NHẬT BẢN: Sanjusangen-do – ngôi chùa có 1.000 tượng Quan Âm Bồ Tát
Kyoto, Nhật Bản – Sanjusangen-do, ngôi chùa tôn trí hơn 1.000 tượng gố giát vàng có niên đại từ thế kỷ 13, là một trong những kho báu văn hoá nổi bật nhất của Phật giáo Nhật Bản.
Có niên đại từ năm 1164, chùa Sanjusangen-do được xây theo yêu cầu của Hoàng đế Go-Shirakawa (1127-1192), một người tôn kính Quan Âm Bồ Tát và là người đã thực hiện những nỗ lực tuyệt vời để mang lại hoà bình và thịnh vượng cho đất nước bằng cách truyền bá Phật giáo.
Chánh điện của chùa ban đầu chỉ có 124 tượng Phật Quan Âm.
Sau trận hoả hoạn vào năm 1249, chánh điện được xây lại vào năm 1266. Và đến nay toà nhà này đã được sửa sang 4 lần, nhưng về tổng thể vẫn giữ được hầu như nguyên bản thời thế kỷ 13 của nó.
Hiện nay, chùa Sanjusangen-do tôn trí 1.031 tượng, bao gồm: một tượng Phật Quan Âm lớn (cao 3,4 m) ở trung tâm; 1.000 tượng Quan Âm có kích thước như người thật ( khoảng 1,6 m) – trong số này có 124 tượng ban đầu được cứu từ trận hoả hoạn; 28 tượng Hộ pháp; 2 tượng thần gió và thần sấm.
Tất cả những tượng này được xem là một Kho báu Quốc gia hoặc có giá trị như Tài sản Văn hoá Quan trọng của Nhật Bản.
(japanese-buddhism.com – January 22, 2013)
Kendrapada, Odisha - Từ ngày 1-2-2013, khoảng 120 học giả từ khắp thế giới sẽ gặp nhau trong một hội nghị Phật giáo quốc tế 3-ngày ở tu viện Udaygiri tại quận Jajpur.
“Sở văn hoá và du lịch Odisha sẽ tổ chức hội nghị để thu hút thêm du khách và các nhà nghiên cứu đến với các địa điểm Phật giáo của bang”, Tiến sĩ Sunil Patnaik, thư ký của Viện Hàng hải và Đông Nam Á Học, nói. Ông cũng muốn nêu rõ rằng đây sẽ là lần đầu tiên tại bang này có một hội nghị như vậy.
“Các học giả nổi tiếng từ Trung quốc, Hoa Kỳ, Miến Điện, Nhật Bản, Thái Lan, Tích Lan, Cam Bốt và Bhutan sẽ tham dự sự kiện này. Hội nghị cũng sẽ có sự hiện diện của các vị lạt ma từ Dharmasala”, ông Patnaik nói.
Tất cả đại biểu sẽ viếng các địa điểm Phật giáo nổi tiếng của Udayagiri, Ratnagiri, Lalitagiri, Langudi, Kaima và những nơi khác của quận Jajpur trong dịp này.
(tipitaka.net – January 23, 2013)
CAM BỐT: Lễ cầu nguyện theo truyền thống Phật giáo để tôn vinh cố Quốc vương Sihanouk
Ngày 23-1-2013, chư tăng và các thành viên hoàng gia đã tôn vinh Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk tại Cung điện Hoàng gia để đánh dấu 100 ngày trôi qua sau khi ông băng hà, một phong tục truyền thống được thực hiện rộng rãi theo thực hành tang lễ Phật giáo.
90 nhà sư, cùng các quan chức cao cấp của chính phủ, Quốc vương Norodom Sihamoni và Hoàng thái hậu Monineath Sihanouk đã tập trung tại cung điện để cầu nguyện và dâng thực phẩm cúng dường - một cựu trợ lý của cố vương Sihanouk là vương gia Sisowath Thomico nói. “Chúng tôi đã tổ chức theo các truyền thống bằng việc dâng thực phẩm cho 90 nhà sư”, ông nói.
Thủ tướng Hunsen và phu nhân cũng tham dự, cùng cầu nguyện và cúng dường thức ăn cho chư tăng.
Cố Quốc vương Sihanouk từ trần vào ngày 15-10-2012, hưởng thọ 89 tuổi.
(Phnom Penh Post – January 24, 2013)
Người dự đám tang đặt hoa bên cạnh ảnh của cố vương Sihanouk gần Cung điện Hoàng gia vào tháng 10-2012 - Photo: Heng Chivoan
Hội nghị Nữ Phật tử được tổ chức tại Vaishali (từ ngày 5 đến 12-1-2013) đã đạt sự thành công tích cực.
Chủ đề năm nay, “Nền tảng Phật giáo”, tập trung sự chú ý vào hoàn cảnh sống và các dự án hiện nay của phụ nữ Phật giáo tại nhiều nước khác nhau.
Với đại biểu từ 32 nước, trong đó lần đầu tiên có mặt các đại biểu từ Thổ nhĩ Kỳ và Estonia, hội nghị đã có sự đại diện rộng rãi từ Phật tử của các cộng đồng khác nhau và có một cơ hội để cập nhật về công việc tuyệt vời mà phụ nữ Phật giáo đang làm trên khắp thế giới.
Tour du lịch hành hương sau hội nghị là một cơ hội đặc biệt đối với phụ nữ Phật giáo từ khắp thế giới để viếng các địa điểm linh thiêng của Phật giáo, cùng cầu nguyện và bày tỏ nguyện vọng chung của mình.
(Buddhist Door – January 25, 2013)
ĐỨC: Kinh điển Phật giáo Ấn Độ 2.000 năm tuổi trên vỏ cây bạch dương
Các chuyên gia về Ấn Độ học tại trường Ludwig-Maximilians-Universitaet (LMU) ở Munich đang trong quá trình phân tích các tài liệu Phật giáo Ấn Độ 2000 năm tuổi vốn chỉ đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây. Các bản thảo quý giá đã mang lại một số kết quả đáng ngạc nhiên.
Những kinh điển Phật giáo lâu đời nhất còn tồn tại, lưu giữ trên những cuộn dài bằng vỏ cây bạch dương, được viết bằng chữ Gandhari – một ngôn ngữ khu vực của Ấn Độ cổ xưa vốn đã biến mất từ lâu. Các cuộn kinh này có nguồn gốc từ vùng Gandhara cổ đại, nằm ở tây bắc Pakistan ngày nay.
Đối với các nhà nghiên cứu quan tâm đến lịch sử sơ khai của Phật giáo, những bản thảo này là một phát hiện lớn: Về niên đại, một số của những tài liệu nói trên có từ thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, hơn xa các bản văn mẫu cổ nhất của Phật giáo Ấn Độ. Nhưng theo các chuyên gia, nội dung của chúng cũng hấp dẫn không kém. Các văn bản này giúp họ thấy rõ hơn một truyền thống văn học được cho là đã bị mất hẳn, và chúng giúp các nhà nghiên cứu tái tạo các giai đoạn trong sự phát triển của Phật giáo tại Ấn Độ. Hơn nữa, các cuộn kinh nói trên khẳng định vai trò quan trọng của vùng Gandhara trong sự truyền bá của Phật giáo vào Trung Á và Trung Hoa.
(Buddhist Art News - January 27, 2013)
Bản thảo kinh điển Phật giáo Ấn Độ trên vỏ cây bạch dương - Photo: LMU
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới