Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

20. Phẩm "Vô Sanh" (Biên Soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Phật tử Kim Phương Quảng Tịnh, Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

06/06/202017:35(Xem: 9595)
20. Phẩm "Vô Sanh" (Biên Soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Phật tử Kim Phương Quảng Tịnh, Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)


Pham vo sanh-kinh bat nha 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 

PHẨM "VÔ SANH"(1).

Phần cuối quyển 74 cho đến phần đầu quyển 75, , Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phần đầu quyển thứ 08, phẩm “Vô Sanh”, MHBNBLMĐ)

 

Biên Soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu,
Diễn đọc: Phật tử Kim Phương Quảng Tịnh
Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước







 

Gợi ý:

Thấy có sanh có diệt là cái thấy của Tục đế (tương đối), cái thấy bị chi phối bởi thế giới lưỡng nguyên còn mất, có không, tốt xấu, nhiễm tịnh... của cuộc đời thường. Nếu thấy vô sanh vô diệt là thấy Chân đế, cái thấy tuyệt đối thanh tịnh, nên không bị hệ lụy của cuộc sống thế tục. Mục đích tu hành là thể nhập được Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế này.

 

Tóm lược:

 

Các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã khi quán các pháp vì thấy ngã là vô sanh nên rốt ráo thanh tịnh; vì thấy hữu tình, dòng sinh mạng, sự sanh, sự dưỡng, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, người do người sanh, ngã tối thắng, khả năng làm việc, khả năng khiến người làm việc, khả năng tạo nghiệp, khả năng khiến người tạo nghiệp, tự thọ quả báo, khiến người thọ quả báo, cái biết, cái thấy là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh.

Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, vì thấy sắc là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh; thấy thọ, tưởng, hành, thức là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh.

Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, vì thấy mười hai xứ là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh; thấy mười tám giới là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh.

Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, vì thấy tứ Thánh đế, mười hai nhân duyên, mười tám pháp không, lục Ba la mật là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh; thấy ba mươi bảy pháp trợ đạo, Phật mười lực, thấy bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh.

Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, vì thấy Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là vô sanh, nên rốt ráo thanh tịnh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử nói với Thiện Hiện: Như tôi hiểu nghĩa Ngài vừa nói là ngã, hữu tình v.v… là vô sanh; sắc, thọ v.v… cho đến Như Lai, pháp Như Lai là vô sanh. Nếu như vậy, sự thọ sanh của sáu loài lẽ ra không sai biệt, thì chẳng cần Dự lưu đắc quả Dự lưu, Nhất lai đắc quả Nhất lai, Bất hoàn đắc quả Bất hoàn, A la hán đắc quả A la hán; chẳng cần Độc giác đắc quả Độc giác; chẳng cần đại Bồ Tát đắc Nhất thiết tướng trí hay đắc năm loại Bồ đề(2).

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu tất cả pháp nhất định là vô sanh thì vì duyên cớ gì Dự lưu vì quả Dự lưu mà tu pháp đoạn trừ ba kiết(3); Nhất lai vì quả Nhất lai mà tu pháp làm mỏng tham, sân, si; Bất hoàn vì quả Bất hoàn mà tu pháp đoạn trừ năm kiết thuận hạ phần(4); A la hán vì quả A la hán mà tu pháp đoạn trừ năm kiết thượng thuận phần(5); Độc giác vì quả Độc giác mà tu pháp ngộ duyên khởi; đại Bồ Tát vì việc độ vô lượng các hữu tình mà tu nhiều trăm ngàn hạnh khổ khó làm, chịu đủ vô biên các loại khổ kịch liệt; Như Lai chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao; chư Phật vì hữu tình mà chuyển pháp luân?

Cụ thọ Thiện Hiện đáp lời Xá Lợi Tử: Chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có sự sai biệt về việc thọ sanh của sáu loài; chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có người có khả năng nhập vào cảnh Thánh đế hiện quán; chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có Dự lưu đắc quả Dự lưu, Nhất lai đắc quả Nhất lai, Bất hoàn đắc quả Bất hoàn, A la hán đắc quả A la hán v.v…

Lại nữa, Xá Lợi Tử! Chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có Dự lưu vì quả Dự lưu mà tu pháp đoạn trừ ba kiết; chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có Nhất lai vì quả Nhất lai mà tu pháp làm mỏng tham, sân, si v.v… cho đến chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có đại Bồ Tát vì độ vô lượng các hữu tình mà tu trăm ngàn hạnh khổ khó làm, chịu vô biên các thứ khổ kịch liệt, nhưng các đại Bồ Tát cũng lại chẳng khởi tưởng về hạnh khổ khó làm. Vì sao? Vì chẳng phải trụ ở cái tưởng về hạnh khổ khó làm luôn luôn vì vô lượng, vô số, vô biên hữu tình mà làm những việc lợi ích.

Xá Lợi Tử! Nhưng các đại Bồ Tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với tất cả hữu tình khởi tâm đại bi, trụ ở tưởng như cha mẹ, tưởng như anh em, tưởng như vợ chồng, tưởng như thân mình. Cứ như vậy, cho đến luôn luôn vì vô lượng, vô số, vô biên hữu tình mà làm việc lợi ích lớn. Các đại Bồ Tát nên khởi tâm như vậy. Như tự tánh của ngã, đối với tất cả pháp, dùng tất cả phương tiện, tất cả chốn, tất cả thời để cầu cái chẳng thể nắm bắt được. Các pháp nội ngoại cũng lại như vậy, hoàn toàn vô sở hữu, đều chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát, nếu trụ ở tưởng này mà tu các hạnh khổ khó hành thì có khả năng làm những việc lợi ích cho vô lượng, vô số, vô biên hữu tình. Cho nên đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không sở chấp thọ.

Xá Lợi Tử! Chẳng phải ngã ở trong pháp vô sanh thấy có chư Phật chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, chuyển pháp luân nhiệm mầu, độ vô lượng chúng sanh.

Xá Lợi Tử liền hỏi Thiện Hiện: Nay Ngài vì muốn dùng pháp sanh chứng pháp sanh, vì muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp vô sanh chăng?

Thiện Hiện đáp: Tôi thật chẳng muốn dùng pháp sanh chứng pháp sanh, cũng thật chẳng muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp vô sanh.

Xá Lợi Tử hỏi: Nếu vậy thì nay Ngài vì muốn dùng pháp sanh chứng pháp vô sanh, vì muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp sanh chăng?

Thiện Hiện đáp: Tôi cũng chẳng muốn dùng pháp sanh chứng pháp vô sanh, cũng lại chẳng muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp sanh.

Xá Lợi Tử hỏi: Nếu như vậy thì đâu phải hoàn toàn không đắc, không hiện quán?

Thiện Hiện đáp: Tuy có đắc, có hiện quán nhưng chẳng dùng hai pháp này để chứng.

Xá Lợi Tử! Chỉ tùy theo thế gian mà đặt bày ra lời nói có đắc, có hiện quán, chứ chẳng phải trong thắng nghĩa(6) có đắc, có hiện quán. Chỉ tùy theo thế gian mà đặt bày ra lời nói Dự lưu, có quả Dự lưu, Nhất lai, có quả Nhất lai, Bất hoàn, có quả Bất hoàn, A la hán, có quả A la hán, Độc giác, có quả vị Độc giác, đại Bồ Tát, có quả vị Giác ngộ tối cao chứ chẳng phải trong thắng nghĩa có Dự lưu cho đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Xá Lợi Tử hỏi: Tùy theo thế gian mà đặt bày ra lời nói có đắc, có hiện quán v.v.. chứ chẳng phải là thắng nghĩa nên sự sai biệt của sáu loài cũng tùy theo thế gian đặt bày ra lời nói mà có, chứ chẳng phải là thắng nghĩa chăng?

Thiện Hiện đáp: Đúng vậy! Đúng như lời Ngài nói. Vì sao? Xá Lợi Tử! Vì ở trong thắng nghĩa, không có nghiệp, không có dị thục, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Nếu thế thì Ngài muốn khiến pháp bất sanh sanh, hay muốn khiến pháp đã sanh sanh chăng?

Thiện Hiện đáp: Tôi chẳng muốn khiến pháp bất sanh sanh, cũng chẳng muốn khiến pháp đã sanh sanh.

Xá Lợi Tử hỏi: Những pháp nào là pháp bất sanh mà Ngài chẳng muốn khiến sanh?

Thiện Hiện đáp: Xá Lợi Tử! Sắc là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 12 xứ, 18 giới là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 4 Thánh đế, 12 duyên khởi, 18 pháp không, 6 Ba la mật là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 8 thắng xứ, 9 định thứ đệ, 10 biến xứ, 37 pháp trợ đạo, 3 giải thoát môn, Phật mười lực, 4 điều không sợ, 4 sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, 18 pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không.

Cũng như vậy, Như Lai là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. Pháp Như Lai là pháp bất sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không.

Xá Lợi Tử lại hỏi: Những pháp nào là pháp đã sanh mà Ngài chẳng muốn khiến sanh?

Thiện Hiện đáp: Sắc là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 12 xứ, 18 giới là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 4 Thánh đế, 12 duyên khởi, 18 pháp không, 6 Ba la mật là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn khiến sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 4 tịnh lự, 4 vô lượng, 4 định vô sắc là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn nó sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. 8 thắng xứ, 9 định thứ đệ, 10 biến xứ, 37 pháp trợ đạo, 3 giải thoát môn, Phật mười lực, 4 điều không sợ, 4 sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, 18 pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn nó sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không.

Cũng như vậy, Như Lai là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn nó sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không. Pháp Như Lai là pháp đã sanh, tôi chẳng muốn nó sanh. Vì sao? Vì tự tánh là không.

Xá Lợi Tử lại hỏi: Nay Ngài vì muốn khiến pháp sanh nó sanh, hay vì muốn khiến pháp bất sanh nó sanh?

Thiện Hiện đáp: Tôi chẳng muốn khiến pháp sanh nó sanh, cũng chẳng muốn khiến pháp bất sanh nó sanh. Vì sao? Vì pháp sanh cùng với pháp bất sanh, hai pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.

Do duyên cớ này nên tôi cũng chẳng muốn khiến pháp sanh nó sanh, cũng chẳng muốn khiến pháp bất sanh nó sanh.

Xá Lợi Tử lại hỏi Thiện Hiện: Đối với pháp vô sanh đã nói, Ngài ưa biện thuyết tướng vô sanh chăng?

Thiện Hiện đáp: Đối với pháp vô sanh đã nói, tôi cũng chẳng ưa biện thuyết tướng vô sanh. Vì sao? Vì hoặc là pháp vô sanh, hoặc là tướng vô sanh, hoặc là ưa biện thuyết, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.

Xá Lợi Tử hỏi: Đối với pháp bất sanh, khởi lên lời nói bất sanh, thì lời nói bất sanh này cũng bất sanh chăng?

Thiện Hiện đáp: Đúng vậy! Sắc bất sanh; thọ, tưởng, hành, thức cũng bất sanh. Vì sao? Vì tất cả, bản tánh là không. 12 xứ, 18 giới bất sanh. Vì sao? Vì tất cả, bản tánh là không. Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, ba mươi bảy pháp trợ đạo, tam giải thoát môn, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cho đến quả vị Giác ngộ tối cao bất sanh. Vì sao? Vì tất cả bản tánh không.

Cũng như vậy, Bồ Tát bất sanh; pháp Bồ Tát cũng bất sanh. Vì sao? Vì tất cả, bản tánh là không.

Như Lai bất sanh; pháp Như Lai cũng bất sanh. Vì sao? Vì tất cả, bản tánh là không.

Thân hành bất sanh; ngữ hành, ý hành cũng bất sanh. Vì sao? Vì tất cả bản tánh là không.

Do duyên cớ này, nên đối với pháp bất sanh, khởi lên lời nói bất sanh, thì lời nói này cũng không có nghĩa là sanh. Xá Lợi Tử! Vì hoặc pháp sở thuyết, hoặc lời năng thuyết, người thuyết, người nghe đều bất sanh.

Khi ấy, Xá Lợi Tử khen Thiện Hiện: Trong những vị thuyết pháp, Ngài là đệ nhất. Vì sao? Vì tùy theo sự vặn hỏi đều có thể giải đáp, không gì trở ngại.

Thiện Hiện nói: Đệ tử của chư Phật, đối với tất cả pháp đều không có nương tựa đắm trước. Do vậy, nên có khả năng, tùy theo sự vặn hỏi đều được giải đáp tự tại vô ngại. Vì sao? Vì tất cả pháp không có chỗ nương tựa.

Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Vì sao các pháp đều không chỗ nương?

Thiện Hiện đáp: Vì bản tánh của sắc là không, nên trong, ngoài, hai bên, khoảng giữa, chẳng thể nắm bắt được; vì bản tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên, chẳng thể nắm bắt được. Vì bản tánh của 12 xứ, 18 giới hay nói nói rộng ra, từ tứ Thánh đế đến 37 pháp trợ đạo, từ 18 pháp Phật bất công đến Nhất thiết tướng trí vì bản tánh là không, nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên đều chẳng thể nắm bắt được.

Xá Lợi Tử! Vì bản tánh của Bồ Tát là không, nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên đều chẳng thể nắm bắt được. Vì bản tánh của pháp Bồ Tát là không, nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên đều chẳng thể nắm bắt được.

Xá Lợi Tử! Vì bản tánh của Như Lai là không, nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên đều chẳng thể nắm bắt được. Vì bản tánh của pháp Như Lai là không, nên trong, ngoài, khoảng giữa, hai bên đều chẳng thể nắm bắt được.

Xá Lợi Tử! Do duyên cớ này nên tôi nói là các pháp đều không có chỗ nương.

 

Thích nghĩa:

(1). Vô sanh (無生): còn gọi là vô khởi (無起), có hai nghĩa: 1- Thật tướng của các pháp không có sanh diệt; đồng nghĩa với vô sanh diệt (無生滅) hoặc vô sanh vô diệt (無生無滅). Sự tồn tại của các pháp vốn không có thật thể, do nhân duyên mà thành, là không, nên có thể nói rằng không có sanh diệt. Tuy nhiên, hạng phàm phu mê lầm lý vô sanh này, nên khởi lên phiền não về sanh diệt, vì vậy bị lưu chuyển sanh tử. Nếu nương theo Kinh luận, quán lý vô sanh thì có thể trừ được phiền não sanh diệt; 2- Là ý dịch của A La Hán (s: arhat, p: arahant, 阿羅漢) hay Niết Bàn (s: nirvāṇa, p: nibbāna, 涅槃). A La Hán có nghĩa là bất sanh (不生, không sanh), tức đoạn tận phiền não của Ba Cõi, không còn trở lại thọ sanh trong Ba Cõi này nữa. Lại nữa, người nương theo bản nguyện vãng sanh Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, là khế hợp với bản nguyện của Ngài, nhân vô sanh này chính là lý của Niết Bàn; cho nên khác với cái gọi là sanh vọng tưởng hư huyễn trong nội tâm của kẻ phàm phu. Về điểm này, Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Nguyện Sanh Kệ Chú tức Vãng Sanh Luận Chú [往生論註], Taishō Vol. 40, No. 1819) quyển Hạ gọi là “vô sanh chi sanh (無生之生, sanh của vô sanh).” Từ quan điểm không sanh diệt của Niết Bàn mà nói, tức chỉ giác ngộ Niết Bàn, cũng tức là chứng đắc thân vô sanh; Cực Lạc là khế hợp với thế giới của Niết Bàn; và từ nghĩa này, có tên gọi là vô sanh giới (無生界, cõi vô sanh). Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh quyển 1 dạy rằng: “Nhất thiết chúng sanh ư vô sanh trung, vọng kiến sanh diệt, thị cố thuyết danh luân chuyển sanh tử. Dịch: Hết thảy chúng sanh trong vô sanh, lầm thấy sanh diệt, cho nên gọi là luân chuyển sanh tử”. Trong Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh quyển 1 còn khẳng định thêm rằng: “Vô sanh thị thật, sanh thị hư vọng, ngu si chi nhân, phiêu nịch sanh tử, Như Lai thật thể, vô hữu hư vọng, danh vi Niết Bàn. Dịch: Vô sanh là thật, sanh là giả dối, người mà ngu si, trôi lăn sanh tử, thật thể Như Lai, không có giả dối, gọi là Niết Bàn”. Hay trong Phật Thuyết Nhân Vương Bát nhã Ba la mật Kinh quyển Thượng cũng cho biết rằng: “Nhất thiết pháp tánh chân thật không, bất lai bất khứ, vô sanh vô diệt, đồng chơn tế, đẳng pháp tánh. Dịch: Tất cả pháp tánh chân thật không, chẳng đến chẳng đi, không sanh không diệt, đồng với chơn tế, ngang với pháp tánh”. Trong bài kệ thị tịch Thiền sư Quảng Nghiêm (廣嚴, 1121-1190) thuộc thế hệ thứ 11 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông Việt Nam có câu rằng: “Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ, sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh. Dịch Lìa diệt mới cho tịch diệt hết, đạt vô sanh rồi nói vô sanh)”. - Phật Học Tinh Tuyển.

(2). Năm loại Bồ đề: Bồ đề Phạm ngữ và Pàli là bodhi, dịch ý là giác, trí, tri, đạo. Nói theo nghĩa rộng, Bồ đề là trí tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết bàn. Tức là trí giác ngộ mà Phật, Duyên giác, Thanh văn đã đạt được ở quả vị của các Ngài. Trong ba loại Bồ đề này, Bồ đề của Phật là rốt ráo tột bậc, nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, dịch là Vô thượng Chính Đẳng Chính giác, Vô thượng Bồ đề. Về Bồ đề của Phật, theo luận Đại trí độ quyển 53, có năm loại sau:

1- Phát tâm Bồ đề, nghĩa là Bồ Tát ở giai vị Thập tín phát tâm Bồ đề, tâm ấy là nhân đưa đến quả Bồ đề.

2- Phục tâm Bồ đề, nghĩa là Bồ Tát ở các giai vị Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng v.v... tu các hạnh Bát nhã Ba la mật, chế phục phiền não, hàng phục tâm mình.

3- Minh tâm Bồ đề, nghĩa là Bồ Tát ở giai vị Đăng địa biết rõ thực tướng các pháp rốt ráo trong sạch, là tướng Bát nhã Ba la mật.

4- Xuất đáo Bồ đề, nghĩa là Bồ Tát ở ba giai vị Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa, ở trong Bát nhã Ba la mật, diệt trừ phiền não trói buộc, ra khỏi ba cõi, đến Nhất thiết trí, nên gọi là xuất đáo Bồ đề.

5- Vô thượng Bồ đề, nghĩa là bậc Đẳng giác, Diệu giác chứng thành A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, tức là giác trí của quả Phật.

Trên đây gọi chung là năm thứ hay năm loại Bồ đề. (Phỏng theo Tự điển Phật Quang).

(3). Tam kiết hay tam kết (Phạm: Trìịi saôyojanàni. Pàli:Tìịi saôyojanàni) Cũng gọi Sơ quả tam kết. Kết chính là Kiến hoặc, chúng sinh do Kiến hoặc này trói buộc nên không thể thoát li sinh tử. Hàng Thanh văn dứt hết Hoặc này thì chứng được Sơ quả Tu đà hoàn, vì thế gọi là Sơ quả tam kết. Tam kết là:

1-Hữu thân kiến kết (Phạm: Satkàyadfwỉi-saôyojana): Đối với pháp năm ấm, chúng sinh chấp lầm làm thân, thường khởi ngã kiến, cưỡng lập chủ tể. Đây là Không cận chướng trong ba pháp Tam ma địa cận chướng, cũng là cội rễ của 62 kiến thú. Vì các kiến thú là căn bản của dư phiền não, dư phiền não là gốc của nghiệp, các nghiệp lại là gốc của quả Dị thục; nương vào quả Dị thục thì tất cả pháp thiện, bất thiện, vô kí đều được sinh trưởng, cho nên cần phải đoạn trừ.

2-Giới cấm thủ kết (Phạm:Zìlavra= taparàmarza-saôyojana): Chỉ cho việc thực hành các tà giới. Đây là Vô nguyện cận chướng trong ba pháp Tam ma địa cận chướng; chẳng hạn những người ngoại đạo đối với điều chẳng phải giới lại lầm tưởng là giới, như giữ giới bò (ăn cỏ), giới chó (ăn phân)...

3-Nghi kết (Phạm: Vicikitsàsaôyojana): Tức nghi ngờ chánh lí, mê tâm trái lí, không tin sâu chánh pháp. Đây là Vô tướng cận chướng trong 3 pháp Tam ma địa cận chướng. Tam kết trên đây là quan trọng nhất trong Kiến hoặc, cho nên được dùng làm tên chung cho Kiến hoặc, nếu đoạn được 3 kết này thì chứng quả Dự lưu, không còn trở lui, nhất định tiến tới Bồ đề. [X. Kinh Tăng nhất a hàm Q.16; luận Đại tì bà sa Q.46; Đại thừa nghĩa chương Q.5, phần cuối]- Tự điển Phật Quang.

(4). Năm kiết (kết) thuận hạ phần (Còn gọi là ngũ hạ phần kết, Phạm: Paĩca-àvarahàgìya-saôyo= janàni) Đối lại: Ngũ thượng phần kết. Chỉ cho 5 thứ kết hoặc (phiền não buộc chặt) thuận theo hạ phần giới, tức là 5 thứ kết hoặc thuộc hạ phần giới (cõi Dục) trong 3 cõi. Năm thứ kết hoặc này buộc chặt chúng sinh trong cõi Dục, khiến không thể nào thoát ra được. Ngũ hạ phần kết là:

1-Dục tham: Đối với cảnh vừa ý sinh tâm tham đắm, không biết thế nào là đủ.

2-Sân khuể: Đối với cảnh trái ý nổi lòng giận tức, mãi không thôi.

3-Hữu thân kiến: Đối với danh (tâm), sắc (sắc thân), 5 ấm, 12 nhập, 18 giới, vọng chấp là thân, bám chặt vào ngã kiến.

4-Giới cấm thủ kiến: Chấp lấy các tà giới phi lí, vô đạo.

5-Si: Tâm mê trái lí, ngờ vực không quyết, do sự ngờ vực này mà quên chân theo vọng, bỏ giác hợp trần. Do 2 kết Dục tham và Sân khuể nói trên mà chúng sinh cõi Dục không thể thoát ra khỏi cõi Dục, nếu người có khả năng vượt thoát nhưng lại do 3 kết sau (Hữu thân kiến, Giới cấm thủ kiến, Nghi) nên cuối cùng cũng trở lại cõi Dục, vì thế lập riêng 5 thứ kết hoặc này mà gọi là Thuận hạ phần kết. Ngũ thuận hạ phần kết lấy 31 việc làm tự tính, Dục tham và Sân khuể mỗi thứ đều là sở đoạn (cái được đoạn trừ) của 5 bộ cõi Dục, cho nên có 10 việc; Hữu thân kiến là Kiến khổ sở đoạn (phiền não do Kiến đạo dứt trừ) trong 3 cõi, vì thế có 3 việc; Giới cấm thủ kiến đều là sở đoạn của Kiến đạo và Tu đạo trong 3 cõi, cho nên có 6 việc; Nghi đều là sở đoạn của 4 bộ trong 3 cõi, vì thế có 12 việc, tổng cộng là 31 việc. Phỏng theo Tự điển Phật Quang.

Muốn hiểu rõ các pháp tu của bốn quả Thanh văn, xin xem bộ Phật Học Phổ Thông của HT Thích Thiện Hoa, do Phật-Học-Viện Quốc-tế xuất bản.

(5). Năm kiết (kết) thuận thượng phần - Phạm: Paĩcaùrdhvabhàgìyasaôyojanàni. Gọi đủ: Ngũ thuận thượng phần kết. Gọi tắt: Ngũ thượng kết, Ngũ thượng. Năm thứ phiền não (kết = thắt, buộc) trói buộc chúng sinh ở 2 cõi Sắc và Vô sắc thuộc thượng phần giới, làm cho không ra khỏi được 2 cõi này. Đó là:

1-Sắc tham: Phiền não tham đắm 5 món dục lạc của cõi Sắc.

2-Vô sắc tham: Phiền não tham đắm cảnh giới thiền định của cõi Vô sắc.

3-Điệu cử: Chúng sinh trong 2 cõi trên do tâm niệm loạn động mà lui mất thiền định.

4-Mạn: Chúng sinh trong 2 cõi trên do tâm kiêu mạn mà cậy mình, lấn lướt người khác.

5-Vô minh: Phiền não do tham đắm thiền định mà không rõ biết chân tính. Năm phiền não (kết) này lấy 8 việc ở cõi trên do Tu đạo đoạn trừ trong thân bậc Thánh làm tự tính, nghĩa là Sắc tham, tức ái của cõi Sắc do Tu đạo đoạn trừ (1 việc); Vô sắc tham, tức là ái của cõi Vô sắc do Tu đạo đoạn trừ (1 việc); Điệu cử tức là Điệu cử của 2 cõi trên đều do Tu đạo đoạn trừ (2 việc); Mạn tức là Mạn của 2 cõi trên đều do Tu đạo đoạn trừ (2 việc); Vô minh tức là Vô minh của 2 cõi trên đều do Tu đạo đoạn trừ (2 việc). Ngũ thượng phần kết này chỉ giới hạn ở Tu đạo đoạn chứ không chung cho Kiến đạo đoạn, vì những phiền não(kết hoặc)do Kiến đạo đoạn thường làm cho con người sa đọa, cho nên không được lập làm Thượng phần kết. (Phỏng theo Tự điển Phật Quang)

(6). Thắng nghĩa hay Thắng nghĩa đế hay Đệ nhất nghĩa đế (Phạm: Paramàrtha-satya, Pàli: Paramattha-sacca, gọi tắt là Đệ nhất nghĩa, Chân đế, Thánh đế, Chân như, Thực tướng, Pháp giới, Niết bàn…): Chân thật nghĩa, là chân lý tuyệt đối, dựa vào trí tuệ viên mãn của bậc giác ngộ, vượt trên nhị nguyên đối đãi của cuộc đời thường. Đối lại Đệ nhị nghĩa đế còn gọi là Thế đế hay Tục đế, là chân lý tương đối dựa trên cảm quan và ý thức.

 

Lược giải:

 

Tùy theo chỗ đứng nên gốc độ thấy biết khác nhau. Nếu đứng ở Tục đế thì thấy sanh diệt, được mất có không... cái thấy “nhập thị” tức cái thấy bị chi phối bởi lưỡng nguyên tánh. Nếu đứng ở Chân đế, cái thấy “xuất thị” thì không thấy sanh diệt. Không sanh diệt là không thấy còn mất có không... tức tâm như, tâm như tức bất động, thì không còn tạo tác thi vi nữa, tức được thanh tịnh.

Toàn bộ phẩm này thuyết minh về “vô sanh” trong nghĩa không sanh không diệt của các pháp trong câu hỏi và câu giải đáp giữa Ngài Xá Lợi Tử và cụ thọ Thiện Hiện. Ngài Xá Lợi Tử hỏi cụ thọ Thiện Hiện:

- “Ngài vì muốn dùng pháp sanh chứng pháp sanh hay muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp vô sanh? Ngài vì muốn dùng pháp sanh chứng pháp vô sanh hay muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp sanh?”

Cụ thọ Thiện Hiện đáp:

- “Tôi thật chẳng muốn dùng pháp sanh chứng pháp sanh, cũng thật chẳng muốn dùng pháp vô sanh chứng pháp vô sanh. Tôi cũng chẳng dùng pháp sanh chứng pháp vô sanh hay dùng pháp vô sanh chứng pháp sanh”.

Chúng sanh thấy pháp có sanh, có diệt, có thành trụ hoại không, còn Thánh giả do quán biết các pháp do duyên hợp giả có, không có tự tánh, bản tánh không, không thể tự sanh nên nói là vô sanh. Bồ Tát Long Thọ dùng bài tụng sau đây để giải thích ý niệm này:

 

“Các pháp không phải tự nó sanh,

Cũng không phải từ cái khác sanh

Không cùng sanh và không phải vô nhân

Vì thế, biết nó là vô sanh”.

 

Từ “không phải” có nghĩa khước từ cái tự sanh. Ngài Long Thọ dùng bài tụng này để phủ định. Phủ định cái gì?

 

1- Các pháp không sanh khởi từ nó: “Không có bột thì không gột nên hồ”. Hồ không thể tự sanh, nghĩa là một vật thể không thể sanh ra từ chính nó. Phải có điều kiện nào đó, thì hồ mới sanh.

2- Các pháp không sanh khởi từ cái khác: Hồ không thể tự sanh mặc dù có bột. Hồ là một tự thể, bột là một tự thể khác. Do đó, có thể nói một tự thể chính nó không thể được sinh ra từ một tự thể khác nó.

3- Các pháp không cùng sanh hay sanh ra từ cả hai: Bột là bột, nước xôi là nước xôi, hai tự thể này không thể tự hòa hợp để sanh ra hồ được. Nên nói các pháp không cùng sanh hay sanh ra từ cả hai.

4- Không sinh khởi không phải vì không có nguyên nhân: Bột không thành hồ, nước xôi không thành hồ. Muốn có hồ thì phải có người bỏ bột vào nước xôi rồi khuấy lên thì bột mới thành hồ. Không có bột, không có nước xôi, không có người khuấy thì không có hồ. Vậy, nên nói bất cứ hiện hữu nào cũng là kết quả của nhiều nguyên nhân hợp lại. Vì vậy, nên nói không có kết quả nào hiện hữu mà không có nguyên nhân.

 

Tất cả phủ định trên: Các pháp không sanh khởi từ chính nó, các pháp không sanh khởi từ cái khác, cũng không sanh khởi từ cả hai, cũng không sanh khởi không phải vì không có nguyên nhân. Cuối cùng đưa đến xác định “vì thế, biết nó là vô sanh”. Cái nhảy từ các phủ định này đến các phủ định khác, rồi cuối cùng bảo “vì thế, biết nó là vô sanh”. Kết luận này làm cho chúng ta không khỏi áy náy?

Vô sanh (hay bất sanh, cũng gọi là vô khởi) này là một trong tám cái không (bất sanh-bất diệt, bất thường-bất đoạn, bất nhất-bất dị, bất khứ-bất lai) là tám phạm trù phủ định, còn gọi là “Trung đạo bát bất” mà Ngài Long Thọ dùng để giải thích về Tánh không. Bất cứ pháp nào rơi vào tám phạm trù này đều được xem là không, không có thật thể, không có tự tánh, chúng do duyên hội giả có, nên bảo là Không.

Ngài Xá Lợi Tử lại hỏi:

- “Đối với pháp bất sanh, khởi lên lời nói bất sanh, thì lời nói bất sanh này cũng bất sanh chăng?”

Thiện Hiện đáp:

- “Đúng vậy! Sắc bất sanh; thọ, tưởng, hành, thức cũng bất sanh. Vì sao? Vì tất cả, bản tánh là không. Mười hai xứ, mười tám giới cho đến quả vị Giác ngộ tối cao bất sanh. Vì sao? Vì tất cả bản tánh không”.

“... Do duyên cớ này, nên đối với pháp bất sanh, khởi lên lời nói bất sanh, thì lời nói này cũng không có nghĩa là sanh. Xá Lợi Tử! Vì hoặc pháp sở thuyết, hoặc lời năng thuyết, người thuyết, người nghe đều bất sanh”.

Vì pháp bất sanh nên không có chỗ nương chấp, không có chỗ mong cầu nắm bắt, mới thành đạt Bát Nhã. Nên Kinh nói: “Rốt ráo chẳng sanh tức là Bát nhã Ba la mật; Bát nhã Ba la mật tức là rốt ráo chẳng sanh”.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên với các luận giải giản dị như vậy. Như Kinh bảo “sắc bất nhị thì chẳng phải pháp”. Sắc nói đây tiêu biểu cho sắc pháp như cây cỏ, pháp tắc... Khi nói đến sắc người ta thường nghĩ đến những đặc tính của nó hoặc sanh diệt, hoặc nhiễm tịnh, hoặc tụ tán... Đó là pháp phân hai (nhị nguyên), nếu pháp nào không phân hai thì không phải pháp. Cũng vậy, Kinh nói: “Sắc cũng chẳng sanh, nếu đã chẳng sanh thời chẳng phải sắc”. Nếu sắc không sanh không diệt thì không phải là sắc. Con mắt trần luôn luôn thấy biết như vậy, nên mới bị lưu chuyển, còn Thánh nhân thấy sắc bất sanh, chẳng sanh hay vô sanh. Vì sao? Vì tất cả sắc chỉ là duyên hợp, có duyên thì hợp nên gọi là sanh, hết duyên tan rã thì gọi là diệt, nên nói có mà là giả có tức không. Rồi từ đó giáo lý “Rốt ráo chẳng sanh tức là Bát nhã Ba la mật” làm đảo lộn nền Phật học cổ xưa đã một thời ngự trị êm thắm trên xứ Ấn, để nhường bước cho những ngọn sóng thần với những thác ghềnh ghê sợ mà chẳng có bất cứ thứ gì có thể ngăn cản nổi sự công phá của nó.

 

Lược giải chung:

(Cho hai phẩm “Quán Hạnh” và “Vô Sanh”)

 

Quan điểm chính yếu của Đại thừa theo đó tất cả pháp là vô sanh, vô diệt, vô sở hữu, bất khả đắc, vô trụ, vô chấp và vì vậy nên gọi là Không, là Bản tánh không.

Cái tuyệt đối chính là Đệ nhất nghĩa đế, ở đó không có đối đãi sanh và diệt, cấu và tịnh... Có sanh có diệt là có đối đãi, có tịnh có uế là có đối đãi. Lìa đối đãi là Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế. Bát Nhã dạy rằng chẳng trụ Hữu (chấp có) mà cũng chẳng trụ Vô (chấp không) mới có thể chứng tánh. Vì tánh là vô tướng, là vô sanh. Nên Ngài Tuyết Dậu khi sắp tịch làm bài tự minh, nói rằng: “Từ duyên mà ra thì trước sau có thành có hoại, còn chẳng từ duyên mà được thì muôn kiếp vững bền”. Thân cha mẹ sanh ra là thân do tứ đại giả hợp, có duyên thì hợp (gọi là sanh) hết duyên thì tan (gọi là diệt), nên nói có thành có hoại. Còn pháp thân là vô sanh, thì không bị định luật vô thường (sanh trụ dị diệt, thành trụ hoại không) chi phối, nó là vĩnh hằng, bất biến, nên nói là muôn kiếp vững bền.

Thật ra, phẩm “Vô Sanh” này tiếp nối phẩm “Quán Hạnh” trên, cùng thuyết về một thể tài chung là SẮC (tức sắc pháp, biểu thị hình tướng bên ngoài như thiên hà đại địa, cây cỏ, nhà cửa…) và TÂM (cái ý thức suy nghĩ, hiểu biết bên trong như tri giác) cùng sự sanh diệt của chúng. Nhưng khi nói SẮC nói TÂM tức là nói về nhân sinh và vũ trụ trong nghĩa Tục đế hay Thánh đế. Sanh và diệt là cái nhìn tương đối của tri thức thường tục hay Tục đế. Bất sanh bất diệt là cái nhìn tuyệt đối của Thánh trí tự giác của Chân đế hay Thắng nghĩa đế. Kinh thường nói: “Chẳng rời Tục đế mà có Thắng nghĩa”, nghĩa là cả hai cùng vận hành trong thế “tức chân tức tục” trong việc tạo dựng một thế giới bao dung, thánh thiện mà không rời bình diện của chính nó. Chẳng có Thánh đế nếu không có Tục đế hay ngược lại. Cả hai đều hỗ tương sanh khởi trong nghĩa “tương tức”, “tương nhập” - cùng sinh khởi và cùng hiện hữu theo ngôn ngữ của Hoa Nghiêm.

Nói sanh diệt hay chẳng sanh diệt để chỉ rõ cái tương đối và cái tuyệt đối của thế giới mà chúng ta đang sống. Rồi ra, thế giới an nhiên tịch lặng (hay Niết bàn) chỉ hiện ra như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả pháp chẳng sanh, tất cả pháp chẳng diệt. Nếu hay hiểu như thế, chư Phật liền hiện tiền”. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Chư hành vô thường; Thị sinh diệt pháp; Sinh diệt diệt dĩ; Tịch diệt vi lạc” - Các hành vô thường; Là pháp sinh diệt; Sinh diệt diệt rồi; Tịch diệt là vui. Dứt hết sanh diệt là hết vô thường, thì cái thường hằng còn lại. Đó tức là cái tịch lặng an nhiên hay gọi Niết bàn, nên nói là an vui.

 

Lưu ý: Các luận giải trên có thể không làm cho đọc giả hài mãn lối giải thích về “Vô Sanh”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề khi luận về Tánh không Bát Nhã trong “phần thứ III Tổng luận”, hy vọng giải tỏa hết thắc mắc./.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/02/2022(Xem: 3203)
Cho tới nay có ít nhất mười nhà dịch giả (thuật) bộ Qui Sơn Cảnh Sách sang Việt ngữ như trong sách Phật Tổ Tam Kinh (1950; của Vô Danh Thị), Hòa Thượng Thích Hành Trụ (1972), Tuệ Nhuận (1973); Chư Thượng Tọa, Đại Đức dạy chúng, tại các trường Phật học Báo Quốc, Linh Ứng (Non Nước), Nguyên Thiều (Bình Định), Ấn Quang (Sàigon), Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), Phật Ân (Mỹ Tho), Huệ Nghiêm (Gia Định) v.v... đều giảng dạy tăng sinh bộ sách quý này. Tại sao chúng tôi vẫn tiếp tục dịch luận bản văn trên sang tiếng Việt làm gì? Vẫn biết có nhiều vị uyên thâm Phật học đã dịch văn Cảnh Sách, song văn phong mỗi thời một thay đổi; hoàn cảnh Giáo Hội - Tăng Đoàn – mỗi giai đoạn không giống nhau. Từ khi có số Phật Tử Việt tỵ nạn đông đảo tại hải ngoại đến nay gần hai mươi năm, tình trạng Phật giáo có phức tạp, đổi thay. Chưa có vị nào dịch luận văn “Cảnh Sách” cho thích hợp trào lưu hiện tại, có thể nói là thời kỳ vô cùng giao động trong giới nhà tu Phật và Phật Tử nói chung, nếu nhìn theo nhiều góc c
03/02/2022(Xem: 7329)
Được biết A Di Đà Land được Đạo Hữu Tony Thạch tạo mãi vào ngày 01 tháng 06 năm 2015, nơi đây vốn là một khu đất rừng bạch đàn (Eucalyptus) với diện tích 2243.44 Acres (907.887957 hectares, trên khoảng 9 cây số vuông). Khu đất rộng lớn này nằm sâu bên trong ngôi làng Curraweela (gần thị trấn Taralga) thuộc miền nam tiểu bang New South Wales (gần thị trấn Goulburn) cách trung tâm thành phố Sydney khoảng 250 cây số (2 tiếng 30 phút lái xe). Đạo hữu Tony Thạch tạo mãi đặt tên cho khu đất là A Di Da Land, với ước nguyện trong tương lai sẽ biến nơi đây thành một Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà để giúp cho tứ chúng đồng tu, đồng giải thoát khỏi biển khổ sinh tử luân hồi.
02/02/2022(Xem: 117040)
Thư Viện Kinh Sách tổng hợp dung chứa trên 1,200 tập sách trên Trang Nhà Quảng Đức
05/01/2022(Xem: 9351)
CHÁNH PHÁP Số 122, tháng 01.2022 Hình bìa của Hồ Bích Hợp NỘI DUNG SỐ NÀY: THƯ TÒA SOẠN, trang 2 TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 XA XỨ NHỚ LẠI NGÀY CŨ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 6 Ý NGHĨA PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO (HT. Thích Thắng Hoan), trang 7
30/12/2021(Xem: 7647)
Bởi thế, đặc san Phật Việt số 2 kỳ này xoay quanh chủ đề “công tác hoằng pháp và phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển.” Để góp phần vào công tác hoằng dương chánh pháp trước hoàn cảnh mới của nhân loại và Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt nhắm đến việc chuẩn bị hành trang Phật Pháp cho thế hệ Tăng, Ni và Phật tử trẻ tuổi, chư tôn đức Tăng, Ni và Cư Sĩ tại hải ngoại đã thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào đầu tháng 5 năm 2021 dưới sự tán trợ của Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Hoằng Pháp gồm chư tôn Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan và Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn Chứng Minh; Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ làm Cố Vấn Chỉ Đạo; Hòa Thượng Thích Như Điển làm Chánh Thư Ký, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu và Hòa Thượng Thích Bổn Đạt làm Phó Thư Ký và chư tôn đức Tăng, Ni thành viên. Ngoài ra Hội Đồng Hoằng Pháp còn có 4 Ban, gồm Ban Phiên Dịch và Trước Tác, Ban Truyền Bá, Ban Báo Chí và Xuất Bản, và Ban Bảo Trợ.
10/12/2021(Xem: 8473)
Bản dịch này cũng đã đăng tải trong các số báo đặc san Pháp Bảo, từ số 2, tháng 5 năm 1982 và còn tiếp tục đăng tải cho đến nay. Loạt bài đăng trong báo sẽ được chấm dứt trong vài kỳ báo nữa, vì các phần sau tuy cần thiết đối với người muốn nghiên cứu, nhưng lại trở nên khô khan với người ít quan tâm tới sử liệu Phật Giáo. Đó là lý do quý vị chỉ tìm thấy bản dịch được đầy đủ chỉ có trong sách này. Trong khi dịch tác phẩm, cũng như trong khoảng thời gian còn tòng học tại Nhật Bản, chúng tôi tự nghĩ: không hiểu sao Phật giáo đã du nhập vảo Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 mà mãi cho tới nay vẫn chưa có được những cuốn sách ghi đầy đủ các chi tiết như bộ “Các tông phái Phật Giáo Nhật Bản” mà quý vị đang có trong tay. Điều mong mỏi của chúng tôi là Phật Giáo Việt Nam trong tương lai cố sao tránh bớt vấp phải những thiếu sót tư liệu như trong quá khứ dài hơn 1500 năm lịch sử truyền thừa! Để có thể thực hiện được điều này, cần đòi hỏi giới Tăng Già phải đi tiên phong trong việc trước t
08/12/2021(Xem: 16040)
Chương trình Lễ Phát Chứng Chỉ Mãn Khóa Lớp Giáo Lý Online năm thứ 2 Trong Thời Gian Cách Ly Đại Dịch Covid-19 MC: Phật tử Quảng Tịnh & Phật tử Nguyên Nhật Thơ Bắt đầu lúc 2pm, Saturday 18/12/2021 - Niệm Phật cầu gia hộ - Chào Phật Giáo Kỳ (mở mp3) - Tuyên bố lý do và giới thiệu (Phật tử Quảng Tịnh & Nguyên Nhật Thơ) - Lời cảm niệm của Đh Quảng Tịnh Tâm (Canada, do Đh.Tâm Từ đọc) - Lời cảm niệm tri ân của Phật tử tại Úc (Đh.Huệ Hương-Huệ Linh) - Nhạc phẩm “Nguyện Kiếp Sau Làm Một Đoá Sen.” (do Phật tử Nguyên Quảng Hương trình bày) - Lời cảm niệm của Đh Quảng Trinh (USA) - Lời cảm niệm của Phật tử Thanh Phi, TV Quảng Đức, - Nhạc phẩm “Lạy Mẹ Quan Thế Âm” (do Phật tử Khánh Đào trình bày) - Lời cảm niệm Đh.Trần Thị Nhật Hưng (Thụy Sĩ, Âu Châu) - Lời cảm niệm Đh.Diệu Danh Tuyết Mai (Hannover, Đức Quốc) - Nhạc phẩm “Cát Bụi Cuộc Đời” do Phật tử Tâm Quảng Hóa trình bày - Ngâm thơ “Thập Nghĩa Đi Chùa” do Phật tử Tâm Huệ trình bày - Cắt bánh mừng lễ mãn khóa và mừng sinh nhậ
06/12/2021(Xem: 10199)
Ba bài kinh đầu tiên, Kinh Phạm Võng, Kinh Sa Môn Quả, và Kinh A Ma Trú, là những bài kinh quan trọng bậc nhất trong Trường Bộ Kinh. Bài kinh Phạm Võng giới thiệu 62 Tà Kiến của các ngoại đạo đương thời, gián tiếp đặt đạo Phật ra ngoài các tà thuyết trên, và xác minh lập trường của đức Phật đối với các vấn đề vũ trụ và nhân sinh. Kinh này cũng đề cập đến Giới của đức Phật, từ Tiểu Giới đến Đại Giới, gián tiếp so sánh đời sống xa hoa phù phiếm của các Sa Môn, Bà La Môn đương thời với đời sống giản dị giải thoát của đức Thế Tôn. Cũng chính trong bài kinh này, đức Phật nói, chỉ có kẻ vô văn phàm phu mới tán thán giới đức, còn bậc thiện trí thì tán thán trí đức của Ngài. Và chính nhờ vào trí đức, đức Phật đã tóm thâu hết thảy mọi tà thuyết hiện hữu trong đời và truy nguyên căn nhân cùng động lực của mọi tà thuyết.
05/12/2021(Xem: 19020)
Kể từ khi Bánh xe Chánh Pháp được vận chuyển lần đầu tiên tại Vườn Nai, từ đó giáo pháp từ bi và trí tuệ dần dần lan tỏa trong mọi tầng lớp xã hội, trong nhiều phương vực khác nhau, với nhiều sắc thái dân tộc và ngôn ngữ khác nhau. Để cho tất cả mọi giai tầng xã hội, từ thượng lưu trí thức cho đến những hạng bần cùng khốn khỏ, thất học, cũng bình đẳng thọ hưởng hương vị tịnh lạc giải thoát, Đức Thế Tôn đã khuyến khích, hãy để cho mọi người được nghe và tu học Chánh Pháp theo ngôn ngữ địa phương của chính mình.
30/11/2021(Xem: 31848)
316. Thi Kệ Bốn Núi do Vua Trần Thái Tông biên soạn. Trần Thái Tông (1218-1277), là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam (triều đại kéo dài đến 175 năm sau, ông cũng là một Thiền sư đắc đạo và để lại những tác phẩm Phật học vô giá cho đời sau). Đây là Thời Pháp Thoại thứ 316 của TT Nguyên Tạng, cũng là bài giảng cuối của năm thứ 2 (sẽ nghỉ qua sang năm sẽ giảng lại) từ 6.45am, Thứ Ba, 30/11/2021 (26/10/Tân Sửu) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌺🍀💐🌼🌹🥀🌷🌸🏵️ Múi giờ : pháp thoại của TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng (trong thời gian cách ly vì đại dịch Covid-19) về chư vị Tổ Sư Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam…) - 06: 45am (giờ Melbourne, Australia) - 12:45pm (giờ Cali, USA) - 03:45pm (giờ Montreal, Canada) - 09:45pm (giờ Paris, France) - 02:45am (giờ Saigon, Vietnam) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹 💐🌹🥀🌷🍀💐🌼🌸🏵️🌻🌼💮🍂🍁🌾🌱🌿🍃 Youtube: Tu Viện Quảng Đức (TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng, Melbourne, Australia) https://www.youtube.com
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]