Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Luận 07. Mục Tiêu Của Việc Tu Hành Bát Nhã.

12/04/202119:22(Xem: 8216)
Luận 07. Mục Tiêu Của Việc Tu Hành Bát Nhã.

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-563


 

III. PHẦN THỨ III TỔNG LUẬN:

 

TÁNH KHÔNG BÁT NHÃ

(Với những nguyên lý chỉ đạo của nó)

 

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

LUẬN #7. MỤC TIÊU CỦA VIỆC TU HÀNH BÁT NHÃ.

 

  

Đọc xong hết 600 quyển ĐBN chắc ai cũng có thể trả lời câu hỏi này: Mục tiêu của việc tầm cầu Bát Nhã là gì? Câu trả lời khẳng định là: Đạt ngộ, được Chánh Giác và đắc Nhất thiết trí trí. Do tu tập Bát Nhã được Giác ngộ, do Giác ngộ đạt Chánh giác, có Chánh giác tức có trí tuệ tối cao gọi là Nhất thiết trí trí. Đạt được ba mục tiêu này thì có thể qua được bờ kia. Nhưng những mục tiêu trên có phải là cứu cánh của đời sống đạo hay không? Đó là chủ đề của Luận #7. tiếp theo.

 

1. Ba mục tiêu của việc tu hành Bát Nhã:

 

- Quyển thứ 106, phẩm “So Lường Công Đức”, Hội thứ I, ĐBN:

“Thiên Đế Thích bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Muốn chứng đắc Nhất thiết trí(1) của chư Phật, phải cầu Bát nhã Ba la mật; muốn chứng đắc Bát nhã Ba la mật, phải cầu Nhất thiết trí của chư Phật. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng đắc, đều được phát sinh từ Bát nhã Ba la mật; vì Bát nhã Ba la mật như thế đều được phát sinh từ Nhất thiết trí của chư Phật. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng đắc chẳng khác Bát nhã Ba la mật; Bát nhã Ba la mật như thế chẳng khác Nhất thiết trí của chư Phật; Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng đắc cùng với Bát nhã Ba la mật này, nên biết, không hai, không khác.

Lúc bấy giờ, Phật bảo trời Đế Thích:

- Đúng vậy! Đúng như ông đã nói! Kiều Thi Ca! Muốn chứng đắc Nhất thiết trí của chư Phật, phải cầu Bát nhã Ba la mật; muốn chứng đắc Bát nhã Ba la mật, phải cầu Nhất thiết trí của chư Phật. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng đắc, đều được phát sanh từ Bát nhã Ba la mật; Bát nhã Ba la mật như thế đều được phát sanh từ Nhất thiết trí của chư Phật. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng đắc chẳng khác Bát nhã Ba la mật; Bát nhã Ba la mật như thế chẳng khác Nhất thiết trí của chư Phật. Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng đắc cùng với Bát nhã Ba la mật này, nên biết, không hai, không khác. Vì vậy, nên công đức oai thần của Bát nhã Ba la mật thật là hy hữu”.

Điểm xác định đầu tiên mà chúng ta nhận thấy trong đoạn kinh này là: Nhất thiết trí trí mà chư Phật đã chứng chẳng khác Bát nhã Ba la mật; Bát nhã Ba la mật chẳng khác Nhất thiết trí trí của chư Phật. Vì sao? Vì tu Bát nhã Ba la mật đến cuối cùng thì đắc trí Phật và Nhất thiết trí trí cũng từ Bát nhã Ba la mật mà xuất sanh, nên cũng được gọi là trí Phật. Tất cả trí tu luyện Bát nhã Ba la mật đến một mực độ nào thì cũng giống như vàng một khi tôi luyện đúng mức trở thành vàng ròng thì mức độ ngang nhau. Bát Nhã Trí, Nhất thiết trí trí, Vô sư trí, Vô phân biệt trí, Vô trước trí, Vô tận trí, Hậu đắc trí v.v... không hai không khác.

 

- Quyển thứ 123, phẩm “So Lường Công Đức”:

“Thiên Đế Thích hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao lấy vô nhị của Nhất thiết trí làm phương tiện, vô sanh của Nhất thiết trí làm phương tiện, vô sở đắc của Nhất thiết trí làm phương tiện, hồi hướng Nhất thiết trí, tu tập quả vị Giác ngộ tối cao?

Này Khánh Hỷ! Nhất thiết trí và tánh của Nhất thiết trí là không. Vì sao? Vì Tánh không của Nhất thiết trí cùng với quả vị Giác ngộ tối cao kia không hai, không khác”.

Ở đây Tánh Không của Nhất thiết trí trí được nâng lên ngang hàng với Quả vị Giác ngộ tối cao. Điều này cũng dễ hiểu, vì quả vị Giác ngộ tối cao mà kinh đề cập ở đây là Như Lai Chánh Đẳng Chánh giác. Bộ ba Giác ngộ, Chánh giác và Nhất thiết trí trí đi liền với nhau và cũng không thể tách rời Bát Nhã Tánh không.

 

- Vì vậy, Quyển thứ 130, phẩm “So Lường Công Đức” Hội thứ I, ĐBN. Nói:

“(…)Nên biết Bát nhã Ba la mật tức là Ứng Chánh Đẳng Giác, nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tức là Bát nhã Ba la mật; nên biết Bát nhã Ba la mật chẳng khác Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng khác Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều y nơi Bát nhã Ba la mật tinh cần tu học, mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao”.

Phẩm “So Lường Công Đức” là một trong những phẩm dài của ĐBN. Phẩm này so sánh công đức của người tu Bát nhã Ba la mật được Giác ngộ, đắc Nhất thiết trí trí và trở thành Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác. Nên được trích dẫn ở đây để chứng minh người hành trì Bát nhã Ba la mật đến rốt ráo thì có thể đạt được ba mục tiêu tối cao đó trong Phật đạo.

 

1- Bát Nhã và Giác ngộ (Bodhi or Sambodhi):

  

“Không giác ngộ không phải là Bát Nhã”. Đó là câu nói trên đầu môi chót lưỡi của các Thiền sư mà chúng tôi lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây không phải là câu nói phô trương cốt ý tán tụng Bát Nhã. Trên thực tế, lịch sử đã chứng minh câu nói này. Nên, phẩm, “So Lường Công Đức”, quyển 130, Hội thứ I, ĐBN, Phật bảo: “... Kiều Thi Ca! Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều y nơi Bát nhã Ba la mật đa tinh cần tu học, mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao”.

Phẩm “Khen Bát Nhã”, quyển 172, Hội thứ I, ĐBN. Nói: “... Bát Nhã chẳng khác Phật; Phật chẳng khác Bát Nhã; Bát Nhã tức là Phật, Phật tức là Bát Nhã”.

Bát Nhã là Phật mà Phật là bậc Giác ngộ. Vậy, Bát Nhã, Phật, Giác ngộ không hai không khác.

 

Phẩm “Chơn Như”, quyển 318, Hội thứ I, ĐBN, Phật bảo các Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc:

“Đúng vậy! Đúng như lời các ngươi đã nói! Uẩn, Xứ, Giới cho đến tất cả pháp Phật tức là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí tức là Uẩn, Xứ, Giới cho đến tất cả pháp Phật. Uẩn như, Xứ như, Giới như và tất cả pháp Phật như tức là Nhất thiết trí trí như, Nhất thiết trí trí như tức Uẩn Xứ Giới như cho đến tất cả pháp Phật như đều đồng một như, không hai, không khác, cũng không cùng tận.

Này các Thiên tử! Ta quán nghĩa này, tâm thường hướng đến chỗ vắng lặng, chẳng ưa thuyết pháp. Vì sao? Vì pháp này sâu xa khó thấy, khó biết, chẳng có thể suy tầm, vượt cảnh suy tầm, vi diệu vắng lặng. Người trí tuệ mới có thể hiểu được, chẳng phải hạng người tầm thường trong thế gian có thể tín thọ, đó là Bát nhã Ba la mật sâu xa tức là quả vị Giác ngộ tối cao mà Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng”.

Tất cả những dẫn chứng trên chỉ cốt chứng minh thọ trì Bát Nhã thì được Giác ngộ. Phật tu hành Bát Nhã nên Phật Giác ngộ. Vậy, Bát Nhã, Giác ngộ và Phật không hai không khác. Dẫu vậy, Giác ngộ không phải là độc quyền của Phật. “Nhưng, Giác ngộ là một vùng cấm địa không phải bất cứ ai cũng có thể đặt chân vào. Muốn thâm nhập phải đột phá với tất cả khí lực bình sanh. Không thể dùng lý luận suông, nghĩ tưởng siêu hình hay dùng văn tự ngôn thuyết mà có thể thâm nhập được. Muốn vào đó phải thay đổi cả phẩm cách theo chiều rộng lẫn chiều sâu với tất cả tâm và trí để trở thành một bậc toàn chân, toàn giác”(2). Muốn thế thì phải rèn luyện tâm và trí một cách toàn triệt mới có thể chứng ngộ Bát nhã Ba la mật.

 

2- Bát Nhã và Chánh giác (Sambodhi):

 

A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ đề. A Nậu Đa La dịch ý là Vô thượng (trên tất cả), Tam Miệu Tam Bồ đề dịch ý là chính biến tri (trí tuệ giác ngộ bình đẳng, viên mãn). Vì cái đạo mà Phật giác ngộ được xem là cao cả, cho nên gọi là vô thượng; vì đạo ấy châu biến, bao trùm hết thảy, cho nên gọi là chính biến tri. Nên, tu Bát Nhã ngoài việc Giác ngộ còn được gọi là Vô Thượng Chính Đẳng Chánh Giác. Nên phẩm, “So Lường Công Đức”, quyển 130 nói ở trên của Hội thứ I, ĐBN. Nói:

“Kiều Thi Ca! Nên biết Bát nhã Ba la mật tức là Ứng Chánh Đẳng Giác, nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác tức là Bát nhã Ba la mật; nên biết Bát nhã Ba la mật chẳng khác Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; nên biết Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng khác Bát nhã Ba la mật... ”.

 

3- Bát Nhã và Nhất thiết trí trí (Sarvajnatà):

 

- Phẩm “Cúng Dường Tháp Bảo”, quyển 540, Hội thứ IV, TBBN. Phật bảo trời Đế Thích:

- “Ta lại hỏi ngươi, tùy ý ngươi đáp. Ý ngươi nghĩ sao Như Lai đã được Nhất thiết trí trí, đã chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và thân hiện tại nương theo đạo nào tu học mà được?

Trời Đế Thích thưa:

- Như Lai đã được Nhất thiết trí trí, đã chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và thân hiện tại đều nương vào Bát nhã Ba la mật tu học mà được”.

Thân Như Lai, Giác ngộ của Như Lai, Nhất thiết trí trí của Như Lai, quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của Như Lai cũng từ Bát nhã Ba la mật mà ra.

 

- Một đoạn kinh khác, phẩm “So Lường Công Đức”, quyển 106, Hội thứ I, ĐBN. Phật cũng bảo trời Đế Thích:

 “Muốn chứng đắc Nhất thiết trí của chư Phật, phải cầu Bát Nhã; muốn chứng đắc Bát Nhã, phải cầu Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Nhất thiết trí của chư Phật đã chứng, đều xuất sanh từ Bát Nhã; Bát Nhã như thế đều xuất sanh từ Nhất thiết trí”.

 

- Phẩm “Tương Ưng”, quyển 05, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo:

“... Nhất thiết trí trí tức là Phật hay Bồ đề, Phật hay Bồ đề tức là Nhất thiết trí trí”.

 

- Vì vậy, phẩm “Chơn Như”, quyển 323, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo:

“Xá Lợi Tử! Ví như có chim thân tượng nó lớn dài trăm do tuần, hoặc lại hai trăm cho đến năm trăm do tuần, mà không có cánh. Chim này từ cung trời Ba mươi ba gieo mình xuống tới châu Thiệm bộ. Khi đang giữa đường nó khởi nghĩ rằng: Ta muốn trở lại trời Ba mươi ba. Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Chim ấy có thể trở lại trời Ba mươi ba được không?

Xá Lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thể trở lại được.

Phật bảo: Xá Lợi Tử! Giữa đường chim này hoặc khởi nguyện đây: Đến châu Thiệm Bộ phải khiến thân ta không bị tổn hại. Xá Lợi Tử! ý ông nghĩ sao? Chim này có toại nguyện được chăng?

Xá Lợi Tử thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng được. Chim ấy khi đến châu Thiệm bộ này, thân nó quyết định sẽ bị tổn hoại, hoặc đến mất mạng, hoặc khổ gần chết. Vì cớ sao? Bạch Thế Tôn! Thân chim này lớn từ cao rơi xuống, lại không có cánh vậy.

Phật nói:

- Xá Lợi Tử! Như vậy, đúng như ngươi vừa nói. Xá Lợi Tử! Có các Bồ Tát cũng lại như vậy. Tuy trải qua đại kiếp như số cát sông Hằng siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, cũng tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn, tác rộng đại sự, phát rộng đại tâm, muốn chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề nhiệm mầu, mà không tu Bát nhã Ba la mật, xa lìa sức phương tiện khéo léo nên bèn đọa Thanh văn hoặc đọa Độc giác. Vì cớ sao? Xá Lợi Tử! Các Bồ Tát này xa lìa tâm Nhất thiết trí, dù trải nhiều kiếp siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự; cũng tu không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn mà không tu Bát nhã Ba la mật, cũng không sức phương tiện khéo léo nên bèn đọa Thanh văn hoặc đọa Độc giác”.

 

Qua các đoạn Kinh trên cho phép ta kết luận: Do tu tập Bát nhã Ba la mật mà được Giác ngộ và khi Giác ngộ sẽ trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Khi đạt Chánh giác thì có Nhất thiết trí trí. Vậy, Giác ngộ, Chánh giác và Nhất thiết trí trí không hai không khác. Đó là kết quả tất nhiên của những ai từng tầm cầu, tu tập và thực hành Bát nhã Ba la mật. Phẩm “Chúc Lụy”, quyển 346, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo:

“Nên biết, Nhất thiết trí trí, quả vị Giác ngộ tối cao, sở đắc của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều nương vào Bát Nhã mà xuất sanh. Bát Nhã như thế là mẹ của các đại Bồ Tát, sanh ra các đại Bồ Tát. Bát Nhã như thế là kinh điển sáu phép Ba la mật sâu xa, là tạng pháp vô tận của chư Như Lai”.

Nhưng không phải do tu học Bát nhã Ba la mật thì được Giác ngộ, do Giác ngộ mà có Chánh giác, rồi do Chánh giác mới đắc Nhất thiết trí trí. Trên phương diện trình bày tưởng chừng như theo một tiến trình có thứ lớp. Trong thực tế Nhất thiết trí trí không phải là hệ quả của Giác ngộ hay Chánh giác. Nói khác, không phải do cái này có nên cái kia có hay ngược lại. Tất cả đều cùng hỗ tương sanh khởi, tất cả hiện ra cùng một lúc khi khi sao mai vừa mọc thì Phật chứng Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Khởi thủy của việc thực hành Bát nhã Ba la mật được xem như là phương tiện để thành tựu Giác ngộ và Nhất thiết trí trí, hay nói khác Giác ngộ và Nhất thiết trí trí là thành quả của việc thực hành này. Tuy nhiên, khi đạt được Giác ngộ và Nhất thiết trí trí rồi, thì cả ba chỉ là một. Nhưng, trên thực tế lúc nào cũng đề cao vai trò thực hành của Bát nhã Ba la mật và xem nó như là bộ phận mẹ sanh ra chư Phật và Bồ Tát. Vì vậy, mới nói chính nhờ Bát Nhã mà chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai xuất hiện, chính nhờ chư Phật xuất hiện nên Nhất thiết trí trí xuất hiện, và cũng chính nhờ Nhất thiết trí trí xuất hiện mà Bát nhã Ba la mật xuất hiện. Rồi lại nhờ Bát nhã Ba la mật mà chư Phật xuất hiện... cứ thế tiếp diễn. Ở đây, sự xuất hiện của Bát Nhã, Giác ngộ, Chánh giác và Nhất thiết trí trí chẳng khác nào như một chu trình “con gà đẻ cái trứng”.

 

Để hiểu như thế nào là Giác ngộ, Chánh giác hay Nhất thiết trí trí, xin chậm rãi đọc luận giải đầy trí tuệ của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận quyển hạ do HT Thích Tuệ Sĩ dịch:

“Bát Nhã trong khởi thủy được coi là phương tiện để thành tựu giác ngộ, mục đích tối thượng của pháp môn Phật học. Nhưng bây giờ nó đã được đồng hóa với chính mục đích đó, Bát Nhã (Prajna) là Giác ngộ (Sambodhi); bởi vì trong kinh nghiệm của Phật giáo, Bát Nhã chỉ có thể hành động theo bản tính thanh tịnh nguyên thủy của nó khi nào có giác ngộ. Chừng nào Bát Nhã còn đặt đích nằm ở bên ngoài, nó chưa phải là nó, chưa ở trong trạng thái thuần tịnh của nó; chỉ khi nào được đồng nhất với giác ngộ, nó mới trở về nguyên tính của nó. Bao lâu giác ngộ còn phải được săn đuổi bằng vào Bát Nhã, thì không những giác ngộ còn xa vời với các Ngài mà cả đến Bát Nhã vẫn không thể hành động theo tác dụng bản hữu của nó. Bát Nhã là Bát Nhã thì phải là một với Giác ngộ. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, Bát Nhã tự hiển lộ và nhận ra khuôn mặt chân thực, không tì vết, trong giác ngộ. Khi sự thực hành Bát nhã Ba la mật được khôn khéo thực hiện tới cao độ, sự đồng nhất của Bát Nhã và giác ngộ phải hoàn tất, phải trở thành thực tế.

Trên khái niệm, Bát Nhã khởi sự những vận động đầu tiên của nó hướng tới thẩm định cái giả thiết làm đối tượng cho nó. Tuy nhiên, khi Bát Nhã thực sự nắm được đối tượng, thì sở tri và năng tri trở thành một, tình trạng thiên chấp chấm dứt và bây giờ là tình trạng của đồng nhất vô phân biệt, gọi đó là giác ngộ, và cũng là nhất thiết trí (sarvajnata). Kinh nghiệm này cũng có thể được mô tả như vậy: Trước hết Bát Nhã tự phân đôi hay tự mâu thuẫn để tự thấy, đó là bắt đầu tình trạng phân đôi như phương tiện và cứu cánh, chủ thể và khách thể, cái này và cái kia, cái thấy và cái bị thấy. Khi tác dụng tự thấy đã hoàn tất, không còn có phân đôi trong Bát Nhã, Bát Nhã hiện hành trong giác ngộ, và giác ngộ hiện hành trong Bát Nhã. Bát Nhã thấy đâu cũng mang danh hiệu Bát Nhã, chỉ khác trong cách gọi. Bát Nhã là một danh hiệu; giác ngộ cũng là một danh hiệu khác, Niết bàn là một danh hiệu khác nữa, cứ thế, vân vân. Thế tức là, tất cả những danh hiệu đó chỉ giả danh, chúng được phân biệt như thế vì tiện ích của tri thức chúng ta. Cái thực và cái chân, là cái một của những danh hiệu đó, và chính là cái đó.

Vậy Bát Nhã tức Chính giác (Sambodhi), hay giác ngộ. Bát Nhã là Nhất thiết trí (Sarvajnatà) Bát Nhã là Niết bàn, Bát Nhã là Chân như (Tathàtà), Bát Nhã là Tâm (Citta), Bát Nhã là Phật tánh (Buddhatà); vậy thì tự thân Bát Nhã bản lai vốn Bất khả đắc (anupalabdha) và Bất khả tư nghị (acintya). Bất khả đắc và Bất khả tư nghị đó, là cơ sở của hết thảy mọi thực tại và tư tưởng. Do đó, lẽ đương nhiên, các tác giả của các Kinh Bát nhã Ba la mật tán dương Bát Nhã như một người tạo ra những phép lạ, gần như nhân cách hóa Bát Nhã thành một đối tượng tôn sùng và sau hết đòi hỏi những ai tin nó nên chí thành cung kính đối với tất cả những Kinh văn nào có chứa đựng giáo thuyết Bát Nhã, coi như chính chúng là những hóa thân sinh động linh hoạt của khả năng hoàn tất những sự kỳ diệu. Không phải chỉ nên học hỏi (paryvapti), tụng đọc (vacarna) nhớ nghĩ (dharana), và sao chép (lekhana), nhưng còn được khuyến khích là nên cung kính (satkara) và cúng dường (gurakara), bằng các phẩm vật (puja) như tràng hoa, hương, dù, đèn, cờ, phướn, lọng và y phục. Còn về thiện căn tăng trưởng từ tín tâm (abhisraddha: thâm tín) và tín nhiệm (adhmukti: thắng giải) với sự nhiệt thành tích cực (adhyàsayata: thâm tâm hay cao chí) trong Bát nhã Ba la mật, thì không có một ai có thể mong nhận chân nó một cách xác thực. Khía cạnh sùng bái của Bát nhã Ba la mật được nối kết kỳ lạ với tính chất siêu hình cao vút cùng tột của nó.

Tuy nhiên, kỳ cùng, chủ đề của các Kinh Bát nhã Ba la mật là Bồ Tát hạnh, tức thực hành Bát nhã Ba la mật để nhờ đó chứng tới giác ngộ tối thượng. Vấn đề thực hành Bát Nhã như thế nào, không ngớt được nêu lên và được giải đáp; và đấy chính là trọng điểm lôi cuốn nhất của tất cả các Kinh Bát Nhã.

Nếu thành tựu được, việc học Phật đã đến cùng đích. Nhưng, như đã nói trước, việc thực hành Bát Nhã và việc khởi tâm giác ngộ, cả hai không cùng một bản chất đồng loại. Giác ngộ nẩy ra từ sự thực hành đó như hoa nở ra từ cây; đời sống tiếp nối nên tức là một. Như vậy, lý luận sau đây rất đúng: Bát Nhã hiện hình trong các sở hành, và cái hành đó là nội dung của giác ngộ, cho nên, Bát Nhã là giác ngộ hay chính giác. Prajnà Sambodhi cũng có thể được khẳng định theo khía cạnh thực hành của vấn đề. Tất cả những chữ này luôn luôn được dùng thay đổi nhau trong các Kinh Bát nhã Ba la mật, cá tính của chúng có thể áp dụng ngang nhau. Sự thực, bộ ba: Parjnà(Bát Nhã) = Sambodhi(Chánh giác) = Sarvajnatà(Nhất thiết trí trí) là sợi dây nối liền những chuỗi giáo thuyết sai biệt trong chúng. Các Ngài thử kéo ra một khoen, là kéo luôn các khoen còn lại. Nhưng nếu chúng ta muốn phân biệt, ở đây có thể định nghĩa Bát Nhã (Prajnà) như là một dụng cụ nhận thức nhờ đó mà đạt tới Nhất thiết trí (Sarvvajnatà), trong khi giác ngộ (Bodhi) hơi nghiêng về tâm lý một chút theo nghĩa nó chỉ điểm một trạng thái thức tỉnh của tâm linh. Bát Nhã có sẵn trong mọi chúng sinh không phân biệt, dù chưa bộc lộ bằng tác dụng thuần tịnh tuyệt đối của nó. Nơi đức Phật, Bát Nhã là Nhất thiết trí, bởi vì Ngài ở trong trạng thái giác ngộ toàn vẹn.

Trong Kinh Đại Bát Nhã (Mahaprajna - paramita), Giác ngộ, hay Bồ đề, được diễn tả bằng những chữ như sau: “Bồ đề (Bodhi, giác ngộ) là Không nghĩa (sunyata), là Chân như nghĩa (tathata) là Thật tế nghĩa (dharmata). Thế nhưng, đấy là những danh tướng giả lập, những ngôn thuyết tạm thời. Bồ đề là chân thật giác, là tối thượng diệu. Bồ đề là chân, là thật, là không hư vọng, không biến dị, không bị phá hoại, không phân biệt; Bồ đề là thanh tịnh chân thật là giác ngộ cùng khắp mà Phật sở hữu. Bồ đề là sự viên mãn căn bản từ đó chư Phật hiện Đẳng chính giác soi thấy hết thảy các pháp, hết thảy chủng tướng; vượt ngoài mọi danh ngôn thế tục tạm thời.

Khi Bodhi, giác ngộ, được diễn tả bằng những đồng hóa khác nữa như thế, kết quả cho thấy hơi hỗn tạp, vậy cần có thêm những nhận xét sau đây. Nếu chúng ta đề cập thẳng vào tính cách biểu lộ của nó, thì Bát Nhã có thể tự hiển lộ bản thân, và chúng ta có thể nói thế này: Bát Nhã là soi thấy yếu tính của sự vật như thế là như thế (yathàbhùtam); Bát Nhã soi thấy sự vật y theo Bản tánh không của chúng; khi soi thấy sự vật như thế là đạt tới biên tế của thực tại, tức là vượt ra ngoài lãnh vực tri kiến của con người; và do đó, Bát Nhã nắm cái không thể nắm, đạt cái không thể đạt, hiểu cái không thể hiểu; khi lối diễn tả bằng trí năng về tác dụng của Bát Nhã ấy được diễn dịch thành những hạn từ luận lý, nó là cái không trước vào đâu dù nó là một ý tưởng hay một cảm giác.

Chúng ta đọc trong phẩm “Devaparivarta” của Astasàhasrika-pàramità: “Những ai khởi sự thực hành Bát Nhã phải thực hành tất cả sáu Ba la mật để hồi hướng công đức cho chứng ngộ Vô thượng Chính giác. Tuy nhiên, khi hồi hướng như thế, đừng bao giờ thủ trước (paràmrksa) giác ngộ coi đó là mục tiêu cho các thực tập của mình, cũng đừng thủ trước năm uẩn (skandha) coi đó như là những thực tại cá biệt bất loại. Bởi vì nhất thiết trí (sarvajnatà) là cái vô thủ trước (aparàmrstà).

“Vô thủ trước” tức là “vô chấp”. Bất khả đắc và Bất khả tư nghị là bản tánh của Bát Nhã, Bồ Tát khi đã khôi phục được hoạt dụng nguyên thủy của nó, tự nhiên sẽ không chấp thủ dù là chấp thủ Bát Nhã, Nhất thiết trí hay Chính giác. Đó là một giai đoạn quan trọng trong đời sống của Bồ Tát ”.

Chứng đắc là một sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ ba Bát Nhã, Giác ngộ và Nhất thiết trí trí. Không có yếu tố lẻ loi nào giữ tính cách quyết định đưa đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Tu tập thực hành Bát Nhã và các pháp mầu Phật đạo theo thời gian với tất cả khí lực bình sanh sẽ đưa đến chứng ngộ. Khi thời tiết đến thì cây sẽ đơm hoa kết trái thôi.

 

2. Cần cầu, tín thọ phụng hành Bát Nhã như thế nào?

 

1-Cầu Bát Nhã?

 

Suốt toàn bộ Đại Bát Nhã lúc nào cũng nhắc đến phải là người có nhiều phúc duyên, trong quá khứ trải qua trăm ngàn muôn kiếp, phát nguyện rộng lớn, trồng các cội lành, tích tụ không biết bao nhiêu công đức, gần gũi phụng sự cung kính cúng dường không biết bao nhiêu thiện tri thức và chư Phật mới có phúc duyên đọc tụng thọ trì Bát nhã Ba la mật.

Một nhân vật thường được mọi người nhắc nhở khi đọc tụng Đại Bát Nhã là Thường Đề Bồ Tát, phải chẻ xương bán tủy để cầu nghe Bát Nhã được miêu tả tỉ mỉ trong phẩm “Bồ Tát Thường Đề”, đầu quyển 398, Hội thứ I, ĐBN. Còn về phần Phật, phẩm “Khen Các Đức Tướng”, quyển 99, Hội thứ I, ĐBN. Phật tự thuật về trường hợp cầu pháp vô thượng và được thọ ký như sau: “Các ngươi phải biết: Ta thuở xa xưa, thời Nhiên Đăng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời, nơi ngã tư đường, trong thành Chúng Hoa, lễ kiến Phật Nhiên Đăng, rải năm cọng hoa, trải tóc che bùn, cầu nghe pháp Vô thượng”. Câu chuyện không phải giản dị như vậy, Phật sử kể rằng Phật phải làm việc vất vả nhưng cũng không đủ tiền để mua năm cọng hoa cúng Phật, may nhờ cô gái tặng 5 cọng hoa để cúng dường, lại phải trải tóc che bùn cho Phật Nhiên Đăng bước qua để cầu pháp Vô thượng.

Pháp Vô thượng đó chính là lục Ba la mật và các pháp mầu Phật đạo. Vậy mới biết cầu pháp không phải dễ: Một người phải chẻ xương bán tủy, một người phải làm việc vất vả mà không đủ tiền mua hoa cúng dường lại còn phải trải tóc che bùn để cho Phật bước qua. Ngày nay, kinh Phật đầy dẫy mà chẳng ai thèm ngó ngàng đến, thật lãng phí cuộc đời, uổng cho số kiếp.

 

1/. Cầu Bát Nhã ở đâu?

Phẩm “Cầu Bát Nhã”, quyển 94 trở đi, Hội thứ I, ĐBN. Cụ thọ Thiện Hiện bảo trời Đế Thích:

- “Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi sắc, chẳng nên cầu Bát Nhã nơi thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng nên lìa sắc, chẳng nên lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát Nhã. Vì sao? Vì hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức; hoặc lìa sắc hoặc lìa thọ, tưởng, hành, thức, hoặc đại Bồ Tát, hoặc Bát Nhã, hoặc cầu tất cả các thứ ấy đều chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, đều cùng một tướng, chỗ gọi là vô tướng. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát tu hành chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng phải là lìa sắc, chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì tất cả các thứ ấy đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được nên Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát tu hành chẳng phải sắc, chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức; chẳng phải là lìa sắc, chẳng phải lìa thọ, tưởng, hành, thức. Vì vậy, nên đại Bồ Tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi sắc, chẳng nên cầu Bát Nhã nơi thọ, tưởng, hành, thức; chẳng nên lìa sắc, chẳng nên lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát Nhã.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi 12 xứ, 18 giới, chẳng cầu Bát Nhã nơi Tứ đế, 12 nhân duyên, 18 pháp không, chơn như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế… Đại Bồ Tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, 37 pháp trợ đạo, 18 pháp Phật bất cộng. Đại Bồ Tát chẳng nên cầu Bát Nhã nơi Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí… cho đến chẳng nên cầu Bát Nhã nơi quả vị Giác ngộ tối cao. Các đại Bồ Tát cũng chẳng nên lìa Bát Nhã nơi 12 xứ 18 giới, chẳng lìa Bát Nhã nơi Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật chẳng nên cầu cũng chẳng nên lìa tất cả pháp ấy.

(...)Vì tất cả các pháp ấy đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được nên Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát tu hành chẳng phải Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao; cũng chẳng phải là lìa Tứ đế cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì vậy, nên Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát tu hành chẳng nên cầu cũng chẳng nên lìa tất cả các pháp nói trên”.

- Bát nhã Ba la mật dạy rằng chẳng nên ở trong sắc hay lìa sắc mà cầu Bát Nhã, cũng chẳng nên ở trong thọ, tưởng, hành, thức hay lìa thọ, tưởng, hành, thức mà cầu Bát Nhã. Vì Bát Nhã nầy cùng với uẩn xứ giới đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, không sắc, không hình, không đối, chỉ là nhất tướng chỗ gọi vô tướng. Nhẫn đến chẳng nên ở trong Nhất thiết chủng trí mà cầu Bát Nhã, cũng chẳng lìa Nhất thiết chủng trí mà cầu. Vì sao? Vì tất cả pháp đều vô sở hữu bất khả đắc.

 Nói vô sở hữu bất khả đắc là lối nói có tánh cách “bác học”. Còn chúng ta nói uẩn xứ giới là cái cần phải xa lìa, vì chúng tạo sa ngã tham ái. Nhưng uẩn xứ giới là sanh địa, là môi trường sống. Nếu lìa chúng thì làm sao sống. Vì vậy, Kinh bảo “Bồ Tát tu hành Bát Nhã chẳng nên cầu cũng chẳng nên cầu lìa tất cả pháp ấy”.

Còn câu nói “Bát Nhã nầy cùng với uẩn xứ giới đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, không sắc, không hình, không đối, chỉ là nhất tướng chỗ gọi vô tướng”. Cũng là lối nói bác học. Kinh nói: Pháp không thấy pháp, pháp không biết pháp, pháp không sanh pháp... Thấy hay biết là do con “mắt thịt” của phàm phu, nên sanh ý thức hay cảm quan. Ý thức, cảm quan lúc nào cũng thấy pháp tương ưng, thấy có sắc, có hình, có tướng, có đẹp có xấu đối đãi..., đó là so đo phân biệt. Nên Kinh thường xuyên nhắc nhở phải quán các pháp là huyễn, là mộng, như bào ảnh, bọc bóng v.v... Huyễn hay mộng v.v... tức là không, không có thực thể nên nói là không, đó là cái nhất tướng chỗ gọi là vô tướng. Đã nói là vô tướng tức không có tướng gì để phân biệt, so đo nữa, nên nói là như như. Như đó là bất động, như đó là bình đẳng nên nói là thanh tịnh. Như đó cũng là tịch tĩnh hay Niết bàn. Phật thuyết như vậy, Thiện Hiện cũng thuyết như vậy. Thầy nói như vậy, trò nói như vậy, nên Thiện Hiện mới được gọi là tùy Như Lai sanh và những ai tùy thuận như vậy cũng được gọi là tùy Như Lai sanh không riêng gì Thiện Hiện.

 

Kinh cũng nói Bồ Tát hành Bát Nhã “chẳng nên cầu Bát Nhã nơi Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí… cho đến chẳng nên cầu Bát Nhã nơi quả vị Giác ngộ tối cao”. Chẳng cầu Nhất thiết chủng trí, chẳng cầu quả vị Giác ngộ tối cao thì làm sao chứng Vô Thượng Giác ngộ, làm sao độ chúng sanh, làm sao thành thục hữu tình, thanh tịnh Phật độ? Chẳng cầu cũng chẳng cầu lìa có nghĩa là đừng nắm bắt buông bỏ nữa thì sẽ được sở cầu. Một khi có nắm bắt, buông bỏ là có nương vịn... như chim nương cành như dây leo nương dậu…thì Bát Nhã không còn ở đó nữa.

 

Cầu pháp vẫn phải cầu, không cầu lấy gì để học để tu. Cần pháp như cần hơi thở, không có pháp làm sao tu. Nhưng không nên cầu ở trong sở hành. Ở đâu Kinh Bát Nhã cũng khuyến cáo là không thấy người hành, không thấy chỗ hành, không thấy thời hành là hành Bát nBa la mật. Hành như vậy gọi là vô đạo hành, vô công dụng hạnh mới mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Nên đoạn sau, Kinh lại bảo: “Bồ Tát Ma ha tát sở hành Bát nhã Ba la mật, đấy là đại Ba la mật, đấy là vô lượng Ba la mật, đấy là vô biên Ba la mật”. Sở hành chính là mục tiêu của việc tu tập thực hành đạo pháp. Hành mà không có sở hành là hành cái gì? Hành vẫn hành, Kinh cũng xác nhận như vậy. Nhưng đừng chấp năng sở, đừng mong cầu nắm bắt, đừng để ngã, ngã sở dính vào. Đó là chơn hạnh của Bồ Tát Ma ha tát, chơn hạnh của đạo Bồ đề.

 

1).- Chẳng cầu ở sở hành:

Cầu pháp vẫn phải cầu, không cầu lấy gì để học để tu. Không cầu pháp, không có pháp làm sao tu. Nhưng không nên cầu ở trong sở hành. Tại sao không cầu nơi sở hành? Vì tất cả pháp đều có dời động, nương chấp, đổi thay…, Bồ Tát biết rõ tất cả như vậy, nên ở trong đó không hành, không quán nữa.

Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyền 599, Hội thứ XVI, ĐBN. Nói: “Các Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng hành uẩn xứ giới đắm không đắm; cũng chẳng hành uẩn xứ giới thanh tịnh không thanh tịnh; chẳng hành sở duyên hợp hay lìa. Vì tất cả đều có dời chuyển, nương chấp, dao động, hoặc hành hoặc quán, Bồ Tát biết rõ tất cả như vậy, nên ở trong đó không hành, không quán nữa.

Các Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại đắm không đắm; chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại thanh tịnh không thanh tịnh; chẳng hành uẩn xứ giới quá khứ vị lai hiện tại sở duyên hợp hay lìa. Vì sao chẳng hành? Vì các Bồ Tát này hành Bát nhã Ba la mật đều chẳng thấy pháp hành, chẳng hành. Các Bồ Tát ấy đều không có sở hành nên có thể ngộ nhập biết rõ các hành mà tu hành Bát nhã Ba la mật. Nếu các Bồ Tát năng hành như thế, mau được viên mãn pháp Nhất thiết trí”.

Đó là một phần quan điểm trong toàn bộ giáo lý Bát Nhã đối với uẩn xứ giới và tất cả pháp hay nói là một phần trong toàn bộ quan điểm về nhân sinh và vũ trụ quan Bát Nhã được tóm tắt trong quyển 599 này. Ý chính ở đây là không nên phân biệt các pháp. Có phân biệt là có chấp, có chấp là có trói buộc, có nương tựa, có động chuyển, có hý luận, có hợp có lìa. Có hợp có lìa là có được có mất tức có sanh diệt. Có sanh diệt là có động chuyển nên có sầu, than, khổ, ưu, não.

Lên một tầng nữa Bồ Tát chẳng hành dù đắm hay chẳng đắm, dù thanh tịnh hay chẳng thanh tịnh. Vì vậy, kinh mới bảo là chẳng cầu nơi sở hành mà cầu Bát Nhã trong sở thuyết của cụ thọ Thiện Hiện.

 

2).- Sở hành Bát Nhã phải cầu ở trong sở thuyết của Thiện Hiện: 

Câu hỏi ở trên là phải cầu pháp (Bát Nhã) ở đâu? Bây giờ chúng ta phải trả lời câu hỏi kế tiếp của Kiều Thi Ca(hay Thiên Đế Thích): Sở hành của Bồ Tát phải cầu ở đâu? Phẩm “Cầu Bát Nhã”, quyển 89, Hội thứ I, ĐBN. “Thiên Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử rằng: Bạch Đại đức! Sở hành Bát nhã Ba la mật của Bồ Tát Ma ha tát phải cầu ở đâu? Xá Lợi Tử đáp: Kiều Thi Ca! Sở hành Bát nhã Ba la mật của Bồ Tát Ma ha tát phải cầu ở trong sở thuyết của Thiện Hiện”.

Sở thuyết của Thiện Hiện trong toàn bộ ĐBN này là thuyết không, học không, hành không, vô tướng, vô tác, vô nguyện. Thiện Hiện được xem là đệ tử “giải không bậc nhất” thời bấy giờ. Mặc dù thuộc hàng Thanh văn nhưng Thiện Hiện có đầy đủ “chất lượng” của một Bồ Tát. Vì vậy, Phật giao cho Thiện Hiện vai trò dạy bảo trao truyền Bát nhã Ba la mật. Nên khi được hỏi sở hành của Bồ Tát phải tìm ở đâu thì Xá lợi Tử liền trả lời: Phải tìm sở hành Bát Nhã của Bồ Tát nơi sở thuyết của Bát nhã Ba la mật.

 

- Phẩm “Chơn Như”, quyển 319, Hội thứ I, ĐBN. Các Thiên tử cõi Dục và cõi Sắc bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thượng tọa Thiện Hiện tùy Như Lai sanh, là chơn đệ tử của Phật. Vì sao? Vì tất cả các pháp mà Thượng tọa Thiện Hiện đã thuyết đều tương ưng với không”.

 

- Phẩm “Đế Thích”, quyển 539, Hội thứ IV, TBBN một lần nữa chứng minh điều đó khi Đế Thích bạch Thiện Hiện:

- “Đúng vậy! Như Tôn giả đã dạy, các đại Bồ Tát đối với các pháp đều nên theo lời dạy (sở thuyết) của Tôn giả mà học.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo Đế Thích:

- Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Các đại Bồ Tát đối với các pháp nên theo lời dạy của ta mà học”.

Thay lời Thiện Hiện xin lặp lại: Sở thuyết của Thiện Hiện là Không, là Tánh không hay Bản tánh không, là vô tướng, vô tác. Hiểu Không, Vô tướng, Vô tác này là hiểu sở thuyết của Thiện Hiện hay hiểu Đại Bát Nhã.

 

2/. Tín thọ phụng hành:     

- Phẩm “Đế Thích”, quyển 539, Hội thứ IV, TBBN. Cụ thọ Thiện Hiện nói như vầy: “Đã nói Bát nhã Ba la mật sâu thẳm như thế không ai tín thọ được. Vì sao? Vì trong đây không pháp khá rõ, khá chỉ và khá thi thiết. Đã thật không pháp khá rõ, khá chỉ và khá thi thiết, nên kẻ tín thọ cũng chẳng khá được”.

Ai cũng đồng ý Bát Nhã không phải là pháp dễ hiểu, dễ học, dễ hành. Muốn tín thọ thì tự mình phải lặn sâu vào tâm thức của chính mình, kẻ hời hợt cạn cợt... không thể nào nắm bắt hay thâm nhập được. Đoạn kinh dẫn chứng kế tiếp sẽ nói lên quan điểm đó.        

 

- Phẩm “Thọ Giáo”, quyển 82, Hội thứ II, ĐBN. Nói:

“Vì tính cách thẩm sâu khó thấy, khó giác, mầu nhiệm tối tôn này nên chỉ có Bồ Tát bất thối chuyển, các lậu tận A la hán và các thiện nam tín nữ ở đời quá khứ trăm ngàn muôn kiếp gần gũi cúng dường, phát nguyện rộng sâu, trồng các cội lành, lợi căn thông huệ, được các thiện tri thức nhiếp thọ mới có thể tín thọ được. Vì cớ sao? Vì những hạng người như thế thảy, quyết chẳng đem không, bất không phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả pháp Phật phân biệt không, bất không. Chẳng đem hữu tướng, vô tướng phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật phân biệt hữu tướng, vô tướng. Chẳng đem hữu nguyện, vô nguyện phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật phân biệt hữu nguyện, vô nguyện. Chẳng đem sanh, bất sanh phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật phân biệt sanh, bất sanh. Chẳng đem diệt, bất diệt phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật phân biệt diệt, bất diệt. Chẳng đem vắng lặng, chẳng vắng lặng phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật phân biệt vắng lặng, chẳng vắng lặng. Chẳng đem xa lìa, chẳng xa lìa phân biệt uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật; cũng chẳng đem uẩn, xứ, giới và tất cả các pháp Phật phân biệt xa lìa, chẳng xa lìa”.

Như vậy, Bát nhã Ba la mật đã nói là pháp sâu xa khó thấy, khó giác, chẳng phải là đối tượng tầm tư, là cảnh siêu tầm tư, vi diệu, tịch tịnh, tối thắng đệ nhất, chỉ có bậc Cực Thánh tự nội chứng, kẻ thông tuệ trong thế gian chẳng có thể suy lường tới được; trong đó, thật không có kẻ có khả năng tín thọ. Vì sao? Vì trong đó, không có pháp khá hiển, khá chỉ ra, bởi không có pháp khá hiển chỉ được, nên kẻ thật tín thọ cũng chẳng thể nắm bắt được”.

Chúng ta công nhận Bát nhã Ba la mật là khó học, khó tu, khó chứng. Vì vậy, Kinh nói là chỉ có bậc thượng căn, thượng phẩm, có trí tuệ mới có thể tín thọ được và Kinh nói thêm rằng các vị ấy chẳng đem pháp phân biệt pháp, và cũng chẳng đem xa lìa hay chẳng xa lìa phân biệt pháp nọ với pháp kia. Nói như vậy phàm phu ngu si không có phần hay sao? Vậy làm sao tín thọ phụng hành Bát Nhã khi đặt các tiêu chuẩn quá cao như vậy? Nếu không có khả năng tín thọ thì cũng không thể hành. Nếu không thể hành thì làm sao thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, chứng quả Vô Thượng? Tín thọ vẫn có thể tín thọ, ai cấm; phụng hành vẫn có thể phụng hành, ai cản; miễn đừng phân biệt chấp đắm nương vịn sở duyên, sở hành là được!

Vì vậy, mới có những đoạn Kinh sau đây:

 

- Phẩm “Khuyến Học”, phần cuối quyển 36, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo Thiện Hiện: “Người muốn học bậc Thanh văn, đối với Bát nhã Ba la mật nên siêng năng lắng nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì, như lý tư duy, khiến được rốt ráo. Người muốn học bậc Độc giác, Bồ Tát hay Như Lai đối với Bát nhã Ba la mật, nên siêng năng lắng nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì, như lý tư duy, khiến được rốt ráo”.

Muốn trở thành Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát hay Như lai thì phải siêng năng lắng nghe, tu tập, đọc tụng, thọ trì, như lý tư duy khiến được rốt ráo. Đó là cái xác nhận có thể tin được. Vậy, thọ trì Bát nhã Ba la mật là điều cần thiết nếu muốn giác ngộ.

 

- Phẩm “Nhiếp Thọ”, quyển 100, Hội thứ I, ĐBN. Thế Tôn bảo Thiên Đế Thích và các Thiên, Long, A tu la rằng: “... Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam thiện nữ, chẳng rời tâm Nhất thiết trí trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, thường hay đối Bát nhã Ba la mật thẳm sâu này thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, đúng như lý suy nghĩ, thơ tả giải nói, rộng khiến lưu khắp. Phải biết thiện nam thiện nữ này tức là Bồ Tát Ma ha tát”.

Đoạn Kinh này Phật cũng xác nhận: Nếu thiện nam thiện nữ nào chẳng rời tâm Nhất thiết trí trí, đem vô sở đắc làm phương tiện đối Bát nhã Ba la mật thậm thâm này thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu học, đúng như lý suy nghĩ, thơ tả giải nói, rộng khiến lưu khắp, thì các thiện nam thiện nữ này tức là Bồ Tát lớn.

Cả hai đoạn Kinh trên đều nói đến đọc tụng, thọ trì... là điều cần thiết trong việc tu học Bát nhã Ba la mật. Đó là điều dĩ nhiên! Không học, không tu tập, không thực hành chánh pháp thì làm sao trở thành Thánh thiện? Hiểu rồi tu tập thọ trì tức là tín thọ phụng hành.

Có pháp, có tin tưởng thì phải phụng hành. Tin tưởng phụng hành mới được diệu trí, các Tam muội, các thần thông v.v... Kinh nói không pháp khá hiển, khá chỉ. Nói như vậy không có nghĩa là phải chịu thất thủ? Phải tự đào xới bới vỡ thì mới có miếng ăn, không ai có thể dọn sẵn cho mình. Công việc đào xới đó chính là cầu pháp, tín thọ phụng hành. Có cầu có tín thì mới có thể phụng hành. Đó chính là kẻ tín thọ phụng hành khá được, chứ không phải không được. Nhưng tín thọ phụng hành với điều kiện là đừng để cái ngã dính vào đó, nếu không sẽ trở thành kẻ có sở đắc.

 

2-Học hành Bát Nhã là học “không”, hành “vô tướng, vô tác”:

 

- Phẩm “Học Bát Nhã”, tóm tắt quyển 89, Hội thứ I, ĐBN. Cụ thọ Thiện Hiện lại bảo Kiều Thi Ca:

“... vì tất cả pháp Phật và tánh của tất cả pháp Phật là không, nên đại Bồ Tát chẳng thấy tất cả pháp Phật. Vì đại Bồ Tát chẳng thấy tất cả pháp Phật, nên chẳng học ở tất cả pháp Phật. Vì sao? Vì chẳng lẽ cái không của tất cả pháp Phật, thấy cái không của tất cả pháp Phật. Vì chẳng lẽ cái không của tất cả pháp Phật, học ở cái không của tất cả pháp Phật.

Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không tức là đại Bồ Tát ấy đã học ở cái không. Vì sao? Vì không có hai phần. Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát chẳng học ở cái không của sắc; chẳng học ở cái không của thọ, tưởng, hành, thức tức là đại Bồ Tát ấy đã học ở cái không của sắc, đã học ở cái không của thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì không có hai phần.

Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ Tát học nơi sắc không, không có hai phần; học nơi thọ tưởng hành thức không, không có hai phần v.v... cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, thì các đại Bồ Tát có khả năng học lục Ba la mật, có khả năng học 18 pháp không, chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì không có hai phần.

Nếu đại Bồ Tát có khả năng học ở lục Ba la mật, mười tám pháp không, chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế v.v… cho đến quả vị Giác ngộ, không có hai phần thì đại Bồ Tát ấy có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh. Vì sao? Vì không có hai phần.

Nếu đại Bồ Tát có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh thì đại Bồ Tát ấy chẳng vì sự tăng giảm của sắc mà học, chẳng vì sự tăng giảm của thọ, tưởng, hành, thức mà học, cho đến chẳng vì sự tăng giảm của tất cả pháp Phật mà học. Vì sao? Vì sắc uẩn v.v... không có hai phần.

Nếu Đại Bồ Tát học như vậy chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của sắc mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của thọ, tưởng, hành, thức mà học, chẳng vì sự nhiếp thọ và sự hoại diệt của tất cả pháp Phật mà học.

Đại Bồ Tát học như thế, chẳng thấy có sắc là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ sắc và hoại diệt. Chẳng thấy có thọ tưởng hành thức là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ thọ tưởng hành thức và hoại diệt. Vì sao? Vì sắc uẩn thảy hoặc năng hoặc sở, trong ngoài đều không, chẳng thể nắm bắt được. Đối với tất cả pháp Phật cũng lại như thế.

Nếu đại Bồ Tát đối sắc, đối thọ tưởng hành thức; đối mười hai xứ, mười tám giới; đối lục Ba la mật cho đến quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thấy là khá nhiếp thọ và sở hoại diệt; cũng chẳng thấy có kẻ năng nhiếp thọ và hoại diệt mà học Bát nhã Ba la mật, là đại Bồ Tát này năng thành xong Nhất thiết trí trí.

Đại Bồ Tát học Bát nhã Ba la mật như vậy có khả năng hoàn thành Nhất thiết trí trí vì đối với tất cả pháp chẳng vì nhiếp thọ, hoặc hoại diệt làm phương tiện mà học”.

Kinh thường bảo tất cả pháp và tánh của tất cả pháp đều không. Nên tới đây, kinh tiếp tục bảo “đại Bồ Tát chẳng học ở cái không tức là đại Bồ Tát ấy đã học ở cái không”. Tuy lối nói có vẻ nghịch đời nhưng chúng ta có thể hiểu sự hàm ngụ này là Bồ Tát không học ở sự sanh thành hay hoại diệt của tất cả các pháp. Pháp sanh thành hay hoại diệt là pháp phân hai hay còn gọi là nhị pháp. Đó là pháp sanh diệt. Nếu Bồ Tát không học các pháp sanh diệt, các pháp phân hai, thì không rơi vào nhị pháp. Pháp Phật là pháp môn bất nhị. Một pháp được xem là tối cao trong 84.000 pháp môn. Nếu Bồ Tát có thể học như vậy, thì Bồ Tát có khả năng học lục Ba la mật, có khả năng học 18 pháp không, chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì không phân biệt pháp.

Ngược lại, nếu Bồ Tát học cái sanh diệt, cấu tịnh, tăng giảm, đổi dời... của các pháp thì tâm Bồ Tát cũng sanh diệt, đổi dời... Bồ Tát ấy không có khả năng học vô lượng, vô số, vô biên bất khả tư nghì Phật pháp thanh tịnh.

Sanh diệt đổi dời là cái phân hai, là lưỡng nguyên đối đãi của cuộc đời thường, học như vậy thì làm sao năng thành xong Nhất thiết trí trí?

 

- Nên Phẩm “Phụng Bát”, quyển thứ 01, Kinh MHBNBLMĐ nói: “Vì thật tánh của các pháp vốn không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh. Đại Bồ Tát thực hành Bát nhã Ba la mật như vậy cũng chẳng thấy sanh, chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy cấu, chẳng thấy tịnh”. Hơn thế nữa đại Bồ Tát chẳng thấy danh tự Bồ Tát, chẳng thấy Bát nhã Ba la mật, cũng chẳng thấy là mình có thực hành hay không thực hành Bát nhã Ba la mật”.

Tu không còn thấy năng sở chủ khách thì có hy vọng đạt đạo và thành xong Bát Nhã hay Nhất thiết trí trí. Nên Kinh nói: “Sở hành Bát nhã Ba la mật của đại Bồ Tát phải cầu ở trong sở thuyết của Thiện Hiện”. Sở thuyết của Thiện Hiện chính là không. Thiện Hiện là đệ tử bậc nhất về “giải không Bát Nhã” mới có thể giảng thuyết cái Không này. Thuyết mà chẳng có pháp để thuyết, chẳng có người thuyết, chẳng có người nghe thuyết, cũng chẳng có pháp điều qui định.

 

- Phẩm “Phương Tiện Khéo Léo”, quyển 524, Hội thứ I, ĐBN. Huệ mạng Tu Bồ Đề thưa Phật rằng:

“Sắc do tướng sắc không; thọ tưởng hành thức do tướng thọ tưởng hành thức không. Nói rộng cho đến chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề do tướng chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không. Nhất thiết trí trí do tướng Nhất thiết trí trí không, Bồ Tát Ma ha tát làm sao hành Bát nhã Ba la mật?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát đều không sở hành là hành Bát nhã Ba la mật.

Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Nguyên do nào Bồ Tát không có sở hành là hành Bát nhã Ba la mật?

Phật bảo: Tu Bồ Đề! Do Bát nhã Ba la mật thậm thâm bất khả đắc, các Bồ Tát cũng bất khả đắc, hành cũng bất khả đắc, hoặc kẻ năng hành, hoặc do đây hành, thời hành, xứ hành đều bất khả đắc. Vậy nên, Tu Bồ Đề! Các Bồ Tát Ma ha tát đều vô sở hành là hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm, vì trong ấy tất cả hý luận đều bất khả đắc vậy!”

Thật quá khó, hành mà không có sở hành là hành Bát Nhã khi nhận chân tất cả đều không thể nắm bắt được hay nói khác là tất cả đều bất khả đắc. Mấu chốt hành mà không có sở hành nằm ở chỗ khó nuốt, khó tiêu hóa này!

 

- Vì vậy, phẩm “Dạy Bảo Trao Truyền”, quyển 14, Hội thứ I, ĐBN. Phật bảo Thiện Hiện: “Hay thay! Đúng như lời Ngươi đã nói. Thiện Hiện! Sắc thảy pháp vì bất khả đắc, nên sắc thảy pháp như (chơn như của pháp) cũng bất khả đắc. Pháp như vì bất khả đắc, nên Bồ Tát Ma ha tát cũng bất khả đắc. Bồ Tát Ma ha tát bất khả đắc, nên sở hành Bát nhã Ba la mật đa cũng bất khả đắc. Thiện Hiện! Các Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, nên như thế mà học!”

Học Bát Nhã là học không, quán các pháp là không, vô tướng, vô tác, vô nguyện, lại biết tất cả pháp là bất khả đắc, thì tâm hành diệt, nên không thấy sở hành, không thấy người hành, không thấy chỗ hành, không thấy thời hành. Nếu không thấy các hành như vậy thì không còn tạo tác thi vi nữa. Chẳng phân biệt, chấp đắm, lìa ngã, ngã sở... mới mong thành xong sự nghiệp. Đó cũng là ý nghĩa của tam muội giải thoát không, vô tướng, vô tác. Nên “Phân Biệt Kinh”, Đại tạng Tích Sa quyển 514, Phật bảo:

“Này các Tỳ kheo! Các uẩn vốn không, chỉ do tâm phát sanh. Khi tâm diệt thì các uẩn không còn tác động. Biết đúng như vậy, tức là chánh giải thoát. Khi được chánh giải thoát, xa lìa mọi sự thấy biết, thì gọi là cửa Giải thoát không.

Lại nữa, trú trong chánh định quán sát các sắc cảnh, tất cả đều tiêu diệt, xa lìa mọi nghĩ tưởng. Như vậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều tiêu diệt, xa lìa mọi nghĩ tưởng. Quán sát như vậy gọi là cửa Giải thoát vô tướng.

Vào được cửa Giải thoát này tức được thấy sự thanh tịnh. Do sự thấy biết thanh tịnh đó, dứt trừ được tất cả tham sân si. Tham sân si đã dứt trừ, trú ở sự thấy biết bình đẳng, trú ở sự thấy biết bình đẳng này rồi, tức xa lìa được cái thấy ta và vật sở hữu của ta. Thấu rõ được mọi sự thấy biết không nơi sanh khởi, cũng không nơi nương tựa. Lại nữa, khi xa lìa được cái thấy ta rồi, tức không còn thấy, không còn hay, không còn biết. Tại sao thế? -Vì do nhơn duyên cho nên mới sanh các thức, tức nhơn duyên kia cùng với thức được phát sanh đều là vô thường. Vì là vô thường nên thức không có thật thể được. Thức uẩn đã không, không có tạo tác, thì gọi là cửa Giải thoát vô tác. Vào được cửa Giải thoát này, tức biết được pháp cứu cánh, không còn đắm chấp các pháp và chứng được pháp tịch diệt”. 

Cuối cùng, đây là chìa khóa để tháo gỡ những rối rắm kể trên. Tất cả các đoạn Kinh trên nói lên mục tiêu của việc tu hành để thành tựu Bát Nhã, được Giác ngộ, đạt Chánh giác và đắc Nhất thiết trí trí. Kinh đã đưa ra nhiều phương cách khác nhau trong việc đọc tụng thọ trì và thực hành chánh pháp. Nếu theo đúng những chỉ dẫn trên với lòng nhiệt thành thì ai cũng có phần. Tuy nhiên, phải lấy Nhất thiết trí trí làm sở duyên, lấy vô sở hữu bất khả đắc làm phương tiện, đồng thời hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. Giáo pháp quá siêu xuất, nhưng thực hành quá khó, phải quán tưởng và sống trong chánh định để đắc tam muội Không, Vô tướng, Vô tác giải thoát môn này mới có hy vọng đạt đạo.

Tuy nhiên, phải nói là chúng ta từ bao nhiêu đời kiếp có nhiều phúc duyên mới có cơ hội được tụng đọc thọ trì kinh này. Vậy nên, chăm lòng lóng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh siêng tu hành… rộng khiến lưu bố, là những huấn thị cần thiết để nhắc nhở chúng ta. Không những thế chúng ta lại còn phải đem các thứ như nhang thơm, đèn sáng, hoa quả… mà vì cúng dường, để đền ơn trả ơn Bát Nhã.

 

Kết luận cho LUẬN #7.

(Mục tiêu của việc tu hành Bát Nhã)

 

Như trên đã nói mục tiêu của việc tu hành Bát Nhã là đạt Ngộ, được Chánh giác và chứng Nhất thiết trí trí cốt độ mình độ người. Nên toàn bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật, bất cứ ở đâu hay bất cứ pháp hội nào Kinh thường khuyến dẫn đến việc tầm cầu, tín thọ phụng hành Bát nhã Ba la mật nói riêng hay tất cả pháp mầu Phật đạo nói chung và đồng thời hồi hướng cho tất cả chúng sanh khác. Nhưng Kinh cũng không quên nhắn nhủ hành giả Bát Nhã không nên mong cầu nắm bắt hay trụ chấp bất cứ pháp nào dù là pháp Phật.

Rốt ráo Phật, Bồ Tát luôn luôn nhắc nhở tất cả pháp là vô sở hữu bất khả đắc mặc dù chúng ta quyết tâm thực hiện ba nguyện vọng cao cả trên. Ở đây, một lần nữa cho ta thấy diệu pháp vô sở hữu bất khả đắc, diệu huệ vô sở trụ đóng một vai trò quan trọng trong việc thành tựu giác ngộ. Ngoài ra, tam muội “không, vô tướng, vô tác” cũng là tôn chỉ lớn. Nó là giải thoát môn không kém phần quan trọng trong việc chứng đắc giác ngộ. Có giác ngộ tức có tất cả, mới có thể bước qua cổng giải thoát này mà sang được bờ kia.

Học Bát nhã Ba la mật tới đây chúng ta vẫn còn thấy giữa chúng ta và Bát nhã Ba la mật là hai. Chúng ta là chủ và Bát nhã Ba la mật là khách. Chủ là một chàng ngù ngờ. Còn khách là một ông thầy thông thái, một đại sư. Tình trạng chủ khách còn phân chia, xa cách. Làm sao có sự hợp nhất đây? Vì vậy, mới nói đến mục thông đạt Bát nhã Ba la mật. Nếu thông đạt được Bát Nhã thì chủ khách chỉ là một, khi đó chính ông là một Bát Nhã sống, một Bát Nhã bằng xương bằng thịt, có đi đứng nằm ngồi, có đầy đủ quyền năng đem lại hạnh phúc an lạc cho toàn thể chúng sanh.

Thích nghĩa cho Luận #7: Mục tiêu của việc tu hành Bát Nhã:

(1). Nhất thiết trí: Trong các bản dịch Đại Bát Nhã hoặc chánh văn do HT Thích Trí Nghiêm hoặc các vị củ soát bản dịch của Hòa Thượng thường dùng cụm từ Nhất thiết trí để chỉ Nhất thiết chủng trí hay Nhất thiết trí trí, chúng tôi giữ nguyên không sửa đổi. Trong Luận #7 này khi dịch giả dùng cụm từ Nhất thiết trí phải hiểu là Phật trí tức Nhất thiết chủng trí hay Nhất thiết trí trí.

(2). Câu nói của Thiền sư D. T. Suzuki.

 

---o0o---

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com