Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Phẩm “Tán Hoa” (1)

21/12/202012:31(Xem: 8173)
28. Phẩm “Tán Hoa” (1)

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-504

 

XXVIII. PHẨM “TÁN HOA”(1)

Phần cuối của quyển 554, Hội thứ IV, TBBN.

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Tóm lược:

 

(Phật phó chúc Bát Nhã cho Ngài A Nan)

 

Bấy giờ trong đại hội có vô lượng, vô số trời Ba mươi ba vui mừng hớn hở, đồng đem hương hoa vi diệu trên trời dâng lên Như Lai và các Bồ Tát. Khi ấy, trong chúng có sáu ngàn Bí sô đều từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, vén áo chìa vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay, cúi đầu, hướng về Thế Tôn. Nhờ thần lực của Phật nên trong lòng bàn tay của mỗi người tự nhiên đầy dẫy hương hoa vi diệu. Chúng Bí sô này vui mừng hớn hở, được điều chưa từng có. Mỗi người đem hoa này dâng lên Phật và các Bồ Tát. Dâng hoa xong, đồng phát nguyện:

- Chúng con dùng sức căn lành thù thắng đây, nguyện thường an trụ thắng hạnh vi diệu Bát nhã Ba la mật, mau tới Vô Thượng Chánh đẳng Bồ đề.

Khi ấy, Thế Tôn mỉm cười. Thường khi của chư Phật mỉn cười, thì từ miệng phóng ra vô số hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, tía, bích lục, màu vàng, bạc, pha lê… chiếu khắp vô lượng, vô biên quốc độ của chư Phật, trên đến trời Phạm Thế(2), dưới thấu Phong luân(3) và lần hồi trở lại xoay quanh bên hữu của Phật ba vòng rồi nhập vào nơi đỉnh đầu.

Khi ấy, A Nan Đà đứng dậy, chấp tay đảnh lễ Phật, thưa:

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào Thế Tôn hiện tướng mỉm cười như vậy? Chư Phật mỉm cười chẳng phải là không có nhân duyên. Cúi xin Như Lai thương xót chỉ dạy.

Phật bảo A Nan Đà:

- Các Bí sô này trong kiếp Tinh Dụ ở đời đương lai đều được thành Phật đồng danh hiệu là Tán Hoa, đầy đủ mười hiệu, số Thanh văn Tăng tất cả bằng nhau, số tuổi thọ cũng đồng hai mươi ngàn kiếp. Ngôn giáo của mỗi một đức Phật kia diễn ra, lý thú sâu rộng, lưu bố khắp trời người. Chánh pháp trụ thế hai vạn kiếp. Cõi nước của chư Phật kia rộng rãi, trang nghiêm thanh tịnh, người vật phồn thịnh, giàu vui. Các đức Như Lai kia ở cõi nước của mình đem các đệ tử du hành quanh khắp thôn, thành, làng xóm, quốc ấp, vương đô để chuyển vận bánh xe diệu pháp, độ chúng trời người, làm cho được lợi ích an vui thù thắng. Trụ xứ nơi các đức Thế Tôn kia qua lại, ngày đêm thường mưa hoa đẹp năm sắc. Do nhân duyên này nên Ta mỉm cười.

Thế nên, Khánh Hỷ! Nếu đại Bồ Tát nào muốn được an trụ tối thắng thì phải trụ thắng hạnh vi diệu của Bát nhã Ba la mật. Nếu đại Bồ Tát nào muốn được an trụ như Như Lai thì phải trụ thắng hạnh vi diệu của Bát nhã Ba la mật.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào siêng năng tu học Bát Nhã sâu xa, làm cho được rốt ráo thì đại Bồ Tát này đời trước, hoặc là từ loài người chết, sanh trở lại nơi đây; hoặc từ trên trời Đổ sử đa chết sanh lại nhân gian. Vì sao? Vì Bồ Tát đó ở đời trước, hoặc ngay trong loài người, hoặc ở trên trời, do từng được nghe tất cả Bát Nhã nên đời này thường siêng năng tu học Bát Nhã sâu xa.

Khánh Hỷ nên biết! Như Lai hiện thấy: Nếu đại Bồ Tát siêng năng tu học Bát Nhã sâu xa, không đoái hoài đến thân mạng, của cải thì nhất định được Bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Loài hữu tình nào ưa thích lắng nghe Bát nhã Ba la mật sâu xa, nghe xong thọ trì, đọc tụng, biên chép, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp, tuyên thuyết, mở bày, khuyên răn, chỉ dạy cho thiện nam tử Bồ Tát thừa v.v... thì nên biết vị đó là đại Bồ Tát, quá khứ từng gần gũi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nghe thuyết Bát Nhã sâu xa như thế. Nghe xong, thọ trì, đọc tụng, biên chép, siêng năng tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp, cũng từng vì người tuyên thuyết, mở bày, khuyên răn, chỉ dạy Bát nhã Ba la mật sâu xa, nên đời này có thể làm xong việc như vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Loài hữu tình này từng ở chỗ vô lượng chư Phật quá khứ trồng các căn lành nên đời này thường làm được những việc như vậy. Loài hữu tình này nên nghĩ thế này: Ta đời trước không phải từ nơi Thanh văn v.v... nghe thuyết Bát Nhã sâu xa như vậy, mà nhất định đã từ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nghe thuyết Bát Nhã sâu xa như vậy. Ta đời trước không phải chỉ gần gũi, cúng dường, trồng các căn lành nơi Thanh văn v.v... mà nhất định đã gần gũi, cúng dường, trồng các căn lành nơi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Do nhân duyên này nên nay được nghe Bát Nhã  sâu xa này, ưa thích thọ trì, đọc tụng, biên chép, siêng năng, tinh tấn tu học, tư duy đúng pháp, tuyên thuyết cho tất cả hữu tình không hề mỏi mệt.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu hữu tình chẳng kinh, chẳng sợ, ưa thích lắng nghe Bát Nhã sâu xa, nghe rồi thọ trì, đọc tụng, biên chép, siêng năng tu học, tư duy đúng pháp. Hoặc pháp, hoặc nghĩa, hoặc văn, hoặc ý đều thông suốt hoàn toàn và tùy thuận tu học thì các hữu tình này chính là đang gần Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác của chúng ta. (Q.554, TBBN)

Khánh Hỷ nên biết! Nếu loài hữu tình nào nghe thuyết nghĩa thú Bát nhã Ba la mật như vậy mà hết lòng tin hiểu, không hủy báng, không ngăn cản, phá hoại, thì các hữu tình đó đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đã trồng nhiều căn lành nơi chư Phật, cũng được vô lượng bạn lành hộ trì.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu các hữu tình nào thường trồng các căn lành nơi ruộng phước tối thắng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thì không những nhất định sẽ đắc hoặc quả Thanh văn, hoặc quả Độc giác, hoặc quả Bồ Tát, mà còn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì cần phải thông suốt hoàn toàn nghĩa thú sâu xa của Bát nhã Ba la mật không ngăn ngại, tinh tấn tu hành các Bồ Tát hạnh, cho thật viên mãn.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát có thể thông suốt hoàn toàn nghĩa thú sâu xa của Bát Nhã không chướng ngại, tinh tấn tu hành các Bồ Tát hạnh thật viên mãn, mà đại Bồ Tát này không chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề, chỉ trụ địa vị Thanh văn, Độc giác thì chắc chắn không có lẽ đó. Thế nên, nếu các đại Bồ Tát nào muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì nên thông suốt hoàn toàn nghĩa thú sâu xa của Bát nhã Ba la mật không còn chướng ngại, tinh tấn tu hành các Bồ Tát hạnh thật viên mãn.

Thế nên Khánh Hỷ! Ta đem Kinh điển Bát nhã Ba la mật phó chúc cho ngươi. Ngươi nên thọ trì, đọc tụng thông suốt, đừng để quên mất.

Khánh Hỷ nên biết! Trừ Kinh điển Bát Nhã sâu xa này ra, thọ trì các pháp khác mà Ta đã giảng thuyết, giả sử có quên mất thì tội đó còn nhẹ, nhưng nếu đối với Kinh điển Bát Nhã sâu xa này thọ trì không đúng, cho đến chỉ quên mất một câu thì tội đó rất nặng.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đối với Kinh điển Bát Nhã cho đến có thể thọ trì đúng một câu chẳng quên mất thì được phước vô lượng. Còn nếu đối với Kinh điển Bát nhã Ba la mật sâu xa chẳng thọ trì đúng, cho đến quên mất chỉ một câu thì mắc tội rất nặng, vì lượng phước đồng như trước.

Thế nên Khánh Hỷ! Ta đem Kinh điển Bát nhã Ba la mật sâu xa này ân cần phó chúc cho ngươi. Ngươi phải tự mình thọ trì, đọc tụng thông suốt, tư duy đúng pháp, giảng thuyết, phân biệt, chỉ dạy cho tất cả mọi người, giúp cho người thọ trì hiểu rõ hoàn toàn văn nghĩa, lý thú.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát thọ trì, đọc tụng thông suốt hoàn toàn Bát nhã Ba la mật sâu xa, tư duy đúng pháp và giảng thuyết rộng rãi cho tất cả mọi người, phân biệt, chỉ dạy, làm cho mọi người hiểu rõ thì đại Bồ Tát này chính là người thọ trì, bảo vệ và phát huy sự chứng đắc quả vị Vô Thượng chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu loài hữu tình nào phát tâm ân cần thanh tịnh, đang ở chỗ Ta, muốn đem các tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Ta không mỏi mệt, thì nên chí tâm lắng nghe, thọ trì, đọc tụng thông suốt hoàn toàn Bát nhã Ba la mật, tư duy đúng pháp, giảng thuyết, phân biệt, chỉ dạy rộng rãi cho mọi người, làm cho họ hiểu rõ hoặc biên chép và dùng các thứ báu, trang sức xinh đẹp, và đem các thứ tràng hoa thượng diệu cho đến đèn sáng cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, không nên lười bỏ.

 

(Cúng dường, tôn trọng ngợi khen Bát Nhã tức là cúng dường,

 tôn trọng ngợi khen chư Phật mười phương).

 

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát Nhã sâu xa thì chính là hiện tiền cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Ta và chư Phật trong mười phương ba đời.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào nghe Bát nhã Ba la mật sâu xa, phát tâm thanh tịnh, cung kính, ưa thích thì chính là phát tâm thanh tịnh, cung kính, ưa thích chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, hiện tại, vị lai.

Khánh Hỷ! Nếu ngươi ưa mến Ta, không xa rời Ta thì cũng phải ưa mến, không xa rời Kinh điển Bát Nhã sâu xa, cho đến một câu cũng đừng để quên mất.

Khánh Hỷ! Ta nói nhân duyên phó chúc Kinh điển Bát nhã Ba la mật như thế, dù trải qua vô lượng trăm ngàn đại kiếp cũng không thể nói hết. Tóm tắt mà nói, như Ta đã là Đại sư của các ngươi thì nên biết Bát Nhã sâu xa cũng là Đại sư của các ngươi. Các ngươi, trời, người, A tu la v.v... kính trọng Ta thì cũng phải kính trọng Bát Nhã sâu xa.

Thế nên, Khánh Hỷ! Ta dùng vô lượng phương tiện thiện xảo phó chúc Kinh điển Bát Nhã sâu xa cho ngươi, ngươi nên thọ trì, không thể quên mất. Ta nay đem Bát Nhã sâu xa này ở trước vô lượng đại chúng chư thiên, nhơn, A tu la v.v... phó chúc cho ngươi, ngươi nên thọ trì, đừng để quên mất.

Khánh Hỷ! Ta nay thành thật bảo ngươi: Những người với lòng tin thanh tịnh, muốn không bỏ Phật, muốn không bỏ Pháp, muốn không bỏ Tăng, lại muốn không bỏ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật ba đời đã chứng, thì nhất định không nên bỏ Bát nhã Ba la mật sâu xa. Như vậy, gọi là pháp của chư Phật chúng ta khuyên răn, chỉ dạy các đệ tử.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu thiện nam, thiện nữ nào ưa thích lắng nghe Bát Nhã sâu xa, thọ trì đọc tụng, thông suốt hoàn toàn, tư duy đúng pháp, dùng vô lượng pháp môn giảng thuyết rộng rãi cho mọi người, phân biệt chỉ dạy, trình bày, xây dựng, làm cho người kia hiểu rõ, tinh tấn tu hành thì các thiện nam tử, thiện nữ này mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, có thể mau viên mãn Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì Nhất thiết trí trí của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đều nương Bát nhã Ba la mật sâu xa này mà được phát sanh vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật ba đời đều nương Bát Nhã sâu xa này mà sanh ra quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thế nên Khánh Hỷ! Nếu đại Bồ Tát nào muốn đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề thì nên siêng năng tinh tấn tu học Bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy. Vì sao? Vì Bát Nhã là mẹ của các đại Bồ Tát, sanh ra các đại Bồ Tát vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào siêng học sáu pháp Ba la mật thì mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thế nên Khánh Hỷ! Ta đem sáu pháp Ba la mật này giao phó cho ngươi, ngươi nên chính mình thọ trì, đừng để quên mất. Vì sao? Vì sáu pháp Bát nhã Ba la mật như vậy chính là kho tàng vô tận của các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Tất cả pháp của Phật đều từ đây mà xuất sinh.

Khánh Hỷ nên biết! Pháp yếu mà chư Phật Thế Tôn ba đời thuyết ra đều là từ kho tàng vô tận của sáu pháp Ba la mật lưu xuất.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời đều nương kho tàng vô tận của sáu pháp Ba la mật tinh tấn tu học mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khánh Hỷ nên biết! Đệ tử Thanh văn của chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời đều nương kho tàng vô tận của sáu pháp Ba la mật tinh tấn tu học xong, chính mình sẽ nhập Vô dư Niết bàn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Giả sử ngươi vì hạng người Thanh văn thừa thuyết pháp Thanh văn, do pháp này nên hữu tình trong Tam thiên đại thiên thế giới, tất cả đều đắc quả A la hán, cũng chưa vì Ta làm đệ tử Phật, làm việc nên làm. Nếu ngươi vì người Bồ Tát thừa tuyên thuyết một câu pháp tương ưng với Bát nhã Ba la mật thì liền gọi là vì Ta làm đệ tử Phật, làm việc đáng làm. Ta rất tùy hỷ với việc làm như vậy, hơn người giáo hóa tất cả hữu tình ba ngàn đại thiên thế giới, làm cho đắc quả A la hán.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Giả sử tất cả hữu tình ba ngàn đại thiên thế giới đều nhờ năng lực giáo hóa của người khác, đồng một lúc đều được thân người, đồng một lúc chứng quả A la hán. Các A la hán này đều đạt các việc phước nghiệp về thí tánh, giới tánh, tu tánh. Ý ngươi thế nào? Các việc phước nghiệp kia có nhiều không?

Khánh Hỷ bạch:

- Rất nhiều! Bạch Thế Tôn. Rất nhiều! Bạch Thiện thệ. Các việc phước nghiệp kia vô lượng, vô biên!

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Nếu Thanh văn nào có thể thuyết pháp tương ưng với Bát nhã Ba la mật cho Bồ Tát trải qua một ngày đêm thì phước đạt được nhiều hơn người kia.

Khánh Hỷ nên biết! Để việc một ngày đêm qua một bên, chỉ chừng một ngày. Lại để một ngày qua một bên, chỉ chừng nửa ngày. Lại để nửa ngày qua một bên, chỉ chừng một giờ. Lại để một giờ qua một bên, chỉ chừng khoảng một bữa ăn hay chỉ chừng giây lát. Lại để khoảng giây lát qua một bên, chỉ chừng chốc lát hay chỉ chừng khoảng khảy móng tay, hạng người Thanh văn này thường tuyên thuyết pháp tương ưng với Bát nhã Ba la mật cho Bồ Tát thì phước đạt được càng nhiều hơn trước. Vì sao? Vì phước đạt được của hạng người Thanh văn này vượt qua tất cả các căn lành của Thanh văn và Độc giác vậy.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu đại Bồ Tát nào tuyên thuyết các pháp cho Thanh văn, giả sử tất cả hữu tình ở Tam thiên đại thiên thế giới nhờ pháp này nên đều chứng quả A la hán, đều đầy đủ các thứ phước thù thắng thì ý ngươi thế nào? Đại Bồ Tát này do nhân duyên như vậy, đạt được phước có nhiều không?

Khánh Hỷ thưa:

- Rất nhiều, bạch Thế Tôn! Rất nhiều, bạch Thiện thệ! Phước đức của đại Bồ Tát này đạt được nhiều vô lượng, vô biên.

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Nếu đại Bồ Tát nào tuyên thuyết pháp tương ưng với Bát nhã Ba la mật cho các thiện nam tử Thanh văn thừa v.v…, hoặc thiện nam tử Độc giác thừa v.v…, hoặc thiện nam tử Vô thượng thừa v.v..., trải qua một ngày đêm thì phước đạt được càng nhiều hơn trước.

Khánh Hỷ nên biết! Để việc một ngày đêm qua một bên, chỉ chừng một ngày hay chỉ chừng nửa ngày. Lại để nửa ngày qua một bên, chỉ chừng một giờ hay chỉ chừng khoảng một bữa ăn. Lại để khoảng một bữa ăn qua một bên, chỉ chừng giây lát hay chỉ chừng chốc lát. Lại để chốc lát qua một bên, chỉ chừng khoảng khảy móng tay, đại Bồ Tát này thường tuyên thuyết pháp tương ưng Bát Nhã cho các thiên nam tử Tam thừa v.v… thì phước đức đạt được càng nhiều hơn trước vô lượng, vô số. Vì sao? Vì pháp thí tương ưng Bát nhã Ba la mật sâu xa, vượt qua tất cả pháp thí tương ưng Thanh văn, Độc giác và các căn lành của Nhị thừa kia vậy. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát này tự cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cũng dùng pháp tương ưng Đại thừa chỉ dạy, khuyến khích, dắt dẫn, khen ngợi, khích lệ vui mừng các hữu tình khác, làm cho được Bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khánh Hỷ nên biết! Đại Bồ Tát này tự tu bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật, cũng dạy người khác tu bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Tự trụ pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không, cũng dạy người khác trụ pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Tự trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, cũng dạy người khác trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Tự trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, cũng dạy người khác trụ Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Tự tu 4 niệm trụ cho đến 8 chi Thánh đạo, cũng dạy người khác tu 4 niệm trụ cho đến 8 chi Thánh đạo. Tự tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, cũng dạy người khác tu 4 tịnh lự, 4 vô lượng, 4 định vô sắc. Tự tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, cũng dạy người khác tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Tự tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ, cũng dạy người khác tu tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tự tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa, cũng dạy người khác tu Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa. Tự tu tất cả pháp môn Đà la ni, pháp môn Tam ma địa, cũng dạy người khác tu tất cả pháp môn Đà la ni, pháp môn Tam ma địa. Tự tu năm loại mắt, sáu phép thần thông, cũng dạy người khác tu năm loại mắt, sáu phép thần thông. Tự tu mười lực của Như Lai cho đến 18 pháp Phật bất cộng, cũng dạy người khác tu mười lực của Như Lai cho đến 18 pháp Phật bất cộng. Tự tu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, cũng dạy người khác tu 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tự tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, cũng dạy người khác tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Tự tu Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, cũng dạy người khác tu Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Tự tu Bồ Tát hạnh, cũng dạy người khác tu Bồ Tát hạnh. Tự tu quả vị Vô Thượng Bồ đề, cũng dạy người khác tu quả vị Vô Thượng Bồ đề. Nhờ nhân duyên này, căn lành tăng trưởng, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khánh Hỷ nên biết! Đại Bồ Tát này thành tựu căn lành thù thắng như thế, nhớ nghĩ đến căn lành thù thắng như thế mà thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì chắc chắn không có lẽ đó.

Bấy giờ, bốn chúng vây quanh đức Thế Tôn, nghe Phật khen ngợi Bát nhã Ba la mật, giao phó, dạy bảo A Nan Đà để thọ trì xong, lại ở trong đại hội trước đại chúng tất cả trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược, A tu la, Yết lộ đồ, Khẩn nại lạc, Mạc hô lạc già, nhơn phi nhơn v.v... bằng năng lực thần thông, Phật lại làm cho đại chúng đều thấy Như Lai Bất Động Ứng Chánh Đẳng Giác với đại chúng Thanh văn, Bồ Tát vây quanh tuyên thuyết diệu pháp cho hội Hải dụ và thấy tướng nghiêm tịnh của cõi kia.

Thanh văn Tăng cõi đó đều là A la hán, các lậu đã sạch, không còn phiền não, được chơn thật tự tại, tâm giải thoát hoàn toàn, tuệ giải thoát hoàn toàn, như ngựa khôn được điêu luyện, cũng như rồng lớn, việc đáng làm đã làm xong, đã vứt bỏ các gánh nặng, đạt được lợi ích, dứt các trói buột, tự biết đã được giải thoát, tâm chí tự tại rốt ráo hàng đầu.

Bồ Tát Tăng ở cõi đó, tất cả đều là mọi người đều biết, đã đắc Đà la ni và vô ngại biện tài, thành tựu vô lượng công đức vi diệu không thể nghĩ bàn, không thể đo lường.

Phật thu hồi thần lực làm cho hội chúng trời, rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược v.v...(4) này không còn thấy Như Lai Bất Động, chư Thanh văn, Bồ Tát kia và đại chúng khác cùng tướng trang nghiêm, thanh tịnh của cõi Phật kia. Chúng hội và cõi trang nghiêm thanh tịnh của Phật kia hoàn toàn chẳng phải đối tượng của nhãn căn ở cõi này thấy được. Vì sao? Vì Phật thu hồi thần lực nên không thể thấy được cảnh ở xa kia vậy.

Khi ấy, Phật hỏi A Nan Đà:

- Ngươi còn thấy cõi nước và chúng hội của Như Lai Bất Động nữa không?

A Nan Đà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không còn thấy những việc đó, vì chẳng phải khả năng của mắt này đạt tới được.

 

(Tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới mà nhãn căn có thể đạt được)

 

Phật bảo cụ thọ A Nan Đà:

- Như chúng hội và cõi nước của Như Lai kia chẳng phải là cảnh giới của mắt ở cõi này có thể thấy được. Nên biết, các pháp cũng như vậy, chẳng phải cảnh giới mà nhãn căn v.v... có thể đạt tới được.

Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.

Khánh Hỷ nên biết! Tánh tất cả pháp không người tu; không người thấy, không người biết, không người chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp hoàn toàn không tác dụng. Người thủ, sự thủ đều như hư không, vì tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, người và sự nghĩ bàn đều như hóa nhân, vì tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v... chẳng chắc thật vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát luôn tu như vậy, luôn thấy như vậy, luôn biết như vậy, luôn chứng như vậy thì chính là hành Bát nhã Ba la mật, cũng không chấp trước tướng các pháp này.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là học Bát nhã Ba la mật.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát muốn được mau chứng viên mãn tất cả Ba la mật rốt ráo thì nên học Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì người học như vậy đối với các pháp là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, làm lợi ích an lạc cho tất cả thế gian, là nơi nương tựa, giúp đỡ cho người không nơi nương tựa, giúp đỡ. Chư Phật Thế Tôn cho phép, khen ngợi người tu học Bát nhã Ba la mật.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật Bồ Tát học pháp này xong, trụ trong pháp học đó, thường dùng ngón tay phải hoặc ngón chân phải ném Tam thiên đại thiên thế giới qua phương khác, hoặc trả lại chỗ cũ mà hữu tình trong đó chẳng hay biết, chẳng tổn hại, chẳng sợ hãi. Vì sao? Vì công đức oai lực của Bát Nhã sâu xa chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật và các Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại học Bát nhã Ba la mật này đối với quá khứ, vị lai, hiện tại và pháp vô vi đều được tri kiến vô ngại.

Thế nên, Khánh Hỷ! Ta bảo: Học Bát nhã Ba la mật là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng trong tất cả các pháp học.

Khánh Hỷ nên biết! Có người muốn nắm lấy lượng và biên giới của Bát Nhã sâu xa, thì cũng giống như kẻ ngu si muốn nắm lấy lượng và biên giới của hư không. Vì sao? Vì công đức của Bát Nhã sâu xa vô lượng, không biên giới vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Ta hoàn toàn không nói công đức lợi ích thù thắng của Bát Nhã sâu xa như danh thân v.v... có biên giới, có hạn lượng. Vì sao? Vì danh cú, văn thân là pháp có hạn lượng, còn công đức lợi ích thù thắng của Bát Nhã sâu xa là pháp không có hạn lượng, chẳng phải danh thân v.v... có thể lường được công đức lợi ích thù thắng của Bát nhã Ba la mật, cũng chẳng phải công đức lợi ích thù thắng của Bát nhã Ba la mật lường được kia.

 

(Hành tướng Bát Nhã)

 

Khi ấy, Khánh Hỷ bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vì nhơn duyên nào nói Bát Nhã sâu xa là không lường?

Phật bảo Khánh Hỷ:

- Bát nhã Ba la mật tánh vô tận nên nói là không lường, tánh viễn ly nên nói là không lường, tánh vắng lặng nên nói là không lường, như Niết bàn nên nói là không lường, như hư không nên nói là không lường, nhiều công đức nên nói là không lường, không biên cương nên nói là không lường, không thể lường nên nói là không lường.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật ba đời đều học Bát nhã Ba la mật, chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề viên mãn hoàn toàn, tuyên thuyết chỉ dạy cho các hữu tình nhưng Bát nhã Ba la mật này luôn không dứt hết. Vì sao? Vì Bát nhã Ba la mật sâu xa rộng lớn như hư không không cùng tận vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Có người muốn Bát nhã Ba la mật sâu xa tận cùng, tức là muốn biên giới hư không tận cùng. Thế nên, Khánh Hỷ! Bát Nhã sâu xa nói là không cùng tận. Do không cùng tận nên nói là không lường.

Khi ấy, Thiện Hiện nghĩ: Chỗ này sâu xa, ta nên thưa hỏi Phật. Nghĩ xong, bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa này vì lẽ gì Như Lai dạy là không cùng tận?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Bát Nhã sâu xa như hư không rộng lớn, không thể cùng tận nên nói là không cùng tận.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát làm thế nào để dẫn phát Bát nhã Ba la mật?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Các đại Bồ Tát nên quán sắc vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán thọ, tưởng, hành, thức vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán 12 xứ, 18 giới vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán nhãn xúc vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán địa giới vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán thủy, hỏa, phong, không, thức giới vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán nhân duyên vô tận để phát khởi Bát Bát nhã Ba la mật; nên quán đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Nên quán vô minh vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử, sầu thán, khổ, ưu não vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát nên quán sắc như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã; nên quán thọ, tưởng, hành, thức, như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã. Nên quán 12 xứ, 18 giới như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã. Nên quán nhãn xúc như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã; nên quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã. Nên quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã; nên quán các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã. Nên quán địa giới như hư không vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán thủy, hỏa, phong, không, thức giới như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã. Nên quán nhân duyên như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã; nên quán đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã. Nên quán vô minh như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã; nên quán hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử, sầu thán, khổ, ưu não như hư không vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. (Q.554, TBBN)

Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát nên làm như thế là dẫn phát Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát quán sát mười hai duyên khởi như thế xa lìa hai bên. Các đại Bồ Tát quán sát mười hai duyên khởi như thế không giữa không biên. Đây là Diệu quán bất cộng của chúng đại Bồ Tát. Nghĩa là cần phải ngồi yên tòa Diệu Bồ đề mới năng như thật quán sát mười hai duyên khởi như thế, lý thú sâu thẳm như thái hư chẳng thể hết vậy, mới năng chứng được Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết: Nếu đại Bồ Tát đem hành tướng(5) như hư không không tận, hành Bát nhã Ba la mật, như thật quán sát mười hai duyên khởi, chẳng rơi vào Thanh văn và bậc Độc giác, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát nếu đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà có quay lui, đều bởi chẳng nương phương tiện khéo léo tác ý như thế, chẳng như thật biết các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, làm sao nên đem hành tướng không tận dẫn phát Bát nhã Ba la mật, làm sao nên đem hành tướng không tận như thật quán sát 12 duyên khởi.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát nếu đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà có quay lui ấy, đều bởi xa lìa dẫn phát Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát nếu đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng quay lui ấy, tất cả đều nương dẫn phát Bát Nhã phương tiện khéo léo. Đại Bồ Tát này nhờ nương phương tiện khéo léo như thế hành sâu Bát nhã Ba la mật, đem hành tướng như hư không không tận như thật quán sát mười hai duyên khởi. Do nhân duyên đây, mau được viên mãn Bát Nhã sâu thẳm, chóng năng chứng được Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát khi quán sát pháp duyên khởi như thế, chẳng thấy có pháp không nhân mà sanh, chẳng thấy có pháp tánh tướng thường trụ, chẳng thấy có pháp có kẻ tác thọ.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật đem hành tướng như hư không không tận, như thật quán sát mười hai duyên khởi, dẫn phát Bát nhã Ba la mật, tu các Bồ Tát hạnh, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Nếu khi đại Bồ Tát thực hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, dùng hành tướng như hư không vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật, quán sát đúng mười hai duyên khởi thì bấy giờ đại Bồ Tát chẳng thấy sắc uẩn, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức, uẩn. Chẳng thấy mười hai xứ; chẳng thấy mười tám giới. Chẳng thấy nhãn xúc; chẳng thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Chẳng thấy các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra. Chẳng thấy địa giới; chẳng thấy thủy, hỏa, phong, không, thức giới. Chẳng thấy nhân duyên; chẳng thấy đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên. Chẳng thấy vô minh; chẳng thấy hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử, sầu thán, khổ, ưu não. Chẳng thấy sáu pháp Ba la mật. Chẳng thấy mười tám pháp Không. Chẳng thấy chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Chẳng thấy tứ đế. Chẳng thấy bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Chẳng thấy bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Chẳng thấy pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Chẳng thấy tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Chẳng thấy mười địa Bồ Tát. Chẳng thấy tất cả pháp môn Đà la ni, Tam ma địa. Chẳng thấy năm loại mắt, sáu phép thần thông. Chẳng thấy Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Chẳng thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Chẳng thấy pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Chẳng thấy Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Chẳng thấy quả Dự lưu cho đến Độc giác Bồ đề. Chẳng thấy tất cả Bồ Tát hạnh. Chẳng thấy quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật. Chẳng thấy Nhất thiết trí trí. Chẳng thấy thế giới của đức Phật này, chẳng thấy thế giới của đức Phật kia. Chẳng thấy có pháp có thể thấy được thế giới của Phật này hay Phật kia.

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào thường thực hành như vậy thì chính là hành Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu khi đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật thì bấy giờ ác ma rất buồn khổ như trúng phải tên độc. Ví như có người mất cha mẹ, thân tâm buồn khổ, ác ma cũng vậy.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chỉ có một ác ma thấy các Bồ Tát thực hành sâu Bát nhã Ba la mật rất buồn khổ như trúng tên độc, hay là có nhiều ác ma? Hay tất cả ác ma khắp Tam thiên đại thiên thế giới cũng đều như thế?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Tất cả ác ma khắp Tam thiên đại thiên thế giới thấy các Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa đều rất buồn khổ như trúng tên độc. Mỗi chúng ma chẳng thể an ổn nơi chỗ ngồi của mình. Vì sao? Vì nếu đại Bồ Tát nào trụ thắng hạnh vi diệu của Bát Nhã sâu xa thì thế gian, trời, người, A tu la v.v... xét tìm lỗi của người đó hoàn toàn chẳng thể được, cũng chẳng thể làm rối loạn, chướng ngại.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì phải siêng năng an trụ thắng hạnh vi diệu của Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào thường siêng năng an trụ thắng hạnh vi diệu của Bát nhã Ba la mật thì thường tu viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào có thể chính mình tu hành phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa thì có thể tu đầy đủ viên mãn tất cả Ba la mật, có thể biết rõ ràng việc khó khăn xảy ra để xa lìa.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào muốn chính mình thủ hộ phương tiện thiện xảo thì nên thực hành Bát Nhã, nên tu Bát Nhã.

Thiện Hiện nên biết! Nếu khi đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát nhã Ba la mật thì khi ấy chư Phật Thế Tôn ở vô lượng vô số thế giới hiện đang thuyết pháp, tất cả đều hộ niệm. Đại Bồ Tát này nên nghĩ: Các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác kia cũng từ Bát nhã Ba la mật sanh ra Nhất thiết trí. Đại Bồ Tát này nghĩ như vậy xong, lại nên suy nghĩ: Như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng đắc, ta cũng sẽ chứng.

Như vậy, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát nhã Ba la mật, suy nghĩ như vậy trải qua khoảnh khắc khảy móng tay thì công đức sanh ra hơn công đức đạt được của các chúng Bồ Tát trải qua số đại kiếp như cát sông Hằng tu hạnh bố thí, huống là có thể trải qua một ngày, hay nửa ngày tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát nhã Ba la mật và nhớ nghĩ, tư duy về công đức của chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào trải qua một ngày, hoặc cho đến chỉ trải qua trong khoảng khảy móng tay, tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát Nhã thẳm sâu, nhớ nghĩ tư duy công đức của chư Phật thì đại Bồ Tát này không lâu sẽ trụ địa vị Bất thối chuyển. Đại Bồ Tát này thường được các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cùng hộ niệm.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát thường được các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hộ niệm thì nhất định chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, chẳng còn rơi vào địa vị Thanh văn, Độc giác v.v... Đại Bồ Tát này quyết định chẳng còn đọa vào các nẻo ác, quyết định không sanh trong các địa ngục vô gián, thường sanh nẻo lành, không xa lìa chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát nhã Ba la mật và nhớ nghĩ, tư duy về công đức của chư Phật trải qua khoảng khảy móng tay thì còn được vô biên công đức lợi ích thù thắng, huống là trải qua một ngày, hoặc hơn một ngày tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát nhã Ba la mật và nhớ nghĩ, tư duy về công đức của chư Phật, như đại Bồ Tát Hương Tượng(6) thường luôn tu hành Bát nhã Ba la mật, phát khởi Bát nhã Ba la mật và nhớ nghĩ, tư duy công đức của chư Phật thường không xa lìa, nên đại Bồ Tát này nay được tu hành phạm hạnh ở chỗ Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác Bất Động.

 

Thích nghĩa:

(1). Tán hoa: Rải hoa.

(2). Phạm Thế (Phạm, Pàli là Brahmaloka): Cũng gọi Phạm sắc giới, Phạm thế thiên, Phạm thế giới, Phạm giới. Chỉ cho thế giới do Phạm Thiên Vương thống lãnh. Từ này cũng có thể được dùng để gọi chung các vị trời ở cõi Sắc, vì những người sống ở cõi này đã dứt bỏ dâm dục, nên xưa nay ở Ấn độ hạnh ly dục, thanh tịnh được gọi là Phạm hạnh. (Phỏng theo từ điển Phật Quang).

(3). Phong luân (Phạm là Vàyu-maịđala): Tầng dưới cùng của thế giới, 1 trong 4 luân của đại địa. Gọi là luân bởi vì hình thể của các tầng tròn như bánh xe và thể tính rất cứng chắc. (Phỏng theo từ điển Phật Quang).

(4). Trời, rồng, dược xoa, kiện đạt phược, A tố lạc, yết lộ trà, khẩn nại lạc, mạc hô lạc già, người phi người gọi chung là Thiên long bát bộ hay Tám bộ chúng. Chỉ các thần giữ gìn pháp của Phật. Đó là: Trời (Phạm: deva), Rồng (Phạm: nàga), Dạ xoa (Phạm: yakwa), Càn thát bà (Phạm: gandharva, thần hương hoặc thần âm nhạc), A tu la (Phạm: asura), Ca lâu la (Phạm: garuđa - chim kim sí), Khẩn na la (Phạm: kiônara - không phải người, ca sĩ), Ma hầu la già (Phạm: mahoraga - thần trăn). Các loài trên đây đều do đức của Phật cảm hóa mà qui phục và trở thành quyến thuộc của Phật, thường ở các cõi Thụ dụng của chư Phật để che chở, giữ gìn Phật pháp.

(5). Hành tướng: (行相) Chỉ cho tác dụng nhận thức hoặc trạng thái của bóng dáng ảnh hiện trong tâm và tâm sở. Về danh từ Hành tướng, giữa tông Câu xá và tông Duy thức có sự giải thích khác nhau. Tông Câu xá chủ trương tâm có thể trực tiếp duyên theo cảnh ngoài tâm, nên cho tâm và tâm sở là năng duyên, cho cảnh ngoài tâm là sở duyên. Khi duyên cảnh, cảnh hiện ra trong tâm và tâm sở tức là hành tướng. Câu xá luận ký quyển 1 phần cuối (Đại 41, 26 hạ), nói: Hành tướng nghĩa là thể của tâm và tâm sở thanh tịnh, khi đối trước cảnh không có tác ý, nhậm vận tự nhiên mà hiện ra hình tượng, giống như ao nước trong, như tấm gương sáng, các hình bóng đều hiện rõ . Cũng Câu xá luận ký quyển 4 còn tiến thêm bước nữa mà nói rõ rằng: Hành nghĩa là hành giải, như tác dụng liễu biệt; Tướng nghĩa là tướng mạo, như hình tượng, cho nên lấy tướng mạo của sự vật được liễu biệt làm hành tướng. Nhưng tông Duy thức thì cho rằng tâm không thể trực tiếp duyên theo cảnh bên ngoài, mà tất cả ảnh tượng đều hiển hiện trong tâm và tâm lấy đó làm sở duyên, rồi sinh khởi tướng năng duyên. Tức là trong tâm có 2 tướng năng duyên và sở duyên. Tướng năng duyên gọi là kiến phần, tướng sở duyên gọi là tướng phần. Kiến phần chính là hành tướng thuộc về tác dụng nhận thức chứ không phải hình ảnh sự vật. Cho nên, nói theo quan điểm của tông Duy thức, cái mà tông Câu xá gọi là hành tướng thực ra là hành tướng tướng phần, khác xa với hành tướng kiến phần của tông Duy thức. Thành Duy thức luận thuật ký quyển 3 (Đại 43, 318 hạ), nói: Tiểu thừa cho rằng ngoài tâm có cảnh và lấy đó làm sở duyên; vì Đại thừa không chủ trương ngoài tâm có cảnh nên lấy hành tướng của Tiểu thừa làm tướng phần của Đại thừa. Đại thừa cho tâm có thể tự duyên nên lập riêng phần tự thể và lấy đó làm cảnh, vì vậy gọi kiến phần là hành tướng. [X. luận Thành duy thức Q.2; luận Nhập a Tỳ đạt ma Q.hạ; Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu Q.thượng, Q.hạ; Câu xá luận yếu giải Q.1].

Lối giải thích này quá phức tạp khác với khoa học ngày nay.

(6). Hương Tượng Bồ Tát (Phạm: Gandha-hastin. Dịch âm: Càn đà Ha đề Bồ Tát, Càn đà Ha trú Bồ Tát. Kiền đà Ha sa để Bồ Tát. Cũng gọi Hương huệ Bồ Tát, Xích sắc Bồ Tát, Bất khả tức Bồ Tát. Là một trong 16 vị tôn của Hiền kiếp.

 

Lược giải:

 

1. Phật phó chúc Bát Nhã cho Khánh Hỷ.

 

Muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao, thì đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa cần phải khéo hiểu, thông suốt lục Ba la mật; an trụ 18 pháp không, an trụ Tứ đế, tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tu hành tám giải thoát, tu hành tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, tu hành tam giải thoát môn, tu hành năm loại mắt, sáu phép thần thông, Phật mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả; tu hành tất cả pháp môn Đà la ni Tam ma địa; tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí khiến được viên mãn mà đại Bồ Tát ấy chẳng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, mà lại trụ ở bậc Thanh văn, Độc giác, thì không có việc đó. Đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao đối với Bát nhã Ba la mật như thế, khéo hiểu, thông suốt lục Ba la mật cho đến Nhất thiết tướng trí, thì có thể viên mãn hay thành xong sự nghiệp.

Nếu đối với Kinh điển Bát Nhã có thể thọ trì dù chỉ một câu chẳng quên mất, thì được vô lượng phước; còn nếu có người đối với Kinh nầy chẳng khéo thọ trì, cho đến một câu cũng quên, thì bị trọng tội, ngang đồng với lượng phước nói trên. Vì vậy, nên Phật bảo Khánh Hỷ:

“Này Khánh Hỷ! Ta nay đem Kinh điển Bát nhã Ba la mật sâu xa nầy, ở trước vô lượng đại chúng trời, người, A tu la v.v... phó chúc cho ngươi. Này Khánh Hỷ! Nay ta nói với ngươi: Có các tịnh tín muốn chẳng bỏ Phật, muốn chẳng bỏ Pháp, muốn chẳng bỏ Tăng, cũng muốn chẳng bỏ sở chứng quả vị Vô Thượng Giác ngộ của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, thì nhất định chẳng nên lìa bỏ kinh điển Bát Nhã sâu xa.

Này Khánh Hỷ! Đây là pháp dạy bảo trao truyền cho các đệ tử của chư Phật. Nếu thiện nam tín nữ nào, đối với Kinh điển Bát nhã Ba la mật sâu xa này, ưa thích lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, như lý tư duy, dùng vô lượng cách, vì người rộng nói, phân biệt khai thị, trình bày an lập, khiến họ dễ hiểu thì thiện nam tín nữ ấy mau chứng quả vị Vô Thương Giác ngộ, sắp viên mãn Nhất thiết trí. Vì sao? Vì quả vị Vô Thượng Giác ngộ, sở đắc của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương vào Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế mà được phát sanh”.

Trong các phẩm “Phó Chúc”, phẩm này có lẽ hay nhất và thiết tha nhất không những Phật giao phó Kinh này cho ngài A Nan mà còn có nghĩa phó chúc cho toàn thể những người con Phật trong cõi Tam thiên đại thiên này. Nên nghiêm chỉnh chấp hành!

 

2. Cúng dường, tôn trọng ngợi khen Bát Nhã

tức là cúng dường, tôn trọng ngợi khen chư Phật 10 phương.

 

“Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Bát Nhã sâu xa thì chính là hiện tiền cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi Ta và chư Phật trong mười phương ba đời.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát nào nghe Bát Nhã sâu xa, phát tâm thanh tịnh, cung kính, ưa thích thì chính là phát tâm thanh tịnh, cung kính, ưa thích chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, hiện tại, vị lai.

Khánh Hỷ! Nếu ngươi ưa mến Ta, không xa rời Ta thì cũng phải ưa mến, không xa rời Kinh điển Bát Nhã sâu xa, cho đến một câu cũng đừng để quên mất.

Khánh Hỷ! Ta nói nhân duyên phó chúc kinh điển Bát Nhã sâu xa như thế, dù trải qua vô lượng trăm ngàn đại kiếp cũng không thể nói hết. Tóm tắt mà nói, như Ta đã là Đại sư của các ngươi thì nên biết Bát Nhã sâu xa cũng là Đại sư của các ngươi. Các ngươi, trời, người, A tu la v.v... kính trọng Ta thì cũng phải kính trọng Bát Nhã sâu xa.

(...)Thế nên Khánh Hỷ! Ta đem sáu pháp Ba la mật này giao phó cho ngươi, ngươi nên chính mình thọ trì, đừng để quên mất. Vì sao? Vì sáu pháp Bát nhã Ba la mật như vậy chính là kho tàng vô tận của các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Tất cả pháp của Phật đều từ đây mà xuất sinh.

Khánh Hỷ nên biết! Pháp yếu mà chư Phật Thế Tôn ba đời thuyết ra đều là từ kho tàng vô tận của sáu pháp Ba la mật lưu xuất.

Khánh Hỷ nên biết! Chư Phật Thế Tôn mười phương ba đời đều nương kho tàng vô tận của sáu pháp Ba la mật tinh tấn tu học mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề.

 

3. Tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới mà nhãn căn

có thể đạt được.

 

- Hầu như chỗ nào Kinh cũng nói “Tánh tất cả pháp không người tu; không người thấy, không người biết, không người chứng, không hành động, không tạo tác...”, như trong lời phó chúc của phẩm này, Phật bảo:

“Khánh Hỷ nên biết! Vì pháp chẳng tu pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết pháp, pháp chẳng chứng pháp.

Khánh Hỷ nên biết! Tánh tất cả pháp không người tu; không người thấy, không người biết, không người chứng, không hành động, không tạo tác. Vì sao? Vì tất cả pháp hoàn toàn không tác dụng. Người thủ, sự thủ đều như hư không, vì tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp chẳng thể nghĩ bàn, người và sự nghĩ bàn đều như hóa nhân, vì tánh xa lìa vậy. Vì tất cả pháp không tạo tác, không lãnh thọ, như bóng sáng v.v... chẳng chắc thật vậy.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát luôn tu như vậy, luôn thấy như vậy, luôn biết như vậy, luôn chứng như vậy thì chính là hành Bát nhã Ba la mật, cũng không chấp trước tướng các pháp này.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là học Bát nhã Ba la mật”.

Tại sao các pháp là không, là rỗng không thì làm gì có tác dụng? Kinh ĐBN thường nói các pháp là giả danh, không thật có, là không, là như huyễn như mộng, là như như, là vô tri trì độn, là viễn ly, là xa lìa… Vì vậy, nên nói pháp tánh (thể tánh chân thật của các pháp) vô động. Có động có chuyển là do con người không phải do pháp. Nên Phật bảo Khánh Hỷ Bồ Tát luôn tu như vậy, luôn thấy như vậy, luôn biết như vậy, luôn chứng như vậy thì chính là hành Bát nhã Ba la mật.

- Điểm then chốt quan trọng nữa là phẩm này nói tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới nhãn căn của phàm phu có thể đạt được.

 

1- Đó là câu nói ẩn mật sâu kín. Không phải Bát Nhã nói tất cả pháp là vô tướng (vì tự tánh không, chỗ gọi là nhất tướng nên nói là vô tướng). Đã là vô tướng, nên không thấy tướng. Còn tất cả pháp không phải cảnh giới của nhãn căn của phàm phu kể cả ngài A Nan đà(1), có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự thấu hiểu tánh cách mầu nhiệm của tất cả pháp trong quan điểm của người chứng ngộ pháp không, pháp như và sống trong đệ nhất nghĩa đế. Luận Đại Trí Độ nói:

“Sắc tức là Bát Nhã... dẫn đến Nhất thiết chủng trí tức là Bát Nhã Ba la mật. Vì sắc như tướng... “Sắc tức là Bát nhã Ba la mật... dẫn đến Nhất thiết chủng trí tức là Bát nhã Ba la mật. Vì sắc “như tướng”... dẫn đến nhất thiết chủng trí như tướng, cùng với Bát nhã Ba la mật như tướng là nhất như, chẳng phải hai, chẳng phải khác”.

Sắc nói đây là đại diện cho tất cả pháp. Khi nói sắc tức là Bát nhã Ba la mật, mà Kinh và Luận đều nói Bát nhã Ba la mật là Vô Thượng Bồ đề, cũng là Nhất thiết chủng trí (gọi chung là Tát bà nhã). Điều đó có nghĩa Sắc là Vô Thượng Bồ đề, là Nhất thiết chủng trí. Vậy phàm phu làm sao thấy nỗi chỗ này!

Mệnh đề thứ hai của đoạn luận trên thuyết tiếp: “Vì sắc như tướng... dẫn đến Nhất thiết chủng trí như tướng, cùng với Bát nhã Ba la mật như tướng là nhất như, chẳng phải hai, chẳng phải khác”. Sắc như, Nhất thiết chủng trí cùng với Bát nhã Ba la mật như tướng là nhất như, chẳng phải hai chẳng phải khác. Phàm phu làm sao thấy “các pháp nhất như” như chơn như, như pháp giới, như thật tế… Thấy như vậy là nhập pháp giới tức giác ngộ. Chỉ có bậc có huệ nhãn, pháp nhãn mới có thế thấy như vậy. Nên Kinh mới bảo tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới nhãn căn của phàm phu.

 

2- Hơn thế nữa chúng ta không dùng “pháp như” để giải thích “tất cả pháp chẳng phải là cảnh giới nhãn căn của phàm phu có thể đạt được”, chúng ta dùng “pháp không” để giải thích: Kinh Luận nói tất cả pháp đều không, Vô Thượng Bồ đề cũng không, pháp nào cao hơn Niết bàn cũng bảo là không(2). Pháp không là Bát nhã Ba la mật, là Vô Thượng Bồ đề, là Nhất thiết chủng trí. Đó là chỗ thâm áo, phàm phu bằng nhục nhãn chỉ thấy tướng, phân biệt tướng làm sao thấy được cảnh giới của chư Phật.

 

Trong Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 84, “Tứ Đế”, tập 5, quyển 93, có một đoạn luận, thuyết giảng rất kín đáo như sau:

“Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là quán các pháp “như thật tướng”?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là quán các pháp không.

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là quán các pháp không?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là quán các pháp tự tướng không.

Bồ Tát dùng trí huệ, quán hết thảy các pháp đều là không. Bồ Tát an trú trong tánh không mà được Vô Thượng Bồ Đề.

Vì sao? Vì tướng của “tánh không” là tướng của Vô Thượng Bồ Đề. Tướng “tánh không” đó chẳng phải do chư Phật làm ra, chẳng phải do chư Thanh Văn, chư Bích Chi Phật, chư Bồ Tát làm ra.

Vì chúng sanh chẳng biết, chẳng thấy các pháp như thật tướng, nên Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật phải dùng các lực phương tiện, để vì chúng sanh thuyết ra các pháp ấy”.

Chư Bồ Tát chư Phật quán tất cả pháp đều không, các pháp “như thật tướng” mà nhập được pháp giới, giác ngộ chứng Vô Thượng Bồ đề đề mới có ngũ nhãn lục thần thông, thấy được cảnh giới của cả thế gian, cảnh giới của chư Phật mà chỉ cho chúng sanh.

 

4. Hành tướng Bát Nhã.

 

Để trả lời câu hỏi của Thiện Hiện Bồ Tát làm thế nào để dẫn phát Bát nhã Ba la mật? Phật bảo: “Nên quán vô minh như hư không vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật; nên quán hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, tử, sầu thán, khổ, ưu não như hư không vô tận để phát khởi Bát nhã Ba la mật. Các đại Bồ Tát nên làm như thế là dẫn phát Bát nhã Ba la mật”.

 “… Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát khi quán sát pháp duyên khởi như thế, chẳng thấy có pháp không nhân mà sanh, chẳng thấy có pháp tánh tướng thường trụ, chẳng thấy có pháp có kẻ tác thọ.

Thiện Hiện nên biết: Các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật đem hành tướng như hư không không tận, như thật quán sát mười hai duyên khởi, dẫn phát Bát nhã Ba la mật, tu các Bồ Tát hạnh, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện nên biết! Nếu khi đại Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa, dùng hành tướng như hư không vô tận để phát khởi Bát Nhã, quán sát đúng mười hai duyên khởi thì bấy giờ đại Bồ Tát chẳng thấy sắc uẩn, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức, uẩn. Chẳng thấy mười hai xứ; chẳng thấy mười tám giới. Chẳng thấy nhãn xúc; chẳng thấy nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc v.v… cho đến chẳng thấy có pháp có thể thấy được thế giới của Phật này, Phật kia.

Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào thường thực hành như vậy thì chính là hành Bát nhã Ba la mật”. (Q.554, TBBN)

 

Tại sao phải dẫn phát Bát nhã Ba la mật? Vì Bát nhã Ba la mật quán tất cả pháp đều không. Tất cả pháp đều do duyên hợp, duyên hợp thì gọi là sanh, duyên tan thì diệt. Vậy vô minh sanh nên hành sanh, hành sanh nên thức sanh, thức sanh nên danh sắc sanh… cho đến lão tử sanh. Chu kỳ luân hồi này vô tận, nhưng tất cả pháp tánh tướng không phải thường trụ, chẳng do tạo tác gây ra. Nếu vô minh diệt, thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt… cho đến lão tử diệt.

Nếu Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa, dùng hành tướng quán các “pháp không” vô tận đúng mười hai duyên khởi theo hai chiều sinh khởi và hoàn diệt như thế lâu ngày, thì bấy giờ Bồ Tát chẳng thấy sắc uẩn, chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức, uẩn, chẳng thấy mười hai xứ; chẳng thấy mười tám giới cho đến chẳng thấy Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu chẳng thấy chẳng biết, chẳng thi vi tạo tác nữa thì không còn gì trói buộc. Nên nói là giải thoát hay đạt Niết bàn.

Cái khó là quán không miên mật, liên tục. Chúng ta biết rằng Bát nhã Ba la mật không đem lại kết quả thực tiển nào, chỉ hoạt dụng qua phương tiện. Quán không là phương tiện đưa đến chứng ngộ. Như vậy, các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật đem hành tướng như hư không vô tận, như thật quán tất cả pháp, rồi dẫn phát Bát nhã Ba la mật, tu các Bồ Tát hạnh, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Khi Phật thâu hồi thần lực, pháp hội không còn thấy cảnh giới của chư Phật nữa. Khi ấy, Phật hỏi A Nan Đà:

- “Ngươi còn thấy cõi nước và chúng hội của Như Lai Bất Động nữa không?

A Nan Đà thưa:

- Bạch Thế Tôn! Con không còn thấy những việc đó, vì chẳng phải khả năng của mắt này đạt tới được”.

Theo Phật sử thì ngài A Nan chưa chứng lậu tận A la hán khi Phật còn tại thế. Đến khi kết tập kinh điển lần thứ I, khi Ngài A Nan vào kết tập kinh điển thì Ngài Ca Diếp bảo A Nan “Ông chưa được quả La Hán nên không thể vào kết tập được, chỉ trừ khi ông đạt được quả vị này”.

A Nan bèn vào rừng bên cạnh quán tưởng, chứng được A la hán. Rồi quay lại báo cho Ca Diếp là đã đắc A la hán rồi, xin mở cửa cho vào. Ngài Ca Diếp bảo A Nan “Nếu đã đắc A la hán thì có thể tự động vào, không cần ai mở cửa”. Nghĩa đắc A la hán thì có thần thông thì có thể tự vào được, ngài Ca Diếp muốn thử A Nan có thật đắc A la hán hay không?

Sở dĩ, chúng tôi phải kể lại câu chuyện này là vì có liên hệ với câu hỏi của Phật: A Nan chưa đắc quả A la hán, không có huệ nhãn, pháp nhãn, nên không thể thấy cảnh giới chư Phật.

(2). Niết bàn cũng là không: Phẩm thứ 60, “Học Không Bất Chúng”, tập 4, quyển 76, Đại Trí Độ Luận. Nói:

“Ví như người cắt cỏ tranh, nếu nắm quá chặt thì cạnh lá tranh có thể cắt đứt tay; tóm lại, nếu khéo léo nắm nhẹ nhàng, nhanh nhẹn thì chẳng bị đứt tay. Cũng như vậy, người học pháp không mà chưa vào được pháp tánh, thì còn chấp pháp không, và còn thấy các tác chứng; trái lại, Bồ Tát đã thâm nhập vào pháp tánh, nên biết rõ “pháp không” cũng là “không”, Niết bàn cũng là “không”, là chẳng có chỗ chứng (vô sở chứng)”. 

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]