- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
VII. PHẨM "BÌNH ĐẲNG"
Phần đầu quyển 570, Hội thứ VI, ĐBN.
(Tương đương với phẩm 6: Bình Đẳng, Kinh TTVBN)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Gợi ý:
Đây cũng là thượng phẩm trong các phẩm thuộc Đại Bát Nhã. Nếu thâm nhập phẩm này sẽ hiểu chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế... thì giác ngộ. Đại Bát Nhã đã giới thiệu các phẩm tương tự như vậy rải rác trong 5 Hội đầu. Tuy nhiên, ở đây Phật trực tiếp giảng dạy Thắng Thiên Vương ý nghĩa thâm sâu và mầu nhiệm về giáo lý này. Và cũng nhờ tu giáo lý này nên Phật mới được đầy đủ 10 thân Như Lai. Đồng thời phẩm này cũng giúp ích trong việc hóa độ chúng sanh cho những ai tu phạm hạnh.
Tóm lược:
Quyển thứ 570
(Tất cả danh sắc tự tánh tịch tĩnh, không sanh không diệt
nên gọi là bình đẳng)
Bấy giờ, Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo phủ áo che vai bên trái, quì gối phải chấm đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Như đức Thế Tôn dạy, pháp tánh bình đẳng. Vậy thế nào là bình đẳng? Những pháp nào gọi là bình đẳng?
Phật dạy Tối Thắng:
- Thiên vương nên biết! Các pháp quán bình đẳng, tự tánh của nó tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Tất cả phiền não hư vọng phân biệt, tự tánh tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Danh tướng phân biệt, tự tánh tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Các điên đảo diệt, không khởi phan duyên nên gọi là bình đẳng. Tâm năng duyên vô minh, hữu ái diệt; si ái diệt, hoàn toàn tịch tĩnh, không còn chấp trước ngã và ngã sở nên gọi là bình đẳng. Vì ngã và ngã sở chấp vĩnh viễn không còn nên danh sắc tịch tĩnh, gọi là bình đẳng. Vì danh sắc diệt nên biên kiến không sanh, gọi là bình đẳng. Vì thường đoạn diệt nên thân kiến tịch tĩnh, gọi là bình đẳng.
Thiên vương phải biết: Năng chấp sở chấp tất cả phiền não chướng thiện ác ấy đều nương thân kiến mà sanh. Nếu các Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo năng diệt được thân kiến, tất cả phiền não và tùy miên đều vắng lặng, khởi muốn cũng dứt. Ví như đại thọ bị bật gốc rễ thì cành lớn cành nhỏ đều khô chết. Như người không đầu, mạng căn đều dứt. Tùy miên phiền não cũng lại như thế, nếu dứt thân kiến các thứ kia đều diệt hẳn. Nếu người quán được các pháp vô ngã thì năng chấp sở chấp đều vắng lặng hẳn.
(Cái bình đẳng mà Hiến Chương Liên Hiệp Quốc rêu rao như quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau, màu da sắc áo ngang nhau, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo bình đẳng v.v… và v.v…chỉ là cái vỏ bên ngoài. Cái bình đẳng bên trong “tất cả phiền não hư vọng phân biệt, tự tánh tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Danh tướng phân biệt, tự tánh tịch tĩnh, không sanh không diệt, nên gọi là bình đẳng. Các điên đảo diệt, không khởi phan duyên nên gọi là bình đẳng. Tâm năng duyên vô minh, hữu ái diệt; si ái diệt, hoàn toàn tịch tĩnh, không còn chấp trước ngã và ngã sở nên gọi là bình đẳng…”. Cái tịch tĩnh bên trong đưa đến cảnh giới thanh tịnh, mới chính là siêu việt. Bình đẳng tức là không, là đệ nhất nghĩa, là bất khả tư nghì. Nên nói không do Phật làm ra, không ai làm ra, bất khả đắc, không thể học, không thể chứng).
Tối Thắng lại bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Làm sao ngã kiến khởi lại làm chướng ngại chân lý?
Phật bảo Tối Thắng:
- Thiên vương nên biết! Đối với năm thủ uẩn, vọng chấp cho là ngã thì tức khởi ngã kiến. Pháp chân thực tự tính bình đẳng, không có nắm bắt và cái được nắm bắt, trái với ngã kiến, nên không gọi là chướng.
Thiên vương nên biết! Thông đạt bình đẳng, gọi là quán Không chơn thực. Không, Vô tướng, Vô nguyện, tự tính tịch tĩnh, không sinh, không diệt, không nắm bắt, không dính mắc, xa lìa ngã kiến, gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết! Nói ngã là không đến không đi, không có chơn thật, là pháp phân biệt hư vọng, từ vọng sanh, cũng là hư vọng. Nếu các Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện thiện xảo quán pháp như vậy thì lìa xa hư vọng, nên gọi là tịch tĩnh bình đẳng.
Thiên vương nên biết! Năng chấp, sở chấp gọi là lửa, xa lìa gọi là tịch tĩnh, hoặc chướng là lửa, xa lìa là tịch tĩnh. Nếu các Bồ Tát hành sâu Bát Nhã, dùng phương tiện thiện xảo, như thật biết năng chấp, sở chấp và các phiền não diệt thì thiện pháp tăng trưởng. Đoạn trừ năng chấp, sở chấp và các phiền não, nhưng không thấy sanh cũng không thấy diệt, nên gọi là bình đẳng. Tu hết thảy Ba la mật xa lìa ma chướng, nhưng không thấy có tu cũng không thấy có lìa nên gọi là bình đẳng.
(Bồ Tát phải quán ngoại duyên như thế nào để
Phát sanh tâm bình đẳng?)
Bồ Tát thường duyên Bồ đề phần pháp, không khởi tâm Thanh Văn, Độc giác mà đối với các Bồ đề phần pháp, Thanh Văn, Duyên Giác, không thấy tướng khác nhau, gọi là bình đẳng. Tâm duyên Nhất thiết trí, không có ngừng nghỉ, thường tu hạnh Không; vì lực Đại bi không bỏ chúng sinh, gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành sâu Bát Nhã thậm thâm, dùng phương tiện thiện xảo, đối với tất cả pháp, tâm duyên tự tại, tâm duyên vô tướng mà tu Bồ đề, không thấy vô tướng và Bồ đề khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Tâm duyên vô nguyện, không bỏ tam giới, không thấy vô nguyện và tam giới khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Quán thân bất tịnh, tâm trụ thanh tịnh. Quán hành vô thường, tâm duyên sanh tử mà không chán bỏ. Quán hữu tình khổ, trụ Niết bàn vui. Quán pháp vô ngã, khởi tâm đại bi đối với các loài hữu tình, thường vì hữu tình mà nói thuốc bất tịnh, nhưng không thấy bệnh tham; thường nói đại từ nhưng không thấy bệnh sân; thường nói duyên khởi nhưng không thấy bệnh si. Vì những kẻ bệnh như vậy mà nói thuốc vô thường, nhưng không thấy các bệnh và vô thường khác nhau. Như vậy, Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện thiện xảo, đối với tất cả pháp, tâm duyên tự tại, duyên pháp ly tham là giáo hóa Thanh văn, duyên pháp ly sân là giáo hóa Độc giác, duyên pháp ly si là giáo hóa Bồ Tát. Duyên tất cả sắc, vì nguyện được diệu sắc thanh tịnh vô sở đắc của Như Lai. Duyên tất cả âm thanh, vì nguyện được âm thanh vi diệu vô sở đắc của chư Phật. Duyên tất cả hương, vì nguyện được giới hương thanh tịnh vô sở đắc của chư Phật. Duyên tất cả vị, vì nguyện được tướng đại sĩ phu bậc nhất trong vị vô sở đắc của Như Lai. Duyên tất cả xúc, vì nguyện được bàn tay mềm mại vô sở đắc của Như Lai. Duyên tất cả pháp, vì nguyện được tâm tịch tĩnh vô sở đắc của Như Lai. Tâm duyên bố thí, vì muốn thành tựu thân tướng hảo của Phật. Tâm duyên tịnh giới, vì muốn được quốc độ cõi Phật thanh tịnh. Tâm duyên an nhẫn, nguyện được thân tịnh, quang minh, âm thanh Đại phạm của Như Lai. Tâm duyên tinh tấn, vì nguyện độ hữu tình thường không bị gián đoạn. Tâm duyên tĩnh lự, vì muốn thành tựu thần thông quảng đại. Tâm duyên Bát Nhã, vì muốn đoạn trừ tất cả phiền não vọng kiến. Tâm duyên đại từ bình đẳng vô ngại, vì muốn các hữu tình đều được an lạc. Tâm duyên đại bi, vì muốn hộ trì chánh pháp, cứu độ hữu tình thoát khỏi khổ lớn sanh tử. Tâm duyên đại hỷ, vì muốn được vô ngại tự tại nói pháp, làm vui tất cả hữu tình. Tâm duyên đại xả, vì không còn kiến chấp hữu tình, phiền não, trói buộc, tùy miên.
Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, không thấy hai việc thì gọi là hành bình đẳng. Duyên tứ nhiếp pháp vì hóa độ hữu tình. Duyên lỗi keo kiệt ganh ghét, vì bỏ tài sản, tu hành bố thí. Duyên lỗi phá giới, vì trụ tịnh giới. Duyên lỗi sân giận, vì muốn được an nhẫn. Duyên lỗi biếng nhác, vì muốn thành tựu đại lực tinh tấn của Như Lai. Duyên lỗi tán loạn, vì muốn đắc định thù thắng tịch tĩnh của Như Lai. Duyên lỗi ác tuệ, vì muốn thành tựu trí tuệ vô ngại của Như Lai. Duyên pháp nhị thừa, vì muốn thành tựu Đại thừa vô thượng. Duyên các cõi ác, vì muốn cứu độ tất cả hữu tình. Duyên các cõi thiện, vì muốn hữu tình biết quả của chư thiên và loài người đều sẽ tan hoại. Duyên các hữu tình, vì muốn hữu tình thông đạt tất cả chỉ là hư vọng, không bền chắc. Duyên tùy niệm Phật, vì muốn thành tựu định thù thắng trợ đạo. Duyên tùy niệm Pháp, vì muốn thông đạt các pháp bí tạng. Duyên tùy niệm Tăng, vì muốn hòa hợp chúng, tâm không thối chuyển. Duyên tùy niệm xả, vì không ái trước. Duyên tùy niệm giới, vì muốn được giới thanh tịnh. Duyên tùy niệm thiên, vì muốn thành tựu Bồ đề, chư thiên tán thán. Duyên tướng tự thân, vì muốn được thân Phật. Duyên tướng tự ngữ, vì muốn được Phật ngữ. Duyên tướng tự ý, vì muốn được tâm bình đẳng của chư Phật. Duyên pháp hữu vi, vì muốn thành tựu Phật trí. Duyên pháp vô vi, vì muốn được tịch tĩnh.
(Mỗi chữ trong đoạn kinh này là một viên ngọc, hiểu được cái bình đẳng này là thông hóa mọi cảnh giới mà thoát ly sanh tử, được Niết bàn tịch tĩnh, an vui)
(Thấy xấu thì biết tốt, tùy cơ giáo hóa chúng sanh)
Thiên vương nên biết! Các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật, không có luống qua một tâm một hạnh mà chẳng hồi hướng Nhất thiết trí. Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật như thế, tuy duyên khắp các pháp nhưng không chấp trước, cho nên gọi là phương tiện thiện xảo. Quán tất cả pháp đều hồi hướng đến đại Bồ đề. Giống như Tam thiên đại thiên thế giới sanh ra các vật, không một vật nào mà không được hữu tình thọ dụng. Cũng vậy, các cảnh giới mà Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật duyên vào, không có cảnh giới nào hồi hướng Bồ đề mà không lợi ích. Ví như các sắc, không có sắc nào mà không có nhân bốn đại chủng. Cũng vậy, các cảnh giới mà Bồ Tát duyên vào, không có một pháp nào mà không hướng đến Bồ đề. Vì sao? Vì Bồ Tát tu hành đều do ngoại duyên mà được thành tựu. Nghĩa là các Bồ Tát thấy nhờ kẻ keo kiệt mà thành tựu bố thí Ba la mật; nhờ thấy kẻ bội ơn mà thành tựu tịnh giới Ba la mật; nhờ thấy kẻ tánh ác mà thành tựu an nhẫn Ba la mật; nhờ thấy kẻ biếng nhác mà thành tựu tinh tấn Ba la mật; nhờ thấy kẻ tán loạn mà thành tựu tĩnh lự Ba la mật; nhờ thấy kẻ ngu si mà thành tựu Bát nhã Ba la mật.
Như các hữu tình làm tổn não Bồ Tát, Bồ Tát nhờ đó chiết phục sân giận. Như thấy người tu hành thiện pháp hướng đến Bồ đề, Bồ Tát sanh tâm xem như con mình. Như thế, Bồ Tát tán thán, không ưa chê bai, không sanh sân giận. Thấy người không vui, Bồ Tát khởi tâm đại từ. Thấy người đau khổ, Bồ Tát khởi tâm đại bi. Thấy người an vui, Bồ Tát khởi tâm đại hỷ. Thấy người không khổ, Bồ Tát khởi tâm đại xả. Vì người khó giáo hóa, Bồ Tát phát khởi Xa ma tha (chỉ). Vì người dễ giáo hóa, Bồ Tát phát khởi Tì bát xá na (quán). Vì người tín hạnh, Bồ Tát phát khởi trí tri ân. Nếu thấy hữu tình ác duyên bên ngoài mạnh hơn thiện duyên bên ngoài thì Bồ Tát khuyên nên thủ hộ. Nếu thấy người khỏe mạnh, đầy đủ năng lực thì Bồ Tát dùng đủ loại phương tiện dạy cho họ lãnh thọ giáo pháp. Nếu thấy hữu tình trí tuệ khai ngộ thì Bồ Tát tuyên thuyết pháp yếu sâu xa cho họ. Nếu thấy hữu tình giảng rộng mới ngộ thì Bồ Tát nói các pháp theo thứ lớp. Nếu các hữu tình chấp trước văn tự thì Bồ Tát nói cú nghĩa để cho họ hiểu. Nếu người đã học thiền chỉ thì Bồ Tát dạy thiền quán vi diệu. Nếu người đã học thiền quán thì Bồ Tát dạy thiền chỉ vắng lặng. Nếu người chấp chặt trì giới thì Bồ Tát nói địa ngục cho họ, nếu trì giới mà không chấp thì không nói điều này. Nếu người chấp văn tuệ thì Bồ Tát dạy tư tuệ. Nếu người chấp đẳng trì thì Bồ Tát dạy Bát Nhã. Nếu có người ưa thích A lan nhã thì Bồ Tát dạy pháp tâm viễn ly. Nếu có người thích nghe công đức của Phật thì Bồ Tát dạy cho họ nghe Thánh trí vô thượng.
Vì người tham dục, Bồ Tát dạy pháp bất tịnh. Vì người sân giận, Bồ Tát dạy pháp từ bi. Vì người ngu si, Bồ Tát dạy pháp duyên khởi. Vì người đẳng phần, Bồ Tát dạy các loại pháp, hoặc dạy pháp bất tịnh, hoặc dạy pháp từ bi, hoặc dạy pháp duyên khởi. Nếu người đã điều phục thì Bồ Tát dạy giới thanh tịnh, định thù thắng, tuệ vi diệu cho họ. Với người cần vào Phật thừa mới nhận sự giáo hóa thì Bồ Tát nói Ba la mật theo thứ lớp cho họ. Với người cần áp chế mới nhận sự giáo hóa thì Bồ Tát trước phải bẻ gãy ngôn từ của họ, sau mới nói pháp. Với người cần nghe nhiều ngôn từ mới nhận sự giáo hóa thì Bồ Tát nói nhân duyên thí dụ để cho họ được hiểu. Với người cần nghe pháp sâu xa mới nhận sự giáo hóa thì Bồ Tát nói Bát Nhã sâu xa, phương tiện thiện xảo, vô ngã, vô pháp cho họ.
Với người chấp thủ các kiến, Bồ Tát nên nói pháp Không. Với người nhiều tầm tứ, Bồ Tát nói pháp vô tướng. Với người chấp thủ pháp hữu vi, Bồ Tát nói pháp vô nguyện. Với người chấp thủ các uẩn, Bồ Tát nói pháp như huyễn. Với người chấp thủ các cõi, Bồ Tát nói pháp vô tánh. Với người chấp thủ các xứ, Bồ Tát nói pháp như mộng. Với người chấp thủ cõi Dục, Bồ Tát nói sự thiêu đốt hừng hực. Với người chấp thủ cõi Sắc, Bồ Tát nói pháp hành khổ. Với người chấp thủ cõi Vô sắc, Bồ Tát nói các hành vô thường. Với hữu tình khó giáo hóa, Bồ Tát tán thán Thánh chủng. Với hữu tình dễ giáo hóa, Bồ Tát nói pháp tĩnh lự và vô lượng tâm. Với người nghe nói sanh thiên mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói pháp an lạc. Với người nhờ nghe pháp Thanh văn mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói pháp Thánh đế. Với người nhờ nghe pháp Độc giác mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói pháp duyên khởi. Với người nhờ nghe pháp Bồ Tát mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói tâm thanh tịnh. Với người tu hạnh Bồ Tát với pháp đại từ bi thì Bồ Tát nói pháp phước và tuệ. Với Bồ Tát bất thối thì Bồ Tát nói pháp tịnh độ. Với Bồ Tát chỉ còn một lần sanh nữa thì Bồ Tát nói pháp nghiêm tịnh tòa Bồ đề. Với người cần nghe Phật nói mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói trình tự nhiều lần.
Thiên vương nên biết! Bồ Tát tu sâu hành Bát nhã Ba la mật thanh tịnh như vậy, bằng phương tiện thiện xảo, đạt được các tự tại, nói pháp lợi ích, không có lỗi hư rỗng.
Khi đức Thế Tôn nói pháp tự tại của Bồ Tát thì ba vạn trời, người đều phát tâm Vô thượng Bồ đề, năm ngàn Bồ Tát đắc vô sanh nhẫn.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền mỉm cười. Thường pháp của chư Phật mỉm cười như vậy thì từ miệng phóng ra vô lượng ánh sáng đủ màu sắc: Xanh, vàng, đỏ, trắng và màu pha lê, chiếu khắp mười phương vô biên thế giới, hiện bày việc hiếm có, rồi trở về chỗ Phật, nhiễu quanh ba vòng, sau đó nhập vào đảnh Ngài.
Khi thấy tướng tốt lành ấy, trong lòng Xá lợi Tử phân vân, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo y che vai trái, quì gối phải chấm đất, chắp tay cung kính bạch Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Ngài hiện tướng tốt lành này?
Phật bảo Xá lợi Tử:
- Này Xá lợi Tử! Trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp quá khứ, vị trời Tối Thắng ấy đã từng ở chỗ chư Phật, tu hành tất cả Ba la mật, vì các Bồ Tát mà thủ hộ Bát Nhã Ba la mật. Do nhân duyên đây, nên nay ông ta được gặp Như Lai, tiếp nhận Bát nhã Ba la mật, trải qua vô lượng, vô số đại kiếp đời vị lai, tu tập tư lương Bồ đề vô thượng, sau đó chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đầy đủ mười hiệu, tên Phật là Công Đức Trang Nghiêm, cõi nước tên là Tối Cực Nghiêm Tịnh, kiếp tên là Thanh Tịnh. Cõi ấy an lạc sung túc, dân chúng hưng thịnh đều là Bồ Tát Tăng, không có chúng Thanh văn. Đại địa cõi ấy do bảy báu trang nghiêm hợp thành, bằng phẳng như bàn tay, được trang sức bởi các loại cỏ cây, hương hoa xinh đẹp, không có các đồi núi gồ ghề, trang nghiêm bằng các loại cờ phướn lọng hoa. Cõi ấy có đô thành lớn tên là Nan Phục, bên trên được bao phủ bằng lưới bảy báu, kim tuyến bao quanh, linh vàng treo lơ lửng các góc. Ngày đêm sáu thời, trên không trung tấu nhạc và tán rải các loại hương hoa vi diệu của cõi trời. Dân chúng quốc độ ấy vui thích thọ lạc, thù thắng vi diệu hơn cả Thiên cung Tha hóa tự tại; trời, người đến đi không ngăn ngại nhau, không có ba đường ác và tên gọi Nhị thừa. Hữu tình cõi ấy chỉ cầu trí Phật. Phật ấy thường vì các đại Bồ Tát tuyên thuyết đủ loại pháp yếu thanh tịnh. Vô lượng, vô số, vô biên quyến thuộc Bồ Tát cõi ấy không có tà kiến chấp thủ, không có phá giới tà mạng, cũng không có đui, điếc, câm, ngọng, gù lưng, khuyết căn… và các việc xấu ác. Thân của các vị ấy được trang nghiêm bằng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Cõi ấy, đức Như Lai thọ tám tiểu kiếp, chúng trời, người không có ai chết yểu. Phật ấy có vô lượng công đức như vậy. Nếu Phật muốn nói pháp thì trước hết phóng ánh sáng. Thấy ánh sáng ấy, các chúng Bồ Tát biết đức Thế Tôn sắp nói pháp, liền cùng nhau đến nghe.
Khi ấy, chư thiên trải tòa Sư tử cho Phật. Tòa ấy cao rộng trăm do tuần, trang nghiêm bằng đủ loại, cúng dường vô lượng. Đức Thế Tôn thăng tòa, vì chúng mà thuyết pháp. Các Bồ Tát ấy lợi căn thông minh, nghe qua một lần là lãnh hội, lìa xa ngã và ngã sở, khi ứng niệm thì các vật dụng, đồ ăn thức uống liền đến.
Lúc Phật nói pháp thọ ký Tối Thắng thì năm vạn trời, người thân tâm vui vẻ, cùng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, đều nguyện đời vị lai sanh cõi Phật ấy.
Nghe Phật nói vậy, Tối Thắng vô cùng vui mừng, phấn khởi không sao tả được, bay lên hư không khoảng bảy cây Đa la, ba ngàn cõi biến động sáu cách, kĩ nhạc chư thiên không đánh tự kêu, tán rải các loại hoa trời cúng dường Phật, đại Bồ Tát và Thiên vương Tối Thắng.
Sau đó, Thiên vương Tối Thắng từ hư không bay xuống, đảnh lễ chân Phật, rồi ngồi một bên(1).
Thích nghĩa:
(1). Xin đọc Tạng Thư Phật Học (tangthuphathoc.net): Kinh “Thắng Thiên Vương Bát nhã Ba la mật”, Vương tử Nguyệt Bà Thủ Na, người nước Ưu Thiền Ni, dịch Phạn ra Hán đời Trần. Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, dịch từ Hán sang Việt, có tải trên các mạng Phật học, nên đọc song hành với pháp Hội thứ VI để hiểu biết thêm.
Lược giải:
1. Làm thế nào soi thấy các pháp bình đẳng?
Chúng ta thường mộc mạc nghĩ rằng tất cả mặt nước trên biển của thế giới bất cứ nơi nào… đều ngang nhau một mực, nên nói là bình đẳng. Hay nói bóng bẩy như Phật: Tất cả chúng sanh máu cùng đỏ, vị cùng mặn như nhau, đó là bình đẳng. Hay nghĩa vụ và quyền lợi của mọi sắc dân, mọi chủng tộc ngang nhau thì gọi là bình đẳng. Bình đẳng này chỉ có trên phương diện cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng, cộng đồng với các quốc gia dân tộc. Đây cái bình đẳng bên ngoài nên dễ thấy dễ biết. Vì nằm dễ thấy, dễ biết, nên dễ nói… Sống mà thấy biết như vậy và thực hành được như vậy là có trình độ, có đạo đức hơn người.
Lên một tầng nữa quán các pháp không sinh, không diệt, tự tánh vắng lặng. Do vậy, tất cả phiền não, giả dối, phân biệt, chấp trước, không sanh không khởi, tự tánh vắng lặng, nên nói là bình đẳng. Danh tướng hư vọng, các tưởng điên đảo, tâm phan duyên, ái hành bị chặt đứt... si ái không chỗ nương, không chỗ bám. Ngã và ngã sở không tồn tại thì danh sắc sẽ ngủ yên; danh sắc ngủ yên nên thân kiến, biên kiến, kiến thủ lấy đâu sanh khởi. Thân kiến, biên kiến, kiến thủ chẳng thể sanh khởi nên chấp đoạn, chấp thường không còn gốc rễ thì tâm thể được bình đẳng, như như.
Tất cả phiền não tương tục, năng thủ sở thủ, năng trước sở trước, chướng ngại pháp lành đều nương vào thân kiến sinh trưởng. Diệt được thân kiến thì tất cả tạo tác và kết sử đều đoạn dứt và vắng lặng, nên được bình đẳng. Đây là bình đẳng phát xuất từ bên trong, khó thấy. Vì khó thấy mà thấy được mới siêu việt. Như vậy, bệnh trong, bệnh ngoài hay cả hai không còn nữa thì pháp nhãn thanh tịnh. Lúc bấy giờ mới thấy chơn như, pháp giới, pháp tánh, bình đẳng tánh… hiện tiền. Nên thân tâm được như như bất động thì thân ngữ ý liền thanh tịnh. Nên Đại Bát Nhã thường bảo tất cả mọi thứ (năng duyên-sở duyên) trở nên tịch tĩnh nên nói là bình đẳng hay thanh tịnh.
Tất cả sai trái, phải quấy bắt đầu từ ngã kiến, ngã kiến che thì chướng ngại chân lý. Đối với thân năm ấm, vọng chấp có ngã liền sinh ngã kiến. Nhưng pháp chân thật tự tánh bình đẳng, như như, vốn không năng sở, chấp đắm. Chính do ngã kiến trái ngược chánh giác nên gọi là chướng.
Sạch trong sạch ngoài, không chỗ nương bám nên gọi là vắng lặng, tức gọi bình đẳng. Xa lìa ngã kiến, thấu rõ bình đẳng, gọi là quán không, tức là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Quán như vậy là chân thật, tức biết ngã không đến, không đi, không có phân biệt, tự tánh vắng lặng không sinh-diệt, không thủ-xả, xa lìa ngã kiến gọi là bình đẳng.
Thực hành Bát Nhã quán sát các pháp như vậy, xa lìa được hư vọng. Nên có thể biết như thật đã đoạn trừ phiền não. Đoạn trừ nhưng chẳng có gì để đoạn trừ, vì không thấy pháp để tu và không thấy pháp để xa lìa, tự nhậm xa lìa nên bình đẳng mà được tự tại.
Đoạn kinh của quyển 570, phẩm “Bình Đẳng”, Hội thứ VI này, được xem là thậm thâm khi nói về “bình đẳng tánh” trong thập nhị chân như, như sau:
- “Bạch đức Thế Tôn! Khi ngã kiến khởi thì chướng ngại chân lý như thế nào?
Phật bảo Tối Thắng:
- Thiên vương nên biết! Đối với năm thủ uẩn, vọng chấp cho là có ngã thì tức là khởi ngã kiến. Pháp chơn thật, tự tánh của nó bình đẳng, không có năng chấp và sở chấp. Nếu ngã kiến trái nhau, nên gọi là chướng ngại.
Thiên vương nên biết! Ngã kiến như vậy không ở trong, không ở ngoài, không ở hai bên, đều không có chỗ trụ nên gọi là tịch tĩnh, tức là bình đẳng viễn ly ngã kiến. Thông đạt bình đẳng, gọi là chơn thật Không. Quán sát Không, vô tướng, vô nguyện này tự tánh tịch tĩnh không sanh, không diệt, không thủ, không trước, xa lìa ngã kiến nên gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết! Nói ngã là không đến không đi, không có chơn thật, là pháp phân biệt hư vọng, từ vọng sanh, cũng là hư vọng. Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo quán pháp như vậy thì lìa xa hư vọng, nên gọi là tịch tĩnh bình đẳng.
Thiên vương nên biết! Năng chấp, sở chấp gọi là lửa thiêu đốt, lìa tên gọi tịch tĩnh. Các phiền não chướng gọi là lửa thiêu đốt, lìa tên gọi tịch tĩnh. Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo, như thật biết năng chấp, sở chấp và các phiền não diệt thì thiện pháp tăng trưởng. Đoạn trừ năng chấp, sở chấp và các phiền não, nhưng không thấy sanh cũng không thấy diệt, nên gọi là bình đẳng. Tu hết thảy chủng loại Ba la mật lìa xa ma chướng, nhưng không thấy có tu cũng không thấy có lìa nên gọi là bình đẳng. Bồ Tát thường duyên pháp phần Bồ đề, không tác ý khởi Thanh văn, Độc giác, nhưng đối với phần Bồ đề Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát không thấy dị tướng, nên gọi là bình đẳng. Tâm không ngừng nghỉ duyên Nhất thiết trí, thường tu hạnh Không, do lực đại bi mà không bỏ hữu tình, nên gọi là bình đẳng.
Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành Bát Nhã sâu xa, dùng phương tiện thiện xảo, đối với tất cả pháp, tâm duyên tự tại, tâm duyên vô tướng mà tu Bồ đề, không thấy vô tướng và Bồ đề khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Tâm duyên vô nguyện, không bỏ tam giới, không thấy vô nguyện và tam giới khác nhau, nên gọi là bình đẳng v.v...
(...) Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa, không thấy hai thì gọi là hành bình đẳng”.
Trong toàn thể Đại Bát Nhã không có phẩm nào thuyết về bình đẳng vi diệu như phẩm này.
2. Bồ Tát phải quán, phải duyên các pháp như thế nào?
Bồ Tát hành sâu Bát Nhã dạy chúng sanh 4 pháp quán về thân thọ tâm pháp là bất tịnh, là khổ, là vô thường, là vô ngã để chúng sanh tìm an vui Niết bàn v.v... Đó là quán.
Đối với tất cả pháp Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện thiện xảo, dạy chúng sanh tâm duyên tự tại là giáo hóa Thanh văn, duyên pháp ly sân là giáo hóa Độc giác, duyên pháp ly si là giáo hóa Bồ Tát. Duyên sắc, vì nguyện được diệu sắc thanh tịnh. Duyên âm thanh, vì nguyện được âm thanh vi diệu. Duyên hương, vì nguyện được giới hương thanh tịnh. Duyên vị, vì nguyện được tướng đại sĩ phu. Duyên xúc, vì nguyện được bàn tay mền mại để xoa dịu các nỗi đau thương của chúng sanh. Duyên tất cả pháp, vì nguyện được tâm tịch tĩnh.
“Tâm duyên bố thí, vì muốn thành tựu thân tướng hảo của Phật. Tâm duyên tịnh giới, vì muốn được quốc độ cõi Phật thanh tịnh. Tâm duyên an nhẫn, nguyện được thân tịnh, quang minh, âm thanh Đại phạm của Như Lai. Tâm duyên tinh tấn, vì nguyện độ hữu tình thường không bị gián đoạn. Tâm duyên tĩnh lự, vì muốn thành tựu thần thông quảng đại. Tâm duyên Bát Nhã, vì muốn đoạn trừ tất cả phiền não vọng kiến. Tâm duyên đại từ bình đẳng vô ngại, vì muốn các hữu tình đều được an lạc. Tâm duyên đại bi, vì muốn hộ trì chánh pháp, cứu độ hữu tình thoát khỏi khổ lớn sanh tử. Tâm duyên đại hỷ, vì muốn được vô ngại tự tại nói pháp, làm vui tất cả hữu tình. Tâm duyên đại xả, vì không còn kiến chấp hữu tình, phiền não, trói buộc, tùy miên”.
“... Duyên tứ nhiếp pháp vì hóa độ hữu tình. Duyên lỗi keo kiệt ganh ghét, vì bỏ tài sản, tu hành bố thí. Duyên lỗi phá giới, vì trụ tịnh giới. Duyên lỗi sân giận, vì muốn được an nhẫn. Duyên lỗi biếng nhác, vì muốn thành tựu đại lực tinh tấn của Như Lai. Duyên lỗi tán loạn, vì muốn đắc định thù thắng tịch tĩnh của Như Lai. Duyên lỗi ác tuệ, vì muốn thành tựu trí tuệ vô ngại của Như Lai, v.v...”.
Duyên tất cả pháp không kể tốt xấu mục đích giúp mình cải thiện thân tâm để trở thành con người phạm hạnh thánh thiện. Nếu thành công thì được cái thấy biết bình đẳng giữa chúng sanh và vạn hữu để dọn đường cho thánh trí tự giác xuất hiện.
3. Thấy xấu thì biết tốt, tùy cơ hóa độ chúng sanh.
Bồ Tát đối “Với người chấp thủ các kiến, thuyết pháp Không. Với người nhiều tầm tứ, Bồ Tát nói pháp vô tướng. Với người chấp thủ pháp hữu vi, Bồ Tát nói pháp vô nguyện. Với người chấp thủ các uẩn, Bồ Tát nói pháp như huyễn. Với người chấp thủ các cõi, Bồ Tát nói pháp vô tánh. Với người chấp thủ các xứ, Bồ Tát nói pháp như mộng. Với người chấp thủ cõi Dục, Bồ Tát nói sự thiêu đốt hừng hực. Với người chấp thủ cõi Sắc, Bồ Tát nói pháp hành khổ. Với người chấp thủ cõi Vô sắc, Bồ Tát nói các hành vô thường. Với hữu tình khó giáo hóa, Bồ Tát tán thán Thánh chúng. Với hữu tình dễ giáo hóa, Bồ Tát nói pháp tĩnh lự và vô lượng tâm. Với người nghe nói sanh thiên mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói pháp an lạc. Với người nhờ nghe pháp Thanh văn mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói pháp Thánh đế. Với người nhờ nghe pháp Độc giác mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói pháp duyên khởi. Với người nhờ nghe pháp Bồ Tát mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói tâm thanh tịnh. Với người tu hạnh Bồ Tát với pháp đại từ bi thì Bồ Tát nói pháp phước và tuệ. Với Bồ Tát bất thối thì Bồ Tát nói pháp tịnh độ. Với Bồ Tát chỉ còn một lần sanh nữa thì Bồ Tát nói pháp nghiêm tịnh tòa Bồ đề. Với người cần nghe Phật nói mới chịu sự giáo hóa thì Bồ Tát nói trình tự nhiều lần”.
Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật biết rõ tâm hành sai khác của chúng sanh mà thuyết pháp tùy theo căn cơ để hóa độ như vậy.
Kết luận chung:
(Cho 3 phẩm: Pháp giới, pháp tánh và bình đẳng tánh).
Chơn như: Chơn là chơn thực, như là thường như, thể tính của các pháp chơn thực thường như. Pháp giới tức là nói chỗ nương của muôn pháp(tức thế giới ngoại). Pháp tánh là nói bản thể(thế giới nội). Bình đẳng là nói tâm không hai mà pháp cũng bất nhị, lìa tướng sai biệt. Nếu thấy muôn pháp đổi dời, tâm theo khách trần bị lay động, thì đó là bệnh từ ngoài vào. Pháp vốn như, chẳng lúc nào chẳng như, nhưng tâm sanh diệt đổi dời, nên không thấy được như như. Đó là bệnh từ trong ra.
Phẩm “Hiện Tướng”, quyển 570, ĐBN nói: “Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát Nhã sâu xa như vậy, tâm không có chỗ duyên cũng không có chỗ trụ. Vì sao? Vì các Bồ Tát này, tâm không hành cũng không có chỗ hành, tâm không tưởng cũng không có chỗ tưởng, tâm không duyên cũng không có chỗ duyên, tâm không dính mắc cũng không có chỗ dính mắc, tâm không loạn cũng không có chỗ loạn, tâm không cao thấp, tâm không thuận nghịch, tâm không buồn, không vui, không phân biệt, lìa phân biệt…” Nếu tâm không phân biệt, lìa tướng phân biệt chấp trước, thì tất cả pháp đều vắng lặng bình đẳng như như. Như vậy, thì trong, ngoài, cả hai đều không bệnh, tức được thong dong tự tại!
Pháp không cũng là không, pháp như cũng là không, pháp giới cũng không, pháp tánh cũng không, bình đẳng tánh cũng là không nốt. Tất cả đều bất khả đắc, chỗ gọi là đệ nhất nghĩa đế. Tất cả như vậy không do Phật làm ra, không do ai làm ra, không thể tu, không thể chứng, nên gọi là bất khả tư nghì.
Phương pháp hóa đạo có khác là tùy theo căn tánh chúng sanh, nên Bồ Tát thuyết có quán, có duyên, có trong, có ngoài, có tốt, có xấu... nhưng tâm Bồ Tát luôn luôn như như bất động.
Phẩm “Thắng Nghĩa Du Già” Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: “Các pháp như (chân như), pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới. Như Lai ra đời hoặc chẳng ra đời, tánh tướng thường trụ, đấy gọi tất cả pháp tánh bình đẳng. Tánh bình đẳng đây gọi pháp thanh tịnh, đây nương thế tục nói là thanh tịnh, chẳng nương thắng nghĩa. Vì sao? Vì trong thắng nghĩa đế không phân biệt, không hý luận, bặt cả danh tự, ngôn thuyết”.
Trong phẩm “Bình Đẳng” này Phật cũng bảo:
“Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, dùng phương tiện thiện xảo, đối với tất cả pháp, tâm duyên tự tại, tâm duyên vô tướng mà tu Bồ đề, không thấy vô tướng và Bồ đề khác nhau, nên gọi là bình đẳng. Tâm duyên vô nguyện, không bỏ tam giới, không thấy vô nguyện và tam giới khác nhau, nên gọi là bình đẳng, v.v...
(...) Thiên vương nên biết! Nếu các Bồ Tát hành phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật sâu xa, không thấy hai thì gọi là hành bình đẳng”.
Tri kiến được Chơn như, Pháp giới, Pháp tánh, Bình đẳng tánh hay nói chung là thập nhị chân như tức Giác ngộ, thì có thể tháo gở được bức màn đen tối phủ kín tâm thức ngàn đời để chứng thật tế, được giải thoát mà sang bờ kia! Vì vậy, trong nhiều pháp hội thuộc ĐBN Phật thường nói Không, Như như, Bình đẳng và Thanh tịnh là các đại luân tự, là pháp ấn, là trí ấn, trí tạng của chư Phật. Vì chúng là thân ấn, ngữ ấn, tâm ấn cũng là trí ấn, trí tạng ba đời của tất cả chư Phật. Phật tu Bồ Tát đạo, phải chứng thân bình đẳng mới được 10 thân Như Lai.
Phẩm“Bất Khả Động”, quyển 386, Hội thứ I, ĐBN. Nói:
“Nếu bản tánh của tất cả pháp chẳng không, thì các đại Bồ Tát chẳng vì các hữu tình thuyết tất cả pháp đều bản tánh không; thuyết như thế là hoại bản tánh không. Nhưng bản tánh không, lý chẳng thể hoại, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Vì sao? Vì lý bản tánh không không phương, không xứ, không từ đâu đến, cũng không về đâu. Lý không như thế cũng gọi là pháp tánh. Trong ấy không có pháp, không tụ, không tán, không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; tất cả pháp ấy vốn là tánh an trụ. Các đại Bồ Tát an trụ trong đó, cầu đạt quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thấy các pháp có chỗ hướng đến, không chỗ hướng đến, vì tất cả pháp hoàn toàn không sở trụ, cho nên gọi là pháp trụ. Các đại Bồ Tát an trụ trong đó, tu hành Bát Nhã, thấy tất cả pháp bản tánh không rồi, nhất định hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao, được bất thối chuyển. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp có thể gây chướng ngại. Vì thấy tất cả pháp không chướng ngại nên đối với quả vị Giác ngộ tối cao chẳng sanh nghi hoặc, vì vậy nên không bao giờ thối thất”.
Tu như vậy là đạt đến biên tế thực tại của tất cả pháp. Nên nói là chứng thật tế thì có thể nhập Niết bàn. Người nào chứng được Chân như Thật tánh các pháp thì được xem là Giác ngộ. Vì vậy, Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ nhất, tập 2, quyển 32, nói rằng: “Khi đã vào được nơi Thật Tướng pháp rồi, thì chẳng còn có sự phân biệt giữa tướng và tánh. Lúc bấy giờ, tướng và tánh chỉ là một, chẳng phải hai, chẳng phải khác. Bởi vậy, nên Thật Tướng pháp còn được gọi là: Pháp như, pháp tánh, thật tế.
- Pháp Như: Là tánh như như, bất biến của các pháp. Tánh ấy vốn thường KHÔNG.
- Pháp Tánh: Là bản tánh, là thật thể của các pháp. Tánh ấy vốn thường KHÔNG.
- Thật Tế: Là lý chân thật, vẹn toàn của các pháp. Thật Tế vốn cũng thường KHÔNG.
Hỏi: Pháp Như, Pháp Tánh và Thật Tế có 3 nghĩa riêng khác, hay chỉ có một nghĩa thôi?
Đáp: Pháp Như, Pháp Tánh và Thật Tế đều là Thật Tướng Pháp cả, đều diễn đạt lý KHÔNG của các pháp. Chỉ là một nghĩa mà có 3 tên gọi khác nhau, để tùy trường hợp rộng giải về lý KHÔNG.
Đây chỉ là phương tiện. Thật ra Pháp Như, Pháp Tánh, Thật Tế đều là bất khả đắc cả”.
Do đó, trong Đại thừa giáo, tất cả từ Chơn như, Pháp giới, Pháp tánh, Bất hư vọng tánh, Bất biến dị tánh, Bình đẳng tánh, Pháp định, Pháp trụ, Thật tế, Hư không giới, Bất tư nghì giới, Phật tánh, Tánh Không, Vô tướng, Thật Tướng, Pháp thân, Viên Thành Thực, Tự tánh Thanh tịnh thân, Bản lai diên mục, Như như, Niết bàn… tất cả những từ này đồng nghĩa với nhau, chúng lưu xuất từ giữa lòng chân tánh của tất cả vật thể trần gian hay nói theo thuật ngữ đạo Phật, từ trong cùng một bào thai của Như Lai gọi là Như Lai Tạng nên gọi là như. Chứng được như đó thì trở thành Như Lai không khác./.
---o0o---