HÀN QUỐC: Kinh điển Phật giáo cổ đại được phơi gió lần đầu tiên sau 123 năm
Hôm thứ Năm 7-10-2021, các nhà sư tại chùa Haein ở Hapcheon, tỉnh Gyeongsang Nam đã phơi 1,270 bản văn của Tam Tạng kinh điển Koreana dưới ánh nắng mặt trời lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ qua.
Quy trình này bảo đảm rằng những cuốn kinh sách - vốn được in trên giấy bằng bộ sưu tập mộc bản độc đáo của chùa này - không bị ẩm mốc hoặc bạc màu sau đợt gió mùa mùa hè. Các ghi chép lịch sử cho thấy những cuốn sách được phơi khô dưới ánh sáng mặt trời 3 năm một lần.
Ngôi đền đã phơi một số văn bản vào năm 2017, nhưng đây là lần đầu tiên sau 123 năm, tất cả kinh sách này được phơi gió.
Đây là bộ sưu tập bao gồm văn bản Phật giáo cốt lõi của Tam Tạng kinh, cũng như vô số lời bình và các tài liệu khác từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14.
(chosun.com - October 8, 2021)
THÁI LAN: Đền chùa ngập nước khi lũ lụt ập vào thành phố lịch sử của Thái Lan
Một số ngôi chùa ở thành phố lịch sử Ayutthaya của Thái Lan đã chìm trong nước vào hôm thứ Tư 6-10, khi mưa lớn gió mùa làm ngập lụt các tỉnh trên khắp đất nước.
Chính quyền thành phố cho biết hơn 40 ngôi đền ở Ayutthaya - nơi có những ngôi đền, phế tích và di tích Phật giáo cổ - đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Tại một trong những ngôi đền chùa này, Wat Satue, các nhà sư chèo những chiếc thuyền nhỏ qua vùng nước ngập từ đùi đến cổ. "Đây là trận lụt tồi tệ nhất trong 10 năm", sư trụ trì Phra Kru Pariyat Yathikhun nói với Reuters qua điện thoại, và cho biết thêm rằng các cộng đồng xung quanh cũng bị ngập lụt.
Các nhà chức trách đã ban hành cảnh báo lũ lụt trên khắp đất nước trong hai tuần qua vì cơn bão nhiệt đới Dianmu gây ra lũ quét ở 32 trong số 76 tỉnh của Thái Lan, giết chết 9 người và ảnh hưởng đến gần 300,000 hộ gia đình.
(Big News Network – October 8, 2021)
NEPAL: Bangladesh xây dựng Tu viện Phật giáo ở Lâm Tì Ni của Nepal
Chính phủ Bangladesh đã ký một thỏa thuận với Tổ chức Tín thác Phát triển Lâm Tì Ni để xây dựng một tu viện Phật giáo ở Lâm Tì Ni, Nepal.
Thỏa thuận đã được ký kết bởi Đại sứ Bangldesh Salahuddin Noman Chowdhury và Phó Chủ tịch Tổ chức Tín thác Phát triển Lâm Tì Ni, Đại đức Metteyya Sakyaputta - thay mặt cho các bên của họ ký kết tại một buổi lễ được tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Tín thác Phát triển Lâm Tì Ni vào chiều thứ Sáu, 8-10-2021.
Theo thỏa thuận, Bangladesh sẽ xây dựng một tu viện trên lô đất do Tổ chức Tín thác Phát triển Lâm Tì Ni giao cho mục đích này.
Ông Saroj Bhattarai, Trưởng dự án của Tổ chức Tín thác Phát triển Lâm Tì Ni, và Md Alamgir Islam Khan, Bí thư thứ nhất từ Đại sứ quán Bangladesh, đã có mặt tại lễ ký kết nói trên.
(tbsnews.net – October 10, 2021)
PAKISTAN: Phái đoàn Phật giáo Pakistan thăm Bảo tàng Di sản
ISLAMABAD, Pakistan –Ngày 10-10-2021, một phái đoàn Phật tử Pakistan đã đến thăm Bảo tàng Di sản Quốc gia tại Lok Virsa.
Các quan chức của Bảo tàng Di sản Lok Virsa đã nhiệt liệt chào đón đoàn.
Đoàn Phật tử đã được giới thiệu tóm tắt về các trưng bày tại Bảo tàng và phòng trưng bày các bức tượng Phật giáo, đồ cổ và đồ tạo tác.
Giám đốc Điều hành Lok Virsa Talha Ali cho biết chuyến thăm của các chức sắc đến Bảo tàng Di sản nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của di sản văn hóa liên quan đến Phật giáo.
Ông cho biết Lok Virsa đã thực hiện một số bước để thu hút khách du lịch, học giả và nhà nghiên cứu đến với Bảo tàng Di sản.
Đoàn cũng đã tham quan các góc văn hóa của Bảo tàng và cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và tạo điều kiện thuận lợi của Lok Virsa.
(APP – October 11, 2021)
ẤN ĐỘ: Bảo tàng Quốc gia được thay đổi với 3 phòng trưng bày mới về nghệ thuật Phật giáo
Một không gian rộng 10,000 feet vuông trên 3 hội trường tại Bảo tàng Quốc gia đã được dành để trưng bày các cổ vật Trung Á vô giá - là một phần của kho lưu trữ của bảo tàng trong một thập kỷ, nhưng chưa bao giờ thực sự có được sự chú ý của mọi người. “Với điều này, nó trở thành bảo tàng thứ tư trên thế giới trưng bày bộ sưu tập như vậy, sau các bảo tàng ở Anh, Đức và Nga,” Subrata Nath, Tổng Giám đốc Bổ sung của bảo tàng cho biết.
Từ 12,000 tác phẩm có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 12, có tới 170 kiệt tác đã được lựa chọn cẩn thận để trưng bày.
Cùng với nhau, 3 phòng trưng bày mới này nhằm mục đích thiết lập các chứng thư của Ấn Độ như là nơi khai sinh ra Phật giáo, từ đó Phật giáo về sau lan rộng ra các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Hoa.
Toàn bộ dự án chỉnh trang này là nhằm hướng tới cuộc họp G20 dự kiến diễn ra vào năm 2023, khi nhiều nguyên thủ quốc gia và chính phủ, cùng các chức sắc khác sẽ đến thăm Thủ đô New Delhi. Mục đích là biến bảo tàng thành nơi trưng bày văn hóa của đất nước và giới thiệu di sản Phật giáo của Ấn Độ cho những người không biết về nó.
Tòa nhà bảo tàng đã mất 18 tháng để hiệu chỉnh lại và giám định các phòng trưng bày Phật giáo này, với chi phí ước tính khoảng 70 triệu Rupees.
(indianexpress.com – October 12, 2021)