ẤN ĐỘ: Phật giáo Dấn thân: Hòa thượng Bhikkhu Sanghasena phân phát đồ dùng cần thiết cho 800 gia đình ở Ladakh
Đánh dấu lễ hội ánh sáng Dipawali ở Ấn Độ, nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng và là nhà sư Phật giáo gắn bó với xã hội, Hòa thượng Bhikkhu Sanghasena đã bắt đầu chuyến đi 2-ngày đến Ladakh (vào ngày 4 và 5-11-2021), phân phát đồ dùng mùa đông cho gần 800 gia đình dễ bị tổn thương.
Trong suốt cuộc hành hương của mình, Hòa thượng Bhikkhu Sanghasena đã đến thăm các làng Gaya, Igoo, Kulum, Lato, Meru, Rong, Rumtse, Sasoma, và Upshi ở miền bắc Ấn Độ, mang theo những gói đồ dùng cần thiết cho mùa đông như tất, găng tay, mũ len, chăn và các mặt hàng thực phẩm.
Hòa thượng Bhikkhu Sanghasena là giám đốc tinh thần của Trung tâm Thiền định Quốc tế Đại Bồ Đề (MIMC) phi lợi nhuận ở Ladakh. Ông cũng là người sáng lập Quỹ Đại Từ bi, Hội Cứu Hi Mã Lạp Sơn, và là cố vấn tinh thần cho Mạng lưới Quốc tế Phật tử dấn thân (INEB).
(Buddhistdoor Global – November 10, 2021)
Hòa thượng Bhikkhu Sanghasena trong chuyến đi 2-ngày đến Ladakh để phân phát đồ dùng mùa đông cho gần 800 gia đình dễ bị tổn thương
Photos: facebook.co
NHẬT BẢN: Hai bộ tài liệu Phật giáo được đăng ký vào sổ Ký ức Thế giới của UNESCO
Hai bộ tài liệu Phật giáo quan trọng của Nhật Bản đang được đề nghị đưa vào sổ đăng ký Ký ức Thế giới của UNESCO.
Một trong 2 bộ tài liệu này liên quan đến chùa Zojoji của Tokyo, ngôi chùa đứng đầu của Phật phái Jodo, trong khi bộ thứ 2 xoay quanh nhà sư Enchin thời Heian (794-1185), người đã thành lập giáo phái Tendai Jimon sau khi mang về Nhật những giáo lý của Phật giáo bí truyền Trung Hoa từ triều nhà Đường.
Ủy ban Cố vấn Quốc tế của UNESCO dự kiến sẽ quyết định việc đăng ký vào năm 2023.
Bộ tài liệu thuộc chùa Zojoji đã được thu thập từ khắp nơi trên toàn quốc theo lệnh của Tokugawa Ieyasu (1542-1616), tướng quân đầu tiên của Mạc phủ Tokugawa, và sau đó được hiến tặng cho chùa Zojoji nằm ở phường Minato của Tokyo.
Bộ này bao gồm khoảng 12,000 ấn bản vốn ban đầu được chạm khắc trên gỗ và được coi là tài sản văn hóa quan trọng. Các tài liệu này cung cấp nền tảng cho việc nghiên cứu Phật giáo đương đại, và rất quan trọng trên quan điểm hiểu biết về văn hóa chữ Hán-Nhật cũng như kỹ thuật in ấn thời đó.
Còn bộ tài liệu liên quan đến Enchin được chỉ định là bảo vật quốc gia và bao gồm cả thẻ thông hành thực tế mà nhà sư Enchin đã sử dụng để có được quyền đi lại khắp Trung Hoa.
(The Asahi Shimbun – November 11, 2021)
Một tài liệu cổ về chùa Zojoji, ngôi chùa chính của Phật phái Jodo
Một tài liệu có từ thời Heian (794-1185) về nhà sư Enchin, người sáng lập phái Tendai Jimon
Photos: The Asahi Shimbun
ẤN ĐỘ: Dự án Chiếu sáng chùa Đại Bồ Đề đã sẵn sàng hoàn thành trong năm nay
Siddartha’s Intent India - một tập thể quốc tế gồm các nhóm Phật giáo được thành lập bởi Lạt ma Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche , nhà làm phim và tác giả nổi tiếng người Bhutan - gần đây đã đưa ra một bản cập nhật mới về sáng kiến đầy tham vọng nhằm thắp sáng Chùa Đại Bồ Đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Bất chấp sự chậm trễ do các đợt đóng cửa và hạn chế đại dịch ở Ấn Độ, tổ chức này thông báo rằng dự án hiện đã sẵn sàng để hoàn thành vào tháng 12 tới.
