Diệu Âm lược dịch
TRUNG QUỐC: Phát hiện những bích họa Phật giáo thế kỷ 13 tại tỉnh Thanh Hải
Tây Ninh, Thanh Hải – Ba mảnh bích họa Phật giáo Tây Tạng cổ xưa có niên đại từ thế kỷ thứ 13 đã được tìm thấy tại huyện Nangqian, châu tự trị Tạng Ngọc Thụ thuộc tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.
Những bích họa mang những dòng chữ Tây Tạng này có các đặc điểm quan trọng của phong cách nghệ thuật Pala Ấn Độ, và có giá trị rất cao cho nghiên cứu lịch sử của con người.
Vào tháng 6, dân làng Duochang đã tìm thấy di tích của một ngôi đền và 3 mảnh bích họa này trên các vách đá tại một ngọn núi ở địa phương.
Theo sở Văn hóa và Du lịch huyện Nagqian, đây là những bích họa có giá trị quan trọng trong nghiên cứu về các hoạt động của tổ tiên trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng.
(Big News Network – December 1. 2019)
PAKISTAN: Bảo tàng Islamabad trưng bày tượng Phật qúy hiếm
Islamabad, Pakistan – Theo một báo cáo truyền thông vào ngày 1-12-2019, Bảo tàng Islamabad đã trưng bày một tượng đầu Đức Phật quý hiếm lấy từ kho lưu trữ vốn khóa kỹ trong nhiều thập niên.
Tác phẩm điêu khắc từ thời kỳ giữa thế kỷ thứ 3 và thứ 4 sau Công nguyên này được phát hiện tại khu vực thung lũng Swat vào thập niên 1960. Tượng được trưng bày lần cuối trong một bảo tàng vào năm 1997.
“Thật vô cùng hiếm khi được thấy những tượng Đức Phật làm bằng vữa từ Swat. Thung lũng Swat chủ yếu là nhà của các tác phẩm điêu khắc đá,” Tiến sĩ Abdul Ghafoor Lone, Giám đốc Bảo tàng Islamabad cho biết. Ông nói rằng các tác phẩm điêu khắc Đức Phật bằng vữa thường được tìm thấy ở Taxila (Pakistan) và Afghanistan.
(PTI – December 2, 2019)
ẤN ĐỘ: Phật tử vùng Hy Mã Lạp Sơn ủng hộ Đạt lai Lạt ma tái sinh được Tây Tạng công nhận
McLeodganj, Ấn Độ - Phật tử từ vùng Hy Mã Lạp Sơn đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với “Tuyên ngôn Dharamshala” – một nghị quyết 3 điểm được thông qua bởi giới tu sĩ Tây Tạng, kêu gọi Đức Đạt lai Lạt ma tiếp tục với dòng truyền thừa của ngài, và nhận rõ rằng chỉ có ngài là người duy nhất có quyền quyết định sự tái sanh của mình.
Từ ngày 27 đến 29-11, các vị lãnh đạo tôn giáo và tăng ni Phật giáo Tây Tạng cùng với truyền thống tôn giáo Bon Tây Tạng bản địa đã vân tập tại Trung tâm của người di cư Tây Tạng ở McLeod Ganj và đồng lòng thông qua nghị quyết phản đối bắt cứ sự can thiệp nào vào việc lựa chọn vị Đạt lai Lạt ma tiếp theo.
Các thành viên tham dự hội nghị tôn giáo này đã quyết định rằng: Không có chính quyền nào khác có thể có được thẩm quyền như vậy. Nếu Trung Quốc vì mục đích chính trị mà chọn một ứng cử viên để làm Đạt lai Lạt ma, thì người dân Tây Tạng sẽ không công nhận hoặc tôn trọng ứng cử viên đó.
(Big News Network – December 2, 2019)
CAM BỐT: Ngôi chùa đang xây bị sập khiến hơn 10 người thương vong
Ngày 2-12-2019, một ngôi chùa đang được xây dựng ở Siem Riep đã bị sụp đổ khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương, trong số đó có 2 nhà sư.
Phó giám đốc cảnh sát tỉnh Siem Reap, ông Pheung Chendareth, cho biết các công nhân đang đổ xi măng xây trần nhà thì nó bất ngờ sụp đổ lên họ và 2 nhà sư đang phụ giúp họ. Thi thể một công nhân được tìm thấy dưới đống đổ nát và 2 công nhân khác đã chết tại bệnh viện.
Các công nhân nói với cảnh sát rằng không có ai khác bị mắc kẹt, nhưng những người cứu hộ nói họ sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi tất cả đống đổ nát được dời bỏ để bảo đảm không còn ai kẹt lại bên dưới.
(nytimes.com – December 5, 2019)
PAKISTAN: Triển lãm “Tu sĩ Phật giáo và Kinh thánh Hồi giáo, một công trình nghệ thuật của Tăng sĩ-Tiến sĩ Neung Hur” tại Islamabad
Một cuộc triển lãm kéo dài 4 ngày, mang tên “Tu sĩ Phật giáo và Kinh thánh Hồi giáo, một công trình nghệ thuật của Nhà sư -Tiến sĩ Neung Hur” đã diễn ra từ ngày 5-12-2019 tại Bảo tàng Aqs của Làng Mỹ thuật và Nghề thủ công ở thủ đô Islamabad, Pakistan.
Là một họa sĩ cư trú tại Trung tâm Nghiên cứu và Tài nguyên Gandhara, Islamabad, tiến sĩ-tăng sĩ Neung Hur đã sáng tác rất nhiều tác phẩm. Công trình của ông lấy cảm hứng từ các truyền thống văn hóa và thẩm mỹ của địa phương và Hồi giáo, trong khi kết hợp nó một cách sáng tạo với biểu tượng màu sắc lấy cảm hứng từ Phật giáo – như một dấu hiệu tình yêu của ông dành cho Gandhara, vốn là biểu tượng cho sự hòa hợp các tín ngưỡng khác nhau của Pakistan.
Các tác phẩm nghệ thuật này dựa trên nghĩa của chữ của các văn bản thư pháp cũng như trên sự tương tác của biểu tượng màu sắc.
(APP – December 5, 2019)
.