SINGAPORE: Triển lãm nổi bật về Xá lợi Đức Phật
Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Singapore gần đây đã tổ chức một lễ kỷ niệm hiếm có về di sản khảo cổ và lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, với cuộc triển lãm các di vật quý giá của Đức Phật từ Kapilavastu, Ấn Độ.
Với tiêu đề “Vượt Thời gian: Di sản của Xá lợi Xương của Đức Phật” và được tổ chức tại Bảo tàng Rise of Asia của Singapore, cuộc triển lãm nói trên kéo dài 5 ngày (từ ngày 24 đến 29-11-2023), đã thu hút gần 9,000 du khách - tất cả đều háo hức được chiêm ngưỡng các di vật thiêng liêng được bảo vệ nghiêm ngặt và, trong trường hợp bình thường, không thể đưa ra nước ngoài.
Tâm điểm của cuộc triển lãm nổi bật này là 7 xá lợi xương và một chiếc bình bát, tất cả đều được cho là của Đức Phật lịch sử.
Triển lãm còn trưng bày bộ sưu tập độc đáo gồm 31 bức tranh cuộn thangka. Các tác phẩm nghệ thuật này mang đến một biên niên sử trực quan về câu chuyện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - từ khi ngài sinh ra ở Lâm Tì Ni cho đến khi Ngài giác ngộ dưới gốc cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, cũng như những sự kiện từ những tiền kiếp của Ngài - và những lời dạy sâu sắc của Ngài về lòng từ bi, trí tuệ và sự giải thoát.
(Buddhistdoor Global – December 6, 2023)
ẤN ĐỘ: Dự án Ni chúng Tây Tạng công bố hoàn thành đường Thiền hành (Kora) dành cho chư ni tại Ni viện Shugsep
Dự án Ni chúng Tây Tạng (TNP), một tổ chức từ thiện được đăng ký tại Hoa Kỳ có trụ sở tại Seattle và Quận Kangra của Himachal Pradesh, Ấn Độ, đã công bố hoàn thành thành công dự án làm con đường đi bộ kora vòng quanh để đi bộ và thiền định cho chư ni của Ni viện Shugsep gần Dharamsala.
“Trong nhiều năm, các ni cô đã mong muốn có một con đường để họ có thể thực hành kora - thiền hành truyền thống của người Tây Tạng,” TNP thông báo. “Vào năm 2023, các nữ tu đã yêu cầu giúp đỡ xây dựng con đường kora. Giờ đây, nhờ vào lòng hảo tâm của 65 nhà tài trợ Dự án Ni chúng Tây Tạng, con đường này đã hoàn thành.”
Ni viện Shugsep hiện là nơi ở của khoảng 100 ni cô, là những người có cơ hội tham gia chương trình học thuật kéo dài 9 năm về triết học Phật giáo, tranh luận, ngôn ngữ Tây Tạng và Anh ngữ.
“Con đường kora rất tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của các ni cô này. Không có khu vực an toàn nào gần ni viện để chư ni có thể đi lại. Đường chính không có vỉa hè và không an toàn cho trẻ em gái và phụ nữ đi bộ ở những khu vực này vì tội phạm chống lại phụ nữ rất phổ biến”, TNP lưu ý. “Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến tất cả những người đã hỗ trợ dự án lớn này và biến ước mơ của các ni cô thành hiện thực!”
(Buddhistdoor Global – December 4, 2023)
ANH QUỐC: Jetsunma Tenzin Palmo nằm trong danh sách 100 phụ nữ có ảnh hưởng năm 2023 của BBC
Nữ tu sĩ và là nhà hoạt động Phật giáo Jetsunma Tenzin Palmo đã được vinh danh trong số 100 phụ nữ truyền cảm hứng và có ảnh hưởng của BBC vào năm 2023. Tenzin Palmo, 80 tuổi, nghỉ hưu vào năm 2022 sau gần 25 năm giảng dạy quốc tế và làm việc nhân danh chư ni Phật giáo.
Thông báo này đã nhận được sự chúc mừng từ những người ủng hộ bà từ khắp nơi trên thế giới.
Tiểu sử tóm tắt do BBC đưa ra cho biết:
Sinh tại Anh Quốc vào những năm 1940, Jetsunma Tenzin Palmo đã theo đạo Phật khi còn là một thiếu niên.
Ở tuổi 20, bà du hành đến Ấn Độ và trở thành một trong những người Tây phương đầu tiên được xuất gia làm tu sĩ Phật giáo Tây Tạng.
