- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
Quyển 85 cho đến phần đầu quyển 89, Hội thứ I, Kinh ĐBN.
(Tương đương với phần sau quyển thứ 09, phẩm “Tán Hoa”, MHBNBLM)
Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước
Tóm lược:
Khi ấy, Thiên Đế Thích khởi nghĩ: Tôn giả Thiện Hiện trí tuệ thâm sâu, chẳng hoại giả danh mà nói pháp tánh(1). Phật biết ý Kiều thi Ca(tên khác của Thiên Đế Thích), nên nói rằng: Cụ thọ Thiện Hiện trí tuệ thâm sâu, chẳng hoại(2) giả danh mà nói pháp tánh.
Thiên Đế Thích liền bạch Phật rằng: Bạch thế Tôn! Tôn giả Thiện Hiện đối với những pháp nào, chẳng hoại giả danh mà nói pháp tánh?
Phật bảo: Kiều Thi Ca! Sắc chỉ là giả danh; thọ, tưởng, hành, thức chỉ là giả danh; giả danh ấy chẳng lìa pháp tánh; cụ thọ Thiện Hiện chẳng hoại giả danh sắc v.v… ấy mà nói pháp tánh của sắc v.v… Vì sao? Vì pháp tánh của sắc v.v… là không hoại, không phải không hoại. Vì vậy nên điều Thiện Hiện đã nói cũng không hoại, không chẳng hoại.
Kiều Thi Ca! 12 xứ, 18 giới chỉ là giả danh, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, Tứ đế, thập nhị nhân duyên, lục Ba la mật, 18 pháp không, chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế…, 37 pháp trợ đạo, 18 pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí chỉ là giả danh, giả danh như thế chẳng lìa pháp tánh. Cụ thọ Thiện Hiện chẳng hoại tất cả pháp giả danh như thế, mà nói tất cả pháp thảy pháp tánh. Vì sao? Vì tất cả pháp thảy pháp tánh không hoại, không chẳng hoại (色sắc 等đẳng 法pháp 性tánh 無vô 壞hoại 無vô 不bất 壞hoại). Vậy nên những điều mà cụ thọ đã thuyết, cũng không hoại, không chẳng hoại (是thị 故cố 善thiện 現hiện 所sở 說thuyết 亦diệc 無vô 壞hoại 無vô 不bất 壞hoại).
Kiều Thi Ca! Pháp của đại Bồ Tát chỉ là giả danh, quả vị Giác ngộ tối cao chỉ là giả danh, giả danh như thế chẳng lìa pháp tánh. Cụ thọ Thiện Hiện chẳng hoại giả danh của pháp đại Bồ Tát, quả vị Giác ngộ tối cao mà nói pháp tánh. Vì sao? Vì pháp tánh của đại Bồ Tát, quả vị Giác ngộ tối cao là không hoại, không chẳng hoại. Vậy nên những điều cụ thọ đã nói cũng không hoại, không chẳng hoại.
Kiều Thi Ca! Thanh văn thừa chỉ là giả danh; Độc giác thừa, Vô thượng thừa chỉ là giả danh, giả danh ấy chẳng lìa pháp tánh. Cụ thọ Thiện Hiện chẳng hoại giả danh của Thanh văn thừa, Độc giác thừa v.v... mà nói pháp tánh. Vì sao? Vì pháp tánh của Thanh văn thừa, Độc giác thừa v.v... là không hoại, không chẳng hoại. Vậy nên những điều Thiện Hiện đã nói cũng không hoại, không chẳng hoại.
Kiều Thi Ca! Cụ thọ Thiện Hiện đối với những pháp ấy chẳng hoại giả danh mà nói pháp tánh.
Cụ thọ Thiện Hiện nói với Đế Thích: Kiều Thi Ca! Đúng vậy! Như lời Phật dạy, các pháp sở hữu đều là giả danh.
Đại Bồ Tát biết tất cả pháp là giả danh rồi, nên học Bát nhã Ba la mật. Và khi học như vậy, đại Bồ Tát chẳng học nơi sắc, chẳng học nơi thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy chẳng thấy trong sắc có cái để học; chẳng thấy trong thọ, tưởng, hành, thức có cái để học.
Khi học như vậy, đại Bồ Tát chẳng học nơi mười hai xứ, mười tám giới; chẳng học nơi tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, Tứ đế, thập nhị nhân duyên, lục Ba la mật, mười tám pháp không, chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế…, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy chẳng thấy trong tất cả pháp ấy có cái để học kể cả quả vị Giác ngộ tối cao.
Khi ấy, trời Đế Thích hỏi Thiện Hiện: Bạch Đại đức! Vì duyên cớ gì mà đại Bồ Tát chẳng thấy sắc, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức? Bạch Đại đức! Vì duyên cớ gì mà đại Bồ Tát chẳng thấy mười hai xứ, mười tám giới cho tới tất cả pháp Phật?
Thiện Hiện đáp: Kiều Thi Ca! Vì sắc và tánh của sắc là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy sắc; vì thọ, tưởng, hành, thức và tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức.
Kiều Thi Ca! Vì đại Bồ Tát chẳng thấy sắc nên chẳng học nơi sắc, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức nên chẳng học nơi thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì chẳng lẽ không lại thấy không, chẳng lẽ cái không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức lại thấy cái không của sắc thọ, tưởng, hành, thức. Kiều Thi Ca! Vì chẳng lẽ cái không có thể học ở cái không, chẳng lẽ cái không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức có thể học ở cái không của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. (Q.85, ĐBN)
Kiều Thi Ca! Vì mười hai xứ và tánh của nhãn xứ là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy mười hai xứ; vì mười tám giới và tánh của mười tám giới là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy mười tám giới. Kiều Thi Ca! Vì đại Bồ Tát chẳng thấy mười hai xứ nên chẳng học ở mười hai xứ, chẳng thấy mười tám giới nên chẳng học ở mười tám giới. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì chẳng lẽ cái không của mười hai xứ thấy cái không của mười hai xứ; chẳng lẽ cái không của mười tám giới thấy cái không của mười tám giới. Kiều Thi Ca! Vì chẳng lẽ cái không của mười hai xứ học ở cái không của mười hai xứ; chẳng lẽ cái không của mười tám giới học cái không của mười tám giới.
Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không của mười hai xứ; chẳng học ở cái không của mười tám giới tức là đại Bồ Tát ấy đã học ở cái không của mười hai xứ, đã học ở cái không của mười tám giới. Vì sao? Vì không có hai phần.
(…)Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không của đại Bồ Tát; chẳng học ở cái không của Tam miệu tam Phật đà(3) tức là đại Bồ Tát ấy đã học ở cái không của đại Bồ Tát, đã học ở cái không của Tam miệu tam Phật đà. Vì sao? Vì không có hai phần.
Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không của pháp Bồ Tát; chẳng học ở cái không của quả vị Giác ngộ tối cao tức là đại Bồ Tát ấy đã học ở cái không của pháp Bồ Tát, đã học ở cái không của quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì không có hai phần.
Hay nói khác, nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không của tất cả pháp Phật tức là đại Bồ Tát đã học cái không của tất cả pháp Phật. Vì sao? Vì không có hai phần.
Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát học nơi sắc không, không có hai phần; học nơi thọ tưởng hành thức không, không có hai phần. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát học nơi 12 xứ không, không có hai phần vậy. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát học nơi 18 giới không, không có hai phần. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát học nơi địa giới không, không có hai phần; học nơi thủy hỏa phong không thức giới không, không có hai phần, học nơi thủy hỏa phong không thức giới không, không có hai phần. Nói rộng ra, nếu đại Bồ Tát học nơi tất cả pháp Phật không, không có hai phần thì các đại Bồ Tát có khả năng học lục Ba la mật, có khả năng học 18 pháp không, chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế…Vì sao? Vì không có hai phần. Đại Bồ Tát có khả năng học ở Tứ Thánh đế, có khả năng học ở bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, 37 pháp trợ đạo. Vì sao? Vì không có hai phần. Đại Bồ Tát có khả năng học ở năm loại mắt, sáu phép thần thông, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, 18 pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì không có hai phần. Đại Bồ Tát ấy có khả năng học ở pháp không quên mất, có khả năng học ở tánh luôn luôn xả. Vì sao? Vì không có hai phần. Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát ấy có khả năng học ở pháp đại Bồ Tát, có khả năng học ở quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì không có hai phần. Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát ấy có khả năng học ở Thanh văn thừa, có khả năng học ở Độc giác thừa, Vô thượng thừa. Vì sao? Vì không có hai phần.
Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát có khả năng học ở lục Ba la mật, mười tám pháp không, chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế… không có hai phần thì đại Bồ Tát ấy có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì không có hai phần. Nếu đại Bồ Tát có khả năng học ở Tứ Thánh đế, có khả năng học ở bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, ba mươi bảy pháp trợ đạo không có hai phần thì đại Bồ Tát ấy có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì không có hai phần. Nếu đại Bồ Tát có khả năng học ở năm loại mắt, sáu phép thần thông, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng không có hai phần thì đại Bồ Tát ấy có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật Pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì không có hai phần. Nếu đại Bồ Tát ấy có khả năng học ở pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, có khả năng học ở pháp của đại Bồ Tát, quả vị Giác ngộ tối cao không có hai phần thì đại Bồ Tát ấy có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì không có hai phần. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát ấy có khả năng học ở Thanh văn thừa, có khả năng học ở Độc giác thừa, Vô thượng thừa không có hai phần thì đại Bồ Tát ấy có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì không có hai phần.
Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh thì đại Bồ Tát ấy chẳng vì sự tăng giảm của sắc mà học, chẳng vì sự tăng giảm của thọ, tưởng, hành, thức mà học. Vì sao? Vì sắc uẩn v.v... không có hai phần.
Nếu đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật Pháp thanh tịnh thì đại Bồ Tát ấy chẳng vì sự tăng giảm của 12 xứ mà học, chẳng vì sự tăng giảm của 18 giới mà học. Vì sao? Vì mười hai xứ, mười tám giới không có hai phần.
Nếu đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh thì đại Bồ Tát ấy chẳng vì sự tăng giảm của tứ Thánh đế cho đến Nhất thiết chủng trí mà học. Vì sao? Vì Tứ Thánh đế cho đến Nhất thiết chủng trí không hai phần.
Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh thì đại Bồ Tát ấy chẳng vì sự tăng giảm của Thanh văn thừa mà học, chẳng vì sự tăng giảm của Độc giác thừa, Vô thượng thừa mà học. Vì sao? Vì Thanh văn thừa, Độc giác thừa v.v... không có hai phần(4).
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: Này Thiện Hiện! Khi đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của sắc mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của thọ, tưởng, hành, thức mà học chăng? Thiện Hiện! Khi đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của mười hai xứ mà học, đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của mười tám giới mà học chăng? Khi đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt lục Ba la mật cho đến Nhất thiết tướng trí mà học, đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt pháp đại Bồ Tát mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của quả vị Giác ngộ tối cao mà học chăng? Thiện Hiện! Khi đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của Thanh văn thừa mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của Độc giác thừa, Vô thượng thừa mà học chăng?
Thiện Hiện đáp: Đúng vậy! Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của sắc mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của thọ, tưởng, hành, thức mà học. Đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của mười hai xứ mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của mười tám giới mà học. Đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của lục Ba la mật cho đến Nhất thiết tướng trí mà học, đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt pháp đại Bồ Tát mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của quả vị Giác ngộ tối cao mà học. Thiện Hiện! Đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của Thanh văn thừa mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của Độc giác thừa, Vô thượng thừa mà học.
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì duyên nào khi đại Bồ Tát học như thế, chẳng vì sắc nhiếp thọ hoại diệt nên học, chẳng vì thọ tưởng hành thức nhiếp thọ hoại diệt nên học? Thiện Hiện! Vì duyên nào khi đại Bồ Tát học như thế, chẳng vì mười hai xứ nhiếp thọ hoại diệt nên học, chẳng vì mười tám giới nhiếp thọ hoại diệt nên học? Thiện Hiện! Vì duyên nào khi đại Bồ Tát học như thế, chẳng vì lục Ba la mật nhiếp thọ hoại diệt nên học, chẳng vì Nhất thiết chủng trí nhiếp thọ hoại diệt nên học? Vì duyên nào khi đại Bồ Tát học như thế, chẳng vì pháp đại Bồ Tát nhiếp thọ hoại diệt nên học, chẳng vì quả vị Giác ngộ tối cao nhiếp thọ hoại diệt nên học? Thiện Hiện! Nói tóm lại, vì duyên nào khi đại Bồ Tát học như thế, chẳng vì tất cả pháp Phật nhiếp thọ hoại diệt nên học?
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện đáp Xá Lợi Tử rằng: Đại Bồ Tát học như thế, chẳng thấy có sắc là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ sắc và hoại diệt. Chẳng thấy có thọ tưởng hành thức là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ thọ tưởng hành thức và hoại diệt. Vì sao? Vì sắc uẩn thảy hoặc năng hoặc sở, trong ngoài đều không, chẳng thể nắm bắt được.
Xá Lợi Tử! Khi đại Bồ Tát học như thế, chẳng thấy có mười hai xứ là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ mười hai xứ và hoại diệt. Chẳng thấy có mười tám giới là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ 18 giới và hoại diệt. Vì sao? Vì xứ giới thảy hoặc năng hoặc sở, trong ngoài đều không, chẳng thế nắm bắt được.
Đại Bồ Tát học như thế, chẳng thấy có lục Ba la mật cho đến Nhất thiết chủng trí là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ lục Ba la mật cho đến Nhất thiết chủng trí và hoại diệt. Chẳng thấy có pháp đại Bồ Tát cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ pháp đại Bồ Tát cho đến quả vị Giác ngộ tối cao và hoại diệt. Vì sao? Vì tất cả pháp Phật thảy hoặc năng hoặc sở, trong ngoài đều không, chẳng thế nắm bắt được.
Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát đối sắc, đối thọ tưởng hành thức; đối mười hai xứ, mười tám giới; đối lục Ba la mật cho đến Nhất thiết chủng trí; đối pháp đại Bồ Tát, quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thấy là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ và hoại diệt mà học Bát nhã Ba la mật, là đại Bồ Tát này năng thành xong Nhất thiết trí trí.
Thiện Hiện đáp: Đại Bồ Tát học Bát nhã Ba la mật như vậy có khả năng hoàn thành Nhất thiết trí trí vì đối với tất cả pháp chẳng vì nhiếp thọ, hoặc hoại diệt làm phương tiện mà học.
Xá Lợi Tử hỏi: Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp chẳng vì lấy nhiếp thọ, hoại diệt làm phương tiện mà học thì tại sao có khả năng hoàn thành Nhất thiết trí trí?
Thiện Hiện đáp: Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy khi hành Bát nhã Ba la mật chẳng thấy sắc hoặc sanh, hoặc diệt; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc sanh, hoặc diệt; chẳng thấy sắc hoặc thủ, hoặc xả, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc thủ, hoặc xả; chẳng thấy sắc hoặc nhiễm, hoặc tịnh, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc nhiễm, hoặc tịnh; chẳng thấy sắc hoặc tụ, hoặc tán; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc tụ, hoặc tán; chẳng thấy sắc hoặc tụ, hoặc tán; chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức hoặc tăng, hoặc giảm. Vì sao? Vì tánh của sắc uẩn v.v… là không, vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. (Q.88, ĐBN)
Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy học Bát nhã Ba la mật như vậy có khả năng hoàn thành Nhất thiết trí trí vì lấy cái vô học và cái không hoàn thành làm phương tiện.
Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy khi hành Bát Nhã chẳng thấy 12 xứ, 18 giới, tứ Thánh đế, 12 nhân duyên, lục Ba la mật, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, ba mươi bảy pháp trợ đạo, Nhất thiết trí cho đến quả vị Giác ngộ tối cao hoặc sanh, hoặc diệt; hoặc thủ, hoặc xả; hoặc nhiễm, hoặc tịnh; hoặc tụ, hoặc tán; hoặc tăng, hoặc giảm; Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp là không, vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được.
Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy học Bát nhã Ba la mật như vậy có khả năng hoàn thành Nhất thiết trí trí, vì lấy cái vô học và cái không hoàn thành làm phương tiện.
Như vậy, Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát ấy khi hành Bát nhã Ba la mật, đối với tất cả pháp, chẳng thấy hoặc sanh, hoặc diệt, hoặc thủ, hoặc xả, hoặc nhiễm, hoặc tịnh, hoặc tụ, hoặc tán, hoặc tăng, hoặc giảm mà học Bát nhã Ba la mật thì có khả năng thành tựu Nhất thiết trí trí, vì lấy cái vô học và cái không thành tựu làm phương tiện vậy.
Thích nghĩa:
(1). Pháp tánh: Cái chân tánh tuyệt đối của vạn hữu là bất biến, bất chuyển và vượt ra ngoài mọi khái niệm phân biệt. Đồng nghĩa với pháp định, pháp trụ, pháp giới, pháp thân, thực tế, thực tướng, không tánh, Phật tánh, vô tướng, chân như, Như Lai tạng, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, vô ngã tánh, Hư không giới, bất tư nghì giới, bất biến dị tánh, tự tánh thanh tịnh tâm. ( Từ điển Phật học Việt Anh - Thiện Phúc)
(2). Hoại (壞) là hủy hoại, hư nát. Nguyên văn câu chữ Hán là :
“不bất 壞hoại 假giả 名danh 而nhi 說thuyết 法Pháp 性tánh” .
(3). Tam miệu tam Phật đà (Phạm: Samyak-saôbuddha. Pàli: Sammà-sambuddha) Cũng gọi Tam da tam Phật, Tam da tam Phật đà. Hán dịch: Chính biến tri, Chính đẳng giác, Chính đẳng giác giả. Một trong mười danh hiệu của Như Lai. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 2, trong Tam miệu tam Phật đà thì Tam miệu nghĩa là Chính, Tam nghĩa là Biến, Phật nghĩa là Tri, cho nên Tam miệu tam Phật đà nghĩa là Chính biến tri nhất thiết pháp. Như Lai có năng lực biết rõ lí Tứ đế, biết tướng của tất cả các pháp thực không hoại, không tăng, không giảm, lại biết danh hiệu của các thế giới trong mười phương và danh hiệu của chúng sinh trong sáu đường... vì thế Như Lai được gọi là Tam miệu tam Phật đà. (Tự điển Phật Quang)
(4). Đoạn kinh này tương đương với đoạn kinh trong phẩm “Tán Hoa” thứ thứ 29 Kinh MHBNBLMĐ nhưng Kinh MHBNBLMĐ ngắn gọn và dễ hiểu hơn:
Thiên Đế hỏi: “Bạch Đại Đức! Do nhơn duyên gì mà chẳng thấy sắc đến chẳng thấy Nhất thiết chủng trí?”
Ngài Tu Bồ Đề nói: “Sắc sắc không nhẫn đến Nhất thiết chủng trí Nhất thiết trí không.
Nầy Kiều Thi Ca! Sắc không chẳng học sắc không, nhẫn đến Nhất thiết chủng trí không chẳng học Nhất thiết chủng trí không.
Nầy Kiều Thi Ca! Nếu chẳng học không như vậy thời gọi là học không, vì chẳng hai vậy.
Đại Bồ Tát nầy học sắc không nhẫn đến học Nhất thiết chủng trí không, vì chẳng hai vậy.
Nếu học sắc không vì chẳng hai, nhẫn đến học Nhất thiết chủng trí không vì chẳng hai, đại Bồ Tát nầy có thế học Đàn na Ba la mật đến Bát nhã Ba la mật vì chẳng hai vậy. Có thể học tứ niệm xứ đến mười tám pháp bất cộng vì chẳng hai vậy. Có thể học quả Tu Đà Hoàn đến Nhất thiết chủng trí vì chẳng hai vậy”.
Lược giải:
Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 29, “Rải Hoa”, tập 3, quyển 55, tương đương với phẩm này, nói rằng “Hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, nên đều là giả danh là vô tướng vậy. Bát nhã Ba la mật dung nhiếp hết thảy các pháp, mà chẳng thủ chấp các tướng. Học Bát nhã Ba la mật như vậy là học sắc không… dẫn đến học Nhất thiết chủng trí không, là được vào “bất nhị pháp” vậy”.
Kinh nói: Sắc chỉ là giả danh; thọ, tưởng, hành, thức chỉ là giả danh; giả danh ấy chẳng lìa pháp tánh; cụ thọ Thiện Hiện chẳng hoại giả danh sắc v.v… mà nói pháp tánh của sắc v.v… Vì sao? Vì pháp tánh của sắc v.v… là không hoại, không phải không hoại (法pháp 性tánh 無vô 壞hoại 無vô 不bất 壞hoại). Vì vậy, nên những điều Thiện Hiện đã nói cũng không hoại, không phải không hoại.
Bản tánh, bản thể, bản chất, pháp thể là cái tự có, còn gọi là tự tánh của tất cả pháp như nói bản tánh của nước thì lạnh, lửa thì nóng, gió thì động v.v... Đó là bản thể của mỗi vật thể cá biệt. Nhưng chẳng có gì cá biệt trong chúng. Bởi vì vạn hữu trong tổng tướng vốn là những sản phẩm của vô số nhân duyên hợp thành và chẳng có gì đáng gọi một bản chất nguyên sơ nó độc lập đơn độc, tự hữu của nó. Nên bảo tất cả đều là không.
Vì sắc và tánh của sắc là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy sắc; thọ, tưởng, hành, thức và tánh của thọ tưởng hành thức là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức. Đại Bồ Tát chẳng thấy tất cả pháp cũng vậy. Nên chẳng học nơi tất cả pháp tánh. Vì sao? Vì chẳng lẽ không lại thấy không! Vì chẳng lẽ cái không có thể học ở cái không.
Nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không của tất cả pháp Phật tức là đại Bồ Tát đã học cái không của tất cả pháp Phật. Vì sao? Vì không có hai phần. Nếu đại Bồ Tát học nơi ngũ uẩn, 12 xứ không, 18 giới, 18 pháp không, thập nhị chân như, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, 37 pháp trợ đạo... cho đến quả vị Vô Thượng Bồ đề không có hai phần. Không hai phần là không phân biệt, không phân biệt là không rơi vào nhị nguyên đối đãi, tức nhập được đệ nhất nghĩa đế, thời các đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh.
Vì sao? Vì chẳng thấy các pháp có tăng có giảm, có sinh có diệt... Tăng-giảm, sinh-diệt… là pháp đối đãi, nếu thấy đối đãi là còn phân biệt, còn chấp đắm thì không thể học Bát Nhã và vô lượng pháp môn Phật học được.
Vì vậy, Kinh nói: Nếu đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh thì đại Bồ Tát ấy chẳng vì sự tăng giảm của tất cả pháp mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của tất cả pháp mà học. Đại Bồ Tát học như thế, chẳng thấy tất cả pháp là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy kẻ năng nhiếp thọ và hoại diệt. Vì sao? Vì tất cả pháp hoặc năng hoặc sở, trong ngoài đều không, chẳng thể nắm bắt được. Nếu năng học được như vậy là đại Bồ Tát này năng thành xong Nhất thiết trí trí.
Muốn được như vậy, đại Bồ Tát ấy khi hành Bát Nhã đối với tất cả pháp chẳng thấy hoặc sanh hoặc diệt; hoặc thủ hoặc xả, hoặc nhiễm hoặc tịnh, hoặc tụ hoặc tán, hoặc tăng hoặc giảm… Vì sao? Vì tánh của tất cả pháp là không, vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Nếu đại Bồ Tát học Bát nhã Ba la mật như vậy thì có khả năng hoàn thành Nhất thiết trí trí vì lấy cái vô học và cái không hoàn thành làm phương tiện.
Kết luận:
“Học Bát Nhã” thì phải tri nhận tất cả pháp là không, “Nhất thiết pháp không”, mới có thể nhập được Tánh không, mới thấy được nhân không, pháp không. Nhân không là không thấy ngã-ngã sở, pháp không thì mới có thể xa lìa tướng. Đó là chủ đề then chốt của ĐBN. Nếu tất cả pháp là không thì bản tánh cũng không, tự tánh cũng không, nên nói pháp tánh của nó không hoại, không bất hoại.
Tri nhận các pháp là giả danh rồi, đại Bồ Tát chẳng học ở tất cả pháp. Vì sao? Vì trong rỗng không, chẳng có gì để học, không lẽ cái không có thể học không.
Lại nữa, phải tri nhận tất cả pháp là bất nhị. Bồ Tát học như thế, chẳng thấy tất cả pháp là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy kẻ năng nhiếp thọ và hoại diệt. Vì tất cả pháp hoặc năng hoặc sở, hoặc trong hoặc ngoài đều không, chẳng thể nắm bắt được. Tất cả đều rốt ráo không, mà chẳng phá các pháp tướng, chẳng làm mất các hạnh nghiệp nhân duyên quả báo. Đó là ý nghĩa “chẳng hoại pháp tướng mà vẫn thuyết được thật tướng các pháp”. Nếu năng học được như vậy thì đại Bồ Tát năng thành xong Nhất thiết trí trí, lấy cái vô sở học và cái không sở thành làm phương tiện./.
---o0o---