- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
PHẨM “BẤT TƯ NGHÌ ĐẲNG"
Phần đầu quyển 511, Hội thứ III, ĐBN.
(Tương đương phần sau phẩm “Chỉ Tướng”, Q.443, Hội thứ II, ĐBN)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã thậm thâm vì nhân duyên trọng đại nên xuất hiện ở thế gian. Vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở thế gian. Vì việc không thể cân lường nên xuất hiện ở thế gian. Vì việc không số lượng nên xuất hiện ở thế gian. Vì việc không gì sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói! Thiện Hiện! Thế nào là Bát Nhã thậm thâm vì việc trọng đại nên xuất hiện ở thế gian? Nghĩa là chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều vì cứu vớt tất cả hữu tình nên không lúc nào lìa bỏ việc trọng đại. Bát Nhã thậm thâm vì việc này nên xuất hiện ở thế gian.
Thiện Hiện! Thế nào là Bát Nhã thậm thâm vì việc không thể nghĩ bàn nên xuất hiện ở thế gian? Nghĩa là Phật tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí tánh của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn. Bát Nhã thậm thâm vì việc này nên xuất hiện ở thế gian.
Thiện Hiện! Thế nào là Bát Nhã thậm thâm vì việc không thể cân lường nên xuất hiện ở thế gian? Nghĩa là Phật tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí tánh của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có loài hữu tình nào có thể cân lường nổi. Bát Nhã thậm thâm vì việc này nên xuất hiện ở thế gian.
Thiện Hiện! Thế nào là Bát Nhã thậm thâm vì việc không số lượng nên xuất hiện ở thế gian? Nghĩa là Phật tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí tánh của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có người nào có thể thật biết được số lượng. Bát Nhã thậm thâm vì việc này nên xuất hiện ở thế gian.
Thiện Hiện! Thế nào là Bát Nhã thậm thâm vì việc không gì sánh bằng nên xuất hiện ở thế gian? Nghĩa là Phật tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí tánh của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không có người nào có thể ngang bằng, huống hồ có người hơn được. Bát Nhã thậm thâm vì việc này nên xuất hiện ở thế gian.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Chỉ Phật tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí tánh của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không có số lượng, không gì sánh bằng, ngoài ra còn có pháp nào khác nữa chăng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Chẳng những Phật tánh, Như Lai tánh, tự nhiên giác tánh, Nhất thiết trí tánh của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng mà còn có pháp khác cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng. Pháp đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng. Như vậy, tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng. Đối với tất cả pháp trong tánh chơn thật, tâm và tâm sở đều bất khả đắc. Vì sao? Vì sắc cho đến thức không thể thi thiết nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng. Cho đến Nhất thiết tướng trí không thể thi thiết, nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:
- Do nguyên nhân nào mà sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều không thể thi thiết, nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí vì không có tự tánh nên không thể thi thiết. Do không thể thi thiết nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Do nhân duyên nào mà sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều là không có tự tánh?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Vì đối với sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí mà suy nghĩ, cân lường, đếm số lượng, hoặc so sánh tánh bình đẳng hay không bình đẳng đều bất khả đắc.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Do nhân duyên nào mà sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí hoặc nghĩ bàn, cân lường, số lượng, tánh bình đẳng hoặc không bình đẳng đều bất khả đắc?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Tự tánh sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng, vì tự tánh Không.
Lại nữa, Thiện Hiện! Vì sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều bất khả đắc, nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Nhân duyên nào sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều bất khả đắc, nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí vì không hạn lượng nên bất khả đắc. Vì bất khả đắc nên không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Do nguyên nhân nào sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều là không hạn lượng nên bất khả đắc?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Vì sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng nên không hạn lượng, vì không hạn lượng nên đều bất khả đắc.
Lại nữa, Thiện Hiện! Ý ngươi thế nào? Trong sắc cho đến thức, nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí không thể nghĩ bàn v.v…, thì sắc cho đến thức nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí là khả đắc chăng?
Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Chẳng khả đắc!
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Do nhân duyên này nên tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Thiện Hiện nên biết! Vì tất cả pháp đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng, nên Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Thiện Hiện nên biết! Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn vì dứt diệt nghĩ bàn, không thể cân lường vì dứt diệt cân lường, không số lượng vì dứt diệt số lượng, không gì sánh bằng vì dứt diệt sánh bằng. Do đó, nên tất cả pháp không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Thiện Hiện nên biết! Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn vì vượt qua nghĩ bàn, không thể cân lường vì vượt qua cân lường, không số lượng vì vượt qua số lượng, không gì sánh bằng vì vượt qua so sánh cân đo. Do đó, nên tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Thiện Hiện nên biết! Không thể nghĩ bàn là cũng chỉ là ngôn thuyết không thể nghĩ bàn. Không thể cân lường cũng chỉ là ngôn thuyết không thể cân lường. Không số lượng chỉ là ngôn thuyết không số lượng. Không sánh bằng cũng chỉ là ngôn thuyết không sánh bằng. Do nhân duyên này nên Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Thiện Hiện nên biết! Không thể nghĩ bàn ấy như hư không không thể nghĩ bàn. Nói rộng, cho đến không sánh bằng như hư không không gì sánh bằng. Do nhân duyên này nên Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Thiện Hiện nên biết! Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp, Thanh văn, Độc giác, thế gian, trời, người, A tu la v.v... của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, cân lường, số lượng, sánh bằng. Do nhân duyên này nên nói Phật pháp, Như Lai pháp, tự nhiên giác pháp, Nhất thiết trí pháp của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng.
Khi Phật thuyết phẩm không thể nghĩ bàn, không thể cân lường, không số lượng, không gì sánh bằng này, trong chúng có năm trăm Bí sô không còn lậu hoặc, tâm được giải thoát. Lại có hai ngàn Bí sô ni cũng không còn các lậu hoặc, tâm được giải thoát. Lại có sáu vạn Cư sĩ nam ở trong các pháp xa lìa trần cấu, đạt tịnh pháp nhãn. Lại có ba vạn Cư sĩ nữ cũng ở trong các pháp xa lìa trần cấu, đạt tịnh pháp nhãn. Lại có hai ngàn đại Bồ Tát được Vô sanh pháp nhẫn, được thọ ký làm Phật trong Hiền kiếp.
Sơ giải:
Xin Quý vị xem lại phần sau quyển 308 đến phần đầu quyển 310, Hội thứ I, đã thích nghĩa và lược giải rồi. Điểm đáng chú ý là phẩm này Phật quan niệm rằng tánh của tất cả pháp chẳng thể thi thiết, chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể xưng lường, không hạn lượng, vì tự tánh của các pháp là không, không thể nắm bắt.
Tất cả Như Lai Chánh đẳng Chánh Giác có bao Phật pháp, Như Lai pháp, Tự nhiên pháp, Nhất thiết trí pháp đều chẳng thể nghĩ bàn vì vượt quá luận bàn, chẳng thể xưng lường, vì vượt quá xưng lường, không hạn lượng vì vượt quá hạn lượng v.v… tất cả đều giống như hư không. Dĩ nhiên, hư không là không hạn lượng, không thể đo lường, không thể nắm bắt, nên nói là không, là chẳng thể nghĩ bàn hay bất khả tư nghì.
---o0o---