- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
XIX. PHẨM “MỘNG HÀNH”
Phần cuối quyển 563, Hội thứ V, ĐBN.
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
(Tướng Bồ Tát Bất thối chuyển)
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát cho đến trong giấc mộng chẳng đắm trước ba cõi và cũng chẳng ca ngợi địa vị Nhị thừa, tuy quán các pháp giống như những gì đã thấy trong mộng, nhưng đối với Niết bàn chẳng thủ chứng, nên biết đó là tướng Bồ Tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng thấy Phật thuyết pháp cho vô lượng trăm ngàn Đại chúng vây quanh, hoặc thấy tự thân có việc như thế thì đó là tướng các Bồ Tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng thấy Phật đủ các tướng tốt, có hào quang chiếu sáng rực rỡ bao chung quanh một tầm, cùng vô lượng chúng phóng lên hư không, hiện các đại thần thông, giảng thuyết các điều cốt yếu của chánh pháp và hóa làm hóa nhân, đi đến vô biên cõi Phật ở mười phương làm các Phật sự. Hoặc thấy tự thân có việc như thế thì đó là tướng các Bồ Tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát trong giấc mộng thấy ác tặc phá hoại thành ấp, hoặc thấy lửa cháy bùng lên thiêu đốt xóm làng, hoặc thấy thú dữ muốn đến hại mình, hoặc thấy oan gia muốn chém đầu mình, hoặc thấy cha mẹ sắp chết, hoặc thấy mình bị các việc khổ xảy đến bức bách…; tuy thấy các việc sợ hãi như thế nhưng chẳng kinh sợ, cũng chẳng lo buồn, khi thức dậy luôn tư duy: Ba cõi chẳng chơn thật, đều như chiêm bao. Khi ta đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, sẽ thuyết pháp cho các hữu tình biết ba cõi đều là hư vọng, như chiêm bao, thì đó là tướng các Bồ Tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát cho đến trong giấc mộng thấy có các loài hữu tình ở cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, liền nghĩ: Ta phải siêng năng tu hạnh Bồ Tát, mau thẳng đến quả vị Vô Thượng Bồ đề, ở trong cõi Phật của ta không có những cảnh giới và tên xấu ác như địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ… Khi thức dậy cũng nghĩ như thế. Thiện Hiện nên biết, các Bồ Tát ấy khi thành Phật, quốc độ thanh tịnh, không có nẻo ác và tên của cõi kia, thì đó là tướng các Bồ Tát Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Hoặc các Bồ Tát trong giấc mộng thấy lửa thiêu đốt các loài hữu tình trong địa ngục v.v..., hoặc lại thấy thiêu đốt xóm làng, thành ấp, liền phát nguyện: “Nếu ta đã được thọ ký Bất thối chuyển thì nguyện lửa dữ này tắt ngay, biến thành mát mẻ”. Khi Bồ Tát này phát nguyện như thế, trong giấc mộng thấy lửa lập tức tắt ngay, thì nên biết đã được thọ ký Bất thối chuyển. Nếu Bồ Tát này khi phát nguyện mà trong giấc mộng thấy lửa chẳng tắt, thì nên biết chưa được thọ ký Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi thức dậy thấy lửa thiêu đốt các thành ấp, liền nghĩ: Nếu ta thật có tướng Bất thối chuyển thì nguyện lửa dữ này lập tức tắt ngay và biến thành mát mẻ. Nghĩ xong, nói ra nhưng lửa chẳng tắt ngay, lại còn thiêu đốt từ làng này lan qua làng khác, hoặc thiêu đốt từ nhà này lan qua nhà khác. Lần lượt như thế lửa đó mới tắt, thì nên biết những làng mạc bị thiêu đốt là do ương họa nghiệp báo của tội hủy báng chánh pháp còn lại, nên phải chịu tướng khổ hôm nay.
Lại nữa, Thiện Hiện! Hoặc các Bồ Tát thấy có nam tử hoặc nữ nhơn đang bị phi nhơn mê hoặc, chịu các khổ não, chẳng thể xa lìa, liền nghĩ: Nếu các đức Như Lai biết ta đã được ý muốn thanh tịnh, biết ta đã được thọ ký Bất thối chuyển, đã xa lìa địa vị Thanh văn, Độc giác v.v..., chắc chắn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì nguyện các Ngài rủ lòng thương xót, soi xét tâm niệm của ta đã nghĩ. Nếu ta thật có thể tu Bồ Tát hạnh, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cứu giúp dứt khổ sanh tử cho hữu tình thì nguyện nam tử hoặc nữ nhơn này chẳng bị phi nhơn làm não loạn. Chúng theo lời ta nói sẽ lập tức bỏ đi. Các Bồ Tát này khi nói như thế, nếu phi nhơn kia chẳng chịu bỏ đi thì nên biết chưa được thọ ký Bất thối chuyển. Nếu phi nhơn kia lập tức bỏ đi, thì nên biết đã được thọ ký Bất thối chuyển.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát thật chưa được thọ ký Bất thối chuyển, thấy nam tử hoặc nữ nhơn đang bị phi nhơn mê hoặc, chịu các khổ não chẳng thể xa lìa, bỗng dưng phát lời chân thật, chí thành: “Nếu ta đã được thọ ký Bất thối chuyển thì khiến cho nam tử hoặc nữ nhơn này chẳng bị phi nhơn làm rối loạn. Phi nhơn vâng theo lời ta sẽ nhanh chóng bỏ đi”. Khi ấy, ác ma nghe như vậy vì để dối gạt các Bồ Tát chưa được thọ ký, liền xua đuổi cho bọn phi nhơn bỏ đi. Vì sao? Vì do oai lực của ác ma mạnh hơn phi nhơn, nên phi nhơn vâng lời ma lập tức bỏ đi. Khi ấy Bồ Tát kia nghĩ: Phi nhơn bỏ đi là nhờ oai lực của ta. Vì phi nhơn kia vâng theo lời thệ nguyện của ta, lập tức buông tha những nam tử, nữ nhơn này, chứ không do nguyên nhân nào khác. Các Bồ Tát này không biết rõ đó là việc do ma làm, mà tự nghĩ là do năng lực của mình, sanh tăng thượng mạn, khinh chê các Bồ Tát khác. Nên tuy siêng năng tinh tấn nhưng hoàn toàn chẳng thể đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, rơi vào hàng Nhị thừa, luôn bị ác ma mê hoặc. Vậy nên, Bồ Tát nên khéo giác biết các việc ác ma, mà tu các thiện nghiệp.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát thật chưa được thọ ký Bất thối chuyển, xa lìa phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật nên không thể tránh bị ma dối gạt. Nghĩa là có các ác ma vì muốn lừa gạt nên phương tiện biến hóa ra các thứ hình tướng, đi đến chỗ Bồ Tát nói thế này: “Bạn có biết không? Chư Phật quá khứ đã từng thọ ký cho bạn đại Bồ đề. Tên tuổi sai khác trong bảy đời của bạn cho đến quyến thuộc, ta đều biết hết. Bạn sanh ở phương đó, nước đó, thành đó, ấp đó, trong xóm làng đó. Bạn sanh năm đó, tháng đó, ngày đó, giờ đó, sanh vào ngôi sao của Thiên vương đó…”
Như thế, ác ma nếu thấy Bồ Tát bẩm tánh yếu đuối, các căn ám độn, liền dối trá thọ ký: “Bạn đời trước bẩm sanh căn tánh đã từng như thế”.
Nếu thấy Bồ Tát bẩm tánh kiên cường, các căn sáng suốt, lanh lợi, liền dối trá thọ ký: “Bạn ở đời trước cũng từng như thế”.
Nếu thấy Bồ Tát đầy đủ các công đức Đầu đà và hạnh thù thắng khác, liền dối trá thọ ký: “Bạn ở đời trước cũng từng như thế, đầy đủ các công đức, nên tự vui mừng, chớ nên tự khinh”.
Bấy giờ, các Bồ Tát kia nghe ác ma nói về các công đức quá khứ, hiện tại của mình, vui mừng hớn hở, sanh tăng thượng mạn, chê bai khinh miệt các Bồ Tát khác. Ác ma biết xong, lại bảo: “Bạn nhất định thành tựu công đức thù thắng, chư Phật đã thọ ký cho bạn đại Bồ đề nên đã có tướng điềm lành thù thắng hiện tại hiện ra như thế”.
Ác ma vì làm rối loạn nên lại dối hiện làm các thứ hình tướng, đi đến chỗ Bồ Tát tỏ vẻ thân ái, nói: “Bạn nay đã đủ đức Bất thối chuyển, nên tự kính trọng, chớ nên tôn kính người”. Khi Bồ Tát này nghe những lời của ác ma xong, lòng tăng thượng mạn lại càng vững chắc thêm, khiến cho vốn đã xa Nhất thiết trí trí lại càng xa hơn. Cho nên, Bồ Tát muốn đắc Bồ đề phải biết rõ về các việc làm của ác ma.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát chẳng thể biết rõ danh tự thật tướng, chỉ nghe danh tự hư dối, sanh chấp trước. Có ác ma phương tiện biến hóa các thứ hình tướng, đến bảo Bồ Tát: “Sự tu hành của bạn, hạnh nguyện đã viên mãn, không lâu sẽ chứng Vô thượng Bồ đề. Khi bạn thành Phật sẽ được danh hiệu tôn quí và công đức thù thắng như thế”. Nghĩa là ác ma kia biết Bồ Tát này luôn luôn ước nguyện: Khi ta thành Phật sẽ được danh hiệu tôn quí như thế, nên ác ma theo ước nguyện đó mà thọ ký cho. Khi ấy, Bồ Tát này vì xa lìa phương tiện thiện xảo Bát Nhã, nghe ma thọ ký nên suy nghĩ: Lạ thay! Người này thọ ký cho ta sẽ thành Phật với danh hiệu tôn quý, tương ưng với ước nguyện từ lâu của ta. Vậy chắc chắn ta sẽ thành Phật với danh hiệu tôn quý hơn người khác. Ác ma thọ ký danh hiệu cho người kia như thế, như thế… Vì vậy mà kiêu mạn tăng mãi, khinh miệt các Bồ Tát có thật đức khác. Do đó, càng xa lìa Vô thượng Bồ đề, rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác.
Các Bồ Tát này hoặc có thân như thế, gần gũi bạn lành, chí thành sám hối, tuy trôi lăn trải qua nhiều đời sanh tử, nhưng cuối cùng sẽ chứng Vô thượng Bồ đề. Nếu người này, chẳng gặp bạn lành chí thành sám hối thì nhất định trôi lăn sanh tử, nhiều đời ngu si điên đảo. Về sau mặc dù có tinh tấn tu các nghiệp lành nhưng vẫn rơi vào địa vị Thanh văn hoặc Độc giác. Kiêu mạn khinh chê các Bồ Tát khác, như thế tội nặng hơn tứ trọng và ngũ vô gián gấp vô lượng lần. Thế nên Bồ Tát phải hiểu rõ về sự thọ ký với danh hiệu hư dối v.v... là việc làm vi tế của ma, không nên kiêu mạn khinh chê Bồ Tát khác.
(Thế nào tu hạnh viễn ly chân thật?)
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát ở núi rừng, đồng hoang, tu hạnh viễn ly. Bấy giờ có ác ma đi đến chỗ Bồ Tát đó, cung kính khen ngợi, nói thế này: “Đại sĩ thường tu hạnh chơn thật viễn ly, hạnh viễn ly này Hiền Thánh khen ngợi, chư Thiên, long thần đều bảo vệ”.
Thiện Hiện nên biết! Ta chẳng khen ngợi hạnh viễn ly này cho là chơn thật.
Thiện Hiện bạch:
- Bạch Thế Tôn! Hạnh viễn ly này nếu chẳng phải chơn thật thì còn có hạnh nào hay hơn?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Nếu các Bồ Tát ở thành ấp, hoặc ở núi rừng, đồng hoang, quyết chí xa lìa phiền não, xa lìa tác ý Nhị thừa, luôn luôn thực hành Bát Nhã sâu xa, thì gọi là hạnh chân thật viễn ly của Bồ Tát. Hạnh viễn ly này chư Phật Thế Tôn chấp nhận, khen ngợi. Bồ Tát nên học, làm cho các Bồ Tát mau chứng Bồ đề.
Thiện Hiện nên biết! Ma khen ngợi người thường ở núi rừng, đồng hoang, ngồi yên tịnh tư duy, nhưng lòng xen tạp phiền não, tác ý Nhị thừa, xa lìa Bát Nhã sâu xa, chẳng thể viên mãn Nhất thiết trí trí.
Có các Bồ Tát tuy ưa tu hành pháp hạnh viễn ly, được ma khen ngợi mà sanh lòng khinh miệt các Bồ Tát khác thường ở xóm làng thành ấp tu hạnh chân thật viễn ly, thì Thiện Hiện nên biết, các Bồ Tát này xa lìa Bát nhã Ba la mật, tuy trải qua thời gian lâu ở núi sâu, đồng hoang, tu hạnh viễn ly, nhưng chẳng biết rõ pháp chân thật viễn ly, tăng thêm kiêu mạn, càng sanh ưa đắm địa vị Nhị thừa, hoàn toàn chẳng thể đắc Vô thượng Bồ đề, chẳng phải là điều Phật Thế Tôn khen ngợi, chấp nhận; cũng chẳng phải chỗ nên tu hành của Bồ Tát.
Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này hoàn toàn chẳng thành tựu hạnh ấy. Ở trong hạnh chơn tịnh viễn ly cũng chẳng thấy có hành tướng tương tợ, nhưng các ác ma vì lừa gạt Bồ Tát kia, làm cho sanh kiêu mạn, khinh Bồ Tát khác.
Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này ở núi rừng, đồng hoang nhưng tâm náo loạn, chẳng thể tu học hạnh chơn viễn ly. Có các Bồ Tát tuy ở xóm làng, thành ấp nhưng tâm tịch tĩnh, thường hay tu học hạnh viễn ly chân thật.
Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này đối với các chúng Bồ Tát thường tu học hạnh viễn ly chân thật, khinh chê hủy báng như kẻ hàng thịt; còn đối với các chúng Bồ Tát chẳng thể tu học hạnh chơn viễn ly thì cung kính, cúng dường, tôn trọng như Phật Thế Tôn.
Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này xa lìa Bát Nhã, phát sanh các thứ phân biệt chấp trước, nghĩ: Sự tu học của ta là chơn viễn ly, nên được phi nhơn đi đến chỗ ta khen ngợi, hộ niệm. Người ở thành ấp thân tâm rối loạn, ai mà hộ niệm, khen ngợi, kính trọng! Các Bồ Tát này tâm nhiều kiêu mạn, ác nghiệp phiền não ngày đêm tăng trưởng.
Thiện Hiện nên biết! Các Bồ Tát này đối với chúng Bồ Tát là kẻ hàng thịt, làm nhơ nhớp chúng đại Bồ Tát, cũng là kẻ giặc lớn trên cõi trời, người; dối gạt trời, người, A tu la v.v... Thân tuy mặc pháp y của Sa môn nhưng tâm thường ưa ôm ấp ý như kẻ giặc. Những hạng như vậy thì chẳng nên gần gũi, cung kính, cúng dường họ. Vì sao? Vì những hạng người này ôm lòng tăng thượng mạn, bề ngoài thì giống như Bồ Tát nhưng bên trong lại nhiều phiền não, ác nghiệp dẫy đầy.
Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát chân thật chẳng bỏ Nhất thiết trí trí, cầu chứng Vô thượng Bồ đề, làm lợi ích an vui cho khắp tất cả loài hữu tình thì không nên gần gũi bọn ác như thế.
Thiện Hiện nên biết! Các chúng đại Bồ Tát phải thường tinh tấn tu nghiệp sự chơn tịnh, nhàm lìa sanh tử, chẳng đắm trước ba cõi, đối với hạng người hàng thịt và ác tặc kia luôn phát tâm từ bi hỷ xả, nghĩ: Ta chẳng nên phát khởi tội lỗi như kẻ ác kia. Giả sử lúc bị thất niệm, thoáng khởi lên như họ, liền tỉnh giác trừ diệt.
Thế nên Bồ Tát muốn chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề, phải tỉnh giác biết rõ việc của ác ma, siêng năng tinh tấn xa lìa, trừ diệt tội lỗi như Bồ Tát kia đã tạo, siêng năng cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Nếu các Bồ Tát học như thế thì chính là khéo tỉnh giác về việc làm của ma.
Sơ giải:
1. Phần đầu của phẩm này nói về “Mộng Hành” của Bồ Tát. Đây chỉ là điều “đoán mộng” để biết ai là Bồ Tát Bất thối chuyển hay chẳng phải là Bồ Tát Bất thối chuyển? Kinh viết theo lối trần thuật, đọc qua ai cũng có thể hiểu, nhất là đề tài này đã được thuyết đi thuyết lại tổng cộng đến 5 lần.
2. Phần sau của phẩm này nói về tu hạnh viễn ly. Tu hạnh viễn ly, tu hạnh đầu đà hay hạnh A lan nhã là tìm nơi vắng vẽ như núi rừng, đồng trống để tu cho thân tâm được thanh tịnh. Nhưng tùy theo người tu tuy ở nơi đồng vắng, núi rừng nhưng lòng đầy sân hận, phiền não dẫy đầy thì không bằng người tu ở nơi ồn náo mà thân tâm được thanh tịnh. Phật chỉ khen ngợi người tu sau. Ngạn ngữ có câu “Tu chùa không bằng tu chợ” là vậy! Đọc tới đây ai cũng có thể hiểu, nên không cần bình giảng thêm./.
---o0o---