Nỗ lực thiêng liêng này, được đặt tên là “Chiếu sáng Đại Bồ Đề,” có lẽ là lễ cung cấp ánh sáng Phật giáo đầy tham vọng nhất từ trước đến nay. Mục tiêu là đại tu hệ thống điện và ánh sáng cũ kỹ của khu phức hợp chùa Đại Bồ Đề để tạo ra sự cúng hiến ánh sáng Phật giáo lớn nhất và lâu bền nhất trong lịch sử.
Vào năm 2015, Lạt ma Dzongsar Khyentse Rinpoche đề xuất thực hiện dự án và vào năm 2017 đã nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Quản lý Chùa Bồ Đề Đạo Tràng (BTMC) và Tòa án Quận Gaya.
Được thực hiện với nguồn tài trợ từ Siddhartha’s Intent India và với sự hỗ trợ từ Quỹ Khyentse và Quỹ Vana, hệ thống chiếu sáng mới này cuối cùng sẽ thuộc sở hữu của Ủy ban chùa.
(HOME: Buddhistdoor Global – November 11, 2021)
Chùa Đại Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ
Biểu trưng của sáng kiến ‘Chiếu sáng chùa Đại Bồ Đề’ và các tổ chức tài trợ dự án này
Photos: khyentsefoundation.org
NHẬT BẢN: Nhà văn – Ni sư Jakucho Setouchi viên tịch ở tuổi 99
Ngày 9-11-2021, nhà văn và là nữ tu sĩ Phật giáo Jakucho Setouchi, người có nhiều tác phẩm bao gồm tiểu thuyết tự truyện, tiểu sử và tiểu thuyết lịch sử, đã viên tịch ở tuổi 99 (1922-2021) tại một bệnh viện ở thành phố Kyoto.
Setouchi lần đầu tiên ra mắt với tư cách là một nhà văn vào năm 1956. Các tác phẩm của bà đã vượt qua thể loại văn học thuần túy và tiểu thuyết phổ thông.
Vào năm 1963, bà được trao giải "Joryu Bungaku Sho" (giải thưởng văn học dành cho phụ nữ) cho cuốn tiểu thuyết có tựa đề "Natsu no Owari" (Cuối mùa hè).
Năm 1973, ở tuổi 51, Setouchi đi tu tại Chusonji, một ngôi chùa Phật giáo ở thị trấn Hiraizumi, tỉnh Iwate. Bà thành lập cơ sở của mình ở Kyoto vào năm sau và tích cực tiến hành các hoạt động thuyết pháp Phật giáo trên khắp Nhật Bản. Bà còn được biết đến với vai trò là một nhà hoạt động chính trị và xã hội.
(Jiji Press – November 11, 2021)
Nhà văn – Ni sư Jakucho Setouchi
Photo: Google
HÀN QUỐC: Điện Tàng kinh bản của Chùa Hải Ấn, nơi lưu trữ hơn 81,352 khối in ấn, là một kiệt tác khoa học của thời đại Joseon
Lưu giữ hơn 81,000 bản in ấn, các tòa nhà của khu Điện Tàng kinh bản (Tàng kinh Các) của Chùa Hải Ấn ở tỉnh Nam Gyeongsang là một kiệt tác khoa học từ thời Joseon (thế kỷ 15).
Sàn và móng của các tòa nhà tàng kinh này đã được gia cố bằng than, muối và thạch cao để điều chỉnh hơi ẩm và độ ẩm, đồng thời xua đuổi côn trùng.
Thiết kế để trống thoáng hai-hàng độc đáo của Điện Tàng kinh bản giải thích cách mà các mộc bản đã chịu được sự thay đổi của thời tiết và các yếu tố khắc nghiệt qua nhiều thế kỷ - mà không có hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm hoặc hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí hiện đại.
Các bức tường hướng Nam có các khoảng trống rộng hơn ở hàng dưới cùng, trong khi các bức tường hướng Bắc có các khoảng trống lớn hơn dọc theo hàng trên, tạo điều kiện lưu thông không khí liên tục 24/7. Hơn nữa, vị trí cao của các cấu trúc này trên sườn núi Gayasan có nghĩa là không khí lưu thông liên tục.
Ở giữa thời tiết bên ngoài và thiết kế tường độc đáo, khu tàng kinh này có hệ sinh thái riêng.
Sau hơn 700 năm, các mộc bản vẫn được bảo trì hoàn hảo ở trạng thái nguyên thủy mà không bị cong vênh hay bị mối mọt xâm nhập vào các mảnh gỗ.
(Korea Herald – November 13, 2021)
Các tòa nhà của khu Điện Tàng kinh bản ở chùa Hải Ấn, Hàn Quốc
Bên trong một tòa nhà thuộc khu Điện Tàng kinh bản
Photos: Hyungwon Kang