- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
PHẨM "CÔNG ĐỨC"
Phần giữa quyển 429, Hội thứ II, ĐBN.
(Tương đương với Đoạn ba, phẩm "So Lường Công Đức",
phần mở đầu Q. 105, Hội thứ I, ĐBN)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Gợi ý:
Phẩm “Công Đức” của Hội thứ II, ĐBN giống hệt phẩm thứ 34, “Khuyến Trì”(Khuyên Thọ Trì) của Kinh MHBNBLMĐ như hai giọt nước. Các phẩm trước như “Nhiếp Thọ”, “Bảo Tháp”, hay “Phước sanh” cũng nói ít nhiều về công đức thọ trì Bát nhã Ba la mật rồi, chẳng có gì mới mẻ ở đây.
Tóm lược:
Bấy giờ, Tam thiên đại thiên thế giới có các trời Bốn đại vương chúng cho đến trời Sắc cứu cánh đồng thanh thưa Thiên Đế Thích rằng:
- Thưa Đại Tiên! Bát nhã Ba la mật thậm thâm này đáng thọ, đáng trì, đáng đọc, đáng tụng, đáng tinh siêng tu học, đáng suy nghĩ đúng lý, đáng cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì sao?
Thưa Đại Tiên! Nếu thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen Bát nhã Ba la mật như thế, thời khiến tất cả ác pháp tổn giảm, thiện pháp tăng thêm. Cũng khiến tất cả thiên chúng tăng thêm, các A tu la tổn giảm. Cũng khiến Phật nhãn, Pháp nhãn, Tăng nhãn chẳng diệt. Cũng khiến tất cả giống Phật, Pháp, Tăng chẳng dứt.
Thưa Đại Tiên! Phải biết do hạt giống Tam bảo chẳng dứt, nên thế gian bèn có bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật; cũng có nội không cho đến vô tánh tự tánh không; cũng có bốn niệm trụ, nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; cũng có tất cả Tam ma địa, Đà la ni môn; cũng có Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; cũng có quả Dự lưu cho đến quả A la hán; cũng có Độc giác Bồ đề, cũng có Bồ Tát hạnh; cũng có Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vậy nên, Đại Tiên! Đối Bát nhã Ba la mật đây nên đáng thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.
Bấy giờ, Phật bảo Thiên Đế Thích rằng:
- Kiều Thi Ca! Ngươi nên đối Bát nhã Ba la mật đây thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì sao ? Vì nếu A tu la và bè lũ của bọn ác khởi nghĩ như vầy: Bọn ta phải cùng bọn Thiên Đế Thích giao chiến. Bấy giờ, chư thiên các ngươi cùng quyến thuộc, chí thành tụng niệm Bát nhã Ba la mật. Khi ấy, A tu la và bè lũ khởi ác tâm liền bị tiêu diệt.
Kiều Thi Ca! Nếu các thiên tử hoặc các thiên nữ hiện năm suy tướng, tâm họ kinh hoàng sợ đọa ác thú. Bấy giờ bà con chư thiên các ngươi nên đứng trước những người ấy chí thành tụng niệm Bát nhã Ba la mật. Khi đó thiên tử hoặc thiên nữ kia nghe Bát nhã Ba la mật này, vì sức căn lành nên đối Bát nhã Ba la mật đây sanh lòng tịnh tín, nên khôi phục thân tướng, thân ý thư thới. Nếu phải mệnh chung, sẽ tái sanh trở lại bản xứ hưởng vui cảnh trời, giàu có gấp bội. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì tin nghe Bát nhã Ba la mật thì công đức uy lực rất rộng lớn vậy.
Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ, hoặc các thiên tử thiên nữ, nếu để Bát nhã Ba la mật một phen lọt vào tai rồi, vì sức căn lành nên quyết định sẽ lần lữa chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Kiều Thi Ca! Chư Phật và các đệ tử quá khứ vị lai hiện tại, tất cả đều học Bát nhã Ba la mật như thế, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vào cõi Vô dư y Niết bàn. Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật như thế nhiếp khắp tất cả Bồ đề phần pháp, hoặc pháp chư Phật, hoặc pháp Bồ Tát, hoặc pháp Độc giác, hoặc pháp Thanh văn đều thu nhiếp đủ vậy.
Bấy giờ, Thiên Đế Thích thưa Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế là Đại thần chú, là Đại minh chú, là Vô thượng chú, là Vô đẳng đẳng chú, là Vua tất cả chú, rất tôn rất thắng, rất thượng rất diệu, năng dẹp tất cả, chẳng bị tất cả đè dẹp. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế năng trừ được tất cả pháp ác bất thiện, năng nhiếp tất cả thiện pháp thù thắng.
Phật bảo Thiên Đế Thích rằng:
- Như vậy, như vậy. Như ngươi đã nói. Vì sao? Kiều Thi Ca! Chư Phật quá khứ vị lai hiện tại đều do Đại Vương Thần Chú Bát nhã thậm thâm như thế chứng được Vô Thượng Bồ đề, quay xe diệu pháp, độ vô lượng chúng sanh. Vì sao? Nương nhờ Đại Vương Thần Chú Bát nhã như thế, thế gian mới có 10 thiện nghiệp đạo; hoặc 4 tĩnh lự, 4 vô lượng, 4 định vô sắc; hoặc bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật; hoặc nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hoặc 4 niệm trụ, nói rộng cho đến 18 pháp Phật bất cộng; hoặc chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, pháp định, pháp trụ, bất tư nghì giới; hoặc bốn Thánh đế; hoặc năm nhãn, sáu thần thông; hoặc quả Dự lưu cho đến quả A la hán; hoặc Độc giác Bồ đề; hoặc Bồ Tát hạnh; hoặc Phật Vô Thượng Bồ đề; hoặc Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
Lại nữa, ví như nương nhờ mặt trăng tròn đầy nên các ngôi sao thảy đều được thêm ánh sáng. Như vậy, nương nhờ các Bồ Tát nên mười thiện nghiệp đạo, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều được hiển rõ. Như khi các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chưa ra đời, chỉ có Đại Bồ Tát là có đầy đủ các môn phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình tuyên nói tất cả pháp thế gian, xuất thế gian không trái. Các phương tiện thiện xảo của Bồ Tát đều từ Bát nhã Ba la mật mà được phát sanh.
Các Đại Bồ Tát thành tựu sức phương tiện thiện xảo nên hay hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật; hay hành nội không cho đến vô tánh tự tánh không; hay hành bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Các Đại Bồ Tát này chẳng chứng Thanh văn và Độc giác, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thu nhiếp đầy đủ, thọ lượng viên mãn, cõi Phật viên mãn, quyến thuộc viên mãn, vật chất viên mãn, sắc thân viên mãn, cho đến chứng được Nhất thiết tướng trí là đều do Bát nhã Ba la mật mà được thành tựu.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam, thiện nữ đối Bát nhã Ba la mật đây chăm lòng lóng nghe thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, thơ tả giải nói, rộng khiến lưu bố, sẽ được thành tựu công đức thù thắng trong hiện tại, vị lai.
Khi ấy Thiên Đế Thích liền thưa Phật rằng:
- Các thiện nam thiện nữ này, làm sao thành tựu đầy đủ công đức thù thắng hiện tại, vị lai?
Phật bảo:
- Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ, đối Bát nhã Ba la mật đây chăm lòng lóng nghe thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, thơ tả giải nói, rộng khiến lưu bố. Các thiện nam thiện nữ này, hiện tại chẳng bị độc dược làm hại, chẳng bị đao binh làm tổn, chẳng bị lửa đốt cháy, chẳng bị nước cuốn chìm cho đến chẳng bị bốn trăm lẻ bốn bệnh làm chết yểu, ngoại trừ định nghiệp đời trước, đời này phải chịu.
Kiều Thi Ca! Các thiện nam thiện nữ này, nếu gặp phải việc quan, oán tặc ép ngặt, chí tâm tụng niệm Bát nhã Ba la mật, thì khi ấy quyết chẳng bị khiển phạt gia hại. Vì sao ? Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật như thế uy đức thế lực khiến được như vậy.
Kiều Thi Ca! Các thiện nam, thiện nữ này, nếu có việc phải trình các quốc vương, vương tử, đại thần, chí tâm tụng niệm Bát Nhã như thế, quyết được vua quân v.v… vui mừng hỏi han, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen. Vì sao? Kiều Thi Ca! Các thiện nam thiện nữ này thường đối hữu tình khởi lòng từ bi hỷ xả. Kiều Thi Ca! Các thiện nam thiện nữ này thường được trọn nên các loại công đức hiện tại như thế.
Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ, đối Bát Nhã Ba la mật đây chăm lòng lóng nghe thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học v.v… các thiện nam thiện nữ này, tùy sanh chỗ nào thường chẳng xa lìa mười thiện nghiệp đạo; hoặc bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; hoặc bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật; nói rộng ra cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
Kiều Thi Ca! Các Bồ Tát này chẳng đọa địa ngục, bàng sanh, quỷ giới; ngoại trừ nguyện để thành thục hữu tình. Tùy sanh chỗ nào, các căn không khuyết, chẳng sanh nhà bần cùng hạ tiện, thợ thuyền tạp loại, nhà hàng thịt, kẻ đánh cá, săn bắn, đạo tặc, giữ ngục và hạng khiêng thây chết… Tùy sanh chỗ nào cũng đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, tám mươi tùy hảo viên mãn, tất cả hữu tình đều chiêm ngưỡng; phần nhiều sanh trong cõi nghiêm tịnh có Phật, hoa sen hóa sanh. Chẳng gây các ác, thường chẳng xa lìa Bồ Tát thần thông, tùy tâm sở nguyện dạo các cõi Phật, từ một nước Phật đến một nước Phật, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, lóng nghe Chánh pháp, như thuyết tu hành, lần lữa chứng được Nhất thiết trí trí.
Kiều Thi Ca! Thiện nam thiện nữ này sẽ được trọn nên các loại công đức vị lai như thế. Vì vậy nên Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam, thiện nữ muốn được công đức thù thắng hiện tại, vị lai như thế, cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên thường chẳng lìa tâm Nhất thiết trí trí, đem vô sở đắc mà làm phương tiện, đối Kinh điển Bát Nhã thậm thâm đây chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, suy nghĩ đúng lý, thơ tả giải nói, rộng khiến lưu bố. Lại đem các phẩm thượng diệu tràng hoa, hương xoa, hương bột, tràng phan lọng báu, các ngọc diệu trân kỳ quý lạ… mà cúng dường.
Sơ giải:
Phẩm “Công Đức” nói lên kết quả của việc đọc tụng thọ trì Kinh Bát nhã Ba la mật. Phẩm tựa rất phù hợp với chánh văn. Phẩm này giống như phẩm phẩm “Khuyến Trì” thứ 34, tập 3, quyển 58 của Đại Trí Độ Luận. Để thay đổi không khí chúng tôi trích dẫn nguyên văn luận giảng phẩm này do Bồ Tát Long Thọ chiết giải để quý vị độc giả thưởng thức thêm:
LUẬN:
“Phật là đấng Pháp Vương mà còn tán thán người thọ trì Bát nhã Ba la mật, nên các vị Thiên Vương đều đồng thanh tán thán Bát nhã Ba la mật, và khuyến dụ hàng Thiên chúng cùng tán thán Bát nhã Ba la mật. Do vậy mà những chúng sanh đã có tín tâm lại càng thâm tín Bát nhã Ba la mật hơn nữa.
Trên đây, nói về các nhân duyên tu tập Bát nhã Ba la mật, tu tập các thiện pháp công đức làm cho hàng Thiên chúng được tăng ích, và hàng A Tu La bị giảm thiểu, khiến Tam Bảo chẳng bị đoạn diệt, khiến 6 pháp Ba la mật cùng các thiện pháp công đức được hiện ra ở đời.
Bởi vậy, nên Phật đã tán thán lời giải bày của vị Đế Thích, và nói với vị Thiên Chủ này rằng: Khi A Tu La sanh tâm cùng với các ông cộng chiến, thì các ông phải nhất tâm trì tụng Bát nhã Ba la mật. Có như vậy, thì ác tâm của hàng A Tu La liền bị tiêu diệt, và việc đấu tranh phải chấm dứt.
Hỏi: Vì sao Phật chẳng dạy chư Thiên phải thường tụng Bát nhã Ba la mật, khiến hàng A Tu La chẳng dám sanh ác tâm? Vì sao Phật chỉ dạy chư Thiên, khi gặp A Tu La đến gây chiến, phải nhất tâm trì tụng Bát nhã Ba la mật?
Đáp: Vì hàng chư Thiên phần nhiều đắm nhiễm trong phước lạc. Mặc dù biết rõ Bát nhã Ba la mật có đại công đức, nhưng chư Thiên cũng ít muốn thường xuyên trì tụng Bát nhã Ba la mật.
Chỉ những lúc gặp A Tu La gây chiến, hoặc trường hợp có 5 tướng suy hiện ra, thì chư Thiên mới sinh tâm lo buồn, phiền muộn. Những lúc đó chư Thiên mới nhớ nghĩ đến lời Phật dạy, mới nhất tâm trì tụng Bát nhã Ba la mật vậy.
--o0o--
Cũng nên biết, 5 tướng suy là:
- Hoa trên đầu khô héo.
- Mồ hôi nách chảy ra.
- Thấy chỗ ngồi ở Thiên Giới có ai khác ngồi.
- Thấy nơi thân có rận.
- Thấy chẳng ưa thích chỗ ngồi của mình nữa.
Khi hàng chư Thiên thấy 5 tướng suy hiện ra, thì biết rõ mình sắp đọa vào đường ác.
Trong tình huống này, nếu được nghe Bát nhã Ba la mật, thì liền biết rõ được thật tướng pháp, biết rõ pháp hữu vi là hư dối, là vô thường, là khổ, là không, là vô ngã, nên sanh lòng tin nơi Phật pháp, khiến tâm được tịch tịnh. Do vậy, mà giữ vững được bổn xứ, hoặc vãng sanh về một Thiên xứ khác thù thắng hơn, thọ hưởng các phước lạc, mà vẫn tu hành đạo Vô thượng.
Bởi nhân duyên vậy, nên Phật dạy: Đúng như vậy, đúng như vậy!
Này Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật là đại minh chú, là vô thượng chứ, là vô đẳng đẳng chú.
Hỏi: Vì sao vị Đế Thích lại nói Bát Nhã Ba La Mật là đại minh chú?
Đáp: Vì hàng ngoại đạo cũng có nhiều chú thuật. Có loại chú thuật sai khiến được các quỷ thần, có loại chú thuật sai khiến được các tiên nhân, có loại chú thuật làm cho người được danh vọng v.v... Bởi vậy, rất nhiều người quy thuận và cúng dường.
--o0o--
Nay vị Đế Thích bạch Phật rằng: Bát nhã Ba la mật là đại minh chú.
Vì sao? Hàng ngoại đạo, do đức mỏng, nên thường khởi sân nhuế, tham dục, khởi các bất thiện pháp, nên chú thuật của ngoại đạo thường tác hành các việc ác, khiến phải đọa vào các đường ác.
Hàng chư Thiên được thọ mạng lâu dài, cũng có chú thuật, cũng biết được tâm niệm của chúng sanh. Thế nhưng, chú thuật của hàng chư Thiên chẳng sao có thể sánh được với Bát nhã Ba la mật.Vì sao?
Vì Bát nhã Ba la mật có đại oai lực tiêu sạch các phiền não, cùng các bất thiện nghiệp.
Vì Bát nhã Ba la mật khiến hành giả ly được các khổ “sanh, già, bệnh và chết”, lại khiến hành giả được nhiều lợi ích, được trở thành bậc tối tôn trọng trong hàng chúng sanh.
Vì Bát nhã Ba la mật đưa hành giả vào “pháp thân vô lượng thọ”, và cũng là “chánh nhân” dẫn đến thành Phật.
Bởi nhân duyên vậy, nên Bát nhã Ba la mật được gọi là đại minh chú, cũng gọi là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú.
--o0o--
Đoạn kinh trên đây tán thán Bát nhã Ba la mật là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, do 2 nguyên nhân sau đây:
- Bát nhã Ba la mật phá trừ hết thảy bất thiện pháp.
- Bát nhã Ba la mật xuất sanh hết thảy thiện pháp.
Bởi nhân duyên vậy, nên sau khi tán thán Bát nhã Ba la mật, Phật đã nói rằng Bát nhã Ba la mật là đại nhân duyên xuất sanh 10 thiện đạo... dẫn đến Phật đạo.
Phật ví Bồ Tát tu tập Bát nhã Ba la mật đại phá vô minh như mặt trăng tròn sáng đại phá màn đêm đen tối; vì chúng sanh chìm đắm trong đêm dài vô minh nay được duyên lành gặp được Phật và Bồ Tát như người lữ hành đi trong đêm mà gặp được lúc trăng tròn sáng vậy.
--o0o--
Phật xuất thế dùng các lực phương tiện Bát nhã Ba la mật để cứu độ chúng sanh. Cũng nhờ lực Bát nhã Ba la mật mà chư Bồ Tát được quả báo an lạc, thành tựu chúng sanh, thanh tịnh Phật độ... dẫn đến được đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Bồ Tát tu 37 phẩm trợ đạo ... dẫn đến tu 18 bất cộng pháp, liễu đạt pháp “không”, mà chẳng chấp “không”, chẳng chứng quả Thanh Văn, và quả Bích Chi Phật. Bồ Tát thường phát Bồ Đề tâm, giáo hóa chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, được vô lượng công đức ở đời này và cả đời sau. Tất cả đều từ Bát nhã Ba la mật xuất sanh ra cả.
Hỏi: Trước đây đã nói người thọ trì Bát nhã Ba la mật chẳng còn bị các bệnh não hại. Nay vì sao còn nói nữa?
Đáp: Phật thuyết Bát nhã Ba la mật chẳng phải ở 1 hội, mà thuyết ở rất nhiều hội.
Có hội Phật nói về các nạn nước, nạn lửa; có hội Phật thuyết về nạn đao binh; có hội Phật thuyết về nạn độc trùng, độc dược; có hội Phật thuyết về 404 thứ bệnh. Phật nói rằng: Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì Bát nhã Ba la mật chẳng có các bệnh tật, tai ương đó làm tổn hại.
Có hội Phật thuyết về các kẻ ác tâm muốn phá hoại các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì Bát nhã Ba la mật. Phật dạy: Do thọ trì Bát nhã Ba la mật mà các Thiện Nam, Thiện Nữ ấy chẳng bị những kẻ ác tâm phá hoại, mà còn hoán cải được họ, khiến họ khởi tín tâm nơi Bát nhã Ba la mật, cung kính, cúng dường Bát nhã Ba la mật.
--o0o--
Bốn trăm lẻ 404 thứ bệnh, nêu trên đây, do 4 đại gây ra; mỗi đại gây ra 101 thứ bệnh. Đó là:
- Bệnh lạnh, gồm 202 thứ, do phong đại và thủy đại gây ra.
- Bệnh nóng, gồm 202 thứ, do hỏa đại và địa đại gây ra.
Hỏa có tướng nóng, địa có tướng cứng. Cả 2 đại này đều khó tiêu hóa. Do khó tiêu hóa, nên khỏi ra bệnh nóng trong thân, như trong máu, trong thịt, gân, trong xương tủy v.v...
Phật dạy: Các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng,... tu tập Bát nhã Ba la mật chẳng bị 404 thứ bệnh làm hại. Chỉ trừ trường hợp do túc mạng nghiệp báo nhân duyên đời trước, thì mới phải thọ lãnh mà thôi.
Những chúng sanh mắc bệnh do nghiệp báo từ đời quá khứ, nay phải chịu thọ báo, thì đến Phật cũng chẳng cứu được.
--o0o--
Trong kinh có viện dẫn trường hợp phải đến cửa quan. Đó là nói về trường hợp bị thưa kiện. Người có thọ trì, đọc thọ trì, đọc tụng Bát nhã Ba la mật, thì dù có phải bị thưa kiện, phải đến cửa quan, quan cũng chẳng có khiển trách, chẳng có hạch tội.
Hỏi: Trước đây đã có nói về việc ma chẳng tìm được chỗ tiện để phá hoại, quấy nhiễu các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát nhã Ba la mật rồi. Vì sao? Nay còn đề cập đến nữa?
Đáp: Trước đã nói về sự việc các ma chẳng tìm được chỗ tiện để gây tác hại cho các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát nhã Ba la mật. Nay nói rộng thêm về sự việc các Thiện Nam, Thiện Nữ thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát nhã Ba la mật, thì dù có phải bị thưa kiện, phải đến cửa quan, cũng chẳng bị quan hạch tội, mà còn được hoan hỷ đón tiếp. Vì sao? Vì các Thiện Nam, Thiện Nữ này thường trải rộng “từ, bi, hỷ, xả” đối với hết thảy chúng sanh, nên thường có được oai đức, khiếp phục được người khác vậy.
Lại nữa, do thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát nhã Ba la mật, mà các Thiện Nam, Thiện Nữ này, ở đời vị lai, sẽ được đầy đủ 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc định; đầy đủ 6 pháp Ba la mật; đầy đủ 4 niệm xứ... dẫn đến 18 bất cộng pháp; chẳng bị đọa vào các đường ác; chẳng có sanh vào các nhà hạ tiện, thường được sanh vào các đại gia, đại tộc.
Cũng do thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát nhã Ba la mật, mà ở đời vị lai, các Thiện Nam, Thiện Nữ này được thân đầy đủ trang nghiêm, thường được 32 tướng tốt, lại có đủ thần thông đi đến các nước Phật, cúng dường chư Phật, nghe chư Phật thuyết pháp. Nhờ vậy mà thành tựu được chúng sanh, thanh tịnh được Phật độ, mãi như vậy cho đến khi được Vô Thượng Bồ Đề.
Bởi nhân duyên vậy, nên Thiện Nam, Thiện Nữ phải biên chép, thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, cung kính, cúng dường, tán thán Bát nhã Ba la mật, phải trọn chẳng ly Tát Bà Nhã tâm mà tu tập Bát nhã Ba la mật, thì mới có được vô lượng công đức ở đời này và ở đời sau, nhẫn đến mới được đạo Vô Thượng Bồ Đề.
Sở dĩ, chúng tôi không muốn chiết giải phẩm này, vì phẩm này nói nhiều về các chú. Vì sao? Vì các thần chú hay các mạn đà la là những thứ hết sức huyền bí. Nên những người theo khoa học ngày này không tin tưởng lắm. Tuy nhiên, nếu chưa rõ hư thực, tốt nhất không nên bàn ra tán vào làm gì, nếu không muốn bị dạ miệng!
Còn phần nói về công đức trí tuệ đời này hay đời sau do tụng đọc thọ trì Bát nhã Ba la mật là bất khả xưng lường, bất khả nghị luận. Vậy, phải tín thọ phụng hành thôi./.
---o0o---