- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
PHẨM "CĂNG GIÀ THIÊN"
Phần giữa quyển 517, Hội thứ III, ĐBN.
(Tương đương phẩm cùng tên “Căng Già Thiên”,
phần cuối cùng quyển 451, Hội thứ II, ĐBN)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
Lúc bấy giờ, trong hội có Thiên nữ tên Căng già Thiên, rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy, lạy sát chân Phật, trịch áo bày vai hữu, quỳ gối phải sát đất, chắp tay thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con có thể làm viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật và có thể bảo hộ các cõi Phật mà đức Thế Tôn đã nói với đại chúng hôm nay.
Nói xong, Căng già Thiên liền lấy các loại trang nghiêm, nào hoa vàng, hoa bạc, hoa mộc trên đất và đem một cặp áo trời màu vàng ròng, cung kính chí thành dâng lên đức Phật. Nhờ thần lực của Phật, những vật cúng dường vọt lên không trung, uyển chuyển xoay về phía phải, ở trên đỉnh Phật, biến thành đài báu, bốn góc có bốn trụ, trang hoàng đẹp đẽ, rất khả ái. Thế rồi Thiên nữ đem đài báu này bình đẳng ban cho các hữu tình và cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Biết ý chí sâu xa của Thiên nữ, Như Lai liền mỉm cười. Thường khi chư Phật mỉm cười thì có ánh sáng đủ màu sắc từ miệng phát ra. Nay Phật cũng như vậy, từ trong miệng phóng ra ánh sáng đủ màu sắc như: xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, lục, biếc v.v… chiếu khắp cả vô lượng, vô biên thế giới chư Phật trong mười phương, rồi trở lại tỏa hiện lớn ra nhập vào đỉnh đầu của Phật.
Thấy vậy, A Nan Đà đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, trịch áo bày vai phải, quỳ gối sát đất, chắp tay thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười như vậy? Thường chư Phật mỉm cười đều có nguyên do.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Khánh Hỷ:
- Thiên nữ này vào đời vị lai sẽ thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nói rộng cho đến Phật Thế Tôn, kiếp tên Tinh Dụ, Phật hiệu Kim Hoa.
Khánh Hỷ nên biết! Thiên nữ này là thọ thân nữ cuối cùng. Sau khi xả bỏ thân này sẽ thọ thân nam, đến tận đời vị lai không làm thân nữ nữa. Từ đây qua đời, sanh trong thế giới Phật Bất Động Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở phương Đông, một cõi Phật rất là an lạc. Ở cõi Phật đó tu hành phạm hạnh. Do thiên nữ này ở cõi kia nên có tên Kim Hoa, tu Bồ Tát hạnh.
Khánh Hỷ nên biết! Bồ Tát Kim Hoa sau từ thế giới Phật Bất Động qua đời, lại sanh vào phương khác. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sanh ra nơi nào cũng không bao giờ lìa Phật. Giống như vua Chuyển luân từ cung điện báu này đến cung điện báu khác, sung sướng thọ lạc cho đến khi qua đời, chân cũng không dính đất. Bồ Tát Kim Hoa cũng vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cho đến khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, sanh nơi nào cũng gặp chư Phật, luôn luôn được nghe chánh pháp, tu hành Bồ Tát hạnh.
Khi ấy, A Nan Đà thầm nghĩ: Khi Bồ Tát Kim Hoa thành Phật cũng tuyên thuyết Bát Nhã thậm thâm. Chúng Đại Bồ Tát ở trong hội của Bồ Tát Kim Hoa có nhiều bằng số Bồ Tát của Phật hiện nay không?
Biết tâm niệm của A Nan Đà, đức Phật nói:
- Đúng vậy! Đúng như ông đã nghĩ! Khi Bồ Tát Kim Hoa thành Phật cũng tuyên thuyết Bát Nhã thậm thâm cho chúng hội. Chúng Bồ Tát trong hội của Bồ Tát Kim Hoa cũng đông như chúng Bồ Tát của hội Phật hiện nay.
Khánh Hỷ nên biết! Khi Bồ Tát Kim Hoa thành Phật, số đệ tử xuất gia rất nhiều, không thể nào đếm được, lên đến cả trăm ngàn ức v.v... Chỉ có thể nói là vô lượng, vô biên.
Khánh Hỷ nên biết! Khi Bồ Tát Kim Hoa thành Phật, quốc độ đó không có những tai họa, giống như Ta đã nói trước đây.
Bấy giờ, Khánh Hỷ lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thiên nữ này trước đây đã phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng với vị Phật nào mà nay được gặp Phật để cúng dường, cung kính lại được thọ ký Bất thối chuyển?
Phật dạy:
- Khánh Hỷ! Thiên nữ này đã phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành và phát nguyện hồi hướng với Phật Nhiên Đăng, cho nên nay được gặp Ta cung kính, cúng dường và liền được thọ ký Bất thối chuyển.
Khánh Hỷ nên biết! Ở nơi Phật Nhiên Đăng thời quá khứ, Ta đem năm cành hoa sen dâng cúng, phát nguyện hồi hướng vị Phật ấy. Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết căn cơ của Ta đã thành thục và thọ ký cho Ta: Đời đương lai, ông sẽ thành Phật hiệu là Năng Tịch, thế giới tên Kham Nhẫn, kiếp hiệu là Hiền. Khi ấy, Thiên nữ nghe Phật Nhiên Đăng thọ ký đại Bồ đề cho Ta, hoan hỷ khôn siết, liền lấy hoa bằng vàng ròng dâng lên cúng dường Phật và phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng: Tôi (Thiên nữ) nguyện vào đời tương lai, khi Bồ Tát này(tức đức Thích Ca) thành Phật rồi, sẽ thọ ký đại Bồ đề cho tôi, giống như Phật Nhiên Đăng hôm nay. Để chứng cho lời nguyện đó cho nên ngày nay Ta thọ ký cho Kim Hoa.
Bấy giờ, nghe Phật nói vậy, Khánh Hỷ quá vui mừng, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thiên nữ này xưa đã phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng. Nay đã được thành thục cho nên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ ký cho cô ta?
Phật bảo:
- Khánh Hỷ! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Căn lành của cô ta đã thành thục nên nay được Ta thọ ký.
Sơ giải:
Đây là một phẩm ngắn viết theo lối trần thuật. Ai cũng có thể hiểu. Phẩm này như đã được chiết giải trước đây, không phải là một phẩm đặc biệt, trở thành đặc biệt với một nhân vật mới lạ không có tên tuổi xuất hiện đột ngột và được Phật thọ ký có tên là Căng Già Thiên. Sở dĩ, thiên nữ này được Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký là vì thiên nữ đã tích tụ công đức thiện căn đầy đủ đồng thời tu tập các pháp mầu Phật đạo và lục Ba la mật mới được phúc duyên này.
Vậy, những ai tích tụ thiện căn công đức, siêng năng tu tập các pháp mầu Phật đạo đều có phần. Giác ngộ hay được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không phải là độc quyền của Phật mà là phần thưởng của Phật dành cho tất cả mọi người kể từ khi Phật giác ngộ. Vậy, ai cũng có cơ hội nếu có đầy đủ hạnh nguyện và quyết tâm!
---o0o---