- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
Phần cuối quyển 70 cho tới phần đầu quyển 74, Hội thứ I, ĐBN.
(Tương đương với phần cuối quyển thứ 07, phẩm "Thập Vô"
và quyển thứ 08, phẩm "Vô Sanh", MHBNBLMĐ)
Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Jordan Lê Quảng Thiện Hùng)
Để cho dễ đọc, dễ hiểu chúng tôi chia phẩm này làm hai đoạn:
1. Đoạn một:
Nói về quán các pháp từ Q.70 đến cuối Q.71, Hội thứ I, ĐBN
(Tương đương với phần cuối quyển thứ 07,
phẩm “Thập Vô”, MHBNBLMĐ)
Tóm lược:
1- Khi quán các pháp đối với ngũ uẩn chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước và cũng chẳng thi thiết là thật có 5 uẩn.
Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, đối với sắc chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là sắc; đối với thọ, tưởng, hành, thức, chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có thọ, tưởng, hành, thức.
Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, đối với mười hai xứ, mười tám giới chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có mười hai xứ, mười tám giới. Các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, khi quán các pháp, đối với tứ Thánh đế, mười hai nhân duyên, mười tám pháp không, lục Ba la mật chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật; khi quán các các pháp, đối với tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, tám giải thoát chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có tứ thiền cho đến tám giải thoát; đối với tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.
Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, đối với ba mươi bảy pháp trợ đạo, tam giải thoát môn, ngũ nhãn, Phật mười lực chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có ba mươi bảy pháp trợ đạo cho đến Phật mười lực; đối với bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Các đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, khi quán các pháp, đối với quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có quả vị Giác ngộ tối cao; đối với Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng thi thiết là thật có Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
2- Khi tu hành Bát Nhã, chẳng thấy các pháp sanh diệt.
Vì tánh của tất cả pháp là không. Tất cả pháp từ uẩn xứ giới cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cả đến quả vị giác ngộ đều không.
Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy sắc. Vì sao? Vì tánh của sắc là không, không sanh diệt. Chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì tánh của thọ, tưởng, hành, thức là không, không sanh diệt.
Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy mười hai xứ, mười tám giới, tứ Thánh đế, mười hai nhân duyên, mười tám pháp không, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy ba mươi bảy pháp trợ đạo, tam giải thoát môn, ngũ nhãn, lục thần thông, Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, cũng chẳng thấy Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cho đến quả vị Giác ngộ tối cao.
3- Nếu Sắc chẳng sanh thì chẳng phải Sắc:
Sắc chẳng sanh thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh, thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì sắc cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Thọ, tưởng, hành, thức cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên sắc chẳng sanh, thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh, thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức.
Mười hai xứ chẳng sanh thì chẳng phải là mười hai xứ, mười tám giới chẳng sanh thì chẳng phải mười tám giới. Vì sao? Vì mười hai xứ, mười tám giới cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên mười hai xứ chẳng sanh, thì chẳng phải mười hai xứ; mười tám giới chẳng sanh, thì chẳng phải mười tám giới.
Thánh đế khổ chẳng sanh thì chẳng phải là Thánh đế khổ; Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng sanh, thì chẳng phải là Thánh đế tập, diệt, đạo. Vì sao? Vì Thánh đế khổ cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Thánh đế tập, diệt, đạo cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên Thánh đế khổ chẳng sanh, thì chẳng phải là Thánh đế khổ; Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng sanh, thì chẳng phải là Thánh đế tập, diệt, đạo. (Q.71, ĐBN)
Phật mười lực chẳng sanh thì chẳng phải là Phật mười lực; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng chẳng sanh, thì chẳng phải là bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì mười lực của Phật cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên Phật mười lực chẳng sanh, thì chẳng phải là Phật mười lực; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chẳng sanh, thì chẳng phải là bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Quả vị Giác ngộ tối cao chẳng sanh thì chẳng phải là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng sanh, thì chẳng phải là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ tối cao cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cùng với chẳng sanh không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng sanh, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên quả vị Giác ngộ tối cao chẳng sanh, thì chẳng phải là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng sanh, chẳng phải là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
4- Nếu Sắc chẳng diệt thì chẳng phải Sắc:
Sắc chẳng diệt, thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng diệt, thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì Sắc cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần; thọ, tưởng, hành, thức cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng diệt chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên sắc chẳng diệt chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng diệt chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức.
Mười hai xứ chẳng diệt thì chẳng phải là mười hai xứ; mười tám giới chẳng diệt thì chẳng phải mười tám giới. Vì sao? Vì mười hai xứ cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần. Mười tám giới cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng diệt, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên mười hai xứ chẳng diệt, thì chẳng phải mười hai xứ; mười tám giới chẳng diệt, thì chẳng phải mười tám giới.
Thánh đế khổ chẳng diệt, thì chẳng phải là Thánh đế khổ; Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng diệt, thì chẳng phải là Thánh đế tập, diệt, đạo. Vì sao? Vì Thánh đế khổ cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần; Thánh đế tập, diệt, đạo cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng diệt chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên Thánh đế khổ chẳng diệt chẳng phải là Thánh đế khổ; Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng diệt chẳng phải là Thánh đế tập, diệt, đạo.
Phật mười lực chẳng diệt, thì chẳng phải là Phật mười lực; bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng chẳng diệt, thì chẳng phải là bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Vì sao? Vì mười lực của Phật cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng diệt chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên Phật mười lực chẳng diệt chẳng phải là Phật mười lực; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chẳng diệt thì chẳng phải là bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Quả vị Giác ngộ tối cao chẳng diệt, thì chẳng phải là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng diệt, thì chẳng phải là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ tối cao cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cùng với chẳng diệt không hai, không hai phần. Vì sao? Vì pháp chẳng diệt chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải nhiều, chẳng phải khác. Cho nên quả vị Giác ngộ tối cao chẳng diệt chẳng phải là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng diệt thì chẳng phải là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
5- Pháp bất nhị thì chẳng phải là pháp:
Sắc bất nhị thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức bất nhị thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức; mười hai xứ, mười tám giới, bất nhị thì chẳng phải là mười hai xứ, mười tám giới; vô minh bất nhị thì chẳng phải là vô minh; bốn tịnh lự bất nhị thì chẳng phải là bốn tịnh lự; bốn vô lượng, bốn định vô sắc bất nhị thì chẳng phải là bốn vô lượng, bốn định vô sắc; ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao bất nhị thì chẳng phải ba mươi bảy pháp trợ đạo cho đến quả vị Giác ngộ tối cao.
6- Pháp nhập bất nhị pháp số(1)không rối:
Sắc nhập bất nhị pháp số không rối(2); thọ, tưởng, hành, thức nhập bất nhị pháp số không rối; 12 xứ, 18 giới nhập bất nhị pháp số không rối; vô minh, bốn tịnh lự; bốn vô lượng, bốn định vô sắc nhập bất nhị pháp số không rối; ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao nhập bất nhị, pháp số không rối.
Thích nghĩa đoạn 1. này:
(1). Sắc nhập bất nhị pháp số hay sắc nhập pháp số bất nhị: Nguyên văn chữ Hán là “色 sắc 入 nhập 無 vô 二 nhị 法 pháp 數 số”, dịch là sắc vào pháp số chẳng hai. Pháp số chỉ các con số đứng trước những danh từ như nhị nguyên (phân hai), tam tế (ba thời), tứ cú… Trong đạo Phật thay vì nói chẳng phải một thời nói chẳng hai (vô nhị), vì có một tức có hai, có hai tức có ba…, chẳng hai tức chỉ có một, cái duy nhất một. Vì vậy, nên nói từ sắc cho đến Nhất thiết trí nhập vào vô nhị pháp số không rối!
Tự điển Phật Quang giải thích pháp số như sau: (法數), cũng gọi Danh số, Sự số. Chỉ cho những danh từ trong Phật giáo có chữ chỉ số đứng trước. Như: Tam giới (3 cõi), Tứ đế (4 đế), Ngũ uẩn (5 uẩn), Lục độ (6 độ), Bát chính đạo (8 chính đạo), Thập nhị nhân duyên (12 nhân duyên), Ngũ vị thất thập ngũ pháp (5 vị 75 pháp) v.v... Thông thường các số này được ghi theo hình thức tăng 1 số từ 1 theo thứ tự đến 2, 3, 4 v.v... Kinh Tạp A hàm, Kinh Bản sự... lấy pháp số làm trung tâm để giải thích các Kinh nói về pháp số. Kinh Pháp tập danh số cũng là Kinh điển liệt kê pháp số. Lí Sư Chính đời Đường biên soạn Pháp môn danh nghĩa tập, Nhất Như đời Minh biên soạn Đại minh tam tạng pháp số... đều là các trứ tác sưu tập các pháp số. Ngoài ra, các sách đồng loại còn có: Đại tạng pháp số, Tạng thừa pháp số, Chư thừa pháp số... lưu hành rất rộng.
