NHẬT BẢN: Các ca kỹ (Geisha) tại Kyoto chép kinh điển Phật giáo
Các ca kỹ và những người tập sự của họ tại cố đô Kyoto của Nhật Bản đã chép kinh Phật tại chùa Daikakuji.
Sự kiện này là một phần của buổi tập huấn thường niên được tài trợ bởi một tổ chức địa phương nhằm bảo tồn và phát huy nền văn hóa giải trí truyền thống.
Đến từ 5 quận dành cho các nữ nghệ sĩ của thành phố Kyoto, hơn 90 ca kỹ và những người tập sự trẻ tuổi đã dùng bút lông và mực để chép một trong những bộ kinh Phật giáo nổi tiếng bằng chữ Hán.
Việc thực hành này được xem là một công việc có giá trị tôn giáo.
Đây là loại hoạt động dành cho các ca kỹ nói trên - vốn là những người thường bận rộn với việc tham dự tiệc tùng hoặc ca múa và với việc đào tạo khác - để họ hiểu được sâu sắc hơn về nền văn hóa truyền thống.
(NewsNow – February 1, 2018)
Hơn 90 Geisha chép kinh Phật tại chùa Daikakuji, Kyoto (Nhật Bản)
Photo: euronews.com
Geisha (ca kỹ Nhật Bản)
HÀN QUỐC: Phát hiện 1,000 hiện vật tại di tích chùa Hwangbok
Khoảng 1,000 mảnh di tích và đồ tạo tác của ngôi chùa hoàng gia Hwangbok thuộc triều đại Silla đã được phát hiện hàng loạt ở khu Nangsan thuộc thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang.
“Bằng cách nghiên cứu 4,670 mét vuông của Ilwon ở Nangsan từ tháng 8 năm ngoái, chúng tôi đã tìm thấy 1,000 hiện vật bao gồm di tích xây dựng của những khối đá lớn tinh xảo và di tích nền đỡ hàng cột 12 con giáp”, Trung tâm Nghiên cứu Tài sản Văn hóa Sunglim cho biết vào ngày 31-1-2018. Trung tâm nghiên cứu này đã tiến hành việc khai quật tại Nangsan với sự cho phép của Cục Di sản Văn hóa.
Theo khảo sát, di tích của các tòa nhà thuộc ngôi chùa Hwangbok như hành lang có mái che, các con đường và ao hồ đã được xác định ở quy mô lớn. Trong số 1,000 hiện vật khai quật được có một tượng Phật nằm, một tượng Phật đứng và tượng một vị Hộ pháp.
(donga.com – February 1, 2018)
Các tượng Phật giáo trong số 1,000 hiện vật tại di tích chùa Hwangbok, Hàn Quốc
Photo: donga.com
THÁI LAN: Các họa sĩ phục chế các bức bích họa Phật giáo 170 năm tuổi
Một nhóm các họa sĩ Thái đã được tuyển dụng để tham gia vào một sáng kiến kéo dài trong 3 năm để cứu một phần lịch sử Phật giáo quan trọng tại ngôi chùa nổi tiếng Suthat ở Bangkok. Những bức bích họa lớn trong chánh điện của chùa Suthat, có niên đại từ thập niên 1840, mô tả các câu chuyện về những tiền kiếp của Đức Phật cũng như những cảnh về cuộc sống hàng ngày vào thời Rattanakosin (1782-1932) của Xiêm La, nay đã bị hư hỏng.
Alongkorn Thiamjun, họa sĩ phụ trách nhóm phục chế, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện tình trạng xấu đi, đặc biệt là từ phần dưới khi chúng tôi kiểm tra các bức tranh vào năm 2016. Một số mảng của các tranh đó đã bị mất đi, trong khi những phần khác đã bị bong ra khỏi tường”.
Lần gần đây nhất, bức bích họa đáng chú ý này đã được phục chế vào năm 1982 trong một dự án lớn dành cho chùa Suthat, do chính phủ Đức tài trợ.
(buddhistdoor.net – February 3, 2018)
Các bích họa lớn trong chánh điện chùa Suthat có niên đại từ thập niên 1840
Photo: justgola.com
Họa sĩ Alongkorn Thiamjun đang chỉ đạo dự án phục chế tranh
Photo: bangkokpost.com
Keo được bơm vào để củng cố lớp sơn dễ rạn nứt của tranh
Photo: bangkokpost.com
HOA KỲ: Triển lãm tranh về ‘Cuộc đời các vị Đạt lai Lạt ma’
New York, Hoa Kỳ - Triển lãm tranh thangka ‘Cuộc đời các vị Đạt lai Lạt ma’ được tổ chức tại Nhà Tây Tạng Hoa Kỳ từ ngày 11-1 đến 1-3-2018. Triển lãm này trưng bày một loạt tác phẩm in độc đáo mô tả dòng truyền thừa của các vị Đạt lai Lạt ma.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm mô tả hình ảnh trung tâm của từng vị Đạt lai Lạt ma, được bao quanh bởi những sự kiện trong cuộc đời của mỗi ngài.
Năm 2002, họa sĩ tranh thangka Temba Chophel đã trình bày ý tưởng sáng tác loạt tranh này với Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14.
Khi Tamba Chophel từ trần vào năm 2007, đệ tử chính của ông là Tenzin Norbu và nhóm của mình đã hoàn thành loạt tranh gốc của những bản in đang được triển lãm này.
(Tibet House US – February 5, 2018)
Tranh thangka một vị Đạt lai Lạt ma
Photo: Tibet House US
ẤN ĐỘ: ‘Tụng niệm toàn cầu’cho hòa bình tại lễ hội Phật giáo
Vijayawada, Andhra Pradesh - Ngày 4-2-2018, như một phần của Lễ hội Văn hóa Phật giáo 3-ngày đang diễn ra tại Vijayawada, Cục Du lịch Andhra Pradesh đã tổ chức một cuộc tụng niệm tập thể vì hòa bình và hòa hợp thế giới - do chư cao tăng đại diện cho 3 tông phái Phật giáo Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cương Thừa dẫn dắt.
Sự kiện này đã lập một kỷ thế giới với sự tham gia của hơn 45,000 người từ khắp thế giới thông qua internet. Những người tham gia cùng niệm chú Santhi (Hòa bình) từ vị trí tương ứng của mình.
Hàng ngàn người đã tham dự lễ hội 3-ngày mang tên ‘Lễ hội Di sản Phật giáo Amravati, Hòa bình Toàn cầu’ nói trên và trải nghiệm nền văn hóa, ẩm thực và hàng thủ công của Phật giáo . Nghệ sĩ từ các bang như Arunachal Pradesh, Maharashtra, Delhi, Tây Bengal và các bang đông bắc đã mang lại cho công chúng những phần trình diễn đặc sắc về di sản Phật giáo.
(The Hindu – February 5-7, 2018)
Chư tăng dẫn dắt phần tụng niệm toàn cầu tại Vijayawada, Ấn Độ
Phần trình diễn của các nghệ sĩ từ bang Arunachal Pradesh tại Lễ hội Di sản Phật giáo (Ấn Độ)
Photos: The Hindu