NEPAL: Xây dựng lại các di tích Phật giáo và Ấn Độ giáo bị hư hại do động đất
Để xây dựng lại và phục chế hàng trăm di tích Phật giáo và Ấn giáo bị hư hại bởi trận động đất xảy ra hồi tháng 4, chính phủ Nepal đã lập một tiến trình tái thiết kéo dài 7 năm và một ngân sách 200 triệu USD để cấp cho tất cả 16 khu vực của Nepal.
Quỹ tái thiết của chính phủ sẽ được tài trợ từ Úc, Trung quốc, Ấn Độ, Hồng Kông và Tích Lan, các nước đã hứa hỗ trợ cho việc tái thiết các di tích cụ thể, bao gồm một số nơi ở Quảng trường Durbar của Kathmandu, chùa Changu Narayan, Bảo tháp Swayambhunath và các di tích khác.
Theo kiến trúc sư xây dựng Rohit Ranjitkar, giám đốc Quỹ Bảo tồn Thung lũng Kathmandu (KVPT), thì một trong những thách thức lớn nhất của tiến trình tái thiết này là sự thiếu hụt thợ lành nghề về điêu khắc và chạm khắc gỗ. Những nghệ nhân như vậy thường bị đánh giá không cao và trả lương thấp, khiến thế hệ trẻ không nhận làm cái nghề bị xem là không hấp dẫn này.
(Buddhistdoor Global – December 9, 2015)
Khu vực Bảo tháp Swayambhunath bị động đất tàn phá
Photo: theguardian.com
Nghệ nhân chạm khắc đóng một vai trò quan trọng trong việc phục chế chùa chiền và di tích bị hư hại của Nepal
Photo: npr.com
MIẾN ĐIỆN: Phát hiện các tượng Phật bị chôn vùi tại Natogyi
Các tượng Phật thời kỳ Inwa đã được khai quật bởi các tình nguyện viên trong khi họ làm một con đường tại thị trấn Natogyi ở vùng Mandalay vào tháng 9-2015.
Dân làng tình nguyện làm con đường dẫn đến núi Sakka đã phát hiện một hang động bên dưới 3 feet đất, và sau đó tìm thấy 90 tượng Phật bằng đá sa thạch trong 16 cái hang.
U Kyin, một viên chức hành chính địa phương, cho biết một sử gia tham quan địa điểm này đã nói rằng đó là các pho tượng hơn 230 năm tuổi. Ông U Kyin nói, “Một số tượng, bao gồm 2 tượng sư tử bảo vệ bên ngoài hang, đã bị hư hại, Nhưng chúng tôi đã bảo tồn các hiện vật và không dời chuyển bất cứ tượng nào khỏi vị trí ban đầu”.
Trước khám phá khi làm con đường nói trên một thời gian, người dân địa phương đã tình cờ tìm thấy một cái hang có chứa các tượng Phật và những tranh, tượng khác được khắc trên vách hang.
(Global New Light of Myanmar – December 8, 2015)
Các tượng Phật tại một trong số 90 hang được khai quật ở Natogyi, Miến Điện
Photo: Ba Zaw (Myint Nge)
CAM BỐT: Bản Quy tắc Ứng xử mới của Angkor Wat cấm chụp hình với các nhà sư
Angkor Wat là cố đô của Vương quốc Khmer ở Cam Bốt và là trung tâm tâm linh đối với Phật tử trên khắp thế giới.
Du khách nhiều hơn bao giờ hết đang đến khu phức hợp đền thờ có các di tích từ thế kỷ thứ 9 đến 12 của Vương quốc Khmer này. Trong năm ngoái vé bán được là 59.3 triệu USD, và lượng du khách quốc tế là 2.35 triệu người, tăng 5% so với năm 2013.
Vì vậy cần phải có những hướng dẫn để duy trì khung cảnh tâm linh của di tích Angkor Wat.
Hiện nay Di sản Thế giới UNESCO này đang cấm chụp ảnh selfie với các nhà sư, và cấm khách tham quan ăn vận không tế nhị - như để vai trần và mặc váy hoặc quần shorts cao quá đầu gối.
Bản Quy tắc Ứng xử dành cho Du khách gồm 4 ngôn ngữ, được đặt bên ngoài khu đền Angkor, thông báo các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, đập phá đền thờ, ăn mặc hở hang hoặc khỏa thân nơi công cộng…
Nội quy cũng ghi rằng các tăng sĩ là những người được tôn quý, nhưng “nếu quý khách muốn chụp ảnh thì phải xin phép trước”. Vì vậy đừng tự tiện tạo dáng và chụp selfie; hãy lễ phép hỏi ý trước đã.
(latimes.com – December 10, 2015)
Các tăng sĩ tại Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap, Cam Bốt
Photo: AP
ẤN ĐỘ: Khai mạc Lễ hội Hi Mã Lạp Sơn Quốc tế lần thứ 20 và kỷ niệm năm thứ 26 ngày Đức Đạt lai Lạt ma nhận giải Nobel Hòa bình
Dharamshala – Vào ngày 10-12-2015, Hiệp hội Hữu nghị Ấn Tạng (ITFA) đã tổ chức Lễ hội Hi Mã Lạp Sơn Quốc tế lần thứ 20 tại khách sạn Bhagsu ở khu McLeod Ganj, kỷ niệm năm thứ 26 ngày Đức Đạt lai Lạt ma được trao giải Nobel Hòa bình.
Người Tây Tạng và Ấn Độ đã tập trung rất đông đảo để ủng hộ lễ hội 2 ngày này, nhằm mục đích tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa 2 cộng đồng.
Là một khách mời danh dự, Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay phát biểu rằng Đức Đạt lai Lạt ma đã chọn bang Himachal Pradesh(bang có thành phố Dharamshala) xinh đẹp làm quê hương thứ hai của ngài từ hơn 50 năm nay, và rằng trong suốt những năm đó người Tây Tạng và Ấn Độ đã chung sống như một gia đình.
Các đoàn văn hóa từ các miền khác nhau của bang Himachal đã trình diễn những vũ khúc dân gian trong lễ hội. Viện Nghệ thuật Trình diễn Tây Tạng đại diện cho người Tây Tạng cũng tham gia sự kiện này.
(Phayul – December 10, 2015)
Ảnh trên: Thủ tướng Tây Tạng Lobsang Sangay (ngồi giữa, hàng đầu) dự Lễ hội Hi Mã Lạp Sơn Quốc tế lần thứ 20 tại thành phố Dharamshala, Ấn Độ
Ảnh dưới: Một trong các đoàn văn hóa của bang Himachal Pradesh trình diễn tại lễ hội
Photos: Kunsang Gashon
PHÁP: Bản Tuyên bố của Phật giáo về Biến đổi Khí hậu được trao cho Tổng thống Hollande
Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Điện Elysée vào ngày 10-12-2015, Hòa thượng Rathana Thera của Tích Lan đã trao Tổng thống Pháp Francois Hollande bản Tuyên bố của Phật giáo về Biến đổi Khí hậu. Văn bản này được ký bởi 26 nhân vật hàng đầu của Phật giáo vào ngày 29-10-2015. Cuộc họp diễn ra trong Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP 21), bắt đầu từ ngày 30-11-2015.
Tuyên bố của Phật giáo về Biến đổi Khí hậu là một tài liệu quan trọng nhấn mạnh sự quan tâm của các vị lãnh đạo Phật giáo trên khắp thế giới liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuyên bố này tập hợp một liên minh lớn gồm các nhà lãnh đạo cao cấp chủ yếu từ các nước theo truyền thống Phật giáo.
Những điểm chính của tuyên bố bao gồm sự ủng hộ các hoạt động về khí hậu của các truyền thống tôn giáo khác, và một sự khẳng định của khoa học khí hậu nêu rõ thảm họa gây tàn phá về sinh thái và con người nếu sự biến đổi khí hậu không được kiểm soát.
(buddhistdoor.net – December 11, 2015)
Ảnh trên: Hòa thượng Rathana Thera và Tổng thống Hollande
Ảnh dưới: Tổng thống Hollande và các nhà lãnh đạo tôn giáo
Photos: Sean Hawkey
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới