- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
PHẨM "PHẬT PHÁP"
Phần sau quyển 477, Hội thứ II, ĐBN.
(Tương đương phẩm “Vô Tánh Tự Tánh”, phần sau Q.395
cho đến phần đầu Q.396, Hội thứ I, ĐBN
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Gợi ý:
Phẩm “Vô Tánh Tự Tánh”, phần sau quyển 395, Hội thứ I, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Thế nào là sự khác biệt giữa Phật và Bồ Tát?
“Phật bảo: Thiện Hiện! Tất cả pháp tu Đại thừa là Bồ Tát pháp, các pháp này cũng chính là pháp Phật. Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp biết tất cả tướng, do đó sẽ đắc Nhất thiết tướng trí, vĩnh viễn đoạn trừ tất cả tập khí tương tục. Còn chư Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác cũng tu các pháp này nhưng do một sát na tương ưng với diệu huệ, hiện đẳng giác rồi, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Trên danh nghĩa hai bậc Thánh ấy tuy cùng là Thánh nhưng có hành, hướng, trụ, quả sai khác”.
Phật pháp thì chỉ có một mà hành, hướng, trụ, quả sai khác. Nên quả vị có thể sai khác. Vì vậy, mới biết tu hành hết sức tế nhị khó khăn, gian nan vất vã hơn người leo núi.
Tóm lược:
Phẩm “Phật Pháp”, thuộc phần sau quyển 477, Hội thứ II, ĐBN. Thế Tôn giải thích tiếp:
Này Thiện Hiện! Nếu trong đạo tu hành không có gián đoạn đối với tất cả pháp mà chưa thoát khỏi ám chướng, chưa đến bờ bên kia, chưa được tự tại, chưa đắc quả thì gọi là Bồ Tát. Nếu trong đạo tu hành giải thoát đối với tất cả pháp mà thoát khỏi ám chướng, đã tới bờ bên kia, đã được tự tại, khi đã được chứng quả mới gọi là Phật, đấy là Bồ Tát cùng Phật có khác. Quả vị có khác, pháp tu chẳng khác, nên chẳng thể nói tánh của các pháp có khác.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu tự tướng của tất cả pháp đều không thì tại sao trong cái không của tự tướng có các sự sai khác, nói đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là ngạ quỷ, đây là người, đây là trời, đây là Chủng tánh địa, đây là Đệ bát địa, đây là Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, đây là Độc giác, đây là Bồ Tát, đây là Như Lai?
Bạch Thế Tôn! Những chúng sanh đó đã bất khả đắc và nghiệp họ tạo cũng bất khả đắc. Nếu nghiệp đã tạo bất khả đắc, thì quả dị thục kia cũng phải bất khả đắc?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông nói! Tự tướng tất cả pháp đều không, trong cái không của tự tướng thì hữu tình đã vô sở hữu, nghiệp quả dị thục cũng vô sở hữu, trong vô sở hữu không có tướng sai biệt. Nhưng các hữu tình đối lý tất cả pháp tự tướng không chẳng thật biết, tạo nên các nghiệp: Do nơi nghiệp dữ tăng trưởng nên bị đọa ba ác thú; do nghiệp lành tăng trưởng nên được sanh trong người trời ở cõi Dục. Nếu định nghiệp tăng trưởng hơn nữa thì được sanh cõi Sắc hoặc cõi Vô sắc. Bởi nhân duyên đây mới có tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. An trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. An trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. An trụ khổ tập diệt đạo Thánh đế. Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tu hành không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Tu hành Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tu hành tất cả Đà la ni, Tam ma địa môn. Tu hành năm nhãn, sáu thần thông. Tu hành Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu hành pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. (Nghĩa là tu tất cả các pháp mầu Phật đạo)
Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát đối Bồ đề phần pháp như thế thảy không hở không khuyết tu cho đến viên mãn. Đã viên mãn rồi, bèn năng dẫn phát định Kim cương dụ cận trợ Bồ đề, mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cùng các hữu tình làm đại nhiêu ích, thường không mất hoại. Vì không mất hoại nên khiến các hữu tình giải thoát các khổ sanh tử.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Phật đã chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rồi, thì có bị sanh tử trong các cõi không?
Phật nói:
- Chẳng bị!
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Phật được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rồi, có bị rơi vào hắc nghiệp, bạch nghiệp, hắc bạch nghiệp, phi hắc bạch nghiệp chăng?
Phật nói:
- Thiện Hiện! Không!
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Nếu Phật chẳng bị rơi vào các thú sanh tử và nghiệp sai biệt, làm sao biết có thi thiết đây là địa ngục, đây là bàng sanh, đây là quỷ giới, đây là người, là trời, là Chủng tánh địa, Đệ bát địa, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán? Đây là Độc giác, đây là Bồ Tát, đây là Như Lai?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu các hữu tình tự biết các pháp tự tướng không ấy, thì các đại Bồ Tát bèn đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng cần cầu chứng, phương tiện khéo léo cứu vớt các hữu tình ra khỏi ác thú sanh tử. Vì các hữu tình chẳng biết các pháp tự tướng không, nên trôi lăn các thú chịu vô lượng khổ. Vậy nên, Bồ Tát theo chỗ chư Phật, nghe tất cả pháp tự tướng không rồi, vì muốn nhiêu ích các hữu tình, nên cầu chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề phương tiện khéo léo cứu vớt các hữu tình ra khỏi các thú sanh tử.
Thiện Hiện phải biết! Các đại Bồ Tát thường khởi nghĩ này: Chẳng phải tất cả pháp thật có tự tướng như chỗ chấp của các ngu phu dị sanh, nhiên hậu do phân biệt điên đảo, nên trong chẳng phải thật có khởi tưởng thật có, nghĩa là trong vô ngã khởi tưởng có ngã, trong vô hữu tình khởi tưởng hữu tình. Nói rộng, cho đến không có người biết, người thấy khởi tưởng có người biết người thấy. Với trong không có sắc khởi tưởng có sắc, trong không có thọ tưởng hành thức khởi tưởng thọ tưởng hành thức cho đến trong không có tất cả pháp hữu vi, khởi tưởng pháp hữu vi. Vì sức hư dối phân biệt điên đảo nên không thật bảo thật, không đáng chấp lại chấp… Do đây gây tác nghiệp thân ngữ ý, không thể giải thoát sanh tử các thú, ta phải cứu vớt khiến được giải thoát.
Đại Bồ Tát này khởi nghĩ đây rồi, hành sâu Bát Nhã, đem các thiện pháp mà Bồ Tát đã tu hành nhiếp thọ hữu tình để họ lần hồi viên mãn tư lương Bồ đề. Tư lương Bồ đề đã được viên mãn, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Được Bồ đề rồi, vì các hữu tình tuyên nói khai thị, phân biệt kiến lập nghĩa bốn Thánh đế: Rằng đây là khổ Thánh đế, đây là khổ tập Thánh đế, đây là khổ diệt Thánh đế, đây là tới đạo khổ Thánh đế. Lại đem tất cả Bồ đề phần pháp nương trí thông đạt, nhiếp vào bốn Thánh đế như thế. Lại nương tất cả Bồ đề phần pháp, dùng trí vi diệu thi thiết kiến lập Phật Pháp Tăng bảo. Nhờ Tam Bảo đây xuất hiện thế gian nên các loại hữu tình giải thoát sanh tử. Nếu các hữu tình chẳng năng quy chánh Phật Pháp Tăng bảo, tạo tác các nghiệp lộn quanh các thú chịu khổ vô cùng, nên phải quy y Phật Pháp Tăng bảo.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhờ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà các loại hữu tình được nhập Niết bàn, hay vì nhờ trí Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo mà các loại hữu tình được Niết bàn?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Chẳng do khổ tập diệt đạo Thánh đế mà các loại hữu tình được vào Niết Bàn, cũng chẳng do trí khổ tập diệt đạo Thánh đế mà các loại hữu tình được vào Niết Bàn. Ta nói tánh bình đẳng của bốn Thánh đế tức là Niết bàn. Như vậy, Niết bàn không do khổ, tập, diệt, đạo đế mà được, không do khổ, tập, diệt, đạo trí mà được. Chỉ do Bát nhã Ba la mật chứng tánh bình đẳng mới gọi là được Niết bàn.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là tánh bình đẳng của khổ tập diệt đạo?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu chỗ nào không có khổ tập diệt đạo đế, không có khổ tập diệt đạo trí, thì gọi tánh bình đẳng của bốn Thánh đế. Tánh bình đẳng đây tức là bốn Thánh đế. Sở hữu chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư dối, tánh chẳng biến khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới, dù Phật ra đời hoặc chẳng ra đời, tánh tướng thường trú, không mất không hoại, không biến đổi. Như vậy, gọi là tánh bình đẳng của khổ tập diệt đạo.
- Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ Tát khi hành sâu Bát nhã Ba la mật, muốn giác ngộ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này nên hành sâu Bát nhã Ba la mật. Khi biết rõ tánh bình đẳng của bốn Thánh đế này gọi là giác ngộ chơn chánh tất cả Thánh đế, không rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác mà lại nhập vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh? Tại sao thế Bạch Thế Tôn?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát khi hành sâu Bát Nhã, không có một chút pháp nhỏ nhiệm nào mà chẳng như thật thấy. Khi thấy biết như thật về tất cả pháp thì đối với tất cả pháp đều không sở đắc. Đối với tất cả pháp không sở đắc rồi, thì như thật thấy tất cả pháp đều không. Nghĩa là như thật thấy biết các pháp được thâu nhiếp hay không thâu nhiếp trong bốn đế đều là không. Khi thấy như vậy có thể nhập vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh. Do nhập vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, nên trụ trong chủng tánh địa của Bồ Tát. Trụ trong chủng tánh địa của Bồ Tát rồi thì nhất định không bị rơi từ đỉnh cao. Rơi từ cao xuống có nghĩa lui thụt vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác. Đại Bồ Tát này an trụ bậc Bồ Tát chủng tánh phát khởi bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, Bồ Tát này an trụ trong Xa ma tha địa như thế, mới có thể quyết trạch(1) tánh của tất cả pháp và từ đó có thể giác ngộ lý của bốn Thánh đế.
Bấy giờ, Bồ Tát dù khắp biết khổ mà chẳng khởi tâm duyên chấp khổ. Dù dứt hẳn tập mà chẳng khởi tâm duyên chấp tập. Dù chứng diệt, mà chẳng khởi tâm duyên chấp diệt. Dù thường tu đạo, mà chẳng khởi tâm duyên chấp đạo. Chỉ khởi tâm tùy thuận hướng tới đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, như thật quán sát thật tướng các pháp.
(Các Bồ Tát làm sao quán sát thật tướng các pháp?)
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Đại Bồ Tát này làm sao quán sát thật tướng các pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối tất cả pháp như thật quán sát tự tướng (2) đều không. Như vậy quán sát các pháp đều không. Đại Bồ Tát này dùng tướng Tỳ bát xá na như thế, như thật quán thấy các pháp đều không, trọn chẳng thấy có tự tánh (3) các pháp khá trụ tánh kia, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và tất cả pháp đều lấy vô tánh mà làm tự tánh (4). Chỗ gọi sắc cho đến thức, đều lấy vô tánh mà làm tự tánh. Mười hai xứ cho đến mười tám giới cũng lấy vô tánh làm tự tánh. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng lấy vô tánh làm tự tánh. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Địa giới cho đến thức giới cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Theo duyên sanh ra các pháp cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Vô minh cho đến lão tử cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Nội không cho đến vô tánh tự tánh không (5) cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Chơn như cho đến bất tư nghì giới cũng lấy vô tánh mà làm tự tánh. Nói rộng ra, tất cả pháp Phật đều lấy vô tánh làm tự tánh. Như vậy, vô tánh như thế chẳng phải chư Phật làm ra, chẳng Độc giác làm, chẳng Bồ Tát làm, chẳng Thanh Văn làm, cũng chẳng phải bậc trụ quả hành hướng tạo ra, chỉ vì tất cả hữu tình không biết không thấy như thật về tất cả pháp đều không, nên các đại Bồ Tát hành sâu Bát Nhã phương tiện thiện xảo, theo sự giác ngộ của mình vì các hữu tình như thật tuyên nói, khiến lìa chấp trước, giải thoát tất cả sanh lão bịnh tử, được Niết Bàn an vui rốt ráo.
Thích nghĩa:
(1). Quyết trạch: Quyết định và chọn lựa.
(2). Tự tướng (自相, s: svātman):1- Bản chất. Vật thể như chính nó. 2- Đặc tính nguyên thủy, phẩm tính đặc biệt. Đặc tính nhất định của một vật. Tự tánh của một người hay vật thể (s: svarūpa). 3- Tự thể của chính mình, chính nó (s: svātman).(Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt).
Định nghĩa này được trích dịch từ Digital Dictionary of Buddhism của A. Charles Muller, nhưng cũng không phân biệt rõ ràng giữa tự tướng với tự tánh. Vì vậy, mà dịch giả của hai Kinh ĐBN và Kinh MHBNBLMĐ mới dịch khác nhau.
(3). Tự tánh (自性): 1- Bản tánh, tánh chất nhất định của một vật (s: svabhāva, dharmatā, tathatā). 2- Như là nguyên lý hoặc thể tính bất biến, giáo lý tánh không Phật giáo hoàn toàn phủ nhận ý niệm nầy. 3- Tự lập, độc lập. (Từ điển Phật học Anh-Hán-Việt).
(4). Vô tánh tự tánh: Bản tánh của tất cả pháp là không, rỗng không, chẳng có lúc nào chẳng không. Bởi vì, bản tánh nó như vậy là như vậy, không phải do Phật làm ra, cũng không do ai làm ra.
Trong phẩm này Phật thuyết các pháp tự tướng là không, tự tánh cũng không và vô tánh tự tánh cũng không nốt. Nên trong Thiền luận III, Thiền sư DT. Suzuki giải thích 18 pháp không mà trong đó có ba pháp không cuối cùng là: 1. Vô Tánh Không (Abhava-sunyata): Không của vô thể. 2. Tự Tánh Không (Svabhava-sunyata): Không của tự tánh và 3. Vô Tánh Tự Tánh Không (Abhava-svabhava-sunyata): Không của vô thể của tự tánh.
Thiền sư luận giải chung ba loại này như sau: “Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu (astiva) và vô (nastiva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là không. Vô Tánh (Abhava) là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự Tánh (svabhava) có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có “cái nó” nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của hữu và vô là thực? Không! Nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không”.
Chính cách luận giải này đưa đến ý niệm, nếu tất cả pháp nào rơi vào ba đặc tánh này: Vô tánh không, tự tánh không và vô tánh tự tánh không thì như thật thấy tất cả pháp đều không, rỗng không! Giải thích này hết sức quan trọng không những cho sự hiểu biết phẩm này mà còn để hiểu toàn bộ thật tướng của tất cả pháp. Quý vị hãy lưu ý đến giải thích quan trọng này. Chúng ta sẽ có rất nhiều dịp để thảo luận nó nhất là trong phần thứ III Tổng luận.
Sơ giải:
Như phẩm trước nói học Bát Nhã phải biết “… tự tướng của tất cả pháp là không, trong cái không của tự tướng thì hữu tình đã vô sở hữu, nghiệp quả dị thục cũng vô sở hữu, trong vô sở hữu không có tướng sai biệt. Nhưng các hữu tình đối lý tất cả pháp tự tướng không chẳng thật biết, tạo nên các nghiệp”. Vì tạo nghiêp nên phải trôi lăn trong sáu cõi luân hồi.
“Bởi nhân duyên đó nên Bồ Tát mới tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. An trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. An trụ chơn như cho đến bất tư nghì giới. An trụ khổ tập diệt đạo Thánh đế. Tu hành bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí”.
Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 84, “Tứ Đế”, tập 5, quyển 95, nói:
“Vì muốn phá các nhân duyên quả báo sanh tử của chúng sanh, mà Bồ Tát nguyện ở trong Bát nhã Ba la mật, nhiếp hết thảy các thiện pháp, hành Bồ Tát đạo, được Vô Thượng Bồ Đề, rồi vì chúng sanh thuyết 4 thánh đế, gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
Hỏi: Phật có rất nhiều pháp vi diệu dẫn đến “vô ngại giải thoát”. Vì sao? Chỉ nói đến 4 thánh đế mà thôi?
Đáp: Vì chúng sanh khổ, nên trước hết phải trừ khổ cho chúng sanh; sau đó mới khai thị Phật đạo.
Ví như người lâm bệnh nặng, trước hết phải trừ gốc bệnh cho họ; sau đó mới cho họ bổ dưỡng để phục hồi lại.
--o0o--
Chúng sanh thọ thân 5 ấm, mà 5 ấm là gốc của hết thảy khổ. Do vậy mà phải vì chúng sanh nói về “khổ đế”.
Có vô lượng khổ; nếu nói lược thì có các khổ “sanh, già, bệnh, chết”.
Lại phải cho chúng sanh biết về các nguyên nhân sanh khổ, nên phải vì họ nói về “tập đế”. Do có “ái, thủ và hữu” mà chúng sanh phải thọ thân ở đời sau. Đã thọ thân tức là phải thọ khổ. Do vậy mà nói “ái, thủ, hữu là các nhân chính tạo ra khổ”.
Lại phải dạy cho chúng sanh biết về cách diệt khổ, nên phải vì họ nói về “diệt đế”. Chúng sanh muốn đoạn khổ thì trước phải đoạn “ái”. Đoạn ái rồi, thì thủ, hữu….dẫn đến sanh, già, chết đều đoạn cả. Do vậy mà nói “ái” đoạn thì “khổ” tự diệt.
Lại phải cho chúng sanh biết con đường đưa đến sự diệt khổ, nên phải vì họ nói về “đạo đế”. Con đường diệt khổ tức là “đạo” vậy.
Ở đời này, chúng sanh phải quán thân 5 ấm là gốc của khổ, nên phải quán thân này là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã. Lại phải biết do “ái” mà phải thọ thân, nên phải quán “ái” như bệnh, như ung nhọt, như giặc cướp; phải hành 8 thánh đạo, tu chánh kiến và 7 pháp thánh đạo kia, để giúp cho sự phát đạo tâm, giúp đoạn sạch pháp “ái”, ví như dùng chất rượu để dẫn thuốc vậy.
Nếu ở nơi hết thảy pháp thế gian mà chẳng còn khởi tâm tham đắm nữa, thì mới ly được khổ. Khi ly được khổ rồi, thì ảnh hưởng của khổ liền tự diệt. Có như vậy mới thành tựu được diệu pháp.
Bởi vậy nên, ở đoạn kinh trên đây, Phật dạy “ bốn thánh đế nhiếp hết thảy các thiện pháp”.
Hỏi: Vì sao chẳng nói đến các pháp trợ đạo?
Đáp: Vì hết thảy các thiện pháp nhiếp bên trong bốn pháp đế. Các thiện pháp trợ đạo làm nhân duyên giúp chúng sanh tin kính ba ngôi Tam Bảo. Nếu chúng sanh chẳng tin Tam Bảo, thì chẳng thể ra khỏi 6 đường sanh tử. Bởi vậy, nên trước hết phải dạy cho chúng sanh bốn thánh đế, khiến họ trừ được khổ, rồi sau đó mới dùng các thiện pháp trợ đạo để đưa họ vào đạo.
Hỏi: Vì sao ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật “Dùng khổ đế mà được diệt độ, hay dùng khổ trí mà được diệt độ chăng?
Đáp: Hỏi như vậy chẳng phải là thô. Hỏi như vậy để cho thấy rõ về thể của bốn thánh đế. Muốn diệt độ thì phải dùng đến trí. Khi đã diệt sạch hết các phiền não rồi, thì được diệt độ, tức là được Niết Bàn vậy.
Khổ đế là do khổ trí hòa hợp mà thành tựu.
Cho nên chẳng phải dùng khổ đế mà được diệt độ, được Niết Bàn, mà phải do khổ trí mới được như vậy. Dẫn đến đạo đế và đạo trí cũng là như vậy.
Phật dạy: Chẳng phải dùng khổ đế, cũng chẳng phải dùng khổ trí mà được diệt độ… dẫn đến chẳng phải dùng đạo đế, cũng chẳng dùng đạo trí mà được diệt độ. Tất cả bốn đế đều bình đẳng; bốn đế tức là Niết Bàn. Chẳng phải dùng khổ đế hay khổ trí… dẫn đến chẳng phải dùng đạo đế hay đạo trí mà được diệt độ. Vì sao? Vì khổ, tập, diệt và đạo đều do nhân duyên sanh, là hư dối, là chẳng thật có, là chẳng có tự tánh. Nếu khổ, tập, diệt và đạo đều chẳng thật có, thì chẳng có thể dùng các pháp ấy để được diệt độ vậy”.
“… Khi mới vào đạo, thì chỉ mới biết có hai đế hư dối, là khổ đế và tập đế mà thôi. Khi đã vào vô dư Niết Bàn rồi, thì cũng sẽ biết đạo đế và diệt đế chính là “không tam muội”.
Do hữu lậu, hữu vi mà nói đến vô lậu, vô vi. “Khổ” khi đã diệt rồi, ví như cây đèn đã tắt, chẳng nên hý luận, tầm cầu xứ sở làm gì nữa. Bởi vậy nên Phật dạy, “Chẳng phải dùng khổ mà được diệt độ… dẫn đến chẳng phải dùng đạo mà được diệt độ”.
--o0o--
Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Vì sao nói 4 đế bình đẳng?
Phật dạy: Chẳng có khổ cũng chẳng có khổ trí… dẫn đến chẳng có đạo cũng chẳng có đạo trí; Chẳng có chỗ chia bốn đế ra làm 8 pháp, thì gọi là bình đẳng. “Đế” là như thật, chẳng hư dối, là như pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế. Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì pháp tướng vẫn thường trú, chẳng hư dối.
Chúng sanh chẳng biết rằng chỉ có thật tướng pháp là chẳng hư dối, là thường trú, bất diệt, mà cứ mãi vọng chấp điên đảo, tạo nên các nghiệp nhân duyên, khiến phải thọ lãnh các nghiệp quả báo; dù được quả báo phước lạc ở cõi trời hay cõi người, thì phước lạc đó lâu sau cũng sẽ bị hoại diệt.
Bởi vậy nên Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, thông đạt “thật đế”, dùng các lực phương tiện vì chúng sanh nói ra “thật đế” vậy.
--o0o--
Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bồ Tát thông đạt thật đế như thế nào, mà vào thẳng Bồ Tát vị?
Phật dạy: Bồ Tát tư duy hết thảy pháp đều không; pháp nhiếp trong 4 thánh đế là không, pháp chẳng nhiếp trong 4 thánh đế cũng là không. Do quán hết thảy pháp không, mà Bồ Tát vào thẳng Bồ Tát vị.
Hỏi: Vì sao nói chẳng quán các pháp không như trên đây, thì chẳng vào được Bồ Tát vị?
Đáp: Quán hết thảy pháp không, như nói trên đây, có nghĩa là quán hết thảy pháp đều không, và ở trong “không” đó, thì “không” cũng là không. Nếu trong “không” mà còn có “bất không” thì chẳng thể gọi là hết thảy pháp không vậy.
Bồ Tát hành “không” như vậy, nên vào thẳng Bồ Tát vị. Vào Bồ Tát vị, Bồ Tát an trú trong “tánh địa”, chẳng còn bị lạc về Thanh Văn địa và Bích Chi Phật địa.
“Tánh địa” là đệ nhất pháp thế gian. Pháp này tùy thuận “vô lậu đạo” nên gọi là tánh.
Bồ Tát an trú trong “tánh địa” cầu được làm Phật, nên sanh 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định.
Khi vào được thiền định, Bồ Tát nhiếp tâm phân biệt các pháp, thông đạt 4 đế, nghĩa là biết khổ mà chẳng duyên khổ.
Phàm phu cũng biết khổ, nhưng cứ mải miết tạo tác ra các nhân duyên nghiệp khổ, khiến mãi miết thọ thân trong các nẻo đường sanh tử.
Bồ Tát biết rõ thân là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, là oán tặc, là giặc cướp. Biết rõ như vậy, nên gặp khổ Bồ Tát liền xả, chẳng chấp tướng khổ, cũng chẳng chấp khổ đế. Dẫn đến đạo cũng là như vậy.
Bồ Tát chỉ nhất tâm hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề; biết 4 đế chỉ là phương thuốc để đối trị bệnh chấp của chúng sanh, nên chẳng chấp 4 đế, Bồ Tát chỉ quán thật tướng pháp, nên chẳng có phân biệt 4 pháp quán về 4 đế vậy.
--o0o--
Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Thế nào gọi là như thật quán các pháp?
Phật dạy: Đó là quán “không”.
Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu nói Bồ Tát quán hết thảy các pháp, từ lớn đến nhỏ đều “không”, thì như vậy dùng pháp “không” gì để quán?
Phật dạy: Dùng “tự tướng không” để quán.
Hỏi: Có đến 18 pháp không, vì sao Phật chỉ nói đến “tự tướng không” mà thôi?
Đáp: Nói “tự tướng không” là nói ở trong “không”, thì “tự tướng có” mặc nhiên bị phá rồi. Do vậy mà tâm chẳng còn bị chìm đắm, dẫn đến chẳng còn thấy một pháp “hữu tánh” nào nữa… dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề cũng là tự tướng không. Bồ Tát an trú trong “tánh không” mà được Vô Thượng Bồ Đề. Tánh không đó chẳng phải do Phật làm ra chẳng phải do ai khác làm ra, là thường tịch diệt, chẳng có hý luận vậy.
Vì chúng sanh chẳng có thể biết được như thật tướng của các pháp, nên Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, vì chúng sanh nói ra diệu pháp đó.
Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn, đã vào Bồ Tát vị, đã thông đạt đệ nhất nghĩa đế, nên có đầy đủ các lực phương tiện. Bồ Tát quán các đạo tướng thậm thâm vi diệu, mà chẳng đắc, chẳng xả; lại dùng trí huệ quán biết chúng sanh ở trong “không” mà phải đọa vào ba đường ác, phải thọ bao nhiêu khổ não. Quán như vậy rồi, Bồ Tát trải rộng lòng đại từ bi, thâm niệm chúng sanh, dùng mọi phương tiện cứu vớt chúng sanh ra khỏi các khổ.
Nếu Bồ Tát nói thẳng về tự tướng không của các pháp, thì chúng sanh sẽ chẳng tin, chẳng thọ, dẫn đến sẽ phá hoại pháp, khiến phải bị đọa vào địa ngục. Bởi vậy nên Bồ Tát phải thành tựu hết thảy các thiện pháp, tự trang nghiêm thân tướng của mình, để phương tiện dẫn đạo chúng sanh, tùy từng đối tượng chúng sanh mà thuyết pháp, khiến họ được giải thoát”.
Đây là pháp cần người thật tu thật chứng Tứ đế chỉ dạy mới vào được Bồ Tát vị. Người không tu không dễ gì biết được. Vã lại, Ngài Long Thọ là Tổ thứ XIV của dòng thiền Tây Thiên truyền thừa từ thời Phật, nên hơn ai hết Ngài biết rõ phép tu Tứ Đế của Thanh văn thừa, mới có thể truyền dạy cho Tăng đoàn. Đó là lý do, khiến chúng tôi trích dẫn phẩm này để Quý vị có dịp học hỏi thêm. Đắc Tứ đế thì thành bậc vô lậu, vô học, không còn trong luân hồi sanh tử nữa, nên gọi là A la hán. Đó là pháp tu quan trọng của Thanh văn thừa, cần hiểu cần học thôi./.
---o0o---