịch các ngôn từ và những lời Phật dạy sang các ngôn ngữ hiện đại với mục đích bảo tồn và truyền bá giáo lý đến với mọi người.
(Buddhistdoor Global – February 15, 2016)
MÃ LAI: Chùa Than Hsiang cùng 34 tổ chức Phật giáo mừng Tết Nguyên Đán
Penang, Mã Lai – Trong tinh thần Tết Nguyên Đán, Chùa Than Hsiang cùng với 34 tổ chức Phật giáo đã tổ chức một đại lễ tại trường Phật giáo SMJK Phor Tay ở Jalan Sungai Dua, Penang.
Các nhà sư Chùa Than Hsiang cử hành lễ cầu phúc và Thượng tọa Wei Wu trụ trì chùa đã thuyết pháp trước 1,000 người tham dự. Ông cũng chia sẻ một số trải nghiệm cuộc sống cá nhân với họ. Ông nói, “Giáo dục không chỉ quan trọng đối với sự thành công mà còn đối với tôn giáo nữa. Nó còn hơn cả việc chỉ đạt được kiến thức. Mục tiêu của chúng ta là củng cố các giá trị đạo đức và tôn giáo trong thế hệ mới”.
Ông cho biết Chùa Than Hsiang nhận được khoảng 2 triệu RM một năm thông qua việc cúng dường chủ yếu từ công chúng. Tiền này được dùng để giúp điều hành 4 trường Phor Tay, tổ chức các hoạt động tôn giáo và hỗ trợ các tổ chức từ thiện.
(The Star – February 17, 2016)
MIẾN ĐIỆN: Ngắm hàng nghìn đền chùa tại Bagar từ khinh khí cầu
Theo bài báo của tác giả Molly Sinclair McCartney mô tả, cuộc hành trình ngắm chùa chiền ở miền trung Miến Điện bằng khinh khí cầu thật thú vị:
“…Đây là Khu Khảo cổ Bagar ở miền trung Miến Điện. Tại đây, trong một diện tích khoảng 16 dặm vuông, hơn 4,450 đền chùa chủ yếu là của Phật giáo đã được xây dựng trong sự sùng tín cao độ, vốn kéo dài từ thế kỷ 11 đến 13. Khoảng 2,200 đền chùa vẫn tồn tại, mặc dù nhiều chùa đã bị hư hại bởi các trận động đất, lũ lụt và sự xâm lược.
Và cách tốt nhất để ngắm chúng là bằng khinh khí cầu. Khi phi công đưa chúng tôi lên không trung, 15 khách đồng hành và tôi đã được xem một cuộc trưng bày đầy ấn tượng và gây sững sờ trên mặt đất bên dưới. Một số chùa không lớn hơn các nhà kho chứa vật dụng, trong khi những chùa khác thì cao nhiều tầng với các ngọn tháp gợi nhớ các tháp chuông nhà thờ ở quê nhà…Một số chùa nằm thành nhóm. Một số lại nằm đơn độc. Hầu hết là màu đỏ, là màu của gạch bằng đất, nhưng tôi còn thấy một số chùa vàng và một số chùa màu trắng. Điều thấy rõ ở đây là nỗ lực của các nhà cầm quyền đầy quyền uy và các gia đình giàu có trong việc xây thật nhiều đến mức có thể các đền chùa và kiến trúc tôn giáo trong những năm cường thịnh nhất của Bagar…”
(newsnow.com – February 19, 2016)
HOA KỲ: Truyện tranh ‘Tiểu Tất (Đạt Đa) – Little Sid’
New York, Hoa Kỳ - Nhà xuất bản truyện tranh First Second Books nhân kỷ niệm 10 năm thành lập đã công bố một tựa truyện sắp tới cho Mùa đông 2018: Tiểu Tất (Đạt Đa) – Little Sid.
Truyện được viết bởi Ian Lendler và minh họa bởi Xanthe Bouma. Tác giả Ian Lendler đã từng viết nhiều truyện tranh khác, còn Xanthe Bouma là một họa sĩ minh họa tự do vừa tốt nghiệp Học viện Cao đẳng Nghệ thuật Maryland.
Truyện kể về Tất Đạt Đa trước khi thành Phật. Là thái tử, được hưởng mọi thứ mình muốn, tuy vậy ngài không hài lòng. Truyện pha trộn những truyện ngụ ngôn nổi tiếng của Phật giáo với một câu chuyện phiêu lưu để dạy cho trẻ em một số khái niệm của Phật giáo.
Trước khi thành Phật, Tất Đạt Đa là một người đàn ông bình thường. Và trước khi Tất Đạt Đa trưởng thành, ngài là Tiểu Tất – một cậu bé bình thường. Giống như chúng ta nếu chúng ta là một thái tử có được mọi thứ ta mong ước. Nhưng lối sống vương giả này khiển Tiểu Tất cảm thấy không hài lòng, vì vậy cậu bé mạo hiểm rời lâu đài để tìm một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Pha trộn những cuộc phiêu lưu của một cậu bé trên đường với một số truyện ngụ ngôn nổi tiếng nhất của Phật giáo, ‘Tiểu Tất’ không chỉ có mục đích dạy cho trẻ em những tư tưởng quan trọng nhất của Phật giáo là còn dạy chúng trở thành người tốt.
(Tipitaka Network – February 21, 2016)
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới