HOA KỲ: “Lễ hội Đại Cầu nguyện” được tổ chức tại Tu viện Kagyu Thuben Choling ở New York
Khoảng 500 vị thầy, tu sĩ, học viên Phật giáo và các khách mời từ khắp thế giới đã tham dự Kagyu Monlam (“Lễ hội Đại Cầu nguyện”) Bắc Mỹ, được tổ chức tại tu viện Kagyu Thuben Choling ở Wappingers Falls, New York, diễn ra từ ngày 6 đến 10-7-2016.
Được giám sát bởi Lạt ma Norlha Rinpoche với sự ban phước của Đức Gyalwamg Karmapa thứ 17, sự kiện này được chủ trì bởi Sư trưởng Yongey Mingyur, cũng là người thuyết pháp và điểm đạo.
Phát ngôn viên của sự kiện là Lạt ma Jamdron nói, “Monlam là một thuật ngữ Tây Tạng có nghĩa là ‘ước vọng’, ‘mục tiêu’ hoặc ‘mục đích’. Mục đích của lễ hội là thúc đẩy hòa bình thế giới.
Linda Jordan, còn gọi là Lạt ma Chodron, nói, “Chúng tôi tin rằng, qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể có một tác động tích cực lên các sự kiện, và rằng càng có nhiều người cùng nhau cầu nguyện, tác động này càng mạnh mẽ hơn”.
Vốn bắt nguồn từ Tây Tạng và hiện nay được tổ chức tại 16 quốc gia, đây là lần đầu tiên lễ hội Kagyu Monlam được tổ chức tại tu viện Kagyu Thuben Choling ở New York, Hoa Kỳ.
(Buddhistdoor Global – July 15, 2016)
ẤN ĐỘ: Các ni cô tạo nên lịch sử qua việc thi đỗ kỳ thi Geshema
Dharamsala, Ấn Độ - Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, 20 ni cô đã trở thành nhóm Geshema đầu tiên của nữ tu sĩ Tây Tạng. Học vị này vốn không tồn tại trước khi Đức Đạt lai Lạt ma (vào tháng 9-2011) đề nghị phát triển một chương trình giáo dục dành cho chư ni.
Bằng cấp tu học Phật giáo dành cho chư ni này, trong đó có phần tương đương với học vị tiến sĩ trong 5 chuyên luận của Phật giáo Tây Tạng, đã được cộng đồng tu sĩ hoan nghênh.
Tất cả 20 thí sinh nói trên đã trải qua kỳ thi mệt mỏi kéo dài 12 ngày, được chia thành 2 phần là thi vấn đáp (tranh luận) và thi viết.
Để dự kỳ thi Geshema, một ni cô trước tiên phải nghiên cứu kỹ Ngũ Đại Kinh điển (Shung Chen Kapo Nga) trong 17 năm tại ni viện của mình. Chỉ khi đó chư ni mới được phép theo học khóa học 4-năm Geshema.
(Phayul – July 18, 2016)
THÁI LAN: Phật tử các nước được truyền giới nhân Mùa Chay
Ngày 16-7-2016, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại chùa Phra Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani của Thái Lan để tham gia một lễ truyền giới, được tổ chức để đánh dấu Mùa Chay – Mùa An cư – sắp tới của Phật giáo.
Có ít nhất 64 người đến từ 11 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Mông Cổ, Mã Lai, Ấn Độ và Thái Lan đã được nhận vào giáo đoàn vào dịp này. Trong buổi lễ bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, những người mới xuất gia nói trên trong áo choàng trắng đã tham gia tụng kinh và cầu nguyện. Sau đó họ được trao y màu cam để trở thành tăng sĩ.
Lễ truyền giới được tổ chức để tôn vinh Mùa Chay (hay ‘Khao Pansa’) của Phật giáo, bắt đầu vào ngày đầu tiên sau khi trăng tròn của tháng 8 âm lịch – năm nay nhằm ngày 20-7 dương lịch.
Trong thời gian này, tăng sĩ phải cư trú ở một nơi, thường là trong một tu viện hoặc ngôi chùa nơi họ thực hành thiền định và cầu nguyện.
(IANS – July 17, 2016)
ẤN ĐỘ: Trường Đại học Nalanda cổ đại bây giờ là một Di sản Thế giới UNESCO
Các di tích được khai quật của Nalanda, một trong những địa điểm Phật học có tính lịch sử quan trọng nhất vào thời Ấn Độ cổ đại, đã được UNESCO tuyên bố là một Di sản Thế giới vào ngày 15-7-2016.
Được cho là trường đại học nội trú quốc tế đầu tiên của thế giới, Nalanda từng là một đại tịnh xá - tức là một tu viện và là một trung tâm Phật học - tại Magadha, một trong 16 vương quốc của Ấn Độ cổ đại.
Nalanda được thành lập vào thế kỷ thứ 3 như một tu viện, trước khi phát triển thành một trường đại học vào thế kỷ thứ 5. Lúc cao điểm, Nalanda có hơn 2,000 vị thầy và hơn 10,000 sinh viên, thu hút các học giả và sinh viên đến từ những nơi xa xôi như Trung Hoa, Indonesia, Triều Tiên, Ba Tư, Tây Tạng và Thổ nhĩ Kỳ.
Tọa lạc tại bang Bihar ở đông Ấn Độ, cách thủ phủ Patna khoảng 60 dặm, Nalanda được phát hiện trong các cuộc khai quật của Viện Khảo cổ Ấn độ trong thời gian từ 1915-1937 và 1974-1982.
(Buddhistdoor Global – July 19, 2016)
NHẬT BẢN: Khai quật các mảnh vỡ có thể là của Phật tự lớn nhất từng được xây dựng tại Nhât Bản
Các nhà khảo cổ học ở Nhật Bản đã xác định 3 mảnh vỡ trang trí bằng đồng, vốn khai quật được trong khuôn viên ngôi chùa Thiền Phật Kinkaku-ji nổi tiếng của Kyoto, như là di tích của những gì trước kia là ngôi chùa gọi là Kitayama Daito - Phật tự cao nhất từng được xây dựng tại Nhật Bản.
Được phát hiện trong cuộc khai quật diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7 -2015 để phát triển khu đỗ xe của chùa Kikaku-ji, các học giả tin rằng những mảnh vỡ này có thể xưa kia từng tạo hình một phần của đỉnh ngôi chùa Kitayama Daito, vốn tương truyền đã được xây trong khuôn viên chùa Kikaku-ji theo lệnh của tướng quân Ashikaga Yoshimitsu (1358-1408).
Theo Viện Nghiên cứu Khảo cổ Thành phố Kyoto, 3 mảnh vỡ này đã hình thành một phần của một sorin – là hình trang trí dọc chạm trổ ở đầu mái nơi đỉnh của một ngôi chùa. Mảnh vỡ lớn nhất trong số 3 mảnh này rộng 37.4 cm, dài 24.6 cm và dày 1.5 cm, cân nặng 8.2 kg.
Các mảnh vỡ bằng đồng nói trên được trưng bày trong một cuộc triển lãm đặc biệt tại Bảo tàng Khảo cổ Thành phố Kyoto cho đến ngày 27-11-2016.
(Buddhistdoor Global – July 20, 2016)
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới