Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

39. Phẩm "Địa Ngục"

16/08/202017:19(Xem: 9000)
39. Phẩm "Địa Ngục"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-425

PHẨM "ĐỊA NGỤC"

Phần cuối Q. 434 cho đến hết Q. 435, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phần cuối Q.181, phẩm “Chê Bát Nhã”, Hội thứ I, ĐBN)

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

Gợi ý:

Phẩm “Địa Ngục” của Hội thứ II, ĐBN tương đương với phẩm “Tín Hủy” của Kinh MHBNBLMĐ hay phẩm thứ 41, “Tín Hủy”(Tin Kính và Hủy Báng), tập 4, quyển 62, Đại Trí Độ Luận. Cả hai Kinh và một Luận đều thuyết cùng một đề tài kính tin thọ trì hay chê bai hủy báng Bát nhã Ba la mật và tùy theo kết quả mà có thưởng phạt khác nhau. Đây chỉ là thí dụ nêu gương. Hãy chấp hành nghiêm chỉnh mới có thể gặt hái kết quả mong muốn.

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Xá lợi Tử thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát nào đối với Bát nhã Ba la mật đây tin hiểu được thì Bồ Tát này chết ở đâu đến sanh nơi đây? Phát tâm hướng tới Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đã trải qua thời gian dài ngắn như thế nào? Đã từng gần gũi cúng dường bao nhiêu đức Phật? Tu tập bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật đã được bao lâu? Làm sao tin hiểu nghĩa lý thậm thâm của Bát nhã Ba la mật?

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Nếu Bồ Tát nào đối với Bát nhã Ba la mật đây tin hiểu được, Bồ Tát này chết từ trong Pháp hội của vô lượng, vô số, vô biên các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở khắp mười phương thế giới như cát sông Hằng sanh đến nơi đây. Bồ Tát này phát tâm hướng tới Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đã trải qua vô lượng, vô số, vô biên trăm ngàn triệu ức kiếp. Bồ Tát này đã từng gần gũi cúng dường vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì, bất khả xưng lường các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Bồ Tát này từ sơ phát tâm, thường siêng tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật đã trải qua vô lượng, vô số, vô biên trăm ngàn ức kiếp.

Này Xá lợi Tử! Bồ Tát này nếu thấy hoặc nghe Bát nhã Ba la mật như thế, liền nghĩ như vầy: Ta thấy Đại sư, nghe Đại sư nói. Bồ Tát này lấy vô tướng, vô nhị, vô sở đắc làm phương tiện, tin hiểu đúng đắn nghĩa lý sâu xa của Bát nhã Ba la mật như thế.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Như Phật đã nói, đại Bồ Tát này hoặc thấy hoặc nghe Bát nhã Ba la mật như thế bèn khởi nghĩ này: Ta thấy Đại Sư, nghe Đại Sư nói. Bát nhã Ba la mật thẳm sâu có kẻ năng nghe năng thấy chăng?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật thẳm sâu thật không kẻ năng nghe và năng thấy(1). Vì sao? Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật thẳm sâu thật chẳng phải pháp bị nghe bị thấy vậy.

Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật không thấy không nghe, vì các pháp trì độn(2) vậy. Cho đến bố thí Ba la mật không thấy không nghe, vì các pháp trì độn vậy. Nội không cho đến vô tánh tự tánh không, không thấy không nghe, vì các pháp trì độn vậy. Bốn niệm trụ cho đến tám Thánh đạo chi không thấy không nghe, vì các pháp trì độn vậy. Như vậy, Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng không thấy không nghe, vì các pháp trì độn vậy. Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không thấy không nghe, vì các pháp trì độn vậy. Tất cả Như Lai ứng Chánh Đẳng Giác không thấy không nghe, vì các pháp trì độn vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đã chứa nhóm công hạnh lâu dài như vậy mới có khả năng tu học Bát Nhã thẳm sâu chăng?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Đối với vấn đề này, phải phân biện rõ.

Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát từ sơ phát tâm đã có khả năng tu học Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, cũng có khả năng tu học tĩnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này có phương tiện khéo léo, nên chẳng hoại các pháp, chẳng thấy các pháp có tăng có giảm, thường chẳng xa lìa chánh hạnh tương ưng bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Thường chẳng xa lìa chư Phật Thế Tôn và các chúng Bồ Tát. Từ một quốc độ Phật tới một quốc độ Phật, muốn đem nhiều phẩm vật thượng diệu cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và các chúng Bồ Tát, thì các phẩm vật tùy ý xuất hiện. Cũng năng ở chỗ các Như Lai kia trồng các căn lành khiến mau viên mãn. Đại Bồ Tát này tùy chỗ thọ sanh, chẳng đọa trong thai tạng mẹ mà sanh, tâm thường chẳng cùng phiền não tạp trụ, cũng từng chẳng khởi tâm Nhị thừa. Đại Bồ Tát này thường chẳng xa lìa thần thông thù thắng, từ một nước Phật đến một nước Phật, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tu học như thế là tu học đúng đắn Bát nhã Ba la mật thẳm sâu.

Thiện Hiện! Có Đại Bồ Tát tuy từng thấy Phật hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc nhiều trăm ngàn lần, ở chỗ chư Phật ấy và chúng đệ tử, cũng tu nhiều bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát Nhã nhưng lấy sở đắc làm phương tiện, nên chẳng thể tu học Bát Nhã cho đến bố thí Ba la mật. Đại Bồ Tát này nghe Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Đại Bồ Tát này khinh mạn Bát nhã Ba la mật như thế, cũng khinh mạn Phật, đã bỏ Bát nhã Ba la mật thẩm sâu như thế, cũng bỏ chư Phật.

Thiện Hiện! Nay trong chúng đây cũng có hạng người ấy, nghe Ta tuyên nói Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, tâm chẳng vui thích, cũng bỏ đi. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ này đời trước khi nghe Bát nhã Ba la mật thẳm sâu đã từng bỏ đi, đời này nghe Bát nhã Ba la mật như thế, do sức mạnh của túc nghiệp đời trước nên cũng lại bỏ đi.

Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ này đối với Bát nhã Ba la mật thẳm sâu đây, thân, ngữ và tâm đều chẳng hòa hợp. Do đây, gây tạo nghiệp tội, ác tuệ, ngu si tăng trưởng. Do vị ấy gây tạo nghiệp tội, ngu si, ác tuệ tăng trưởng nên khi nghe Bát nhã Ba la mật thẩm sâu như thế liền hủy báng, cho là chướng ngại, xả bỏ. Hành động như vậy tức là hủy báng, xả bỏ Nhất thiết trí trí của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Do vị ấy hủy báng, cho là chướng ngại, xả bỏ Nhất thiết trí trí của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại nên gây tạo, tăng trưởng, chiêu cảm nghiệp thiếu chánh pháp.

Do vị ấy gây tạo nên đọa vào đại địa ngục, trải qua thời gian lâu dài, hoặc trên trăm năm, hoặc trên ngàn năm, hoặc trên trăm ngàn ức năm, hoặc trăm ngàn ức triệu năm, ở trong đại địa ngục chịu các khổ đau dữ dội. Vì tội nặng nên ở thế giới đây, lưu đày từ địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ dữ dội. Nếu khi kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió của thế giới đây khởi, mà nghiệp thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh sang thế giới phương khác cũng ở trong đại địa ngục giống như đây, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ dữ dội.

Vì tội nặng nên ở thế giới khác, từ đại địa ngục này đến đại địa ngục khác, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ dữ dội. Nếu khi kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió của thế giới khác khởi, mà nghiệp thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác, cũng ở trong đại địa ngục giống như vậy, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ dữ dội.

Vì tội nặng nên ở thế giới khác ấy, từ đại địa ngục này đến đại địa ngục kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu các đại khổ dữ dội. Lần lượt triển chuyển như vậy, trải qua khắp mười phương các thế giới, ở trong đại địa ngục chịu các đại khổ dữ dội. Luân hồi như thế trải vô lượng kiếp.

Khi nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy mỏng đi thì từ địa ngục, vị ấy thoát ra, đọa vào cõi bàng sanh, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến nhiều trăm ngàn ức triệu năm, thọ thân bàng sanh bị đủ các loại khổ tàn hại, khủng bố, bức bách…

Vì tội chưa hết nên ở thế giới đây hay thế giới phương khác nữa, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của thế giới này hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác cũng ở trong cõi bàng sanh giống như đây, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, thọ thân bàng sanh bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách...

 Vì tội chưa hết nên ở thế giới phương khác, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Lần lượt triển chuyển như vậy, trải qua khắp mười phương các thế giới, thọ thân bàng sanh, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của mười phương các thế giới ấy tan hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết thì sau khi chết, sanh trở lại trong cõi bàng sanh của thế giới này, từ chỗ hiểm ác này đến chỗ hiểm ác kia, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, bị đủ các khổ tàn hại, khủng bố, bức bách… Nếu khi tam tai của thế giới này hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì chết rồi sanh trở lại các thế giới khác, trải qua khắp mười phương trong cõi bàng sanh, chịu nhiều khổ đau. Tuần hoàn như thế trải qua vô lượng kiếp.

Khi nghiệp lực thiếu chánh pháp mỏng đi, thì vị ấy thoát khỏi cõi bàng sanh, lại đọa vào cõi quỷ, trải qua thời gian dài, hoặc nhiều trăm năm, hoặc nhiều ngàn năm, cho đến hoặc nhiều trăm ngàn ức triệu năm, ở trong cõi ngạ quỷ chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy...

Vì tội chưa hết nên ở thế giới đây, từ cõi quỷ đói này đến cõi quỷ đói khác, từ lúc kiếp lửa, kiếp nước, kiếp gió chưa khởi đến nay, chịu đủ các khổ đói khát tiều tụy… Nếu khi tam tai của thế giới này hoại, mà nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy vẫn còn chưa hết, thì sau khi chết, chuyển sanh thế giới phương khác, cũng ở trong cõi quỷ đói giống như vậy v.v...

Khi nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy sắp hết thì vị ấy ra khỏi cõi quỷ đói, lại sanh trong loài người. Tuy được làm người nhưng thuộc hạng thấp kém, nghĩa là sanh vào nhà đui điếc, hoặc làm tôi tớ, hoặc gánh thây chết, hoặc làm nghề bán thịt, hoặc bắt cá săn thú, hoặc thợ thuyền, hoặc con hát, hoặc hành tà kiến; hoặc bị thọ thân không mắt, không tai, không mũi, không lưỡi, không tay chân, đui mù câm điếc, ung thư ghẻ hủi, bệnh phong, điên cuồng, hung tàn, gù lưng, tay chân ngắn cụt, các căn khiếm khuyết, màu da đen vàng tiều tụy, ngu si vô trí, làm việc gì cũng đều bị người chê cười, khinh khi; hoặc sanh ở chỗ chẳng được nghe danh hiệu Phật, danh hiệu Pháp, danh hiệu Tăng, danh hiệu Bồ Tát, danh hiệu Độc giác; hoặc sanh ở thế giới u ám không có ngày đêm, chẳng thấy ánh sáng, ở chỗ hiểm trở, uế ác độc địa. Vì sao? Thiện Hiện! Vì nghiệp lực thiếu chánh pháp của vị ấy gây tạo, tăng trưởng rất sâu nặng, nên phải chịu đầy đủ các quả khổ như vậy. Phẩm loại như vậy quá nhiều, khó có thể kể hết.

Bấy giờ, Xá lợi Tử thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Như Lai thường kể các tội nặng là năm tội vô gián. Nay nói tội tăng trưởng nghiệp hoại chánh pháp, vậy có giống như năm tội vô gián kia không?

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Nghiệp hoại chánh pháp rất thô nặng, năm nghiệp vô gián chẳng thể sánh bằng. Nghĩa là nghe thuyết Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, vị ấy chẳng tin, hủy báng chê bai, nói như vầy: “Đây chẳng phải lời của các Như Lai ứng Chánh Đẳng Giác đã thuyết: Đó là phi pháp, phi luật, chẳng phải lời dạy của đấng Đại sư. Đối với những lời ấy, chúng ta chẳng nên tu học”.

Người hủy báng pháp ấy, tự mình hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, cũng dạy vô lượng hữu tình hủy báng. Tự hoại thân mình, hoại người. Tự uống độc dược, cũng khiến người khác uống. Tự đánh mất thú vui sanh cõi trời, giải thoát, cũng khiến người khác mất. Tự mình nhảy vào hầm lửa địa ngục, cũng khiến người khác nhảy vào. Chính mình không tin Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, cũng dạy người chớ tin. Chính mình dấn thân vào biển khổ, cũng khiến người khác dấn thân vào.

Xá lợi Tử! Ta đối với Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế, còn chẳng muốn cho kẻ hủy báng chánh pháp nghe danh tự ấy, huống là nói cho họ nghe. Đối với kẻ hủy báng chánh pháp, Ta còn chẳng cho các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ Tát thừa nghe danh tự họ, huống nữa là nhìn thấy; lẽ nào cho ở chung. Vì sao? Xá lợi Tử! Nên biết những kẻ hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, tên của họ là hoại chánh pháp, chết rồi sẽ đọa trong loài đen tối, như con ốc trâu dơ uế, tự thân dơ uế lại làm dơ uế người khác, như đống phẩn thúi. Nếu ai tin theo lời của kẻ hoại chánh pháp thì sẽ chịu đại khổ như trên.

Xá lợi Tử! Nên biết các kẻ phá hoại Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, những hạng ấy chính là loài địa ngục, bàng sanh, quỷ đói, quyết định sẽ chịu đại khổ vô biên, cực nặng dữ dội. Do vậy, kẻ trí chẳng nên hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu.

Khi ấy, Xá lợi Tử lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào chỉ nói những kẻ hoại chánh pháp như thế sẽ đọa đại địa ngục, bàng sanh, quỷ đói, chịu khổ lâu dài mà chẳng nói hình mạo thân tướng của họ?

Phật dạy:

- Này Xá lợi Tử! Thôi, chẳng nên nói về hình tướng ác thú mà kẻ hoại chánh pháp đời sau phải chịu. Vì sao? Vì nếu Ta nói đủ về hình tướng ác thú mà kẻ hoại chánh pháp đời sau phải chịu thì người đó nghe ắt phải kinh sợ, mửa máu nóng, thậm chí mất mạng, hoặc tâm tư sầu khổ như người sắp chết hay bị trúng phải tên độc, nên Ta thương xót không nói hình tướng thân mạo của kẻ hoại chánh pháp.

Xá lợi Tử nói:

- Cúi xin Thế Tôn nói về hình tướng ác thú mà kẻ hoại chánh pháp đời sau phải chịu để răn dạy cho những người trong đời vị lai biết tội hủy báng pháp sẽ bị khổ lớn, mà chẳng gây tội.

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Những điều Ta nói trước đủ để răn dạy rồi. Nghĩa là các thiện nam, thiện nữ… đời vị lai nghe nói nghiệp hoại chánh pháp sẽ đọa đại địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, chịu khổ lâu dài trong mỗi mỗi cõi, thì đủ tự mình gìn giữ cẩn thận, chẳng hủy báng chánh pháp.

Khi ấy, Xá lợi Tử bèn thưa Phật:

- Kính vâng, bạch Thế Tôn! Kính vâng, bạch Thiện Thệ! Đời sau, các thiện nam, thiện nữ nghe những lời dạy của Phật sáng tỏ, thà bỏ thân mạng quyết chẳng hủy báng chánh pháp. Chớ làm cho mình (thân) sau phải chịu khổ ấy.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu có các thiện nam, thiện nữ thông tuệ nghe Phật nói người hủy báng chánh pháp, đời đương lai sẽ chịu đại khổ lâu dài, nên họ khéo hộ trì nghiệp thân, ngữ, ý. Đối với chánh pháp, chẳng dám bài báng hủy hoại, sợ đọa ba cõi ác chịu khổ lâu dài, chẳng được thấy Phật, chẳng được nghe pháp, chẳng gặp được Tăng, chẳng được sanh ở nước có Phật. Dù sanh cõi người cũng là hạng bần cùng hèn hạ, xấu xí ngu dốt, các căn khiếm khuyết, nói lời gì ra cũng không ai tin nhận.

Bạch Thế Tôn! Lại nữa, kẻ gây tạo, tăng trưởng nghiệp cảm thiếu chánh pháp, lẽ nào chẳng do tập nghiệp ác ngữ tạo ra?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Thật đúng là do thói quen tập nghiệp ác ngữ gây tạo, tăng trưởng, chiêu cảm lấy nghiệp thiếu chánh pháp. Ở trong chánh pháp Tỳ nại da của Ta, sẽ có những kẻ xuất gia ngu si, tuy tôn xưng Ta làm Đại sư, nhưng bài báng hủy hoại Bát nhã Ba la mật do Ta thuyết.

Thiện Hiện! Ông nên biết: Nếu ai hủy báng Bát nhã Ba la mật tức là hủy báng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật. Nếu hủy báng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề tức là hủy báng Nhất thiết trí trí của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Nếu hủy báng Nhất thiết trí trí của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại tức là hủy báng tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Nếu hủy báng tất cả các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tức là hủy báng Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Nếu hủy báng Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo tức là hủy báng chánh kiến của thế gian. Nếu hủy báng chánh kiến của thế gian tức là hủy báng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật; cũng là hủy báng nội không cho đến vô tánh tự tánh không; cũng là hủy báng bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Như vậy, cho đến hủy báng Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng là hủy báng Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Do vị ấy hủy báng Nhất thiết tướng trí nên nhận lấy vô lượng, vô số, vô biên nghiệp tội. Do nhận lấy vô lượng, vô số, vô biên nghiệp tội, nên phải thọ lấy vô lượng, vô số, vô biên khổ lớn trong tất cả cõi địa ngục, bàng sanh, quỷ giới và loài người. (Q.435, ĐBN)

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Do những nhân duyên nào mà các kẻ ngu phu kia hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Do bốn nhân duyên mà những kẻ ngu phu kia hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế. Những gì là bốn:

1. Một là bị các tà ma làm mê hoặc;

2. Hai là chẳng tin hiểu pháp thẳm sâu;

3. Ba là chẳng chuyên cần tinh tấn, thường hay say đắm năm uẩn và bị các ác tri thức nhiếp thọ;

4. Bốn là ôm nhiều sân hận, ưa tạo pháp ác, hay tự cao, khinh dễ kẻ khác, nên các kẻ ngu kia hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế.

Thiện Hiện! Do bốn nhân duyên như vậy nên kẻ hủy báng Bát nhã Ba la mật thẳm sâu trong tương lai phải chịu vô lượng khổ.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Kẻ ngu ở thế gian chẳng chuyên cần tinh tấn, bị ác tri thức nhiếp thọ, chưa trồng căn lành, đủ các hạnh ác nên thật khó tin hiểu Bát nhã Ba la mật thẳm sâu mà Phật đã thuyết.

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, những kẻ ngu ở thế gian chẳng chuyên cần tinh tấn, bị ác tri thức nhiếp thọ, chưa trồng căn lành, đủ các hạnh ác nên thật khó tin hiểu Bát nhã Ba la mật mà Ta đã thuyết.

 

Thích nghĩa:

(1). Các pháp không thấy, không nghe: Các pháp tự nó vắng lặng, tịch tịnh mà kinh thường diễn tả là vô tri. Cụt đá đứng bên đường nó không tự biết nó xấu hay đẹp, nó cũng không biết không thấy các cụt đá khác chung quanh nó. Chỉ có con người do căn tiếp xúc với trần mà có cái thấy cái biết, nên sanh động niệm rồi cho là xấu là đẹp, vuông hay tròn, trắng hay đen... Từ khi có danh sắc thì cụt đá không còn là nó nữa, nó mất đi vẽ trinh nguyên của thửa ban đầu. Đó là cái nhìn của tục đế.

Khi thâm nhập được Bát Nhã, biết tất cả pháp là do duyên hòa hợp mà có, có đó nhưng là giả có, nên nói là không. Kinh Phật cũng bảo các pháp tự tánh không, lấy vô tánh làm tự tánh. Các pháp vô tánh tự tánh không còn gọi là nhất tướng, chỗ gọi là vô tướng. Nhất tướng thì xem là như như, là bình đẳng. Vô tướng thì làm sao thấy, không thấy nên không bị động niệm mới được như như. Hơn thế nữa Kinh cũng bảo là các là các pháp vô tri, trì độn. Đó là tất cả những gì gọi là thi thiết. Do thi thiết đó nên mới đi đến kết luận các pháp không thấy không biết. Tất cả những từ đó dẫn đến thanh tịnh. Mục đích tối cao của người tu Phật. Nên, LUẬN #3 trong phần thứ III tổng luận, chúng tôi gọi cái không thấy không biết này là “cái thấy biết từ bờ kia. (Xin xem LUẬN #3, phần thứ III, tổng luận).

(2). Trì độn: Từ này rất khó dịch, HT Thích Trí Nghiêm dịch là “lụt chậm”, từ lụt chậm không diễn tả hết ý nghĩa của từ “trì độn”. Anh ngữ gọi là dull, như dao gọi là “lụt”; nếu diễn tả cá tính thì gọi là cá tánh “nhạt phèo”. Ở đây có thể tạm dịch là “trơ trơ”, hay “trơ lì”. Các pháp tự nó không chậm không lụt; không khôn không dại…, nó như vậy bởi vì nó như vậy, nên nói: Nó “trơ lì ra đó”, ai muốn hiểu sao, nói gì cũng được, nên có thể gọi là trì độn, vô tri! TB

 

Sơ giải:

 

Nếu đại Bồ Tát “…có phương tiện khéo léo, chẳng hoại các pháp, chẳng thấy các pháp có tăng có giảm, thường chẳng xa lìa chánh hạnh tương ưng bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Thường chẳng xa lìa chư Phật Thế Tôn và các chúng Bồ Tát. Từ một quốc độ Phật tới một quốc độ Phật, muốn đem nhiều phẩm vật thượng diệu cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và các chúng Bồ Tát, thì các phẩm vật tùy ý xuất hiện. Cũng năng ở chỗ các Như Lai kia trồng các căn lành khiến mau viên mãn. Đại Bồ Tát này tùy chỗ thọ sanh, chẳng đọa trong thai tạng mẹ mà sanh, tâm thường chẳng cùng phiền não tạp trụ, cũng từng chẳng khởi tâm Nhị thừa. Đại Bồ Tát này thường chẳng xa lìa thần thông thù thắng, từ một nước Phật đến một nước Phật, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật”.

Đó là Bồ Tát tu tập đúng đắn Bát nhã Ba la mật thậm thâm tức tu Bát Nhã có phương tiện khéo. Nhưng lại có:

“Bồ Tát tuy từng thấy Phật hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc nhiều trăm ngàn lần, ở chỗ chư Phật ấy và chúng đệ tử, cũng tu nhiều bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tĩnh lự, Bát Nhã nhưng lấy sở đắc làm phương tiện, nên chẳng thể tu học Bát Nhã cho đến bố thí Ba la mật. Đại Bồ Tát này nghe Bát nhã Ba la mật thẳm sâu như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Đại Bồ Tát này khinh mạn Bát nhã Ba la mật như thế, cũng khinh mạn Phật, đã bỏ Bát nhã Ba la mật thậm thâm”. Như thế, tức là Bồ Tát này cũng bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng và bỏ cả Nhất thiết trí trí.

Các Bồ Tát này có thể là bọn tăng thượng mạn, chiêu cảm nghiệp thiếu chánh pháp, gây tội qua ba đường thân khẩu ý, lại bị bạn ác khuynh đảo, nhiếp phục nên càng ngu si điên đảo quay ra hủy báng chánh pháp. Tội này còn nặng hơn năm tội vô gián. Tội vô gián là tội giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hoại tăng đoàn, làm chảy máy thân Phật, nếu bị năm tội này liền rơi vào địa ngục a tỳ, sẽ bị tra tấn hành hạ không lúc nào yên, nên gọi là vô gián.

Khi kiếp thủy, kiếp hỏa, kiếp phong chưa xảy ra, bọn hủy báng chánh pháp bị đọa từ địa ngục lớn này sang địa ngục lớn khác, bị các hình phạt tàn khóc qua trăm ngàn triệu kiếp không bao giờ yên cho đến khi ba nạn lớn xảy ra, thế giới đó bị tiêu diệt. Bọn hủy báng chánh pháp lại sanh sang thế giới phương khác, cũng lại bị đọa từ địa ngục lớn này sang địa ngục lớn khác như đã nói trên. Nếu tội hủy báng chưa hết thì bọn ngu si tội lỗi này sẽ bị lưu đày từ thế giới này sang thế giới khác cũng lại như vậy.

Cho đến khi tội hủy báng giảm dần mới sanh vào loại bàng sanh hay loài quỷ, cũng lại bị đày đọa từ thế giới này khác thế giới khác trong trăm ngàn muôn triệu kiếp khổ sở nữa cho đến khi tội hủy báng mỏng dần mới được sanh vào cõi người. Được làm người nhưng bị khuyết tật, ngọng nghịu, đuôi mù, câm điếc v.v… sống cuộc đời hạ tiện, bị đời khinh khi ruồng bỏ. Phật không muốn tả hết tội hủy báng chánh pháp này, nói tới đó là đủ răn đe bọn người về sau đừng rơi vào kiêu mạn, điên rồ để phải chiêu cảm nghiệp thiếu chánh pháp mà bị đọa đày như thế.

 

Kết luận chung cho các phẩm:

(“Kinh Văn”, “Tùy Hỷ Hồi Hướng”, “Đại Sư” và “Địa Ngục”)

 

Phẩm “Kinh Văn” so sánh việc tu học tất cả pháp Phật với việc tu hành Bát nhã Ba la mật, so sánh các bậc tu từ thấp đến cao (từ Tu đà hoàn đến Vô Thượng Bồ đề), so sánh phạm vi cõi nước (từ Thiệm bộ châu cho đến 10 phương thế giới như cát sông hằng) để biết công đức tu hành nào được xem là thắng diệu hơn cả.

 

Phẩm “Tùy Hỷ Hồi Hướng” lấy công đức cùng các thiện căn tu hành ban cho tất cả chúng sanh rồi đồng hồi hướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề để được phước đức trí tuệ như nhau mà cùng giải thoát. Tôn chỉ hồi hướng không thể thiếu vắng trong tinh thần bao dung từ ái vì kẻ khác, cho kẻ khác đối với những người tu Đại thừa, nó là ngọn đuốc truyền thừa tiếp nối dòng giống Phật không để đoạn mất. Đó là cái phải đáng ngưỡng mộ, suy tôn.

 

Hơn nữa, phẩm “Đại Sư”, ca tụng Bát nhã Ba la mật chẳng khác Phật, Phật chẳng khác Bát nhã Ba la mật. Kinh một lần nữa suy tôn Bát nhã Ba la mật chẳng khác nào Thiên nhân sư (thầy của trời người) hay Đại sư và khuyến dẫn tất cả chúng sanh tu tập thọ trì, chánh ức niệm Bát nhã Ba la mật đồng thời rộng giải truyền bá Kinh này.

 

Phẩm “Địa Ngục” cảnh cáo những chúng sanh nào không tin hiểu Bát nhã Ba la mật lại còn quay ra hủy báng Kinh điển Bát Nhã thì phải thọ nghiệp hủy báng chánh pháp, bị lưu đày chụi khổ trong nhiều đời kiếp còn hơn tội vô gián là giết cha, giết mẹ, giết A la hán, phá hòa hợp tăng và làm cho thân Phật chảy máu.

Sở dĩ, chúng tôi đúc kết lại các phẩm trên là vì muốn nhấn mạnh về việc tu tập các pháp Phật, hay còn gọi là các pháp mầu Phật đạo, các pháp hy hữu, tư lương Bồ đề Bồ Tát hay Bồ Tát đạo mà trong đó không ai chối cải vai trò quan trọng của Bát nhã Ba la mật vì Bát nhã Ba la mật nhiếp hộ tất cả pháp thế gian, xuất thế gian và cũng là mẹ của chư Phật và chư Bồ Tát. Nếu đối với tất cả các pháp mà chỉ “đọc sơ qua cho biết” thì chẳng khác nào “cỡi ngựa xem hoa”. Phải đọc tụng thọ trì chánh ức niệm, mới có tín tâm, có tín tâm mới tín thọ phụng hành. Tu chỉ để biết, không phải để giúp Đạo giúp Đời thì chẳng khác nào “cái đãi đựng sách”, chẳng ích lợi gì. Lời khuyên đứng đắn nhất là phải tín thọ phụng hành, mới mang lại công đức trí tuệ, mới có thể tự độ, độ tha.

 

Dưới đây là quan điểm của Kinh MHBNBLMĐ và Luận Đại Trí Độ, phẩm thứ 41, “Tín Hủy”, tập 4, quyển 62:

KINH:

“Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thiện nam, Thiện nữ phải khéo nhiếp các nghiệp “thân, khẩu và ý”, đừng để phải thọ các khổ như vậy(do hủy báng Bát Nhã). Vì sao? Vì đã thọ các khổ như vậy, thì chẳng thấy được Phật, chẳng nghe được Pháp, chẳng thân cận được chư Tăng; hoặc phải sanh vào các thế giới chẳng có Phật; hoặc sanh vào chốn bần cùng hạ tiện, khiến chẳng tín thọ được lời Phật. Bạch Thế Tôn! Đây là do khẩu nghiệp mà phạm tội hủy báng Bát nhã Ba la mật như vậy chăng?

Phật dạy: Đúng như vây! Đúng như vậy! Này Tu Bồ Đề! Ở trong Phật pháp, có người đã xuất gia thọ giới rồi, chỉ vì  ngu si mà phạm tội phá Bát nhã Ba la mật, hủy báng Pháp.

Này Tu Bồ Đề! Nếu phá Bát nhã Ba la mật, phá chư Phật trong 10 phương, phá nhất thiết chủng trí, phá Phật Bảo, phá Pháp Bảo, phá Tăng Bảo. Phá 3 ngôi Tam Bảo là phá chánh kiến ở thế gian, phá tứ niệm xứ… dẫn đến phá nhất thiết chủng trí, nên phải thọ vô lượng vô biên tội báo, vô lượng vô biên khổ não.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu tác duyên khiến người ngu si phá Bát nhã Ba la mật thậm thâm?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Có 4 tác duyên khiến người ngu si phá Bát nhã Ba la mật thậm thâm. Đó là:

- Bị ma sai sử.

- Chẳng có tín giải Bát nhã Ba la mật thậm thâm; chẳng có được tâm thanh tịnh

- Thường gần gũi ác tri thức, nên sanh tâm giải đãi, chấp đắm 5 ấm thân

- Còn nhiều sân nhuế, tự cao, khinh miệt người.

Do 4 tác duyên nêu trên đây, mà người ngu si phạm tội hủy báng Bát nhã Ba la mật thậm thâm.


LUẬN:

Hỏi: Hủy báng Pháp là do khẩu nghiệp. Như vậy vì sao lại nói người tu phải nhiếp cả 3 nghiệp “thân, khẩu và ý”

Đáp: Gốc của khẩu nghiệp là ý nghiệp, có ý nghiệp mới dẫn sanh khẩu nghiệp. Bởi vậy trước hết phải nhiếp ý nghiệp.

Nơi đây, ngài Tu Bồ Đề tự nói các nhân duyên dẫn đến thọ khổ, khiến chẳng thấy được Phật, chẳng được nghe pháp, chẳng được gần gũi chư Tăng.

Phật dạy: Người ngu si do khẩu nghiệp mà tạo ra bao nhiêu tội lỗi. Trong các chúng xuất gia, thọ giới, có nhiều người còn chấp pháp Thanh Văn. 500 năm sau khi ta diệt độ, họ sẽ phân ra làm nhiều bộ chúng, lên đến 800 bộ chúng khác nhau. Từ đó về sau, họ cầu pháp tướng, chấp đắm pháp danh. Họ chấp thủ những lời Phật nói ra, mà chẳng biết rằng chỉ vì đạo giải thoát, mà Phật phương tiện nói ra các pháp.

Có nhiều người, khi nghe nói Bát nhã Ba la mật rốt ráo không, tưởng như bị tổn thương. Hạng người này chấp các pháp tướng quyết định là có. Nay nghe nói các pháp điều là tư tưởng không, nghe nói hành Bát nhã Ba la mật là chẳng trú chấp các pháp tướng, thì họ khởi nghi tâm, cho đó chẳng phải là lời Phật dạy… dẫn đến hủy báng Bát nhã Ba la mật. Hạng người này chẳng biết rằng, vì thương xót chúng sanh, mà Phật đã phương tiện phân biệt đạo và phi đạo, để chúng sanh tụ tập. Nay ở trong hội Bát nhã Ba la mật, nghe Phật thuyết đạo và phi đạo đều là vô tướng, là bất khả đắc, nên họ khởi nghi tâm. Từ đó họ khởi sanh tà kiến; rồi do lực tà kiến thúc đẩy, mà tại giữa đại chúng, họ hủy báng Bát nhã Ba la mật, khiến phải mang tội phá pháp. Hủy báng Bát nhã Ba la mật như vậy là hủy báng 3 đời 10 phương chư Phật, phá các lực công đức của 3 ngôi Tam Bảo. Phá Tam Bảo là phá thế gian lạc, nghĩa là phá 4 niệm xứ… dẫn đến phá nhất thiết chủng trí.

Bởi nhân duyên vậy, nên người phá pháp phải thọ vô lượng vô biên tội báo, vô lượng vô biên ưu bi khổ não”.

Ở đây chúng tôi ghi lại những khuyến dẫn của Kinh và Luận không phải để dọa nạt mà chúng tôi ghi lại những nguyên nhân gây tội để những ai hủy báng chánh pháp đừng mắc phải những lỗi lầm này. Không tin Đạo đã là quá đáng rồi, lại còn rêu rao chống đối hủy báng thì tội lỗi không thể nào đo lường nổi! Tu là trau giồi tánh đức trí tuệ, giúp mình người. Nếu không làm được như vậy, lại quay ra chống đối đả kích, thì bị đọa thôi.

 

---o0o---

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]