HOA KỲ: Đại Bảo tháp của Trung tâm Núi Shambhala được bảo vệ trong trận cháy rừng
Trung tâm Núi Shambhala (SMC), một trung tâm tu học Phật giáo nằm trên diện tích 600 mẫu Anh gần Red Feather Lakes, Colorado, đã bị mất các tòa nhà trong trận cháy rừng Cameron Peak vào tuần này, Denver Post đưa tin.
Lính cứu hỏa đã bảo vệ được Đại Bảo tháp của trung tâm, nhưng SMC bị mất các tòa nhà xung quanh các rìa của khu phức hợp này.
Trước khi di tản khỏi khu vực, các nhân viên của trung tâm đã chuyển các đồ vật quý giá vào Đại Bảo tháp vì họ nghĩ rằng công trình kiến trúc bằng bê tông và cốt thép này sẽ chống cháy.
SMC được thành lập vào năm 1971 bởi Chogyam Trungpa Rinpoche, một vị thầy Phật giáo Tây Tạng và là nhân vật quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo ở phương Tây.
(tricycle.org – October 3, 2020)
THÁI LAN: Lễ hội Phật giáo Oak Phansa
Lễ hội Oak Phansa đánh dấu sự kết thúc của Mùa Chay Phật giáo và năm nay rơi vào ngày 1-10. Vào dịp lễ này, chùa chiền trên khắp đất nước đều tổ chức lễ hội hóa trang.
Ở phía đông bắc, mọi người ăn mừng bằng những cuộc rước thuyền được chiếu sáng.
Nhiều người ở Nakhon Phanom đã đến tham quan Lễ hội Oak Phansa vào ngày 30-10, mua sắm và ngắm những chiếc thuyền đang cạnh tranh nhau xem chiếc nào đẹp nhất trên sông Mekong. Lễ hội bắt đầu vào ngày 25-9 và kéo dài đến ngày 4-10.
Các con thuyền được trang trí với khoảng 5,000 đến 10,000 ngọn nến, mô tả các hình ảnh liên quan đến tôn giáo, trong đó hình ảnh chính là Đức Phật.
(nationthailand.com – October 1, 2020)
ẤN ĐỘ: Thành lập trường Đại học Phật giáo tại bang Sikkim
Vào ngày 21-92020, Hội đồng Lập pháp bang Sikkim đã thông qua dự luật thành lập một trường đại học Phật giáo tại bang này.Với tên gọi Đại học Phật giáo Khangchendzonga (KBU), cơ sở này sẽ trở thành trường đại học Phật giáo tư thục đầu tiên ở Ấn Độ và là trường đại học đầu tiên ở Sikkim do người Sikkim sáng lập.
KBU tập trung phát triển các kỹ năng chuyên môn trong các lĩnh vực kinh doanh mới nổi - bằng cách cung cấp các chương trình đổi mới và chất lượng cao và đào tạo về nghiên cứu Phật học, giáo dục, lĩnh vực dạy nghề, nghệ thuật tự do, khoa học xã hội, khoa học và kỹ thuật, khách sạn và du lịch, kiến trúc, y học và các lĩnh vực liên quan - để sinh viên từ tầng lớp trung lưu trở xuống có thể được đào tạo nghề nghiệp bổ ích.
(NewsNow – October 1, 2020)
NHẬT BẢN: Hình ảnh chư Phật thánh được phát hiện trong ngôi chùa cổ Saimeiji
Các nhà khoa học từ Đại học Hiroshima đã phát hiện ra hình ảnh các vị Phật thánh trong ngôi chùa cổ Saimeji ở tỉnh Shiga. Các bức vẽ được tìm thấy trên các cột ở chánh điện của chùa này bị che phủ một lớp bồ hóng.
Trong giới khoa học, trước đây người ta tin rằng chùa Saimeji được xây dựng từ thời Kamakura, trong khoảng thời gian từ năm 1185 đến năm 1333. Vì chánh điện đã được xây dựng lại nhiều lần, nên những mảnh vỡ của tòa nhà này được cho là có từ lâu đời hơn nhiều. Nhóm khoa học gia quyết định kiểm tra các bức tường và cột của ngôi chùa bằng máy quay video hồng ngoại. Trong quá trình làm việc, họ đã phát hiện những hình ảnh nói trên. Việc phân tích các tranh vẽ cho thấy rằng chúng có thể có từ những năm 592-710 sau Công nguyên. Có thể xác định chính xác năm tạo tác chúng – là năm 685.
Các nhà khoa học cho biết cách họ thực hiện việc xác lập niên đại của các bức vẽ này: Họ phân tích hình ảnh của các hình vẽ, các hoa văn đặc trưng trên quần áo và các lòng bàn tay gấp lại. Chúng trùng khớp với những yếu tố đã được tìm thấy trong các bức bích họa của thế kỷ thứ 8.
(thetimeshub.in – October 3, 2020)
TRUNG QUỐC: Đầu tượng Phật được phục chế bằng công nghệ in 3D
Đầu của một tượng Phật đã được in ba chiều (3D) để phục chế một bức tượng đá tại Động Long Môn, một di sản văn hóa thế giới ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Phần đầu được in cao 40cm và rộng 30cm, hoàn toàn khớp với phần còn lại của bức tượng Phật được tạc trên bức tường phía bắc của chùa Fengxian vào thời nhà Đường (618-907).
Tọa lạc tại thành phố Lạc Dương, Động Long Môn bao gồm hơn 2,300 hang động với 110,000 tượng và hình ảnh Phật giáo, hơn 80 đền thờ và 2,800 bia ký được tạo tác vào giữa triều đại Bắc Ngụy (386-534) và triều nhà Tống (960-1279).
Vào đầu thế kỷ 20, các hang động phần lớn đã bị hư hại và cướp phá, với nhiều tượng Phật được mang ra nước ngoài. Đầu của tượng Phật này bị mất tích sau năm 1923 và đã được Bảo tàng Thượng Hải mua vào năm 1957.
Nghiên cứu trùng tu với sự hợp tác của bảo tàng Thượng Hải bắt đầu vào tháng 5-2019. Trong số 5 di vật của bảo tàng được xác nhận là đến từ Động Long Môn, đầu tượng Phật nói trên là vật đầu tiên được xác định với vị trí nguyên thủy của nó trong hang động Long Môn.
(tipitaka.net – October 3, 2020)
***