TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
(TUẦN THỨ 4 THÁNG 12, 2024)
Diệu Âm lược dịch
HÀN QUỐC: Ngôi chùa Hàn Quốc sẽ trả lại tượng Phật cho chùa Quan Âm của Nhật Bản vào mùa xuân năm sau
SEOUL, Hàn Quốc – Chùa Buseoksa ở thành phố Seosan, Hàn Quốc có kế hoạch trả lại pho tượng Quan Âm Bồ Tát cho Chùa Quan Âm trên đảo Tsushima, một hòn đảo ở Tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, sau khi tổ chức lễ tưởng niệm kéo dài 100 ngày từ tháng 3 đến tháng 5.
Tượng Bồ tát Quan Âm tại chùa Quan Âm, một di sản văn hóa được tỉnh Nagasaki chỉ định, đã bị một đường dây trộm Hàn Quốc lấy cắp về Hàn Quốc.
Vào tháng 10 năm 2023, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã khẳng định quyền sở hữu của chùa Quan Âm, bác bỏ tuyên bố của chùa Buseoksa rằng họ đã bị cướp biển Wako Nhật Bản đánh cắp pho tượng này vào thế kỷ 14. Kể từ phán quyết này, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước đi để thực hiện việc trả lại pho tượng.
Chùa Quan Âm đã đồng ý tổ chức lễ tưởng niệm để cầu nguyện cho pho tượng được an vị. Và từ bây giờ, chùa Quan Âm sẽ nộp các tài liệu cần thiết cho văn phòng công tố viên Hàn Quốc (vốn đang tiếp quản pho tượng) để chùa Buseoksa có thể tổ chức lễ tưởng niệm.
(JIJI PRESS – December 24, 2024)
Tượng Bồ tát Quan Âm, bị đánh cắp từ Chùa Quan Âm ở Tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) về Hàn Quốc
Photo: EPA/VIA JIJI
NHẬT BẢN: Sakuranesia thúc đẩy đối thoại Hồi giáo-Phật giáo tại chùa Miidera của Nhật Bản
Shiga, Nhật Bản - Hội Sakuranesia, một tổ chức có trụ sở tại Indonesia tập trung vào giáo dục và văn hóa, gần đây đã tổ chức một chuyến thăm lịch sử đến chùa Miidera, một trong 4 ngôi chùa lớn ở Nhật Bản.
Chuyến thăm do Giáo sư Ito điều hành, nhằm mục đích khuyến khích đối thoại giữa Hồi giáo và Phật giáo, phù hợp với sứ mệnh hòa bình thế giới có tên “Chúng ta là một” của hội.
Trong cuộc họp, Sư trụ trì đã tặng thư pháp viết tay như một biểu tượng của tình hữu nghị cho những người sáng lập Hội Sakuranesia.
Chuyến thăm cũng làm nổi bật vẻ đẹp của chùa Miidera, nổi tiếng với các bảo vật quốc gia - chẳng hạn như Kondo (Sảnh Vàng), ngôi chùa 3-tầng, và tháp chuông được gọi là “chuông Rạng đông Miidera”.
Vị sư trụ trì đã hướng dẫn đoàn đại biểu đi quanh khu đền chùa, nơi có lịch sử hơn 1,300 năm và có tầm nhìn tuyệt đẹp ra Hồ Biwa và vẻ đẹp của thiên nhiên.
(ANTARA – December 24, 2024)
Chori Geka Toshihiko Fuke, Sư trụ trì thứ 164 của chùa Miidera (phải) và Tovic Rustam, người sáng lập Hội Sakuranesia trao đổi quà lưu niệm trong chuyến thăm chùa Miidera ở Otsu, Tỉnh Shiga, vào ngày 23-12-2024
Photo: ANTARA
Chùa Miidera ở Otsu, Tỉnh Shiga
Photo: JE
Ngôi chùa gỗ 3-tầng của chùa Miidera
Photo: zoomingjapan.com
ẤN ĐỘ: Đức Đạt lai Lạt ma chia buồn cùng gia đình của cựu Thủ tướng Manmohan Singh vừa qua đời
Sau khi cựu Thủ tướng Manmohan Singh qua đời vào đêm 26-12-2024, Đức Đạt lai Lạt ma đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của mình trong một lá thư gửi cho bà Gursharan Kaur, góa phụ của ông Singh vào ngày 27-12.
