- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (24 tập)
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 2
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 3
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 4
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 5
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 6
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 7
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 8
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 9
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 10
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 11
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 12
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 13
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 14
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 15
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 16
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 17
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 18
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 19
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 20
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 21
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 22
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 23
- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 24
- Tiểu sử dịch giả HT Thích Trí Nghiêm
Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 22
Quyển Thứ 539
Hội thứ tư Phẩm Diệu Hạnh thứ 1-2
Hội thứ tư Phẩm Đế Thích thứ 2
Hội thứ tư Phẩm Cúng Dường Bảo Tháp thứ 3-1
Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Các Bồ tát này thật vô sanh chăng? Thiện Hiện đáp rằng: Các Bồ tát này đều thật vô sanh.
Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ Bồ tát là thật vô sanh, hay pháp Bồ tát cũng thật vô sanh? Thiện Hiện đáp: Pháp các Bồ tát cũng thật vô sanh.
Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ pháp Bồ tát là thật vô sanh, hay Nhất thiết trí trí cũng thật vô sanh? Thiện Hiện đáp: Nhất thiết trí trí cũng thật vô sanh.
Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ Nhất thiết trí trí là thật vô sanh, hay pháp Nhất thiết trí trí cũng thật vô sanh? Thiện Hiện đáp: Pháp Nhất thiết trí trí cũng thật vô sanh.
Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ pháp Nhất thiết trí trí là thật vô sanh, hay loại dị sanh cũng thật vô sanh? Thiện Hiện đáp: Các loại dị sanh cũng thật vô sanh.
Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ loại dị sanh là thật vô sanh, hay pháp dị sanh cũng thật vô sanh? Thiện Hiện đáp: Các pháp dị sanh cũng thật vô sanh.
Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Nếu các Bồ tát đều thật vô sanh, pháp các Bồ tát cũng thật vô sanh; Nhất thiết trí trí là thật vô sanh, pháp Nhất thiết trí trí cũng thật vô sanh; các loại dị sanh là thật vô sanh, pháp loại dị sanh cũng thật vô sanh ấy, đâu chẳng Bồ tát Ma ha tát lẽ tùy chứng được Nhất thiết trí trí. Vậy thời pháp vô sanh lẽ được pháp vô sanh? Thiện Hiện đáp rằng: Ý tôi chẳng cho trong pháp vô sanh có chứng đắc, có hiện quán. Sở dĩ vì sao? Vì các pháp vô sanh bất khả đắc vậy.
Xá Lợi Tử nói: Vì cho pháp sanh chứng pháp sanh, hay cho pháp vô sanh chứng pháp vô sanh ư? Thiện Hiện đáp: Ý tôi chẳng cho pháp sanh chứng pháp sanh, cũng chẳng cho pháp vô sanh chứng pháp vô sanh.
Xá Lợi Tử nói: Vì cho pháp sanh chứng pháp vô sanh, hay cho pháp vô sanh chứng pháp sanh ư? Thiện Hiện đáp: Ý tôi chẳng cho pháp sanh chứng pháp vô sanh, cũng chẳng cho pháp vô sanh chứng pháp sanh.
Xá Lợi Tử nói: Nếu như vậy ấy, đâu trọn không đắc không hiện quán ư? Thiện Hiện đáp: Tuy có đắc có hiện quán, nhưng chẳng bởi hai pháp đây mà chứng. Chỉ theo lời nói thế gian thi thiết có đắc hiện quán, chẳng phải trong thắng nghĩa có đắc hiện quán.
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì cho pháp chưa sanh sanh, hay cho pháp đã sanh sanh ư? Thiện Hiện đáp: Ý tôi chẳng cho pháp chưa sanh sanh, cũng chẳng cho pháp đã sanh sanh.
Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì cho sanh sanh, hay cho chẳng sanh sanh ư? Thiện Hiện đáp: Ý tôi chẳng cho sanh sanh, cũng chẳng cho chẳng sanh sanh. Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nhân giả đối đã nói pháp vô sanh muốn biện nói tướng vô sanh ư? Thiện Hiện đáp: Tôi đối đã nói pháp vô sanh, cũng chẳng muốn biện nói tướng vô sanh.
Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Đối pháp vô sanh khởi lời vô sanh, lời vô sanh đây cũng vô sanh chăng? Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Đối pháp vô sanh khởi lời vô sanh, pháp và lời đây đều nghĩa vô sanh, mà tùy thế tục nói tướng vô sanh.
Khi ấy, Xá Lợi Tử khen Thiện Hiện rằng: Trong những người thuyết pháp, ngài là thứ nhất, trừ Phật Thế Tôn, không ai kịp được. Sở dĩ vì sao? Tùy lời gạn hỏi các thứ pháp môn đều năng thù đáp, không bị trệ ngại, mà đối pháp tánh không thể động vượt.
Thiện Hiện đáp rằng: Học trò các Đức Phật đối tất cả pháp không chỗ nương dính, lẽ vậy đều năng tùy điều gạn hỏi mỗi mỗi đáp trả tự tại không sợ, mà đối pháp tánh được không động vượt. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả pháp không chỗ nương vậy.
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Đã nói pháp yếu sâu thẳm như thế, vì do oai lực những Ba la mật đa nào được nên biện thuyết?
Thiện Hiện đáp lời: Đã nói pháp yếu sâu thẳm như thế, vì do oai lực những Ba la mật đa được thành biện. Sở dĩ vì sao? Nói tất cả pháp không chỗ nương dựa cần do Bát nhã Ba la mật đa, vì đạt tất cả pháp không nương vậy. Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe thuyết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế, tâm không nghi lầm, cũng không mê ngất, phải biết Bồ tát Ma ha tát này trụ trụ như vậy hằng chẳng bỏ lìa, nghĩa là vô sở đắc mà làm phương tiện, thường siêng cứu vớt tất cả hữu tình. Phải biết Bồ tát Ma ha tát này trọn nên tác ý rất thắng như thế, chỗ gọi tác ý tương ưng Đại bi.
Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát trụ trụ như vậy hằng chẳng bỏ lìa, trọn nên tác ý tương ưng Đại bi ấy, thời tất cả hữu tình cũng lẽ thành Bồ tát Ma ha tát hết. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả hữu tình cũng đối trụ đây và tác ý đây thường chẳng bỏ lìa. Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tác ý Đại bi vì tánh bình đẳng vậy, thời các Bồ tát Ma ha tát cùng tất cả hữu tình lẽ không sai khác?
Thiện Hiện trả lời: Hay thay, hay thay! Như vậy, như vậy. Thật như đã nói, năng như thật biết ý tôi đã nói, mặc dù tựa hồ nạn tôi mà thành lập nghĩa tôi. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Vì hữu tình vô tự tánh, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng vô tự tánh. Hữu tình vô sở hữu, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng vô sở hữu. Hữu tình xa lìa, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng xa lìa. Hữu tình vắng lặng, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng vắng lặng. Hữu tình bất khả đắc, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng bất khả đắc. Hữu tình vô giác tri, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng vô giác tri. Do nhân duyên đây, các Bồ tát Ma ha tát đối trụ như vậy và tác ý đây thường chẳng bỏ lìa, cùng các hữu tình cũng không sai khác, vì tất cả pháp và các hữu tình đều rốt ráo không, không có sai khác vậy. Nếu Bồ tát Ma ha tát năng biết được như thế không chỗ trệ ngại là chơn tu hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm.
Bấy giờ, Thế Tôn khen Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi khéo hay vì các Bồ tát Ma ha tát tuyên nói khai chỉ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, đây đều sức oai thần Như Lai. Nếu có muốn vì các Bồ tát Ma ha tát tuyên nói khai chỉ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đều nên như ngươi tuyên nói khai chỉ. Nếu Bồ tát Ma ha tát muốn học Bát nhã Ba la mật đa đều nên theo ngươi đã nói mà học. Nếu Bồ tát Ma ha tát theo ngươi đã nói mà học Bát nhã Ba la mật đa, Bồ tát Ma ha tát này mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, năng tận vị lai lợi vui tất cả. Vậy nên chúng Bồ tát Ma ha tát này muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề nên siêng tu học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm.
Hội Thứ Tư
Phẩm Đế Thích Thứ 2
Bấy giờ, Thiên Đế Thích cùng bốn vạn Thiên tử trời Ba mươi ba đồng đến ngồi hội. Bốn Thiên vương hộ đời cùng hai vạn Thiên tử trời Bốn đại vương chúng đồng đến ngồi hội. Đại Phạm thiên vương chủ cõi Sách Ha cùng vạn Phạm chúng đồng đến ngồi hội. Như vậy cho đến trời Ngũ tịnh cư đều cùng vô lượng trăm ngàn Thiên Tử đồng đến ngồi hội. Các Thiên chúng này tịnh nghiệp cảm được dị thục ánh sáng nơi thân, tuy năng soi tỏ mà vì oai lực thân quang Như Lai làm cướp mất ánh sáng thảy đều chẳng hiện.
Khi ấy, Thiên Đế Thích thưa Thiện Hiện rằng: Nay có vô lượng Thiên chúng thế giới Tam thiên đại thiên đây đồng đến ngồi hội, muốn nghe Đại đức tuyên nói khai chỉ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, dạy trao dạy răn các Bồ tát Ma ha tát khiến đối Bát nhã Ba la mật đa mau được rốt ráo. Cúi xin Đại đức thương xót vì nói: Bồ tát Ma ha tát làm sao nên trụ Bát nhã Ba la mật đa? Bồ tát Ma ha tát làm sao nên học Bát nhã Ba la mật đa?
Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Thiên Đế Thích rằng: Ta phải nhờ sức oai thần Phật, thuận ý Như Lai, vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên nói khai chỉ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm. Như chúng các Bồ tát Ma ha tát khá đối trong ấy nên trụ như thế, nên học như thế. Thiên chúng các ngươi đều nên lóng nghe, khéo suy nhớ lấy.
Kiều Thi Ca! Các trời chúng ngươi, kẻ chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề nay đều phải phát. Có các kẻ đã vào Thanh văn, Độc giác, Chánh tánh ly sanh, chẳng năng phát lại tâm Đại Bồ đề. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Vì kia đối giòng sanh tử đã lâu hạn cách, nên trong ấy nếu có kẻ năng phát được tâm Vô thượng Bồ đề, tôi cũng tùy hỷ. Sở dĩ vì sao? Có các thắng nhân nên cầu thắng pháp. Tôi chọn chẳng trở ngại phẩm loại thắng thiện kia.
Bấy giờ, Thế Tôn khen Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi nay khéo hay vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên nói khai chỉ Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm. Cũng năng khuyên gắng các Bồ tát Ma ha tát khiến rất vui mừng siêng tu Bát nhã Ba la mật đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Tôi đã biết lẽ đâu chẳng trả. Sở dĩ vì sao? Chư Phật và các đệ tử quá khứ vì các chúng Bồ tát Ma ha tát tuyên nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, dạy trao dạy răn nhiếp thọ hộ niệm. Bấy giờ Thế Tôn cũng ở trong ấy học phạm hạnh thanh tịnh, nay chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, quay xe diệu pháp nhiêu ích chúng tôi. Nên tôi ngày nay nên theo lời Phật dạy, vì chúng Bồ tát Ma ha tát tuyên nói bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, dạy trao dạy răn nhiếp thọ hộ niệm, khiến siêng tu học phạm hạnh thanh tịnh, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, quay xe diệu pháp, cùng đời vị lai lợi ích an vui tất cả hữu tình. Vậy thời gọi là trả ơn đức kia.
Cụ thọ Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Ngươi hỏi Bồ tát Ma ha tát làm sao nên trụ nên học Bát nhã Ba la mật đa ấy, lóng nghe nghe chắc, sẽ vì ngươi nói tướng các Bồ tát Ma ha tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như chỗ nên trụ và nên học.
Kiều Thi Ca! Các Bồ tát Ma ha tát mặc áo giáp đại công đức, nên đem tướng không an trụ Bát nhã Ba la mật đa. Chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức. Chẳng nên trụ quả Dự lưu, chẳng nên trụ quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán. Chẳng nên trụ Độc giác Bồ đề, chẳng nên trụ chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Chẳng nên trụ đây là sắc, chẳng nên trụ đây là thọ tưởng hành thức. Chẳng nên trụ đây là quả Dự lưu, chẳng nên trụ đây là quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, chẳng nên trụ đây là Độc giác Bồ đề, chẳng nên trụ đây là chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Chẳng nên trụ sắc hoặc thường hoặc vô thường, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức hoặc thường hoặc vô thường. Chẳng nên trụ sắc hoặc vui hoặc khổ, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức hoặc vui hoặc khổ. Chẳng nên trụ sắc hoặc ngã hoặc vô ngã, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức hoặc ngã hoặc vô ngã. Chẳng nên trụ sắc hoặc tịnh hoặc bất tịnh, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức hoặc tịnh hoặc bất tịnh. Chẳng nên trụ sắc hoặc không hoặc bất không, chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức không hoặc bất không.
Chẳng nên trụ quả Dự lưu là vô vi hiển ra; chẳng nên trụ quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán là vô vi hiển ra. Chẳng nên trụ Độc giác Bồ đề là vô vi hiển ra, chẳng nên trụ chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề là vô vi hiển ra.
Chẳng nên trụ quả Dự lưu là chơn ruộng phước đáng thọ cúng dường, chẳng nên trụ quả Dự lưu cực là bảy phen sanh tất vào Niết bàn. Chẳng nên trụ quả Nhất lai là chơn ruộng phước đáng thọ cúng dường, chẳng nên trụ quả Nhất lai chưa đến rốt ráo, một phen đến trong đây làm ngằn mé khổ. Chẳng nên trụ quả Bất hoàn là chơn ruộng phước đáng thọ cúng dường, chẳng nên trụ quả Bất hoàn qua kia diệt độ chẳng còn trở lại. Chẳng nên trụ quả A la hán là chơn ruộng phước đáng thọ cúng dường, chẳng nên trụ quả A la hán định đời nay vào Vô dư Niết bàn. Chẳng nên trụ Độc giác là chơn ruộng phước đáng thọ cúng dường, chẳng nên trụ Độc giác vượt bậc Thanh văn, chẳng đến bậc Phật mà vào Niết bàn. Chẳng nên trụ Phật là chơn ruộng phước đáng thọ cúng dường, chẳng nên trụ Phật vượt bậc dị sanh, vượt bậc Thanh văn, vượt bậc Độc giác, vượt bậc Bồ tát, an trụ bậc Phật lợi ích an vui vô lượng vô số vô biên hữu tình, khiến vào cõi Vô dư bát Niết bàn. Chẳng nên trụ Phật độ thoát vô lượng vô số vô biên hữu tình khiến đối Tam thừa đều được quyết định, làm các Phật sự như thế thảy rồi vào cõi Vô dư y bát Niết bàn.
Khi ấy, Xá Lợi Tử khởi nghĩ này rằng: Nếu Bồ tát Bồ tát Ma ha tát khi hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chẳng nên trụ Phật an trụ bậc Phật lợi ích an vui vô lượng vô số vô biên hữu tình khiến vào cõi Vô dư bát Niết bàn. Chẳng nên trụ Phật độ thoát vô lượng vô biên hữu tình khiến đối Tam thừa đều được quyết định, làm các Phật sự như thế thảy rồi vào cõi Vô dư y bát Niết bàn. Cũng chẳng nên trụ các pháp khác thảy ấy, chúng Bồ tát Bồ tát Ma ha tát này phải trụ ở đâu?
Cụ thọ Thiện Hiện nhờ oai thần Phật, biết chỗ nghĩ nơi tâm Xá Lợi Tử, bèn bảo đó rằng: Nơi ý hiểu sao? Tâm các Đức Như Lai hãy trụ chỗ nào?
Khi đó Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Tâm các Đức Như Lai đều không chỗ trụ. Sở dĩ vì sao? Tâm không chỗ trụ nên gọi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Nghĩa là chẳng trụ giới hữu vi, cũng chẳng trụ giới vô vi, cũng chẳng phải chẳng trụ giới hữu vi giới vô vi.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử rằng: Các Bồ tát Bồ tát Ma ha tát khi hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm cũng lại như thế. Như các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đối tất cả pháp tâm không chỗ trụ, cũng chẳng phải chẳng trụ.
Xá Lợi Tử! Các Bồ tát Bồ tát Ma ha tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, đem vô sở đắc mà làm phương tiện, nên trụ như thế, nên học như thế.
Bấy giờ, trong chúng có các Thiên tử trộm khởi nghĩ này: Câu chú, lời nói các thứ sai khác của các được xoa thảy, tuy là ẩn mật kín đáo mà bọn chúng ta hãy có thể hiểu biết được. Đại đức Thiện Hiện đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm mặc dù đã dùng nhiều thứ lời lẽ để chỉ rõ, nhưng bọn chúng ta trọn chẳng hiểu được!
Cụ thọ Thiện Hiện biết chỗ nghĩ nơi tâm các Thiên tử, bèn bảo kia rằng: Các ngươi Thiên tử đối ta đã nói chẳng hiểu được sao?
Các Thiên tử thưa: Như vậy, như vậy, chúng tôi đối câu nghĩa Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm Đại đức đã nói, trọn chẳng hiểu được!
Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo kia rằng: Ta từng đối trong nghĩa tương ưng Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đây không nói không chỉ ra, các ngươi cũng chẳng nghe, thời hiểu cái gì. Vì cớ sao? Này các Thiên tử! Trong nghĩa tương ưng Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đều xa lìa văn chữ lời nói vậy.
Khi ấy, các Thiên tử lại khởi nghĩ này: Đại đức Thiện Hiện đối trong nghĩa Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đây, tuy lại đem các thứ phương tiện để nói rõ, muốn khiến dễ hiểu, nhưng nghĩa thú kia sâu thẳm càng sâu thẳm, nhỏ nhiệm lại nhỏ nhiệm, khó nỗi so lường được!
Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm kia nghĩ bèn bảo đó rằng: Thiên tử phải biết: Sắc chẳng sâu thẳm chẳng nhỏ nhiệm, thọ tưởng hành thức chẳng sâu thẳm chẳng nhỏ nhiệm. Quả Dự lưu chẳng sâu thẳm chẳng nhỏ nhiệm; quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán chẳng sâu thẳm chẳng nhỏ nhiệm. Độc giác Bồ đề chẳng sâu thẳm chẳng nhỏ nhiệm. Chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề chẳng sâu thẳm chẳng nhỏ nhiệm. Vì cớ sao?
Các Thiên tử! Vì tất cả pháp nhỏ nhiệm sâu thẳm, kẻ nói kẻ nghe hiểu bất khả đắc vậy. Bởi đấy, các ngươi đối các pháp nên theo đã nói tu sâu nhẫn bền.
Thiên tử phải biết: Có các kẻ muốn chứng muốn trụ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, cần nương nhẫn đây mới năng chứng trụ được.
Khi đó các Thiên tử khởi nghĩ này rằng: Đại đức Thiện Hiện đối nay muốn vì hữu tình nào, thuyết những pháp nào?
Cụ thọ Thiện Hiện biết chỗ nghĩ nơi tâm các Thiên tử mà bảo kia rằng: Thiên tử phải biết: Ta nay muốn vì hữu tình như huyễn như hóa như mộng, cũng lại tuyên nói pháp như huyễn như hóa như mộng. Vì cớ sao? Các Thiên tử! Như vậy kẻ nghe đối pháp đã nói không nghe, không hiểu, không chỗ chứng vậy.
Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Năng nói, năng nghe và pháp nói ra đều như huyễn hóa mộng đã thấy ư?
Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Hữu tình như huyễn, vì kẻ như huyễn, nói pháp như huyễn. Hữu tình như hóa, vì kẻ như hóa, nói pháp như hóa. Hữu tình như mộng, vì kẻ như mộng, nói pháp như mộng. Tất cả hữu tình và tất cả pháp không chẳng đều như cảnh huyễn hóa mộng, vì tất cả pháp tất cả hữu tình cùng huyễn hóa mộng không hai không riêng.
Thiên tử phải biết: Các kẻ Dự lưu và quả Dự lưu, hoặc kẻ Nhất lai và quả Nhất lai, hoặc kẻ Bất hoàn và quả Bất hoàn, hoặc A la hán và quả A la hán, hoặc các Độc giác và Độc giác Bồ đề, hoặc các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, không chẳng đều như cảnh huyễn hóa mộng.
Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Lẽ đâu các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng như cảnh huyễn hóa mộng chỗ thấy ư?
Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Cho đến Niết bàn ta cũng nói là như huyễn hóa mộng chỗ thấy.
Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Đâu nên Niết bàn cũng như huyễn hóa mộng chỗ thấy?
Thiện Hiện đáp rằng: Giả sử lại có pháp hơn Niết bàn, ta cũng nói là như huyễn hóa mộng chỗ thấy. Sở dĩ vì sao? Vì cảnh huyễn hóa mộng cùng tất cả pháp, cho đến Niết bàn không hai không riêng, đều chẳng thể được, chẳng thể nói vậy.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử, Chấp Đại Tạng, Mãn Từ Tử, Đại Ẩm Quang thảy hỏi Thiện Hiện rằng: Đã nói Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế, ai năng tín thọ được?
Cụ thọ Khánh Hỷ thưa các đại Thanh văn Xá Lợi Tử thảy rằng: Có Bồ tát Ma ha tát Bất thối chuyển đối Bát nhã Ba la mật đa đây năng sâu tín thọ được. Lại có vô lượng đại A la hán đầy đủ chánh kiến hết hẳn các lậu, đối Bát nhã Ba la mật đa đây cũng năng tín thọ được.
Cụ thọ Thiện Hiện nói lên như vầy: Đã nói Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế không ai tín thọ được. Sở dĩ vì sao? Trong đây không pháp khá rõ, khá chỉ và khá thi thiết. Đã thật không pháp khá rõ, khá chỉ và khá thi thiết, nên kẻ tín thọ cũng chẳng khá được.
Khi ấy, Thiên Đế Thích khởi nghĩ này rằng: Đại đức Thiện Hiện rưới trận mưa pháp, ta nên hóa làm các hoa nhiệm mầu dâng rải cúng dường. Khởi nghĩ ấy rồi, tức thì hóa làm các hoa mầu nhiệm rải lên Thiện Hiện.
Cụ thọ Thiện Hiện khởi nghĩ này rằng: Hoa nay đã rải, ở chỗ chư thiên chưa từng thấy có. Hoa nhiệm mầu đây định chẳng phải nước đất cỏ cây sanh ra, phải là từ tâm các trời hóa sanh?
Khi ấy, Thiên Đế Thích đã biết chỗ nghĩ nơi tâm Thiện Hiện, bảo Thiện Hiện rằng: Hoa đã rải đây thật chẳng phải đất nước cỏ cây sanh ra, cũng chẳng phải từ tâm các trời hóa sanh. Vì cớ sao? Vì hoa đã rải đây tánh vô sanh vậy.
Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Hoa này chẳng sanh, tức chẳng phải hoa vậy.
Khi ấy, Thiên Đế Thích lén khởi nghĩ này: Đại đức Thiện Hiện trí huệ sâu sắc, chẳng hoại giả danh mà nói thật nghĩa. Khởi nghĩ này rồi, thưa Thiện Hiện rằng: Như vậy, như vậy. Thật như Tôn giả dạy. Các Bồ tát Ma ha tát đối trong các pháp nên theo lời dạy Tôn giả mà học như thế.
Cụ thọ Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói. Các Bồ tát Ma ha tát đối trong các pháp nên theo lời ta đã dạy mà học như thế.
Kiều Thi Ca! Khi các Bồ tát Ma ha tát học như thế, chẳng học đối sắc, chẳng học đối thọ tưởng hành thức. Chẳng học đối quả Dự lưu; chẳng học đối quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, chẳng học đối Độc giác Bồ đề. Chẳng học đối chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nếu chẳng đối các bậc này mà học, đấy gọi học Phật Nhất thiết trí trí. Nếu học được Phật Nhất thiết trí trí, thời học vô lượng vô biên Phật pháp.
Nếu học vô lượng vô biên Phật pháp, thời chẳng học sắc có tăng có giảm, cũng chẳng học thọ tưởng hành thức có tăng có giảm. Nếu chẳng học sắc có tăng có giảm, cũng chẳng học thọ tưởng hành thức có tăng có giảm, thời chẳng học sắc có lấy có bỏ, cũng chẳng học thọ tưởng hành thức có lấy có bỏ. Nếu chẳng học sắc có lấy có bỏ, cũng chẳng học thọ tưởng hành thức có lấy có bỏ, thời chẳng học tất cả pháp có lấy có bỏ. Nếu chẳng học tất cả pháp có lấy có bỏ, thời chẳng học các pháp có thể nhiếp thọ, có thể diệt hoại. Nếu chẳng học các pháp có thể nhiếp thọ có thể diệt hoại, thời chẳng học Nhất thiết trí trí có thể nhiếp thọ có thể diệt hoại.
Khi các Bồ tát Ma ha tát học như thế gọi là chơn học Nhất thiết trí trí, chóng năng chứng được Nhất thiết trí trí.
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát chẳng học các pháp có thể nhiếp thọ có thể diệt hoại, cũng chẳng học Nhất thiết trí trí có thể nhiếp thọ có thể diệt hoại. Khi Bồ tát Ma ha tát này học như thế, gọi là chơn học Nhất thiết trí trí, chóng năng chứng được Nhất thiết trí trí ư?
Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Nếu Bồ tát Ma ha tát chẳng học các pháp có thể nhiếp thọ có thể diệt hoại, cũng chẳng học Nhất thiết trí trí có thể nhiếp thọ có thể diệt hoại. Khi Bồ tát Ma ha tát này học như thế, gọi là chơn học Nhất thiết trí trí, chóng năng chứng được Nhất thiết trí trí, vì đem vô sở đắc làm phương tiện vậy.
Bấy giờ, Thiên Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử rằng: Các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa phải cầu ở đâu? Xá Lợi Tử đáp: Các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa nên đối trong lời Thiện Hiện đã nói mà cầu.
Thiên Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử rằng: Thần lực ai đây làm nương giữ nên khiến Tôn giả nói lời như thế? Xá Lợi Tử nói: Thần lực Như Lai làm nương giữ nên ta nói lời này.
Khi ấy, Thiên Đế Thích lại hỏi cụ thọ Xá Lợi Tử rằng: Thần lực ai đây làm nương giữ nên Tôn giả Thiện Hiện năng nói Bát nhã Ba la mật đa? Xá Lợi Tử nói: Thần lực Như Lai làm nương giữ nên cụ thọ Thiện Hiện năng nói Bát nhã Ba la mật đa.
Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Thiên Đế Thích rằng: Ngươi hỏi thần lực ai đây làm nương giữ khiến Thiện Hiện tôi năng nói Bát nhã Ba la mật đa ấy. Kiều Thi Ca! Phải biết định là thần lực Như Lai làm nương giữ nên khiến Thiện Hiện tôi năng nói Bát nhã Ba la mật đa.
Kiều Thi Ca! Ngươi đã hỏi các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa phải cầu ở đâu ấy. Kiều Thi Ca! Các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa chẳng nên đối sắc cầu, chẳng nên lìa sắc cầu. Chẳng nên đối thọ tưởng hành thức cầu, chẳng nên lìa thọ tưởng hành thức cầu. Sở dĩ vì sao? Sắc chẳng phải Bát nhã Ba la mật đa, cũng chẳng lìa sắc mà có Bát nhã Ba la mật đa. Thọ tưởng hành thức chẳng phải Bát nhã Ba la mật đa, cũng chẳng lìa thọ tưởng hành thức mà có Bát nhã Ba la mật đa.
Khi ấy, Thiên Đế Thích thưa Thiện Hiện rằng: Các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa là đại Ba la mật đa, là vô lượng Ba la mật đa, là vô biên Ba la mật đa?
Thiện Hiện đáp lời: Như vậy, như vậy. Kiều Thi Ca! Các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa là đại Ba la mật đa, là vô lượng Ba la mật đa, là vô biên Ba la mật đa. Vì cớ sao?
Kiều Thi Ca! Sắc đại nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng đại, thọ tưởng hành thức đại nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng đại.
Kiều Thi Ca! Sắc vô lượng nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô lượng, thọ tưởng hành thức vô lượng nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô lượng.
Kiều Thi Ca! Sắc vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên, thọ tưởng hành thức vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Sở duyên vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Kiều Thi Ca! Sao là sở duyên vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên? Nghĩa là ngằn trước giữa sau tất cả pháp đều chẳng thể được, nói là vô biên. Pháp vô biên nên sở duyên cũng vô biên. Bởi đây Bát nhã Ba la mật đa cũng nói vô biên. Vậy nên, ta nói sở duyên vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Kiều Thi Ca! Sao là tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên? Nghĩa là biên tất cả pháp chẳng thể được. Sở dĩ vì sao? Vì biên trước giữa sau tất cả sắc đều chẳng thể được. Biên trước giữa sau tất cả thọ tưởng hành thức đều chẳng thể được. Bởi đây biên trước giữa sau Bát nhã Ba la mật đa cũng chẳng thể được. Vậy nên ta nói tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Tất cả hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Sở dĩ vì sao? Vì biên tất cả hữu tình bất khả đắc, vậy nên ta nói tất cả hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Khi ấy, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Thưa Đại đức! Vì sao tất cả hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên?
Thiện Hiện đáp rằng: Kiều Thi Ca! Chẳng thể kế toán biên số lắm nhiều loại hữu tình, vì bất khả đắc vậy, nên nói như vầy: Tất cả hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.
Thiên Đế Thích nói: Vì nghĩa nào nên tác thuyết như thế?
Thiện Hiện bảo rằng: Kiều Thi Ca! Ta nay hỏi ngươi, tùy ý ngươi đáp. Nơi ý hiểu sao? Nói hữu tình, kẻ hữu tình là thêm lời pháp nào?
Thiên Đế Thích nói: Nói hữu tình kẻ hữu tình chẳng thêm lời pháp, cũng chẳng phải chẳng thêm lời pháp. Chỉ là đã nhiếp giả lập khách danh, đã nhiếp danh vô sự, đã nhiếp danh vô chủ, đã nhiếp danh vô duyên.
Thiện Hiện lại nói: Kiều Thi Ca! Nơi ý hiểu sao? Đối trong kinh Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đây, vì hiển chỉ có thật hữu tình chăng?
Thiên Đế Thích nói: Thưa Đại đức! Chẳng thật.
Thiện Hiện bảo rằng: Trong kinh Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đây đã chẳng hiển chỉ có thật hữu tình nên nói vô biên, vì kia giữa biên chẳng khá được vậy.
Kiều Thi Ca! Nơi ý hiểu sao? Nếu các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trải số đại kiếp như cát Căng già, đem vô biên tiếng tăm nói vô lượng danh tự loại hữu tình, trong ấy vả có chơn thật hữu tình có sanh diệt chăng?
Thiên Đế Thích nói: Thưa Đại đức! Chẳng có. Vì cớ sao? Vì các hữu tình bản tánh tịnh vậy, kia từ xưa nay vô sở hữu vậy, chẳng phải vô sở hữu khá có sanh diệt.
Thiện Hiện bảo rằng: Do nghĩa đây nên ta tác thuyết này: Tất cả hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Kiều Thi Ca! Do đây nên phải biết các Bồ tát Ma ha tát sở học Bát nhã Ba la mật đa nên nói là đại, vô lượng, vô biên.
Bấy giờ, trong hội Thiên Đế Thích thảy, cõi Dục các Phạm thiên vương thảy, cõi Sắc các thiên và Đại tự tại Thần tiên Thiên nữ nhảy nhót vui mừng, đồng thời ba phen cao tiếng xướng rằng: Hay thay, hay thay! Có Phật ra đời nên Tôn giả Thiện Hiện nhờ oai thần Phật khéo vì chúng tôi tuyên nói khai chỉ pháp tánh vi diệu nhiệm mầu, chỗ gọi Bát nhã Ba la mật đa, khiến các trời, người, a tố lạc thảy được nhiêu ích lớn. Nếu Bồ tát Ma ha tát năng đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế, như nói tu hành thường chẳng bỏ lìa, chúng tôi đối kia cung kính cúng dường như Phật Thế Tôn.
Bấy giờ, Phật bảo các chư Thiên rằng: Như vậy, như vậy. Nếu Bồ tát Ma ha tát đối Bát nhã Ba la mật đa đây đem vô sở đắc mà làm phương tiện năng như nói hành thường chẳng xa lìa, chư thiên các ngươi đều nên cúng dường như Phật Thế Tôn.
Thiên thảy phải biết: Khi xưa Ta đối Phật Nhiên Đăng, nơi đầu đường ngã tư thuộc Vương đô Liên Hoa gặp thấy Đức Phật Nhiên Đăng, dâng năm cọng hoa sen, trải tóc che bùn, cần nghe Chánh pháp, đem vô sở đắc mà làm phương tiện, nên mới chẳng xa lìa Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm và vô lượng vô biên Phật pháp khác.
Bấy giờ, Phật Nhiên Đăng tức thì trao Ta ký Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, nói lên lời này: “Thiện nam tử! Người ở đời sau qua vô số kiếp, ở trong Hiền kiếp thế giới đây sẽ được làm Phật hiệu Năng Tịch Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nói rộng cho đến Phật Thế Tôn, tuyên nói kinh điển Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm độ vô lượng chúng”. Khi ấy, các Thiên thảy đồng bạch Phật rằng: Bát nhã Ba la mật đa như thế rất là hiếm có, khiến chúng các Bồ tát Ma ha tát mau được dẫn nhiếp Nhất thiết trí trí, tận đời vi lai lợi vui hữu tình.
Hội Thứ Tư
Phẩm Cúng Dường Bảo Tháp Thứ 3 - 1
Bấy giờ, Thế Tôn biết chúng các thiên thần cõi Dục, cõi Sắc và các Bí sô, Bí sô ni thảy bốn chúng vân tập, cung kính tín thọ đồng làm minh chứng, liền bèn cố mạng Thiên Đế Thích rằng: Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý và rộng vì người tuyên nói không trái ngược; phải biết bọn này tất cả ác ma người phi người thảy chẳng thể làm gì được, tất cả tai hoạnh đều chẳng xảy đến được, thân tâm an vui, không bệnh sống lâu.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các Thiên tử đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nếu chưa lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, đều nên đi đến chỗ thiện nam tử thiện nữ nhân này chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm, suy nghĩ đúng lý nghĩa thú sâu thẳm cho được rốt ráo, rồi chuyển vì người nói.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý. Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này hoặc ở nhà trống, hoặc ở đồng nội, hoặc ở đường hiểm và những chỗ nguy nan trọn chẳng run sợ kinh khủng đến nỗi dựng lông, vì được chư thiên, thiện thần thường đến ủng hộ vậy.
Khi ấy, bốn Đại thiên vương và Thiên chúng kia chấp tay cung kính đồng bạch Phật rằng: Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân năng đối Bát nhã Ba la mật đa chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, thơ tả giải nói, rộng cho lưu khắp. Chúng tôi thường theo cung kính giữ hộ, chẳng cho tất cả tai hoạnh xâm hại.
Khi ấy, Thiên Đế Thích và các Thiên chúng chấp tay cung kính đồng bạch Phật rằng: Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân năng đối Bát nhã Ba la mật đa chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp. Chúng tôi thường theo cung kính giữ hộ, chẳng cho tất cả tai hoạnh xâm hại.
Khi ấy, Phạm thiên vương và các Phạm chúng chấp tay cung kính đồng bạch Phật rằng: Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân năng đối Bát nhã Ba la mật đa chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp. Chúng tôi thường theo cung kính giữ hộ, chẳng cho tất cả tai hoạnh xâm hại.
Khi đó, Thiên Đế Thích lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Rất lạ. Bạch Thiện Thệ! Hiếm có. Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp, nhiếp thọ công đức hiện pháp như thế. Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật đa thời là nhiếp thọ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, bát nhã Ba la mật đa?
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiên Đế Thích rằng: Như vậy, như vậy. Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật đa, thời là nhiếp thọ đầy đủ sáu thứ Ba la mật đa.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân năng đối Bát nhã Ba la mật đa chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp chỗ được công đức, ngươi phải lóng nghe cực khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ngươi phân biệt giải nói.
Thiên Đế Thích thưa: Dạ, cúi xin nói cho, chúng tôi muốn nghe.
Bấy giờ, Phật bảo Thiên Đế Thích rằng: Kiều Thi Ca! Nếu có các ác ngoại đạo, phạm chí, hoặc các ác ma và ma bè lũ, hoặc các kẻ tăng thượng mạn bạo ác khác, ở chỗ Bồ tát Ma ha tát này muốn làm các thứ việc chẳng nhiêu ích, kia vừa dấy lòng, chóng tự gặp họa, tất phải tiêu diệt chẳng toại sở nguyện. Vì cớ sao?
Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử thiện nữ nhân này đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp, lẽ vậy năng khiến kẻ khởi ác tâm tự gặp tai họa chẳng quả sở nguyện.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối Bát nhã Ba la mật đa đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp; chỗ địa phương kia nếu có các ác ma và ma bè lũ, hoặc có nhiều thứ ngoại đạo, phạm chí và kẻ tăng thượng mạn bạo ác khác ganh ghét chánh pháp muốn làm chướng ngại gạn trách chống cự, khiến mau ẩn mất. Mặc dù có muốn ác đây, quyết chẳng thể thành được. Kia nhân tạm nghe tiếng Bát nhã nên các ác lần diệt, công đức lần sanh, sau nương Tam thừa được hết ngằn khổ, hoặc thoát ác thú sanh trong trời người.
Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói, rộng cho lưu khắp được công đức thắng lợi như thế thảy.
Kiều Thi Ca! Như có thuốc thần tên là Mạc kỳ, oai thế thuốc này năng tiêu các độc. Thuốc thần như thế tùy sanh chỗ nào, các loại trùng độc chẳng dám đến gần. Có rắn độc lớn đói đi kiếm ăn, gặp thấy sanh loại muốn mổ ăn nuốt, sanh loại kia sợ chết chạy tới chỗ thuốc thần. Rắn nghe hơi thuốc liền chạy thối lui. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Thuốc thần dược như thế đủ oai thế lớn, năng ích thân mạng, tiêu dẹp các độc.
Kiều Thi Ca! Phải biết Bát nhã Ba la mật đa đủ oai thế lớn cũng lại như vậy. Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp; các ác ma thảy ở chỗ Bồ tát Ma ha tát này muốn làm việc ác, nhờ sức oai thần Bát nhã Ba la mật đa đây nên khiến việc ác kia ở nơi chỗ ấy tự phải tiêu mất, không làm gì được. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Do Bát nhã Ba la mật đa đây đủ oai lực lớn năng dẹp được các ác, tăng thiện pháp vậy.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân đối Bát nhã Ba la mật đa đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp, trời Bốn đại vương và Thiên Đế Thích, Đại phạm Thiên vương chủ cõi Kham Nhẫn, trời Tịnh cư thảy cùng các thiện thần thường đến ủng hộ, chẳng cho tất cả tai hoạnh xâm hại, sở cầu đúng pháp không chẳng đầy đủ. Các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại mười phương thế giới cũng thường hộ niệm khiến ác diệt lần, thiện pháp tăng lần.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân năng đối Bát nhã Ba la mật đa chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp. Các thiện nam tử thiện nữ nhân này do nhân duyên đây lời nói oai nghiêm, nghe đều kính chịu, phát lời xứng lượng, nói chẳng ồn tạp. Bền bỉ thờ bạn lành, thâm hậu biết trả ơn sâu dày. Chẳng bị tham ganh, hờn giận, che não, dua dối, kiêu thảy che ẩn nơi tâm. Vì cớ sao?
Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân này nhờ oai lực Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tăng lên, điều phục thân tâm khiến kia xa lìa tham sân si thảy tùy miên buộc gút.
Các thiện nam tử thiện nữ nhân này đủ nhớ chính biết từ bi hỷ xả, thường khởi nghĩ này: “Ta chẳng nên theo thế lực tham lam; nếu theo thế lực kia nghèo cùng hèn kém, thời là bố thí chẳng được viên mãn. Ta chẳng nên theo thế lực phá giới; nếu theo lực kia đọa các ác thú, thời ta tịnh giới chẳng được viên mãn. Chẳng nên theo thế lực giận dữ; nếu theo lực kia phải khuyết các căn, hình mạo xấu xí, chẳng đủ sắc thân viên mãn Bồ tát, cũng lại chẳng năng viên mãn an nhẫn. Ta chẳng nên theo thế lực lười biếng; nếu theo lực kia thời chẳng năng tu thắng đạo Bồ tát, cũng chẳng năng viên mãn tinh tiến tăng thượng. Ta chẳng nên theo thế lực tán loạn; nếu theo lực kia thời chẳng năng tu thắng định Bồ tát, các tĩnh lự chẳng được viên mãn. Ta chẳng nên theo thế lực ngu si; nếu theo lực kia thời ta thắng huệ chẳng được viên mãn, chẳng vượt các bậc Thanh văn Độc giác thảy, huống được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vậy nên ta nay chẳng nên theo lực tham lam kia thảy”.
Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử thiện nữ nhân này do suy nghĩ đây thường được chánh niệm, các ác phiền não chẳng che nơi tâm. Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử thiện nữ nhân nếu đối Bát nhã Ba la mật đa chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, biên chép giải nói rộng cho lưu khắp, được công đức thắng lợi như thế thảy.