(2). Bản dịch khác của HT. Thích Trí Nghiêm (cảo bản chính do HT. Thích Trí Nghiêm đích thân dịch, in năm 1997, xuất bản năm 1998) thay vì dịch không rối, thì dịch là không có lỗi.
Lược giải:
(Cho đoạn 1.)
1- Khi quán các pháp đối với tất cả pháp chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước và cũng chẳng thi thiết là thật có sắc.
Một khi có cảm thọ, có chấp trước là có trói buộc, có tùy thuộc vướng mắc sẽ đưa đến tâm hành buông bỏ hay nắm bắt thì bị chướng ngại. Nên, tâm không còn tự tại nữa. Cũng vậy, khi xác nhận một pháp, dù pháp đó mang lại nhiều công đức nhất thì cũng không tránh khỏi sự trói buộc của nó dưới hình thức này hay hình thức khác, tâm không còn tự do nữa! Do đó, Kinh khuyên rằng khi quán các pháp: Chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng cho là thật có! Nên, trong Thần Hội ngữ lục, viết rằng:
“Trói buộc tức chấp chặt. Khi chấp chặt vào tịnh ta sẽ tạo hình tướng về tịnh, liền đó bị trói buộc vào tịnh. Cũng vậy, khi chấp chặt hay an trụ vào cái không, liền đó bị trói buộc vào cái không. Mặc dù các pháp tu này cho nhiều công đức thắng diệu, vẫn không tránh khỏi đưa đến chỗ bị trói buộc bằng cách này hay cách khác, chỗ không có giải thoát. Như thế, ta có thể nói toàn thể hệ thống tu thiền không có việc gì ngoài một chuỗi công phu hành trì cốt tháo gỡ cho chúng ta hết mọi hình thức trói buộc. Ngay cả khi chúng ta nói “thấy tánh” thì cái thấy này cũng có một tác dụng trói buộc nếu được hiểu như một điều gì đặc biệt được dựng lên, có nghĩa là nếu ta hiểu được cái thấy là một trạng thái đặc biệt của tâm thức. Vì đó là trói buộc”.
Nhưng tại sao quán sắc mà chẳng thi thiết là thật có sắc? Bởi vì một khi có xác nhận là có dính mắc. Tại sao xác nhân mà cho là dính mắc? Bởi vì, xác nhận về sắc tức xác nhận về hình thể, sắc tướng của nó. Thấy tướng mà phân biệt tướng thì bị tướng che. Tướng che nên nói là mất tâm. Nên bảo chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước... chính là công phu hành trì của người tu thiền nói riêng hay tu Phật nói chung.
2- Khi tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng thấy các pháp sanh hay diệt.
Vì tánh của tất cả pháp là không. Tất cả pháp từ uẩn xứ giới cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cả đến quả vị Giác ngộ tối cao đều không.
Thật tướng của các pháp không có sanh diệt; đồng nghĩa với vô sanh diệt hoặc vô sanh vô diệt. Sự tồn tại của các pháp vốn không có thật thể, do nhân duyên mà thành, là không, nên có thể nói rằng không có sanh, nếu không có sanh làm sao có diệt, nên nói là vô sanh vô diệt. Tuy nhiên, hạng phàm phu mê lầm lý vô sanh diệt này, nên khởi lên phiền não về sanh diệt, vì vậy bị lưu chuyển sanh tử. Nếu nương theo Kinh, quán lý vô sanh thì có thể trừ được phiền não sanh diệt. Tất cả hành trì không ngoài một chuỗi công phu thu nhiếp thân tâm, không để nó rong ruổi theo ngoại trần thì tâm sẽ được như như bất động.
3- Nếu pháp chẳng sanh chẳng diệt thì chẳng phải pháp:
Chấp cảnh sanh tâm tức do cảm thọ. Thọ vui thọ buồn nên sanh phiền muộn, mới bảo là “mất tâm”. Cảnh là cảnh, nếu cảnh không sanh không diệt thì cảnh chẳng phải là cảnh. Tâm là cái có thể kiểm soát, có thể điều động. Nhưng nếu đối cảnh tâm như như bất động thì cảnh là cảnh, tâm là tâm, cả hai chẳng liên hệ gì. Lỗi là ở tâm, đối cảnh sanh tâm mới bị quay lăn trong luân hồi sanh tử.
Nói sanh nói diệt là nói về cái tương đối của Tục đế. Nói về bất sanh bất diệt là nói đến cái tuyệt đối của Chân đế. Trong đệ nhất nghĩa đế không sanh diệt, không nhiễm tịnh, không thiện ác, tội phước... Tất cả trống không.
Sanh diệt, thành bại, hoại không là cái thấy của Tục đế. Duyên hợp gọi là sanh, duyên hết thì gọi là diệt. Nên Kinh nói nếu pháp không sinh diệt thì chẳng phải pháp.
4- Pháp rơi vào bất nhị thì chẳng phải là pháp:
Phật nói “cái gì có hai là có sở đắc”. Mắt đối với sắc là hai, mắt là cái thấy, sắc là đối tượng của cái thấy. Có thấy hai là có phân biệt, có phân biệt là có chấp. Có chấp là có mất mát, tâm không còn như thuở ban đầu nữa. Khiển chấp tức tu. Tu thì không nọ kia, tốt xấu... Nọ kia, tốt xấu là nhị nguyên. Pháp Phật là pháp môn bất nhị.
5- Các pháp nhập bất nhị pháp số không rối:
Có so đo phân biệt là có vướng mắc, có vướng mắc là có phiền não, nên phân ly xa cách, đại bi tâm không còn ở đó nữa. Chỉ khi nào tâm chẳng thọ, chẳng thủ, chẳng chấp trước, cũng chẳng cho là tốt hay xấu, uế hay tịnh, sẽ nhập được pháp môn bất nhị, một pháp tối cao trong 84.000 pháp môn hay nhập được đệ nhất nghĩa đế.
Quyển thứ 08, phẩm “Vô Sanh”, Kinh MHBNBLMĐ, Ngài Xá Lợi Phất hỏi:
“Do nhơn duyên gì mà nói rằng sắc nầy vào trong pháp số bất nhị, nhẫn đến Nhất thiết chủng trí vào trong pháp số bất nhị?” Ngài Tu Bồ Đề đáp: “Sắc chẳng khác vô sanh, vô sanh chẳng khác sắc, sắc tức là vô sanh, vô sanh tức là sắc. Do đây nên sắc vào trong pháp số bất nhị. Nhẫn đến Nhất thiết chủng trí cũng như vậy”.
Vượt qua thế giới lưỡng nguyên, thế giới hữu hạn của Tục đế thì sẽ nhập vào thế giới nhất thể của Chân đế, trong đó mọi phân chia, ngã chấp phân hai đều tan biến để nhường chỗ cho bình đẳng. Nên Kinh thường bảo bình đẳng là Vô Thượng Bồ đề, và vô sanh diệt là Nhất thiết chủng trí.
2. Đoạn hai:
Tức cuối phẩm “Quán Hạnh” Q.71 - Q.74, Hội thứ I, ĐBN
(Tương đương với phần mở đầu quyển thứ 08,
phẩm “Vô Sanh”, Kinh MHBNBLMĐ).
Tóm lược:
1- Sao gọi là đại Bồ Tát?
Đó là loại hữu tình cầu quả vị đại giác ngộ và cũng đã giác ngộ nên gọi là Bồ Tát, có khả năng biết như thật tất cả pháp tướng nhưng chẳng chấp trước nên lại gọi là đại Bồ Tát.
Vì sao đại Bồ Tát, có khả năng biết như thật tướng tất cả pháp mà chẳng chấp đắm? Đại Bồ Tát biết như thật tướng của sắc nhưng chẳng chấp trước; biết như thật tướng của thọ, tưởng, hành, thức nhưng chẳng chấp trước. Đại Bồ Tát biết như thật tướng của mười hai xứ, mười tám giới nhưng chẳng chấp trước; đại Bồ Tát biết như thật tướng của tứ Thánh đế, mười hai nhân duyên, mười tám pháp không; đại Bồ Tát biết như thật ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp Phật bất cộng; đại Bồ Tát biết như thật tướng của quả vị Giác ngộ tối cao nhưng chẳng chấp trước; biết như thật tướng của Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nhưng chẳng chấp trước.
Khi ấy Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Những gì gọi là tất cả pháp tướng?
Thiện Hiện đáp: Nếu do tướng trạng các hành biểu hiện các pháp như vầy: Đây sắc, đây thanh, đây hương, đây vị, đây xúc, đây pháp, đây nội, đây ngoại, đây hữu lậu, đây vô lậu, đây hữu vi, đây vô vi. Những thứ ấy gọi tên là pháp tướng.
2- Sao gọi là Bát nhã Ba la mật?
Thiện Hiện trả lời:
- Có trí tuệ thắng diệu thì biết chỗ cần phải xa lìa, nên gọi là Bát nhã Ba la mật.
Xá lợi Tử hỏi:
- Trí này đối với pháp nào mà được vĩnh viễn xa lìa?
Thiện Hiện đáp:
- Trí này đối với tất cả phiền não kiến thú(1) được vĩnh viễn xa lìa; trí này đối với sáu cõi, bốn loài được vĩnh viễn xa lìa; trí này đối với tất cả uẩn, xứ, giới v.v… được vĩnh viễn xa lìa, nên gọi là Bát nhã Ba la mật.
Lại nữa, Xá lợi Tử! Có trí tuệ thắng diệu thì biết chỗ đạt đến, nên gọi là Bát Bát nhã Ba la mật.
Xá lợi Tử lại hỏi:
- Trí này đối với pháp nào được vĩnh viễn đạt đến?
Thiện Hiện đáp:
- Trí này đối với thật tánh của sắc được vĩnh viễn đạt đến; đối với thật tánh của thọ, tưởng, hành, thức được vĩnh viễn đạt đến, nên gọi là Bát nhã Ba la mật. Trí này đối với thật tánh của mười hai xứ, mười tám giới được vĩnh viễn đạt đến. Trí này đối với tứ Thánh đế, mười hai nhân duyên, mười tám pháp không v.v… được vĩnh viễn đạt đến. Hay nói rộng, Trí này đối với thật tánh của tất cả pháp Phật được vĩnh viễn đạt đến. Như vậy, nên gọi là Bát nhã Ba la mật.
3- Sao gọi là quán các pháp?
Các đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã quán ngũ uẩn chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Quán ngũ uẩn chẳng phải lạc, chẳng phải khổ. Quán ngũ uẩn chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã. Quán ngũ uẩn chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh. Quán ngũ uẩn chẳng phải không, chẳng phải bất không. Quán ngũ uẩn chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng. Quán ngũ uẩn chẳng phải hữu nguyện, chẳng phải vô nguyện. Quán ngũ uẩn chẳng phải tịch tịnh, chẳng phải bất tịch tịnh. Quán ngũ uẩn chẳng phải viễn ly, chẳng phải bất viễn ly.
Nếu nghĩ tưởng như thế thì gọi là quán các pháp.
Cũng như vậy, các đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã quán tất cả pháp Phật chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Quán tất cả pháp Phật chẳng phải lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, chẳng phải không, chẳng phải bất không, chẳng phải hữu tướng, chẳng phải vô tướng, phải hữu nguyện, chẳng phải vô nguyện, chẳng phải tịch tịnh, chẳng phải bất tịch tịnh, chẳng phải viễn ly, chẳng phải bất viễn ly.
Nếu nghĩ tưởng như thế thì gọi là quán các pháp.
4- Vì duyên cớ gì nói sắc chẳng sanh chẳng diệt thì chẳng phải sắc:
1/. Vì duyên cớ gì mà nói là sắc v.v… chẳng sanh thì chẳng phải là sắc v.v…?
Sắc, sắc tánh không; trong tánh không này không có sanh, không có sắc. Thọ, tưởng, hành; thức, thọ, tưởng, hành, thức tánh không; trong tánh không này, không có sanh, không có thọ, tưởng, hành, thức. Do duyên cớ này nên nói sắc chẳng sanh thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức.
Mười hai xứ, mười hai xứ tánh không; trong tánh không này không có sanh, không có mười hai xứ; mười tám giới, mười tám giới tánh không; trong tánh không này, không có sanh, không có mười tám giới. Do duyên cớ này nên nói mười hai xứ chẳng sanh thì chẳng phải là mười hai xứ; mười tám giới chẳng sanh thì chẳng phải là mười tám giới.
Cũng như vậy, tất cả pháp Phật, tất cả pháp Phật tánh không; trong tánh không này không có sanh, thì chẳng phải là tất cả pháp Phật.
2/. Vì duyên cớ gì mà nói là sắc v.v… chẳng diệt thì chẳng phải là sắc v.v…?
Sắc, sắc tánh không. Trong tánh không đây không có diệt, không có sắc. Thọ tưởng hành thức; thọ tưởng hành thức tánh không. Trong tánh không đây không có diệt, không có thọ tưởng hành thức. Xá Lợi Tử! Do vì duyên cớ này, nên tác thuyết là: Sắc chẳng diệt, thời chẳng phải sắc. Thọ tưởng hành thức chẳng diệt thời chẳng phải thọ tưởng hành thức.
Mười hai xứ, mười hai xứ tánh không; trong tánh không này không có diệt, không có mười hai xứ; mười tám giới, mười tám giới tánh không; trong tánh không này, không có diệt, không có mười tám giới. Do duyên cớ này nên nói mười hai xứ chẳng diệt thì chẳng phải là mười hai xứ; mười tám giới chẳng diệt thì chẳng phải là mười tám giới.
Cũng như vậy, tất cả pháp Phật, tất cả pháp Phật tánh không; trong tánh không này không có diệt, thì chẳng phải là tất cả pháp Phật.
5- Vì duyên cớ gì nói sắc v.v… bất nhị thì chẳng phải là sắc v.v…?
Hoặc sắc, hoặc bất nhị; hoặc thọ, tưởng, hành, thức, hoặc bất nhị, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.
Do duyên cớ này nên nói sắc bất nhị thì chẳng phải là sắc; thọ, tưởng, hành, thức bất nhị thì chẳng phải là thọ, tưởng, hành, thức. Hoặc mười hai xứ, hoặc bất nhị; hoặc mười tám giới, hoặc bất nhị, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.
Do duyên cớ này nên nói là mười hai xứ bất nhị thì chẳng phải là mười hai xứ; mười tám giới bất nhị thì chẳng phải là mười tám giới.
Hoặc tứ Thánh đế, hoặc bất nhị; hoặc mười hai nhân duyên, hoặc mười tám pháp không, hoặc lục Ba la mật, hoặc bất nhị, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.
Do duyên cớ này nên nói là tứ Thánh đế bất nhị thì chẳng phải là Thánh đế; mười hai nhận duyên cho đến lục Ba la mật, bất nhị thì chẳng phải là mười hai nhân duyên cho đến lục Ba la mật.
Hoặc tám giải thoát, hoặc bất nhị; hoặc tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, hoặc bất nhị, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.
Do duyên cớ này nên nói là tám giải thoát bất nhị thì chẳng phải là tám giải thoát; tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ bất nhị thì chẳng phải là tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.
Hoặc mười lực của Phật, hoặc bất nhị; hoặc bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, hoặc bất nhị, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.
Do duyên cớ này nên nói Phật mười lực bất nhị thì chẳng phải là Phật mười lực; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng bất nhị thì chẳng phải là bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Hoặc quả vị Giác ngộ tối cao, hoặc bất nhị; hoặc Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, hoặc bất nhị, tất cả pháp ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng.
Do duyên cớ này nên nói là quả vị Giác ngộ tối cao bất nhị thì chẳng phải là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí bất nhị thì chẳng phải là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
6- Vì duyên cớ gì mà nói là sắc v.v… nhập bất nhị pháp số không rối?
Sắc chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác sắc; sắc tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là thọ, tưởng, hành, thức.
Do duyên cớ này nên nói là sắc nhập bất nhị pháp số không rối; thọ, tưởng, hành, thức nhập bất nhị pháp số không rối.
Mười hai xứ chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác mười hai xứ; mười hai xứ tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là mười hai xứ. Mười tám giới chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác mười tám giới; mười tám giới tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là mười tám giới.
Do duyên cớ này nên nói mười hai xứ nhập bất nhị pháp số không rối, mười tám giới nhập bất nhị pháp số không rối.
Thánh đế khổ chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác Thánh đế khổ; Thánh đế khổ tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là Thánh đế khổ. Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác Thánh đế tập, diệt, đạo; Thánh đế tập, diệt, đạo tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là Thánh đế tập, diệt, đạo.
Do duyên cớ này nên nói là Thánh đế khổ nhập bất nhị pháp số không rối; Thánh đế tập, diệt, đạo nhập bất nhị pháp số không rối.
Tám giải thoát chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác tám giải thoát; tám giải thoát tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là tám giải thoát. Tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ.
Do duyên cớ này nên nói là tám giải thoát nhập bất nhị pháp số không rối; tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ nhập bất nhị pháp số không rối.
Phật mười lực chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác Phật mười lực; Phật mười lực tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là Phật mười lực. Bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Do duyên cớ này nên nói là Phật mười lực nhập bất nhị pháp số không rối; bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng nhập bất nhị pháp số không rối.
Quả vị Giác ngộ tối cao chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác quả vị Giác ngộ tối cao; quả vị Giác ngộ tối cao tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là quả vị Giác ngộ tối cao. Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí chẳng khác vô sanh diệt, vô sanh diệt chẳng khác Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí tức là vô sanh diệt, vô sanh diệt tức là Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.
Do duyên cớ này nên nói là quả vị Giác ngộ tối cao nhập bất nhị pháp số không rối; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nhập bất nhị pháp số không rối.
Thích nghĩa đoạn 2. này:
(1). Phiền não kiến thú: Các loại phiền não, gọi chung là Kiến trước nhị phá: Danh từ gọi chung Kiến phiền não và Ái phiền não. Kiến phiền não chỉ cho tất cả phiền não mê lý như ngã kiến, tà kiến, v.v... Còn Ái phiền não thì chỉ cho tất cả phiền não thuộc mê sự như tham dục, sân hận, v.v... Kiến là phiền não chướng do phân biệt mà có, hễ dùng thức để phân biệt đối tượng thì đều gọi là Kiến, như 5 kiến nhiễm ô, chính kiến thế gian, chính kiến hữu học, chính kiến vô học, trong đó 5 kiến nhiễm ô thuộc Kiến phiền não. Còn Ái là phiền não chướng câu sinh (sinh ra đã có), hễ tâm tham nhiễm thì đều gọi là Ái; trong các phiền não mê sự, thì ái trước là gốc của mọi khổ đau, vì thế Ái bao gồm tất cả các phiền não khác. (Phỏng theo Tự điển Phật Quang).
Vì vậy, mắt xích dễ phá nhất trong Thập nhị nhân duyên là Ái, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão tử diệt v.v… Ái đổ thì cái vòng luân hồi của 12 mắt xích sẽ gãy đổ tan hoang. TB
Lược giải:
(Cho đoạn 2.)
Toàn bộ phẩm này nói về tâm sanh diệt: Khi lục căn tiếp xúc với lục trần thì sanh xúc, rồi xúc sanh thọ, thọ sanh ái, ái sanh thủ, thủ sanh hữu, hữu sanh già lão bệnh tử. Đó là một chuỗi dài của sanh, do cái này sanh nên cái kia sanh. Nếu trong đó một mắt xích bị gẫy thì toàn bộ mắt xích sẽ đổ theo. Khi xúc diệt thì thọ diệt, khi thọ diệt thì ái diệt, khi ái diệt thì thủ diệt... cho đến lão tử diệt, do cái này diệt nên cái kia diệt. Một chuỗi dài hết sanh rồi diệt, hết diệt rồi sanh tiếp diễn liên hồi như vậy nên gọi là luân hồi. Chấm dứt luân hồi sanh tử, chứng Niết bàn thì được bất sanh bất diệt. Muốn được như thế thì phải tu tập thiền quán hay giới định huệ, hay tu tất cả pháp Phật để sanh tuệ mục đích xa lìa vọng niệm chấp trước mà được cái an định của thân tâm.
Thiền là nhiếp tâm trong nhất niệm có nghĩa là đình chỉ không để tâm rong ruổi theo khách trần. Quán là quan sát tư duy để tìm chân lý. Nhờ thiền mà đạt quán, nhờ quán mà phát tuệ. Có tuệ soi sáng thì có thể thấy chân như thật tướng.
Còn giới định huệ là gì? Giới là hàng rào ngăn chận tội lỗi từ ngoài vào, nhân giới sinh định, do định phát tuệ. Đó là tam vô lậu học.
Ở đây Bồ Tát quán tất cả pháp kể cả Phật pháp chẳng phải thường-chẳng phải vô thường, chẳng phải lạc-chẳng phải khổ, chẳng phải ngã-chẳng phải vô ngã, chẳng phải tịnh-chẳng phải bất tịnh, chẳng phải không-chẳng phải bất không v.v... Chính nhờ pháp quán này, Bồ Tát vượt qua nhị nguyên đối đãi và thành đạt được tự nhiên trí, vô ngại trí, vô phân biệt trí... mà chứng nhập thật tướng các pháp.
Kết luận:
(Cho toàn phẩm)
Phẩm này tuy chia làm hai, nhưng thật không hai phần. Đoạn một nói về cảm quan và ý thức của con người (tức nói về TÂM) đối với vạn hữu (tức nói về VẬT) xuyên qua các cơ năng của tai mắt mũi lưỡi thân ý. Nếu tâm không bị cảnh lôi cuốn thì tâm như. Tâm như là tâm Như Lai, bất sanh bất diệt, bất nhị. Tâm phân biệt chấp cảnh là tâm sanh diệt luân hồi. Phẩm này chẳng qua là đề cao Chân đế và pháp môn bất nhị, để mở đầu cho phẩm “Vô Sanh” tiếp theo.
Có người hỏi Ngài Bách Trượng Hoài Hải: “Đối mọi cảnh, làm sao được tâm như gỗ đá”? Sư đáp:
- “Tất cả mọi pháp, vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, lại chẳng nói phải trái, dơ sạch, lại cũng chẳng có tâm trói buộc người. Nhưng tự con người hư vọng tính toán, làm như hiểu biết, khởi biết bao tri kiến, sanh biết bao là thương sợ. Chỉ cần hiểu chư pháp không tự sanh ra, tất cả đều từ một niệm của mình, vọng tưởng điên đảo, giữ tướng mà có biết. Tâm và cảnh vốn không đến (với nhau), đương xứ mà giải thoát. Tất cả pháp đương xứ mà tịch diệt, đương xứ đạo tràng và tánh bổn hữu không thể gọi tên xếp thứ, bổn lai chẳng phải phàm mà cũng chẳng phải Thánh, chẳng phải dơ sạch mà cũng chẳng phải có không, lại cũng chẳng phải lành dữ, cùng các pháp nhiễm tịnh tương ưng, gọi là nhân thiên Nhị thừa giới. Nếu tâm chấp nhơ sạch chấm dứt, không trụ trói, không trụ mở, không có mọi hữu vi vô vi thắt buộc thoát tâm lượng xứ, tại sanh tử mà tâm ấy tự tại, rốt lại không cùng với các vọng hư huyễn, trần lao uẩn giới, sanh tử chư nhân hòa hợp, thong dong chẳng nương gá, tất cả không câu thúc, đi ở chẳng ngăn ngại, tới lui sanh tử như cổng mở một thứ. Phàm người học đạo, nếu gặp mọi thứ buồn vui, vừa lòng hay trái ý, tâm chẳng co rụt, không nghĩ đến danh văn, lợi dưỡng, y phục, không tham công đức lợi ích, không bị vướng kẹt bởi các pháp thế gian, không thân không thương, buồn vui thấy bình thường, mặc đồ thô để che lạnh, ăn cơm hẩm để sống, ngố ngố như ngây như điếc, có chút phần tương ưng. Nếu tại tâm học rộng chuyện hiểu biết, cầu phước cầu trí đều là sanh tử, đối với bao đạo lý nào có ích gì, bị cảnh phong của tri giải thổi bay nhận chìm, quày trở lại trong biển sanh tử. Phật là người không cầu, hễ cầu là trái lý. Đó là lý không cầu, hễ cầu là thất mát. Nếu nắm bắt “vô cầu”, thì đồng như hữu cầu. Nếu nắm bắt trước vô vi thì cũng giống như hữu vi. Cho nên Kinh nói: “Không thủ ở pháp, mà không thủ ở chẳng phải pháp, cũng chẳng thủ nơi chẳng phải chẳng phải pháp”. Lại nói: “Pháp Như Lai đắc, pháp này không thật không hư”. Nếu làm một đời tâm như gỗ đá một thứ, không bị bát phong, ngũ dục của ấm giới thổi đùa nhận chìm, thì dứt được nhân sanh tử, pháp trụ tự do. Không bị nhân giải của tất cả hữu vô trói buộc, không bị hữu lậu câu thúc. Lúc khác lại lấy không bị nhân trói buộc làm nhân, đồng sự ích lợi. Lấy vô trước tâm ứng với nhất thiết vật, lấy tuệ vô ngại cởi tất cả trói buộc. Cũng gọi là theo bịnh mà cho thuốc vậy”. (Ngũ Đăng Hội Nguyên)
Câu nói Ngài Bách Trượng Hoài Hải cần nhớ là: “Tâm cảnh không đến với nhau thì giải thoát”./.
---o0o---