Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Phẩm "Thông Đạt Hay Thông Suốt"

15/01/202107:47(Xem: 10123)
02. Phẩm "Thông Đạt Hay Thông Suốt"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


buddha-532

 

II. PHẨM "THÔNG ĐẠT hay THÔNG SUỐT".

Phần cuối quyển 566, Hội thứ VI, ĐBN.

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Gợi ý:

Ý nghĩa của phẩm này không khác với các phẩm “Thông Đạt” nằm rải rác trong các Hội trước. Nhưng cách diễn đạt thâm thúy hơn. Kinh nhấn mạnh về việc học tập và thực hành 10 pháp Ba la mật thì thông đạt tuệ tức có thể sang được bờ kia.

 

Tóm lược:

 

Khi ấy, có Thiên vương tên là Tối Thắng (1), từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, phủ vai bên trái, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính bạch Thế Tôn:

- Con có chút nghi, muốn hỏi Phật, nếu được Thế Tôn cho phép, con mới dám thưa.

Phật bảo trời Tối Thắng:

- Thiên Vương! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tùy theo mối nghi sẽ giải thích cho ngươi.

Trời Tối Thắng được Phật cho phép, vui mừng hớn hở, liền bạch:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát làm sao tu học một pháp mà có thể thông đạt tất cả pháp?

Phật bảo Tối Thắng:

- Lành thay! Lành thay! Ngươi có thể thưa hỏi Như Lai nghĩa sâu xa như thế. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ giải đáp điều nghi cho ngươi.

Trời Tối Thắng bạch:

- Cúi xin Thế Tôn! Con nguyện được nghe.

Phật bảo Tối Thắng:

- Thiên vương nên biết! Các đại Bồ Tát tu học một pháp mà có thể thông đạt tất cả pháp, pháp đó là Bát Nhã. Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể thông đạt bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba la mật (2).

 

       Này Thiên vương! Thế nào là các Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể thông đạt bố thí Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành diệu pháp thí Ba la mật. Nghĩa là dùng tâm thanh tịnh không có điều mong cầu, thuyết pháp cho người chẳng cầu danh lợi, chỉ vì diệt khổ, chẳng thấy mình là người thuyết, chẳng thấy người kia nghe; không hai không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Vô úy thí Ba la mật (3). Nghĩa là quán hữu tình giống như cha mẹ, anh em, bà con thân thích, làm cho tất cả mọi người đều gần gũi mình. Vì sao? Vì từ vô thỉ đến giờ lưu chuyển trong sáu nẻo đều làm bà con thân thích. Nếu các hữu tình ở chỗ nguy nan sợ hãi, còn đem thân mạng mà cứu giúp họ, huống lại đem tâm não hại họ. Chẳng thấy mình là người bố thí sự không sợ hãi cho người kia, chẳng thấy kia là người nhận; không hai không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Bố thí Tư sanh Ba la mật. Nghĩa là tùy theo hữu tình cần dùng những vật gì thì bố thí cho họ những vật ấy và dạy cho họ tu hành mười thiện nghiệp đạo. Chẳng thấy mình là người bố thí của cải riêng của mình cho người kia, chẳng thấy kia là người thọ nhận; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Bố thí bất vong báo Ba la mật. Nghĩa là khi hành bố thí chẳng mong cầu quả báo. Bồ Tát bố thí tự nhiên như thế, chẳng thấy mình là người bố thí, chẳng cầu quả báo và chẳng thấy quả báo của sự bố thí; không hai không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Đại bi thí Ba la mật. Nghĩa là thấy hữu tình bần cùng, già bệnh, không có người cứu giúp, phát khởi tâm đại bi mà phát thệ nguyện: Khi ta đắc Vô thượng Bồ đề, làm chỗ nương tựa cho các hữu tình, vì các hữu tình nên đem chút căn lành hồi hướng Bồ đề, cũng chẳng phân biệt mình là người cứu tế, kia là người nhận lãnh; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Cung kính thí Ba la mật. Nghĩa là tùy theo hữu tình cần vật gì, liền tự kính dâng, chẳng để cho người nhận mong chờ mỏi mệt, chẳng thấy mình là người hành thí cung kính, chẳng thấy kia là người nhận lãnh; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tôn trọng thí Ba la mật. Nghĩa là đối với hữu tình phát sanh tưởng như bậc Sư tăng, hoặc tưởng như cha mẹ, với tâm tôn trọng mà bố thí. Nếu không có tài vật để ban cho thì dùng thiện ngôn mà cho, chẳng thấy mình là người hành thí tôn trọng, chẳng thấy kia là người nhận lãnh; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.   

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Cúng dường thí Ba la mật. Nghĩa là thấy bảo tháp, hoặc thấy chỗ ở của chư Tăng thì nên dọn quét, rưới nước, đem các thứ hương hoa và đèn sáng v.v... cúng dường. Nếu thấy tôn tượng và chánh pháp khuyết tổn thì nên siêng năng tu sửa, biên tập. Nếu thấy Tăng chúng thì nên đem thức ăn uống, đồ nằm, thuốc men để cúng dường, chẳng thấy mình là người làm việc cúng dường, chẳng thấy kia là người nhận lãnh; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì thường hành bố thí Vô y chỉ Ba la mật. Nghĩa là khi thực hành bố thí chẳng nghĩ: Nguyện nhờ bố thí này được sanh cõi trời, người, làm vua trời, người, giàu sang, phú quý, hưởng thọ sự vui suớng, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cũng chẳng chấp thủ, mong cầu, vì không sở đắc.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã, có thể thông đạt bố thí Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật có thể thông đạt tịnh giới Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tịnh giới Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát suy nghĩ: Phật ở trong tịnh giới chỉ dạy Tỳ nại da, thuyết giới Kinh tương ưng với Biệt giải thoát, Bồ Tát nên học, chẳng thấy giới tướng và người thọ trì, chẳng đắm trước giới kiến, cũng chẳng chấp trước ngã; tất cả đều không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tịnh giới Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát suy nghĩ: Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật chẳng phải chỉ thọ trì tịnh giới liền đắc, cần phải học khắp giới hành Bồ Tát, giới tánh trong mát, tịch tĩnh vô sanh, tất cả đều không hai không khác vì lìa tự tánh.

 Nếu đại Bồ Tát tu học Bát Nhã thì có thể hành tịnh giới Ba la mật, nghĩa là các Bồ Tát suy nghĩ: Thế nào là trì giới có thể dứt trừ phiền não?

Phiền não có ba thứ là: Tham, sân, si. Mỗi phiền não này lại có ba bậc là thượng, trung, hạ. Muốn dứt trừ phiền não phải biết đối trị. Kẻ tham tăng thượng tu quán bất tịnh. Kẻ sân tăng thượng tu quán từ bi. Kẻ si tăng thượng tu quán duyên khởi. Chẳng thấy năng quán và pháp sở quán, không hai không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát Nhã thì có thể hành tịnh giới Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát suy nghĩ: Bồ Tát xa lìa tư duy bất chánh như thế nào? Là các Bồ Tát chẳng phát khởi tâm: Ta hành tịch tịnh, hành hạnh viễn ly, hành Không, còn các Sa môn, Bà la môn v.v... khác đều không hành viễn ly, hành Không v.v... lại thích ở chỗ huyên náo tạp nhiễm. Nếu Bồ Tát hành Bát Nhã thấy không hai không khác, biết lìa tự tánh, lìa tức diệt tà niệm.

Nếu đại Bồ Tát học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tịnh giới Ba la mật, nghĩa là các Bồ Tát dù biết các pháp lìa mà vẫn sợ tội. Như Phật đã nói nên trì tịnh giới, tu các phước nghiệp cho đến Bát nhã Ba la mật. Đối với tội nhỏ nhưng mối lo lớn, chẳng giữ trong lòng. Vì Thế Tôn dạy: “Ví như thuốc độc nhiều ít đều có hại”.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tịnh giới Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát thường sanh sợ hãi tương ưng với Tín hạnh. Giả sử ở chỗ vắng vẻ đơn độc một mình, không có bạn bè, có Sa môn v.v... đem các thứ vật báu như vàng, bạc, lưu ly, trân châu gởi cho Bồ Tát. Bồ Tát không khởi tâm tham lấy các thứ đó, mà suy nghĩ: Thế Tôn thường dạy, thà phải tự cắt thịt nơi thân mình mà ăn, chứ của cải của người không cho thì chẳng lấy.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tịnh giới Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát trì giới vững vàng. Nếu các ác ma và quyến thuộc của ma dùng sắc đẹp để thử Bồ Tát, Bồ Tát đối với sắc đẹp kia tâm chẳng dao động mà tư duy: Thế Tôn thường dạy, sắc v.v... các pháp đều như mộng, huyễn hóa, không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tịnh giới Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát tuy siêng năng trì giới nhưng chẳng mong cầu ngôi vua trời, người, thân lìa ba lỗi, miệng dứt bốn lầm, ý tránh ba tội. Trì giới chẳng thấy ta trì, chẳng thấy giới tướng; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt tịnh giới Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật có thể thông đạt an nhẫn Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành an nhẫn Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát thường học nội nhẫn, hoàn toàn chẳng lệ thuộc ưu sầu khổ não, cũng học ngoại nhẫn. Nếu người đánh đập, mắng chửi, khi dễ, cướp đoạt, lăng nhục, hoàn toàn không sân giận, cũng học pháp nhẫn như Thế Tôn dạy: Thật tánh sâu xa không pháp, không ngã, không sanh, tịch tịnh, tức là Niết bàn.

Nghe nói như thế, tâm không kinh sợ, suy nghĩ: Chẳng học pháp ấy làm sao có thể đắc sở cầu là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, có thể lợi ích an vui cho các loài hữu tình cùng tận đời vị lai. Suy nghĩ kỹ: Các độc tham, sân, si như thế là ở chỗ nào khởi lên? Nhân duyên nào sanh? Nhân duyên nào diệt? Quán sát đúng như thật đều chẳng thấy có năng sanh, sở sanh, năng diệt, sở diệt. Tâm nhẫn như thế liên tục chẳng dứt, ngày đêm các thời không xen hở; đối với cảnh nhẫn không có tâm lựa chọn, nghĩa là đối với quốc vương, cha mẹ, Sư trưởng v.v… mình phải tu nhẫn cả sự gia hại khác.

Bồ Tát hành nhẫn chẳng vì sự trả ơn, danh lợi, nhân nghĩa, sợ hãi, xấu hổ. Bồ Tát nên hành nhẫn tự nhiên như thế. Nếu người kia gia hại, đánh đập, nhục mạ, xâm chiếm, cướp đoạt, khinh khi, lăng nhục, tâm cũng chẳng lay động. Nếu Bồ Tát ở ngôi vua, địa vị đại thần v.v... có người bần tiện hủy mắng, sỉ nhục, hoàn toàn không vội vàng tỏ thái độ thị uy: Ta ở ngôi vị cao sang nên theo pháp là phải quở phạt, mà chỉ nghĩ: Thuở xưa ta ở chỗ Phật Thế Tôn phát thệ nguyện rộng lớn là đối với tất cả hữu tình ta đều cứu giúp, khiến cho được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nay nếu khởi tâm sân thì trái với nguyện xưa.

Ví như thầy thuốc giỏi, phát lời thề như vầy: Thế gian đui mù ta đều chữa lành. Nếu mắt mình không sáng thì đâu có thể chữa lành cho ai được. Như thế, Bồ Tát vì trừ tối tăm cho người mà tự mình phát sanh giận dữ thì làm sao cứu họ cho được? Chẳng thấy mình nhẫn và sự nhẫn được; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt an nhẫn Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào làm cho các Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt tinh tấn Ba la mật?

Thiên vương nên biết, nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành tinh tấn Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát đối với chúng sanh chưa diệt, khiến diệt, chưa độ khiến độ, chưa thoát khiến thoát, chưa an khiến an, chưa giác khiến giác. Khi Bồ Tát hành tinh tấn như thế, có các ác ma làm đình trệ, nói với Bồ Tát: “Thiện nam tử! Bạn chớ tu hạnh này, luống uổng nhọc nhằn. Vì sao? Vì ta xưa kia từng tu hạnh này nhưng hoàn toàn không có lợi ích chân thật. Ta từ xưa đến nay thấy nhiều Bồ Tát tu học hạnh này và đều thối lui. Bạn nên hồi tâm tu đạo Nhị thừa, lấy quả Nhị thừa để tự diệt độ”.

Bồ Tát nghe xong liền biết là ác ma, bảo: “Ngươi hãy lui đi! Tâm ta vững chắc giống như kim cương, chẳng phải vì lời sai lầm của ngươi có thể làm thối thất đạo Bồ đề. Ngươi cố gây trở ngại, luôn luôn tự khổ”. Ma nghe lời này liền biến. Nếu Bồ Tát chưa đắc Bát nhã Ba la mật, tu năm pháp Ba la mật trước, trải qua trăm ngàn kiếp, hành tinh tấn như thế còn chưa có thể vượt qua, huống là bậc Nhị thừa. Như thế, Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, thành tựu Phật pháp, đều lìa các việc ác. Mặc dù hành tinh tấn, chẳng mau chẳng chậm mà phát nguyện lớn: Mong ta được thân giống như Thế Tôn, có nhục kế trên đỉnh đầu, có lông trắng giữa chặng mày, Phật chuyển pháp luân, ta cũng có thể.

Ví như vàng ròng, các ngọc báu trang sức thì đẹp đẽ, Bồ Tát tinh tấn cũng như thế, lìa các cấu uế, nghĩa là lìa các sự lười nhác biếng trễ, mỏi mệt, chẳng tự rõ biết, chẳng suy nghĩ đúng... nhờ đấy có thể đạt được phước đức trí tuệ thanh tịnh thù thắng để trang nghiêm, thân chẳng mỏi mệt, tâm chẳng chán lười. Tất cả pháp ác bất thiện làm trở ngại đạo đều bị diệt trừ, các pháp trợ đạo hướng đến Niết bàn đều khiến tăng trưởng; một chút ác chẳng khởi, huống chi nhiều.

Giả sử như Hằng sa thế giới mười phương, trong đó tràn đầy lửa lớn như ngục Vô gián, ở thế giới này chỉ có một hữu tình có thể độ được. Bồ Tát vì hữu tình ấy còn cứu độ, huống là nhiều hữu tình. Các Bồ Tát này chẳng nghĩ: Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng dễ đắc được. Bồ Tát tu hành như cứu lửa cháy đầu, cần phải trải qua trăm ngàn ức kiếp, gánh nặng như thế thật khó mang vác, mà chỉ nghĩ: Chư Phật quá khứ, hiện tại đều tu hạnh này, chứng đại Bồ đề. Ta cũng như thế, nên chính mình tu tập. Thà trăm ngàn kiếp ở trong địa ngục độ thoát các hữu tình, chứ hoàn toàn không bỏ họ để mau tới Niết bàn.

Bồ Tát khi tinh tấn tu hành như thế, tâm chẳng tự cao, đối với người chẳng tự ti, chẳng thấy pháp năng hành và sở hành; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt tinh tấn Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt tịnh lự Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu đại Bồ Tát tu học Bát Nhã thì có thể hành tịnh lự Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát trồng sâu căn lành, đối với Đại thừa, đời đời kiếp kiếp tu nhiều diệu hạnh, gần gũi bạn lành, chẳng sanh trong nhà bần tiện, tà kiến v.v... thường sanh trong dòng họ Sát đế lợi, Bà la môn v.v... chánh tín Tam bảo, tăng trưởng pháp lành; nhờ căn lành đời trước, phát khởi ý nghĩ: Hữu tình ngày đêm trôi lăn các nẻo, luân hồi trong khổ não chẳng dừng, đều do tham ái. Bồ Tát nghĩ xong, khởi tâm nhàm chán, xa lìa, biết các xấu xa từ hư vọng phân biệt mà xuất sanh.

Trong Kinh, Thế Tôn dùng vô số phương tiện giảng thuyết: Tội lỗi của dục như gươm dài, mâu ngắn, như dao, như rắn, như bọt, như bèo, nhơ nhớp bất tịnh, thay đổi vô thường. Vì sao người trí lại tham đắm pháp này? Vừa cạo râu tóc xuất gia tu đạo, chưa thấy cho là thấy, chưa đắc cho là đắc, chưa chứng cho là chứng; phải nghe thuyết thọ trì hoặc thế tục đế, hoặc thắng nghĩa đế, như thật tu hành, như pháp quán sát, đó là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, xa lìa huyên náo tạp nhiễm, chẳng màng danh dự, cũng chẳng cầu cung kính cúng dường, thân tâm tinh tấn thường không lười bỏ. Tư duy tâm này phần nhiều đi cảnh nào? Là thiện, là ác hay là vô ký? Nếu đi cảnh ác thì tức tốc chấm dứt. Nếu đi vô ký cũng nên rời bỏ. Nếu đi cảnh thiện thì lập tức siêng năng tinh tấn, cố gắng làm cho tăng trưởng căn lành thù thắng.

Vì muốn đối trị pháp ác bất thiện nên lấy ba mươi bảy Bồ đề phần pháp mà trị. Các Ác nghiệp bất thiện đó là: Tham, sân, si.

Tham lại có ba bậc là thượng, trung, hạ:

Tham bậc thượng là nghe tên cảnh dục, lòng vui mừng hớn hở, chẳng quán lỗi của dục, chẳng sanh nhàm lìa, tìm tòi phi lý, không biết xấu hổ. Người không xấu hổ, như một mình đi đến đâu, tâm thường nghĩ về cảnh dục, liên tục chưa từng tạm nghỉ; chỉ thấy tốt đẹp, chẳng biết tội lỗi. Cha mẹ, thầy bạn quở trách sự tham dục kia cũng không xấu hổ, vì chẳng biết nên phát khởi tranh cãi. Như thế gọi là người không xấu hổ. Loại này chết sẽ đọa nẻo ác.

Tham bậc trung là khi lìa cảnh dục, dục tâm chẳng khởi.

Tham bậc hạ là chỉ cùng nói cười, dục tình liền hết.

Sân cũng có ba bậc: Sân bậc thượng là tức giận. Nếu phát khởi thì tâm mê, mắt loạn, hoặc tạo nhiệp vô gián, hoặc hủy báng chánh pháp, hoặc tạo các nghiệp trọng tội khác, hơn ngũ vô gián nhiều gấp trăm ngàn lần.

Sân bậc trung là do sân giận, tạo các việc ác, lập tức sanh hối hận.

Sân bậc hạ là tâm không hiềm hận, chỉ miệng chê trách, liền ăn năn.

Si cũng có ba bậc, nên biết đúng lý, mặc dù quán như thế mà biết các pháp đều như huyễn, như mộng, tiếng vang, bóng hình, bóng sáng, quáng nắng, sự biến hóa và ảo ảnh. Vì hư vọng điên đảo, thấy chẳng thật. Cảnh giới bên ngoài diệt thì trong tâm vắng lặng, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt tịnh lự Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt Bát nhã Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu các đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Bát nhã Ba la mật. Đó là các Bồ Tát chánh trí, quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thấy sắc sanh, chẳng thấy sắc tập, chẳng thấy sắc diệt; thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Vì sao? Vì tự tánh đều là Không, không có chơn thật, chỉ có hư giả thi thiết danh tự mà hành Bát nhã Ba la mật, giáo hóa các hữu tình, trọn chẳng vì nói không nghiệp không quả. Mặc dù biết các pháp đều như huyễn, mộng, vang, tượng, bóng sáng, ánh nắng, biến hóa, thành tầm hương, hư dối, không có ngã, hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ đặc già la… mà thường tuyên nói có nghiệp có quả. (Q.566, ĐBN)

Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật như thế, quyến thuộc của ma chẳng được tiện lợi. Vì sao? Vì các Bồ Tát này gần gũi bạn lành, thành tựu pháp trợ Bồ đề, lìa pháp thế gian, hoan hỷ khen ngợi chánh pháp sâu xa các các đức Như Lai. Chư thiên, Ma, Phạm và Sa môn, Bà la môn v.v... trừ Phật chánh trí, không ai bằng được. Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt Bát nhã Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật có thể thông đạt phương tiện thiện xảo Ba la mật?

Bồ Tát học Bát Nhã, hành Phương tiện thiện xảo Ba la mật, Bồ Tát khéo hồi hướng Vô thượng Chính đẳng Bồ đề. Nếu thấy hoa quả thế gian tốt đẹp thường đem cúng dường chư Phật Bồ Tát, ngày đêm sáu thời từng không tạm bỏ, đem thắng thiện đây hồi hướng Bồ đề. Nếu nghe Khế Kinh Như Lai nói nghĩa pháp sâu xa thì hoan hỷ tin nhận, ưa thích thọ trì đọc tụng và nói lại cho người khác, đem diệu thiện này hồi hướng Bồ đề.

Nếu thấy bảo tháp, hình tượng Như Lai thì liền đem các thứ hương hoa cúng dường, nguyện loài hữu tình lìa hương phá giới, được hương giới thanh tịnh. Quét rưới đất bụi, nguyện các hữu tình uy nghi tề chỉnh. Hoa lọng đèn lồng, nguyện các hữu tình đều lìa buồn bực. Vào Tăng già lam (chùa hay tịnh xá), nguyện các hữu tình đều vào Niết bàn; ra khỏi chỗ Tăng trụ, nguyện các hữu tình ra khỏi cảnh ma. Thấy cửa Tăng mở, bèn phát nguyện: Đem trí xuất thế vì các hữu tình mở cửa chưa mở, đều khiến ngộ nhập. Nếu thấy cửa đóng, nguyện các hữu tình đóng cửa ba cõi, hoặc bốn nẻo ác.

Nếu được ngồi yên, nguyện các hữu tình ngồi tòa Bồ đề. Nếu nằm hông phải, nguyện các hữu tình đều chứng Niết bàn. Lúc ngồi nằm, dậy, nguyện các hữu tình lìa các mê lầm. Nếu khi rửa chân, nguyện các hữu tình lìa bụi nhơ.

Nếu khi lạy Phật, hay nhiễu bên phải bảo tháp, nguyện các hữu tình đều sẽ thành Phật, được trời người cung kính, chẳng lấy đó làm vui mừng.

Nếu có ngoại đạo tà kiến khó giáo hóa, bèn nghĩ: Nếu ta có làm thầy họ thì họ vẫn giữ sự kiêu mạn, chắc chắn chẳng chịu tin. Hãy làm đồng học, hoặc làm đệ tử; tuy ở trong chúng của họ mà giới hạnh đa văn hơn các ngoại đạo, nhân đây hàng phục họ, được họ tôn trọng làm thầy, thì lời nói chắc chắn được tin nhận. Hủy bỏ tà pháp, nói chánh Niết bàn, làm cho nhập vào giáo pháp thanh tịnh của Như Lai, tấn tu phạm hạnh tịnh lự đẳng trì, đắc thần thông thù thắng, tu tất cả diệu thiện.

Thấy người đa dục hóa làm nữ nhơn đẹp đẽ, khiến cho kẻ kia say mê, trong khoảng chốc lát thị hiện vô thường, nhan sắc biến đổi, sình trương bủn nát, hôi thối, khiến cho chán ghét, nhờm gớm và khởi tâm nhàm chán, xa lìa, liền hoàn phục hình cũ là hình tượng Bồ Tát, nhân đó nói pháp yếu sâu xa, khiến cho kẻ kia phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tu hạnh Đại thừa, thành quả Vô thượng.

Thấy người Đại thừa xa lìa bạn lành quen biết, tuy siêng năng tinh tấn học đạo Nhị thừa nhưng đối với quả đó không thể chứng đắc, mất pháp lợi nơi Đại thừa Vô thượng, quán căn tánh của người kia, thuyết Đại thừa cho họ, làm cho người đó hồi tâm, nhập đạo Vô thượng. Người chưa phát tâm, giáo hóa làm cho phát tâm. Nếu đã phát tâm thì khuyên khiến cho bền vững. Thấy người trì giới phạm tội nhẹ, chẳng hiểu để trình bày sám hối nên lo sợ buồn rầu, thối lui; do đó không thể tấn tu đạo cao đẹp, thì liền thuyết pháp cho họ, khiến họ mau sám hối để trừ diệt, tâm lìa buồn rầu, tấn tu đạo cao đẹp. Các chúng Bồ Tát ấy thiểu dục tri túc, chuyên cầu pháp lợi. Vì các hữu tình thuyết về sự cúng dường Như Lai. Do đó liền thành tựu sáu Ba la mật:

Thuyết pháp cúng dường, đó là bố thí Ba la mật.

Hành động chẳng trái với lời nói, đó là tịnh giới Ba la mật.

Các thiên ma v.v... chẳng thể não loạn, đó là an nhẫn Ba la mật.

Tâm tiếp nối nhau chẳng biết mỏi mệt, đó là tinh tấn Ba la mật.

Chuyên tâm nhất niệm, chẳng duyên cảnh khác, đó là tịnh lự Ba la mật.

Thuyết pháp cúng dường, lìa ngã, ngã sở, đó là Bát nhã Ba la mật.

Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt phương tiện thiện xảo Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các đại Bồ Tát tu học có thể thông đạt diệu nguyện Ba la mật.

Thiên vương nên biết! Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành diệu nguyện Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát có các sở nguyện chẳng vì được hưởng vui sướng khoái lạc thế gian, cũng chẳng vì mình cầu ra khỏi ba cõi, tu đạo Nhị thừa, chứng Niết bàn an lạc, mà chỉ nguyện tất cả hữu tình đều nhập vào cõi Vô dư Bát Niết bàn trước, mình thành chánh giác sau cùng. Người chưa phát tâm thì giáo hóa làm cho phát tâm. Nếu đã phát tâm rồi thì làm cho họ tu đại hạnh. Đã tu đại hạnh rồi thì làm cho được Bồ đề. Đắc Bồ đề rồi thì khuyên mời thuyết pháp, lần lượt cho đến sau khi vào Niết bàn, dùng bảy báu tốt đẹp xây tháp, tôn trí xá lợi, thiết lập sự cúng dường, làm cho vô lượng chúng đạt được phước vô biên.

Lại phát nguyện rằng: Các thế giới có Phật thành Chánh giác đều không thiên ma và các ngoại đạo làm rối loạn. Nguyện do tự trí phát tâm vô thượng, chẳng nhờ duyên ngoài tuy phát mà thối lui

Lại phải nguyện: Ta thường ở thế gian thành thục hữu tình, khiến cho đạt được lợi ích an lạc. Nguyện các Bồ Tát v.v... mới phát tâm, nếu nghe Như Lai thuyết pháp sâu xa, ngộ nhập đúng như thật, tâm không kinh sợ. Nguyện các hữu tình đắc đại trí tuệ, đều thông suốt hoàn toàn vô biên Phật đạo, vô biên Phật cảnh, vô biên đại bi, làm lợi ích vô biên các loài hữu tình.

Các Bồ Tát này phần nhiều lại nguyện tự thân thường sanh ở nước nhơ uế, chẳng sanh cõi tịnh. Vì sao? Vì như có người bệnh mới nhờ thầy thuốc, nếu không có bệnh tật thì thầy thuốc vô dụng. Bồ Tát khi phát diệu nguyện như thế, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành; tất cả không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt diệu nguyện Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là các đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật có thể thông đạt Lực Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu các đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Lực Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát có thể hàng phục Thiên ma, dẹp trừ ngoại đạo, đầy đủ năng lực phước đức trí tuệ, tu hành tất cả Phật pháp, chứng biết tất cả Phật cảnh, dùng năng lực thần thông đem đầu sợi lông nhấc châu Thiệm bộ hoặc cõi bốn châu, hoặc cõi Đại thiên đến vô lượng thế giới như cát sông Hằng trong 10 phương, rồi để lại chỗ cũ mà không hề tổn hại; hoặc dùng năng lực thần thông, ở giữa hư không lấy các thứ báu bố thí cho loài hữu tình, có thể nghe và thọ trì tất cả pháp mà chư Phật thuyết ở vô lượng, vô biên thế giới trong mười phương, chẳng thấy năng hành và pháp sở hành; tất cả không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt Lực Ba la mật.

 

Này Thiên vương! Thế nào là đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt Trí Ba la mật?

Thiên vương nên biết! Nếu các đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể hành Trí Ba la mật. Nghĩa là các Bồ Tát quán sát năm uẩn sanh chẳng phải thật sanh, diệt chẳng phải thật diệt, tư duy năm uẩn đều rốt ráo Không, không có ngã, hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi; phàm phu điên đảo hư vọng chấp trước, phàm phu, chúng sinh sai lầm chấp ngã. Năm uẩn không phải là ngã, trong uẩn không có ngã. Ngã không phải là năm uẩn, trong ngã không có uẩn. Phàm phu ngu muội không như thật biết lăn lóc sinh tử như vòng lửa quay. Kẻ phàm phu ngu si vọng chấp là có, nhưng tất cả pháp tự tánh vốn Không, không sanh, không diệt. Duyên hợp lại gọi là sanh, duyên lìa tan thì bảo là diệt; thật không có sanh diệt, tánh chẳng phải Có, nên chẳng thể nói sanh; tánh chẳng phải Không nên chẳng thể nói là diệt. Các Bồ Tát này đối với tất cả cảnh, không pháp nào là không thông suốt. Tu hành Trí Ba la mật này, Nhị thừa, ngoại đạo chẳng thể ngăn cản. Dùng trí quán sát, từ khi mới phát tâm cho đến Niết bàn đều thấu suốt tất cả, có thể dùng một pháp mà biết tất cả cảnh, đạt tất cả cảnh chẳng lìa một pháp. Vì sao? Vì chơn như là một như (4). Thế nên khi các Bồ Tát tu trí này chẳng thấy năng tu và pháp sở tu; tất cả không hai, không khác, vì lìa tự tánh. (Q.566, ĐBN)

Này Thiên vương! Đó gọi là các đại Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt Trí Ba la mật.

Đó gọi là Bồ Tát tu học một pháp, có thể thông đạt tất cả pháp.

 

Thích nghĩa:

(1). Thiên vương nói trong Hội này có tên là Tối Thắng, Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã (TTVBN) gọi là “Bát bà la”, nhân vật chính được Phật Thích Ca trao cho chánh pháp trong Hội thứ VI này.

(2). Tất cả Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát Nhã, Phương tiện, Nguyện, Lực và Trí Ba la mật: (十波羅蜜) Phạm: Daza-pàramità. Gọi đủ: Thập Ba la mật đa. Hán dịch: Thập thắng hạnh, Thập độ, Thập đáo bỉ ngạn. Mười hạnh thù thắng mà Bồ Tát phải tu tập đầy đủ để đạt đến Đại Niết bàn.

I. Thập Ba La Mật. Sáu Ba la mật chính cộng thêm 4 Ba la mật phụ: Phương tiện, Nguyện, Lực, Trí thành 10 là: 1. Thí Ba la mật (Phạm: Dànapàramità): Có 3 thứ là Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. 2. Giới Ba la mật (Phạm: Zìlapàramità): Giữ giới và thường tự xét. 3. Nhẫn Ba la mật (Phạm: Kwàntipàramità): Nhẫn nại chịu sự bức hại. 4. Tinh tiến Ba la mật (Phạm:Viryapàramità): Gắng sức tiến tu, không biếng nhác. 5. Thiền Ba la mật (Phạm: Dhyànapàramità): Tập trung tư tưởng khiến tâm an định. 6. Bát nhã Ba la mật (Phạm: Prajĩàpàramità): Mở ra trí tuệ chân thực, hiểu rõ thực tướng các pháp. 7. Phương tiện Ba la mật (Phạm: Upàya-pàramità): Dùng các phương pháp gián tiếp để khơi mở trí tuệ. 8. Nguyện Ba la mật (Phạm: Praịidhàna-pàramità): Thường giữ gìn nguyện tâm và thực hiện các nguyện tâm ấy trong việc tu tập hằng ngày. 9. Lực Ba la mật (Phạm: Balapàramità): Năng lực bồi dưỡng những thiện hạnh thực tiễn và phân biệt chân ngụy. 10. Trí Ba la mật (Phạm: Prajĩàpàramità): Trí tuệ có năng lực rõ biết tất cả các pháp. Mười Ba la mật đều lấy tâm bồ đề làm nhân. Kinh Giải thâm mật quyển 4 cho rằng lý do ngoài 6 Ba la mật còn thiết lập thêm 4 Ba la mật là vì Phương tiện Ba la mật giúp đỡ cho 3 Ba la mật Thí, Giới và Nhẫn; Nguyện Ba la mật là giúp đỡ cho Tinh tiến Ba la mật; Lực Ba la mật là giúp đỡ cho Thiền Ba la mật; Trí Ba la mật là giúp đỡ cho Bát nhã Ba la mật. Mật giáo đem 10 Ba la mật phối hợp với 10 vị Bồ Tát và đặt ở viện Hư không tạng trong Mạn đồ la Thai tạng giới để biểu thị cho phúc đức và trí đức của Bồ Tát Hư Không Tạng. Tức về phía bên phải an vị 5 Bồ Tát Thí, Giới, Nhẫn, Tinh tiến và Thiền, thuộc về Liên hoa bộ, biểu thị Phúc môn; về phía bên trái an vị 5 Bồ Tát Bát nhã, Phương tiện, Nguyện, Lực và Trí, thuộc về Kim cương bộ, biểu thị Trí môn. Lại đem 10 ngón tay phối hợp với 10 Ba la mật, tức Thí là ngón út bên phải, Giới là ngón vô danh bên phải, Nhẫn là ngón giữa bên phải, Tinh tiến là ngón trỏ bên phải, Thiền là ngón cái bên phải, Bát nhã là ngón út bên trái, Phương tiện là ngón vô danh bên trái, Nguyện là ngón giữa bên trái, Lực là ngón trỏ bên trái và Trí là ngón cái bên trái. Thủ ấn của mỗi Ba la mật như hình vẽ dưới đây: Thí Ba la mật, Giới Ba la mật, Nhẫn Ba la mật.

II. Thập Ba La Mật. Mười Ba la mật được nêu trong Phật truyện kinh “Bản sinh” tiếng Pàli là: Đàn (Thí), Thi (Giới), Bát nhã, Tì lê da (tinh tiến), Sằn đề (nhẫn), Xả thế (phủ nhận thế gian và tự kỷ), Chân thực (không nói lời dối trá làm hại chân thực), Quyết ý (ý mình đã quyết không để lay động), Từ (không màng lợi riêng, vì tất cả hữu tình mà trụ nơi từ tâm), Xả (không vì khổ vui mừng giận mà động tâm). Giai vị tu hành 10 đức mục này được gọi là Ba la mật địa (Phạm: Pàramitàbhùmi).- Từ điển Phật Quang.

 (3). Vô úy thí là bố thí những điều không sợ hay nói khác là bảo vệ trước bạo quyền áp đặt về vất chất cũng như tinh thần để cho những chúng sanh bé cổ thấp giọng sống được an lòng, không sợ hãi.

(4). Đoạn Kinh này trong Thắng Thiên Vương Bát Nhã nguyên văn chữ Hán như sau: 以智觀察從初發心至 入涅槃皆悉明了。能以一法知一切境。一切境界即是一法。何以故。如如一故. (Âm: Dĩ trí quan sát tòng sơ phát tâm chí nhập Niết bàn giai tất minh liễunăng dĩ nhất Pháp tri nhất thiết cảnh nhất thiết cảnh giới tức thị nhất Pháp hà dĩ cố như như nhất cố). Việt dịch: Dùng trí quán sát, khi mới phát tâm đến nhập Niết bàn, đều hiểu rõ tất cả. Có thể lấy một pháp để biết tất cả các cảnh; tất cả cảnh giới đều là một pháp. Vì sao? Vì Như Như là một.

Sở dĩ, chúng tôi nêu ra vấn đề vì muốn nhấn mạnh là Kinh TTVBN dịch từ “chơn như” là Như hay Như Như.

 

Sơ giải:

 

Phẩm này nói về tu tập thọ trì mười Ba la mật. Người nào thông đạt các Ba la mật này thì có thể đến được bờ kia. Vì vậy, phẩm này mới có tên là “Thông Đạt”. Thông đạt những gì? Thông đạt bố thí, trì giới, an nhẫn, tinh tấn, thiền định, Bát nhã Ba la mật, phương tiện, nguyện, lực, trí Ba la mật tức gọi là thông đạt tuệ hay nói khác là Giác ngộ, được Nhất thiết trí trí và đắc Vô Thượng Bồ đề. Kinh nói: “Đó gọi là Bồ Tát tu học một pháp, có thể thông đạt tất cả pháp” mà sang được bờ kia.

Đây là một phẩm có lối diễn đạt hết sức bình dị giản lược nhưng vô cùng uyên áo. Chỉ cần ngộ nhập vào Bát nhã Ba la mật là thông đạt tất cả. Nói như vậy, nhưng hành không phải dễ, phải trải qua không biết bao gian khổ thử thách có khi mất ba A tăng kỳ kiếp như Phật Thích Ca Mâu Ni mới có thể thành đạt. Nhưng dù sao đây cũng là các chỉ dẫn cần thiết cho những ai ấp ủ Bồ đề tâm, tu Bồ Tát đạo, trên nguyện chứng Vô Thượng Bồ đề, dưới hóa độ chúng sanh. Tu “thập độ” này trước là độ mình sau độ người tất cả được an vui giải thoát.

Điều làm cho người đọc phẩm này cảm thấy động tâm vì tinh thần hy sinh cao cả của những ai tu Bồ Tát đạo: Quên mình mới có thể hy sinh cho kẻ khác. Đó là cái khó làm trong cuộc đời đầy uế trọc tham sân si này. Có làm được như vậy hạnh nguyện vuông tròn mới xứng danh Bồ Tát Ma ha tát. Ở đây không phải Phật dạy bảo trao truyền riêng cho Thắng Thiên vương các pháp môn thắng diệu này, mà ở đây Phật “khai thị” cho tất cả những người con Phật trong tinh thần hy sinh vì kẻ khác.

Câu đáng nhớ trong phẩm này khi Phật bảo Thắng Thiên Vương Bát Nhã đối với lục Ba la mật và phương tiện xảo:

- “Thuyết pháp cúng dường, đó là bố thí Ba la mật.

- Hành động chẳng trái với lời nói, đó là tịnh giới Ba la mật.

- Các thiên ma v.v... chẳng thể não loạn, đó là an nhẫn Ba la mật.

- Tâm tiếp nối nhau chẳng biết mỏi mệt, đó là tinh tấn Ba la mật.

- Chuyên tâm nhất niệm, chẳng duyên cảnh khác, đó là tịnh lự Ba la mật.

- Thuyết pháp cúng dường, lìa ngã, ngã sở, đó là Bát nhã Ba la mật.

Chẳng thấy năng hành và pháp sở hành; không hai, không khác, vì lìa tự tánh.

Này Thiên vương! Đó gọi là Bồ Tát tu học Bát Nhã có thể thông đạt phương tiện thiện xảo Ba la mật”.

 

Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này từ pháp hội thứ XI cho đến hết pháp hội thứ XVI, tức sáu pháp hội cuối cùng, thuyết riêng về sáu pháp đáo bỉ ngạn trước khi Phật chấm dứt 22 năm thuyết Đại Bát Nhã./.

 

---o0o---

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/02/2022(Xem: 3203)
Cho tới nay có ít nhất mười nhà dịch giả (thuật) bộ Qui Sơn Cảnh Sách sang Việt ngữ như trong sách Phật Tổ Tam Kinh (1950; của Vô Danh Thị), Hòa Thượng Thích Hành Trụ (1972), Tuệ Nhuận (1973); Chư Thượng Tọa, Đại Đức dạy chúng, tại các trường Phật học Báo Quốc, Linh Ứng (Non Nước), Nguyên Thiều (Bình Định), Ấn Quang (Sàigon), Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), Phật Ân (Mỹ Tho), Huệ Nghiêm (Gia Định) v.v... đều giảng dạy tăng sinh bộ sách quý này. Tại sao chúng tôi vẫn tiếp tục dịch luận bản văn trên sang tiếng Việt làm gì? Vẫn biết có nhiều vị uyên thâm Phật học đã dịch văn Cảnh Sách, song văn phong mỗi thời một thay đổi; hoàn cảnh Giáo Hội - Tăng Đoàn – mỗi giai đoạn không giống nhau. Từ khi có số Phật Tử Việt tỵ nạn đông đảo tại hải ngoại đến nay gần hai mươi năm, tình trạng Phật giáo có phức tạp, đổi thay. Chưa có vị nào dịch luận văn “Cảnh Sách” cho thích hợp trào lưu hiện tại, có thể nói là thời kỳ vô cùng giao động trong giới nhà tu Phật và Phật Tử nói chung, nếu nhìn theo nhiều góc c
03/02/2022(Xem: 7329)
Được biết A Di Đà Land được Đạo Hữu Tony Thạch tạo mãi vào ngày 01 tháng 06 năm 2015, nơi đây vốn là một khu đất rừng bạch đàn (Eucalyptus) với diện tích 2243.44 Acres (907.887957 hectares, trên khoảng 9 cây số vuông). Khu đất rộng lớn này nằm sâu bên trong ngôi làng Curraweela (gần thị trấn Taralga) thuộc miền nam tiểu bang New South Wales (gần thị trấn Goulburn) cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 250 cây số (2 tiếng 30 phút lái xe). Đạo hữu Tony Thạch tạo mãi đặt tên cho khu đất là A Di Da Land, với ước nguyện trong tương lai sẽ biến nơi đây thành một Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà để giúp cho tứ chúng đồng tu, đồng giải thoát khỏi biển khổ sinh tử luân hồi.
02/02/2022(Xem: 117040)
Thư Viện Kinh Sách tổng hợp dung chứa trên 1,200 tập sách trên Trang Nhà Quảng Đức
05/01/2022(Xem: 9351)
CHÁNH PHÁP Số 122, tháng 01.2022 Hình bìa của Hồ Bích Hợp NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 XA XỨ NHỚ LẠI NGÀY CŨ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6 Ý NGHĨA PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO (HT. Thích Thắng Hoan), trang 7
30/12/2021(Xem: 7648)
Bởi thế, đặc san Phật Việt số 2 kỳ này xoay quanh chủ đề “công tác hoằng pháp và phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển.” Để góp phần vào công tác hoằng dương chánh pháp trước hoàn cảnh mới của nhân loại và Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt nhắm đến việc chuẩn bị hành trang Phật Pháp cho thế hệ Tăng, Ni và Phật tử trẻ tuổi, chư tôn đức Tăng, Ni và Cư Sĩ tại hải ngoại đã thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào đầu tháng 5 năm 2021 dưới sự tán trợ của Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Hoằng Pháp gồm chư tôn Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan và Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn Chứng Minh; Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm Cố Vấn Chỉ Đạo; Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chánh Thư Ký, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu và Hòa Thượng Thích Bổn Đạt làm Phó Thư Ký và chư tôn đức Tăng, Ni thành viên. Ngoài ra Hội Đồng Hoằng Pháp còn có 4 Ban, gồm Ban Phiên Dịch và Trước Tác, Ban Truyền Bá, Ban Báo Chí và Xuất Bản, và Ban Bảo Trợ.
10/12/2021(Xem: 8474)
Bản dịch này cũng đã đăng tải trong các số báo đặc san Pháp Bảo, từ số 2, tháng 5 năm 1982 và còn tiếp tục đăng tải cho đến nay. Loạt bài đăng trong báo sẽ được chấm dứt trong vài kỳ báo nữa, vì các phần sau tuy cần thiết đối với người muốn nghiên cứu, nhưng lại trở nên khô khan với người ít quan tâm tới sử liệu Phật Giáo. Đó là lý do quý vị chỉ tìm thấy bản dịch được đầy đủ chỉ có trong sách này. Trong khi dịch tác phẩm, cũng như trong khoảng thời gian còn tòng học tại Nhật Bản, chúng tôi tự nghĩ: không hiểu sao Phật giáo đã du nhập vảo Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 mà mãi cho tới nay vẫn chưa có được những cuốn sách ghi đầy đủ các chi tiết như bộ “Các tông phái Phật Giáo Nhật Bản” mà quý vị đang có trong tay. Điều mong mỏi của chúng tôi là Phật Giáo Việt Nam trong tương lai cố sao tránh bớt vấp phải những thiếu sót tư liệu như trong quá khứ dài hơn 1500 năm lịch sử truyền thừa! Để có thể thực hiện được điều này, cần đòi hỏi giới Tăng Già phải đi tiên phong trong việc trước t
08/12/2021(Xem: 16040)
Chương trình Lễ Phát Chứng Chỉ Mãn Khóa Lớp Giáo Lý Online năm thứ 2 Trong Thời Gian Cách Ly Đại Dịch Covid-19 MC: Phật tử Quảng Tịnh & Phật tử Nguyên Nhật Thơ Bắt đầu lúc 2pm, Saturday 18/12/2021 - Niệm Phật cầu gia hộ - Chào Phật Giáo Kỳ (mở mp3) - Tuyên bố lý do và giới thiệu (Phật tử Quảng Tịnh & Nguyên Nhật Thơ) - Lời cảm niệm của Đh Quảng Tịnh Tâm (Canada, do Đh.Tâm Từ đọc) - Lời cảm niệm tri ân của Phật tử tại Úc (Đh.Huệ Hương-Huệ Linh) - Nhạc phẩm “Nguyện Kiếp Sau Làm Một Đoá Sen.” (do Phật tử Nguyên Quảng Hương trình bày) - Lời cảm niệm của Đh Quảng Trinh (USA) - Lời cảm niệm của Phật tử Thanh Phi, TV Quảng Đức, - Nhạc phẩm “Lạy Mẹ Quan Thế Âm” (do Phật tử Khánh Đào trình bày) - Lời cảm niệm Đh.Trần Thị Nhật Hưng (Thụy Sĩ, Âu Châu) - Lời cảm niệm Đh.Diệu Danh Tuyết Mai (Hannover, Đức Quốc) - Nhạc phẩm “Cát Bụi Cuộc Đời” do Phật tử Tâm Quảng Hóa trình bày - Ngâm thơ “Thập Nghĩa Đi Chùa” do Phật tử Tâm Huệ trình bày - Cắt bánh mừng lễ mãn khóa và mừng sinh nhậ
06/12/2021(Xem: 10199)
Ba bài kinh đầu tiên, Kinh Phạm Võng, Kinh Sa Môn Quả, và Kinh A Ma Trú, là những bài kinh quan trọng bậc nhất trong Trường Bộ Kinh. Bài kinh Phạm Võng giới thiệu 62 Tà Kiến của các ngoại đạo đương thời, gián tiếp đặt đạo Phật ra ngoài các tà thuyết trên, và xác minh lập trường của đức Phật đối với các vấn đề vũ trụ và nhân sinh. Kinh này cũng đề cập đến Giới của đức Phật, từ Tiểu Giới đến Đại Giới, gián tiếp so sánh đời sống xa hoa phù phiếm của các Sa Môn, Bà La Môn đương thời với đời sống giản dị giải thoát của đức Thế Tôn. Cũng chính trong bài kinh này, đức Phật nói, chỉ có kẻ vô văn phàm phu mới tán thán giới đức, còn bậc thiện trí thì tán thán trí đức của Ngài. Và chính nhờ vào trí đức, đức Phật đã tóm thâu hết thảy mọi tà thuyết hiện hữu trong đời và truy nguyên căn nhân cùng động lực của mọi tà thuyết.
05/12/2021(Xem: 19021)
Kể từ khi Bánh xe Chánh Pháp được vận chuyển lần đầu tiên tại Vườn Nai, từ đó giáo pháp từ bi và trí tuệ dần dần lan tỏa trong mọi tầng lớp xã hội, trong nhiều phương vực khác nhau, với nhiều sắc thái dân tộc và ngôn ngữ khác nhau. Để cho tất cả mọi giai tầng xã hội, từ thượng lưu trí thức cho đến những hạng bần cùng khốn khỏ, thất học, cũng bình đẳng thọ hưởng hương vị tịnh lạc giải thoát, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, hãy để cho mọi người được nghe và tu học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình.
30/11/2021(Xem: 31849)
316. Thi Kệ Bốn Núi do Vua Trần Thái Tông biên soạn. Trần Thái Tông (1218-1277), là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam (triều đại kéo dài đến 175 năm sau, ông cũng là một Thiền sư đắc đạo và để lại những tác phẩm Phật học vô giá cho đời sau). Đây là Thời Pháp Thoại thứ 316 của TT Nguyên Tạng, cũng là bài giảng cuối của năm thứ 2 (sẽ nghỉ qua sang năm sẽ giảng lại) từ 6.45am, Thứ Ba, 30/11/2021 (26/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]