MIẾN ĐIỆN: Dân nghèo nhận thực phẩm từ những nhà sư khất thực
Hlaing Tharyar, Miến Điện – Dưới bóng cây râm giữa trưa, hơn 100 người ngồi trên cỏ hướng mặt nhìn về tu viện Phật giáo ở gần đó. Khi một nhà sư đi qua cổng với một nồi cơm cà ri lớn, những trẻ mồ côi, vô gia cư và những người thất nghiệp cùng xếp hàng với những túi nhựa nhàu nát trên tay.
Các tăng sĩ múc thức ăn được cúng dường vài giờ trước đó trong lần khất thực lúc bình minh của họ cho những người dân nghèo này.
Nhiều người trong số đó tại Hlaing Tharyar là nạn nhân của trận bão Nargis năm 2008 vốn gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa. Do thiếu việc làm và thiếu các mạng lưới an toàn, rất nhiều người phải sống lang thang.
Mỗi buổi sáng, ngay trước lúc bình minh và một lần nữa liền sau đó, hơn 50 nhà sư và tiểu tăng từ tu viện Mahar Aung Myae đi lòng vòng qua những con đường tối tăm, gập ghềnh của khu vực để nhận thực phẩm cúng dường từ những cư dân đứng trước khu nhà nhỏ bằng gỗ của họ.
Khi trở về tu viện, chư tăng chân đất này tập hợp phần lớn những gì họ đã nhận được vào một cái nồi lớn và mang nó ra cho những người đang chờ bên ngoài cổng chùa.
(Big News Network – November 22, 2014)
Tăng sĩ Miến Điện đi khất thực
Photo:AP
NAM HÀN: Chư tăng từ Nam Hàn, Trung quốc và Nhật Bản cầu nguyện cho hòa bình
Paju, Nam Hàn – Ngày 19-11-2014, trong một buổi lễ tại một địa điểm ở ngay phía nam của biên giới được vũ trang nghiêm ngặt của liên-Triều, hàng trăm tu sĩ Phật giáo Nam Hàn, Trung quốc và Nhật Bản đã cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Được tổ chức tại một hội trường của Đài quan sát Dorasan nhìn ra thị trấn biên giới Kaesong, nơi tọa lạc khu công nghiệp duy nhất do Nam Hàn điều hành, buổi lễ được tiến hành bằng 3 ngôn ngữ Hàn, Trung và Nhật.
Sau lễ cầu nguyện, các vị lãnh đạo Phật giáo của 3 nước đã đưa ra những thông điệp hòa bình của mình.
Vào cuối buổi lễ, những người tham dự đã thông qua một tuyên bố chung cam kết những nỗ lực để giúp thúc đẩy hòa bình trên bán đảo và những nơi khác trên thế giới.
Sự kiện này là một phần của hội nghị thường niên lần thứ 17 về giao lưu thiện chí giữa Phật tử từ Nam Hàn, Trung quốc và Nhật Bản. Hội nghị này đang được tổ chức tại Nam Hàn với khoảng 350 tu sĩ Phật giáo từ 3 nước nói trên tham dự.
(tipitaka.net – November 23, 2014)
Chư tăng tham dự hội nghị Phật tử Nam Hàn, Trung quốc và Nhật Bản thường niên lần thứ 17 tuần hành vì hòa bình gần biên giới liên-Triều, vẫy lá cờ tượng trưng cho một Triều Tiên thống nhất
Photo: Yonhap
TÍCH LAN: Lễ tôn trí Xá lợi Linh thiêng tại Bảo tháp Chiến thắng
Ngày 24-11-2014, dưới sự bảo trợ của Tổng thống Mahinda Rajapaksa, một nghi lễ tôn giáo đã được tổ chức để tôn trí Xá lợi Linh thiêng trong mái vòm hình bán nguyệt của Bảo tháp Chiến thắng (Sandahiru Stupa) ở thành phố Anuradhapura.
Buổi lễ diễn ra với sự tham dự của 6,500 hội viên của Đại Tăng đoàn và hàng nghìn tín đồ trong trang phục màu trắng.
