TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
(TUẦN THỨ 2 THÁNG 5, 2018)
Diệu Âm lược dịch
LIÊN HIỆP QUỐC (LHQ): Tổng thư ký LHQ kêu gọi: tìm nguồn cảm hứng từ thông điệp đồng cảm của Đức Phật giữa cuộc khủng hoảng về đoàn kết
Tại một sự kiện kỷ niệm Ngày Vesak, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã kêu gọi cộng đồng toàn cầu tìm đến với cảm hứng từ những lời dạy và thông điệp của Đức Phật về sự khoan dung, đồng cảm và chủ nghĩa nhân văn.
Tổng thư ký nêu rõ sự nhấn mạnh của Phật giáo về phi bạo lực như một lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình và nói rằng những lời dạy của Đức Phật vẫn còn rất liên quan trong công việc của LHQ.
Cùng với ông Guterres, Chủ tịch Đại Hội Đồng LHQ Miroslav Lajcak cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “đạo lý vượt thời gian” của Phật giáo đối với công việc của LHQ.
Năm 1999, Đại Hội Đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết công nhận Ngày Vesak để thừa nhận sự đóng góp mà Phật giáo - một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới - đã thực hiện trong hơn 2,500 năm và tiếp tục thực hiện cho tâm linh của nhân loại.
(Tipitaka Network – May 8, 2018)
Tổng thư ký LHQ António Guterres
Photo: Google
NHẬT BẢN: Quang tuyến X cho thấy 180 hiện vật ẩn bên trong tượng Phật Nhật Bản 700 năm tuổi
Qua việc quét quang tuyến X, một tượng Văn Thù Bồ Tát nhỏ 700 năm tuổi được phát hiện bên trong có ẩn chứa 180 hiện vật.
Pho tượng nhỏ tại chùa Hokkeiji ở cố đô Nara này chỉ cao 73 cm (30 inches), nhưng bên trong có chứa ít nhất 180 hiện vật, kể cả các cuộn giấy.
Các viên chức tại Bảo tàng Quốc gia Nara - nơi tượng Phật nói trên hiện đang được trưng bày - đã nghi ngờ rằng pho tượng có chứa vật gì đó, có lẽ là một khoang ẩn, nhưng họ không biết thêm điều gì khác.
Khi chụp CT (CT scanning), kết quả cho thấy pho tượng này về cơ bản là rỗng. Và khi sử dụng các tia X, họ kinh ngạc khi thấy ở phần đầu của tượng có khoảng 30 cuộn giấy, xá lợi và các vật khác. Còn ở phần còn lại của tượng có thêm khoảng 150 vật.
(iflscience.com – May 9, 2018)
Tượng Văn Thù Bồ Tát được phát hiện bên trong có ẩn chứa 180 hiện vật.
Photo: nhk.or.jp
NEPAL: 23 quốc gia đồng ý phát triển Lâm Tì Ni làm cửa ngõ đến Mạng mạch Phật giáo
Ngày 30-4-2018 tại Kathmandu, một cuộc tụ họp của 23 quốc gia trên toàn cầu đã đồng ý quảng bá Lâm Tì Ni là nơi Đức Phật đản sinh, và là một nền tảng của Phật giáo và hòa bình thế giới – như đã hình dung trong tuyên bố trước đó của họ, được ban hành vào năm 2016.
Trong năm 2016, Tuyên bố Lâm Tì Ni đã quyết định khởi động một diễn đàn Phật giáo để thiết lập một mạng lưới giữa các truyefn thống Phật giáo.
Năm nay, ban hành Tuyên bố Lâm Tì Ni 2018 gồm 10 điểm, cuộc tụ họp này thừa nhận những thành tựu đã đạt được trong quá khứ để quảng bá tầm quan trọng của Lâm Tì Ni là nơi đản sinh linh thiêng của Đức Phật và là nền tảng của Phật giáo và hòa bình thế giới. Những người tham gia đến từ 23 quốc gia trên toàn cầu đã tụ hội tại Lâm Tì Ni để đánh dấu Lễ kỷ niệm Phật Đản 2562 và tham ga Hội nghị Phật giáo Quốc tế. Họ thảo luận một loạt các vấn đề đối với việc quảng bá trên toàn cầu về thánh địa Lâm Tì Ni.
(tipitaka.net – May 9, 2018)
Thánh địa Lâm Tì Ni, Nepal
Photo: Wikipedia
NAM HÀN: Liên đoàn Phật giáo Bắc Hàn gởi lời cầu nguyện đến Nam Hàn để ủng hộ cho các thỏa thuận gần đây giữa 2 miền
Trước Lễ Phật Đản diễn ra vào tháng 5 này, Liên đoàn Phật giáo Bắc Hàn đã gởi lời cầu nguyện đến Hiệp hội Phật giáo Nam Hàn để ca ngợi tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh liên-Triều gần đây.
Hiệp hội Phật giáo Nam Hàn cho biết lời cầu nguyện này đã được gởi đến tăng sĩ Jingwan, đồng chủ tịch của ủy ban nhân quyền của Hiệp hội các tông phái Phật giáo Hàn Quốc, và sẽ được đọc để đánh dấu các hy vọng chung của các nhóm Phật giáo ở cả Nam và Bắc Hàn trong một buổi lễ Phật giáo quan trọng nhân lễ Phật Đản vào ngày 22-5-2018.
(Yonhap – May 10, 2018)
Article View Option
AFGHANISTAN: Các di tích Phật giáo của Afghanistan được cứu khỏi các phế tích và phục chế tại Nhật Bản
Một bức bích họa Phật giáo cao 79 cm và rộng 117 cm, và một tượng bằng đất sét khai quật tại một địa điểm khảo cổ Phật giáo ở Afghanistan đã được đưa đến Nhật Bản và phục chế.
Được công bố vào cuối tháng 4-2018, đây là các hiện vật phục chế đầu tiên tại trường Đại học Nghệ thuật Tokyo theo một chương trình cứu các di tích từ phế tích.
Cả hai hiện vật nói trên đã được khai quật tại khu phế tích Mes Aynak (Afghanistan), một thành phố Phật giáo từng thịnh vượng từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 8.
(The Asahi Shimbun – May 13, 2018)
Bích họa từ Mes Aynak, Afghanistan, được phục chế tại Nhật Bản
Photo: Eiichi Miyashiro