THÁI LAN: Lễ khởi đầu Mùa Chay Phật giáo tại Tịnh xá Bowonniwet
Ngày 9-7-2017, tại Tịnh xá Bowonniwet ở Bangkok, vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn đã tham gia một buổi lễ Phật giáo để làm công đức và đánh dấu sự khởi đầu của khóa tu mùa mưa Phật giáo (còn gọi là Mùa Chay Phật giáo) kéo dài 3 tháng.
Được thành lập vào năm 1826, Tịnh xá Bowonniwet là trụ sở quốc gia của tông phái Thammayut Nikaya thuộc Phật giáo Nguyên thủy Thái. Chùa này có pho tượng Phật thời Sukhothai, tương truyền có niên đại khoảng năm 1357. Bowonniwet cũng nổi tiếng với bức bích họa độc đáo trong phòng truyền thống, bao gồm cả những mô tả về cuộc sống của Tây phương vào đầu thế kỷ 19. Tịnh xá Bowonniwet là một ngôi chùa chính bảo trợ cho sự cai trị của vương triều Chakri, trong số đó nhà vua Maha Vajiralongkorn hiện nay là quốc vương thứ 10. Nhiều thành viên nam trong hoàng gia đã học và được truyền giới tại chùa này, kể cả đương kim quốc vương. Hoàng gia Chakri đã cai trị Thái Lan kể từ khi thành lập Kỷ nguyên Rongakosin và thành phố Bangkok vào năm 1782.
(buddhistdoor – July 10, 2017)
NHẬT BẢN: Hiệp hội Phật giáo Quốc tế hoan nghênh Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân
Tokyo, Nhật Bản – Việc thông qua Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York vào ngày 7-7-2017 đã được Hiệp hội Phật giáo Quốc tế Soka Gakkai (SGI) hoan nghênh như một bước đi lịch sử đối với nhân loại.
Hiệp ước này là kết quả của các cuộc đàm phán sâu rộng tại Liên Hiệp Quốc liên quan đến hơn 120 chính phủ và nhiều đại diện xã hội dân sự.
Năm nay đánh dấu 60 năm kể từ khi bắt đầu các hoạt động của Soka Gakkai để thúc đẩy sự bãi bỏ vũ khí hạt nhân, khi Josei Toda - chủ tịch thứ nhì của tổ chức này - đưa ra Tuyên bố Kêu gọi Bãi bỏ Vũ khí Hạt nhân vào tháng 9-1957.
SGI là một hiệp hội Phật giáo dựa vào cộng đồng với hơn 12 triệu hội viên trên khắp thế giới. Các hoạt động của hiệp hội để thúc đẩy hòa bình, truyền bá văn hóa và giáo dục là một phần của truyền thống lâu đời về chủ nghĩa nhân đạo của Phật giáo.
(PRNewswire – July 11, 2017)
ẤN ĐỘ: Số người Dalit cải đạo sang Phật giáo tại Gujarat tăng gấp 3 lần
PG Jyotikar, một trong những người Dalit (tiện dân) đầu tiên cải đạo sang Phật giáo tại Gujarat, nói rằng có khoảng 1,500 đến 1,600 người Dalit tại bang này đã theo đạo Phật kể từ vụ Una. Ông cho biết gần 500 người trong số đó đã đến Nagpur để cải đạo. Ông nói thêm rằng trước vụ Una, bang Gujarat thường có 400 đến 500 người cải đạo mỗi năm.
Vào tháng 11-2016, khi 4 người Dalit bị công khai tấn công tại Una do cáo buộc giết một con bò, số người Dalit cải đạo sang Phật giáo tại Gujarat đã tăng lên ít nhất gấp 3 lần – theo ước tính của Hiệp hội Phật giáo của Ấn Độ do Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar thành lập.
(The Indian Express – July 11, 2017)
CAM BỐT: Nông dân khai quật được một tượng Phật cổ tại Siem Reap
Một nông dân tỉnh Siem Reap trong khi đang cày đất cho cây trồng mới đã tìm thấy một tượng Phật phong cách Bayon bằng sa thạch, được tạo tác vào thế kỷ thứ 12 hoặc 13.
Tác phẩm điêu khắc này - miêu tả một con rắn 7 đầu vươn mình bên trên Đức Phật ngồi - được phát hiện vào ngày 5-7-2017 tại khu Kantuot của huyện Svay Loeu và được trao cho Cơ quan Apsara, nơi quản lý việc bảo tồn Công viên Khảo cổ Angkor – một di sản thế giới của Cam Bốt.
Một chuyên gia xác nhận rằng tượng Phật nói trên được chạm trổ theo phong cách Bayon, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 12 hoặc đầu thế kỷ 13. Pho tượng cao 59 cm và có bề ngang 18 cm này sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Preah Norodom Sihanouk-Angkor ở thành phố Siem Reap.
(tipitaka.net – July 1 2, 2017)
THÁI LAN: Khóa tu-hội nghị “Phật giáo và Chủ nghĩa Nhân đạo tại Á châu”
Tu sĩ Phật giáo từ khắp Á châu đã cam kết tiếp tục tăng cường các mối liên kết giữa Phật giáo và công tác nhân đạo, và cộng tác với các nhà hoạt động nhân đạo để cùng làm việc nhằm hướng đến việc mang lại hòa bình, thịnh vượng và lòng từ bi cho thế giới.
Tuyên bố được đưa ra vào cuối khóa tu-hội nghị 3 ngày mang tên “Phật giáo và Chủ nghĩa Nhân đạo tại Á châu”, do Cơ quan Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và Quỹ Vimuttayalaya của Thái Lan đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 7 đến 9-7-2017 ở Chiang Rai.
Hơn 500 người tham dự sự kiện này, bao gồm tu sĩ, học giả và sinh viên từ 12 quốc gia như Bangladesh, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan và Việt Nam.
(tipitaka.net – July 13, 2017)
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới