TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
(TUẦN THỨ 4 THÁNG 7, 2012)
Diệu Âm lược dịch
AFGHANISTAN: Bảo tàng Anh quốc trả những bảo vật bị cướp cho Afghanistan
Được cảnh sát Anh và Lực lượng biên giới Vương quốc Anh trợ giúp, Bảo tàng Anh quốc đã trả cho Afghanistan hàng trăm cổ vật bị cướp sau khi tịch thu từ bọn buôn lậu.
Ngày 19-7-2012 tại Afghanistan, Thủ tướng Anh David Cameron công bố rằng 850 bảo vật đã trở vể với đất nước Afghanistan, sau khi chúng bị tịch thu và được giao cho Bảo tàng Anh bảo quản.
Vào tuần trước đó, trong một chiến dịch bí mật, toàn bộ số cổ vật này đã được 2 máy bay quân sự chở đến bảo tàng quốc gia Afghan tại Kabul.
Trong số này có một tác phẩm điêu khắc Đức Phật tuyệt đẹp thuộc thế kỷ thứ 2, một đồng tiền thuộc thế kỷ thứ 12 từ Bamiyan – nơi các tượng Phật bị Taliban phá hủy, các hiện vật bằng ngà của thế kỷ thứ nhất và những hộp mỹ nghệ tinh xảo vùng Bactria Thời kỳ Đồ Đồng, cho thấy di sản phong phú của một vùng đất từng là giao lộ của các nền văn minh Đông và Tây phương.
(Tipitaka Network – July 23, 2012)
Một cổ vật của Afghanistan - Photo: The Independence
TÍCH LAN: Tổng thống Rajapaksa khánh thành Bảo tàng Tượng Phật điêu khắc gỗ
Ngày 21-7-2012, Tổng thống tích Lan Mahinda Rajapaksa đã khánh thành Bảo tàng Tượng Phật điêu khắc gỗ đầu tiên của thế giới tại Đại Tịnh xá Sri Vijayarama ở Kaluwadumulla, Ambalangoda.
Trong số các hạng mục xây thêm cho tịnh xá có gian nhà tôn trí tượng chính, gian nhà tôn trí 28 tượng Phật bằng gỗ giáng hương, phòng trưng bày các tượng Phật bằng gỗ...Các công trình này được xây với chi phí hơn 50 triệu Rupee, từ tiền cúng dường của các thành phần khác nhau, gồm Giáo hội Dayaka của tịnh xá và những người cúng dường trong và ngoài nước khác.
Pho tượng Di Lặc Bồ tát bằng gỗ lớn nhất Tích Lan là một trong số các tượng, tranh Phật giáo có tính lịch sử và nổi tiếng thế giới này của bảo tàng.
(dailynews.lk – July 24, 2012)
Tổng thống Rajapaksa vào ngày khánh thành Bảo tàng Tượng Phật điêu khắc gỗ đầu tiên của thế giới tại Đại Tịnh xá Sri Vijayarama (Tích Lan) - Photo: Nalin Hewapathirana
THÁI LAN: Chiến dịch giảm béo trong mùa chay Phật giáo
Một chiến dịch kiểm soát trọng lượng đã được Bộ Y Tế Thái Lan tổ chức trong 3 tháng mùa chay của Phật giáo, từ 3-8 đến 30-10-2012, với mục tiêu giảm béo phì cho người Thái.
Bộ Y tế nói rằng sự giảm cân sẽ được thực hiện như một cách làm công đức trong mùa chay Phật giáo, với mức giảm tối thiểu là 4 kg mỗi tháng cho mỗi người.
Bộ này lập một quỹ, với mục tiêu đã đề ra là giảm 10 nghìn tấn trọng lượng cơ thể - con số này qui ra tiền tổng cộng là 1 triệu Baht.
Tiền này sẽ đến với các dự án từ thiện của nhiều chùa chiền Phật giáo, và chiến dịch dự kiến sẽ có 10 triệu người tham gia.
Số người Thái được xem là béo phì gồm 17 triệu người, và mỗi năm còn có khoảng 4 triệu người có khuynh hướng trở nên béo hoặc phì. Sự béo phì khiến chính phủ tốn 100 tỉ Baht mỗi năm cho các chi phí chữa trị.
(Bignews Network – July 25, 2012)
Chiến dịch giảm béo phì trong mùa chay Phật giáo dự kiến sẽ có 10 triệu người tham gia - Photo: AFP
BANGLADESH: Phật giáo, tôn giáo lớn thứ ba của Bangladesh
Bangladesh ngày nay có đa số dân theo đạo Hồi, nhưng Phật giáo vẫn đóng vai trò không nhỏ trong lịch sử và văn hóa của quốc gia này. Phật giáo là tôn giáo lớn thứ ba của cả nước, nhưng tại một số khu vực như Chittanong, Phật tử đạt con số ấn tượng là 12% dân số.
Các số liệu cũng như lịch sử Phật giáo ở Bangladesh làm cho đất nước này trở thành quan trọng trong thế giới Phật giáo. Tử Bồ đề Đạo tràng ở Ấn Độ đến Bengal của Bangladesh không xa, và khu vực này đã đóng một phần quan trọng trong sự phát triển của đạo Phật.
Gần đây, các học giả nghiên cứu đã tìm thấy một trụ A Dục tại Damrai gần Dhaka, và hiện nay họ đang cố tìm hiểu bằng cách nào nó đến được Bangladesh. Ngoài ra còn có một số phát hiện khác cho thấy sự hiện hữu của Phật giáo từ trước thời kỳ Thiên Chúa giáo tại Bangladesh.
(Buddhist Door – July 27, 2012)
Hình ảnh chùa chiền, tăng sĩ và di tích Phật giáo tại Bangladesh - Photos: Buddhist Door
HOA KỲ: Trường Đại học Naropa nhận trợ cấp từ Quỹ Frederick P. Lenz
Trường Đại học Naropa có trụ sở tại thành phố Boulder, bang Colorado, thông báo đã nhận 250.000 usd tiền trợ cấp do Quỹ Frederick P. Lenz cấp cho “những học giả Naropa hiện nay và tương lai của Phật giáo Mỹ”.
Đại học Naropa và Quỹ Frederick P. Lenz có mối quan hệ bền vững kể từ năm 2004.
Bắt đầu vào năm 2012 này, Quỹ sẽ cấp cho 3 chương trình: Trợ cấp Lenz cho Học bổng về Thành tích, Diễn giả Xuất sắc Lenz và Học bổng nghiên cứu sinh Lenz.
Quỹ Phật giáo Mỹ Frederick P. Lenz được dành cho việc phát huy những lợi ích của Thiền Phật, thiền định, yoga và những thực hành liên quan đến Phật giáo như một con đường dẫn đến sự tự nhận thức và sự hòa hợp của vật chất và tinh thần trong xã hội Mỹ hiện đại.
(Shambala Sun – July 27, 2012)
Biểu trưng của Đại học Naropa (Hoa Kỳ) - Photo: Shambala Sun
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới