- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
IX. PHẨM “THANH TỊNH”
Giữa quyển 559, Hội thứ V, ĐBN.
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Gợi ý:
Thanh tịnh là một đề tài có lẽ là quan trọng vào bậc nhất của đạo Phật theo quan điễm của chúng tôi. Vì đạo Phật còn gọi là Thanh-tịnh-đạo. Phẩm “Khó Tin Hiểu” của Hội thứ I là một phẩm có thể xem là dài nhất của Đại Bát Nhã có tới 103 quyển (từ Q.102 đến Q.204) thuyết giảng về đề tài này, có thể chứng minh lời nói của chúng tôi. Ngoài ra, giáo pháp thanh tịnh cũng được lặp lại trong Hội thứ I: Quyển 103, phẩm “Thanh Tịnh”; quyển 287, phẩm “Khen Ngợi Thanh Tịnh”; quyển 292 đến quyển 296, phẩm “Thuyết tướng Bát Nhã” cũng thuyết về thanh tịnh chưa kể đến nhiều Hội khác trong đại phẩm này.
Chính nhờ tịnh mà phát huệ, nên pháp tu này được chú ý hơn cả.
Tóm lược:
(Một pháp thanh tịnh, mười phương thế giới đều thanh tịnh)
Bấy giờ, Xá lợi Tử bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế rất là sâu xa.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế là ánh sáng lớn.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế là không đắc, không hiện quán.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế không chỗ sanh khởi.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế chẳng sanh ba cõi.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế không hiểu, không biết.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Thanh tịnh như thế không biết sắc; cũng không biết thọ, tưởng, hành, thức.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật sâu thẳm vì cực thanh tịnh nên đối Nhất thiết trí không tổn không ích?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Xá lợi Tử bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa vì rất thanh tịnh, không thủ, không xả tất cả pháp.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì rất thanh tịnh.
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng thanh tịnh.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên quả cũng thanh tịnh.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên Nhất thiết trí cũng thanh tịnh.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Ngã thanh tịnh nên không đắc, không hiện quán.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Ngã không biên giới nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không biên giới.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát luôn hiểu biết như thế thì đó là Bát nhã Ba la mật.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế chẳng phải bờ này, chẳng phải bờ kia, chẳng phải trung gian.
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì hoàn toàn thanh tịnh.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các Bồ Tát phát sanh tưởng như thế thì xa lìa Bát nhã Ba la mật.
Phật dạy:
- Hay thay! Hay thay! Thiện Hiện! Các Bồ Tát này trước danh, trước tướng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Hi hữu thay! Bạch Thế Tôn! Ngài vì Bồ Tát chỉ dạy, đối với Bát Nhã sâu xa phân biệt trước tướng rốt ráo.
(Thế nào là Bồ Tát đối với Bát Nhã khởi trước tướng?)
Khi ấy, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
- Thế nào là Bồ Tát đối với Bát Nhã sâu xa khởi trước tướng?
Thiện hiện thưa:
- Nếu các Bồ Tát đối với sắc bảo là Không thì gọi là chấp trước; đối với thọ, tưởng, hành, thức bảo là Không thì gọi là chấp trước. Đối với pháp ba đời bảo là pháp ba đời thì gọi là chấp trước. Bồ Tát khi mới phát tâm, cho rằng được vô lượng phước sinh, đấy gọi là chấp trước.
Lúc ấy, trời Đế Thích hỏi Thiện Hiện:
- Do nhân duyên nào như thế cũng gọi là chấp trước?
Thiện hiện thưa:
- Vì chấp có tâm, nên bảo chấp tâm đây năng chính hồi hướng Vô thượng Bồ đề, nên gọi là chấp trước. Kiều thi ca! Bản tánh của tâm là Không, không thể hồi hướng. Nếu các Bồ Tát muốn dạy người khác hướng tới đại Bồ đề thì nên theo thật tướng để chỉ bày khuyến khích, dẫn dắt, khen ngợi, khích lệ, chúc mừng, không tổn hại mình cũng không tổn hại người, chư Phật Thế Tôn đồng chấp nhận, vì xa lìa tất cả phân biệt chấp trước.
Bấy giờ, Thế Tôn khen Thiện Hiện:
- Lành thay! Lành thay! Ngươi có thể giảng thuyết phân biệt cho các Bồ Tát về tướng chấp trước, làm cho các Bồ Tát hiểu biết rõ để xa lìa. Lại có các chấp trước vi tế khác Ta sẽ nói cho ngươi, ngươi nên lắng nghe.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn chỉ dạy.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Nếu thiện nam trụ Bồ Tát thừa v.v… ở chỗ chư Phật lấy tướng nhớ nghĩ, theo tướng đã lấy đều gọi chấp trước. Nếu đối trong pháp vô lậu chư Phật Thế Tôn ba đời rất sanh tùy hỷ, đã tùy hỷ rồi cùng chung các hữu tình hồi hướng Bồ đề, cũng gọi chấp trước. Vì thật tánh các pháp chẳng nhiếp ba đời, chẳng thể lấy tướng, chẳng thể vin duyên, cũng không có việc thấy nghe hay biết, vậy nên đối Vô thượng giác chẳng thể hồi hướng.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật tánh các pháp rất là sâu xa?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì bản tánh ly.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế đều nên kính lễ?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì pháp tánh không tạo tác, không giác tri.
Thiện Hiện bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bản tánh của các pháp không có tạo tác, không có giác tri sao?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Bản tánh các pháp chỉ có một, không hai, không tạo, không tác, chẳng thể giác tri, chẳng thể phân biệt. Nếu các Bồ Tát biết như thế thì có thể xa lìa tất cả chấp trước.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế khó có thể hiểu được phải không?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì không có người hiểu biết.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế chẳng thể nghĩ bàn?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì chẳng phải tâm, tâm sở có thể biết.
Thiện Hiện lại bạch:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế không có sự tạo tác?
Phật dạy:
- Đúng vậy! Vì các sự tạo tác không thể đắc vậy.
(Bồ Tát phải hành Bát Nhã như thế nào?)
Thiện Hiện lại hỏi:
- Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật như thế nào?
Phật dạy:
- Nếu Bồ Tát không hành sắc, cũng không hành thọ, tưởng, hành, thức thì chính là hành Bát nhã Ba la mật. Nếu không hành sắc Không, cũng không hành thọ, tưởng, hành, thức không thì chính là hành Bát nhã Ba la mật. Nếu không hành sắc tướng chẳng viên mãn, cũng không hành thọ, tưởng, hành, thức tướng chẳng viên mãn thì chính là hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì sắc chẳng viên mãn tức là chẳng phải sắc. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng viên mãn tức là chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Nếu không hành như thế thì chính là hành Bát nhã Ba la mật.
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật lạ thay! Bạch Thiện Thệ! Thật hi hữu thay! Ngài có thể chấp trước mà nói tướng không chấp trước.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Nếu không hành tướng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không chấp trước thì chính là hành Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ Tát luôn hành như thế thì đối với các sắc, thọ, tưởng, hành, thức không sanh chấp trước, đối với quả Dự lưu cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không sanh chấp trước. Vì sao? Vì vượt tất cả chấp trước, không ngăn ngại giác biết, gọi là Nhất thiết trí.
Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát muốn vượt qua các chấp trước thì nên hành Bát nhã Ba la mật.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thật hi hữu! Pháp tánh sâu xa nếu nói hay chẳng nói đều không tăng giảm.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đúng như vậy! Đúng như vậy! Ví như hư không, giả sử trọn đời chư Phật hoặc khen, hoặc chê nhưng hư không vẫn không tăng, không giảm. Pháp tánh sâu xa cũng như thế, nói hay chẳng nói đều không tăng, không giảm. Ví như ảo nhân ngay khi được chê hay khen không vui, không buồn, chẳng tăng, chẳng giảm. Pháp tánh sâu xa cũng lại như thế, nói hay chẳng nói vẫn y như vậy, không khác.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các chúng Bồ Tát thực hành Bát Nhã là việc rất khó. Nghĩa là Bát Nhã hoặc tu hay chẳng tu vẫn không tăng, không giảm, không tấn, không thối. Các chúng Bồ Tát tu hành Bát Nhã như tu hư không, hoàn toàn vô sở hữu. Các chúng Bồ Tát, hữu tình chúng ta đều nên kính lễ, tôn trọng, khen ngợi. Vì sao? Vì các chúng Bồ Tát độ hữu tình nên mặc áo giáp công đức. Như có người mặc áo giáp bền chắc, muốn chiến đấu với hư không. Các chúng Bồ Tát vì độ hữu tình nên mặc áo giáp công đức. Như có người khỏe mạnh muốn nắm lấy hư không để ở chỗ cao đẹp. Các chúng Bồ Tát vì các loài hữu tình như hư không, cầu thẳng tới quả vị Vô Thượng Bồ đề, gọi là đại dõng mãnh, đại tinh tấn Ba la mật.
Khi đó có Bí sô nghĩ: Nên kính lễ Bát nhã Ba la mật, vì trong đó hoàn toàn không có các pháp sanh diệt.
Lúc ấy, trời Đế Thích hỏi Thiện Hiện:
- Bồ Tát muốn học Bát Nhã thì phải học như thế nào cho phải?
Thiện hiện thưa:
- Bồ Tát muốn học Bát Nhã sâu xa nên như hư không siêng năng tinh tấn tu học.
Trời Đế Thích lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình học Bát nhã Ba la mật thì làm sao bảo hộ?
Thiện Hiện bảo Đế Thích:
- Ông thấy có pháp có thể bảo hộ được không?
Thiên Đế Thích bạch:
- Bạch Đại đức! Không.
Thiện Hiện bảo:
- Nếu các Bồ Tát đúng như Đại Bát Nhã Ba la mật giảng thuyết mà hành thì chính là bảo hộ. Nếu lìa Bát nhã Ba la mật thì nhơn phi nhơn v.v... đều được tiện lợi.
Kiều thi ca! Người nào muốn bảo vệ các Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa, thì chẳng khác gì có người phát tâm tinh tấn bảo vệ hư không, chỉ luống uổng nhọc nhằn, hoàn toàn không ích lợi.
Kiều thi ca! Ai có thể giữ gìn tiếng vang v.v... chăng?
Thiên Đế Thích bạch:
- Bạch Đại đức! Không.
Thiện Hiện bảo:
- Nếu người nào muốn bảo vệ các Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa thì cũng như vậy, luống uổng nhọc nhằn, hoàn toàn không ích lợi.
Kiều thi ca! Các chúng Bồ Tát thực hành Bát Nhã, mặc dù biết các pháp đều như tiếng vang v.v... nhưng không quán thấy, cũng chẳng chỉ rõ được nếu ai có thể an trụ như thế thì chính là hành Bát nhã Ba la mật.
Bấy giờ, với năng lực, oai thần của Thế Tôn, nên khiến cho Bốn Đại Thiên vương, Đại Phạm vương và trời Đế Thích v.v... cùng tất cả Thiên chúng ở Tam thiên đại thiên thế giới đi đến chỗ Phật, đảnh lễ chân Phật, rồi lui đứng một bên. Nhờ thần lực của Phật nên đều được thấy ngàn đức Phật ở thế giới mười phương tuyên thuyết danh tự, tướng trạng Bát nhã Ba la mật giống như nơi đây. Đứng đầu chúng Bí sô thỉnh thuyết Bát nhã Ba la mật đều tên là Thiện Hiện. Đứng đầu chúng chư Thiên gạn hỏi Bát nhã Ba la mật đều tên là Đế Thích.
Thế Tôn bảo Thiện Hiện:
- Bồ Tát Từ Thị khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề liền dùng danh tự này, cũng ở chỗ này tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật.
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Khi Bồ Tát Từ Thị sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề dùng những danh tự nào ngay chỗ này tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Bồ Tát Từ Thị khi chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng nói pháp sắc là Không; chẳng nói pháp thọ, tưởng, hành, thức là Không. Chẳng nói pháp sắc buộc mở; chẳng nói pháp thọ, tưởng, hành, thức buộc mở.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa rất là thanh tịnh?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Vì sắc thanh tịnh nên Bát Nhã sâu xa rất là thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát Nhã sâu xa rất là thanh tịnh. Vì hư không thanh tịnh nên Bát Nhã rất là thanh tịnh. Vì sắc không nhiễm nên Bát Nhã rất là thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức không nhiễm nên Bát Nhã rất là thanh tịnh. Vì hư không không nhiễm nên Bát Nhã rất là thanh tịnh.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình thọ trì, đọc tụng Bát Nhã sâu xa, thì chắc chắn không bị bất đắc kỳ tử, cũng không bị bệnh và tai họa bất ngờ, thường được vô lượng trăm ngàn thiên thần cung kính vây quanh đi theo bảo vệ. Nếu thiện nam tử, thiện nữ trong mỗi ngày mồng tám, mười bốn, mười lăm của một tháng bất cứ chỗ nào cũng đọc tụng, giảng nói Bát Nhã thì sẽ được vô biên công đức thù thắng lợi ích.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã sâu xa đối với tất cả pháp không sở đắc nên chẳng nhiễm, chẳng bị nhiễm. Vì sao? Vì pháp không chẳng thể nhiễm pháp không vậy. Do không nhiễm nên gọi là vô nhiễm Ba la mật. Do Bát nhã Ba la mật này không nhiễm nên tất cả các pháp khác cũng không nhiễm. Nếu đối với việc như thế cũng chẳng phân biệt là hành Bát nhã Ba la mật. (Q.559, ĐBN)
Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã sâu xa vì không phân biệt nên đối với tất cả pháp không thấy, vì chẳng thấy, nên không thủ, không xả.
Khi ấy có vô lượng trăm ngàn Thiên tử trụ trong hư không vui mừng hớn hở, cùng đồng thanh xướng lời chúc mừng:
- Chúng con ngày nay ở châu Thiệm bộ, được thấy Phật chuyển vận bánh xe diệu pháp lần thứ hai.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiện Hiện:
- Bánh xe pháp như thế chẳng phải chuyển lần thứ nhất, cũng chẳng phải chuyển lần thứ hai, vì Bát Nhã không xoay chuyển vậy.
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã chính là Ba la mật rộng lớn, đối với tất cả pháp không trói buộc, không dính mắc. Mặc dù chứng Bồ đề nhưng không có sự chứng, mặc dù chuyển vận bánh xe pháp nhưng không có sự chuyển. Không có pháp có thể chỉ rõ, không có pháp có thể hiển bày, không có pháp có thể đắc, không có pháp có thể chuyển, không có pháp có thể vận. Vì tất cả pháp hoàn toàn không sanh, cũng không diệt. Vì không sanh diệt nên không chuyển xoay.
Thế Tôn bảo Thiện Hiện:
- Đúng như vậy! Đúng như vậy! Vì sao? Vì trong pháp vô tánh lấy không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, hoặc chuyển, hoặc xoay đều không thể đắc. Nếu người nào có thể tuyên thuyết, chỉ dạy được như thế thì gọi là người tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật thiện tịnh. Trong đây hoàn toàn không có người giảng thuyết, người lãnh thọ, cũng không có người chứng đắc Niết bàn, cũng không có người nói pháp ruộng phước. Vì ruộng phước không nên tánh phước cũng không. Danh ngôn biểu thị đều chẳng thể đắc, nên gọi là Bát nhã Ba la mật rộng lớn.
(Thế nào gọi là Ba la mật?)
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa là vô biên Ba la mật, như hư không rộng lớn không biên giới vậy. Đây là chánh đẳng Ba la mật, vì tánh tất cả pháp bình đẳng vậy. Đây là viễn ly Ba la mật, vì tất cả pháp hoàn toàn Không vậy. Đây là khó hàng phục Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng thể đắc vậy. Đây là không dấu vết Ba la mật, vì tất cả pháp không danh tự, hình thể vậy. Đây là vô hành Ba la mật, vì tất cả pháp không qua lại vậy. Đây là vô đoạt Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng thể nắm bắt vậy. Đây là vô tận Ba la mật, vì tất cả pháp không thể tận vậy. Đây là vô sanh Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng thể sanh vậy. Đây là vô tác Ba la mật, vì các tác giả chẳng thể đắc vậy. Đây là vô tri Ba la mật, vì các sự hiểu biết chẳng thể đắc vậy. Đây là vô chuyển Bát nhã Ba la mật, vì các việc sanh tử chẳng thể đắc vậy. Đây là vô cấu Ba la mật, vì phiền não sạch vậy. Đây là vô nhiễm Ba la mật, vì chỗ nương tựa chẳng thể đắc vậy. Đây là vô hoại Ba la mật, vì lìa biên giới trước vậy. Đây là như huyễn Ba la mật, vì tất cả pháp đều không sanh vậy. Đây là như mộng Ba la mật, vì tánh các ý thức bình đẳng vậy. Đây là vô hý luận Ba la mật, vì biết tánh các hý luận bình đẳng vậy. Đây là vô tư lự Ba la mật, vì các pháp tư lự hoàn toàn không có vậy. Đây là vô động chuyển Ba la mật, vì an trụ pháp giới vậy. Đây là lìa nhiễm Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng hư vọng vậy. Đây là vô tác dụng Ba la mật, vì tất cả pháp không phân biệt vậy. Đây là vắng lặng Ba la mật, vì tướng tất cả pháp chẳng thể đắc vậy. Đây là vô phiền não Ba la mật, vì lìa lỗi lầm vậy. Đây là không hữu tình Ba la mật, vì Niết bàn của hữu tình chẳng thể đắc vậy. Đây là vô đoạn Ba la mật, vì tất cả pháp không phát khởi vậy. Đây là không hai bên Ba la mật, vì đối với tất cả pháp không chấp trước vậy. Đây là không chấp trước Ba la mật, vì bậc Nhị thừa không phân biệt vậy. Đây là vô phân biệt Ba la mật, vì biết tánh các sự phân biệt bình đẳng vậy. Đây là vô lượng Ba la mật, vì pháp không lường vậy. Đây là vô khởi Ba la mật, vì lìa ngã pháp vậy. Đây là hư không Ba la mật, vì đối với tất cả pháp đều không ngăn ngại vậy. Đây là bất sanh Ba la mật, vì tất cả pháp đều chẳng sanh khởi vậy. Đây là vô thường Ba la mật, vì tất cả pháp thường vô tánh vậy. Đây là khổ Ba la mật, vì pháp bức não tánh bình đẳng vậy. Đây là vô ngã Ba la mật, vì không chấp trước tất cả pháp vậy. Đây là Không Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng thể đắc vậy. Đây là vô tướng Ba la mật, vì tất cả pháp lìa các tướng vậy. Đây là vô nguyện Ba la mật, vì tất cả pháp không có sự thành tựu vậy. Đây là lực Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng thể khuất phục vậy. Đây là vô lượng Phật pháp Ba la mật, vì quá số lượng vậy. Đây là vô sở úy Ba la mật, vì tâm không khiếp sợ vậy. Đây là chơn như Ba la mật, vì tất cả pháp chẳng hư vọng vậy. Đây là bản thể Ba la mật, vì tất cả pháp không tự tánh.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đúng như vậy! Đúng như vậy! Như lời ngươi nói.
Sơ giải:
Phẩm này trình bày nhiều vấn đề, nhưng có hai đề mục được thuyết nhiều nhất là: 1. Thanh tịnh và 2. Các Ba la mật. Cả hai đề mục này được các Hội khác nhất là Hội thứ I và Hội thứ II thuyết giảng rất tỉ mỉ và thuyết thành hai phẩm lớn khác nhau:
1. Thanh tịnh là giáo pháp được thuyết nhiều nhất trong Đại Bát Nhã, như trong phần gợi ý nói trên. Tuy nhiên, phẩm “Thanh Tịnh” của Hội này thuyết đơn sơ, quá ngắn. Như nhiều lần chúng tôi nói: Thuyết vòng vo Tam quốc, trùng tụng quá nhiều thì loãng, thuyết ngắn thì thiếu.
Toàn thể phẩm này điều đáng nhớ là pháp thoại trao đổi giữa Thiện Hiện và Thế Tôn.
“Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã chính là Ba la mật rộng lớn, đối với tất cả pháp không trói buộc, không dính mắc. Mặc dù chứng Bồ đề nhưng không có sự chứng, mặc dù chuyển vận bánh xe pháp nhưng không có sự chuyển. Không có pháp có thể chỉ rõ, không có pháp có thể hiển bày, không có pháp có thể đắc, không có pháp có thể chuyển, không có pháp có thể vận. Vì tất cả pháp hoàn toàn không sanh, cũng không diệt. Vì không sanh diệt nên không chuyển xoay.
Thế Tôn bảo Thiện Hiện:
- Đúng như vậy! Đúng như vậy! Vì sao? Vì trong pháp vô tánh lấy không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, vô sanh, vô diệt, hoặc chuyển, hoặc xoay đều không thể đắc. Nếu người nào có thể tuyên thuyết, chỉ dạy được như thế thì gọi là người tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật thiện tịnh. Trong đây hoàn toàn không có người giảng thuyết, người lãnh thọ, cũng không có người chứng đắc Niết bàn, cũng không có người nói pháp ruộng phước. Vì ruộng phước không nên tánh phước cũng không. Danh ngôn biểu thị đều chẳng thể đắc, nên gọi là Bát nhã Ba la mật rộng lớn”.
Tất cả tư tưởng trên phát xuất từ tánh không nói lên tinh thần của đệ nhất nghĩa đế. Sống trong đệ nhất nghĩa thì không còn phân biệt chấp trước, không thấy pháp phân hai mà thấy tất cả pháp đều nhất như, đều bình đẳng, nên được tâm thanh tịnh. Đó là ý nghĩa của phần trên của phẩm này.
2. Phần sau của phẩm này nói về đặc tánh của tất cả Ba la mật? Quý vị nên đọc lại phẩm “Ba La Mật”, Hội thứ I hay phẩm “Bất Khả Đắc” của Hội thứ II, có trích dẫn lời chiết giải của Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận (phẩm thứ 44, “Bách Ba La Mật”, tập 4, quyển 65) giải thích rất rõ ràng hầu hết các Ba la mật mà phẩm “Thanh Tịnh” của Hội thứ V đã liệt kê.
Vì khuôn khổ của thiên Tổng luận này có giới hạn, nên chúng tôi không muốn trùng tuyên nữa. Vậy, Xin Quý vị độc giả quay lại tham cứu phẩm “Bất Khả Đắc” Hội thứ II, ĐBN./.
---o0o---