- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
Đầu quyển 411, Hội thứ II, ĐBN.
(Tương đương với phẩm “Bồ Tát”, quyển 45 trở đi, Hội thứ I, ĐBN)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
(1. Thế nào gọi là cú nghĩa của Bồ Tát?)
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào là cú nghĩa(1) Bồ Tát?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Không cú nghĩa là cú nghĩa của Bồ Tát. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì cả hai danh từ Bồ đề, Tát đỏa đã không sanh, nên nghĩa lý trong đó cũng chẳng có. Không có cú nghĩa là cú nghĩa của Bồ Tát. Ông nên biết, ví như trong không gian, cú nghĩa dấu chim thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế, thật vô sở hữu. Ví như cú nghĩa cảnh mộng, việc huyễn, ánh nắng, bóng sáng, trăng dưới nước, tiếng vang, hoa đốm giữa hư không, trò biến hóa thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế, thật vô sở hữu.
Thiện Hiện phải biết: Như cú nghĩa tất cả pháp chơn như thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa tất cả pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Thiện Hiện phải biết: Cú nghĩa sắc như huyễn nhân thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa thọ tưởng hành thức như huyễn nhân thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa mười hai xứ, mười tám giới như huyễn nhân thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa vô minh như huyễn nhân thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử như huyễn nhân thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa tu hành nội không cho đến vô tánh tự tánh không như huyễn nhân thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa tu hành ba mươi bảy pháp trợ đạo, cho đến Phật mười lực như huyễn nhân thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa tu hành bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng như huyễn nhân thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Lại nữa, Thiện Hiện! Cú nghĩa sắc như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa thọ tưởng hành thức như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa mười hai xứ, mười tám giới như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa vô minh như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa hành nội không cho đến vô tánh tự tánh không như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa hành ba mươi bảy pháp trợ, Phật mười lực như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Cú nghĩa hành bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng như Phật thật vô sở hữu, cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như cú nghĩa vô vi giới trong hữu vi giới thật vô sở hữu, cú nghĩa hữu vi giới trong vô vi giới cũng thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô thành vô hoại, vô đắc vô xả, vô nhiễm vô tịnh thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Như thế nào gọi là cú nghĩa pháp vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô thành vô hoại, vô đắc vô xả, vô nhiễm, vô tịnh… thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Như cú nghĩa sắc cho đến thức vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô thành vô hoại, vô đắc vô xả, vô nhiễm vô tịnh thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa 12 xứ, 18 giới vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô thành vô hoại v.v… thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa vô minh cho đến lão tử vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô thành vô hoại v.v… thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa 37 pháp trợ đạo, Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng vô sanh vô diệt, vô tác vô vi, vô thành vô hoại v.v… thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như cú nghĩa bốn niệm trụ cho đến tám Thánh đạo chi rốt ráo tịnh thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như vậy cho đến như cú nghĩa Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng rốt ráo tịnh thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa ngã cho đến kiến giả rốt ráo tịnh thật vô sở hữu. Vì vô sở hữu nên cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Như cú nghĩa khi trời mọc, tối tăm thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa khi kiếp tận, các hành thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ác giới trong nhóm tịnh giới thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, loạn tâm trong nhóm định tĩnh thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ác huệ trong nhóm minh huệ thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, trói buộc trong nhóm giải thoát thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, phi giải thoát tri kiến trong nhóm giải thoát tri kiến thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa các tối tăm trong nhật nguyệt thảy, đại quang minh thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu. Như cú nghĩa sáng chói của tất cả nhật nguyệt, tinh ngọc(2), hỏa dược(3) và các trời(4) thảy trong Phật quang thật vô sở hữu; cú nghĩa Bồ Tát cũng lại như thế thật vô sở hữu.
Vì sao? Thiện Hiện! Hoặc Bồ đề, hoặc Tát đỏa, hoặc Bồ Tát, cú nghĩa như thế tất cả đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng, chỗ gọi vô tướng. Thiện Hiện! Chư Bồ Tát đối tất cả pháp đều chẳng phải thật có, không chấp không ngại, phải siêng tu học, nên chính giác biết. (Q.411, ĐBN)
(2. Thế nào gọi là tất cả pháp?)
Cụ thọ Thiện Hiện liền thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Các Bồ Tát đối với những pháp nào đều chẳng phải thật có, không chấp không ngại, phải siêng tu học? Các Bồ Tát làm sao đối tất cả pháp nên chính giác biết?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu tất cả pháp là thiện pháp, phi thiện pháp, hữu ký pháp, vô ký pháp, thế gian pháp, xuất thế gian pháp, hữu lậu pháp, vô lậu pháp, hữu vi pháp, vô vi pháp, cộng pháp, bất cộng pháp. Các Bồ Tát đối với tánh tất cả pháp như thế thảy không chấp không ngại, phải siêng tu học. Chư Bồ Tát đối tất cả pháp thật vô sở hữu(6) nên chính giác biết.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là thiện pháp thế gian?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nói thiện pháp thế gian là hiếu thuận cha mẹ, cúng dường Sa môn, Bà la môn, kính thờ Sư trưởng, việc thí tánh phước nghiệp, việc giới tánh phước nghiệp, việc tu tánh phước nghiệp; cứu giúp kẻ bệnh hoạn cùng nhau hành phước, phương tiện khéo léo cùng nhau hành phước, mười thiện nghiệp đạo thế gian. Hoặc tưởng sình trướng, tưởng mủ thối, tưởng sanh bầm, tưởng khác đỏ, tưởng biến nát, tưởng mổ nuốt, tưởng rời tan, tưởng hài cốt, tưởng đốt cháy(5). Hoặc thế gian bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Hoặc Phật tùy niệm, Pháp tùy niệm, Tăng tùy niệm, giới tùy niệm, xả tùy niệm, thiên tùy niệm, vắng lặng tùy niệm, thở vào ra tùy niệm, thân tùy niệm, chết tùy niệm. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là thiện pháp thế gian.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là bất thiện pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nói bất thiện pháp là: Hại sanh mạng, lấy chẳng cho, hành dục tà, lời dối gạt, lời chia rẽ, lời thô ác, lời tạp uế, tham dục, giận dữ, tà kiến và hờn căm, che não, dua nịnh, kiêu hại, ganh, xan, mạn thảy. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là bất thiện pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào là hữu ký pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Tức là các thiện pháp và bất thiện pháp, gọi hữu ký pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là vô ký pháp(6)?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là thân nghiệp vô ký, ngữ nghiệp vô ký, ý nghiệp vô ký, bốn đại chủng vô ký, năm căn vô ký, năm uẩn vô ký, mười hai xứ vô ký, mười tám giới vô ký, pháp dị thục vô ký. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là vô ký pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là thế gian pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là thế gian năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, mười nghiệp đạo, bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, mười hai nhánh duyên khởi pháp. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là thế gian pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là pháp xuất thế gian?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là xuất thế gian: Bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy đẳng giác chi, tám Thánh đạo chi. Không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Căn chưa biết, căn sẽ biết, căn đã biết, căn đủ biết, tam ma địa có tầm có tứ, tam ma địa không tầm chỉ tứ, tam ma địa không tầm không tứ; hoặc vô minh, hoặc giải thoát, hoặc niệm, hoặc chính tri, hoặc tác ý như lý; hoặc tám giải thoát, hoặc chín định thứ lớp; hoặc nội không, ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bổn tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không; hoặc Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là pháp xuất thế gian.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là hữu lậu pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là đọa tam giới, hoặc năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là hữu lậu pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là vô lậu pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là vô lậu pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là hữu vi pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là pháp buộc ba cõi, như năm uẩn. Như bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Như bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là hữu vi pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là vô vi pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu pháp vô sanh vô diệt, vô trụ vô dị, hoặc hết tham, hết sân, hết si; như chơn như, pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là vô vi pháp.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là cộng pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là thế gian bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định, năm thần thông. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là cộng pháp, vì cộng dị sanh (pháp tu chỉ dành cho thường phu) vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những pháp nào gọi là bất cộng pháp?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Thiện Hiện! Thảy đấy gọi là bất cộng pháp, vì bất cộng với dị sanh vậy.
Thiện Hiện! Các Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã đối pháp như thế thảy tự tướng không, chẳng nên chấp đắm, vì tất cả pháp vô phân biệt vậy. Thiện Hiện! Các Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã đối tất cả pháp đem vô nhị làm phương tiện, nên chính giác biết, vì tất cả pháp đều vô động vậy. Thiện Hiện! Đối tất cả pháp vô nhị vô động là cú nghĩa Bồ Tát; vô phân biệt vô chấp trước là cú nghĩa Bồ Tát. Vì đấy nên vô cú nghĩa là cú nghĩa Bồ Tát.
(3. Như thế nào thì được gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát?)
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Duyên nào Bồ Tát lại gọi Ma ha tát?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Do Bồ Tát này đối trong chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ nên lại gọi Ma ha tát.
Thiện Hiện thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là chúng đại hữu tình mà Bồ Tát trong ấy được làm thượng thủ?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Là trụ chủng tánh Đệ bát, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác và từ sơ pháp tâm cho đến bậc Bất thối chuyển Bồ Tát Ma ha tát. Như vậy đều gọi chúng đại hữu tình, Bồ Tát đối trong chúng đại hữu tình này sẽ làm thượng thủ nên lại gọi Ma ha tát.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Như vậy Bồ Tát bởi duyên nào năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Do Bồ Tát này đã phát tâm Kim cương dụ bền chắc, quyết định chẳng lui hoại. Vậy nên năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Sao gọi Bồ Tát tâm Kim cương dụ?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát phát tâm như vầy: “Ta nay phải mặc áo giáp đại công đức, với trong đồng nội lớn rộng vô biên sanh tử, vì các hữu tình diệt tận tất cả oán địch phiền não. Ta phải khắp vì tất cả hữu tình làm khô hết biển cả vô biên sanh tử, ta phải vất bỏ tất cả thân, của vì các hữu tình làm đại nhiêu ích, ta phải tâm bình đẳng lợi ích an vui tất cả hữu tình. Ta phải khắp khiến các loại hữu tình dạy đạo Tam thừa vào tới Niết bàn, ta phải dù đem Tam thừa tế độ tất cả hữu tình mà đều chẳng thấy có một hữu tình được ta diệt độ. Ta phải giác liễu tất cả pháp tánh vô sanh vô diệt, vô tịnh vô nhiễm. Ta phải thuần đem tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí tu hành sáu pháp Ba la mật. Ta phải tu học đối tất cả pháp thông suốt rốt ráo khắp vào diệu trí. Ta phải thông suốt tất cả pháp tướng nhất lý thú môn, ta phải thông suốt tất cả pháp tướng nhị lý thú môn, ta phải thông suốt tất cả pháp tướng đa lý thú môn và ta phải tu học các thứ diệu trí, thấu rõ các pháp tánh để dẫn pháp thắng công đức”. Thiện Hiện! Đấy gọi Bồ Tát tâm Kim cương dụ. Nếu Bồ Tát đem vô sở đắc mà làm phương tiện an trụ tâm này quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát phát tâm như vầy: “Các loại hữu tình đang chịu khổ não trong tất cả địa ngục, bàng sanh, quỷ giới và người, trời, ta phải chịu thay khiến chúng an vui”. Các Bồ Tát phát tâm như vầy: “Ta vì làm nhiêu ích tất cả hữu tình, nên trải qua vô lượng trăm ngàn trăm ức muôn ức kiếp chịu nhiều thứ khổ nặng nề trong các địa ngục, dùng vô số phương tiện giáo hóa khiến được vô dư Niết bàn”. Như vậy thứ lớp khắp vì làm nhiêu ích tất cả hữu tình, vì kia mỗi mỗi đều trải vô lượng trăm ngàn trăm ức muôn ức kiếp chịu nhiều thứ khổ nặng nề nơi các địa ngục, mỗi mỗi đều đem vô số phương tiện giáo hóa khiến được vô dư Niết bàn. Làm việc này rồi tự trồng căn lành, lại trải vô lượng trăm ngàn trăm ức muôn ức kiếp viên mãn tu nhóm tư lương Bồ đề, nhiên hậu mới chứng sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Thiện Hiện! Thề nguyện như thế cũng gọi tâm Bồ Tát Kim cương dụ. Nếu Bồ Tát đem vô sở đắc mà làm phương tiện an trụ tâm này, quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát hằng thường phát khởi thắng tâm, đại tâm. Do tâm này quyết định đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Như thế nào gọi thắng tâm, đại tâm của Bồ Tát?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Các Bồ Tát phát tâm như vầy: “Ta nên từ sơ phát tâm cho đến chứng được Nhất thiết trí trí, quyết định chẳng khởi tâm tham dục, giận dữ, ngu si, hờn căm, che não, dua gạt, ganh, xan, kiêu, hại, tà kiến, mạn thảy, cũng quyết định chẳng khởi tâm cầu Thanh văn và Độc giác”. Đấy là Bồ Tát thắng tâm đại tâm. Nếu Bồ Tát đem vô sở đắc mà làm phương tiện an trụ tâm này, quyết định đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát phát khởi tâm quyết định chẳng nghiêng động. Do tâm này nên quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Như thế nào gọi là tâm chẳng nghiêng động của Bồ Tát?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Các Bồ Tát phát tâm như vầy: Ta cần phải nương tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, tu tập phát khởi tất cả sự nghiệp sở tu, sở tác mà chẳng kiêu lung. Thiện Hiện! Đấy là tâm Bồ Tát chẳng nghiêng động. Nếu Bồ Tát đem vô sở đắc mà làm phương tiện an trụ tâm này, quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát khắp đối tất cả các loại hữu tình bình đẳng phát khởi tâm chơn lợi lạc. Do tâm này nên quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là tâm chơn lợi lạc của Bồ Tát?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Các Bồ Tát phát tâm như vầy: Ta phải quyết định cùng đời vị lai lợi ích an vui tất cả hữu tình, vì làm chỗ cồn bãi, nhà cửa, về nương thường chẳng bỏ lìa. Thiện Hiện! Đấy là tâm chơn lợi lạc của Bồ Tát. Nếu Bồ Tát đem vô sở đắc mà làm phương tiện an trụ tâm này, quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát tu hành Bát Nhã thường siêng tinh tiến ái pháp, lạc pháp, hân pháp, hỷ pháp. Do nhân duyên này quyết định đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Những gì là pháp? Sao là Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã thường đối pháp này ái lạc hân hỷ?
Phật bảo:
- Thiện Hiện! Đã nói pháp ấy là sắc, phi sắc đều vô tự tánh, đều bất khả đắc, chẳng khá phá hoại, chẳng khá phân biệt được, đấy gọi là pháp. Nói ái pháp ấy là đối pháp này khởi muốn mong cầu. Nói lạc pháp ấy là đối pháp này xưng khen công đức. Nói hân pháp ấy là đối pháp này vui mừng tín thọ. Nói hỷ pháp ấy là đối pháp này mến nhiều tu tập, gần gũi yêu trọng. Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã đem vô sở đắc mà làm phương tiện, thường năng ái pháp, lạc pháp, hân pháp, hỷ pháp như thế mà chẳng kiêu cử, quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát tu hành Bát Nhã, đem vô sở đắc mà làm phương tiện an trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. Tu bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, Bồ Tát này quyết định năng đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát tu hành Bát Nhã, đem vô sở đắc mà làm phương tiện trụ Kim cương dụ Tam ma địa, cho đến trụ Vô trước vô vi vô nhiễm giải thoát như hư không Tam ma địa, Bồ Tát này do nhân duyên đây quyết định đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ.
Thiện Hiện! Nhờ nhiều thứ nhân duyên như thế thảy, các Bồ Tát quyết định đối chúng đại hữu tình sẽ làm thượng thủ. Vậy nên Bồ Tát lại gọi Ma ha tát.
Thích nghĩa:
(1). Cú nghĩa: Ý nghĩa đích thực. Nhất cú, đệ nhất cú, hay tối sơ cú, mạt hậu cú là câu nói tối hậu, là câu nói hàm ẩn tất cả diệu lý Phật, ai hiểu được thì thoát ly tất cả nghiệp báo và chứng đạo tức thì. Đó là lối giải thích đơn giản của từ cú nghĩa. “Cú nghĩa là nguyên lý chỉ đạo hay phạm trù quyết định, dùng để trình bày thực thể thuộc tánh và nguyên lý sanh thành, hoại diệt của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ”. Thí dụ: 10 nguyên lý: Thực, đức, nghiệp, đồng, dị, hòa hợp, hữu năng, vô năng, câu phân, vô thuyết, chi phối hoàn toàn tất cả pháp. (Phỏng theo Từ diển Phật Quang)
(2). Tinh ngọc: Ngọc tuyền, phát ánh sáng tự nhiên.
(3). Hỏa dược: Thuốc dẫn lửa như pháo bông, thuốc súng…
(4). Các trời: Tức nói đến hào quang của các chư thiên.
Cả ba (2), (3), (4) đều có thể phát ánh sáng nhưng ánh sáng đó không thể nào sánh bằng hào quang của chư Phật.
(5). Ý nói đến pháp quán gọi là Cửu tưởng quán hay quán “lâm thi”. Người tu pháp quán này thường vào rừng để quan sát tử thi do thân nhân vứt ở ven rừng (theo tục lệ Ấn độ khi xưa), quan sát sự biến hoại của nhục thể qua chín giai đoạn từ lúc sình cho đến lúc chỉ còn xương trắng rơi rụng tan tác khắp nơi, để đối trị bệnh ham muốn sắc dục.
(6). Pháp vô ký: Các pháp không thuộc về thiện hay bất thiện.
Lưu ý: Quý vị có thể quay lại phẩm “Bồ Tát”, từ quyển 45 trở đi của Hội thứ I, ĐBN để xem lại thích nghĩa và lược giải cho phẩm này.
Lược giải:
Phẩm này chia làm ba phần nói về ba vấn đề khác nhau: 1. Cú nghĩa Bồ Tát, 2. Các loại pháp và 3. Thế nào mới được gọi là đại Bồ Tát hay Bồ Tát Ma ha tát? Chúng ta cũng chia ra làm ba phẩn để chiết giải:
- Phần thứ 1: Thế nào là cú nghĩa của Bồ Tát?
Chúng tôi lấy phần chiết giải của phẩm “Bồ Tát” trong Hội thứ I, trình bày lại để quý vị nắm vững vấn đề:
“Y cứ vào một phạm trù nào đó dù nó là một học thuyết, một chủ trương, một tôn chỉ… làm sở y để đạt sở nguyện thì việc y cứ đó cũng trở thành một thứ trói buộc, từ đây tâm không còn tự do nữa, hành giả sẽ trở thành một kẻ thừa hành, một tên nô lệ hơn là một tác chủ. Vì vậy, Kinh nói không cú nghĩa mới là cú nghĩa của Bồ Tát. Bồ Tát hành những hạnh khó hành, nhưng hành như vô sự, vì Bồ Tát từ chối không tùy thuộc vào sở hành. Bồ Tát không tuân thủ bất cứ một định luật, một tôn chỉ nào, cả đến trụ trong Bát Nhã nhưng cũng không lệ thuộc Bát Nhã, vì Bát Nhã hay Tánh Không cũng vô sở hữu bất khả đắc, chỉ do công năng hay diệu dụng của trí Bát Nhã nẩy sanh những phương tiện lực và bằng những phương tiện lực đó mà Bồ tác thực hiện những công hạnh khó hành (năng hành nan hành) mang lợi ích cho chúng sinh. Như thế cú nghĩa cũng chẳng mang lại lợi ích gì, nó cũng chỉ là ngôn thuyết, do tưởng.
Chỉ một câu nói “nhất cú tiệt lưu vạn cơ tẩm sảo” (一句截流萬機寢削): Một câu dứt dòng, muôn cơ dẹp hết. Chỉ một câu thôi mà có thể giải thích hết càn khôn vũ trụ là điều không thể nào có được. Vậy ta phải làm sao? Bây giờ, là phải gạt bỏ hết tất cả, không nói tới nhất cú, nhị cú, tứ cú… mà là “không cú” mới chính là cú nghĩa của Bồ Tát. Đó là ý nghĩa đại cương của phẩm này.
Câu chuyện sau đây nói lên “ý” của cú nghĩa:
Tác thứ 19 Bích Nham Lục có ghi rằng: Câu Chi Hòa thượng là người Kim Hoa Sơn thuộc Vụ Châu. Thuở xưa khi Ngài còn ở trong thảo am, có một vị Ni tên là Thực Tế đến am của Sư. Đến nơi vị Ni này bước thẳng vào bên trong, không buồn cởi nón ra mà chỉ cầm tích trượng đi quanh giường Thiền của Sư ba vòng rồi nói: “Nếu Thầy nói được thì tôi cởi nón”. Hỏi như thế ba lần, Câu Chi không trả lời được. Vị Ni bèn bỏ đi. Câu Chi vội ngăn: “Trời cũng đã tối rồi, cô nghỉ lại một đêm không muộn”. Vị Ni lại nói: “Nếu Thầy nói được tôi sẽ nghỉ lại”. Câu Chi thở dài nói: “Ta tuy thân là bậc trượng phu mà mất khí khái của bậc trượng phu”. Rồi phát quẫn nhất định tìm hiểu vấn đề. Sau đó Sư bèn nghĩ đến việc đốt am đi khắp nơi để tham vấn các thiện tri thức, cho nên chuẩn bị sẵn sàng lên đường hành cước. Đêm đó sơn thần hiện lên và nói với Sư rằng: “Thầy không cần phải rời nơi này, ngày mai sẽ có một vị Bồ Tát bằng xương bằng thịt đến thuyết pháp cho Thầy”. Hôm sau quả nhiên Thiên Long Hòa thượng đến am của Sư. Câu Chi bèn tiếp đón với đầy đủ nghi lễ và kể chuyện hôm trước. Thiên Long chỉ dơ một ngón tay lên cho Câu Chi. Câu Chi thoát ngộ!
Câu Chi có nuôi một đồng tử. Trong khi Câu Chi đi vắng có người đến hỏi đồng tử: “Bình thường Hòa thượng của chú dùng phương pháp gì để dạy người?” Đồng tử dơ ngón tay lên. Lúc Câu Chi về đồng tử thuật lại sự việc như thế. Câu Chi lấy dao cắt ngón tay của đồng tử. Đồng tử vừa chạy vừa kêu la ầm ỹ. Câu Chi gọi đồng tử, đồng tử quay đầu lại, Câu Chi bèn đưa ngón tay lên, đồng tử thoát nhiên hiểu thấu. Thử xem đồng tử hiểu được đạo lý gì? Lúc sắp mất, Câu Chi dạy chúng rằng: “Ta đắc nơi Thiên Long một ngón tay Thiền suốt đời dùng không hết. Các ông có muốn hiểu chăng?” Rồi dơ ngón tay lên mà mất.
Để giải thích chỗ này chúng tôi xin lạm bàn: Tới chỗ này mới biết: Đừng nghĩ tưởng một hạt bụi gom cả trời đất hay cả trời đất chỉ thu vào một hạt bụi? Trên đầu một ngón tay gồm thâu tất cả Tam thiên đại thiên, hoặc tất cả Tam thiên đại thiên thâu nhỏ trên đầu một ngón tay? Vị Ni muốn Câu Chi nói một câu, chỉ một câu mà có thể giải quyết hết thảy mọi vấn đề của nhân sinh và vũ trụ. Câu đó chính là cú nghĩa, cái nghĩa cùng tột của tất cả nghĩa. Quả thật mắc mỏ!
Câu Chi giận mình không làm được và quyết định đốt am lên đường hành cước. Thiên Long Hòa thượng xuất hiện, đưa một ngón tay lên, Câu Chi đại ngộ. Rồi từ đó nếu có bất cứ ai hỏi gì về đạo, Câu Chi trả lời bằng cách đưa ngón tay lên! Ngón tay đó là cú nghĩa, đủ giải thích toàn thể vũ trụ, có phải vậy không? Nếu không hiểu Câu Chi sẽ giải thích cho. Thử đoán coi nếu Câu Chi còn sống thêm một kiếp hay một kiếp hơn, Câu Chi sẽ giải thích ra sao? Câu Chi lại đưa một ngón tay lên! Thật kỳ đặc!
Ngón tay đó không có gì bí nhiệm cả, nó hoàn toàn là nó, nó không liên hệ gì tới một nguyên lý chỉ đạo tương đối hay tuyệt đối hay phạm trù quyết định, dùng để trình bày thực thể thuộc tính về sự sinh thành hay hoại diệt của tất cả mọi hiện tượng vũ trụ. Ngón tay dựng lên của Câu Chi cũng không phải biểu thị cái nhất thể của vạn pháp, mà cũng không phải là Đệ nhất nghĩa đế. Nó là nó. Nó như vậy bởi vì nó như vậy, “pháp nhĩ như thị”. Thiền sư D.T. Suzuki nói: “Khi thấy ngón tay đưa lên đó, nếu các Ngài chỉ cần chớm khởi là đã rơi ngay vào vực thẩm tuyệt mù không đáy!”
Phải! Nói về cứu cánh hay đòi hỏi một cái gì tuyệt đối là rơi vào vực thẩm tuyệt mù không đáy. Tất cả sự thật phơi bày trước mắt, nó là nó, là như… giản dị thế thôi. Đừng nghĩ tưởng gì khác! Nhất niệm khởi trần lao dậy sóng!
Đối với thiền sư đừng có “dao to búa lớn”. Các ngài coi trọng cái hiện tiền, cái trước mắt và khinh thường mọi thứ viễn vong. Vì vậy, Kinh bảo không cú nghĩa mới là cú nghĩa của Bồ Tát.
- Phần thứ 2: Với câu hỏi thế nào là các pháp?
“Tất cả pháp ấy là pháp thiện, pháp phi thiện, pháp hữu ký, pháp vô ký, pháp thế gian, pháp xuất thế gian, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp cộng, pháp bất cộng… Đấy gọi là tất cả pháp. Các đại Bồ Tát đối tất cả pháp này đều vô sở hữu, vô ngại, vô trước, cần học nên biết!”
“Phần thứ I Tổng luận” đã thuyết tỉ mỉ rồi nên chúng tôi không lặp lại nữa. Để hiểu thêm, chúng tôi ghi lời luận giải trong Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ để làm sáng tỏ thêm:
Hỏi: Vì sao trước hết ngài Tu Bồ Đề lại hỏi Phật về thế gian thiện pháp?
Đáp: Trước hết phải biết rõ thế gian tướng rồi sau đó mới có thể biết rõ được xuất thế gian tướng.
Phải ở trong thế gian mới thấy được có nhân quả, có phước báo, có nghiệp tội, có đời này, có đời sau, có hiền Thánh, có Phật.
Thế gian thiện pháp dạy người phải hiếu thuận với cha mẹ, phải tôn kính các bậc tôn trưởng, cũng dạy người cúng dường các bậc Sa môn và Bà la môn, là những người tu phạm hạnh mà người thế gian khó có thể làm được, nên đáng được cúng dường.
Lại nữa, thế gian thiện pháp còn khuyên tu các phương tiện sanh phước đức, như 10 thiện đạo, bố thí, trì giới, thiền định,... dẫn đến 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định, 9 tưởng, 10 niệm v.v... cũng đều là thế gian thiện pháp. Nhờ các thiện pháp mà người tu hành chế ngự được các ác tâm, khiến sanh được phước đức.
Trái với các thiện pháp là các bất thiện pháp.
Các oai nghi, công xảo, các biến hóa khởi từ thân và khẩu nghiệp, nhiếp về vô ký pháp.
Còn 5 ấm thân nghiệp, chẳng phải là vô ký pháp, vì khi duyên diệt thì 5 ấm cũng như hư không. Tuy nhiên, ở nơi thế gian pháp, thì 5 ấm vẫn có thiện, có bất thiện, có vô ký.
Phàm phu tu các thiện pháp, nhưng chẳng có thể siêu xuất thế gian, nên thiện pháp của phàm phu chỉ được gọi là thế gian thiện pháp.
--o0o--
Xuất thế gian pháp gồm 37 Phẩm trợ đạo, 3 giải thoát môn (không, vô tướng và vô tác), 3 vô lậu căn (vị tri dục tri căn, tri căn và dĩ tri căn), hữu giác hữu quán tam muội, vô giác hữu quán tam muội, vô giác vô quán tam muội, bát bối xả, thập Phật lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám bất cộng pháp.
--o0o--
Lại nữa, dùng chánh ức niệm mà quán thật tướng pháp, tùy thân pháp mà hành hết thảy thiện pháp thì gọi là đốn tu.
Như vậy là trước rộng nói về các pháp tu. Nay chỉ nói nhất tâm tu 4 niệm xứ là được đạo.
--o0o--
Phàm phu chẳng có thể tu 8 bối xả, 18 không, 10 lực, 4 vô sở úy, 4 vô ngại trí, 18 bất cộng pháp... vì đây là những pháp tu xuất thế gian.
Phải có đầy đủ chánh niệm, chánh huệ và chánh tư duy mới tu được.
Tuy có phân biệt thế gian pháp và xuất thế gian pháp, nhưng ở đây chỉ đặc biệt nói về các hữu lậu pháp mà thôi.
Nên biết: 4 thiền, 4 vô sắc định... là hữu lậu pháp, còn 4 niệm xứ... dẫn đến 18 bất cộng pháp là vô lậu pháp.
Lại cũng nên biết: Pháp có sanh, có trú, có diệt là hữu vi pháp, pháp bất sanh, bất trú, bất diệt là vô vi pháp.
4 niệm xứ... dẫn đến 18 bất cộng pháp, đều là vô lậu, vô vi pháp. Nhưng khi được dùng làm pháp tu, thì cũng là hữu vi pháp. Trái lại, khi chẳng còn tướng hữu vi nữa thì lại trở thành vô vi pháp.
Lại nữa, khi đã tổng phá 3 độc tham, sân, si, cùng các phiền não khác rồi, và đã tổng phá 5 ấm rồi thì hết thảy các pháp tướng đều trở thành như thật pháp tướng, như thật pháp tánh, thật tế, và đều trở thành vô vi pháp cả.
Câu hỏi và đáp kế tiếp của Đại Trí Độ Luận cho chúng ta hiểu thế nào là: “Sắc tức là như, như tức là sắc, sắc chẳng khác như, như chẳng ly sắc”.
Hỏi: Sắc là hữu vi pháp, như như là vô vi pháp. Như vậy làm sao có thể nói: Sắc tức là như, như tức là sắc, sắc chẳng ly như, như chẳng ly sắc?
Đáp: Phàm phu và chư Thánh nhìn sắc theo hai góc cạnh khác nhau:
- Phàm phu dùng nhục nhãn để nhìn sắc, nên khởi niệm tưởng phân biệt các sắc tướng.
- Chư Thánh biết rõ thật tướng pháp, nên thấy sắc là như tướng, là Niết Bàn tướng.
--o0o--
Lại nữa, khi vào trong thiền định, thiền giả thấy rõ cộng xứ nơi các pháp, nên gọi 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định v.v... là cộng pháp. Còn 4 niệm xứ..., dẫn đến 18 bất cộng pháp, thì gọi là bất cộng pháp.
Thế nhưng, bản thể của hết thảy các pháp đều là pháp như, pháp tánh, pháp tướng, pháp vị, thật tế cả.
Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều là duyên sanh, nên đều là tự tánh không, là vô tánh vậy.
Bồ Tát an trú nơi thật tướng pháp, được vô ngại, được bất động. Vì sao? Vì vào “bất nhị pháp môn” là vào được thật tướng pháp, là được vô vi bất động. (Phẩm thứ 12, “Cú Nghĩa”, tập 3, quyển 44, Đại Trí Độ Luận).
Với sự phân tích chi li đó của bậc thật tu thật chứng, cho chúng ta có cái thấy rõ ràng về tất cả pháp từ hữu vi tới vô vi, tư hữu pháp tới vô pháp, từ pháp thế gian đến pháp xuất thế gian v.v…
- Phần thứ 3. với câu hỏi thế nào thì “được gọi là đại Bồ Tát hay là Bồ Tát Ma ha tát?”
Ma Ha Tát nói trọn là Ma Ha Tát Đỏa, Hán dịch là đại hữu tình, đại chúng sanh, từ gọi chung chỉ cho bậc Bồ Tát hay Đại sĩ. Ma Ha Tát tức là bậc có nguyện đại, hạnh đại, độ chúng sinh đại, là bậc tối thượng trong thế gian, do chúng sanh, vì chúng sanh, bởi chúng sanh mà xả thân cứu độ, không sợ gian khổ, không hề mệt mỏi quên cả bản thân mình, quên cả thời gian, quên cả kiếp số. Các bậc ấy không bao giờ lui sụt đại bi tâm cho nên gọi là Ma Ha Tát.
Tất cả những gì đem lại tốt đẹp cho đời vượt hơn những chúng đại hữu tình khác nên được gọi là thượng thủ. Vì vậy, Bồ Tát phải có tâm quảng đại thù thắng, tâm lợi ích an lạc cho toàn thể chúng sanh, nghĩa là đối với tất cả hữu tình, làm chỗ quay về, làm chỗ nương tựa, làm chiếc cầu, làm con thuyền, làm bờ bến, làm hòn đảo… sẳn sàng cứu giúp, che chở chúng sanh thường chẳng xa lìa. Cho nên, ở trong đại chúng, nhất định được làm thượng thủ, mới được xưng tán là Ma ha tát.
Sau đây là lời bình giải của Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 13, “Kim Cương”, tập 3, quyển 45, với câu hỏi: Tại sao gọi Bồ Tát là Ma HaTát?:
“Hỏi: Nghĩa Ma Ha Tát là như thế nào?
Đáp : Ma Ha là đại, là lớn.
Tát Đỏa là chúng sanh.
Bồ Tát Ma Ha Tát là bậc đại Bồ Tát, tối tôn, tối trọng trong chúng sanh, phát tâm rộng lớn nguyện :
- Trên, cầu đạo vô thượng.
- Dưới, hóa độ hết thảy chúng sanh.
--o0o--
Nên biết, chúng sanh có ba hướng đi. Đó là :
- Hạng chúng sanh có chánh định, quyết định vào Niết Bàn.
- Hạng chúng sanh có tà định, quyết định đọa vào ba đường ác.
- Hạng chúng sanh bất định.
Ngoại trừ Phật ra, thì trong các loài chúng sanh, chư vị Bồ Tát Ma Ha Tát là những bậc chánh định tối đại, xếp vào bậc nhất trong Thánh chúng. Thánh chúng nơi đây, bao gồm cả chư Hiền Thánh và chư Đại Bồ Tát thập địa.
Vì Bồ Tát tu thập địa nhiếp trong Thánh tánh, nên Thập địa cũng được gọi là Thánh địa.
Ví như đứa trẻ sanh trong gia định quyền quý, tuy nay còn nhỏ, nhưng quyết định về sau sẽ thành tựu được đại sự nghiệp.
Lại, ví như tu theo Thanh Văn Thừa, vào thời kỳ Kiến Đạo, hành giả lần lượt tu bốn pháp là Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế Đệ Nhất. Do tỉnh ngộ, mà thấy được đạo, vào được Kiến Đạo. Do Kiến Đạo, mà vào được Tu Đạo. Do Tu Đạo, mà được Vô Học Đạo, chứng các quả vị A La Hán, hay quả vị Bích Chi Phật.
Bồ Tát, khi đã được Vô Sanh Pháp Nhẫn, tùy theo Vô Thượng Bồ Đề mà phát tâm, thì gọi là chân phát tâm. Do biết rõ thật tướng các pháp, biết rõ tâm hành của chúng sanh, nên Bồ Tát tận phá được các phiền não; lại do thường tùy theo Vô Thượng Bồ Đề, nên Bồ Tát chẳng còn khởi các tâm điên đảo. Bồ Tát an trú trong Kim Cang tâm, ra vào sanh tử để cứu độ chúng sanh, mãi cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề, được thành Phật”.
--o0o--
“Bồ Tát Ma Ha Tát, ở trong chúng quyết định làm bậc thượng thủ, nên phát đại tâm thọ các khổ thay cho chúng sanh, mà được tâm bất động, kiên cố như kim cang. Bồ Tát được Kim Cang tâm rồi, chẳng còn bị lay động bởi các phiền não, chẳng còn tín thọ các ác pháp nữa. Nếu có ác ma đến đòi lấy đầu, tủy, não... Bồ Tát vẫn sẵn sàng cho hết. Nếu có bị mắng nhiếc, bị hành hung,... tâm Bồ Tát cũng vẫn chẳng lay động. Tâm Bồ Tát kiên cố như kim cang nên gọi là Kim Cang tâm.
Phật nói về tướng của Kim Cang tâm, khiến Bồ Tát tự nghĩ rằng: Chẳng phải một tháng, một năm, một đời,... mà đến vô lượng kiếp tu, ta vẫn phải phát đại thệ trang nghiêm pháp thân. Ta nguyện:
1. Trải qua vô lượng kiếp, ta phải ở trong sanh tử, để làm lợi ích cho chúng sanh.
2. Ta phải xả hết thảy các vật quí của nội và ngoại thân ta.
3. Ta phải xem hết thảy chúng sanh bình đẳng; chẳng phân biệt thương ghét, bạn thù.
4. Ta phải ở trong tam thừa đạo để độ chúng sanh vào Phật đạo.
5. Ta phải độ thoát hết thảy chúng sanh như vậy, mà vẫn chẳng thấy có chúng sanh nào được độ thoát cả.
6. Ta phải biết rõ hết thảy các pháp đều bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, và đều bình đẳng tướng.
7. Ta phải đem tâm thanh tịnh, vô nhiễm, mà hành Bát nhã Ba la mật; rồi hồi hướng công đức về Vô Thượng Bồ Đề.
8. Ta phải thông đạt hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian.
9. Ta phải biết rõ hết thảy các pháp đều là nhất tướng, là vô tướng. Ta phải biết rõ hết thảy các pháp đều là không; phải xa lìa các ức tưởng phân biệt.
10. Ta phải biết rõ nhị tướng,... dẫn đến vô lượng tướng đều bình đẳng, vô phân biệt. Ta phải thông đạt hết thảy các pháp môn, từ hai môn (như: hữu-vô, sanh-diệt, sắc-vô sắc), ba môn (như: thiện-ác-vô ký,..) dẫn đến vô lượng môn. Ta phải diệt sạch các phiền não, diệt sạch cả nghiệp quả báo, khiến hết thảy các chướng ngại đều tán hoại.
Như kim cang có công năng phá tan hết thảy các vật, mà bản chất của kim can lại kiên cố, bất hoại; Bồ Tát quyết định ở trong chúng làm bậc thượng thủ, mà vẫn ở nơi bất khả đắc không, vẫn thường giữa tâm kiên cố, bất động như kim cang.
Nếu Bồ Tát đã phát đại tâm như vậy, mà còn sanh kiêu mạn, thì nghiệp tội sẽ lớn vô cùng. Vì sao? Vì đối với Bồ Tát, thì hết thảy các pháp đều là bất khả đắc. Bồ Tát, ở nơi vô sở đắc, thấy các pháp đều là như mộng, như huyễn, như hóa; chẳng thấy có pháp nào có định tướng cả.
Tâm Bồ Tát kiên cố như kim cang, nên dù vào trong ác đạo, mã vẫn cam chịu các khổ, miễn sao độ thoát chúng sanh ra khỏi các ác đạo, để rồi dạy họ tu tập các thiện pháp, dẫn dắt họ vào Niết Bàn an lạc. Bồ Tát cứu độ các chúng sanh như vậy, rồi vì chúng sanh mà tu tập các công đức, dù trải qua vô lượng kiếp cũng chẳng hề thối tâm mãi cho đến khi thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề.
Bồ Tát nguyện thay chúng sanh chịu khổ, nên dù phải trải qua vô lượng kiếp trong các nẻo đường sanh tử, mà tâm Bồ Tát chẳng hề thối thất; gánh vác cả ba nghìn thế giới, mà tâm vẫn chẳng lay động.
Tâm Bồ Tát kiên cố bất động như vậy, nên gọi là Kim Cang tâm.
Bồ Tát ở trong chúng sanh mà vẫn giữ tâm bình đẳng, chẳng sanh dục nhiễm. Vì sao? Vì nếu mống tâm thương ghét, phân biệt, thiên vị, thì liền bị giặc ái phá hoại tâm bình đẳng. Tâm bình đẳng là gốc của Phật đạo vậy.
Lại nữa, Bồ Tát thường hành từ bi tâm, nên chẳng có sân tâm. Lại thường quán hết thảy các pháp đều do duyên hòa hợp sanh, mà tự tánh vốn là không, nên chẳng sanh si tâm; lại thường ái niệm chúng sanh, nên chẳng sanh não tâm; lại thường chẳng xả chúng sanh, thường tôn quí Phật đạo, nên chẳng sanh Nhị Thừa tâm.
Hỏi: Nói tâm kiên cố như kim cang là đủ rồi. Như vậy còn nói tâm bất động làm gì nữa?
Đáp: Tâm kiên cố cũng có thể nhiều, ít, tăng, giảm. Cây lớn còn có thể bị gió lay động; nếu tâm Bồ Tát chưa thật sự kiên cố, thì vẫn có thể bị các nội ngoại duyên làm chao động. Vì sao? Vì hễ còn có tà kiến, còn có nghi kiến,... thì tâm vẫn còn bị chao động. Bởi vậy nên phải có thật trí huệ, mới có thể được tâm kiên cố, bất động vậy.
Lại nữa, Bồ Tát, vì lợi ích chúng sanh, thường chẳng xả chúng sanh nên thường được tâm an lạc. Trú trong tâm ấy, mà Bồ Tát chẳng chấp tâm ấy. Vì sao? Vì đối với Bồ Tát, thì lạc pháp là hơn hết. Thế nhưng chẳng phải vì vậy, mà phá hoại các pháp tướng, nên Bồ Tát chẳng thấy có pháp để chấp, chẳng thấy có pháp để thọ. Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều là bất khả đắc, biết rõ vô sở đắc là tướng Niết Bàn. Bồ Tát thường tín thọ 3 giải thoát môn, nên thường được lạc pháp.
Lại nữa, Bồ Tát an trú trong 18 không, chẳng tùy ý hành, nên chẳng khởi sanh nghiệp tội; an trú trong 4 niệm xứ, dẫn đến 18 bất cộng pháp, diệt các phiền não, tu tập các thiện pháp, nên thường ở trong đại chúng làm bậc thượng thủ.
Bồ Tát vào Kim cang tam muội được bình đẳng tâm, được an lạc hạnh, khiến tăng trưởng thiện căn, được đầy đủ trí huệ.
Do có đầy đủ các lực phương tiện như vậy, nên Bồ Tát quyết định ở trong Thánh chúng thường làm bậc thượng thủ.
Bởi các nhân duyên vậy, nên gọi là Bồ Tát Ma ha tát”.
Bao nhiêu lời giảng luận về Bồ Tát Ma ha tát như thế là tạm đủ. Chỉ cần tụng đọc cẩn thận là có thể hiểu vai trò của Bồ Tát Ma ha tát trong Phật đạo.
---o0o---