Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Phẩm "Khuyến Học" (Tổng Luận Kinh Đại Bát Nhã; Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng)

17/05/202015:09(Xem: 8708)
08. Phẩm "Khuyến Học" (Tổng Luận Kinh Đại Bát Nhã; Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

Buddha-324

 

PHẨM "KHUYẾN HỌC"

Phần giữa quyển 36, tập 02, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Khuyến Học” quyển thứ 03, Kinh MHBNBLM)

 

Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng



 

 

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát muốn hoàn thành sáu pháp Ba la mật thì phải học Bát Nhã, Đại Bồ Tát muốn biết khắp sắc, muốn biết khắp thọ, tưởng, hành, thức, nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn biết khắp 12 xứ, 18 giới thì phải học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn biết rõ 4 Thánh đế, 12 nhân duyên nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn đoạn trừ vĩnh viễn tham, sân, si, nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn đoạn trừ vĩnh viễn mạn, nghi, thân kiến(1), biên kiến(2), giới cấm thủ(3), tà kiến nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn đoạn trừ vĩnh viễn vô minh, trạo cử(4), sân nhuế(5), tất cả triền kiết(6), tùy miên(7) nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn xa lìa mười nghiệp đạo bất thiện, lại muốn tu hành mười thiện nghiệp đạo, nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, 37 pháp trợ đạo thì nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn chứng đắc mười lực của Phật, nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn chứng đắc bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn chứng đắc sáu phép thần thông và vô lượng trăm ngàn môn tam muội, thì nên học Bát nhã Ba la mật.

Đại Bồ Tát muốn đáp ứng đầy đủ tâm nguyện của tất cả hữu tình, nên học Bát Nhã. Đại Bồ Tát muốn hoàn thành thiện căn thù thắng như vậy, do thiện căn này, vĩnh viễn chẳng đọa vào đường ác, chẳng sanh vào nhà bần tiện, chẳng rơi vào bậc Thanh văn và Độc giác, ở bậc cao nhất của Bồ Tát, vĩnh viễn chẳng thối đọa, nên học Bát nhã Ba la mật.

Bấy giờ, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Tôn giả! Thế nào gọi là Bồ Tát Đỉnh đọa(8)?

Thiện Hiện đáp:

- Nếu các Bồ Tát không có phương tiện thiện xảo mà hành sáu pháp Ba la mật, không có phương tiện thiện xảo mà trụ ba pháp môn giải thoát, thì rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác, chẳng nhập Bồ Tát Bất sanh. Như vậy, gọi là Bồ Tát Đỉnh đọa. Chính sự Đỉnh đọa này cũng gọi là Sanh.

Khi ấy, Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:

- Tôn giả! Vì duyên gì Bồ Tát Đỉnh đọa gọi là Sanh?

Thiện Hiện đáp:

- Sanh có nghĩa là pháp ái. Nếu các Bồ Tát thuận theo đạo pháp ái thì gọi là Sanh.

Xá lợi Tử hỏi:

- Tôn giả! Vì sao gọi là Bồ Tát thuận theo đạo pháp ái?

Thiện Hiện đáp:

- Bồ Tát biết tất cả pháp là không, là vô tướng, là vô tác, là tịch diệt, là vô thường, là khổ, là vô ngã…An trụ ở trong ấy mà khởi tưởng chấp trước và nếu Bồ Tát nắm giữ ghi nhớ: Đây là khổ phải biết, đây là tập phải dứt, đây là diệt phải chứng, đây là đạo phải tu…; đây là Bồ Tát đạo, đây chẳng phải Bồ Tát đạo, đây là chỗ học của Bồ Tát, đây chẳng phải chỗ học của Bồ Tát, đây là sáu pháp đáo bỉ ngạn, đây chẳng phải sáu pháp đáo bỉ ngạn v.v… Khi thực hành Bát Nhã, an trụ các pháp như vậy mà sanh tưởng đắm, thì đó là Bồ Tát thuận theo đạo pháp ái. Pháp ái như vậy gọi là Sanh(9).

Lúc bấy giờ, cụ thọ Xá lợi Tử hỏi cụ thọ Thiện Hiện:

- Tôn giả! Thế nào gọi là Bồ Tát Bất sanh(10) hay còn gọi là Bồ Tát Chánh tánh Ly sanh?

Thiện Hiện đáp:

- Đại Bồ Tát lúc thực hành Bát nhã Ba la mật, trong nội không chẳng thấy ngoại không, trong ngoại không chẳng thấy nội không, trong ngoại không chẳng thấy nội ngoại không, trong nội ngoại không chẳng thấy ngoại không, trong nội ngoại không chẳng thấy không không, trong không không chẳng thấy nội ngoại không, trong đại không chẳng thấy không không, trong đại không chẳng thấy đệ nhứt nghĩa không, cứ như thế mà quán tất cả 18 pháp không.

Quán được như vây thì gọi là Bồ Tát Bất sanh hay Bồ Tát Chánh Tánh Ly Sanh.

Các đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, nên học như thế này: Sắc nên biết, chẳng nên đắm; thọ, tưởng, hành, thức nên biết, chẳng nên đắm. Cái danh của sắc nên biết, chẳng nên đắm; cái danh thọ, tưởng, hành, thức nên biết, chẳng nên đắm. Mười hai xứ, 18 giới nên biết, chẳng nên đắm. Cái danh 12 xứ, 18 giới nên biết, chẳng nên đắm. Tất cả pháp Phật nên biết, chẳng nên đắm. Cái danh của tất cả pháp Phật cũng nên biết, chẳng nên đắm.

Các đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã, nên học như thế nầy: Tâm Bồ đề nên biết, chẳng nên đắm; cái danh tâm Bồ đề nên biết, chẳng nên đắm. Tâm Vô thượng nên biết, chẳng nên đắm; cái danh tâm Vô thượng nên biết, chẳng nên đắm. Tâm rộng lớn nên biết, chẳng nên đắm; cái danh tâm rộng lớn nên biết, chẳng nên đắm. Vì sao? Vì tâm ấy là phi tâm, vì bản tánh thanh tịnh.

Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện(13):

- Vì sao tâm ấy bản tánh thanh tịnh?

Thiện Hiện đáp:

- Bản tánh tâm này chẳng tương ưng với tham, cũng chẳng phải chẳng tương ưng. Chẳng tương ưng với sân, chẳng phải chẳng tương ưng. Chẳng tương ưng với si, chẳng phải chẳng tương ưng. Chẳng tương ưng với triền kiết, tùy miên, chẳng phải chẳng tương ưng. Chẳng tương ưng với các kiến, thú, lậu, bộc lưu(11) ách thủ(12), mà chẳng phải chẳng tương ưng. Chẳng tương ưng các tâm Thanh văn, Độc giác, mà chẳng phải chẳng tương ưng. Xá Lợi Tử! Tâm này bản tánh thanh tịnh như thế!

Xá Lợi Tử:

- Tâm ấy, bản tánh là tâm hay phi tâm tánh?

Thiện Hiện hỏi lại:

- Trong phi tâm hữu tánh, vô tánh là khả đắc chăng?

Xá Lợi tử đáp:

- Không! Thưa Ngài Thiện Hiện.

Thiện Hiện hỏi lại:

- Trong phi tâm, hữu tánh vô tánh đã chẳng khá được, làm sao nói được tâm này là hữu hay vô?

Xá Lợi Tử hỏi:

- Những gì gọi là tâm phi tâm tánh?

Thiện Hiện đáp:

- Đối tất cả pháp không biến khác, không phân biệt, đấy gọi tâm phi tâm tánh”(13).

Xá Lợi Tử hỏi rằng:

- Như tâm không biến khác, không phân biệt; sắc cũng không biến khác, không phân biệt ư?

Thiện Hiện đáp rằng:

- Như thế.

Xá Lợi Tử lại hỏi:

- Tâm không biến khác, không phân biệt; sắc thọ tưởng hành thức cũng không biến khác, không phân biệt sao? Tâm không biến khác, không phân biệt, mười hai xứ, mười tám gii cũng không biến khác, không phân biệt? Tâm không đổi khác, không phân biệt, bốn thánh đế, mười hai nhân duyên, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng không đổi khác, không phân biệt? Tâm không đổi khác, không phân biệt, năm loại mắt, sáu phép thần thông, lục Ba la mật, ba mươi bảy pháp trợ đạo cũng không đổi khác, không phân biệt?

Thiện Hiện đáp:

- Đúng vậy!

- Tâm không đổi khác, không phân biệt, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cho đến quả vị Giác ngộ cao tột cũng không đổi khác, không phân biệt sao?

- Đúng vậy!

Khi ấy, Xá Lợi Tử khen Thiện Hiện:

- Hay thay! Hay thay! Thật đúng như đã nói, Ngài là chơn Phật tử, từ tâm Phật sanh, từ miệng Phật sanh, từ pháp Phật sanh, từ pháp hóa sanh, nhận phần pháp Phật, chẳng nhận phần của cải. Ở trong các pháp, thân tự tác chứng, do tuệ nhãn hiện thấy, nên mới có thể nói lên như vậy. Thế Tôn khen Ngài, ở trong chúng Thanh văn, là người đệ nhất an trú trong định Vô tránh(14). Như lời Phật dạy, thật đúng, không sai.

Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát, đối với Bát Nhã, nên học như vậy. Nếu đại Bồ Tát, đối với Bát Nhã thường học như vậy, thì nên biết  đã an trú bậc Bất thối chuyển, chẳng rời Bát nhã Ba la mật.

Này Thiện Hiện! Người muốn học bậc Thanh văn, đối với Bát Nhã nên siêng năng lắng nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì, như lý tư duy, khiến được rốt ráo. Người muốn học bậc Độc giác, đối với Bát Nhã, nên siêng năng lắng nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì, như lý tư duy, khiến được rốt ráo. Người muốn học bậc Bồ Tát, đối với Bát Nhã, cũng nên siêng năng lắng nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì như vậy. Người muốn học bậc Như Lai, đối với Bát nhã Ba la mật, nên siêng năng lắng nghe, tu tập… cũng như vậy. Vì sao? Vì trong Bát Nhã, đã rộng nói, khai thị pháp Ba thừa. Nếu đại Bồ Tát học Bát nhã Ba la mật, tức là đã học khắp cả Ba thừa, và đối với pháp của Ba thừa đều được thấu suốt.

 

Thích nghĩa:

(1). Thân kiến: Ảo tưởng cho rằng thân mình là có thật, một trong ngũ kiến. Ý tưởng về một cái ngã, một trong tam kết. Có hai cách mà người ta đi đến quan niệm cho rằng có sự hiện hữu thực sự của một cái ngã: 1- là sự tưởng tượng chủ quan, 2- là quan niệm khách quan về thực tính. Tưởng rằng cái ngã của chính mình là lớn nhất và là tài sản quí báu nhất: Tin rằng cái ta là lớn nhất, người khác không đáng kể.

(2). Biên kiến: Chấp vào một bên hay cực đoan như chấp có, chấp không đều gọi là biên kiến. Một trong Thập sử.

(3). Giới cấm thủ: Chấp chặc vào giới cấm tà vạy, không chân chánh. Nói rộng là chấp theo những tục lệ không hay.

(4). Trạo cử: Lao chao, xao động làm tâm không được an định. Tánh của tâm sở này làm cho thân tâm chao động không yên tịnh. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại Định và Hành xả.

(5). Sân nhuế: Giận dữ, nổi cơn thịnh nộ. Một trong tam độc.

(6). Triền kiết: Triền trong nghĩa triền phược, là trói buộc, phiền não. Theo Kinh Chúng Tập trong Trường A hàm quyển 8, thì có 4 thứ phiền não trói buộc thân tâm của chúng sinh là: Tham dục, sân khuể, giới đạo và ngã kiến. Kiết hay kết trong nghĩa Kiết sử hay kết sử: Trói buộc, cũng chỉ cho phiền não. Vì phiền não trói buộc chúng sanh vào cảnh mê, khiến cho không thể thoát khỏi cái khổ sanh tử, nên gọi là kiết hay kết (trói buộc). Kinh Tăng nhất A hàm quyển 20 nêu 4 loại Kiết: Dục kiết, Sân kiết, Si kiết và Lợi dưỡng kiết. Ghép hai từ kép triền phược và kiết sử thì có từ “triền kiết” hay “triền kết”.

Trong văn chương Phật giáo thường nói đến triền phược và kiết sử cùng chỉ cho phiền não. Cởi bỏ, gột sạch được tất cả phiền não thì được coi là giải thoát. Phiền não là những nguyên nhân chính đưa con người đến chỗ trầm luân. Phiền não càng nhiều thì trầm luân càng sâu. Tất cả những từ lậu, hoặc, triền, kết, phược v.v…đều dẫn xuất từ phiền não. Nghiên cứu tam phược, tứ điên đảo, ngũ kết là nghiên cứu về ngọn, cái gốc chính là phiền não. Tất nhiên, đốn được gốc là giải thoát. Vậy, tu thân chẳng qua chỉ là gội sạch tất cả phiền não chớ không có cái gì khác!

Hiểu rõ phiền não thì có thể trừ được nó. Phiền não (Phạm: Kleza. Pàli: Kilesa. Hán âm: Cát lệ xá): Cũng gọi là Hoặc. Gọi chung là những tác dụng tinh thần làm cho tâm hữu tình điên loạn, khổ não. Để đạt mục đích tham muốn, thỏa mãn những dục vọng “cái của ta” mà con người có ý thức hoặc vô ý thức thường đắm chìm trong cảnh buồn vui nên bị phiền não trói buộc. Trong tất cả các loại tác dụng đối với tâm: Giác ngộ là mục đích cao nhất trong Phật giáo, cho nên bất luận tác dụng tinh thần nào làm trở ngại sự thực hiện giác ngộ đều được gọi là phiền não. Phiền não tùy theo tính chất có nhiều tên gọi như: Tùy miên (Phạm: Anuzaya), Triền (Phạm:Paryavasthàna), Cái (Phạm: Nivaraịa), Kiết (Phạm:Saôyojana), Phược (Phạm: Bandhana), Lậu (Phạm: Àsrava), Thủ (Phạm: Upàdàna), Hệ (Phạm: Grantha), Sử, Cấu, Bạo lưu, Ách, Trần cấu, Khách trần... Nếu phân loại thêm nữa thì rất phức tạp, nhưng thông thường cho Tham, Sân, Si là nguồn gốc của tất cả phiền não và chia làm 2 loại là Căn bản phiền não (phiền não gốc) và Chi mạt phiền não (phiền não ngọn). Căn bản phiền não có 6: Tham, Sân, Si (Vô minh), Mạn, Nghi và Kiến (Ác kiến); trong đó, Kiến lại được chia làm 5 thứ: Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ và tà kiến, gọi chung là Thập phiền não (còn gọi là Thập sử vì nó sai sử con người). Chi mạt phiền não thì tùy thuộc vào Căn bản phiền não mà sanh khởi, theo luận Câu xá thì có 19 thứ gồm: Phóng dật, giải đãi..., còn theo luận Duy thức thì có 20 thứ gồm: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, San, Cuống, Siểm, Hại, Kiêu, Vô tàm, Vô quý, Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chính tri. Ngoài ra còn có các phương pháp phân loại như: Tam lậu, Tam kết, Tứ bạo lưu, Tứ thủ, Ngũ cái, Ngũ kết, Lục cấu, Thất lưu, Thập triền..., hoặc gọi là Bát bách phiền não (108 phiền não), hoặc vì cách tính toán khác nhau, nên có các thuyết bất đồng như Bát vạn tứ thiên phiền não (84.000 phiền não). - Phỏng theo Từ điển Pht Quang.

(7). Tùy miên: Trạng thái mơ hồ, thuộc bất định tâm sở. Miên có nghĩa là ngủ. Tánh của tâm sở này làm cho tâm mờ mịt, thân không được tự tại. Nghiệp dụng của nó làm chướng ngại quán tưởng.

(8). Bồ Tát đỉnh đọa: Kinh MHBNBLMĐ gọi là Bồ Tát Đảnh. Kinh đã giải thích ở trên nên không cần lập lại.

(9). Sanh: Ở đây không có nghĩa là từ diễn tả về sanh tử. Sanh ở đây có nghĩa sanh khởi (tâm sanh diệt). Khi nắm giữ một pháp và cho đó là pháp mang lại nhiều công đức nhất, tức là chấp thủ pháp, nên sanh tâm “yêu pháp” gọi là “thuận đạo pháp ái”, thì tâm không còn tự tại nữa. Bồ Tát ái pháp và chấp thủ như vậy, gọi là Bồ Tát sanh. Bát Nhã “Khuyến học” nhưng không “khuyến ái”, nghĩa là không đắm trước hay gắn bó với bất cứ giáo pháp nào.

(10). Bất sanh: Trái với nghĩa sanh ở trên là không sanh khởi: Biết mà không đắm nhiễm nên không sanh tâm, tức không tạo tác. Kinh MHBNBLMĐ gọi là Bồ Tát không sanh tâm là Bồ Tát bất thối chuyển (hay Vô sanh pháp nhẫn), Kinh ĐBN gọi là Bồ Tát không sanh tâm là Bồ Tát Chánh tánh ly sanh. Bồ Tát bất thối chuyển, Bồ Tát Vô sanh pháp nhẫn hay Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, được kinh Đại Bát Nhã, phẩm “Tướng Bất Thối” quyển 514, Hội thứ III định nghĩa như sau:Bồ Tát Bất thối chuyển dùng tự tướng không quán tất cả pháp, rồi vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh cho đến chẳng thấy chút pháp khá được. Vì chẳng khá được nên không sở tạo tác. Vì không tạo tác nên gọi rốt ráo chẳng sanh. Vì rốt ráo chẳng sanh nên gọi Vô sanh pháp nhẫn. Bởi vì được Vô sanh pháp nhẫn như thế nên gọi Bồ Tát Bất thối chuyển. Nếu Bồ Tát Ma ha tát trọn nên các hành tướng trạng như thế, biết đấy là Bồ Tát Bất thối chuyển”. Bồ Tát bất thối chuyển được thích nghĩa trong phẩm “Chuyển Sanh” phần sau quyển 7 cho đến hết quyển 9; Bồ Tát Vô sanh nhẫn được thích nghĩa trong phẩm “Khen Ngợi Thắng Đức” đầu quyển 10; Bồ Tát Chánh tánh Ly sanh được nói rất nhiều trong ĐBN. Nhưng so sánh tổng hợp ở phẩm “Tướng Bất Thối” quyển 514, Hội thứ III, ĐBN vừa trích dẫn trên, thì định nghĩa sau cùng, phân biệt rõ ràng nhất. Vì quá nhiều danh vị khác nhau, nên có thể gây lẫn lộn. Mong rằng các phẩm sau sẽ bổ khuyết thêm.

(11). Bộc lưu: Dòng thác (cuồng lưu thác lũ) chỉ cho dục vọng và phiền não như dòng thác hay cuồng lưu.

(12). Ách thủ: Nắm giữ triền phược.

(13). Đây là đoạn kinh có thể làm chúng ta lúng túng. Bản Việt dịch của đoạn kinh này trong phẩm “Khuyến Học” quyển 36, Hội thứ I, ĐBN ghi như sau:

Xá Lợi Tử:

- Tâm ấy, bản tánh là tâm hay phi tâm tánh?

Thiện Hiện hỏi lại:

- Trong phi tâm tánh hữu tánh, vô tánh là khả đắc chăng?

Xá Lợi tử đáp:

- Không! Thưa Ngài Thiện Hiện.

Thiện Hiện hỏi lại:

- Trong phi tâm, hữu tánh vô tánh đã chẳng khá được, làm sao nói được tâm này là hữu hay vô?

Xá Lợi Tử hỏi:

- Những gì gọi là tâm phi tâm tánh?

Thiện Hiện đáp:

- Đối tất cả pháp không biến khác, không phân biệt, đấy gọi tâm phi tâm tánh”.

Nguyên văn bằng chữ Hán, Ngài Huyền Trang dịch, là:

Lợi Tử ngôn:

thị tâm vi hữu tâm phi tâm tánh phủ.

thiện hiện đáp ngôn:

phi tâm tánh trung. hữu tánh. tánh vi khả đắc phủ.

Lợi Tử ngôn.

phủ dã. thiện hiện.

thiện hiện đáp ngôn.

phi tâm tánh trung. hữu tánh tánh bất khả đắc. như khả vấn. thị tâm vi hữu tâm phi tâm tánh phủ.

Lợi Tử ngôn: đẳng danh vi tâm phi tâm tánh.

thiện hiện đáp ngôn: ư nhất thiết pháp biến dị . phân biệt thị danh tâm phi tâm tánh”.

Chìa khóa để hiểu đoạn kinh này cũng như những đoạn kinh tương tự của tất cả năm Hội, từ Hội thứ I trở đi là các từ: Tâm(), Tánh() Tâm tánh(心性) Phi tâm tánh(非心性).

Tâm(): Nguồn gốc của mọi ý thức, suy tưởng, cảm thọ có thể là vọng hay chân.

Tánh(): Trong nghĩa bản tánh là cái thường trụ, chẳng đổi dời, nhiễm tịnh.

Tâm là tâm, tánh là tánh, ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Bây giờ, ghép hai chữ Tâm() Tánh() với nhau để có từ kép là Tâm tánh(心性) thì rất khó giải thích. Nếu nói bản tánh hay bổn tánh của tâm thì có thể hiểu là cái bất biến dịch, bất hoại, vô nhiễm... vốn tịch tịnh, chân thật nên gọi là chân tâm. Ai cũng có tâm này, nhưng tùy theo điều kiện chung quanh mà sanh ra nhiễm tịnh nên mới có phàm thánh.

Phi tâm tánh(非心性) hay nói gọn là phi tâm tức “Tâm không” nghĩa là đối với trần cảnh mà tâm không sanh diệt, đổi dời thì gọi là tâm không hay vô niệm, vô tâm.

Vì vậy, chúng ta mới có thể hiểu được câu hỏi của Thiện Hiện: “Trong phi tâm, hữu tánh vô tánh đã chẳng khá được, làm sao nói được tâm này là hữu hay vô?”. Tâm phi tâm tánh này chính là tâm không (phi tâm) hay còn gọi là vô niệm, vô tâm.

Chúng tôi thích nghĩa những đoạn kinh tương tự như thế trong phẩm “Vào Ly Sanh” quyển 408, Hội thứ II. Phẩm “Thiện Hiện” quyển 484, Hội thứ III. Phẩm “Diệu Hạnh” quyển 538, Hội thứ IV. Phẩm “Thiện Hiện” quyển 556, Hội thứ V. Giáo nghĩa của các đoạn kinh này trong năm Hội không khác nhau, chỉ có cách diễn đạt và chuyển ngữ hơi khác. Nếu không hiểu đoạn kinh của phẩm này, quý vị có thể tham khảo các Hội kế tiếp như chúng tôi đã liệt kê ở trên.

Lưu ý: Kinh Phật Mẫu Phát Sanh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa (gọi tắt là Phật Mẫu Bát Nhã Kinh) do Thí Hộ dịch từ Tạng sang Hán và Ngài Thích Từ Chiếu dịch từ Hán sang Việt, phần trên phẩm 01, “Biết Rõ Các Hành Tướng” có đoạn kinh tương tự như đoạn kinh này, dịch như sau:

(…) “Lại nữa, Thế Tôn! Bồ Tát Ma ha tát lúc hành Bát nhã Ba la mật quán tưởng Bát Nhã như thế, nên học như thế (học và an trú trong Bát Nhã) nhưng không sanh tâm mình học như thế. Vì sao? Vì cái tâm không phải tâm kia, tánh nó thanh tịnh.

Bấy giờ, Tôn giả Xá Lợi Tử hỏi Tu Bồ Đề:

- Thế nào Tu Bồ Đề! Ngài có cái tâm không phải tâm đó không?

Tu Bồ Đề:

- Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Nếu cái tâm không phải tâm, dù có, dù không, thì có thể chứng đắc hay không?

Xá Lợi Tử nói:

- Không thể! Tu Bồ Đề!

Bấy giờ, Tu Bồ Đề bảo Xá Lợi Tử:

- Nếu cái tâm không phải tâm, dù có, dù không, mà không thể chứng đắc, tại sao nay ông lại hỏi, có cái tâm không phải tâm?

Xá Lợi Tử hỏi:

- Tánh của cái không phải tâm gọi là gì?

Tu Bồ Đề nói:

- Tất cả không hoại, xa lìa phân biệt, chính là cái tâm không phải tâm”.

“Tâm không phải tâm” hay “tâm phi tâm” hoặc “tâm phi tâm tánh” có thể giải thích chính là “tâm không hay vô niệm vô tâm”. Vì vô tâm, nên không phân biệt, không chấp. Nếu không chấp thì không chướng ngại. Vì không chướng ngại nên mới nói là thanh tịnh. Tâm thanh tịnh đó không dung chứa bất cứ thứ gì, rỗng rang trong suốt nên nói là vô niệm, vô tâm.

Vì vậy, phần dưới của phẩm 01, “Biết Rõ Các Hành Tướng” nói trên, diễn tả “Vô tâm” như sau:

“Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Tu Bồ Đề:

- Tại sao tâm đó không ngăn ngại, không chấp trước?

Tu Bồ Đề đáp:

- Vì vô tâm nên không có tâm chướng ngại, cũng không có tâm chấp trước.

Xá Lợi Tử hỏi Tu Bồ Đề:

- Nghĩa của tâm đó là gì?

Tu Bồ Đề hỏi lại Xá Lợi Tử:

- Nếu tâm sanh ở hữu ở vô thì tâm ấy có thể đắc không?

Xá Lợi Tử đáp:

- Này Tu Bồ Đề! Không thể!

Tu Bồ Đề trả lời:

- Nếu tâm không sanh ở hữu cũng không ở vô thì cũng bất khả đắc. Vậy tại sao ông lại hỏi đến tâm ấy làm gì?”

Kinh Lăng nghiêm gọi tâm bất biến, không đổi dời, không nhiễm tịnh... là chân tâm. Trong khi Tam Luận Tông hay Tánh Không Tông, các kinh thuộc hệ Bát Nhã gọi tâm này là tâm không, vô niệm, vô tâm.

Tất cả luận giải trên mặc dù có khảo cứu so chiếu, tuy nhiên chưa lấy gì làm chắc? Bởi vì, chuyển ngữ lúc nào cũng gây nhiều rối rắm. Tu là tu ở tâm mà không hiểu tâm thì tu cái gì? Đừng quá bi quan, rồi một ngày nào đó, thấy cái tâm gọi là tâm không hay vô niệm, vô tâm thì chứng tánh. Chúng ta biết rằng phàm có ngôn ngữ danh tự ắt kẹt giữa giới hạn. “Xí xô xí xào” không hiểu nhau thì bể đầu sứt tai thôi!

(14). Định vô tránh (hay vô tánh tam muội): Vô tránh hay vô tranh là một trong năm trí, tam muội là định. Theo Niết bàn kinh sớ giải dẫn Thành luận quyển 6, phẩm Ngũ trí, thì Ngũ trí này gồm: 1- Pháp trụ trí: Rõ biết sự sanh khởi của tất cả các pháp; 2- Nê hoàn trí: Rõ biết sự diệt mất của tất cả các pháp; 3- Vô tranh trí: Rõ biết lẽ chân thật không còn phải tranh cãi, biện luận với bất cứ ai; 4- Nguyện trí: Đối với tất cả các pháp không còn có sự chướng ngại; 5- Biên tế trí: Đạt được trí tuệ tối thượng, đối với tất cả các pháp thiền định đều có thể tu tập tăng trưởng, được sức tự tại. Chứng đắc năm trí này tức là chứng quả Tam muội, nên gọi là Ngũ trí Tam muội. (Nhóm “Mở rộng tâm hồn”).

Kinh nói Tu Bồ đề là người đạt được tam muội nầy, vì Ngài thích nơi vắng lặng tịch mịch, không thích nơi ồn náo, không thích tranh cãi hơn thua.

 

Lược giải:

 

1. “Khuyến học” nhưng không “khuyến ái”:

 

Bồ Tát muốn thỏa mãn nguyện vọng của tất cả chúng sanh, muốn được đầy đủ những thiện căn công đức, thường chẳng đọa vào ác đạo, chẳng sanh nhà ti tiện, chẳng ở trong hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, chẳng sa vào Bồ Tát đỉnh đọa, thời phải học tất cả thiện pháp nhất là lục Ba la mật, các tam muội v.v… Bát Nhã “khuyến học” nhưng không “khuyến ái”, nghĩa là dù thấy các giáo pháp đầy thắng diệu hay mang lại nhiều công đức cũng không đắm trước hay nắm bắt đối với bất cứ giáo pháp nào.

Bồ Tát biết tất cả pháp là không, là vô tướng, là vô tác, là tịch diệt, là vô thường, là khổ, là vô ngã… Nếu Bồ Tát nắm giữ ghi nhớ: “Đây là khổ phải biết, đây là tập phải dứt, đây là diệt phải chứng, đây là đạo phải tu, đây là Bồ Tát đạo, đây chẳng phải Bồ Tát đạo, đây là chỗ học của Bồ Tát, đây chẳng phải chỗ học của Bồ Tát, đây là sáu pháp đáo bỉ ngạn, đây chẳng phải sáu pháp đáo bỉ ngạn, đây là phương tiện của Bồ Tát v.v...”, khi thực hành Bát nhã Ba la mật như vậy thời gọi là thuận đạo pháp ái. Đó là điều mà kinh khuyên chẳng nên học, chẳng nên hành. Kinh Tứ Thập Nhị chương nói học coi như chẳng học, hành coi như vô sự mới được gọi là học, là hành.

Người làm được như vậy là Tu Bồ Đề: Muốn học Bát Nhã phải như Tu Bồ Đề mà học, là học không; muốn hành Bát Nhã phải như Tu Bồ Đề mà hành, là hành không. Vì vậy, Tu Bồ Đề mới được coi là chơn Phật tử từ tâm Phật sanh, từ miệng Phật sanh, từ pháp Phật sanh, từ pháp hóa sanh.

 

2. Tâm phi tâm tánh (nói theo ĐBN) hay Tâm Vô tướng

(nói theo MHBNBLMĐ):

 

Nói hữu nói vô, nói thường nói đoạn, nói uế nói tịnh… là nói về cái tâm sanh diệt. Phật có một tâm và chúng sanh cũng có một tâm, không hai không khác. Tâm đó ở Thánh giả không tăng, ở phàm phu cũng không giảm. Tâm đó là Phật, ngoài tâm không có Phật. Tâm không có hai tướng, tánh thường vắng lặng nhiệm mầu. Nên Kinh ĐBN nói: Đối tất cả pháp không biến khác, không phân biệt, đấy gọi tâm phi tâm tánh. Kinh MHBNBLMĐ nói: “Với các pháp, chẳng hư hoại, chẳng phân biệt, đây gọi là tâm vô tướng”.

 

Luận Đại Trí Độ phẩm thứ 8, “Khuyến Học”, tập 3, quyển 41, giải thích vấn đề như sau:

“Hỏi: Vô tâm là có tướng tâm hay không có tướng tâm? Nếu là có thì vì sao lại nói là vô tâm? Nếu không thì vì sao lại tán thán vô đẳng đẳng tâm?

Đáp: Vô tâm là rốt ráo thanh tịnh, chẳng có tướng, cũng chẳng phải chẳng có tướng. Vì CÓ và KHÔNG đều là bất khả đắc cả.

Như cuộc đối đáp giữa hai ngài Xá Lợi Phất và Tu Bồ Đề sau đây:

-  Hỏi: Thế nào là vô tâm tướng?

- Đáp: Hết thảy các pháp đều rốt ráo không, chẳng có phân biệt. Như vậy gọi là vô tâm tướng.

- Hỏi: Nếu tâm tướng chẳng thể hoại, chẳng thể phân biệt, thì hết thảy các pháp cũng đều là như vậy hay sao?

- Đáp: Hết thảy các pháp cũng đều là như vậy cả. Vô thượng bồ đề tâm cũng ví như hư không, cũng chẳng thể hoại, chẳng thể phân biệt.

Cho nên nếu có Bồ Tát thâm trước Vô thượng bồ đề tâm, mà dấy niệm “đắc”, thì Bồ Tát ấy chưa được lậu tận, chưa được thanh tịnh vậy”.

Kinh ĐBN và Kinh MHBNBLMĐ cùng giải đáp, như chúng tôi giải thích trong phần thích nghĩa trên. Chỉ có khác là kinh ĐBN dùng từ tâm vô tánh và kinh MHBNBLMĐ dùng từ tâm vô tướng.

 

Sau đây là 2 câu chuyện Thiền nói về TÂM rất thú vị, tôi trích ra đây để quý vị thưởng thức:

 

1- Tâm vô tâm tánh hay tâm vô tướng là cách nói khác của Bát Nhã về “tâm không” hay còn gọi là “vô niệm, vô tâm”.

Hà Đông Bùi Hưu, là liêm sứ ở Chung lăng và Uyển lăng, là một Phật tử thuần thục, tu Phật và rất ham mộ Thiền. Ngài thường tham bái với các Tổ sư Thiền và may mắn được Tổ Hoàng Bá Hy Vận (pháp tự của Bách Trượng Hoàng Hải) truyền tâm ấn, viết bài pháp có đoạn như sau:

(…) “Chư Phật và tất cả chúng sanh, duy chỉ một tâm, chớ không có pháp nào khác. Tâm này từ vô thỉ đến nay, không từng sanh, không từng diệt, không xanh không vàng, không hình không tướng, không thuộc Có Không, không kể mới cũ, không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, vượt qua mọi dấu tích đối đãi về hạn lượng, danh xưng, ngôn ngữ, dấu vết. Đương thể là đúng, động niệm tức sai. Giống như hư không chẳng có ngần mé, không thể đo lường. Duy chỉ tâm ấy là Phật. Phật cùng chúng sanh, chẳng có gì sai khác. Nhưng bởi chúng sanh trước tướng, tìm cầu bên ngoài nên thất bại, cõng Phật tìm Phật, đem tâm nắm bắt tâm, hết kiếp trọn hình, rốt ráo chẳng được gì cả. Chẳng biết dứt niệm quên lự, Phật liền hiện tiền. Tâm ấy là Phật. Phật là chúng sanh. Chúng sanh tức Phật. Phật là tâm ấy. Khi là chúng sanh, tâm ấy chẳng giảm. Lúc làm chư Phật, tâm ấy không tăng. Cho đến lục độ vạn hạnh, hà sa công đức, vốn tự đầy đủ, không cần tu thêm. Gặp duyên thì thi thố, duyên dừng thì tịch diệt. Nếu không quyết định như thế, mà muốn trước tướng tu hành để cầu công dụng, đều là vọng tưởng cùng đạo trái nghịch. Tâm ấy là Phật, mà cũng không có Phật nào khác. Tâm ấy tịnh minh, giống như hư không, chẳng có một điểm tướng mạo. Cử tâm động niệm tức trái nghịch với pháp thể, ấy là trước tướng. Từ vô thỉ đến nay, chẳng có Phật trước tướng. Tu lục độ vạn hạnh mong cầu thành Phật, ấy là hạng thứ. Từ vô thỉ đến nay chẳng có Phật hạng thứ. Chỉ cần ngộ nhất tâm, chứ không có pháp nào để đắc. Đó là chân Phật. Phật với chúng sanh, một tâm không khác …

(…) “Người vô tâm là người không có bất cứ một tâm nào, thể như như, trong ngoài như cây đá, không động không chuyển, như hư không, không ngăn không trái, không năng không sở, không phương xứ, không tướng mạo, không được mất. Thức giả không dám vào pháp ấy sợ rơi vào không, chẳng chỗ nương đậu, cho nên hướng bờ mé mà lui. Văn Thù đương lý, Phổ Hiền đương hạnh. Lý là lý chân không vô ngại. Hạnh là hạnh rời tướng không cùng. Quán Âm đương đại từ. Thế Chí đương đại trí. Duy Ma là Tịnh Danh. Tịnh ấy là tánh. Danh ấy là tướng. Tánh tướng không khác, gọi là Tịnh Danh.

“Biểu hiện của chư đại Bồ Tát, mọi người đều có cả. Không rời một tâm, ngộ ấy là phải. Người học đạo ngày nay không hướng về tự tâm để ngộ mà tìm ngoài tâm, trước tướng thủ cảnh, đều trái với đạo. Số cát sông Hằng, Phật thuyết là cát. Chư Phật, Bồ Tát, Thích Phạm, chư Thiên đi bộ mà qua, cát cũng không vui. Bò dê, sâu kiến giẫm đạp, cát cũng chẳng giận. Châu báu, hương thơm, cát cũng không ham. Phân, nước tiểu dơ bẩn hôi hám, cát cũng không ghét. Tâm ấy là tâm vô tâm. Rời khỏi mọi tướng, thì Phật và chúng sanh đều không khác. Vậy nên vô tâm là cứu cánh. Người học đạo nếu không vô tâm ngay, bao kiếp tu hành rốt lại cũng không thành đạo, bị công hạnh tam thừa trói buộc, chẳng được giải thoát. Nhưng chứng tâm ấy có mau có chậm. Có người nghe pháp chỉ một niệm là vô tâm ngay. Có người phải qua thập tín, thập hạnh, thập quá, rồi mới được vô tâm. Có người lại phải đến thập địa mới được vô tâm. Mau chậm gì nếu được vô tâm thì trụ, cũng chẳng phải tu, chẳng phải chứng, chẳng có đắc, chân thật không hư dối. Chỉ một niệm mà cùng thập địa đắc vậy. Công dụng vừa khớp, cũng chẳng cạn sâu, chỉ là bao kiếp luống nhận cần khổ thôi. Làm ác, làm lành, đều là trước tướng. Trước tướng tức tạo tác, luống chịu luân hồi. Trước tướng tạo thiện, luống chịu lao khổ. Tất cả không bằng ngay lời nói tự nhận thủ bổn pháp. Pháp đó là tâm. Ngoài tâm không pháp, tâm ấy là pháp, trong pháp không tâm, tâm tự không tâm mà cũng không không tâm vậy. Đem tâm không tâm, tâm tức thành có vậy. Mặc khế mà thôi, dứt mọi tư lường, cho nên mới nói ngôn ngữ dừng bặt, tâm hành xứ diệt” (nghĩa là cảnh giới vắng lặng, không còn suy tư phân biệt). - Cảnh Đức Truyền Đăng Lục.

Vì vậy, Phật bảo đem tâm ly tướng mà tu các thiện pháp hay đem tâm ly tướng mà hành lục độ vạn hạnh. Tâm ly tướng đó chính là tâm không hay nói khác là vô niệm vô tâm. Tu như không tu, hành mà vô sự, không năng sở như hư không. Như vậy, tâm mới được như như. Như này gọi là bình đẳng, nên bảo bình đẳng là thanh tịnh.

Hãy nhớ câu “tâm tự không tâm mà cũng không không tâm vậy!” Hiểu được bài pháp này là ngộ, ngộ cái ngộ không tâm!

 

2- Không phải tâm, không phải Phật:

Thiền sư Đại Mai Pháp Thường, họ Trịnh, người Tương Dương. Có lần đến hỏi Đại Tịch Thiền sư tức Mã Tổ Đạo Nhất:

- Thế nào là Phật?

Mã Tổ đáp:

- Tâm ấy là Phật.

Sư liền đại ngộ. Trong khoảng niên hiệu Đường Trịnh Quán, Sư trụ tại núi Đại Mai, phía Nam huyện Ngân 70 dậm, là nơi sanh trưởng từ xưa của giống mai nổi tiếng. Mã Tổ nghe Sư Trụ trì sơn tự, bèn sai một ông Tăng đến chùa hỏi:

- Hòa thượng nơi Đại sư Mã Tổ học được gì mà nay tại đây Trụ trì sơn tự?

Sư đáp:

- Mã Tổ Đại sư dạy ta Tâm ấy là Phật nên ta đến đây Trụ trì.

Tăng nói:

- Phật pháp của Mã Đại sư gần đây không phải thế.

Sư hỏi:

- Không phải chỗ nào?

Tăng nói:

- Gần đây Đại sư lại nói Không phải tâm, không phải Phật.

Sư nói:

- Lão già đó mê hoặc người chưa có ngày dừng. Mặc lão nói Không phải tâm, không phải Phật, phần ta chỉ nói Tâm ấy là Phật.

Tăng trở về thuật tự sự cho Mã Tổ nghe, Đại sư nói:

- Này đại chúng, trái mai đã chín rồi.

(Có người hỏi Hòa Sơn: Đại Mai nói vậy là có ý gì? Hòa Sơn bảo: Chính cống là con cháu của sư tử).

Phật hiện ra từ tâm. Nương vào tâm mà thành Phật. Ngoài tự tâm không có Phật nào khác. “Tâm ấy tức Phật”. Nên Đại Mai Pháp Thường nghe Mã Tổ bảo như vậy liền ngộ. Về sau, dù Mã Tổ nói “Không phải tâm, không phải Phật, Đại Mai mặc kệ, vẫn cho tâm này là Phật và cứ thế mà tu. Mã Tổ mới bảo trái mai đã chín và Hòa Sơn bảo là con cháu sư tử (tức con cháu Phật).

Nếu có thể bàn, chúng tôi nói thêm rằng: Tâm ấy là Phật. Đó là phản tỉnh, chiếu kiến tự tâm, tức thấy tâm là thấy Phật. “Không phải tâm, không phải Phật, không phải là câu phủ định thường tình. Hai câu nói trên chỉ cái khác biệt về tri giác có thứ bậc của các bậc tu hành. Chiếu soi, phản tỉnh được tâm là việc làm của bậc thượng thừa. Còn không thấy tâm, không thấy Phật là tâm không, vô nim, vô tâm tức tri giác của bậc thượng thừa. Phân tích giải luận như vậy. Đúng hay không đúng? Làm gì có Phật hạng nhất (vô thượng thừa), làm gì có Phật hạng thứ (thượng thừa). Còn thấy thứ bậc sai khác là còn so đo phân biệt thì không thể gọi là vô niệm vô tâm. Chỉ đạt được vô niệm vô tâm khi thấy, tất cả rỗng không trong suốt.

Tâm, Tánh, Tướng là cái khó chỉ, khó nói nhất trong Phật học. Giác ngộ không ngoài sự chứng nhập những thứ này ./.

 

---o0o---

 

 


 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000