Suy ngẫm về mối quan hệ cá nhân của ngài với cựu Thủ tướng, ngài nói thêm, “Bất cứ khi nào chúng tôi gặp nhau trong những năm qua, tôi đều vô cùng trân trọng sự quan tâm và lời khuyên hữu ích của ông ấy. Tôi cảm thấy ông ấy giống như một người anh trai đối với tôi”.
Đức Đạt lai Lạt ma cũng ghi nhận những đóng góp lâu dài của ông Manmohan Singh cho Ấn Độ, và ngài nói rằng ông ấy cũng là một người bạn tốt của người dân Tây Tạng.
Cuối cùng, Đức Đạt lai Lạt ma viết, “Chúng ta có thể vui vì trong suốt 92 năm, ông ấy đã sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa - là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta”.
(ddnews.gov.in - December 27, 2024)
Đức Đạt lai Lạt ma
Photo: ddnews.gov.in
ẤN ĐỘ: Phát hiện 18 tác phẩm điêu khắc cổ, bao gồm cả đạo Shaiva và các vị thần Phật giáo
Các tác phẩm điêu khắc cổ đã được tìm thấy dọc theo bờ sông Baitarani ở quận Bhadrak của bang Odisha.
Các tác phẩm điêu khắc này được tìm thấy gần ngôi làng Maninathpur ở khu Bhandaripokhari của quận Bhadrak vào hạ tuần tháng này.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 18 tác phẩm điêu khắc cổ, bao gồm cả đạo Shaiva và các vị thần Phật giáo hiếm có, có niên đại từ thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 7 Công nguyên (CE).
Những hiện vật này bao gồm các ngôi đền thu nhỏ được chạm khắc tinh xảo và các ‘bảo tháp nước công đức’(argha stupas).
Các tác phẩm điêu khắc mô tả các vị thần đạo Shaiva, và các biểu tượng Phật giáo như Đức Phật, bồ tát Tara và Liên Hoa Thủ.
Các tác phẩm điêu khắc này đã được chuyển giao cho Bảo tàng Tịnh xá Phật giáo để bảo quản và trưng bày.
(PTI – December 27, 2024)
Các cổ vật được phát hiện vào hạ tuần tháng 12 gần làng Maninathpur ở khu Bhandaripokhari của bang Odisha
Photo: PTI
HOA KỲ: Thiền sư người Mỹ Hozan Alan Senauke viên tịch, thọ 77 tuổi
Hozan Alan Senauke, nhà sư Phật giáo dấn thân Thiền phái Tào Động, Pháp sư và là trụ trì thường trú của Trung tâm Thiền Berkeley ở California, đã viên tịch vào ngày 22-12-2024, thọ 77 tuổi.
Cộng tác lâu năm với Mạng lưới Phật tử dấn thân quốc tế (INEB) và là thành viên của Ủy ban cố vấn INEB, Hozan là một nhà hoạt động Phật giáo nổi tiếng và là người ủng hộ mạnh mẽ cho sự thay đổi xã hội và bình đẳng. Ông sáng lập nhiều sáng kiến và phát triển các nguồn lực có tác động bắt nguồn từ Phật giáo cho sự thay đổi xã hội ở Châu Á và Hoa Kỳ.
Sinh ra tại Brooklyn, New York, vào năm 1947, Hozan Alan Senauke là đệ tử của Sojun Mel Weitsman Roshi, thuộc dòng Thiền tông Tào Động của Shunryu Suzuki từ năm 1968.
(Buddhistdoor Global – December 23, 2024)
Thiền sư Hozan Alan Senauke, 1947–2024
Photo: Berkeley Zen Center Facebook