Lễ tụng niệm Pirith kéo dài 7 ngày cũng được tổ chức nơi đây để chúc phúc việc tôn trí Xá lợi Linh thiêng tại Bảo tháp Chiến thắng.
Bảo tháp Chiến thắng, cao 285 feet và rộng 255 feet, đang được xây dựng bởi các thành viên của 3 Lực lượng Vũ trang và Lực lượng Phòng vệ Dân sự tại thành phố lịch sử Anuradhapura để ghi công những Anh hùng Chiến tranh đã bảo vệ đất nước Tích Lan.
(dailynews.lk – November 24)
Tổng thống Tích Lan Mahinda Rajapaksa (bên trái) trong nghi lễ tôn trí Xá lợi tại Bảo tháp Chiến thắng
Bảo tháp Chiến thắng ở thành phố Anuradhapura, Tích Lan
Photos: dailynews.lk
NGA: Các tu sĩ Phật giáo Nga phục chế tượng Đại Phật thế kỷ 19
Chita, Nga – Các nhà sư của Viện Đại học Phật giáo Aginsky thuộc truyền thống Gelukpa Tây Tạng ở vùng Lãnh thổ Ngoại-Balkan đã bắt đầu phục chế một tượng Đại Phật Di Lặc có niên đại từ thế kỷ 19, một thứ trưởng bộ văn hóa của vùng này là Tatiana Zherebtsova cho biết vào ngày 25-11-2014.
Bà nói chính quyền địa phương đã cấp hơn 1.1 triệu usd để tài trợ cho các công việc phục chế. Chư tăng của Viện Đại học Aginsky sẽ ráp tất cả những mảnh vỡ còn lại của pho tượng cao 16 mét này, nguyên thủy do các thợ thủ công Trung Hoa tạo tác, và sẽ làm ra những phần mới để thay thế cho những mảnh vỡ bị mất.
Cùng với việc phục chế, chư tăng sẽ thực hiện một nghi lễ thánh hóa linh thiêng để tạo sức mạnh tinh thần cho pho tượng. Họ sẽ đặt những vật linh thiêng vào bên trong pho tượng.
Và sự chú ý đặc biệt sẽ dành cho việc đặt một đoạn linh mộc - là một thanh gỗ tuyết tùng lớn có khắc kinh cầu nguyện của Phật giáo - vào chính giữa pho tượng. Theo kinh điển, toàn bộ nghi lễ thánh hóa không linh nghiệm nếu không có thanh linh mộc này.
(TASS – November 26, 2014)
Tượng Phật Di lặc cao 16 mét đang được phục chế tại viện Đại học Phật giáo Gelukpa, Nga
Photo:TASS
HOA KỲ: Hội Á châu sẽ triển lãm nghệ thuật Phật giáo Miến Điện
Hội Á châu ở New York sẽ tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên tại Tây phương tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật từ những bộ sưu tập ở Miến Điện.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 10-2 đến 10-5-2015 tại Bảo tàng Hội Á châu trên Đại lộ Công viên ở New York.
Các nhà tổ chức nói rằng triển lãm “Nghệ thuật Phật giáo của Miến Điện” sẽ trưng bày khoảng “70 tác phẩm đẹp mắt” - gồm các tác phẩm điêu khắc bằng đá, đồng và gỗ, hàng dệt may, tranh, và các hiện vật nghi lễ bằng sơn mài - từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 19, sẽ được mượn từ các Viện Bảo tàng của Miến Điện cũng như từ các bộ sưu tập công và tư tại Hoa Kỳ.
Bao gồm các hiện vật được chế tác cho chùa chiền, tu viện và cho việc cúng bài của cá nhân, các tác phẩm nghệ thuật này sẽ được giới thiệu trong những khung cảnh lịch sử và lễ nghi của chúng. Nhiều tác phẩm trong số này chưa từng trưng bày bên ngoài đất nước Miến Điện.
Một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo của Miến Điện
Photo: Mizzima
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới