AFGHANISTAN: Hoạt động khai thác mỏ đe dọa di tích Phật giáo Mek Aynak
TIN ẢNH:
Di tích Phật giáo 2.600 năm tuổi Mek Aynak có thể bị phá hủy vào tháng 12 năm nay để tạo ra một mỏ đồng lớn
Một tượng Phật bên trên một khu khai thác mỏ thuộc sở hữu của chính phủ Trung quốc tại tỉnh Logar
Người dân địa phương từ các làng bị di dời đang đào đất đá để phơi bày các hiện vật bị chôn vùi
Một đầu tượng Phật mạ vàng được tìm thấy tại Mek Aynak. Một nhóm các nhà khảo cổ quốc tế đang cố cứu các di tích này
Abdul Qadeer Temore, nhà khảo cổ học hàng đầu của Afghanistan, đang làm việc giữa những pho tượng Phật đứng lớn
Người dân làm việc tại một trong nhiều địa điểm khai quật khảo cổ ở Mek Aynak. Vào năm 2009, công ty khai thác mỏ cho các nhà khảo cổ 3 năm để khai quật di tích này
Chuyên gia người Pháp Phillipe Marquis, giám đốc DAFA (Đoàn Khảo cổ Pháp tại Afghanistan) đang nói chuyện với người chỉ huy công nhân địa phương tại Mek Aynak
Tượng một tín đồ Phật giáo cao 5 feet được tìm thấy tại Mek Aynak
Photos: CNN
(Big News Network – September 23, 2012)
ẤN ĐỘ: Các nhà làm phim và chuyên gia quốc tế thảo luận về Phật giáo
Bhopal, Madhya Pradesh – Ngày 23-9-2012, trong một cuộc họp toàn cầu tại thành phố Bhopal, 230 chuyên gia bao gồm cả những nhà làm phim từ khắp nơi trên thế giới đã thảo luận về những lý tưởng của Phật giáo, nhằm nâng cao năng lực và sự hiểu biết chuyên môn của các vấn đề liên quan đến sự quản lý nhà nước và phúc lợi của con người.
Cuộc họp này mang tên Dharma-Dhamma (nghĩa là sự giao lưu tư tưởng giữa Phật giáo và Ấn độ giáo), được tổ chức để thảo luận về vai trò của nó trong các lĩnh vực chính trị, đạo đức và xã hội, trong các mục tiêu khoa học và công nghệ và trong kinh tế và kinh doanh.
Các học giả và chuyên gia tôn giáo từ Mỹ, Hòa Lan, Hàn quốc, Israel, Indonesia, Trinidad và Tobago đã tập trung tại Bhopal để tham dự cuộc họp.
Hơn 100 tài liệu nghiên cứu đã được trình bày tại sự kiện quốc tế này.
(PTI – September 23, 2012)
TRUNG QUỐC: Ngũ Đài Phật Sơn được vào danh sách Di sản Thế giới
Núi Ngũ Đài đã trở thành di tích thứ 38 của Trung quốc gia nhập vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Tọa lạc tại tỉnh Sơn Tây, Ngũ Đài Sơn là ngọn núi cao nhất của miền bắc Trung quốc và nổi tiếng với hình thái đặc biệt gồm các sườn dốc và 5 đỉnh núi trọc rộng lớn. 53 tự viện tại đây được xây từ thế kỷ thứ 1 đến đầu thế kỷ thứ 20, trong số đó có Đông Chánh Điện (của Chùa Phật Quang) là một công trình kiến trúc được xây vào năm 857 trong thời nhà Đường và là một trong những tòa nhà bằng gỗ cổ xưa nhất tại Trung quốc.
Ngũ Đài Sơn còn có Chùa Shuxiang được xây vào triều Minh, với một tổ hợp lớn gồm 500 pho tượng điển hình của những truyện Phật giáo, được lồng trong những bức tranh sơn thủy 3 chiều.
(Buddhist Channel – September 24, 2012)
Một ngôi chùa cổ trên Ngũ Đài Sơn - Photo: China Daily
NHẬT BẢN: Hội nghị Liên tín ngưỡng Toàn cầu về sự đa dạng của thiền định
Tokyo, Nhật Bản – Trong quan hệ đối tác với tổ chức Sáng kiến Hòa bình của Phụ nữ Toàn cầu (GPIW), giáo phái Phật giáo huyền bí Shinnyo-en đã tài trợ và tổ chức một cuộc họp liên tín ngưỡng, nhằm tìm hiểu về cách mà những phương thức tu hành tác động cụ thể trong cộng đồng của họ và trên toàn cầu.
Đại diện của 25 truyền thống tôn giáo và giáo phái đã tham dự hội nghị từ ngày 15 đến 19-9-2012, được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo Ogen của giáo phái Shinnyo-en ở Tokyo.
Vào ngày 17- 9, hội nghị được mở rộng để công chúng đến dự một loạt thiền định có hướng dẫn. Trên 1.500 người đã có thể trải nghiệm một lựa chọn các phương pháp thiền định do 11 vị thầy của các thực hành khác nhau từ khắp thế giới hướng dẫn.
(PR Newswire – September 24, 2012)
ĐỨC: Tượng Phật cổ được làm từ thiên thạch
Stuttgart, Đức – Các nhà khoa học Đức đang phân tích một tượng Phật cổ - được phát hiện tại Tây Tạng vào năm 1938- nói rằng tượng này được chạm khắc từ một thiên thạch dạng hiếm.
Pho tượng nặng 22 pound, được gọi là Người Sắt, do một đoàn thám hiểm gồm các nhà khoa học Đức phát hiện. Đoàn do nhà động vật học nổi tiếng Ernst Schafer dẫn đầu và do đảng Quốc xã bảo trợ.
Các sử gia tin rằng sự bảo trợ này có lẽ dựa vào niềm tin rằng các nguồn gốc của chủng tộc Aryan có thể được tìm thấy tại Tây Tạng.
Ở giữa tượng có khắc một chữ vạn lớn, là điều có lẽ đã thúc đẩy đoàn thám hiểm mang nó về Đức, nơi nó trở thành một phần của một bộ sưu tập tư nhân. Và sau một cuộc đấu giá vào năm 2009, nó mới được dành cho việc nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Stuttgart đã xác định rằng tượng này được chạm khắc từ một dạng thiên thạch sắt gọi là ataxite có lượng nickel cao. Nó là một mảnh của thiên thạch Chinga, vốn rơi xuống vùng biên giới giữa Mông Cổ và Siberia cách đây khoảng 15.000 năm.
(UPI – September 27, 2012)
Tượng Phật ‘Người Sắt’, được chạm khắc từ thiên thạch - Photo: UPI
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới