TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
114. Kinh NÊN HÀNH TRÌ, KHÔNG NÊN HÀNH TRÌ
( Sevitabha – Asevitabha S.)
Như vậy, tôi nghe :
Một thời nọ Thế Tôn Thiện Thệ
An trú tại Xá-Vệ thành này
Sa-Vát-Thí cũng là đây
Kỳ Viên Tinh Xá hôm mai tịnh, hòa
Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná (Jetavana - Kỳ Viên)
Cấp-Cô-Độc Trưởng-giả tín gia
A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka
Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.
Tại nơi này Ngài gọi Tăng Chúng :
– “ Này Tăng Chúng ! Hãy khéo nghe đây ”.
Chư Tỷ Kheo tại nơi này
Vâng đáp lời Phật. Rồi Ngài thuyết ra :
– “ Các Tỷ Kheo ! Nay Ta sẽ giảng
Cho các ông viên mãn pháp ni :
‘Nên hay không nên hành trì’
Hãy nghe và hãy nghiệm suy kỹ càng ”.
Chư Tăng trong đạo tràng vâng đáp.
Rồi Thế Tôn thuyết pháp an lành :
(Lời giảng đầu tiên)
Các ông ! Ta nói thân-hành
Thời có hai loại : ‘Nên hành trì’ đi !
Và ‘Không nên hành trì’, phải loại !
Ta cũng nói khẩu-hành, ý-hành
Cũng có hai loại : ‘Nên hành’
Cùng loại khác : ‘Không nên hành trì’ qua.
Và đây là sự tương đối của
Giữa thân, khẩu, ý hành như vầy.
Ta nói tâm sanh ở đây
Cũng có hai loại : Loại đây ‘nên hành’
Loại khác ‘không nên hành trì’ tới
Đây là sự tương đối tâm sanh.
Ta nói tưởng đắc rõ rành
Cũng có hai loại : ‘Nên hành trì’ đi !
Và ‘không nên hành trì’ một loại,
Là tương đối giữ tưởng đắc đây.
Kiến đắc, các Tỷ Kheo này !
Cũng có hai loại : Loại đây ‘nên hành’,
Và loại ‘không nên hành trì’ tới,
Là tương đối giữa kiến đắc trên.
Hai ngã tánh đắc nêu lên
Nên hành trì với không nên hành trì,
Sự tương đối phạm vi diễn tả
Giữa điều ngã tánh đắc nêu ra.
(Giảng rộng)
Được nghe từ đấng Phật Đà
Tôn-giả Sa-Rí-Pút-Ta, tức là
Xá-Lợi-Phất – thưa qua với Phật :
– “ Bạch Thế Tôn ! Lời Phật nói ra
Một cách vắn tắt thông qua
Không giải rộng rãi, sâu xa nghĩa này
Nhưng con nay hiểu ý nghĩa ấy
Một cách thật rộng rãi như vầy :
Ngài nói thân hành có hai :
‘Không nên hành tới và hay hành trì’,
Do duyên gì Ngài nói như thế ?
Bạch Thiện Thệ ! Một thân hành nào
Hành trì, bất thiện tăng cao
Thiện pháp thối giảm lao đao như vầy,
Thân hành này không nên hành tới.
Bạch Thế Tôn ! Còn với thân hành
Hành trì, bất thiện giảm nhanh,
Thiện pháp tăng trưởng, phải nhanh hành trì.
* Thân hành gì thực hành, tức khắc
Bất thiện pháp tăng trưởng, chẳng lành
Thiện pháp thối giảm thật nhanh ?
Bạch Phật ! Như kẻ sát sanh, bạo tàn
Tay lấm máu, tâm càng độc ác,
Chuyên tàn sát, thích chuyện sát sinh,
Không từ bi, gây hãi kinh
Đối với các loại hữu-tình khắp nơi.
Hoặc là kẻ mọi thời trộm cướp
Lấy của người không được thuận lòng,
Cướp giựt, lấy trộm, lường công
Tại thôn làng hoặc ở trong núi rừng.
Sống tà hạnh, không ngừng dục vọng
Có hành động cưỡng chiếm, gian dâm
Với các hạng nữ trong tầm
Có mẹ, cha, anh, chị ngầm chở che,
Có bà con, chồng… che chở lấy,
Được hình phạt roi gậy chở che,
Đến những thiếu nữ cập kê
Vòng hoa trang sức, nhiều bề tú thanh.
Bạch Thế Tôn ! Thân hành như vậy
Hành trì, thấy thiện pháp giảm suy
Bất thiện pháp tăng tức thì.
Bạch Phật ! Còn thân hành gì thực thi
Bất thiện pháp tức thì suy giảm
Còn thiện pháp bảo đảm tăng cao ?
Bạch Thế Tôn ! Có người nào
Từ bỏ giết hại, bỏ đao trượng cầm
Biết tàm quý, từ tâm thương hại
Đến hạnh phúc muôn loại chúng sinh,
Thương xót các loài hữu tình,
Người ấy từ bỏ, tự mình không tham
Không lấy của không làm nên đó
Và không có lấy của không cho,
Bất cứ tài vật nào do
Người khác đã tạo nhỏ to mặc dầu
Tại thôn làng, rừng sâu hẻo lánh.
Từ bỏ sống tà hạnh, dục tâm
Không giao cấu các nữ nhân
Được sự che chở về phần mẹ cha,
Được anh chị hay là thân thuộc,
Có chồng hay pháp luật chở che…
Thân hành như vậy, nhất tề
Bất thiện pháp giảm, thiện đề tăng cao.
* Khẩu hành nào cũng có hai loại :
‘Chớ hành trì’ và loại ‘nên hành’
Sự tương đối giữa khẩu hành.
Thế Tôn đã nói ngọn ngành điều ni.
Do duyên gì Ngài nói như thế ?
Bạch Thiện Thệ ! Một khẩu hành nào
Khiến bất thiện pháp tăng cao,
Thiện pháp thối giảm, nơi đâu người nào
Thường vọng ngữ, đi vào hội sở,
Tập họp chỗ đông đảo nói chung,
Đến chỗ thân tộc tập trung,
Giữa các tổ hợp, hoàng-cung đông người
Hay được mời làm chứng, được hỏi :
‘Xin hãy nói những gì biết đi !’
Dầu cho y không biết gì
Nhưng vẫn nói biết, biết thì nói không,
Thấy mà nói là không hề thấy,
Không thấy nói là thấy rõ vầy.
Như vậy lời nói người này
Cố ý vọng ngữ, lời đầy dối gian,
Vì nguyên nhân vị kỷ, tự lợi,
Liên quan tới tha nhân ghét, yêu
Hay vì quyền lợi ít nhiều.
Hoặc nói hai lưỡi theo chiều riêng tây
Đến người này nói xấu người nọ,
Đến người nọ nói xấu người này
Khiến sinh chia rẽ sâu dày,
Ly gián những kẻ thẳng ngay hợp hòa
Xúi giục qua những kẻ ly gián
Dùng thủ đoạn phá hoại cho tiêu.
Nói lởi độc ác đủ điều
Khiến người tức giẫn, bị nhiều khổ đau.
Không đưa vào Thiền định tịch tịnh,
Hoặc người thích nói lời phi thời,
Nói lời phù phiếm, nói chơi,
Lời không lợi ích, nói lời phi chơn,
Lời phi pháp, nguồn cơn phi luật,
Lời bản chất không đáng giữ gìn.
Vì nói phi thời, lời mình
Không có thuận lý, không sinh lợi gì,
Không mạch lạc, không vì hệ thống,
Lời hư vọng… Khẩu hành như vầy
Khi hành trì thời có ngay
Tăng bất thiện pháp, thiện rày giảm suy.
Bạch Phật ! Khẩu hành gì thực hiện
Các thiện pháp phát triển, tăng cao
Bất thiện pháp thời giảm mau ?
Ở đây, như có người nào thiện lương
Luôn kiên cường tránh xa vọng ngữ,
Từ bỏ mọi vọng ngữ dối gian,
Thẳng ngay, chân thật, minh quang
Dầu giữa hội chúng muôn ngàn người ta
Đều nói ra những lời chân hảo,
Không nói láo, ác khẩu, ba hoa,
Phù phiếm, hai lưỡi tránh xa.
Như vậy người ấy sống hòa hợp thay !
Và người này ưa thích hòa hợp,
Nói lời khiến hòa hợp bền dai,
Nói lời nhu thuận đẹp tai,
Dễ thương, tao nhã, chúng hay vừa lòng,
Nói đúng thời, nói trong sự thật,
Có ý nghĩa, hợp luật, đáng gìn,
Thuận lý, mạch lạc, quang minh,
Khẩu hành như vậy đinh ninh hành trì
Bất thiện pháp tức thì giảm hẳn,
Các thiện pháp chắc chắn tăng nhiều.
Bạch Thế Tôn ! Đó là điều
Ngài đã nói vậy và đều do nơi
Duyên như vậy, nên lời nói thế
Được Thế Tôn Thiện Thệ nói ra.
* Có hai loại ý-hành là :
‘Không hành trì’ nó, loại ta ‘nên hành’.
Ý hành nào khi hành trì nó
Bất thiện pháp theo đó tăng cao,
Các thiện pháp suy giảm mau.
Còn hành trì ý hành nào trải qua
Các thiện pháp trên đà tăng trưởng,
Bất thiện pháp nghịch chướng giảm suy ?
Bạch Thế Tôn ! Ý hành gì
Bất thiện tăng trưởng, giảm suy thiện liền ?
Như người chuyên tham lam của cải
Thuộc người khác, tham ái nghĩ là :
‘Mong rằng tài vật hằng hà
Của những người khác chạy qua của mình’.
Lại có người tánh tình sâu hiểm
Khởi hại-ý, hại-niệm như vầy :
‘Mong những loài hữu tình này
Bị giết, tàn sát, diệt ngay cho rồi,
Mong tức thời chúng không tồn tại’.
Ý hành ấy khi được hành trì
Các thiện pháp bị giảm suy,
Các bất thiện pháp tức thì tăng cao,
Ý hành nào hành trì, xu hướng
Các thiện pháp tăng trưởng tức thì,
Các bất thiện pháp giảm suy ?
Người không tham ái, chẳng vì tham lam
Của người khác, tự tâm suy nghĩ :
‘Mong tài vật những vị làm ra
Mãi thuộc về họ đó mà !’.
Hoặc : ‘Mong các hữu tình xa hay gần
Sống không sân, không điều thù oán,
Không nhiễu loạn, an lạc tâm thân’.
Ý hành như vậy các phần
Hành trì – bất thiện pháp dần giảm suy,
Các thiện pháp tức thì tăng trưởng.
Đức Thế Tôn Vô Thượng dạy vầy.
Do duyên như vậy, lời này
Đã được nói đến, chỉ ngay vấn đề.
* Còn nói về Tâm sanh cũng có
Hai loại, đó là ‘nên hành trì’
Một loại ‘không nên hành trì’.
Bạch Thế Tôn ! Tâm sanh gì trải đi
Khi hành trì, thiện pháp giảm mãi
Bất thiện pháp thì lại tăng ngay,
Chớ hành trì tâm sanh này.
Còn tâm sanh hành trì vầy trải qua
Các thiện pháp thật là tăng trưởng,
Bất thiện pháp nghịch chướng giảm suy,
Tâm sanh ấy nên hành trì.
Bạch Thế Tôn ! Tâm sanh gì ở đây
Hành trì vầy, thiện pháp giảm mãi
Bất thiện pháp thì lại càng tăng ?
Nếu người có nhiểu dục tham,
Có tâm câu hữu với tham dục này,
Sân tâm đầy, câu hữu với hận,
Hại tâm dẫn câu hữu hại tâm.
Tâm sanh này hành trì dần
Bất thiện tăng trưởng, giảm phần thiện đi.
Bạch Phật ! Tâm sanh gì thực hiện
Thời bất thiện pháp sẽ giảm suy,
Các thiện pháp tăng tức thì ?
Người không tham dục, mọi thì với tâm
Không câu hữu với tham dục đó,
Và không có sân hận, với tâm
Không câu hữu với hận sân,
Hại tâm không có, với tâm không hề
Câu hữu về hại tâm. Như vậy
Tâm sanh ấy nếu được hành trì
Các bất thiện pháp giảm suy
Thiện pháp tăng trưởng tức thì xảy ra.
Bạch Phật Đà ! Ngài đã nói vậy,
Do duyên ấy, lời được nói lên.
* Tưởng đắc hai loại có tên
‘Nên hành trì’ với ‘không nên hành trì’,
Là tương đối giữa khi tưởng đắc.
Vậy tưởng đắc nào khi hành trì
Thời các thiện pháp giảm suy
Các bất thiện pháp tức thì tăng cao ?
Nếu người nào có nhiều tham dục,
Tưởng mọi lúc câu hữu với sân,
Lại có hại tâm rần rần
Có tưởng câu hữu với phần hại tâm.
Tưởng đắc nhằm hành trì như thế
Thiện pháp giảm đáng kể, ào ào
Các bất thiện pháp tăng cao.
Bạch Thế Tôn ! Tưởng đắc nào thực thi
Khi hành trì, thiện pháp tăng mãi
Bất thiện pháp thì lại giảm liền ?
Đối nghịch tâm sanh nói trên,
Tưởng đắc như vậy thì nên hành trì.
* Kiến đắc thì cũng có hai loại :
‘Chớ hành trì’ và loại ‘nên hành’
Kiến đắc gì khi thực hành
Bất thiện tăng trưởng, thiện đành giảm suy ?
Bạch đức Chánh Biến Tri ! Có kẻ
Có tà kiến, lý lẽ như sau :
‘Không có lễ hy sinh nào,
Không bố thí, tế tự nào ở đây
Không có ngay quả dị thục đó,
Nghiệp thiện ác, không có đời này,
Không có đời sau dài dài,
Không có cha mẹ, không loài hóa sanh,
Không có danh Sa-môn, Phạm-chí
Chánh hướng vị, chánh hạnh, an hòa
Với thượng trí, chứng tri, và
Chứng đạt an trú trải qua các đời…
Kiến đắc như vậy thời có chuyện
Khi hành trì bất thiện tăng cao,
Các thiện pháp suy giảm mau.
Trái lại, loại kiến đắc đâu thực hành
Bất thiện pháp chẳng lành giảm mạnh,
Các thiện pháp hung thạnh, tăng cao.
Là người hành trì trước sau
Trái ngược những điểm kể vào ở trên.
Đức Thế Tôn nói lên như vậy
Do duyên ấy, lời được nói ra.
* Ngã tánh đắc, bạch Phật Đà !
Ngài đã chỉ dạy có qua hai phần :
‘Chớ hành trì’ và ‘cần thực hiện’,
Là sự kiện tương đối trải đi
Giữa ngã tánh đắc mọi thì.
Loại ngã tánh đắc nào khi hành trì
Bất thiện pháp tức thì tăng mãi
Các thiện pháp thì lại suy mau ?
Ngã tánh đắc có hại nào
Vì không rốt ráo khi vào khởi sanh ?
Còn ngã tánh đắc lành vô hại
Vì rốt ráo khi lại khởi sanh,
Ngã tánh đắc ấy tập thành
Bất thiện pháp giảm, pháp lành tăng ngay.
Về ngã tánh đắc này do tự
Đấng Điều Ngự nói, và do duyên
Như vậy, lời được nói lên.
Bạch Phật ! Những chuyện kể trên được Ngài
Nói vắn tắt, con đây hiểu rõ
Ý nghĩa rộng, sáng tỏ sâu xa ”.
– “ Lành thay ! Sa-Ri-Pút-Ta !
Lời nói vắn tắt của Ta, mặc dầu
Không giải nghĩa rộng sâu chi cả,
Nhưng ông đã hiểu thật sâu xa
Ý nghĩa lời nói của Ta ”.
(Đức Thế Tôn khen và tóm tắt)
Ngay sau đó đức Phật Đà một phen
Đã ngợi khen Tôn-giả Đại Trí
Là Sa-Rí-Pút-Tá danh tri
Rồi Ngài tóm tắt những gì
Về hai loại : Nên hành trì hay không,
Ý nghĩa trong Thân-hành & Khẩu & Ý,
Tâm sanh, chí Tưởng & Kiến-đắc, và
Ngã tánh đắc… đều có qua
Hai loại : ‘Nên hành trì’ và ‘không nên’.
Các điều trên nếu hành trì nó
Các bất thiện pháp có tăng cao
Các thiện pháp suy giảm mau
Không nên thực hiện nhằm vào điều đây.
Nếu hành trì có ngay lời giải :
Bất thiện pháp thì lại giảm suy,
Thiện pháp tăng trưởng tức thì,
Thời điều đó nên hành trì chánh chân,
Y như phần ngài Xá-Lợi-Phất
Đã thay Phật cặn kẻ giảng ra.
(Lời giảng thứ hai)
Tiếp theo đó, đức Phật Đà
Lại dạy : “ Sa-Rí-Pút-Ta ! Phải tường
Sắc, thinh, hương, và vị, xúc, pháp
Là sáu trần do gặp sáu căn
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Ta nói đều có hai phần, là chi ?
‘Nên hành trì’, ‘không nên hành’ nó ”.
Khi nghe rõ lời đấng Phật Đà
Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Ta
Bạch rằng : “ Bạch đức Phật Đà ! Ở đây
Lời nói này được Ngài khai thị
Được nói chỉ vắn tắt, giản đơn
Không giải nghĩa rộng rãi hơn,
Nhưng con hiểu rõ về chơn nghĩa này
Một cách đầy đủ và rộng rãi.
Bạch đức Thế Gian Giải, Phật Đà !
Lời của Thế Tôn nói ra
Sắc nào mắt nhận thức mà ghét, yêu
Nên hành trì hay đều chối bỏ
Lời nói đó là do duyên gì ?
Sắc nào do mắt mọi thì
Nhận thức được khi hành trì, có ngay
Các bất thiện pháp này tăng mãi
Các thiện pháp thì lại giảm suy,
Mắt nhận thức sắc vậy, thì
Là điều chớ có hành trì trước sau.
Mắt nhận thức sắc nào thích hạp
Hành trì, bất thiện pháp giảm mau
Các thiện pháp được tăng cao
Với điều như vậy cần mau hành trì.
Tiếng do tai, hương thì do mũi,
Vị do lưỡi và xúc do thân,
Pháp do ý nhận thức dần.
Bạch Thế Tôn ! Với các phần trên đây
Lục căn này nhận thức sáu thứ
Là lục trần khi tự hành trì
Các thiện pháp bị giảm suy
Các bất thiện pháp tức thì tăng cao,
Những điều nào xảy ra như thế
Thì không thể hành trì mọi thì.
Trái lại, khi mà hành trì
Bất thiện suy giảm, thiện thì tăng ngay
Thì điều này nên hành trì cả.
Bạch Thiện Thệ ! Ngài đã nói ra
Một cách vắn tắt, lướt qua
Không giải nghĩa rộng, nhưng mà chính con
Hiểu rõ ý nghĩa còn hơn thế ”.
(Đức Thế Tôn khen và tóm tắt phần này)
Đức Thiện Thệ lại khen tài hoa
Của ngài Sa-Ri-Pút-Ta :
– “ Lành thay ! Sa-Rí-Pút-Ta ! Đúng vầy
Lời nói này Ta nói vắn tắt
Nhưng ông thật hiểu nghĩa sâu xa ”.
Rồi Thế Tôn tóm tắt qua
Như ngài Sa-Rí-Pút-Ta trình bày.
Sau đó Ngài lại giảng tiếp tục :
– “ Xá-Lợi-Phất ! Y phục (Tăng y)
Có hai loại : ‘nên hành trì’
Và một loại ‘chớ hành trì’ trải qua.
Vật thực và sàng tọa, làng mạc
Thị trấn hoặc đô thị, hay là
Quốc độ, người (Búc-Ga-La)… (Puggala)
Cũng có hai loại, kể ra rõ rành :
‘Nên hành trì’, ‘chớ hành trì’ cả ”.
Ngài Sa-Ri-Pút-Tá nghe vầy
Bạch với đức Thế Tôn ngay :
– “ Thế Tôn đã nói ở đây vấn đề
Thật vắn tắt, không hề giải rõ,
Nhưng con có hiểu biết như vầy :
Do duyên gì lời nói này
Về các vật-dụng hàng ngày dùng qua.
Tăng y và vật thực, chỗ ở,
Làng, đô thị, quốc độ và người…
Khi nào hành trì đến rồi
Tăng bất thiện pháp, thiện thời giảm suy,
Như vậy thì chớ hành trì đó.
Hành trì nó, bất thiện pháp suy
Các thiện pháp tăng tức thì
Được như vậy, nên hành trì lâu xa.
Đức Phật Đà đã nói như vậy
Do duyên ấy, lời được nói ra ”.
– “ Lành thay ! Sa-Ri-Pút-Ta !
Lời Ta vắn tắt, nhưng mà chính ông
Đã hiểu thông, giải thích rộng rãi ”.
Rồi Phật lại tóm tắt như là
Tôn-giả Sa-Ri-Pút-Ta
Đã giải ý nghĩa rộng và viên thông.
Đức Thế Tôn an tường kết luận :
– “ Xá-Lợi-Phất ! Bất luận, dù là
Bram-Ma-Na, Khách-Ti-Da, (1)
Vết-Sa, Sút-Đá (1) – lời Ta như vầy
Có thể hiểu rõ ngay ý nghĩa
Một cách thật rộng rãi đủ đầy,
Thời tất cả những vị này
Sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài, lạc an ”.
________________________
(1) : Theo Bà-La-Môn, xã hội chia ra 4 giai cấp bất di bất dịch : Bà-la-môn (Brahmana -giai cấp đứng đầu giữ phần nghi lễ, tế tự), Sát-Đế-Lỵ ( Khattiyà - giai cấp Vua chúa, quan quyền ) ; Giai cấp Phệ-Xá (Vaissa - Thương gia). Giai cấp cuối cùng bị áp chế, khinh rẻ nhất là Thủ-Đà-La hay Chiên-Đà-La ( Candala hay Sudra ) .
Trung Bộ (T. 4) K. 114 : NÊN & KHÔNG NÊN HÀNH * MLH – 102
Đức Thế Tôn nghiêm trang dạy thế
Vị cao đệ Sa-Rí-Pút-Ta
Vô cùng hoan hỷ, an hòa
Tín thọ lời đấng Phật Đà Thế Tôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 114 :
NÊN HÀNH TRÌ & KHÔNG NÊN HÀNH TRÌ –
SEVITABHA – ASEVITABHA Sutta )