Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tựa Hội thứ Năm. Quyển Thứ 556. Hội thứ năm Phẩm Thiện Hiện thứ 1. Hội thứ năm Phẩm Thiên Đế thứ 2

25/04/201316:25(Xem: 16139)
Tựa Hội thứ Năm. Quyển Thứ 556. Hội thứ năm Phẩm Thiện Hiện thứ 1. Hội thứ năm Phẩm Thiên Đế thứ 2

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa - Tập 23

Tựa Hội thứ Năm
Quyển Thứ 556
Hội thứ năm Phẩm Thiện Hiện thứ 1
Hội thứ năm Phẩm Thiên Đế thứ 2

Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm

Nguồn: Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm

Tựa
Hội Thứ Năm

Đường, Sa Môn Huyền Tắc chế tác tại chùa Tây Minh

Vốn là giăng bủa ngăn chế đem về một nẻo, nên noi theo yếu cực làm giếng mối cho sự việc. Muốn được thế không gì bằng răn tu mười độ nơi một Thí, vạch trần sáu che nơi ba Đàn. Huống gì Đại Đạo Bát Nhã vẫn làm tổng lĩnh cứ ngồi cao xem xuống, thật là cửa ngõ các tâm, then cốt của nhiều hạnh. Vậy nên, năng phạm vi chơn tế mà đầy rẫy cả trần sa: rộng ra thời không duyên dính, thu lại thời không lây động. Đại Bi chống mở nơi đầu, Đại Xả giữ gìn đường sau. Thương năm thống siêng khổ tu, rút ngắn nhanh chóng ba kỳ xa xôi. Nguyện không gần xa, gặp vật thành của quý; thiện chẳng lớn nhỏ, chạm việc tất hanh thông. Nương không tượng (mặt trời) mà ngày hằng, ngưng có luân (mặt trăng) thành đêm dài. Cùng tột chỗ thâm u vi diệu, kìa phải Bát Nhã mới gây nên ôi!

Do đó nên có vị Thiên vương tên là Tối Thắng, bỏ cung vui mà giáng xuống lễ lạy, rồi tự xưng danh tốt mà dâng lên. Nhớ đây tại đây, bèn vượt qua mà đến rốt ráo. Nhưng vì ngôi cao xa, Đạo ngăn cách, chẳng phải mục kích năng tồn được. Sở dĩ chúng Hội mô phạm hòa hiệp đương thời, mới gởi lời đến mà lấy chứng ngộ.

Tức cựu bản "Thắng Thiên Vương Bát Nhã", nay dịch thành tám quyển mười bảy phẩm, để phát minh ý chỉ rộng rãi, mở bày chỗ u quan. Cố nhiên Pháp Bảo ảnh hưởng lẫn nhau, rừng nghĩa giao chứa. Ba món tự tánh sầm uất nơi vô tánh mù mịt, muôn phần quả đức ân thịnh nơi bất đức mà rực rỡ.

Đã có những kẻ rương trắp bút nghiên, vẫn cầu mong lấy văn chấp; huống gì kẻ khách ngồi mâm nâng chén, nỡ nào chẳng nghĩ tới ư?

Thích Trí Nghiêm phụng dịch.

Quyển Thứ 556
Hội Thứ Năm
Phẩm Thiện Hiện Thứ 1

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Bạc Già Phạm trụ đỉnh núi Thứu Phong thành Vương Xá, cùng đồng chúng Bí sô muôn hai nghìn người đều A la hán: Cụ thọ Thiện Hiện, Xá Lợi Tử thảy làm thượng thủ, ngoại trừ A Nan Đà độc ở bậc học. Lại có vô lượng số Bồ tát được biện vô ngại: Từ Thị Bồ tát, Diệu Cát Tường Bồ tát thảy mà làm thượng thủ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiện Hiện rằng: Ngươi đem biện tài nên vì chúng Bồ tát Ma ha tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa, khiến chúng các Bồ tát Ma ha tát tu hành Bát nhã Ba la mật đa mau được thành xong.

Khi ấy, Xá Lợi Tử khởi nghĩ này rằng: Cụ thọ Thiện Hiện vì đem sức mình vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa hay là sức oai thần Như Lai?

Bấy giờ, Thiện Hiện biết chỗ nghĩ nơi tâm Xá Lợi Tử, bèn bảo đó rằng: Đệ tử chư Phật có tuyên chỉ điều gì đều là sức oai thần Như Lai. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Phật vì đệ tử tuyên chỉ pháp yếu, kia nương Phật dạy siêng tu học cho đến chứng được thật tánh các pháp. Chứng rồi vì người có điều tuyên chỉ, nếu cùng pháp tánh năng được chẳng trái nhau, đều là oai thần Như Lai gây nên, cũng là sở chứng pháp tánh bình đẳng tuôn chảy ra. Vậy nên, tôi sẽ vì các Bồ tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa đều là sức oai thần Như Lai.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Khiến tôi vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa, khiến chúng các Bồ tát Ma ha tát tu hành Bát nhã Ba la mật đa mau được thành xong. Bạch Thế Tôn! Đã nói các Bồ tát ấy thêm lời pháp nào nghĩa là Bồ tát?

Bạch Thế Tôn! Tôi chẳng thấy có pháp khá gọi Bồ tát Ma ha tát, cũng chẳng thấy có pháp khá gọi Bát nhã Ba la mật đa.

Bạch Thế Tôn! Tôi đối Bồ tát và pháp Bồ tát chẳng thấy chẳng đắc, lại cũng chẳng thấy chẳng đắc Bát nhã Ba la mật đa, làm sao khiến tôi vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa?

Bạch Thế Tôn! Tôi dạy những bậc Bồ tát Ma ha tát nào tu hành những Bát nhã Ba la mật đa nào khiến mau thành xong?

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe thuyết lời này, tâm chẳng chìm đắm cũng chẳng lui khuất, chẳng kinh chẳng sợ, như thuyết mà trụ tu hành Bát nhã Ba la mật đa, Bồ tát Ma ha tát này nên dạy Bát nhã Ba la mật đa khiến mau thành xong. Nếu không sở chấp tức là Bát nhã Ba la mật đa.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ tát Ma ha tát tu hành Bát nhã Ba la mật đa nên học như vầy, nghĩa là chẳng chấp đắm là tâm Bồ tát. Vì cớ sao? Tâm này chẳng phải tâm, vì bản tánh tịnh vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì có tâm này chẳng phải tâm tánh chăng?

Thiện Hiện hỏi lại Xá Lợi Tử rằng: Tâm chẳng phải tâm tánh hoặc có hoặc không vì khá được chăng? Xá Lợi Tử nói: Thiện Hiện! Chẳng được.

Thiện Hiện bèn bảo Xá Lợi Tử rằng: Tâm chẳng phải tâm tánh hoặc có hoặc không đã chẳng khá được, như nào khá hỏi vì có tâm này chẳng phải tâm tánh chăng?

Khi đó, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Những gì gọi là tâm chẳng phải tâm tánh?

Thiện Hiện đáp rằng: Nếu không biến hoại cũng không phân biệt, đấy thời gọi là tâm chẳng phải tâm tánh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử khen Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Thật như đã nói. Phật có nhân quả trụ định Vô tránh rất là số một, thật như Thánh nói. Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe thuyết lời này tâm chẳng chìm đắm, cũng không lui khuất, chẳng kinh chẳng sợ, như thuyết mà trụ, tu hành Bát nhã Ba la mật đa. Bồ tát Ma ha tát này đã đối Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề được chẳng quay lui.

Nếu Bồ tát Ma ha tát quán sát tâm chẳng phải tâm tánh như thế, Bồ tát Ma ha tát này chẳng lìa Bát nhã Ba la mật đa. Nếu các hữu tình muốn siêng tu học hoặc bậc Thanh văn, hoặc bậc Độc giác, hoặc bậc Bồ tát đều đối Bát nhã Ba la mật đa nên thường lóng nghe, thọ trì đọc tụng cho giỏi thông lanh, như nói tu hành.

Sở dĩ vì sao? Vì ở trong kinh giáo Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đây rộng nói tất cả pháp nên đáng học. Các Bồ tát Ma ha tát đối Bát nhã Ba la mật đa đây tinh siêng tu học ở tất cả chỗ đều được khéo léo.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Tôi đối tâm Bồ tát chẳng biết cũng chẳng đắc, tôi đối chúng Bồ tát Ma ha tát và Bát nhã Ba la mật đa đều chẳng thấy có thật sự khả đắc, làm sao khiến vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa?

Bạch Thế Tôn! Tôi quán tất cả pháp hoặc sanh hoặc diệt, hoặc nhiễm hoặc tịnh đều bất khả đắc, và đối với trong nói có danh Bồ tát, Bát nhã thảy bèn có nghi hối!

Bạch Thế Tôn! Danh Bồ tát thảy đều không quyết định, cũng không chỗ trụ. Sở dĩ vì sao? Vì danh Bồ tát thảy đều vô sở hữu. Pháp vô sở hữu không định không trụ. Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe thuyết việc này tâm chẳng chìm đắm, cũng chẳng lui khuất, chẳng kinh chẳng sợ, phải biết Bồ tát Ma ha tát này quyết định an trụ bậc chẳng quay lui, đem vô sở trụ mà làm phương tiện trụ không chỗ trụ.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát Ma ha tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chẳng nên trụ sắc, cũng chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức.

Sở dĩ vì sao? Nếu trụ sắc bèn tác hành sắc, chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm. Nếu trụ thọ tưởng hành thức bèn tác hành thọ tưởng hành thức, chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm.

Sở dĩ vì sao? Vì chẳng phải kẻ tác hành năng nhiếp thọ được Bát nhã Ba la mật đa. Nếu chẳng năng nhiếp thọ Bát nhã Ba la mật đa, thời chẳng năng tu tập được Bát nhã Ba la mật đa. Nếu chẳng tu tập được Bát nhã Ba la mật đa, thời chẳng năng viên mãn được Bát nhã Ba la mật đa. Nếu chẳng năng viên mãn Bát nhã Ba la mật đa, thời chẳng năng thành xong được Nhất thiết trí trí. Nếu chẳng năng thành xong Nhất thiết trí trí, bèn chẳng năng ích sở ích cho các hữu tình.

Sở dĩ vì sao? Sắc chẳng nên nhiếp thọ, thọ tưởng hành thức cũng chẳng nên nhiếp thọ, Bát nhã Ba la mật đa cũng chẳng nên nhiếp thọ. Vì sắc chẳng thể nhiếp thọ tức chẳng sắc, vì thọ tưởng hành thức cũng chẳng thể nhiếp thọ tức chẳng thọ tưởng hành thức, vì Bát nhã Ba la mật đa cũng chẳng thể nhiếp thọ tức chẳng Bát nhã Ba la mật đa. Các Bồ tát Ma ha tát nên học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế.

Nếu học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế, đấy gọi Bồ tát không sở nhiếp thọ xe tam ma địa, tư cụ rộng lớn không lường không vượt hơn, chẳng bị tất cả Thanh văn, Độc giác dẫn cướp, cũng chẳng nhiếp thọ Nhất thiết trí trí. Sở dĩ vì sao? Vì Nhất thiết trí trí này chẳng phải lấy tướng tu đắc. Các kẻ lấy tướng đều là phiền não.

Nếu lấy tướng tu đắc Nhất thiết trí trí ấy, Phạm chí Thắng Quân đối Nhất thiết trí trí chẳng nên tin hiểu. Thắng Quân Phạm chí này do sức tin hiểu quay về Phật pháp gọi tùy tín hành, mà năng đem chút ít trí quán tất cả pháp tánh không, ngộ vào Nhất thiết trí trí. Đã ngộ vào rồi, chẳng lấy tướng sắc, cũng chẳng lấy tướng thọ tưởng hành thức. Chẳng lấy vui mừng quán thấy trí đây, chẳng lấy được nghe quán thấy trí đây.

Chẳng lấy nội sắc quán thấy trí đây, chẳng lấy ngoại sắc quán thấy trí đây, chẳng lấy nội ngoại sắc quán thấy trí đây, cũng chẳng lìa sắc quán thấy trí đây. Chẳng lấy nội thọ tưởng hành thức quán thấy trí đây, chẳng lấy ngoại thọ tưởng hành thức quán thấy trí đây, chẳng lấy nội ngoại thọ tưởng hành thức quán thấy trí đây, cũng chẳng lìa thọ tưởng hành thức quán thấy trí đây.

Thắng Quân Phạm chí dùng các môn ly tướng như thế thảy đối Nhất thiết trí trí rất sanh tin hiểu, gọi tùy tín hành, đối tất cả pháp đều không lấy đắm. Như vậy, Phạm chí dùng môn ly tướng đối Nhất thiết trí trí được tin hiểu rồi, đối tất cả pháp đều chẳng lấy tướng, cũng chẳng suy gẫm các pháp vô tướng. Như vậy Phạm chí do sức hiểu cao, đối tất cả pháp chẳng lấy chẳng bỏ, không đắc không chứng. Khi Phạm chí kia đối tự tin hiểu cho đến Niết bàn cũng chẳng lấy đắm, vì đem chơn pháp tánh làm định lượng vậy.

Bạch Thế Tôn! Bồ tát Ma ha tát này Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chẳng nhiếp thọ sắc, cũng chẳng nhiếp thọ thọ tưởng hành thức. Dù đối các pháp không sở nhiếp thọ, nếu chưa viên mãn Như Lai mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải và mười tám pháp Phật bất cộng thảy, quyết chẳng giữa đường vào bát Niết bàn. Phải biết Bồ tát Ma ha tát này Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm dù không lấy đắm mà năng thành xong Nhất thiết trí trí, lợi ích an vui tất cả hữu tình.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Các Bồ tát Ma ha tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm nên quán như vầy: Sao gọi Bát nhã Ba la mật đa? Cái gì Bát nhã Ba la mật đa? Hoặc pháp vô sở hữu bất khả đắc là Bát nhã Ba la mật đa ư? Trong vô sở hữu không kia không đây hệ thuộc chỗ nào?

Bạch Thế Tôn! Nếu khi Bồ tát Ma ha tát đối việc như thế quán sát kỹ càng, tâm chẳng chìm đắm, cũng không lui khuất, chẳng kinh chẳng sợ, phải biết Bồ tát Ma ha tát này chẳng lìa Bát nhã Ba la mật đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì nhân duyên nào sắc lìa tánh sắc, thọ tưởng hành thức lìa tánh thọ tưởng hành thức, Bát nhã Ba la mật đa lìa tánh Bát nhã Ba la mật đa, mà nói Bồ tát Ma ha tát chẳng lìa Bát nhã Ba la mật đa?

Thiện Hiện đáp rằng; Như vậy, như vậy. Sắc lìa tánh sắc, thọ tưởng hành thức lìa tánh thọ tưởng hành thức, Bát nhã Ba la mật đa lìa tánh Bát nhã Ba la mật đa. Như vậy các pháp tướng lìa tánh, tánh cũng lìa tướng, tướng cũng lìa tướng, tánh cũng lìa tánh, vì năng tướng sở tướng đều bất khả đắc vậy. Nếu Bồ tát Ma ha tát năng như thật biết nghĩa như thế ấy, chẳng lìa Bát nhã Ba la mật đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát học với trong đây mau được thành xong Nhất thiết trí trí ư?

Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Nếu Bồ tát Ma ha tát học với trong ấy mau được thành xong Nhất thiết trí trí. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Bồ tát Ma ha tát này biết tất cả pháp không sanh diệt vậy.

Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát Ma ha tát năng hành như thế thời là gần kề Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các Bồ tát Ma ha tát nếu hành sắc là hành tướng, nếu hành sắc sanh là hành tướng, nếu hành sắc hoại là hành tướng, nếu hành sắc diệt là hành tướng, nếu hành sắc không là hành tướng, hoặc bảo ta năng hành là hành hữu sở đắc. Nếu hành thọ tưởng hành thức là hành tướng, nếu hành thọ tưởng hành thức sanh là hành tướng, nếu hành thọ tưởng hành thức hoại là hành tướng, nếu hành thọ tưởng hành thức diệt là hành tướng, nếu hành thọ tưởng hành thức không là hành tướng, hoặc bảo là ta năng hành là hành hữu sở đắc.

Nếu Bồ tát Ma ha tát khởi nghĩ như vầy: Ta là Bồ tát năng hành Bát nhã Ba la mật đa; đấy là hành tướng. Nếu Bồ tát Ma ha tát khởi nghĩ như vầy: Kẻ năng hành được như thế là tu hành Bát nhã Ba la mật đa; cũng là hành tướng. Phải biết Bồ tát này không phương tiện khéo léo.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Các Bồ tát Ma ha tát phải hành làm sao gọi hành Bát nhã Ba la mật đa?

Thiện Hiện đáp rằng: Các Bồ tát Ma ha tát nếu chẳng hành sắc, chẳng hành sắc tướng, chẳng hành sắc sanh, chẳng hành sắc hoại, chẳng hành sắc diệt, chẳng hành sắc không là hành Bát nhã Ba la mật đa. Các Bồ tát Ma ha tát nếu chẳng hành thọ tưởng hành thức, chẳng hành thọ tưởng hành thức tướng, chẳng hành thọ tưởng hành thức sanh, chẳng hành thọ tưởng hành thức hoại, chẳng hành thọ tưởng hành thức diệt, chẳng hành thọ tưởng hành thức không là hành Bát nhã Ba la mật đa.

Nếu Bồ tát Ma ha tát chẳng lấy hành, chẳng lấy chẳng hành, chẳng lấy cũng hành cũng chẳng hành, chẳng lấy chẳng hành chẳng phải chẳng hành, đối chẳng lấy cũng chẳng lấy, là hành Bát nhã Ba la mật đa. Vì cớ sao?

Xá Lợi Tử! Vì tất cả pháp đều chẳng thể lấy, chẳng thể tùy hành, chẳng thể chấp thọ. Vì lìa tánh tướng vậy. Như vậy gọi là các Bồ tát Ma ha tát đối tất cả pháp xe định vô sanh, tư cụ rộng lớn, không lường không vượt ra, chẳng chung tất cả Thanh văn Độc giác. Nếu Bồ tát Ma ha tát an trụ định đây mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Bấy giờ, Thiện Hiện thừa thần lực Phật lại bảo Đại đức Xá Lợi Tử rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát này an trụ định đây mà chẳng thấy định ấy, cũng chẳng chấp định này, cũng chẳng nghĩ rằng ta đối định đây đã chính sẽ vào. Kia suy gẫm phân biệt như thế thảy, do sức định ấy chẳng khởi tất cả. Phải biết đã được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ trao cho ký chẳng quay lui Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát do trụ định ấy đã được chư Phật Thế Tôn quá khứ hiện tiền trao ký, Bồ tát Ma ha tát này vì có thể chỉ rõ định như thế chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Xá Lợi Tử! Chẳng được. Vì cớ sao? Vì thiện nam tử này đối định như thế không biết không tưởng.

Xá Lợi Tử nói: Cụ thọ nói các thiện nam tử kia đối định như thế không biết không tưởng ư?

Thiện Hiện trả lời: Ta quả quyết nói các thiện nam tử kia đối định như thế không biết không tưởng. Sở dĩ vì sao? Vì các định như thế vô sở hữu, nên thiện nam tử kia đối định như thế không biết không tưởng. Các định như thế đối tất cả pháp cũng không biết không tưởng. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả pháp vô sở hữu vậy.

Khi ấy, Đức Bạc Già Phạm khen Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Như ngươi đã nói. Nên ta nói ngươi trụ định Vô tránh rất là số một. Các Bồ tát Ma ha tát muốn học Bát nhã Ba la mật đa nên học như thế. Nên học như thế gọi học Bát nhã Ba la mật đa.

Bấy giờ, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát năng học như thế gọi chơn học Bát nhã Ba la mật đa ư?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát Ma ha tát năng học như thế chơn học Bát nhã Ba la mật đa.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Các Bồ tát Ma ha tát khi học như thế đối pháp nào học?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Các Bồ tát Ma ha tát khi học như thế chẳng đối pháp học. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Như chỗ chấp các ngu dị sanh, chẳng phải tất cả pháp như thế có vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Nếu vậy các pháp làm sao mà có?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Như vô sở hữu, như vậy mà có. Nếu đối pháp vô sở hữu như vậy chẳng năng rõ thấu được, nói là vô minh. Ngu phu dị sanh đối tất cả pháp tánh vô sở hữu, thế lực vô minh tham ái tăng thượng, phân biệt chấp trước đoạn thường hai bên. Bởi vậy chẳng biết chẳng thấy các pháp tánh vô sở hữu, phân biệt các pháp. Bởi vì phân biệt bèn sanh chấp trước. Do chấp trước nên phân biệt các pháp tánh vô sở hữu. Do đây đối pháp chẳng thấy chẳng biết. Vì đối các pháp chẳng thấy chẳng biết, phân biệt quá khứ, vị lai hiện tại. Do vì phân biệt nên tham đắm danh sắc. Vì đắm danh sắc nên phân biệt chấp trước pháp vô sở hữu. Đối pháp vô sở hữu phân biệt chấp trước, nên đối đạo như thật chẳng biết chẳng thấy, chẳng năng ta khỏi sanh tử ba cõi, chẳng tin đế pháp, chẳng giác thật tế, vậy nên đọa trong số ngu phu. Do đấy chúng Bồ tát Ma ha tát đối pháp tánh tướng đều không chấp trước.

Khi ấy, Xá Lợi Tử lại thưa Phật rằng: Các Bồ tát Ma ha tát khi học như thế đâu chẳng cầu học Nhất thiết trí trí?

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Các Bồ tát Ma ha tát khi học như thế cũng chẳng cầu học Nhất thiết trí trí. Nhưng các Bồ tát Ma ha tát khi học như thế, mặc dù không sở học mà gọi chơn học Nhất thiết trí trí, mau được thành xong Nhất thiết trí trí.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu có người đến làm hỏi như vầy: "Huyễn sĩ nếu học Nhất thiết trí trí, kia cũng năng được thành xong Nhất thiết trí trí chăng?" Tôi được hỏi đây phải làm sao đáp?

Phật bảo: Thiện Hiện! Ta lại hỏi ngươi, tùy ý ngươi đáp. Nơi ý hiểu sao? Huyễn khác sắc thọ tưởng hành thức chăng?

Thiện Hiện thưa rằng: Huyễn chẳng khác sắc, sắc chẳng khác huyễn. Huyễn tức là sắc, sắc tức là huyễn. Thọ tưởng hành thức cũng lại như thế.

Phật bảo: Thiện Hiện! Nơi ý hiểu sao? Trong năm thủ uẩn khởi tưởng thảy tưởng thi thiết lời nói giả danh Bồ tát Ma ha tát chăng? Thiện Hiện thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Như vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát cầu tới Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, tu học Bát nhã Ba la mật đa, tất cả đều như huyễn sĩ tu học. Vì cớ sao? Vì huyễn sĩ tức là năm thủ uẩn. Sở dĩ vì sao? Ta nói năm thủ uẩn thảy sáu căn đều như huyễn hóa, trọn chẳng thật có.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát mới học Đại thừa nghe thuyết như thế nơi tâm hầu không kinh sợ lui khuất?

Phật bảo: Thiện Hiện! Nếu Bồ tát Ma ha tát mới học Đại thừa, gần quen bạn ác, nghe thuyết như thế tâm bèn kinh sợ thời sanh lui khuất. Nếu gần bạn lành, dù nghe thuyết đây mà chẳng kinh sợ, cũng chẳng lui khuất.

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Hạng nào gọi là bạn ác Bồ tát?

Phật bảo: Thiện Hiện! Bạn ác các Bồ tát ấy là dạy Bồ tát chán lìa Bát nhã Ba la mật đa, bỏ tâm Bồ đề, lấy tướng các pháp, khiến học lấy tướng sách vở thế tục, khiến học kinh pháp tương ưng Thanh văn, lại khiến quen gần sự nghiệp các ma. Đấy thảy gọi là bạn ác Bồ tát.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Hạng nào gọi là bạn lành Bồ tát?

Phật bảo: Thiện Hiện! Bạn lành các Bồ tát ấy là dạy Bồ tát siêng tu Bát nhã Ba la mật đa, cho đến vì nói việc ma lỗi ma khiến kia hay biết phương tiện nới bỏ. Bồ tát đây gọi là bạn lành chơn tịnh của tân học Bồ tát đại thệ trang nghiêm.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bồ tát ấy là câu nghĩa nào?

Phật bảo: Thiện Hiện! Học tất cả pháp không đắm không ngại, giác tất cả pháp không đắm không ngại, cầu chứng Bồ đề, nên gọi Bồ tát.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Đấy lại duyên nào gọi Ma ha tát?

Phật bảo: Thiện Hiện! Vì các Bồ tát đối trong chúng đại hữu tình đáng làm thượng thủ nên lại gọi Ma ha tát.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bèn thưa Phật rằng: Tôi nay muốn nói nghĩa Ma ha tát, cúi xin hứa cho! Phật bảo: Xá Lợi Tử! Tùy ý ngươi nói.

Xá Lợi Tử nói: Do các Bồ tát phương tiện khéo léo vì các hữu tình tuyên nói pháp yếu khiến dứt ngã kiến, mạng giả kiến, bổ đặc già la kiến, hữu kiến vô kiến, đoạn thường kiến thảy. Nương nghĩa như thế gọi Ma ha tát.

Bấy giờ, Thiện Hiện cũng thưa Phật rằng: Tôi nay muốn nói nghĩa Ma ha tát, cúi xin hứa cho! Phật bảo: Thiện Hiện! Tùy ý ngươi nói.

Thiện Hiện thưa rằng: Vì các Bồ tát phát tâm Bồ đề, tâm vô đẳng đẳng; tâm Thanh văn Độc giác chẳng thể dẫn dắt. Đối tâm như thế cũng chẳng chấp đắm. Sở dĩ vì sao? Vì tâm tất cả trí là chơn vô lậu chẳng đọa ba cõi, chẳng nên đối trong mà sanh chấp đắm. Nương nghĩa như thế gọi là Ma ha tát.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì nhân duyên nào đối tâm như thế cũng chẳng chấp đắm?

Thiện Hiện đáp rằng: Các tâm như thế là vô tâm tánh vậy, nên chẳng nên chấp đắm.

Khi ấy, Mãn Từ Tử cũng thưa Phật rằng: Tôi nay muốn nói nghĩa Ma ha tát, cúi xin hứa cho! Phật bảo: Mãn Từ Tử! Tùy ý ngươi nói.

Mãn Từ Tử nói: Do các Bồ tát khắp vì làm lợi vui tất cả hữu tình mặc áo giáp đại nguyện vậy, phát tới Đại thừa vậy, cưỡi Đại thừa vậy, gọi Ma ha tát.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Như Thế Tôn nói, các Bồ tát Ma ha tát mặc giáp đại nguyện. Ngang đâu nói các Bồ tát mặc giáp đại nguyện?

Phật bảo: Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát khởi nghĩ như vầy: Ta nên độ thoát vô lượng vô số vô biên hữu tình vào cõi Vô dư y bát Niết bàn. Mặc dù làm việc này mà không có pháp và các hữu tình kẻ đưọc Niết bàn. Vì cớ sao? Vì thật tánh các pháp lẽ phải như vậy.

Ví như thầy huyễn hoặc học trò kia, ở ngã tư đường hóa làm đại chúng gia hại lẫn nhau. Nơi ý hiểu sao? Trong ấy có thật việc hại nhau chăng? Thiện Hiện thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng thật vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Các Bồ tát Ma ha tát cũng lại như thế. Mặc dù độ thoát vô lượng vô số vô biên hữu tình vào cõi Vô dư y bátbNiết bàn mà không có pháp và các hữu tình kẻ được Niết bàn. Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe việc như thế chẳng kinh chẳng sợ, cũng không lui khuất, phải biết Bồ tát Ma ha tát này mặc giáp đại nguyện.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Như tôi hiểu nghĩa Phật đã nói đó, các Bồ tát Ma ha tát chẳng mặc giáp đại nguyện, phải biết đấy là mặc giáp đại nguyện.

Phật bảo: Thiện Hiện! Như vậy, như vậy. Sở dĩ vì sao? Vì Nhất thiết trí trí không tạo không tác, tất cả hữu tình cũng không tạo không tác. Các Bồ tát Ma ha tát vì muốn nhiêu ích hữu tình kia nên mặc giáp đại nguyện. Sở dĩ vì sao?

Vì sắc chẳng tạo chẳng phải chẳng tạo, chẳng tác chẳng phải chẳng tác. Thọ tưởng hành thức cũng chẳng tạo chẳng phải chẳng tạo, chẳng tác chẳng phải chẳng tác. Vì cớ sao? Vì sắc cho đến thức bất khả đắc vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Như tôi hiểu nghĩa Phật đã nói đó, sắc cho đến thức không nhiễm không tịnh. Sở dĩ vì sao? Sắc không buộc không mở, thọ tưởng hành thức cũng không buộc không mở.

Khi ấy, Mãn Từ Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Tôn giả nói sắc không buộc không mở, nói thọ tưởng hành thức cũng không buộc không mở ư? Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy như vậy.

Mãn Từ Tử hỏi: Nói những sắc nào không buộc không mở? Nói những thọ tưởng hành thức nào cũng không buộc không mở ư?

Thiện Hiện đáp rằng: Nói như sắc huyễn sĩ không buộc không mở, nói như thọ tưởng hành thức huyễn sĩ không buộc không mở. Sở dĩ vì sao?

Vì sắc cho đến thức vô sở hữu nên không buộc không mở, xa lìa nên không buộc không mở, vắng lặng nên không buộc không mở, không sanh diệt nên không buộc không mở. Đấy gọi Bồ tát mặc giáp đại nguyện phát tới Đại thừa.

Khi đó Mãn Từ Tử nghe thuyết như thế vui mừng tín thọ mà ngồi lặng thinh.

Bấy giờ, Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Các Bồ tát Ma ha tát phát tới Đại thừa, sao là Đại thừa, sao là Bồ tát phát tới Đại thừa? Đại thừa như thế từ chỗ nào ra, đến trụ chỗ nào? Ai được cưỡi Đại thừa này mà ra?

Phật bảo: Thiện Hiện! Nói Đại thừa ấy tức vô lượng vô số thêm lời, vô biên công đức chung lại mà thành vậy.

Sao là Bồ tát phát tới Đại thừa ấy, nghĩa là các Bồ tát siêng tu sáu thứ Ba la mật đa, năng từ một bậc tiến tới một bậc, đấy gọi Bồ tát phát tới Đại thừa.

Đại thừa như thế từ chỗ nào ra, đến trụ chỗ nào ấy, nghĩa là Đại thừa đây từ trong ba cõi ra, đến trụ trong Nhất thiết trí trí, nhưng đem không hai làm phương tiện nên không ra không trụ.

Ai cưỡi Đại thừa này ra ấy, đều không kẻ cưỡi Đại thừa này ra cả. Sở dĩ vì sao? Vì hay cưỡi bị cưỡi hai pháp như thế đều vô sở hữu. Trong vô số hữu ai cưỡi pháp nào khá gọi kẻ cưỡi?

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Đại thừa như thế khắp hơn tất cả thế gian trời, người, a tố lạc thảy. Đại thừa như thế ngang cùng hư không. Ví như hư không khắp năng chứa đựng vô lượng vô số vô biên hữu tình. Đại thừa cũng vậy, khắp năng chứa đựng vô lượng vô số vô biên hữu tình.

Lại như hư không không đến không đi, không trụ khá thấy. Đại thừa cũng vậy, không đến không đi không trụ khá thấy.

Lại như hư không, ngằn trước sau giữa đều bất khả đắc. Đại thừa cũng vậy, ngằn trước sau giữa đều bất khả đắc, ba đời bình đẳng nên gọi Đại thừa.

Phật bảo; Thiện Hiện! Hay thảy, hay thay! Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói.

Khi ấy, Mãn Từ Tử bèn thưa Phật rằng: Thế Tôn trước dạy Đại Đức Thiện Hiện vì chúng các Bồ tát Ma ha tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa, mà nay cớ sao bèn nói Đại thừa?

Bấy giờ, Thiện Hiện liền thưa Phật rằng: Tôi thuyết Đại thừa hầu không trái vượt đã thuyết Bát nhã Ba la mật đa?

Phật bảo: Thiện Hiện! Ngươi thuyết Đại thừa đều thuận Bát nhã Ba la mật đa không điều trái vượt.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Tôi đều chẳng đắc ngằn trước ngằn sau ngằn giữa Bồ tát.

Vì sắc vô biên nên Bồ tát cũng vô biên, thọ tưởng hành thức vô biên nên Bồ tát cũng vô biên. Tức sắc, lìa sắc, Bồ tát vô sở hữu bất khả đắc. Tức thọ tưởng hành thức, lìa thọ tưởng hành thức, Bồ tát cũng vô sở hữu bất khả đắc.

Như vậy, Bạch Thế Tôn! Tôi đối tất cả pháp đây thảy, đem tất cả chủng, tất cả xứ, tất cả thời tìm các Bồ tát đều không thấy đâu, trọn bất khả đắc, làm sao khiến tôi vì các Bồ tát tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa?

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Nói Bồ tát ấy, chỉ có giả danh, trọn không tự tánh. Như nói ngã thảy rốt ráo chẳng sanh, chỉ có giả danh trọn không tự tánh. Các pháp cũng vậy, rốt ráo chẳng sanh, chỉ có giả danh, trọn không tự tánh. Trong đây những gì là sắc rốt ráo chẳng sanh, nếu rốt ráo chẳng sanh thời chẳng gọi sắc? Những gì là thọ tưởng hành thức rốt ráo chẳng sanh, nếu rốt ráo chẳng sanh thời chẳng gọi thọ tưởng hành thức?

Bạch Thế Tôn! Sắc là Bồ tát bất khả đắc, thọ tưởng hành thức là Bồ tát cũng bất khả đắc. Bất khả đắc đây cũng bất khả đắc. Tôi đối tất cả pháp như thế, đem tất cả chủng, tất cả xứ, tất cả thời tìm các Bồ tát đều bất khả đắc. Sẽ dạy những pháp nào, tu những pháp nào? Đối những xứ thời nào, chứng những pháp nào?

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Chư Phật, Bồ tát, Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chỉ có giả danh, đều không tự tánh. Như nói ngã thảy rốt ráo chẳng sanh, chỉ có giả danh đều không tự tánh. Các pháp cũng vậy, chỉ có giả danh đều không tự tánh. Những gì là sắc đã chẳng thể lấy cũng chẳng thể sanh? Những gì là thọ tưởng hành thức đã chẳng thể lấy cũng chẳng thể sanh? Tự tánh các pháp đã chẳng thể lấy cũng chẳng thể sanh.

Nếu pháp không tánh cũng chẳng thể sanh, pháp không sanh đây cũng chẳng thể sanh. Tôi đâu năng đem Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm rốt ráo chẳng sanh dạy Bồ tát Ma ha tát rốt ráo chẳng sanh?

Bạch Thế Tôn! Lìa pháp chẳng sanh, không pháp khá được, cũng không Bồ tát năng hành Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe nói lời này chẳng kinh chẳng sợ, phải biết Bồ tát Ma ha tát này năng hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm. Sở dĩ vì sao?

Nếu khi Bồ tát Ma ha tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm quán sát các pháp, khi đó Bồ tát Ma ha tát tức chẳng lấy sắc. Sở dĩ vì sao? Sắc không sanh tức chẳng phải sắc, sắc không diệt cũng chẳng phải sắc. Đã không sanh không diệt tức không hai không riêng. Nếu nói sắc tức vào số pháp không hai.

Nếu khi Bồ tát Ma ha tát hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm quán sát các pháp, khi đó Bồ tát Ma ha tát tức chẳng lấy thọ tưởng hành thức. Sở dĩ vì sao? Thọ tưởng hành thức không sanh tức chẳng phải thọ tưởng hành thức, thọ tưởng hành thức không diệt cũng chẳng phải thọ tưởng hành thức. Đã không sanh không diệt tức không hai không riêng. Nếu nói thọ tưởng hành thức tức vào số pháp không hai.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Như tôi lĩnh hiểu nghĩa nhân giả đã nói, các Bồ tát thảy rốt ráo chẳng sanh. Nếu vậy duyên nào có các Bồ tát vì độ vô lượng vô số hữu tình, tu nhiều trăm ngàn khổ hạnh khó làm, chịu đủ vô lượng khổ lớn sanh tử?

Thiện Hiện trả lời: Chẳng phải tôi đối trong pháp không sanh kia cho có Bồ tát vì độ vô lượng vô số hữu tình, tu nhiều trăm ngàn khổ hạnh khó làm, chịu đủ vô lượng khổ lớn sanh tử. Nhưng các Bồ tát dù làm việc đây mà với trong ấy không tưởng khổ hạnh. Vì cớ sao?

Xá Lợi Tử! Nếu đối khổ hạnh khởi tưởng khổ hạnh, chẳng năng nhiêu ích vô biên hữu tình. Vậy nên, Bồ tát đối các khổ hạnh khởi tưởng hạnh vui, đối hạnh khó làm khởi tưởng dễ làm, đối các hữu tình khởi tưởng cha mẹ và tự thân, vì độ kia vậy nên phát tâm Bồ đề. Do đây nói năng làm được nhiêu ích lớn.

Bấy giờ, Bồ tát khởi suy gẫm này: "Như tự tánh ta đối với tất cả pháp đem tất cả chủng, tất cả xứ, thời tìm chẳng thể được. Các pháp trong ngoài cũng lại như thế, đều vô sở hữu, trọn bất khả đắc. Nếu trụ tưởng đây bèn chẳng thấy có khổ hạnh khó làm. Do đây năng vì vô biên hữu tình tu nhiều trăm ngàn khổ hạnh khó làm, làm nhiêu ích lớn cho các loại hữu tình.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Các Bồ tát ấy thật không sanh chăng? Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Tất cả Bồ tát đều thật không sanh.

Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ Bồ tát thật là không sanh hay Nhất thiết trí cũng thật không sanh? Thiện Hiện đáp rằng: Nhất thiết trí đây cũng thật không sanh.

Xá Lợi Tử nói: Vì chỉ Nhất thiết trí thật là không sanh hay các loại dị sanh cũng thật không sanh? Thiện Hiện đáp rằng: Các loại dị sanh cũng thật không sanh.

Xá Lợi Tử nói: Nếu các Bồ tát đều thật không sanh, pháp các Bồ tát cũng lẽ không sanh. Nếu Nhất thiết trí thật là không sanh, pháp Nhất thiết trí cũng lẽ không sanh. Nếu loại dị sanh thật là không sanh, pháp dị sanh cũng lẽ không sanh. Nếu vậy Bồ tát được Nhất thiết trí, lẽ pháp không sanh năng chứng không sanh?

Thiện Hiện đáp rằng: Ý tôi chẳng cho trong pháp không sanh có được có chứng. Vì cớ sao? Vì trong pháp không sanh không có chứng được vậy.

Xá Lợi Tử nói: Vì cho pháp sanh chứng pháp sanh, hay cho pháp không sanh chứng pháp không sanh ư?

Thiện Hiện đáp rằng: Ý tôi chẳng cho pháp sanh chứng pháp sanh, cũng chẳng cho pháp không sanh chứng không sanh.

Xá Lợi Tử nói: Vì cho pháp sanh chứng pháp không sanh, hay cho pháp không sanh chứng pháp sanh ư?

Thiện Hiện đáp rằng: Ý tôi chẳng cho pháp sanh chứng pháp không sanh, cũng chẳng cho pháp không sanh chứng pháp sanh.

Xá Lợi Tử nói: Nếu như thế đấy, lẽ không có đắc chứng? Thiện Hiện đáp rằng: Dù có đắc chứng mà chẳng thật có.

Xá Lợi Tử nói: Vì cho pháp chưa sanh nó sanh, hay cho pháp đã sanh nó sanh ư? Thiện Hiện đáp rằng: Ý tôi chẳng cho pháp chưa sanh sanh, cũng chẳng cho pháp đã sanh sanh.

Xá Lợi Tử nói: Vì cho sanh nó sanh, hay cho chẳng sanh nó sanh ư? Thiện Hiện đáp rằng: Ý tôi chẳng cho sanh sanh, cũng chẳng cho chẳng sanh sanh.

Xá Lợi Tử nói: Nhân giả với đã thuyết pháp không sanh muốn biện thuyết tướng không sanh ư? Thiện Hiện thưa rằng: Tôi đối đã thuyết pháp không sanh cũng chẳng muốn biện thuyết tướng không sanh.

Xá Lợi Tử nói: Đối pháp không sanh khởi lời không sanh, lời không sanh đây cũng không sanh chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Đối rằng không sanh khởi lời không sanh. Pháp và lời đây đều là nghĩa không sanh, mà tùy thế tục nói tướng không sanh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử khen Thiện Hiện rằng: Trong những người thuyết pháp, Ngài là số một, ngoại trừ Phật Thế Tôn không ai theo kịp. Sở dĩ vì sao? Tùy chỗ gạn hỏi các thứ pháp môn đều năng thù đáp được cả.

Thiện Hiện nói lại: Đệ tử các Phật đối tất cả pháp không dựa dính vào đâu, lẽ vậy đều năng tùy điều gạn hỏi mỗi mỗi thù đáp được cả, tự tại không sợ gì. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả pháp không chỗ nương dựa vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Nếu các Bồ tát Ma ha tát năng khởi tùy hỏi mà đáp như thế, vì nhờ oai lực những Ba la mật đa nào được thành xong?

Thiện Hiện trả lời: Đấy là oai lực Bát nhã Ba la mật đa được xong. Sở dĩ vì sao? Nói tất cả pháp không chỗ nương dựa, cần nhờ Bát nhã Ba la mật đa đạt tất cả pháp không chỗ nương dựa vậy. Xá Lợi Tử! Nếu Bồ tát Ma ha tát nghe lời như thế tâm chẳng mê ngất, cũng không nghi ngờ, phải biết Bồ tát này năng trụ được trụ như thế hằng chẳng bỏ lìa, cũng nằng chẳng lìa tác ý Đại Bi.

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Nếu Bồ tát Ma ha tát trụ được trụ như thế hằng chẳng bỏ lìa, cũng thường chẳng lìa tác ý như thế ấy, thời tất cả hữu tình lẽ là Bồ tát. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả hữu tình đối trụ đây và tác ý đây thường chẳng bỏ lìa, Bát Nhã Đại Bi tánh bình đẳng vậy, thời các Bồ tát cùng các hữu tình lẽ không sai khác?

Thiện Hiện trả lời: Hay thay, hay thay! Tựa hồ nạn tôi mà thành lập nghĩa tôi. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Tất cả hữu tình không tự tánh, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng không tự tánh. Tất cả hữu tình tánh xa lìa, nên phải biết trụ và tác ý như thế tánh cũng xa lìa. Tất cả hữu tình không giác tri, nên phải biết trụ và tác ý như thế cũng không giác tri. Do nhân duyên đây, các Bồ tát này đối trụ và tác ý như thế đấy thường chẳng bỏ lìa, cùng các hữu tình cũng không sai khác. Nếu các Bồ tát Ma ha tát biết được như thế không điều trệ ngại là hành Bát nhã Ba la mật đa. Ý tôi muốn khiến tất cả Bồ tát dùng tác ý đây hành Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm.

HỘI THỨ NĂM
Phẩm THIÊN ĐẾ Thứ 2

Bấy giờ, Thiên Đế Thích cùng bốn vạn Thiên tử đồng đến nhóm hội, bốn Thiên vương hộ đời cùng hai vạn Thiên tử đồng đến nhóm hội. Đại Phạm Thiên vương chủ cõi Sách Ha cùng vạn Phạm chúng đồng đến nhóm hội. Lại có năm ngàn Thiên chúng cõi Tịnh Cư đồng đến nhóm hội. Các Thiên chúng này nghiệp quả ánh sáng nơi thân đối oai quang của Phật thảy đều chẳng hiện được.

Khi ấy, Thiên Đế Thích thưa Thiện Hiện rằng: Nay có vô lượng các Thiên tử thảy muốn nghe Đại đức tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa, cúi xin Đại đức xót thương vì nói sao là Bồ tát nên trụ Bát nhã Ba la mật đa?

Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Tôi thừa Phật lực vì các Thiên chúng tuyên chỉ Bát nhã Ba la mật đa, như các Bồ tát chỗ nên an trụ. Thiên tử các ngươi kẻ chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề nay đều nên phát. Có kẻ đã vào Thanh văn, Độc giác Chánh tánh ly sanh chẳng năng phát tâm Đại Bồ đề lại được. Vì cớ sao?

Kiều Thi Ca! Kia đối sanh tử có hạn ngại vậy. Nhưng trong ấy nếu có kẻ năng phát được tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tôi cũng tùy hỷ. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Vì có các bậc thắng nhân nên cầu thắng pháp. Tôi trọn đối phẩm loại thiện thắng kia chẳng trở ngại.

Bấy giờ, Thế Tôn khen Thiện Hiện rằng: Hay thay, hay thay! Ngươi nay khéo năng khuyên các Bồ tát.

Cụ thọ Thiện Hiện bèn thưa Phật rằng: Tôi đã biết ơn rằng sao chẳng trả. Nghĩa là Phật và các đệ tử quá khứ dạy các Bồ tát nhiều thứ pháp yếu phương tiện tới vào Ba la mật đa. Bấy giờ Như Lai cùng học với trong, nay chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quay xe diệu pháp nhiêu ích chúng tôi. Nên tôi ngày nay nên theo Phật dạy nhiếp thọ hộ niệm các Bồ tát này, khiến mau chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quay xe diệu pháp lợi vui tất cả. Đấy thời gọi là đền trả ơn đức kia.

Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Chư Thiên các ngươi đều nên lóng nghe, sẽ vì các ngươi nói tướng chúng các Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa chỗ nên trụ.

Kiều Thi Ca! Chúng các Bồ tát trang nghiêm bằng đại thệ phát tới bậc Đại thừa, nên đem không tướng an trụ Bát nhã Ba la mật đa. Chẳng nên trụ sắc, cũng chẳng nên trụ thọ tưởng hành thức. Chẳng nên trụ quả Dự lưu, cũng chẳng nên trụ quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề.

Chẳng nên trụ đây là sắc, cũng chẳng nên trụ đây là thọ tưởng hành thức. Chẳng nên trụ đây là quả Dự lưu, cũng chẳng nên trụ đây là quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề.

Chẳng nên trụ sắc thọ tưởng hành thức hoặc thường hoặc vô thường, hoặc vui hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, hoặc không hoặc chẳng không.

Chẳng nên trụ quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ đề đều là vô vi hiển ra, là chơn phước điền đáng thọ cúng dường. Chẳng nên trụ quả Dự lưu cực bảy phen sanh tất vào Niết bàn. Chẳng nên trụ quả Nhất lai chưa đến rốt ráo, đến đây phen nữa định hết các khổ. Chẳng nên trụ quả Bất hoàn, trụ kia diệt độ chẳng trở lại nữa. Chẳng nên trụ quả A la hán đời nay định vào vô dư Niết bàn.

Chẳng nên trụ quả Độc giác vượt bậc Thanh văn, chẳng đến bậc Phật mà vào Niết bàn. Chẳng nên trụ Phật vô vi hiển ra, là chơn phước điền đáng thọ cúng dường, vượt các bậc Thanh văn, Độc giác thảy, lợi vui vô lượng vô số hữu tình, khiến vào cõi Vô dư bát Niết bàn. Giả sử hết cõi tất cả hữu tình cũng vào cõi Vô dư bát Niết bàn.

Khi ấy, Xá Lợi Tử khởi nghĩ đây rằng: Nếu vậy Bồ tát sẽ làm sao trụ?

Bấy giờ, Thiện Hiện biết nơi tâm Xá Lợi Tử đã nghĩ bèn gọi đó rằng: Nơi ý hiểu sao? Tâm Như Lai vì trụ chỗ nào?

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng: Tâm Như Lai đều không chỗ trụ, vì không chỗ trụ nên gọi Như Lai. Nghĩa là chẳng trụ cõi hữu vi, cũng chẳng trụ cõi vô vi, cũng chẳng chẳng trụ?

Thiện Hiện trả lời: Bồ tát cũng vậy, như các Như Lai đối tất cả pháp tâm không chỗ trụ, cũng chẳng chẳng trụ. Nghĩa là các Bồ tát đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đem vô sở đắc mà làm phương tiện nên trụ như thế, nên học như thế.

Bấy giờ, trong chúng có các Thiên tử lén khởi nghĩ này: Các Dược xoa thảy lời lẽ câu chú các thứ sai khác tuy lại bí mật kín đáo mà bọn chúng ta hãy hiểu biết được. Đại đức Thiện Hiện đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm tuy dùng các thứ lời lẽ để chỉ rõ mà bọn chúng ta trọn chẳng hiểu được gì cả.

Cụ thọ Thiện Hiện biết nơi tâm các Thiên tử đã nghĩ bèn bảo kia rằng: Tôi đối trong ấy không nói không chỉ, ngươi cũng chẳng nghe, đòi hiểu cái gì.

Khi ấy, các Thiên tử lại khởi nghĩ này: Tôn giả Thiện Hiện đối trong nghĩa ấy muốn khiến dễ hiểu mà càng sâu sắc nhỏ nhiệm khó nổi so lường hơn!

Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm Thiên tử kia nghĩ nữa, lại bảo đó rằng: Có các kẻ muốn chứng muốn trụ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề, chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, cần nương nhẫn đây mới chứng trụ được.

Khi ấy, các Thiên tử khởi lên nghĩ nữa: Đại đức Thiện Hiện đối nay muốn vì những hữu tình nào nói những pháp nào?

Cụ thọ Thiện Hiện biết tâm các Thiên tử còn nghĩ mà bảo kia rằng: Tôi nay muốn vì hữu tình như huyễn nói pháp như huyễn. Kia đối đã nói, không nghe không hiểu không sở chứng vậy.

Khi ấy, các Thiên tử lại khởi nghĩ này: Vì kẻ nghe pháp như pháp như huyễn, hay hữu tình khác quả Dự lưu thảy cũng đều như huyễn?

Thiện Hiện biết tâm kia nghĩ bèn bảo đó rằng: Loại hữu tình khác hoặc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A la hán, hoặc quả Độc giác Bồ đề, hoặc chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng đều như huyễn.

Khi đó, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Sao? Các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sở chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng đều như huyễn?

Thiện Hiện đáp rằng: Như vậy, như vậy. Cho đến Niết bàn cũng lại như huyễn.

Khi ấy, các Thiên tử hỏi Thiện Hiện rằng: Há đâu Niết bàn cũng lại như huyễn?

Thiện Hiện đáp rằng: Giả sử lại có pháp cao hơn Niết bàn ấy chăng nữa cũng lại như huyễn, huống là Niết bàn. Vì cớ sao? Các Thiên tử! Huyễn cùng hữu tình và tất cả pháp cho đến Niết bàn không hai không riêng, đều bất khả đắc, vì chẳng thể nói vậy.

Khi ấy, Xá Lợi Tử, Chấp Đại Tạng, Mãn Từ Tử, Đại Ẩm Quang thảy hỏi Khánh Hỷ rằng: Đã nói Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế, ai năng tín thọ?

Khánh Hỷ đáp rằng: Có chúng các Bồ tát chẳng quay lui đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đã nói năng thâm tín thọ. Lại có vô lượng kẻ bổ đặc già la đầy đủ chính kiến và các A la hán viên mãn sở nguyện đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm đã nói đấy cũng năng tín thọ được.

Bấy giờ, Thiện Hiện nói lời như vầy: Đã nói Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm như thế không ai tin thọ được. Sở dĩ vì sao? Vì trong đây không có pháp khá hiển khá chỉ, nên kẻ tín thọ cũng bất khả đắc.

Khi ấy, Thiên Đế Thích khởi nghĩ này rằng: Tôn giả Thiện Hiện rưới trận mưa Đại pháp, ta nên hóa làm hương hoa mầu nhiệm, dâng rải cúng dường. Khởi nghĩ ấy rồi liền bèn hóa làm hương hoa mầu nhiệm rải lên Thiện Hiện.

Bấy giờ, Thiện Hiện khởi nghĩ này rằng: Hoa nay đã rải ở chỗ chư Thiên chưa từng thấy có. Hoa nhiệm mầu đây định chẳng phải nước đất cỏ cây sanh được, phải là từ tâm chư Thiên hóa ra.

Khi ấy, Thiên Đế Thích đã biết chỗ nghĩ nơi tâm Thiện Hiện, bảo Thiện Hiện rằng: Hoa đã rải đây thật chẳng phải nước đất cỏ cây sanh được, cũng chẳng từ tâm chư Thiên hóa ra, vì hoa đã rải tánh không sanh vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Hoa đấy chẳng sanh bèn không có hoa tánh.

Khi ấy, Thiên Đế Thích khởi nghĩ này rằng: Tôn giả Thiện Hiện giác huệ sâu rộng, chẳng hoại giả danh mà nói nghĩa thật. Khởi nghĩ ấy rồi thưa Thiện Hiện rằng: Như vậy, như vậy. Thật như Tôn giả đã dạy. Chúng các Bồ tát đối trong các pháp nên theo Tôn giả đã nói mà học.

Bấy giờ, Thiện Hiện bảo Đế Thích rằng: Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói, chúng các Bồ tát đối trong các pháp đều theo tôi đã nói mà học. Kiều Thi Ca! Chúng các Bồ tát theo tôi đã nói đối Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm khi học như thế, chẳng nương quả Dự lưu học, chẳng nương quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán học, chẳng nương Độc giác Bồ đề học. Nếu chẳng nương các bậc đây mà học, bèn học chư Phật Nhất thiết trí trí. Nếu học chư Phật Nhất thiết trí trí, thời học vô lượng vô biên Phật Pháp. Nếu học vô lượng vô biên Phật Pháp, thời chẳng học sắc thọ tưởng hành thức có thêm có bớt. Nếu chẳng học sắc thọ tưởng hành thức có lấy có bỏ.

Nếu chẳng học sắc thọ tưởng hành thức, có lấy có bỏ, thời chẳng học tất cả pháp có thể nhiếp thọ và có thể hoại diệt. Nếu chẳng học tất cả pháp có thể nhiếp thọ và có thể hoại diệt. Chúng các Bồ tát khi học như thế gọi là chơn học Nhất thiết trí trí, chóng năng chứng được Nhất thiết trí trí.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Nếu các Bồ tát chẳng học Nhất thiết trí trí có thể nhiếp thọ và có thể hoại diệt, các Bồ tát này khi học như thế gọi là chơn học Nhất thiết trí trí, chóng năng chứng được Nhất thiết trí trí ư?

Thiện Hiện đáp rằng; Như vậy, như vậy, đem vô sở đắc làm phương tiện vậy.

Bấy giờ, Thiên Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử rằng: Bồ tát sở học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm phải cầu ở đâu?

Xá Lợi Tử nói: Bồ tát sở học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm phải cầu ở trong Thiện Hiện đã thuyết.

Khi ấy, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Là thần lực ai làm nương giữ nên khiến Xá Lợi Tử nói lời như thế?

Thiện Hiện đáp rằng: Thần lực Như Lai làm nương giữ nên khiến Xá Lợi Tử nói lời như thế.

Thiên Đế Thích nói: Lại thần lực ai làm nương giữ nên Tôn giả năng thuyết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm?

Thiện Hiện trả lời: Thần lực Như Lai làm nương giữ nên khiến tôi năng thuyết Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm.

Kiều Thi Ca! Như ngươi đã hỏi Bồ tát sở học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm phải cầu ở đâu ấy. Kiều Thi Ca! Bồ tát sở học Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm chẳng nên tức sắc cầu, chẳng nên lìa sắc cầu. Chẳng nên tức thọ tưởng hành thức cầu, chẳng nên lìa thọ tưởng hành thức cầu.

Vì cớ sao? Vì sắc chẳng phải Bát nhã Ba la mật đa, cũng chẳng lìa sắc riêng có Bát nhã Ba la mật đa. Vì thọ tưởng hành thức chẳng phải Bát nhã Ba la mật đa, cũng chẳng lìa thọ tưởng hành thức riêng có Bát nhã Ba la mật đa.

Khi ấy, Thiên Đế Thích thưa Thiện Hiện rằng: Bát nhã Ba la mật đa sâu thẳm là Đại Ba la mật đa, là Vô lượng Ba la mật đa, là Vô biên Ba la mật đa?

Thiện Hiện trả lời: Như vậy, như vậy. Vì cớ sao? Kiều Thi Ca! Sắc vô biên, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Thọ tưởng hành thức vô biên, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Sở duyên vô biên, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Kiều Thi Ca! Sao là sở duyên vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên? Nghĩa là tất cả pháp ngằn trước giữa sau đều bất khả đắc, nói là vô biên. Pháp vô biên nên sở duyên vô biên, do đây Bát nhã Ba la mật đa cũng nói vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Kiều Thi Ca! Sao là tất cả pháp vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên? Nghĩa là cái biên của tất cả pháp bất khả đắc. Sở dĩ vì sao? Vì sắc cho đến thức cái biên trước giữa sau đều bất khả đắc. Do đây Bát nhã Ba la mật đa cái biên trước giữa sau cũng bất khả đắc, nên nói vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Kiều Thi Ca! Sao là hữu tình vô biên nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên? Kiều Thi Ca! Loại chẳng phải hữu tình số ấy rất nhiều, kế tính nơi biên bất khả đắc nên nói là vô biên.

Thiên Đế Thích nói: Vì nghĩa nào nên làm thuyết như thế?

Thiện Hiện nói: Tôi nay hỏi ngươi, tùy ý ngươi đáp. Nơi ý hiểu sao? Nói hữu tình ấy thêm lời cho pháp nào?

Thiên Đế Thích nói: Nói hữu tình ấy, thêm lời cho chẳng phải pháp. Chỉ là sở nhiếp giả lập khách danh, sở nhiếp vô sự danh, sở nhiếp vô duyên danh.

Thiện Hiện lại bảo Thiên Đế Thích rằng: Nơi ý hiểu sao? Trong ấy vả có chơn thật hữu tình chỉ rõ được chăng? Thiên Đế Thích nói: Thưa Đại Đức! Chẳng thật.

Thiện Hiện nói: Không thật hữu tình chỉ rõ được nên nói là vô biên.

Kiều Thi Ca! Nơi ý hiểu sao? Giả sử Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác lâu số đại kiếp như cát Căng Già, dùng vô biên âm thanh nói vô lượng danh tự loại hữu tình; trong đây vả có chơn thật hữu tình có sanh diệt chăng?

Thiên Đế Thích nói: Thưa Đại đức! Chẳng thật. Vì cớ sao? Vì các hữu tình bản tánh tịnh vậy.

Thiện Hiện bảo rằng: Do đây nên nói hữu tình vô biên, nên phải biết Bát nhã Ba la mật đa cũng vô biên. Vì vô tánh thẳm sâu đều vô biên vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567