- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
PHẨM “PHẬT MẪU"
Quyển 305 đến phần đầu quyển 308, Hội thứ I, ĐBN.
(Tương đương với phẩm “Phật Mẫu” quyển thứ 16, MHBNBLM)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
1. Bát Nhã là Mẹ của chư Phật.
(Phần nầy tương đương với phẩm “Phật Mẫu”
quyển thứ 16, MHBNBLMĐ)
Như người mẹ sanh nhiều con, nuôi dưỡng giáo dục cho chúng lớn khôn, thành đạt nên người. Bây giờ, người mẹ già yếu bệnh tật, các con phải hết lòng phụng dưỡng mẹ để báo ân. Các con tự nghĩ: Sở dĩ ta được khôn lớn nên người là nhờ mẹ tảo tần nuôi nấng chúng ta. Bây giờ, mẹ già yếu bệnh tật, thân thể không an lạc, lại nhiều phiền muộn, lo nghĩ… ta phải dùng lương thực, thuốc thang thượng diệu cung phụng mẹ, lại phải ân cần săn sóc an ủi để mẹ được an lạc sung sướng.
Tất cả Như Lai trong mười phương thế giới cũng chăm sóc hộ niệm Bát nhã Ba la mật như vậy! Vì Bát nhã Ba la mật thậm thâm có công năng phát sanh tất cả công đức của chư Phật, có công năng chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Nhờ Bát nhã Ba la mật nầy mà lục Ba la mật, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết chủng trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao(1) ở quá khứ, hiện tại, vị lai xuất hiện ở thế gian.
Do nhân duyên đó nên tất cả Như Lai mười phương thế giới đều biết ơn. Vì vậy, Như Lai ở mười phương thường dùng Phật nhãn quán sát hộ niệm Bát nhã Ba la mật này.
Các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, nếu thường nghe, hỏi, sao chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, rộng nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm thì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong mười phương thế giới thường dùng Phật nhãn quán sát hộ niệm khiến thân tâm họ thường được an lạc, tu các thiện nghiệp không có trở ngại, đối với quả vị Giác ngộ tối cao không thối thất. (Q.305, ĐBN)
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng: Vì sao Bát nhã Ba la mật thẳm sâu năng sanh chư Phật? Vì sao Bát nhã Ba la mật thẳm sâu năng chỉ thật tướng các pháp thế gian? Vì sao chư Phật từ Bát nhã Ba la mật thẳm sâu xuất sanh? Vì sao chư Phật nói tướng thế gian?
- Vì Bát nhã Ba la mật có công năng xuất sanh năm loại mắt, sáu phép thần thông; hoặc Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; hoặc Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí… Vô lượng, vô biên công đức của chư Phật như thế đều từ Bát nhã Ba la mật sanh; do đạt được công đức của chư Phật như thế cho nên gọi là Phật. Bát nhã Ba la mật có nhiều công năng xuất sanh công đức chư Phật, do đó nên nói có công năng xuất sanh chư Phật, cũng nói chư Phật từ Bát nhã Ba la mật xuất sanh.
- Vì Bát nhã Ba la mật đều chẳng nói năm uẩn có thành - có hoại, có sanh - có diệt, có nhiễm - có tịnh, có tăng - có giảm, có nhập - có xuất. Bát Nhã cũng chẳng nói năm uẩn có quá khứ, vị lai, hiện tại, có thiện, có bất thiện, có vô ký, có sự ràng buộc của ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc. Vì sao? Vì chẳng phải các pháp không có thành có hoại, chẳng phải pháp vô tướng có thành có hoại, chẳng phải pháp vô tác có thành có hoại, chẳng phải pháp vô sanh diệt có thành có hoại... Vì tướng các pháp hiển thị như vậy nên Phật nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm hay hiển thị tướng thế gian.
Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát nhã Ba la mật có thể chứng biết hết vô lượng, vô số tâm hành sai biệt của các loại hữu tình. Nhưng trong lý của Bát nhã Ba la mật thậm thâm này không có hữu tình, không có thi thiết hữu tình có thể nắm bắt được; không có sắc, không có thi thiết sắc có thể nắm bắt được; không có thọ, tưởng, hành, thức, không có thi thiết thọ tưởng hành thức có thể nắm bắt; không có mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất công, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao; không có thi thiết tất cả pháp nói trên có thể nắm bắt được. Thế nên Bát nhã Ba la mật sâu xa nầy hay hiển thị tướng thế gian.
Này Thiện Hiện! Nhưng trong lý Bát Nhã thậm thâm đây chẳng chỉ rõ sắc, chẳng chỉ rõ thọ tưởng hành thức. Vì sao? Vì trong lý Bát nhã Ba la mật như thế, Bát nhã Ba la mật còn vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt, huống là có sắc thọ tưởng hành thức có thể chỉ rõ được. Trong lý Bát nhã Ba la mật thậm thâm chẳng chỉ rõ Nhất thiết trí... cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì trong lý Bát Nhã như thế, Bát Nhã còn vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, huống là có tất cả pháp Phật có thể chỉ rõ được.
Có bao nhiêu danh số chúng sanh hoặc loài có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng… ở quốc độ nầy nhẫn đến khắp quốc độ mười phương. Những chúng sanh ấy hoặc nhiếp tâm, hoặc loạn tâm đức Phật đều biết thật rõ tất cả tâm niệm của họ. Tại sao đức Phật biết rõ được? Là do đức Phật dùng pháp tánh(2)nên biết rõ. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết như thật trong pháp tánh, pháp tánh còn chẳng thể nắm bắt được, huống là có nhiếp tâm hay loạn tâm.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác do tận diệt ly biến nên như thật biết nhiếp tâm hay loạn tâm của các loại hữu tình.
Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác do tận diệt ly biến nên như thật biết nhiếp tâm hay loạn tâm của các loại hữu tình?
Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thật biết tận diệt ly biến; do tánh của tận v.v... còn chẳng thể nắm bắt được, huống là có nhiếp tâm, loạn tâm! Này Thiện Hiện! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ấy, nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm, do tận v.v... nên như thật biết nhiếp tâm, loạn tâm của các loại hữu tình ấy.
Do Bát Nhã mà đức Phật biết thật rõ nhiễm tâm của chúng sanh, biết thật rõ sân tâm, si tâm của chúng sanh, nếu chúng sanh có nhiễm tâm, sân tâm, si tâm. Tại sao đức Phật biết thật rõ như vậy? Vì thật tướng của tâm không có tướng nhiễm, không có tướng sân, không có tướng si. Trong thật tướng không có tâm vương, tâm sở(3), huống có nhiễm tâm, sân tâm, si tâm hay có tâm chẳng nhiễm, chẳng sân, chẳng si.
Do Bát nhã Ba la mật, nếu chúng sanh có quảng tâm(4), đức Phật biết thật rõ quảng tâm của chúng sanh. Vì đức Phật biết tâm tướng của chúng sanh chẳng rộng, chẳng hẹp, chẳng tăng, chẳng giảm, chẳng đến, chẳng đi, vì tâm tướng rời lìa, vì tâm tánh vốn không, nên không có gì làm rộng, làm hẹp, làm tăng giảm, đến đi.
Do Bát nhã Ba la mật mà đức Phật biết thật rõ đại tâm của chúng sanh. Tại sao? Vì đức Phật chẳng thấy tâm chúng sanh có tướng lai, tướng khứ, tướng sanh, trụ, dị, diệt. Tại sao? Vì tâm tánh vốn không nên không có ai đến, đi, không có sanh, trụ, dị, diệt.
Do Bát nhã Ba la mật mà đức Phật biết thật rõ tâm vô lượng của chúng sanh. Vì đức Phật biết rõ tâm ấy của chúng sanh; chẳng thấy an trụ, chẳng thấy chẳng an trụ. Vì tướng của tâm vô lượng không chỗ y chỉ nào có chỗ trụ, chẳng trụ.
Tất cả đức Phật nương Bát nhã Ba la mật như thật biết rõ tâm vô kiến, vô đối của chúng sanh. Vì tâm chúng sanh là vô tướng, vì tự tướng vốn không.
Do Bát nhã Ba la mật, những tâm, tâm sở hiện, ẩn, co, duỗi của chúng sanh, đức Phật biết thật rõ. Tại sao? Vì tất cả tâm, tâm sở hiện, ẩn, co, duỗi của chúng sanh đều căn cứ vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh khởi, có nghĩa là đức Phật như thật biết tâm, tâm sở hiện, ẩn, co, duỗi của chúng sanh hoặc nương sắc, hoặc nương thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian là thường và cho điều này là đúng; hoặc nương sắc, hoặc nương thọ, tưởng, hành, thức chấp ngã và thế gian là vô thường và cho điều này là đúng; hoặc chấp ngã và thế gian vừa thường vừa vô thường, là chẳng phải thường, là chẳng phải vô thường, là hữu biên, là vô biên hoặc là vừa hữu biên, vừa vô biên hoặc chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên; chấp mạng tức là thân hoặc chấp mạng khác thân; chấp Như Lai sau khi tịch diệt, là hữu hoặc chấp Như Lai sau khi tịch diệt, là phi hữu hoặc chấp Như Lai sau khi tịch diệt, vừa hữu, vừa phi hữu hoặc chấp Như Lai sau khi tịch diệt phi hữu, phi phi hữu(5) và cho điều này là đúng. Thế nên, do Bát nhã Ba la mật mà đức Phật biết thật rõ những tâm, tâm sở hiện, ẩn, co, duỗi của chúng sanh.
Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm như thật biết sắc, như thật biết thọ tưởng hành thức.
Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thật biết sắc, như thật biết thọ tưởng hành thức?
Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thật biết sắc chơn như(6), như pháp giới, như pháp tánh, chẳng hư dối, chẳng biến khác, không phân biệt, không tướng trạng, không tác dụng, không hý luận, không sở đắc. Như thật biết thọ tưởng hành thức như chơn như, như pháp giới, như pháp tánh, chẳng hư dối, chẳng biến khác, không phân biệt, không tướng trạng, không tác dụng, không hý luận, không sở đắc.
Thiện Hiện! Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm, như thật biết các loại hữu tình kia, pháp tâm và tâm sở hiện ẩn co duỗi cũng như chơn như, như pháp giới, như pháp tánh, chẳng hư dối, chẳng biến khác, không phân biệt, không tướng trạng, không tác dụng, không hý luận, không sở đắc. Thiện Hiện! Các loại hữu tình pháp tâm và tâm sở hiện ẩn co duỗi như tức năm uẩn như. Năm uẩn như tức thập nhị xứ như. Thập nhị xứ như tức thập bát giới như. Thập bát giới như tức lục giới như. Lục giới như nói rộng cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như. Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như tức tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như tức tất cả hữu tình như.
Thiện Hiện! Hoặc tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như, hoặc tất cả hữu tình như, hoặc tất cả pháp như không hai, không riêng, là một như. Như tướng như thế không riêng không khác vậy. Vì không hoại, không tận, chẳng khá phân biệt được.
Đức Phật do Bát nhã Ba la mật mà được như tướng. Vì thế nên Bát nhã Ba la mật hay sanh chư Phật, hay hiển thị tướng thế gian. Thế nên, nầy Thiện Hiện! Đức Phật biết rõ tất cả pháp như tướng, chẳng dị biệt, chẳng phải chẳng như. Vì được như tướng như vậy nên đức Phật được gọi là Như Lai. (Q.306, ĐBN)
Tất cả pháp đều như, như vậy là như vậy. Đức Phật biết rõ tất cả pháp “như tướng” nầy, chẳng dị chẳng biệt, chẳng phải chẳng như. Vì biết được như tướng như vậy nên đức Phật được gọi là Như Lai. Như Lai biết tất cả pháp như tướng như vậy nên không sanh phân biệt, chấp trước mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao và được vô ngạị trí. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác an trụ như tướng như thế để phân biệt, khai thị Bát Nhã giúp chúng hữu tình được khai ngộ tất cả pháp là bình đẳng, vô sai biệt nên chứng đắc vô ngại trí mà được an nhiên tự tại.
2. Bát nhã Ba la mật lấy gì làm tướng?
(Phần nầy tương đương với phẩm “Vấn Tướng”
quyển thứ 16, MHBNBLMĐ)
Bát nhã Ba la mật thậm thâm lấy không làm tướng; Bát Nhã lấy vô tướng, vô nguyện làm tướng; Bát Nhã lấy vô tác, vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tánh làm tướng; Bát Nhã lấy vô tự tánh, vô sở y, phi đoạn phi thường, phi nhất phi dị, vô lai vô khứ làm tướng; Bát Nhã lấy hư không làm tướng; Bát nhã Ba la mật có vô lượng tướng như thế.
Các tướng như thế, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương vào thế tục mà nói, chứ không nương vào thắng nghĩa. Các tướng như thế trời, người, A tu la v.v... trong thế gian đều chẳng thể phá hoại. Vì sao? Vì trời, người, A tu la v.v... trong thế gian cũng là tướng.
Các tướng chẳng thể phá hoại các tướng, các tướng chẳng thể biết rõ các tướng, các tướng chẳng thể phá hoại vô tướng, các tướng chẳng thể biết rõ vô tướng; vô tướng chẳng thể phá hoại các tướng, vô tướng chẳng thể biết rõ các tướng, vô tướng chẳng thể phá hoại vô tướng, vô tướng chẳng thể biết rõ vô tướng. Vì sao? Vì hoặc tướng, hoặc vô tướng, hoặc tướng vô tướng đều vô sở hữu, năng phá, năng tri, sở phá, sở tri, sự phá, sự biết chẳng thể nắm bắt được.
Các tướng như thế chẳng do sắc tạo ra, chẳng do thọ, tưởng, hành, thức tạo ra; chẳng do mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, tứ Thánh đế, mười hai duyên khởi, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám bất cộng pháp, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao tạo ra.
Các tướng như thế chẳng phải do thiên tạo ra, chẳng phải do phi thiên tạo ra, chẳng phải do nhơn tạo ra, chẳng phải do phi nhơn tạo ra, chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không hệ thuộc vào đâu, chẳng thể tuyên thuyết. Bát nhã Ba la mật thậm thâm xa lìa tất cả tướng.
Phật nói với các Thiên tử:
“Vì biết như thật các tướng nên Như Lai mới phân biệt khai thị chỉ rõ tướng của tất cả pháp là vô tướng. Như Lai biết: Biến ngại là tướng của sắc, lãnh nạp là tướng của thọ, nắm lấy bóng là tướng của tưởng, tạo tác là tướng của hành, liễu biệt là tướng của thức, Như Lai biết như thật là vô tướng; khổ não tích tụ là tướng của uẩn, cửa sanh trưởng là tướng của xứ, nhiều độc hại là tướng của giới, hòa hợp sanh khởi là tướng của duyên khởi, thường ban cho là tướng của bố thí, không bị phiền não thiêu đốt là tướng của tịnh giới, không sân nhuế là tướng của an nhẫn, chẳng thể khuất phục là tướng của tinh tấn, nhiếp trì tâm là tướng của tịnh lự, không trở ngại là tướng của Bát Nhã, Như Lai biết như thật là vô tướng; không sở hữu là tướng của pháp không nội, pháp không ngoại v.v..., Như Lai biết như thật là vô tướng; chẳng điên đảo là tướng của chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v..., Như Lai biết như thật là vô tướng; chẳng hư vọng là tướng của bốn Thánh đế, Như Lai biết như thật là vô tướng; không phiền nhiễu là tướng của bốn tịnh lự, Như Lai biết như thật là vô tướng; không có giới hạn ngăn cách là tướng của bốn vô lượng, Như Lai biết như thật là vô tướng; không ồn ào, tạp loạn là tướng của bốn định vô sắc, Như Lai biết như thật là vô tướng; không ràng buộc là tướng của tám giải thoát, Như Lai biết như thật là vô tướng; có khả năng chế phục là tướng của tám thắng xứ; chẳng tán loạn là tướng của chín định thứ đệ; không giới hạn là tướng của mười biến xứ; Như Lai biết như thật là vô tướng; có công năng xuất ly là tướng của ba mươi bảy pháp Bồ đề phần; xa lìa tất cả là tướng của pháp môn giải thoát không, rất tĩnh lặng là tướng của pháp môn giải thoát vô tướng, nhàm chán các khổ là tướng của pháp môn giải thoát vô nguyện, Như Lai biết như thật là vô tướng; hướng đến đại giác ngộ là tướng của mười địa Bồ Tát, Như Lai biết như thật là vô tướng; có khả năng quán chiếu là tướng của năm loại mắt, Như Lai biết như thật là vô tướng; không ngưng trệ là tướng của sáu phép thần thông, Như Lai biết như thật là vô tướng; khéo quyết định là tướng của mười lực Phật, Như Lai biết như thật là vô tướng; khéo an lập là tướng của bốn điều không sợ, Như Lai biết như thật là vô tướng; không đoạn tuyệt là tướng của bốn sự hiểu biết thông suốt, Như Lai biết như thật là vô tướng; ban cho lợi lạc là tướng của đại từ, bứng gốc sầu khổ là tướng của đại bi, mừng việc thiện là tướng của đại hỷ, bỏ ồn ào tạp loạn là tướng của đại xả, Như Lai biết như thật là vô tướng; chẳng thể đoạt là tướng của mười tám pháp Phật bất cộng, Như Lai biết như thật là vô tướng; khéo nhớ nghĩ là tướng của pháp không quên mất, không chấp trước là tướng của tánh luôn luôn xả, Như Lai biết như thật là vô tướng; hiện giác ngộ là tướng của Nhất thiết trí, khéo thông đạt là tướng của Đạo tướng trí, hiện biệt giác là tướng của Nhất thiết tướng trí, Như Lai biết như thật là vô tướng; nhiếp trì khắp là tướng của tất cả pháp môn Đà la ni, nhiếp thọ khắp là tướng của tất cả pháp môn Tam ma địa, Như Lai biết như thật là vô tướng; khéo thọ giáo là tướng của quả Thanh văn, tự khai ngộ là tướng của quả vị Độc giác, hướng đến đại quả là tướng của tất cả hạnh Bồ Tát, không gì bằng là tướng của quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật, Như Lai biết như thật là vô tướng. (Q.306, ĐBN)
Thiên tử nên biết! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả pháp tướng như thế đều có khả năng biết như thật là vô tướng. Do nhân duyên này, Ta nói chư Phật chứng đắc trí vô ngại, không ai sánh bằng”.
Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: “Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã thậm thâm là mẹ của chư Phật, Bát Nhã có công năng chỉ rõ thật tướng của các pháp thế gian. Cho nên, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương pháp ấy mà an trụ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiếp thọ hộ trì. Pháp ấy tức là Bát nhã Ba la mật thậm thâm. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì Bát Nhã có khả năng xuất sanh chư Phật, có khả năng làm nơi nương tựa cho chư Phật, có khả năng chỉ rõ thật tướng các pháp thế gian”.
Cho nên, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là bậc biết ơn, đền ơn Bát Nhã như các con phải biết ơn, đền ơn mẹ hiền!
Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm, đối với các pháp hữu tướng và vô tướng đều biểu hiện sự giác ngộ bình đẳng, không tạo tác, vì cái tạo tác vô sở hữu; tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm đối với các pháp hữu tướng vô tướng đều biểu hiện sự giác ngộ bình đẳng, không có sự thành tựu, vì các hình tướng bất khả đắc. Vì chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm như vậy, nên có khả năng biểu hiện sự giác ngộ bình đẳng về pháp tướng, vô tướng đều không tác dụng, không gì thành tựu, ở tất cả thời cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiếp thọ hộ trì không có gián đoạn, cho nên gọi là tri ân, báo ân chơn thật.
Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát nhã Ba la mật thậm thâm đối với tất cả pháp, không tạo tác, không thành tựu, không sanh khởi chuyển trí, lại có khả năng biết nhân duyên vô chuyển này. Vì vậy, nên biết Bát nhã Ba la mật thậm thâm có khả năng xuất sanh chư Phật, cũng có khả năng chỉ rõ như thật tướng thế gian.
Tất cả pháp tánh không sanh, không khởi, không biết, không thấy, nhưng nương thế tục mà nói Bát Nhã thậm thâm có khả năng xuất sanh chư Phật, là mẹ của chư Phật, cũng có khả năng chỉ rõ như thật tướng thế gian. Vì tất cả pháp là không, vô sở hữu, đều chẳng tự tại, hư dối, không chắc thật, nên tất cả pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy. (Q.306, ĐBN)
Lại nữa, tất cả pháp tánh không nơi nương tựa, không hệ thuộc vào đâu, do nhân duyên ấy nên không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Bát Nhã tuy có khả năng xuất sanh chư Phật, có khả năng chỉ rõ như thật tướng thế gian nhưng không có cái sanh khởi, cũng không có cái chỉ rõ.
Bát nhã Ba la mật thậm thâm vì chẳng thấy sắc nên gọi là chỉ rõ tướng của sắc; vì chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức nên gọi là chỉ rõ tướng của thọ, tưởng, hành, thức; vì chẳng thấy mười hai xứ, mười tám giới, và tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao nên gọi là chỉ rõ mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật. Do ý nghĩa như thế, nên nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật, nên gọi là mẹ của chư Phật.
Tại sao Bát Nhã thậm thâm vì chẳng thấy sắc nên gọi là chỉ rõ tướng của sắc? Vì chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức nên gọi là chỉ rõ tướng của thọ, tưởng, hành, thức? Vì chẳng thấy tất cả pháp Phật nên gọi là chỉ rõ tất cả pháp Phật?
Bát Nhã thậm thâm do chẳng duyên sắc mà sanh thức, đó là vì chẳng thấy sắc, nên gọi là chỉ rõ tướng của sắc; chẳng duyên thọ, tưởng, hành, thức mà sanh thức, đó là vì chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức, nên gọi là chỉ rõ tướng của thọ, tưởng, hành, thức; do chẳng duyên mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật mà sanh thức, đó là vì chẳng thấy mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật, nên gọi là chỉ rõ tướng của mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật. Do ý nghĩa như thế, nên nói Bát Nhã thậm thâm có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật, nên gọi là mẹ của chư Phật.
Bát Nhã có khả năng chỉ rõ cái không của thế gian cho chư Phật nên gọi là mẹ của chư Phật, điều đó có nghĩa là chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng vì chư Phật chỉ rõ sắc là cái không của thế gian, chỉ rõ thọ, tưởng, hành, thức là cái không của thế gian; chỉ rõ mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp là cái không của thế gian. Bát Nhã có khả năng khiến Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác làm cho người cõi nầy nhận cái không của thế gian, tưởng cái không của thế gian, nghĩ cái không của thế gian, rõ cái không của thế gian. Do ý nghĩa như thế, nên nói Bát Nhã thậm thâm có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật, nên gọi là mẹ của chư Phật.
Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng không của thế gian cho chư Phật nên gọi là mẹ của chư Phật, điều đó có nghĩa là có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ sắc là tướng không của thế gian; thọ, tưởng, hành, thức là tướng không của thế gian; có khả năng chỉ rõ mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp là tướng không của thế gian cho chư Phật. Do ý nghĩa như thế, nên nói Bát Nhã có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật, nên gọi là mẹ của chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng chẳng thể nghĩ bàn của thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng viễn ly của thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng tịch tịnh của thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng rốt ráo không của thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng của pháp không tánh của thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng của pháp không tự tánh của thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng của pháp không không tánh tự tánh của thế gian(7) cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ tướng thuần không, thuần vô tướng, vô nguyện của thế gian cho chư Phật nên gọi là mẹ của chư Phật, điều đó có nghĩa là có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật. Bát Nhã có khả năng chỉ rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là như thế, có khả năng chỉ rõ mười hai xứ, mười tám giới và tất cả pháp Phật là tướng thế gian như thế. Do ý nghĩa đó, nên nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian cho chư Phật, nên gọi là mẹ của chư Phật.
Bát nhã Ba la mật thậm thâm có khả năng chỉ rõ thật tướng thế gian ấy cho chư Phật, khiến không sanh khởi tưởng thế gian này, tưởng thế gian nọ. Vì sao? Vì thật không có pháp có thể khởi tưởng thế gian này, thế gian nọ.
Thích nghĩa:
(1). Đó là nói tóm tắt tất cả pháp Phật hay còn gọi là các thiện pháp, tư lương Bồ đề Bồ Tát... Xin xem lại phần thứ I Tổng luận. Có lẽ chúng tôi lưu ý quá nhiều về các pháp này phải không? Nhưng không có nó không có Phật, không có Bồ Tát, không có Phật đạo.
(2). Trong Phật đạo có Pháp Tướng Tôn, có Pháp Tánh Tôn, Chơn Tôn… lấy tướng hay tánh hay lấy chơn tâm… làm tôn chỉ tu hành. Còn Bát nhã Ba la mật lại lấy Không hay Tánh Không làm tôn chỉ tu hành. Đoạn Kinh trên, MHBNBLMĐ dùng từ “thật tướng”; trong khi ĐBN dùng từ “thật tánh”. Thật ra, trong chân tâm không có tánh tướng thể dụng; không có sanh diệt, cấu tịnh, tăng giảm, xuất nhập; không có tham sân si, không thiện ác… Bát nhã Ba la mật là Không. Bát nhã Ba la mật nói đến trí, và trí đó là trí Không thảy, được ghi trong phẩm “Các Tướng Công Đức” quyển 379, Hội thứ I, ĐBN Ngài Huyền Trang dịch: “Thiện Hiện! Vì sao gọi là trí không thảy? Thiện Hiện! Đó là trí nội không, trí ngoại không, trí nội ngoại không, trí không không, trí đại không, trí thắng nghĩa không, trí hữu vi không, trí vô vi không, trí tất cánh không, trí vô tế không, trí tán không, trí vô biến dị không, trí bổn tánh không, trí tự tướng không, trí cộng tướng không, trí nhất thiết pháp không, trí bất khả đắc không, trí vô tánh không, trí tự tánh không, trí vô tánh tự tánh không. Hoặc trí chơn như, trí pháp giới, trí pháp tánh, trí bất hư vọng tánh (không hư vọng), trí bất biến dị tánh (chẳng đổi khác), trí bình đẳng tánh, trí ly sanh tánh, trí pháp định, trí pháp trụ, trí thật tế, trí hư không giới, trí bất tư nghì giới. Thiện Hiện! Đấy gọi là trí không thảy”. Trí này tuyệt đối không dung chứa thiện ác, cấu tịnh… Vì là tuyệt đối nên mới gọi đệ nhất nghĩa đế và chúng ta không lấy làm lạ với những “diễn tả” như vậy trong suốt 600 quyển ĐBN hay bất cứ quyển Kinh nào thuộc hệ Bát Nhã.
(3). Tâm vương, tâm sở: Bản thể của thức là tâm vương, tương ứng với tâm vương mà khởi lên tác dụng riêng là tâm sở. Duy Thức Học quan niệm Tâm Thức có oai lực, tự chủ cũng như ông Vua có quyền ra lệnh, sai xử các quần thần, nên gọi là Tâm vương. Còn Tâm sở giống như những quần thần chỉ thừa hành mệnh lệnh của Vua, nên gọi là Tâm sở. Tâm vương gồm có tám thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt na thức và A lại Da thức (sau này còn phát triển thêm một thức nữa là thức thứ chín, gọi là A Đà Na Thức). Tâm sở có sáu loại là 1- Biến hành, 2- Biệt cảnh, 3- Thiện, 4- Căn bản phiền não, 5- Tùy phiền não và 6- Bất định. Sáu loại tâm sở nầy lại chia làm 51 món. Thí dụ Biến hành tâm sở có năm là Xúc, Tác ý, Tưởng và Tư; Biệt cảnh tâm sở có năm là Dục, Thắng giải, Niệm, Định và Tuệ; Thiện tâm sở có 11 là Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng vật, Hành xả, Bất hại; Căn bản phiền não tâm sở có sáu là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến; Tùy phiền não tâm sở có 20 là Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siểm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quý, Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri; Bất định tâm sở có bốn là Hối, Miên, Tầm, Tư. (Xin đọc “Duy Thức Học Nhập Môn”, dịch giả: Cố HT. Thích Thiện Hoa, nhà xuất bản Tôn Giáo). Thích nghĩa này được lặp đi lặp lại nhiều lần, cốt để ghi nhớ.
(4). Quảng tâm: Tâm bao dung, tâm rộng lớn, tâm ưu việt.
(5). Chấp theo tứ cú, chấp như vậy là điên đảo, hí luận.
(6). Sắc như hay gọi là chơn như của sắc.
(7). Kinh có ý nhắc tới mười tám pháp không, đã thuyết ở phẩm “Biện Đại Thừa” quyển 51, tập 03; phẩm “Tam Ma Địa” quyển 417, tập 17 và phẩm “Thiện Hiện” quyển 488, tập 20 v.v… Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch, như sau: “Cái không nội, cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi, cái không rốt ráo, cái không không biên giới, cái không tản mạn, cái không không đổi khác, cái không bổn tánh, cái không tự tướng, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không chẳng thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh”. Mười tám pháp không này đã được tóm lược nhiều lần. Đây chỉ nhắc lại cho nhớ! Xin xem lại phần thứ I Tổng luận.
Lược giải:
Không có hình ảnh nào đẹp, Thánh thiện bằng hình ảnh người mẹ đầy lòng ấp ủ thương yêu, hy sinh bảo bọc đàn con. Vì vậy, khi sức mỏi hơi mòn, thân nhiều bệnh tật, các con phải biết báo ơn, lo lắng an ủi mẹ già. Tất cả chư Phật trong mười phương thế giới đều xuất sanh từ Bát nhã Ba la mật, nên chư Phật cũng chăm sóc hộ niệm Bát Nhã như các con chăn sóc mẹ già để báo đền ơn đức!
Vì Bát Nhã thậm thâm có công năng phát sanh tất cả công đức của chư Phật, có công năng chỉ bày thật tướng các pháp thế gian. Nhờ Bát nhã Ba la mật nầy các lục Ba la mật, tứ thiền, tứ định, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết chủng trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao ở quá khứ, hiện tại, vị lai xuất sanh ở thế gian. Do nhân duyên đó nên nói tất cả Như Lai ở mười phương thế giới đều biết ơn. Do đó, Như Lai ở mười phương thường dùng Phật nhãn quán xét hộ niệm Bát nhã Ba la mật nầy.
Các thiện nam tín nữ trụ Bồ Tát thừa, nếu thường nghe hỏi, sao chép, thọ trì, đọc tụng, rộng nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm thì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong mười phương thế giới thường dùng Phật nhãn quán xét hộ niệm khiến thân tâm họ thường được an lạc, tu các thiện nghiệp không trở ngại, đối với quả vị Giác ngộ tối cao không thối thất.
Vì sao Bát nhã Ba la mật thậm thâm năng sanh chư Phật? Vì sao Bát nhã Ba la mật chỉ thật tướng các pháp thế gian? Vì sao chư Phật từ Bát nhã Ba la mật mà sanh? Vì sao chư Phật nói tướng thế gian?
1. Bát nhã Ba la mật có công năng xuất sanh chư Phật. Vì sao?
Vì Bát Nhã thậm thâm có công năng xuất sanh năm loại mắt, sáu thần thông; hoặc Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; hoặc pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; hoặc Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, vô lượng, vô biên công đức của chư Phật như thế đều từ Bát nhã Ba la mật sanh. Do đó, nên nói Bát Nhã có công năng xuất sanh chư Phật, cũng nói chư Phật từ Bát nhã Ba la mật sanh.
2. Bát nhã Ba la mật nói rõ thật tướng năm uẩn thế gian. Vì sao?
Vì năm uẩn là nhân sinh và vũ trụ quan hay nói khác là nói đến quan niệm sống của thế gian. Bát Nhã đều chẳng nói năm uẩn có thành có hoại, có sanh có diệt, có nhiễm có tịnh, có tăng có giảm, có nhập có xuất... Bát Nhã cũng chẳng nói năm uẩn có quá khứ, vị lai, hiện tại, có thiện ác, vô ký, có sự ràng buộc của ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc. Vì sao? Vì chẳng phải các pháp không có thành có hoại, chẳng phải pháp vô tướng có thành có hoại, chẳng phải pháp vô tác có thành có hoại, chẳng phải pháp vô sanh vô diệt có thành có hoại... Vì tướng các pháp hiển thị như vậy nên Phật nói Bát nhã Ba la mật hay hiển thị tướng thế gian.
Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát Nhã có thể chứng biết hết vô lượng, vô số tâm hành sai biệt của các loại hữu tình. Nhưng trong lý của Bát Nhã thậm thâm này không có hữu tình, không có thi thiết hữu tình có thể nắm bắt được; không có uẩn, không có thi thiết uẩn có thể nắm bắt được; không có mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất công, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, không có thi thiết tất cả pháp Phật có thể nắm bắt được(bất khả đắc). Thế nên Bát Nhã thậm thâm này nầy hay hiển thị tướng thế gian.
Trong lý Bát Nhã thậm thâm đây cũng chẳng chỉ rõ năm uẩn. Vì sao? Vì trong lý Bát Nhã như thế, Bát Nhã còn vô sở hữu bất khả đắc, huống là uẩn có thể chỉ rõ được. Trong lý Bát Nhã thậm thâm chẳng chỉ rõ tất cả pháp. Vì sao? Vì trong lý Bát Nhã như thế, Bát Nhã còn vô sở hữu, bất khả đắc, huống là tất cả pháp có thể chỉ rõ được.
Có bao nhiêu danh số hữu tình hoặc loài có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng… ở quốc độ này nhẫn đến khắp quốc độ mười phương. Những hữu tình ấy hoặc nhiếp tâm hoặc loạn tâm, đức Phật đều biết như thật tất cả tâm niệm của họ. Tại sao đức Phật biết rõ được? Là do đức Phật dùng pháp tánh nên biết rõ. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biết như thật trong pháp tánh, pháp tánh còn chẳng thể nắm bắt được, huống là có nhiếp tâm hay loạn tâm.
Nương Bát Nhã mà đức Phật biết như thật nhiễm tâm của hữu tình, biết như thật tâm sân, tâm si của hữu tình, nếu hữu tình có nhiễm tâm, tâm sân, tâm si. Tại sao đức Phật biết như thật? Vì thật tánh không có tướng nhiễm, không có tướng sân, không có tướng si. Trong thật tánh không có tâm vương, tâm sở có thể nắm bắt được, huống có nhiễm tâm, tâm sân, tâm si hay có tâm chẳng nhiễm, chẳng sân, chẳng si. Này Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thật biết quảng tâm, biết đại tâm, vô lượng tâm, tâm vô kiến, vô đối… của các loại hữu tình ấy, tâm không rộng hẹp, không tăng giảm, không đến đi, không sanh diệt, không trụ, không dị, không đại, không tiểu… Vì sao? Vì tự tánh của tâm vô sở hữu, là không, nên chẳng có gì rộng hẹp, tăng giảm, chẳng phải đi, chẳng phải đến, chẳng phải sanh, chẳng phải diệt, chẳng phải trụ, chẳng phải dị, chẳng phải đại, chẳng phải tiểu v.v… Nói như vậy, là theo đệ nhất nghĩa đế.
Do Bát Nhã, những tâm, tâm sở ẩn, hiện, co, duỗi của chúng sanh, đức Phật biết thật rõ. Tại sao? Vì tất cả tâm, tâm sở ẩn, hiện, co, duỗi của chúng sanh đều nương nơi sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà sanh khởi, rồi phân biệt chấp thế gian thế này hay thế nọ.
Hơn nữa, Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương Bát Nhã thậm thâm như thật biết năm thủ uẩn.
Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thật biết năm thủ uẩn?
Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như thật biết năm uẩn là “như tướng”, như đó là như thường tại, chẳng hư dối, chẳng biến khác, không phân biệt, không tướng trạng, không tác dụng, không hý luận, vô sở hữu, bất khả đắc.
Thiện Hiện! Như vậy, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương Bát Nhã thậm thâm, như thật biết các loại hữu tình kia, tâm và tâm sở hiện ẩn co duỗi cũng là như tướng, như đó là như thường tại, chẳng hư dối, chẳng biến khác, không phân biệt, không tướng trạng, không tác dụng, không hý luận, vô sở hữu, bất khả đắc. Thiện Hiện! Các loại hữu tình tâm và tâm sở hiện ẩn co duỗi như tức năm uẩn như. Năm uẩn như tức thập nhị xứ như. Thập nhị xứ như tức thập bát giới như. Thập bát giới như tức lục giới như. Lục giới như nói rộng cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như. Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như tức tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như tức tất cả hữu tình như.
Thiện Hiện! Hoặc tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác như, hoặc tất cả hữu tình như, hoặc tất cả pháp như không hai, không riêng, là một như. Như tướng như thế không hoại, không tận, chẳng khá phân biệt được.
Tất cả pháp đều như tướng, như thế là như thế. Đức Phật biết rõ tất cả pháp như tướng nầy, chẳng dị chẳng biệt, chẳng phải chẳng như. Vì biết được như tướng như vậy nên đức Phật được gọi là Như Lai. Đức Như lai biết tất cả pháp như tướng như vậy nên không sanh phân biệt, chấp trước mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao và được trí vô ngạị. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác an trụ tướng như như thế mà cứu vớt chúng hữu tình vượt qua bể khổ đồng thời phân biệt, khai thị Bát Nhã giúp chúng hữu tình biết tất cả pháp là bình đẳng như như sớm được khai ngộ mà chứng đắc trí vô ngại.
Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền Luận quyển hạ, trích dẫn một đoạn Kinh như vậy và thuyết rằng:
“Vậy, Kinh nói, bằng con mắt của trí Bát Nhã, Bồ Tát thấy rõ các loại tâm của tất cả các loại hữu tình, và Ngài biết rõ chúng sai biệt như thế nào, sai biệt về cá tính, sai biệt về hoạt dụng, sai biệt về thọ báo, sai biệt về giá trị đạo đức, về tâm tính, vân vân. Rồi tri kiến như thực (yathàbhùtam) của Ngài thấu triệt qua những giả tướng này và nhận ra rằng các tâm của chúng; tịnh hay bất tịnh, nhiếp tâm hay loạn tâm, nhiễm tâm hay ly nhiễm tâm, tất cả đều không tự tánh, không thủ trước, không phân biệt. Đấy được coi là nhìn vạn hữu trong chân như tướng của chúng, trong đó mọi sai biệt tan biến hết, đồng thời tự hiển lộ tự thân như thực trong ánh sáng của trí Bát Nhã”.
Ở đây Phật đứng trên đệ nhất nghĩa đế để hiểu rõ tất cả tâm, tâm sở của tất cả hữu tình. Dĩ nhiên, sự thâm hiểu này hoàn toàn khác hẳn cái hiểu biết của thế gian. Cái hiểu biết của chư Phật chư Bồ Tát về con người gọi là bản hữu hay Phật tánh, còn thế gian hiểu rõ con người là tu sanh. Tu sanh nên có nhiễm có tịnh tùy theo môi trường sống.
3. Bát nhã Ba la mật thậm thâm lấy gì làm tướng?
Bát nhã Ba la mật thậm thâm lấy không làm tướng; Bát Nhã lấy vô tướng, vô nguyện làm tướng; Bát Nhã lấy vô tác, vô sanh vô diệt, vô nhiễm vô tịnh, vô tánh làm tướng; Bát Nhã lấy vô tự tánh, vô sở y, phi đoạn phi thường, phi nhất phi dị, vô lai vô khứ làm tướng; Bát Nhã lấy hư không làm tướng; Bát nhã Ba la mật có vô lượng tướng như thế.
Các tướng như thế, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương vào thế tục mà nói, chứ không nương vào thắng nghĩa. Các tướng như thế trời, người, A tu la v.v... trong thế gian đều chẳng thể phá hoại. Vì sao? Vì trời, người, A tu la v.v... trong thế gian cũng là tướng.
Các tướng chẳng thể phá hoại các tướng, các tướng chẳng thể biết rõ các tướng, các tướng chẳng thể phá hoại vô tướng, các tướng chẳng thể biết rõ vô tướng; vô tướng chẳng thể phá hoại các tướng, vô tướng chẳng thể biết rõ các tướng, vô tướng chẳng thể phá hoại vô tướng, vô tướng chẳng thể biết rõ vô tướng. Vì sao? Vì hoặc tướng, hoặc vô tướng, hoặc tướng vô tướng đều vô sở hữu, năng phá, năng tri, sở phá, sở tri, sự phá, sự biết đều chẳng thể nắm bắt được. Đây không phải là xáo ngữ, có tánh cách áp đặt mà đây là sở tri của Phật. Khi nói là không, rỗng không có nghĩa là không có tánh tướng gì cả. Đó là pháp không, vô tướng. Nếu không có gì cả thì không phải là thật vật thì có gì để lấy để bỏ. Nên nói là vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được là vậy.
Vì vậy, nên nói các tướng như thế chẳng do sắc tạo ra, chẳng do thọ, tưởng, hành, thức tạo ra; chẳng do 12 xứ, 18 giới tạo ra, chẳng do tất cả pháp Phật tạo ra. Các tướng như thế chẳng phải do thiên tạo ra, chẳng phải do phi thiên tạo ra, chẳng phải do nhơn tạo ra, chẳng phải do phi nhơn tạo ra, chẳng phải hữu lậu, chẳng phải vô lậu, chẳng phải thế gian, chẳng phải xuất thế gian, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi, không hệ thuộc vào đâu. Vì chẳng phải là thật vật, nên chẳng thể tuyên thuyết. Bát Nhã xa lìa tất cả tướng, nói xa lìa nhưng chẳng có gì để xa lìa. Nói như vậy như chẳng nói gì.
Vì pháp không thấy pháp, pháp không biết pháp. Không thấy cái gì, không biết cái gì? Không thấy, không biết tướng của các pháp, chỗ không thấy không biết tướng của các pháp đó nên gọi là vô tướng. Chỉ có con người nhìn thấy pháp, cho đó là đẹp xấu, vuông tròn, lớn nhỏ… Đẹp xấu, vuông tròn v.v… là tướng, thấy biết tướng nên chấp tướng, rồi sanh thức tức cảm thọ, mà khởi tạo tác. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương Bát Nhã thậm thâm, đối với các pháp (dù hữu tướng hay vô tướng) đều biểu hiện sự giác ngộ bình đẳng, nên không tạo tác. Nếu không thấy tướng, chỗ gọi là vô tướng thì tâm sẽ được như như, tâm như như là tâm giác ngộ bình đẳng. Vì giác ngộ bình đẳng nên mới được thanh tịnh. Đó có thể nói là hệ quả của cái thấy biết không phân biệt, không chấp để thực hiện một sự chuyển y, tức biến thức thành trí. Trí này soi thấy thật tướng các pháp thế gian.
Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: “Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã thậm thâm là mẹ của chư Phật, Bát Nhã có công năng chỉ rõ thật tướng của các pháp thế gian. Cho nên, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nương pháp ấy mà an trụ, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen, nhiếp thọ hộ trì. Pháp ấy tức là Bát Nhã thậm thâm. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì Bát Nhã có khả năng xuất sanh chư Phật, có khả năng làm nơi nương tựa cho chư Phật, có khả năng chỉ rõ thật tướng các pháp thế gian”.
Cho nên, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là bậc biết ơn, đền ơn Bát Nhã như các con phải biết ơn, đền ơn mẹ hiền!
Kết luận:
Phật thuyết các pháp là giả danh, các pháp như huyễn, như mộng, các pháp không có tự tánh nên gọi là không, các pháp là vô sanh vô diệt, vô tướng, vô trạng. Tới đây, để dẫn dắt chúng sanh đến chỗ thanh tịnh, Phật thuyết các pháp là như tướng. Như tướng có nghĩa nó như vậy là như vậy, chẳng lúc nào chẳng như, và khi nhận chân tất cả pháp đều như, tức thấu rõ pháp tánh bình đẳng, thấu rõ pháp tánh bình đẳng nên đạt được tâm bình đẳng vô chướng ngại mà được thanh tịnh. Vì vậy, phẩm “Thắng Nghĩa Du Già” Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: “Các pháp như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới. Như Lai ra đời hoặc chẳng ra đời, tánh tướng thường trụ, đấy gọi tất cả pháp tánh bình đẳng. Tánh bình đẳng đây gọi pháp thanh tịnh, đây nương thế tục nói là thanh tịnh, chẳng nương thắng nghĩa. Vì sao? Vì trong thắng nghĩa đế không phân biệt, không hý luận, bặt cả ngôn ngữ danh tự”.
Không hý luận, bặt ngôn ngữ danh tự tức được an nhiên tự tại nên nói là thanh tịnh.
Một phút tư duy:
Nếu có thể nói thì phẩm “Phật Mẫu” là một phẩm hay vô cùng. Phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấm! Nhưng Phật bảo không có pháp hay pháp dở, không có pháp cao pháp hạ... Tại sao ở đây lại nói đến các phân biệt, đối trị này làm gì? Phật cũng phân biệt các pháp như những phàm phu tục tử, nhưng Phật không dính mắc nghĩa là có thấy biết phân biệt nhưng không có cảm thọ. Vậy, chúng ta cũng có thể khen pháp hay pháp dở, pháp nhiệm mầu, vi diệu có sao đâu, miễn đừng dính mắc là tốt! Đó là “bàn ra”.
Bây giờ “tán vào” nghĩa là quay lại phẩm “Phật Mẫu” để nói đến những giáo lý rộng lớn của nó. Kinh tiếp tụng tán tụng công năng Bát Nhã đối với thế gian: Bát Nhã năng sanh chư Phật, năng hiển thị các pháp thế gian mà pháp thế gian không ngoài năm uẩn, 12 xứ, 18 giới. Hiểu biết uẩn xứ giới là hiểu hiểu rõ thế gian tức hiểu rõ tinh thần và những tạo tác của con người. Đó là vấn đề lớn thuộc nhân sinh và vũ trụ quan, giải quyết được nó tức là thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ. Nên có thể làm thiên nhân sư hay cha mẹ của muôn loài. Vì vậy, phẩm này mới có tên là “Phật Mẫu”.
Hôm nay, tôi dành đôi phút để giải trí Quý đạo hữu về cái nhiều chuyện “nói ra nói vào”. Xin thứ lỗi, đọc hoài viết hoài lắm khi mệt mỏi, buồn nản lắm phải không, cười một chút để lấy lại sinh lực. Đời không nọ không kia cũng mất vui, miễn đừng vướng mắc là tốt./.
---o0o---