CỘNG HÒA KALMYKIA (Liên bang Nga): “Lễ hội phép mầu” tại chùa trung tâm của Kalmykia
Từ ngày 12 đến 14-3-2017, “Lễ hội Phép mầu” (tiếng Tây Tạng là Chotrul Duchen) đã được tổ chức tại ngôi chùa trung tâm của nước Cộng hòa Kalmykia, vùng duy nhất tại châu Âu mà Phật giáo Tây Tạng là tôn giáo chính. Lễ hội bao gồm một nghi thức đặc biệt, được tổ chức để tưởng niệm đại sư Tây Tạng Geshe Tenzin Dugda, người đã viên tịch tại Kalmykia vào ngày 13-3-2012.
Lễ hội Phép mầu là một trong 4 lễ hội Phật giáo quan trọng được tổ chức tại Kalmykia. Sự kiện này, diễn ra trong suốt ngày trăng tròn của tháng đầu tiên trong lịch Tây Tạng, để kỷ niệm những phép mầu từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Lễ hội kéo dài 3 ngày tại chùa trung tâm, diễn ra cùng với Đại lễ Cầu nguyện (Monlam Chenmo).
Theo truyền thống, Đại lễ Cầu nguyện được tổ chức tại các tu viện vào tháng giêng âm lịch. Truyền thống này tại Kalmykia đã được phục hồi cách đây vài năm nhờ những nỗ lực của Telo Tulku Rinpoche, trưởng lạt ma của Kalmykia.
(Buddhist Door – March 22, 2017)
Ngôi chùa trung tâm của nước Cộng hòa Kalmykia
Photo: Lyudmila Klasanova
PAKISTAN: Pakistan sẽ tham gia lễ Vesak tại Colombo, Tích Lan
Pakistan sẽ tham gia và trưng bày di tích di sản của Phật giáo và Gandhara trong lễ Vesak 3-ngày tại Colombo, Tích Lan.
Năm nay, lần đầu tiên Tích Lan tổ chức lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, diễn ra từ ngày 12 đến 14-5. Lễ hội sẽ được tổ chức tại Khu Vesak Liên Hiệp Quốc đặc biệt xung quanh tòa nhà Quốc hội Tích Lan.
Pakistan sẽ tham gia lễ hội và trưng bày các di tích di sản Phật giáo và Gandhara thông qua một gian hàng để đại diện cho di sản lịch sử và văn hóa của nước này.
Năm nay Pakistan cũng sẽ mời một phái đoàn Tích Lan dự lễ hội Vesak, được tổ chức tại Pakistan vào tuần lễ cuối của tháng 5.
(nation.com.lk – March 23, 2017)
MÔNG CỔ: Biểu tượng văn hóa Phật giáo cổ xưa của Mông Cổ sẽ hoàn thành vào mùa hè 2017
Ulaanbaatar, Mông Cổ - Vào mùa hè năm 2017, người Mông Cổ sẽ khôi phục một phần quan trọng của di sản Phật giáo cổ xưa của họ: Một tượng Phật lịch sử - từng được thiết kế bởi nhà lãnh đạo thiêng liêng đầu tiên của Phật giáo Mông Cổ - sẽ đặt tại Thung lũng Uguumur, nằm ngay bên ngoài thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ.
Vào thời kỳ các lực lượng Sô Viết chiếm đóng, hầu hết tất cả 1,000 tu viện Phật giáo cùng với các tượng Phật đã bị phá hủy, chỉ còn lại duy nhất pho tượng Phật lịch sử nói trên. Nay Dự án Đại Di Lặc đang hoan hỉ lên kế hoạch để mang pho tượng Phật quan trọng này về với Đạo pháp Mông Cổ.
Dự án sẽ kết thúc Giai đoạn Một với việc hoàn thành tượng Phật lịch sử cao 15 feet, đã được mô phỏng, thiết kế và bây giờ sẵn sàng để xây dựng đầy đủ.
Dự án đang gây quỹ để hoàn thành việc xây pho tượng Phật này vào tháng 9-2017. Giai đoạn Hai sẽ bắt đầu vào năm 2018 và bao gồm việc xây xong pho tượng Di Lặc Bồ tát cao 177 feet - vốn đến nay đã xây được 40% - tại ngọn đồi trung tâm của Thung lũng Uguumur, .
(buddhistchannel.tv – March 27, 2017)
ẤN ĐỘ: Họa sĩ MR Pimpure, người làm hồi sinh các tranh Phật giáo của hang động Ajanta
Các hang động Ajanta (huyện Aurangabad, bang Maharashtra) trong dãy núi đá là nơi có nhiều tranh Phật giáo được vẽ rất tỉ mỉ.
Nhưng trong thực tế, di tích lịch sử Ajanta của UNESCO này hiện đang bị đổ nát, mà ngay cả những nỗ lực không ngừng của chính phủ cũng vẫn chưa đủ.
Trong tình trạng đó, họa sĩ MR Pimpure đã cống hiến cuộc đời mình để phục chế từng bức tranh của Ajanta một cách tinh tế. Từ nửa thế kỷ qua, công việc quanh năm của ông bắt đầu bằng việc quan sát nhiều giờ liền trong hang, với những bức vẽ lớn, và việc thu thập những màu sắc độc đáo cho phù hợp những nguyên bản vốn cần đến nỗ lực phi thường.
Kỳ công của việc phục chế tranh hang động mà Pimpure thực hiện là nhằm mục đích bảo tồn và giới thiệu với thế giới vẻ đẹp thật sự của di sản Ajanta của Ấn Độ. Mỗi bức tranh đòi hỏi việc nghiên cứu, tham khảo sách vở có niên đại hàng trăm năm. Với 350 tranh có chiều dài từ 1 foot đến 65 feet, việc phục chế từng tranh một đã thực hiện thật tỉ mỉ.
(The Buddhist Channel – March 28, 2017)
INDONESIA: Phát triển du lịch tâm linh tập trung vào chùa Borobudur ở Trung Java
Indonesia đã có thêm những bước để phát triển du lịch tâm linh tập trung vào ngôi đền Phật giáo Borobudur lớn nhất thế giới ở Trung Java, với mong muốn phát huy và truyền bá tinh thần hòa bình và hòa hợp trên khắp thế giới.
Một phần của các bước này được khởi động vào ngày 25-3-2017 tại Magelang, một thành phố gần chùa Borobudur. Sự kiện khởi động nói trên diễn ra với những phần trình diễn văn hóa Java khác nhau, có sự tham dự của đại diện các đại sứ quán – bao gồm Trung Quốc, Li Băng, Oman. Phi Luật Tân, Úc, Đức, Hungary, Mông Cổ và Croatia.
Chùa Borobudur có diện tích 2,500 m2, được xem là trung tâm của sự phát triển du lịch tại các tỉnh Trung Java và Yogyakarta của Indonesia, là nơi du khách ngoại quốc ưa chuộng để hành hương và dành cho những ai tò mò về nền văn minh cổ đại được thể hiện trong những phù điêu bằng đá khắc trên vách chùa.
(NewsNow – March 28, 2017)