Để nâng cao vị thế của các nữ tu, Tenzin Palmo đã thành lập Ni viện Dongyu Gatsal Ling ở Himachal Pradesh, Ấn Độ, nơi có hơn 120 ni cô.
Bà được biết đến nhiều nhất vì đã dành 12 năm sống trong một hang động hẻo lánh trên dãy Hi Mã Lạp Sơn, 3 trong số đó là những khóa tu thiền nghiêm ngặt. Năm 2008, bà được phong tặng danh hiệu hiếm có Jetsunma, nghĩa là Hòa Thượng. (BBC)
Trong số rất nhiều thành tựu của mình, Tenzin Palmo được biết đến với những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong Phật giáo Tây Tạng. Một trong những nỗ lực của bà là thành lập Ni viện Dongyu Gatsal Ling ở Himachal Pradesh, Ấn Độ. Ni viện phục vụ như một nơi tôn nghiêm cho hơn 120 nữ tu sĩ và cung cấp giáo dục, đào tạo tâm linh và một cộng đồng hỗ trợ.
(Buddhistdoor Global – December 3, 2023)
ẤN ĐỘ: Nhóm chư Ni Tây Tạng thứ 6 được trao bằng Geshema ở Bồ Đề Đạo Tràng
Ngày thứ Hai 27-11, một buổi lễ dành cho nhóm Geshema thứ 6 triệu tập đã được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Nhóm này bao gồm 7 nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng, mỗi người đều có bằng cấp học thuật cao nhất theo truyền thống Gelug, được cho là tương đương với bằng tiến sĩ.
Tại buổi lễ, Nangsa Choedon, giám đốc Dự án Ni chúng Tây Tạng, đã phát biểu về công tác nhằm bảo đảm một tương lai vững mạnh cho các ni cô Tây Tạng. Ngawang Tenzin, hiệu trưởng của Ni viện Dolma Ling, gần Dharamsala, giải thích về bằng cấp Geshema. Sau đó, các chứng chỉ đã được phân phát.
Tương đương với bằng Geshe của nam giới, bằng Geshema được mở cho phụ nữ vào năm 2012. Cả hai bằng này đều phải mất nhiều năm học mới hoàn thành.
Các kỳ thi Geshema bắt đầu vào mùa hè này, với số lượng kỷ lục 132 ni cô tham dự. Con số này nhiều hơn 38 người so với 94 ni cô năm ngoái, một mức kỷ lục về số lượng tham dự. Kể từ lớp tốt nghiệp năm 2016, sự quan tâm đến chương trình này đã tăng lên đáng kể.
(NewsNow - December 1, 2023)
HOA KỲ: Một cuốn sách mới nhìn vào nghệ thuật của Phật giáo Mật tông
Trong lịch sử 2,500 năm, nghệ thuật Phật giáo đã trải qua nhiều thay đổi, trong khi về bản chất vẫn trung thực với giáo lý giải thoát và từ bi của Đức Phật. Những cách mà những thay đổi này thể hiện hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà các nền văn hóa khác nhau đã tiếp nhận và điều chỉnh Phật giáo trong nhiều năm qua.
Cuốn sách ‘Phật giáo: Hành trình xuyên qua nghệ thuật’ của R.M. Woodward là một minh họa trực quan tuyệt vời cho quá trình này. Sách đề cập đến truyền thống nghệ thuật thị giác Phật giáo ở châu Á, đặc biệt là hội họa và điêu khắc Phật giáo Mật tông
Woodward là một họa sĩ vốn cũng quan tâm đến nghệ thuật thần học và đặc biệt là các hệ thống triết học phương Đông. Vì vậy, mặc dù không có gì ngạc nhiên khi cô kết hợp những mối quan tâm này trong cuốn sách của mình, nhưng phải nói rằng việc cố gắng kết hợp nhiều thời kỳ khác nhau của Phật giáo và nghệ thuật Phật giáo thành một khối là một nhiệm vụ khó khăn. Woodward quản lý điều đó hầu như bằng cách chia tài liệu thành 6 phần: Phật giáo Mật tông, nghệ thuật Gandharan, mô tả về Đức Phật, về các vị Bồ Tát, về các chức sắc tôn giáo như Tỳ kheo và La Hán, và các đồ tạo tác tôn giáo.
Những bức ảnh chụp các đồ vật trong sách có nguồn gốc từ 12 bộ sưu tập bảo tàng trên khắp thế giới, trong đó số lượng lớn nhất đến từ Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.
(Livemint.com – December 04,2023)