Phần sau quyển 347 cho đến hết quyển 348, Hội thứ I, ĐBN.
(Tương đương với phẩm "Bất Khả Tận" quyển thứ 21, MHBNBLM)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
Vì sắc bất khả tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát Nhã để hướng dẫn(1); vì thọ, tưởng, hành, thức bất khả tận, nên đại Bồ Tát phải lấy Bát Nhã để hướng dẫn; mười hai xứ bất khả tận, mười tám giới bất khả tận, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, Tứ đế, ba mươi bảy pháp trợ đạo, Nhất thiết trí… cho đếnquả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật bất khả tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát nhã Ba la mật đểhướng dẫn.
Vì sắc như hư không bất khả tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát Nhã để hướng dẫn; vì thọ, tưởng, hành, thức như hư không bất khả tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát Nhã để hướng dẫn; mười hai xứ, mười tám giới như hư không bất khả tận, tứ thiền, tứ vôluợng, tứ định vô sắc, Nhất thiết trí v.v… cho đếnquả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật như hư không,bất khả tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát nhã Ba la mật để hướng dẫn.
Vì đại Bồ Tát quán vô minh như hư không bất khả tận nên phải lấy Bát Nhã để hướng dẫn; vì đại Bồ Tát quán hành như hư không bất khả tận nên phải lấy Bát Nhã để hướng dẫn; vì đại Bồ Tát quán thức, quán danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử (mười hai chi duyên khởi) như hư không bất khả tận nên phải lấy Bát nhã Ba la mậtđể hướng dẫn.
Các đại Bồ Tát ngồi tòa Bồ đề, như thật quán sát mười hai chi duyên khởi giống như hư không, chẳng cùng tận, xa lìa nhị biên, nên có khả năng mau chứng Nhất thiết trí trí.
Nên biết, nếu đại Bồ Tát dựa vào hành tướng như hư không bất khả tận, lại dùng các phương tiện thiện xảo Bát Nhã hướng dẫn, như thật quán sát mười hai chi duyên khởi, sẽ không bị thối chuyển, chẳng đọa vào bậc Thanh văn và Độc giác, lại mau an trụ quả vị Giác ngộ tối cao.
Nếu đại Bồ Tát khi quán sát pháp duyên khởi như thế, chẳng thấy có pháp nào không có nhân mà sanh khởi; chẳng thấy có pháp nào không có nhân mà hoại diệt; chẳng thấy có pháp nào thường trụ bất diệt; chẳng thấy có pháp nào có ngã, hữu tình, dòng sanh mạng cho đến cái thấy cái biết; chẳng thấy có pháp nào thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, hoặc vắng lặng hoặc chẳng vắng lặng, hoặc viễn ly hoặc chẳng viễn ly. (Q. 348, ĐBN)
Các đại Bồ Tát muốn tu hành Bát nhã Ba la mật thì phải quán sát duyên khởi như thế. Chỉ khi nào đại Bồ Tát tu hành thậm thâm Bát nhã Ba la mật thì đại Bồ Tát ấy chẳng thấy sắchoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, hoặc vắng lặng hoặc chẳng vắng lặng, hoặc viễn ly hoặc chẳng viễn ly; cũng chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã v.v… Chỉ khi nào đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã đến chỗ thậm thâm, thì khi ấy đại Bồ Tát chẳng thấy mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vôluợng, tứ định vô sắc, Nhất thiết trí trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã v.v…
Chỉ khi nào đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã đến chỗ thậm thâm, thì khi ấy đại Bồ Tát tuy tu hành Bát Nhã nhưng chẳng thấy Bát Nhã có sở hành; lại cũng chẳng thấy pháp năng hành Bát Nhã. Lúc đại Bồ Tát tu hành đến chỗ thậm thâm Bát Nhã, lúc ấy đại Bồ Tát tuy tu hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí nhưng chẳng thấy có sở hành tịnh lự cho đến bố thí; lại cũng chẳng thấy có pháp năng hành tịnh lự cho đến bố thí; lại cũng chẳng thấy có “cái thấy”.
Lúc đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã đến chỗ thậm thâm, lúc ấy đại Bồ Tát tuy an trụ pháp không nội mà chẳng thấy có sở trụ pháp không nội; lại cũng chẳng thấycó pháp năng thấy sở trụ pháp không nội, pháp không nội ngoại, pháp không không… cho đến pháp không không tánh tự tánh; lúc ấy đại Bồ Tát tuy an trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế v.v… mà chẳng thấy có sở trụ chơn như; lại cũng chẳng thấy có pháp năng thấy sở trụ pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế v.v…; lại cũng chẳng thấy có “cái thấy”.
Chỉ khi nào Bồ Tát tu hành Bát Nhã đến chỗ thậm thâm, thì khi ấy đại Bồ Tát tuy an trụ Thánh đế khổ, Thánh đế tập, diệt, đạo mà chẳng thấy có sở trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; lại cũng chẳng thấy có pháp năng thấy sở trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Lúc đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã đến chỗ thậm thâm, lúc ấy đại Bồ Tát tuy tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc,37 pháp trợ đạo, ba môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, thập vị Bồ Tát, ngũ nhãn, lục thần thông, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, 18 pháp Phật bất cộng,pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả,Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí, tất cả pháp môn Đà la ni, Tam ma địa, bốn quả Thanh văn, Bích Chi Phật, tất cả Bồ Tát hạnh, quả vị Giác ngộ tối cao… nhưng chẳng thấy pháp, chẳng thấy năng tu, sở tu. Các đại Bồ Tát đối với tất cả pháp hoàn toàn không có sở đắc, nên mới có thể hành Bát Nhã thậm thâm như thế.
Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu hành Bát Nhã như thế, thì khi ấy ác ma rất lo buồn đau đớn như trúng phải tên độc, hay giống như người có thân nhân mới chết.
Nếu đại Bồ Tát thường an trụ hạnh an trụ tối thắng của Bát nhã Ba la mật thì trời, người, A tu la v.v... trong thế gian có rình tìm khuyết điểm của vị ấy cũng không thể tìm được, cũng chẳng có thể nào làm cho các vị ấy lo buồn. Vì vậy, nếu đại Bồ Tát muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao, thì phải siêng năng an trụ hạnh an trụ tối thắng Bát Nhã.
Lại nữa, nếu đại Bồ Tát có khả năng an trụ vững chắc hạnh an trụ tối thắng Bát Nhã thì có khả năng tu đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự Ba la mật. Nếu đại Bồ Tát có khả năng tu hành chơn chính Bát nhã Ba la mật thậm thâm, thì có khả năng tu đầy đủ tất cả Ba la mật.
Nếu đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật không điên đảo, dùng tâm Nhất thiết trí mà tu lục Ba la mật, lại đem công đức tu các pháp ấy ban cho tất cả hữu tình cùng hưởng như nhau, rồi hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là đại Bồ Tát có khả năng tu hành chơn chính Bát Nhã, lại có đủ khả năng tu đầy đủ sáu Ba la mật.
Thích nghĩa:
(1). Hướng dẫn: Nguyên văn chữ Hán là “引發”, thường dịch là dẫn phát hay dẫn hướng, có nghĩa làđưa đến, đem đến. Như dịch trong câu:“Thiện Hiện nên biết! Vì sắc vô tận nên đại Bồ Tát phải dẫn phát Bát nhã Ba la mật; vì thọ, tưởng, hành, thức vô tận nên đại Bồ Tát phải dẫn phát Bát nhã Ba la mật”. Chúng tôi dịch là hướng dẫn hay dẫn hướng. Nên câu trên có thể dịch là “Thiện Hiện nên biết! Vì sắc vô tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát nhã Ba la mật để dẫn hướng; vì thọ, tưởng, hành, thức vô tận nên đại Bồ Tát phải lấy Bát nhã Ba la mật để dẫn hướng”.
Lược giải:
Cảm thọ và ý thức là cái giúp con người sống, không ai có thể sống mà không cảm thọ, ý thức. Cảm thọ và ý thức giúp con người sống nhưng đôi khi lừa phỉnh con người, mà con người không tự biết. Xấu hay đẹp, ngon hay dở, lạnh hay nóng là tùy người. Người khỏe mạnh vào phòng lạnh thì cho là mát mẻ, trong khi người ốm vào phòng lạnh chịu không thấu. Người khỏe ăn cái gì cũng thấy ngon, người ốm ăn cái gì cũng thấy dở. Bản thân của con người không phải là máy phân tích, đo lường hay là hàn thử biểu. Do đó, có những cảm nhận khác nhau. Đó chỉ nói về những cảm thọ thuộc về vật chất. Sự khác biệt thuộc về ý thức lại càng to lớn hơn nữa. Ý thức về giá trị, về văn hóa, đạo đức, tâm linh… là những sai biệt tất nhiên trong cuộc đời thường. Chúng là những sai biệt... tưởng chừng như không thể nào san bằng được.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thế giới nội hay ngoại là biểu tượng cho những sai biệt bất tận. Bát nhã Ba la mật là vô phân biệt, là pháp môn bất nhị. Vì vậy, Bát nhã Ba la mật mới có thể đối trị những sai biệt đó. Bát Nhã chiếu soi tới đâu thì tất cả pháp thiên sai vạn biệt đều phải phơi bày thật tướng của nó. Nên Bát Nhã mới có thể tháo gỡ được những trói buộc trôi nổi này.
Vì vậy, khi Bồ Tát một khi thâm nhập được Bát nhã Ba la mật, sống trong pháp không mới chẳng thấy sắc hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh, hoặc vắng lặng hoặc chẳng vắng lặng, hoặc viễn ly hoặc chẳng viễn ly; cũng chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã v.v… Bồ Tát cũng chẳng thấy mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lương, tứ định vô sắc, Nhất thiết trí trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao hoặc thường hoặc vô thường, hoặc lạc hoặc khổ, hoặc ngã hoặc vô ngã v.v… Bồ Tát chẳng thấy tất cả pháp, chẳng thấy năng tu, sở tu, cả đến chẳng thấy Bát nhã Ba la mật là năng hành, sở hành. Vì đối với tất cả pháp, Bồ Tát biết tất cả pháp là không, hoàn toàn bất khả đắc, nên mới có thể tránh được trói buộc của cảm quan và ý thức mà an trụ trong Bát nhã Ba la mật.
Đó là Bồ Tát an trụ hạnh an trụ tối thắng của Bát nhã Ba la mật. “Nếu đại Bồ Tát có khả năng an trụ vững chắc hạnh an trụ tối thắng Bát nhã Ba la mật thì có khả năng tu đầy đủ bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Nếu đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật không điên đảo, dùng tâm Nhất thiết trí mà tu lục Ba la mật, lại đem công đức tu các pháp ấy ban cho tất cả hữu tình cùng hưởng như nhau, rồi hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đó là đại Bồ Tát có khả năng tu hành chơn chính Bát nhã Ba la mật, lại có đủ khả năng tu đầy đủ sáu Ba la mật”.
Nhưng đó không phải là hạnh dễ hành. Kinh nói: “Chỉ khi nào đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật đến chỗ thậm thâm, thì khi ấy đại Bồ Tát tuy tu hành Bát nhã Ba la mật nhưng chẳng thấy Bát nhã Ba la mật có sở hành; lại cũng chẳng thấy pháp năng hành Bát nhã Ba la mật. Lúc đại Bồ Tát tu hành đến chỗ thậm thâm Bát nhã Ba la mật, lúc ấy đại Bồ Tát tuy tu hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí nhưng chẳng thấy có sở hành tịnh lự cho đến bố thí; lại cũng chẳng thấy có pháp năng hành tịnh lự cho đến bố thí; lại cũng chẳng thấy có “cái thấy”.
Tu hành Bát Nhã đến chỗ thậm thâm như vậy, thời chẳng thấy năng hành sở hành Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy người hành, pháp hành, cũng lại chẳng thấy có “cái thấy” đó. Hành như vô sự, vô đạo hành là hành Bát nhã Ba la mật. Nên không thấy không biết: Không thấy sở duyên, không thấy sở trụ là không sở hành, thì không có gì ngăn ngại, trói buộc nữa.
Đó là chỗ thâm áo: Hành như vô hành là hành Bát nhã Ba la mật. Nếu những ai nắm được giáo lý này mà tu hành thì có thể tháo gỡ những rối rắm trói buộc của tâm và tâm sở pháp mà thành đạo tướng trí./.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.