TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
128. Kinh TÙY PHIỀN NÃO
( Upakkilesa sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Giác Giả
Kô-Sâm-Bi Ngài đã trú qua
(Xứ Kiều-Thưởng-Di (1) cũng là)
Tại Tinh Xá Ghô-Si-Ta (1) an hòa.
Lúc bấy giờ xảy ra sự cố
Sự việc này ở Kố-Sâm-Bi
Giữa các Tỷ Kheo nơi ni
Đấu đá, tranh cãi chỉ vì kiến văn
Cố đả thương nhau bằng miệng lưỡi,
Dùng binh khí miệng lưỡi chống nhau.
Rồi một Tỷ Kheo đến mau
Hương thất Đức Phật, bước vào bên trong
Đảnh lễ Thế Tôn xong, cung kính
Đứng nghiêm chỉnh, thưa ra tức thì :
– “ Kính bạch đức Chánh Biến Tri !
Các Tỷ Kheo Kô-Sâm-Bì hiện nay
Sống cạnh tranh, lòng đầy sân nộ,
Do tật đố, tranh đấu tưng bừng,
Cãi cọ, tranh luận không ngừng
Binh khí miệng lưỡi để dùng đấu tranh.
Thật tốt lành nếu được Thiện Thệ
Vì lòng thương, đến để các vì
_________________________
( ) : Tinh Xá Ghositaràma tại xứ Kosambi - Kiều-thưởng-di.
Tỷ Kheo – tôn kính uy nghi
Của đấng Đại Giác, để đi giảng hòa.
Đức Phật Đà lặng im chấp thuận
Rồi Ngài xuống chỗ cá Tỷ Kheo.
Thế Tôn bảo các Tỷ Kheo :
– “ Thôi vừa rồi, các Tỷ Kheo ! Hãy dừng
Sự đấu tranh và ngừng tranh luận ”.
Khi nghe đấng Thế Tôn dạy vầy
Một vị Tỷ Kheo nói ngay :
– “ Bạch Thế Tôn !Thế Tôn đây chính là
Bậc Pháp Chủ, nhưng mà việc đó
Ngài chớ có nhọc lòng, lưu tâm.
Ngài hãy an trú, chú tâm
Hiện tại lạc trú. Trong tầm chuyện đây
Chúng con nay chịu trách nhiệm cả
Về tranh luận, cãi vả, đấu tranh ”.
Lần thứ hai, đấng Trọn Lành
Lại khuyên các vị làm lành với nhau
Nhưng họ nào chịu nghe lời phải.
Lần thứ ba, Phật lại dạy rằng :
– “ Thôi vừa rồi, này Chúng Tăng !
Chớ có tranh chấp, chớ hằng luận tranh ”.
Dù Cha Lành Thế Tôn dạy thế
Nhưng không thể lay chuyển tâm tư
Bất tịnh của các vị Sư,
Chuyển hóa họ với tâm Từ Thế Tôn.
Buổi sáng nọ, Thế Tôn thường lệ
Đắp y mang bát để rồi đi
Khất thực tại Kô-Sâm-Bi
Sau khi khất thực, ngọ thì ăn xong,
Ngài trở về, vào trong hương thất
Dọn chỗ nằm, y bát mang đi.
Ngài đứng với dáng uy nghi
Rồi đọc lên bài kệ thi như vầy :
“ Giữa quần chúng la ó này
Không một ai nghĩ mình đây ngu đần
Giữa sự phân ly Chúng Tăng
Suy nghĩ hướng thượng, xuất trần là ai ?
Thất niệm, kẻ trí nói hoài
Ba hoa trăm thứ, muôn loài muôn nơi.
Miệng hả, nói thả dàn thôi !
Ai biết sẽ dẫn đến hồi ra sao ?
‘Nó mắng tôi, đánh tôi’ đau !
‘Nó hại tôi, cướp tôi’ nào xót thương !
Ai ôm oán niệm ấy thường
Hận thù không thể có đường dừng đâu !
‘Nó mắng tôi, đánh tôi’ đau !
‘Nó hại tôi, cướp tôi nào xót thương !
Không ôm oán niệm mọi đường
Hận thù sẽ tự có đường dứt ngay.
‘Hận thù diệt hận thù’ đây
Không thể diệt hận thù này được đâu !
‘Từ Bi diệt hận thù’ sâu
Ngàn thu định luật kể vào là đây.
Người khác không hiểu biết vầy :
‘Ở đây ta bị diệt ngay – luân hồi.
Những ai hiểu điều này rồi
Nhờ vậy, tranh luận tiêu đời còn đâu !
Kẻ chủ xướng hại mạng nào
Cướp bò, cướp ngựa, mưu sâu hại đời
Cướp đoạt quốc độ tơi bời
Họ còn đoàn kết, các người sao không ?
Được bạn hiền trí đồng lòng,
Đồng hành, khéo an trú trong an lành
Thắng mọi hiểm nạn, chiến tranh,
Hoan hỷ chánh niệm tịnh thanh sống đời.
Nếu không bạn hiền trí, thời
Như vua bỏ nước, như voi một mình
Tốt hơn nên sống một mình
Bạn bè ngu ác, bất minh tránh liền.
Cô độc, không làm ác duyên
Nhàn hạ như voi rừng riêng cõi bờ ”.
Lúc bấy giờ, sau khi đọc kệ
Đấng Thiện Thệ đến làng tên là
Ba-La-Ká-Lô-Ná-Ka-Ra.
Tôn-giả Pha-Gú từ xa thấy là
Đức Phật Đà đang đi đến đấy
Tôn-giả ấy liền soạn chỗ ngồi
Và nước rửa chân. Đến nơi
Phật an tọa tại chỗ ngồi soạn riêng.
Tôn-giả Pha-Gú liền đảnh lễ
Rồi một bên Thiện Thệ, ngồi vào.
Thế Tôn liền nói như sau :
– “ Tỷ Kheo Pha-Gú ! Thế nào với ông ?
Có sống an vui không ? Thường nhựt
Đi khất thực có mệt nhọc không ? ”.
– “ Vẫn an lành, bạch Thế Tôn !
Sống yên ổn, khất thực không nhọc gì ”.
Đức Thế Tôn sau khi nhắc nhủ
Khuyến khích Sư Pha-Gú trú an,
Làm cho phấn khởi, hân hoan
Ngài liền đứng dậy, thẳng đàng đi qua
Pa-Chi-Na-Vâm-Sa-Đa-Dá (1)
Làng này có Tôn-giả tên là
Tỷ Kheo A-Nậu-Lâu-Đà (2)
(A-Nu-Rút-Thá – A-Na-Luật) này
Cùng hai ngài, đó là Tôn-giả
Nan-Đi-Dá và Kim-Bi-La. (2)
Cả ba Tôn-giả trú qua
Pa-Chi-Ná-Vâm-Sa-Đa-Da rừng
Người giữ vườn nơi đây nhìn thấy
Đức Thế Tôn đi lại từ xa,
Thưa rằng : “ Xin hãy dừng qua !
Sa-môn không thể vào ra nơi này
Có ba vị hiện nay thiền tọa
Rất ái luyến tự ngã (3) như vầy
Chớ phiền nhiễu các vị đây !”.
Nghe tiếng người giữ vườn này cản ngăn
Vì không biết kim thân Phật Bảo,
Nên Tôn-giả A-Nậu-Lâu-Đà
( Tức ngài A-Nú-Rút-Tha )
Liền bảo người giữ vườn là : “ Không sao !
Chớ ngăn Thế Tôn vào thiền thất
Ngài là bậc Thầy của chúng tôi ”.
__________________________
( ) : Làng cũng là rừng Pacinavamsadaya.
(2) : Các Tôn-giả : Anuruddha, Nandiya (Nan-Đề), Kimbila.
(3) : Ái luyến tự ngã : Attakamanipa.
Ngài A-Na-Luật nói rồi
Bèn thân hành đến các nơi tức thì
Nơi tu trì của Nan-Đi-Dá,
Kim-Bi-Lá Tôn-giả hai ngài.
Đến nơi, Tôn-giả nói ngay :
“ Này chư Tôn-giả ! Lành thay ! Lúc này
Hãy đến ngay bìa rừng phía trước
Chúng ta được vinh dự đón mừng
Đức Thế Tôn đã đến rừng
Thăm chúng ta, việc chưa từng xảy ra ”.
Rồi cả ba vị Tôn-giả ấy
Lễ Thế Tôn, đón lấy thượng y
Và bát của Ngài tức thì.
Soạn chỗ để Chánh Biến Tri Ngài ngồi.
Nước rửa chân đồng thời múc sẵn
Đấng Chánh Đẳng ngồi xuống, rửa chân
Rồi các Tôn-giả ân cần
Cung kính đảnh lễ pháp thân Phật Đà.
Đoạn cả ba một bên ngồi xuống
Lòng mong muốn Phật thuyết pháp ra.
Đức Thế Tôn nhìn cả ba
( Nhưng tên A-Nú-Rút-Tha Ngài dùng )
– “ Các A-Nú-Rút-Tha ! Hãy tỏ
Các ông có an lạc mọi thời ?
Có được an vui thảnh thơi ?
Khất thực có được thuận thời, đủ không ?”
– “ Bạch Thế Tôn ! Chúng con đủ phước,
Cả sáu thời đều được an lành
Yên vui cùng sống tịnh thanh
Khất thực thuận tiện, đủ phần thức ăn ”.
– “ Này các ông ! Còn phần đời sống
Có cùng sống hòa hợp thanh cao
Như nước với sữa hòa nhau ?
Có cùng hoan hỷ với nhau không nào ?
Có tranh cãi, đối đầu gay gắt ?
Có cặp mắt thiện cảm nhìn nhau ? ”.
– “ Bạch đức Thế Tôn ! Trước sau
Chúng con hoan hỷ, cùng nhau hợp hòa
Tương nhượng, như nước hòa với sữa
Không tranh cãi, nương tựa vào nhau
Cặp mắt thiện cảm nhìn nhau
( Giữ gìn phạm hạnh thanh cao hài hòa )
– “ Các A-Nú-Rút-Tha ! Hãy kể
Thế nào để hòa hợp sống chung ?
Như nước với sữa hòa cùng ?
Nhìn nhau cặp mắt bao dung cảm tình ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn cao minh từ mẫn !
Chúng con vẫn thường nghe nói ra :
‘Thật lợi ích thay cho ta !
Thật khéo lợi ích cho ta vô cùng !
Khi ta được sống chung hoan hỷ
Với các vị đồng phạm hạnh này’.
Bạch đức Thế Tôn ! Do vầy
Với đồng phạm hạnh ở đây các vì,
Con tức thì khởi từ thân nghiệp
Từ khẩu nghiệp, ý nghiệp nói chung,
Trước mặt và cả sau lưng
Do vậy nên chúng con từng nghĩ qua :
‘Hãy từ bỏ tâm ta vị kỷ
Sống thuận theo tâm ý thiện lành
Của những Tôn-giả chung quanh’.
Thế rồi con từ bỏ nhanh tâm mình.
Sống giữ gìn thuận theo tâm ý
Của những vị Tôn-giả quanh ta,
Chúng con tuy thân khác xa
Nhưng giống như thể đồng là một tâm ”.
Tại tịnh lâm, hai vì Thiền-giả
Nan-Đi-Dá và Kim-Bi-La
Nảy giờ chưa dịp nói ra
Đến đây, lần lượt thưa qua thật lòng
Cả hai vị tán đồng tất cả
Điều A-Nu-Rút-Thá trình bày.
Đức Phật tán dương : “ Lành thay !
Các A-Na-Luật ! Lành thay điều này !
Nhưng hằng ngày các ông sống thật
Nhiệt tâm, không phóng dật, tinh cần ? ”.
– “ Chúng con thật sự tinh cần
Sống không phóng dật, nhiệt tâm làm đầu ”.
– “ Như thế nào sống không phóng dật ?
Sống chân thật, nhiệt tâm, tinh cần ? ”.
– “ Bạch Phật ! Chính nhờ tinh thần
Tất cả công việc chia phân hằng ngày
Ai khất thực đủ đầy, về trước
Thì sắp đặt sẵn nước các phần :
Nước để uống, nước rửa chân
Chỗ ngồi thọ thực được phân công bằng
Dành một bát thức ăn dư bỏ.
Đồ ăn thừa nếu có nhu cầu
Muốn ăn thì cứ dùng mau,
Không ăn thì phải bỏ vào nơi đâu
Không cỏ xanh hoặc vào giòng nước
Mà trong nước không có côn trùng.
Xếp dọn các chỗ ngồi chung
Cất đi nước uống, nước dùng rửa chân
Cất cái bát chứa phần tàn thực
Rồi lập tức quét dọn nhà ăn.
Ai thấy ghè nước uống dần
Nước nhà cầu, nước rửa chân hết rồi
Thì người ấy tức thời lo liệu
Chẳng cần biểu, lấy nước đổ đầy,
Nếu không đủ sức bằng tay
Liền ra hiệu người thứ hai giúp mình
Cùng lo liệu tận tình việc ấy
Nhưng dù vậy, không gây tiếng ồn.
Thứ năm trong niềm kính tôn
Đàm luận đạo pháp ôn tồn cả đêm
Chúng con sống êm đềm, tinh tấn
Không phóng dật, kham nhẫn, nhiệt tâm ”.
– “ Lành thay ! Các ông âm thầm
Thực hành đời sống nhẫm kham, tinh cần
Không phóng dật, nhiệt tâm như vậy
Có chứng lấy được pháp thượng nhân
Tri kiến thù thắng chánh chân
Xứng đáng bậc Thánh lạc an hài hòa ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Đúng là như thế
Sao lại không có thể chứng phần
Khi không phóng dật, tinh cần,
Nhiệt tâm, nên đã được phần hào quang
Cũng như đang hiện khởi sắc pháp.
Nhưng hào quang chưa đạt bao lâu
Biến mất với sắc pháp mau,
Chúng con không hiểu là sao ? Tướng gì ? ”.
– “ Tướng ấy thì, A-Nu-Rút-Thá !
Các hành giả cần hiểu sâu xa.
Này các A-Nậu-Lâu-Đà !
Trước khi giác ngộ Phật Đà độ tha,
Khi còn là Bồ-tát như vậy
Ta nhận thấy hào quang, cùng là
Các sắc pháp hiện khởi ra
Nhưng hào quang ấy có mà không lâu
Biến mất mau với sự hiện khởi
Của sắc pháp. Do bởi điều này
Như Lai suy nghĩ như vầy :
‘Nhân & duyên gì để mất rày hào quang ?’
Chắc hoàn toàn nghi-hoặc là cớ
Khiến ta lỡ, mất hào quang trên,
Vì có nghi-hoặc khởi lên
Định của ta biến diệt, nên lỡ làng.
Định biến diệt, hào quang biến mất
Cùng hiện khởi các sắc pháp này,
Vậy ta phải làm sao đây ?
Để nghi-hoặc không khởi đầy nơi ta ?
Các A-Nậu-Lâu-Đà ! Ta vẫn
Không phóng dật, tinh tấn, nhiệt tâm
Ta lại suy nghĩ thâm trầm :
‘Vì không tác ý, định thầm tiêu ma
Nên nơi Ta, Định bị biến diệt
Định biến diệt, biến mất hào quang
Cùng các sắc pháp hiện sang
Làm sao nghi-hoặc hoàn toàn tiêu vong,
Không tác ý cũng không còn nữa
Không khởi hiện và dựa vào Ta ?
Này các A-Nậu-Lâu-Đà !
Ta suy nghĩ tiếp : “Chính là nhân & duyên
Sự hôn trầm thụy miên, sợ hãi
Nên định lại biến diệt’, như là
Một người đi trên đường xa
Bỗng có sát thủ nhảy ra bất thần
Công kích từ hai phần sau, trước
Y tái mặt, dựng ngược tóc lông,
Sợ hãi kinh khủng trong lòng,
Các A-Na-Luật ! Ta không biếng lười
Không phóng dật. Ta thời suy nghĩ :
‘Sự sợ hãi đích thị khởi lên,
Vì có sợ hãi, cho nên
Định bị biến diệt, mất liền hào quang.
Cùng các sắc pháp đang hiện khởi,
Phải làm với thế nào để mà
Các thứ ấy không khởi ra.
Các A-Na-Luật ! Rồi Ta nghĩ là :
‘Sự phấn chấn’ hoặc là ‘dâm ý’
Cũng dẫn tới Định bị diệt đi.
Hào quang mất chẳng còn chi
Cùng các sắc pháp đồng thì hiện ra.
Cũng như là ‘tinh cần quá sức’
Từ nơi Ta lập tức khởi lên
Vì tinh cần quá độ, nên
Định lực biến diệt, mất liền hào quang
Cùng các sắc pháp đang hiện khởi.
Ví như, hỡi A-Nú-Rút-Tha !
Một người sức mạnh bắt, và
Nắm chặt con chim cáy, mà quá tay
Khiến chim này chết liền tại chỗ.
Cũng vậy, sự quá độ tinh cần
Hay quá yếu đuối tinh cần,
Ví như người ấy đang cầm con chim
Nắm lỏng lẻo nên chim bay thoát
Khỏi hai tay không chặt của y.
Rồi Như Lai lại nghĩ suy :
‘Ái dục’ & ‘Sai biệt tưởng’ vì khởi lên
Cùng sắc pháp khởi liền như vậy
Rồi trạng thái quá chú tâm vào
Các sắc pháp khởi lên mau
Nơi ta, cùng sắc pháp nào khởi ra.
Như vậy, Ta làm sao để chúng
Sẽ vô dụng, không khởi nơi Ta ?
Này các A-Nú-Rút-Tha !
Các điều được biết xảy ra âm thầm,
Là phiền não của tâm như vậy,
Ta đoạn trừ hết thảy chúng đi.
Các A-Na-Luật ! Rồi thì
Ta không phóng dật, hành trì nhiệt tâm,
Rất tinh cần, hào quang được thấy
Nhưng không thấy các sắc pháp gì
Cả đêm cả ngày mọi thì,
Hoặc thấy sắc, không thấy gì hào quang.
Ta nghĩ rằng : ‘Do nhân gì vậy ?
Do duyên gì – chỉ thấy hào quang
Không thấy sắc pháp hiện sang
Hoặc là ta chỉ hoàn toàn thấy ra
Các sắc pháp nhưng mà không thấy
Hào quang ấy. Về vấn đề này
Ta đã suy nghĩ như vầy :
‘Khi Ta tác ý thấy rày hào quang
Không tác ý về đằng sắc tướng,
Chỉ thấy hào quang tướng tức thì
Mà không thấy sắc pháp gì.
Tác ý sắc tướng, không vì hào quang
Thấy sắc pháp, hào quang chẳng thấy
Cả đêm ngày, hết thảy mọi thì’.
Rồi Như Lai lại nghĩ suy :
‘Hào quang hạn lượng Ta thì thấy ra
Các sắc pháp có mà hạn lượng &
Thấy hào quang vô lượng sánh tày
Sắc pháp vô lượng thấy ngay
Cả ngày đêm, cả đêm hay cả ngày’.
Vấn đề này, các A-Na-Luật !
Ta nghĩ : ‘Nhân & duyên thuộc điều trên
Sao những hiện tượng có nên
Việc ấy ? Ta suy nghĩ liền như sau :
‘Một khi nào Định có hạn lượng,
Mắt ta có hạn lượng, thấy ra
Hào quang có hạn lượng, và
Thấy sắc pháp có hạn lượng, đà trải qua.
Định của Ta khi không hạn lượng
Mắt Ta thành vô lượng sâu xa
Thấy hào quang vô lượng, và
Sắc pháp vô lượng, thấy qua như vầy,
Cả đêm, ngày, mọi thời tất cả.
Các A-Nú-Rút-Thá ! Khi Ta
Biết được nghi hoặc chính là
Một thứ phiền não, phiền hà của tâm
Thời nghi-hoặc bị tầm tiêu diệt.
Khi nào biết không tác ý, và
Hôn trầm thùy miên, cùng là
Sợ hãi, phấn chấn hay tà ý dâm,
Khi biết được tinh cần thái quá &
Tinh cần quá yếu đuối nơi tâm,
Dục ái, Tưởng sai biệt thầm
Hay là trạng thái chú tâm quá nhiều
Đến các sắc pháp đều tích trữ
Là những thứ phiền não của tâm.
Được Ta diệt trừ âm thầm.
Các A-Na-Luật ! Ta thầm nghĩ qua :
‘Những phiền não tâm Ta đã diệt,
Nay Ta quyết tu tập hành trì
Ba loại Định được thực thi.
Các A-Na-Luật ! Những khi nào mà
Tu Định có tầm và có tứ,
Định không tầm có tứ mà thôi.
Không tầm không tứ định thời.
Ta tu Định có hỷ rồi tiếp nhanh
Ta thực hành định không có hỷ,
Tu định chỉ câu hữu lạc ngay,
Tu định câu hữu Xả này.
Các A-Na-Luật ! Ta rày hành qua
Tu tập ba loại định hoàn thiện
Thời tri kiến khởi lên nơi Ta :
‘Giải thoát của Ta chính là
Bất động. Đời sống của ta cuối cùng !
Và tựu trung không còn sinh lại ”.
Nghe Thế Tôn giảng giải sâu xa
Tôn-giả A-Nu-Rút-Tha (1)
Ba vị tín thọ, thiết tha phụng hành ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 128 : TÙY PHIỀN NÃO
– UPAKKILESA Sutta )
CÁC CÕI TRONG TAM GIỚI theo Vũ Trụ Quan Phật Giáo :
(*) : Các cõi Trời Dục Giới :
1/ Cõi trời Tứ Đại Thiên Vương ( Catummahàràjà Deva ) với
Tứ Thiên Vương :
2) Cõi trời Đao Lợi ( Tàvatimsà ) còn gọi cõi Tam Thập Tam
Thiên , và vị Vua trời Sakka Deva Indra ( Đê Thích hay
Thích Đề Hoàn Nhân ).
3/ Cõi trời Yàmà (Dạ Ma) và Vua trời Dạ-Ma: Suyàma.
4/ Cõi trời Đâu Suất ( Tusita ) và vị Vua trời Santusita.
5/ Cõi trời Hóa Lạc Thiên ( Nimmànarati ) và vị Vua trời
Sunimmita của cõi này .
6/ Cõi trời Tha Hóa Tự Tại Thiên ( Paranimmitavasavattì ).
Và vị Vua trời Vasavatti của cõi này .
(*) : Các cõi Trời Sắc Giới :
- SƠ THIỀN :
1) Trời Phạm Phụ (Brahmapurohita). 2) Trời Phạm Chúng
(Brahmapàrisajja bhùmi). 4) Trời Đại Phạm ( Mahàbrahma ).
- NHỊ THIỀN :
1) Trời Thiểu Quang (Parìttàbha). 2) Trời Vô Lượng Quang
(Appamàmàbhabhùmi). 3) Trời Quang Âm (Abhassaràbhùmi).
- TAM THIỀN :
1) Trời Thiểu Tịnh (Parittasubha). 2) Trời Vô Lượng Tịnh
(Apramànasubha). 3) Trời Biến Tịnh (Subhakritsna).
- TỨ THIỀN :
1) Trời Quảng Quả (Vehappalàbhùmi). 2) Trời Vô Tưởng
(Asaññasattabhùmi). 3) Tịnh Cư Thiên (Suddhàvàsa), Tịnh
Cư Thiên có 5 cõi chỉ dành cho các vị Bất Lai và A-La-Hán:
a/ Trời Vô Phiền (Avihàbhumi). b/ Trời Vô Nhiệt (Atapàbhùmi).
c/ Trời Thiện Kiến (Sudassàbhumi). d/ Trời Thiện Hiện
(Sudassìbhumi). e/ Trời Sắc Cứu Kính (Akanitthabhùmi).
(*) : Các cõi Trời Vô Sắc Giới :
1) Không Vô Biên Xứ (Àkàsànañcàyatana ).
2) Thức Vô Biên Xứ (Viññànañcàyatana ).
3) Vô Sở Hữu Xứ (Àkiñcaññàyatana ).
4) Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññànàsaññàyatana ).