TÍCH LAN: Lễ kỷ niệm 151 năm ngày sinh của người sáng lập phong trào dân tộc chủ nghĩa bất bạo động của Phật giáo Tích Lan
Phát biểu tại một lễ kỷ niệm 151 năm ngày sinh của Anagarika Dharmapala, Tổng thống Tích Lan Maithripala Sisisena kêu gọi người Tích Lan ghi nhớ giáo lý Phật giáo do Dharmapala truyền bá, vốn đã làm tăng cường sự đoàn kết giữa các nhóm dân tộc của đất nước này. Ông nhấn mạnh rằng những lời dạy ấy vẫn còn phù hợp với ngày nay giống như vào sinh thời của Dharmapala.
Buổi lễ diễn ra tại trường Phật giáo Pannipitiya Dharmapala Vidyalaya vào ngày 14-9-2015.
Anagarika Dharmapala (1864-1933) sinh tại Colombo, Tích Lan, là một học giả và nhà văn, đã dành cả cuộc đời cho việc bảo vệ và truyền bá Phật giáo. Ông cũng là một người sáng lập của phong trào dân tộc chủ nghĩa Phật giáo Tích Lan bất bạo động. Ông được xem là người dẫn đầu sự hồi sinh của của Phật giáo tại Ấn Độ, và là Phật tử đầu tiên trong thời hiện đại giảng dạy đạo pháp trên 3 lục địa – Á châu, Bắc Mỹ và Âu châu.
Tổng thống Sirisena lưu ý rằng có nhiều bài học được rút ra từ triết lý của Anagarika mà ta có thể dùng để truyền bá Phật giáo, xây dựng một xã hội mạnh mẽ và ngăn chận việc tiêu thụ ma túy và rượu.
(Buddhistdoor Global – September 15, 2015)
Tổng thống Tích Lan trong lễ kỷ niệm 151 năm ngày sinh Anagarika Dharmapala
Photo: news.lk
VƯƠNG QUỐC ANH: Đức Đạt lai Lạt ma nói về giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng về người tị nạn tại chấu Âu
Vào ngày 14-9-2015, bắt đầu chuyến thăm 9-ngày đến Vương quốc Anh của mình, Đức Đạt lai Lạt ma nói với các phóng viên tại Oxford rằng thật tuyệt vời khi các quốc gia trong Liên minh châu Âu như Đức và Áo đang thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận những dòng người di cư đến từ các nước Trung Đông khác nhau.
Vị lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng nói lợi ích quốc gia nên đứng thứ hai sau lợi ích của nhân loại khi ngài đề cập đến cuộc khủng hoảng người tị nạn. Ngài đã ca ngợi phản ứng của Đức và Áo đối với dòng người tị nạn nói trên.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo người Tây Tạng nói rằng tiếp nhận người tị nạn không phải là giải pháp cuối cùng. Ngài nói việc chăm sóc hàng nghìn người tị nạn như thế thật tuyệt vời, nhưng đồng thời ta phải suy nghĩ về những giải pháp lâu dài, về cách để mang lại hòa bình đích thực và sự phát triển đích thực, chủ yếu thông qua giáo dục cho các nước Hồi giáo này.
(Phayul – September 15, 2015)
Đức Đạt lai Lạt ma
Photo: Reuters
ẤN ĐỘ: Đồng bạc Phật giáo 400 năm tuổi khai quật được tại Chamarajanagar
Mysuru, Karnataka - Việc phát hiện một đồng tiền bằng bạc 400 năm tuổi chạm nổi hình ảnh Đức Phật Cồ Đàm từ làng Vadayara Palya ở khu Kollegala, huyện Chamajanagar (bang Karnataka) cho thấy sự truyền bá Phật giáo trong khu vực này.
Tiến sĩ B Basavaraju Tagarapura, giám đốc khảo cổ khu vực Vijayapura của trường Đại học Mở bang Karnataka, đã khai quật đồng bạc thuộc Công ty Đông Ấn nói trên từ một cánh đồng nông nghiệp gần Thuộc địa Tây Tạng, cách khu Kollegal 40 km. Ông nói đã tìm được nó trong khi đang làm nghiên cứu tại địa điểm này. “Đồng bạc có khắc nổi hình ảnh Đức Phật Cồ Đàm ngồi trên đài sen và dòng chữ nửa anna (tiền tệ Ấn Độ cũ), năm 1616 và Công ty Đông Ấn”.
Basavara nói, “Vào thế kỷ thứ 3, A Dục Vương đã phái nhà sư Mahadeva đến Mahisha Mandala (nay là Mysuru) và sư Rakshitha đến Banavasi (huyện Uttara Kannada). Chữ khắc của A Dục Vương được tìm thấy tại nhiều nơi ở các huyện Chitradurga, Raichur và Kalaburagi. Gần đây chữ khắc Phật giáo được phát hiện tại làng Rajagatta ở khu Dodaballapur. Nhưng đồng bạc tìm được tại khu Kollegal cho thấy ảnh hưởng của Phật giáo tại vùng Mysuru”.
(tipitaka.net – September 17, 2015)
HÀN QUỐC: Phật phái Tào Khê tổ chức cuộc thi nói ngoại ngữ đầu tiên
Có tổng cộng 41 cá nhân và 12 đội (121 người) đã tham gia cuộc thi nói ngoại ngữ dành cho ‘tăng sĩ sinh viên’ đầu tiên do Phật phái Tào Khê Hàn quốc tổ chức. Vòng sơ kết diễn ra vào ngày 16-9-2015 tại hội trường văn hóa và nghệ thuật truyền thống của chùa Ujeongguk-ro ở quận Jongno, Seoul.
Các tăng sĩ sinh viên tham gia cuộc thi này hiện đang học tại các trường đại học Tăng sĩ Phật giáo và Đại học Dongguk, do trung tâm giáo dục của tông phái Phật giáo Tào Khê tổ chức.
Đối với các bài thuyết trình bằng Anh ngữ, các thí sinh phải trình bày theo ‘phong cách hùng biện’ trong đó họ thuyết trình bằng cách cầm micro, hoặc theo cách sử dụng hình chiếu. Còn các đội thì trình bày những phần trình diễn theo phong cách âm nhạc bằng cách áp dụng nhạc kịch ngắn.
Tông phái Tào Khê đã quyết định yêu cầu tăng sĩ sinh viên học một ngoại ngữ bao gồm Anh, Hoa và Nhật ngữ trong 2 học kỳ của khóa học Tăng sĩ 4 năm để nâng cao trình độ và năng lực của tăng sĩ và tăng cường việc quốc tế hóa Phật giáo.
(donga.com – September 17, 2015)
Cuộc thi ngoại ngữ của Tăng sĩ sinh viên do Phật phái Tào Khê tổ chức tại Seoul, Hàn quốc
Photo: donga.com
TÂY TẠNG: Tín đồ Phật giáo Ấn Độ khôi phục Bảo tháp A Dục Vương tại thành phố Chamdo
Thành phố Chamdo ở vùng Hi Mã Lạp Sơn vừa khánh thành một Bảo tháp A Dục Vương được phục hồi. Đây là biểu tượng của lòng nhiệt thành mang tính truyền giáo của người Ấn Độ để truyền thông điệp của Phật giáo từ thời cổ đại.
Bảo tháp có khu phức hợp bao gồm một tượng Đức Phật cao 35 m được tôn trí trên đỉnh một Phât tự.
Bảo tháp đã được phục hồi bởi các tín đồ của Gyalwang Drukpa, vị lãnh đạo tinh thần của dòng Phật giáo Drukpa có trụ sở tại Ladakh, Ấn Độ, với sự bảo trợ từ Hội Từ thiện Fu Rui theo dự án 25 triệu usd.
Sự đóng góp cũng đến từ nhiều tín đồ của Drukpa, trong đó có những nhà công nghiệp nổi tiếng như gia đình Lim tại Singapore.
Bảo tháp nguyên thủy được thiết lập tại Nangchen – một trung tâm thương mại và chính trị quan trọng của miền đông Tây Tạng trước kia – bởi các nhà truyền giáo đạo Phật vốn mang theo thông điệp của A Dục Vương, người trị vì Ấn Độ từ khoảng năm 65-238 BC hoặc 273-232 BC.
(Big News Network – September 21, 2015)
Bảo tháp A Dục Vương được phục hồi và khánh thành tại Chambo, Tây Tạng
Photos: eeroju.in & drukpa-germany.com
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới