CỘNG HÒA KALMYLKIA: Hội nghị Quốc tế lần thứ 4 về Nghiên cứu và Thực hành Phật giáo Kim Cương Thừa tại Elista
Di sản sống của Phật giáo tại Liên bang Nga được tổ chức và học tập tại Hội nghị Quốc tế Nghiên cứu và Thực hành Phật giáo Kim Cương Thừa lần thứ 4 tại thủ đô Elista của Kalmykia. Với chủ đề ‘Các Truyền thống và Đổi mới”, sự kiện này diễn ra từ ngày 21 đến 26-4-2014, do Hiệp hội Phật tử Nga của Truyền thống Kim Cương Thừa Karma Kagyu và Viện Nghiên cứu Nhân đạo Kalmykian của Viện Khoa học Nga đồng tổ chức.
Những mục tiêu chính của hội nghị là thực hiện đối thoại liên ngành, chia sẻ nghiên cứu về Phật giáo Kim Cương Thừa và sự tương tác của truyền thống này với các truyền thống khác, và cung cấp một mạng lưới kết hợp và hỗ trợ cho học viên và học giả Kim Cương Thừa.
Hội nghị có một danh mục đầy đủ các đề tài cho thảo luận, làm nổi bật sự hiện hữu lâu dài và phong phú của Phật giáo trong Liên bang Nga (một lịch sử Phật giáo xưa nhất châu Âu).
(Buddhistdoor International – April 23, 2014)
Học viên tại tu viện Phật giáo Trung ương Kalmykia “Geden Sheddup Chol Korling” Photo: Smart News
NEPAL: Lễ hỏa táng theo Phật giáo cho các nạn nhân vụ tuyết lở
Vào ngày 21-4-2014, các lễ hỏa táng Phật giáo cho 13 hướng dẫn viên leo núi người Sherpa đã được thực hiện tại thủ đô Kathmandu của Nepal. Họ đã bị chết trong một trận lở tuyết trên Núi Everest vào ngày 18-4, trong khi đang chuẩn bị trước cho các nhà leo núi ngoại quốc. Thi thể họ được vận chuyển trong một đám rước danh dự qua các đường phố của Kathmandu, với điểm đến cuối cùng là khu phức hợp tôn giáo chung quanh bảo tháp Swayambhunath. Ba hướng dẫn viên khác phải nhập viện với những vết thương nghiêm trọng, trong khi một cuộc tìm kiếm 3 người khác bị mất tích vẫn đang tiếp tục tiến hành.
Quỹ Hi Mã Lạp Sơn Hoa Kỳ tại San Francisco, C A, đã tạo một Quỹ Gia đình Sherpa, hứa rằng “100% tiền quyên góp sẽ đi trực tiếp để giúp các gia đình của những người quá cố”.
(Shambhala Sun – April 23, 2014)
Hỏa táng tại Kathmandu cho nạn nhân vụ tuyết lở trên Núi Everest
Photo: nbcnews.com
PAKISTAN: Tổng thống Pakistan phát biểu về việc bảo tồn di sản Gandhara
Tổng thống Pakistan, ông Mamnoon Husain, nói rằng chính phủ nước này rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa thế giới Gandhara, không những để thúc đẩy hòa hợp liên tôn giáo mà còn để phát triển ngành du lịch trong nước.
Tổng thống đã nói điều này trong khi tiếp kiến bà Park kyo Soon, Tổng Thư ký Hiệp hội Nghệ thuật và Văn hóa Gandhara, khi bà viếng thăm ông vào ngày 14-4-2014 tại Aiwan-e-Sadr (Dinh Tổng thống).
Tổng thống Mamnoon Husain đánh giá cao vai trò của bà Park kyo Soon trong việc quảng bá di sản Gandhara và nói rằngPakistan có một di sản khảo cổ học Phật giáo phong phú mà nước này đã hết lòng gìn giữ và bảo vệ.
Ông nói sự tồn tại của nhiều thánh địa Phật giáo tại Gandhara, vốn rất linh thiêng đối với Phật tử, là một phần quan trọng của nền văn hóa lịch sử Pakistan.
(buddhistartnews – April 24, 2014)
Tượng Bồ tát thiền định (Nghệ thuật Phật giáo phong cách Gandhara)
Photo: wikipedia.org
TÍCH LAN: Tổng thống Tích Lan yêu cầu sử dụng hình ảnh của Đức Phật một cách khôn ngoan
Trong một cuộc họp được tổ chức vào ngày 24-4-2014, Tổng thống Rajapaksa đã yêu cầu những người đứng đầu các phương tiện truyền thông phải thông báo với công chúng việc sử dụng hình ảnh của Đức Phật một cách khôn ngoan và không dùng hình ảnh này trong các hoạt động hàng ngày vì điều đó có thể là thiếu tôn trọng.
Tích Lan ngày càng trở nên quan tâm hơn đến những gì được xem như là một sự xúc phạm đến Phật giáo.
Vào ngày 21-4-2014, tòa án thành phố Negombo đã trục xuất một phụ nữ Anh, người đã bị cảnh sát Katunayake bắt vì phô bày một hình xăm Đức Phật ngồi trên tòa sen trên cánh tay phải của cô này khi cô đến từ Mumbai, Ấn Độ.
Tháng 3 năm ngoái, Tích Lan đã ngăn cấm một du khách Anh khác vào quốc đảo này vì trên cánh tay người ấy có hình xăm Đức Phật.
(Sri Lanka News – April 24, 2014)
Nữ du khách Anh bị Tích Lan trục xuất vì có hình xăm Đức Phật trên cánh tay
Photo: London Evening Standard
NEPAL: Chương trình Nghiên cứu Phật giáo với Ngôn ngữ Hi Mã Lạp Sơn
Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo tại Viện Rangjung Yeshe (ở Boudhanath, Kathmandu) cung cấp một chương trình 4-năm về Nghiên cứu Phật giáo với Ngôn ngữ Hi Mã Lạp Sơn, dẫn đến bằng Cử nhân.
Các khóa trong chương trình cử nhân thuộc 2 lĩnh vực nghiên cứu chính: Triết học, Lịch sử và Văn hóa Phật giáo, và Ngôn ngữ Hi Mã Lạp Sơn. Đối với bằng Cử nhân, khoảng 2/3 của các khóa này liên quan đến triết học Phật giáo, trong khi 1/3 còn lại là các khóa học bằng các ngôn ngữ vùng Hi Mã Lạp Sơn như là Tây Tạng, tiếng Phạn và Nepal. Sinh viên có thể chọn lựa để nhấn mạnh triết học qua ngôn ngữ hoặc ngược lại.
Vào cuối chương trình cử nhân, những sinh viên thành công sẽ phát triển một kiến thức rộng về truyền thống Phật giáo Ấn-Tạng và về sự phát triển lịch sử và triết học của nó, và đạt được một kiến thức sâu sắc về sự tiếp cận của Tây Tạng với nghiên cứu triết học Phật giáo.
(Buddha Dharma – April 27, 2014)
Biểu trưng của Viện Rangjung Yeshe
Photo: RYI
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới