- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
PHẨM “BỒ TÁT THƯỜNG ĐỀ(1)"
Quyển 398 đến đầu quyển 399, Hội thứ I, ĐBN.
(Tương đương với phẩm “Tát Đà Ba Luân” quyển thứ 30, MHBNBLM)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Gợi ý:
Để chấm dứt pháp hội thứ I, Kinh đưa ra hai phẩm: Phẩm “Bồ Tát Thường Đề” và phẩm “Bồ Tát Pháp Dũng”. Hai diễn viên được dựng lên để nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bát Nhã trong việc xây dựng tâm linh. Phẩm “Bồ Tát Thường Đề”, miêu tả trường hợp của một vị Bồ Tát có tên là Thường Đề ước nguyện được nghe Bát Nhã phải chẻ xương bán tủy. Đây là phẩm được xem là “làm gương” cho những ai tầm cầu Bát nhã Ba la mật chẳng tiếc thân mạng. Phẩm này chỉ trần thuật về sự kiện, không đề cập nhiều về giáo lý. Ai cũng có thể lãnh hội.
Tóm lược:
Thường Đề Bồ Tát cầu Bát nhã Ba la mật, tu tập để trở thành Vô Thượng Bồ đề. Bồ Tát Thường Đề không tiếc thân mạng, không mong cầu lợi dưỡng, chẳng mong cung kính suy tôn mà chỉ muốn được Bát nhã Ba la mật. Bồ Tát thường ở những nơi thanh vắng tu tập.
Bỗng nhiên, nghe trong hư không có tiếng nói: Này thiện nam tử! Ngươi nên đi về hướng Đông thì quyết định được nghe Bát Nhã. Khi đi, ngươi chớ nệ mệt mỏi, chớ lo ngủ nghỉ, chớ nghĩ đến ăn uống, chớ tưởng ngày đêm, chớ sợ lạnh nóng, đối với pháp nội ngoại, tâm chớ tán loạn. Khi đi, chẳng được ngoái nhìn hai bên, chớ ngó trước sau, trên dưới, bốn phía, chớ phá oai nghi, chớ hoại thân tướng; chớ động sắc; chớ động thọ, tưởng, hành, thức; chớ động 12 xứ, 18 giới, chớ động 12 duyên khởi; nói rộng, chớ động tất cả thiện pháp cho đến… chớ động pháp thế gian, chớ động pháp xuất thế gian; chớ động pháp hữu lậu, pháp vô lậu; chớ động pháp hữu vi, pháp vô vi. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì nếu đối với các pháp có động thì đối với Phật pháp chẳng thể an trụ. Nếu đối với Phật pháp chẳng an trụ được thì sẽ luân hồi sanh tử trong các thú. Nếu luân hồi sanh tử trong các thú thì chẳng có thể đắc Bát nhã Ba la mật.
Bồ Tát Thường Đề nghe những lời ân cần khuyên bảo trong hư không, hết sức hoan hỷ chấp tay cung kính đáp lại rằng:
- Rất cám ơn! Tôi sẽ nghe theo. Vì sao? Vì tôi muốn vì tất cả hữu tình làm ánh sáng lớn, vì tôi muốn tiếp thu tất cả pháp thù thắng của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, vì tôi muốn chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.
Khi ấy, tiếng trong hư không lại nói với Bồ Tát Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Ngươi sẽ đối với pháp sâu xa không, vô tướng, vô nguyện nên sanh tin hiểu. Ngươi nên dùng tâm lìa tất cả tướng mà cầu Bát Nhã; ngươi nên dùng tâm lìa tướng ngã, hữu tình, dòng sanh mạng… cho đến cái biết, cái thấy mà cầu Bát Nhã.
Thiện nam tử! Ngươi đối với các bạn ác nên xa lìa, đối với các bạn lành nên thân cận cúng dường. Nếu ngươi làm được như thế thì chẳng bao lâu sẽ được nghe Bát Nhã.
Thiện nam tử! Ngươi nên nghĩ thế này: Người mà ta theo để nghe Bát nhã Ba la mật là thiện chơn hữu tối thắng của ta. Vì Ta theo họ nghe pháp vi diệu ấy, nên đối với quả vị Giác ngộ tối cao, mau được Bất thối chuyển. Ta do vị ấy mà được gần Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thường sanh vào cõi nước nghiêm tịnh của chư Phật, cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn, lắng nghe Chánh pháp trồng các cội đức. Ngươi nên suy lường quán sát các công đức thắng lợi như thế. Bồ Tát pháp sư thường vì ngươi mà nói Bát Nhã, ngươi nên cung kính phụng sự như phụng sự chư Phật.
Thiện nam tử! Ngươi chớ mang tâm lợi lộc danh dự thế tục mà theo Pháp sư, chỉ vì ái trọng cung kính cúng dường pháp Vô thượng mà theo Pháp sư.
Thiện nam tử! Bây giờ ngươi nên quán nghĩa lý chơn thật của các pháp. Thế nào là nghĩa lý chơn thật của các pháp? Đó là tất cả pháp vô nhiễm, vô tịnh. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tự tánh của tất cả pháp đều không, không có ngã, hữu tình, dòng sanh mạng… cái biết, cái thấy, như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như ảnh tượng, như bóng nắng, như bóng sáng, như trò biến hóa, như ảo thành. Nếu có thể quán sát nghĩa lý chơn thật của các pháp như thế, theo Pháp sư, thì chẳng bao lâu sẽ thành tựu Bát nhã Ba la mật thậm thâm. (Q. 398, ĐBN)
Sau khi nghe những lời khuyên bảo ân cần như thế, Bồ Tát Thường Đề đi về hướng Đông. Nhưng đi chưa được bao lâu lại tự nghĩ: Không biết mình phải đi bao lâu? Chỗ đó là chỗ nào? Thành quách thôn làng gì? Cách đây bao xa? Tại sao mình dại khờ không chịu hỏi trước! Bây giờ phải làm sao đây? Nghĩ như vậy rồi, liền dừng lại nơi ấy, đấm ngực buồn than, lo sầu khóc lóc, trải qua chốc lát, mới nghĩ: Ta ở nơi đây một ngày một đêm hoặc qua bảy ngày bảy đêm, chẳng nề mệt mỏi, chẳng màng ngủ nghỉ, chẳng đếm xỉa đến ăn uống, chẳng tưởng ngày đêm, chẳng sợ lạnh nóng, đối với pháp trong ngoài, tâm chẳng tán loạn. Nếu chưa biết rõ cách thành ấp chỗ đến xa gần thì chẳng bao giờ rời bỏ chỗ này.
Bồ Tát Thường Đề khi đang than khóc, tự trách như thế, bỗng nhiên ở phía trước có hình Phật hiện, khen Bồ Tát Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ khi tu Bồ Tát đạo dùng hạnh cần khổ cầu Bát Nhã cũng giống như ngươi hiện nay.
Này thiện nam tử! Ngươi đem tâm dõng mãnh tinh tấn ưa thích, cung kính cầu pháp như thế rất đáng khen. Vậy, từ đây đi về hướng Đông khoảng năm trăm do tuần sẽ thấy có một cái thành tên là Diệu Hương(2); thành ấy cao rộng, bảy báu tạo thành; ở ngoài thành ấy có bảy lớp tường vách, bảy lớp lầu quán, bảy lớp lan can, bảy lớp hào báu, bảy lớp cây Đa la báu giăng hàng đều bằng bảy báu… bao bọc chung quanh. Thành báu to lớn này mỗi mặt khoảng mười hai do tuần thanh tịnh, rộng rãi, người vật đông đúc, an ổn, giàu có, an lạc. Trong đó có năm trăm đường sá chợ búa giống nhau, đẹp như tranh vẽ. Thành đều có tường và lầu gác cao ngăn địch làm bằng vàng tía, thắp sáng bằng các ngọc báu, ánh sáng rực rỡ, xen vào giữa bờ tường là các cây báu, gốc rễ, thân, nhánh, lá và hoa quả của các cây ấy đều do loại báu đặc biệt tạo thành. Bờ tường, lầu gác và các cây báu phủ bằng lưới vàng, kết bằng dây báu, treo bằng linh(2) vàng, nối bằng chuông, gió nhẹ thoảng qua, phát tiếng êm dịu, giống như khéo tấu năm loại kỹ nhạc; vô lượng hữu tình trong thành báu ấy ngày đêm thường nghe, vui vẻ khoái lạc. Bảy lớp hào báu bao quanh thành tràn đầy nước tám công đức, nhiệt độ điều hòa, trong vắt như gương; trong hào đâu đâu cũng có thuyền bảy báu trang hoàng đẹp đẽ, ai cũng ưa nhìn. Trong các hào nước có đủ loại hoa lạ, nào hoa sen xanh, đỏ, trắng, vàng, và đủ loại hoa báu khác, sắc hương tươi thắm, phủ khắp mặt nước. Trong thành có năm trăm vườn cảnh, mỗi vườn cảnh có năm trăm ao. Ao to rộng một dặm. Trong các ao cũng có bốn loại sen quý xanh, đỏ, trắng, vàng to như bánh xe, sáng tỏa mặt nước. Trong vườn có nhiều loại chim: Khổng tước, anh võ, le le, cò, hồng nhạn, hoàng anh, ngỗng trời, xuân oanh, vịt nước, cò trắng, uyên ương, giao thanh, chim trĩ, tinh vệ, gà hồ, thiên nga, hồ phượng, diệu sí, bồ hồng, yết la tần ca, chim cộng mạng v.v... tiếng hót thật vi diệu. Dân chúng trong thành đã nhiều kiếp tu tập Bát Nhã, tạo quả thù thắng nên đời này mới được hưởng như thế!
Trong thành Diệu Hương tại một nơi cao ráo, đẹp đẽ thấy có một cái cung rộng một do tuần. Đó là cung của Bồ Tát Pháp Dũng. Cung này trang trí trang nghiêm kỳ diệu. Bao quanh cung có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lầu gác, bảy lớp lan can, bảy lớp hào báu, bảy lớp cây Đa la báu thẳng hàng, lại có bốn vườn cảnh tên là Thường Hỷ, Ly Ưu, Hoa Nghiêm và Hương Sức. Trong mỗi khu vườn lại có tám cái ao tên là Hiền Thiện, Hiền Thượng, Hoan Hỷ, Hỷ Thượng, An ổn, Cụ An, Ly Bố và Bất Thối. Trong mỗi ao có các loại sen quý đủ màu, có nước tám công đức, hương thơm như chiên đàn, sắc vị thanh tao, có le le, nhạn v.v... bơi giỡn nô đùa trong đó.
Trong thành Diệu Hương lại có một cái đài báu, trên dài báu này có tòa sư tử dành cho Bồ Tát Pháp Dũng(3) thuyết pháp. Bốn chân của tòa ấy đều do vàng, bạc, lưu ly, sa cừ tạo thành. Ở trên tòa ấy, lại trải thêm một lớp nệm, lót chăn thêu, phủ bằng lụa trắng, buộc bằng vải hồng. Hai bên bảo tòa đặt hai gối đỏ, thòng các vải màn, rải hoa diệu hương; tòa ấy cao rộng nửa do tuần. Ở trên không trung giăng màn thêu, bên trong chưng bày trướng ngọc, lớn nhỏ cân xứng với tòa, thòng các tua hoa, treo bằng chuông vàng. Vì kính pháp nên bốn bên tòa rải hoa ngũ sắc, đốt hương vô giá, lại dùng các loại hương nước, hương bột, hương xoa rải trên đất, la liệt đủ thứ tràng phan bảo cái. Bồ Tát Pháp Dũng mỗi khi lên bảo tòa này thuyết Bát nhã Ba la mật, đều có vô lượng chúng Trời Rồng, Dược xoa, Kiền đạt phược, A tu la, Yết lộ trà, Khẩn nại lạc, Mạc hô lạc già Nhơn, Phi nhơn v.v... cùng đến vân tập, cung kính cúng dường Bồ Tát Pháp Dũng, nghe thọ Bát nhã Ba la mật. Khi ấy, các đại chúng đã nghe pháp rồi, có người tụng trì, có người biên chép, có người chuyên đọc, có người tư duy, có người như thuyết tu hành, có người khai ngộ cho kẻ khác. Do nhân duyên ấy, các loại hữu tình ở trong đường ác được pháp bất đọa và đối với quả vị Giác ngộ tối cao vĩnh viễn không thối chuyển.
Này thiện nam tử! Ngươi nên siêng năng tinh tấn mau đi đến chỗ đại Bồ Tát Pháp Dũng. Đại Bồ Tát này là thiện hữu chơn tịnh lâu dài của ngươi, thị hiện dạy bảo dẫn dắt, khiến ngươi mau chứng đắc sở cầu. Bồ Tát này vào đời quá khứ dùng hạnh cần khổ cầu Bát Nhã cũng như ngươi vậy. Ngươi nên nhanh đến chỗ đại Bồ Tát Pháp Dũng, chớ sanh nghi ngại, chớ kể ngày đêm, chẳng bao lâu sẽ được nghe Bát nhã Ba la mật.
Nghe tới đây, Thường Đề Bồ Tát rất đổi vui mừng, tâm niệm: Khi nào ta sẽ gặp đại Bồ Tát Pháp Dũng, thân cận cúng dường, được nghe Bát nhã Ba la mật; nghe rồi có thể vĩnh viễn đoạn trừ các thứ kiến thức hư vọng phân biệt đã có, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Bồ Tát Thường Đề luôn luôn tâm niệm như vậy sáu thời như người bị phải tên độc lúc nào cũng nghĩ đến phương cách làm sao thoát cảnh đau đớn.
Nên biết, Bồ Tát Thường Đề khi nghĩ như thế, ở ngay chỗ này, đối với tất cả pháp, khởi pháp tri kiến vô chướng ngại; do tri kiến này, liền có thể nhập ngay vô lượng pháp môn Tam ma địa thù thắng(4).
Bồ Tát Thường Đề an trụ trong Tam ma địa như thế, hiện thấy chư Phật Như Lai trong vô lượng, vô số, vô biên thế giới khắp mười phương, vì các chúng đại Bồ Tát tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật. Khi ấy, chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng khen ngợi, an ủi dạy bảo Thường Đề Bồ Tát:
- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Chúng tôi khi xưa hành Bồ Tát đạo, cũng như ngươi hôm nay, dùng hạnh cần khổ cầu Bát nhã Ba la mật; khi cần cầu, cũng như ngươi hôm nay đắc các Tam muội như thế. Chúng tôi lúc ấy, đắc vô lượng Tam muội, tu hành rốt ráo rồi thì mới có thể thành tựu Bát nhã Ba la mật thậm thâm, phương tiện thiện xảo; do đó có thể viên mãn tất cả Phật pháp, liền được an trụ ở bậc Bất thối. Chúng tôi quán các Tam ma địa này tự tánh là không nhập không xuất, cũng chẳng thấy pháp năng nhập năng xuất, cũng chẳng thấy đây là Bồ Tát đạo có thể tu, cũng chẳng thấy đây là quả vị Giác ngộ có thể chứng. Chúng tôi khi ấy vì đối với tất cả pháp không chấp trước nên chính đó là Bát nhã Ba la mật. Vì chúng tôi an trụ vô sở chấp này, nên có thể đạt được thân chân kim sắc, ánh sáng một tầm, đủ ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc; lại có thể chứng đắc Phật giới, Phật định, Phật tuệ vô thượng bất khả tư nghì; tất cả công đức Ba la mật đều viên mãn. Vì vậy, này thiện nam tử! Đối với pháp này, ngươi càng nên cung kính, cần cầu, không được lơi lỏng. Nếu đối với pháp này càng sanh cung kính, cần cầu, thường chẳng buông lỏng, thì đối với quả vị Giác ngộ tối cao dễ chứng đắc.
Thiện nam tử! Đối với thiện hữu, ngươi nên thường cung kính, như cung kính chư Phật. Vì sao? Này thiện nam tử! Nếu Bồ Tát thường được thiện hữu nhiếp hộ, thì mau chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.
Ngay đó, Thường Đề Bồ Tát liền bạch chư Phật mười phương:
- Ai là thiện hữu của con, con sẽ thân cận cung kính cúng dường?
Chư Phật mười phương bảo Thường Đề:
- Đại Bồ Tát Pháp Dũng là chơn thiện hữu lâu dài của ngươi, có thể nhiếp hộ ngươi, khiến ngươi thành tựu sở cầu là quả vị Giác ngộ tối cao, cũng khiến ngươi học phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật thậm thâm. Vì Bồ Tát ấy luôn luôn giúp ích cho ngươi lâu dài nên là thiện hữu của ngươi, ngươi nên thân cận cúng dường cung kính.
Lại nữa, Thiện nam tử! Nếu một kiếp, hoặc hai, hoặc ba, như thế cho đến hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc hơn thế nữa, ngươi cung kính tôn thờ Bồ Tát Pháp Dũng, lại dùng tất cả nhạc cụ thượng diệu cho đến sắc, thanh, hương, vị, xúc vi diệu của cả thế giới Tam thiên đại thiên cúng dường hết thì cũng chưa có thể báo ơn Bồ Tát ấy trong giây lát. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì ngươi nhờ oai lực của Bồ Tát Pháp Dũng, mà hiện đắc vô lượng pháp môn Tam ma địa thắng diệu như thế; lại sẽ nhờ Bồ Tát ấy khiến ngươi đạt được phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật thậm thâm, mau chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.
Mười phương Phật phương tiện khen ngợi an ủi dạy bảo Thường Đề Bồ Tát, khiến hoan hỷ xong rồi, bỗng nhiên chẳng hiện(5). Bấy giờ, Bồ Tát Thường Đề từ Tam ma địa xuất, chẳng thấy chư Phật, ôm lòng buồn than, liền nghĩ: “Khi ở tam ma địa được thấy chư Phật mười phương trước từ đâu đến, giờ lại đi đâu, ai là người có thể dứt nghi này?”
Rồi Bồ Tát Thường Đề theo chỉ dẫn của chư Phật mười phương, quyết định lên đường tìm đại Bồ Tát Pháp Dũng, người mà chư Phật mười phương khuyên nhủ sẽ là thiện hữu tri thức lâu dài, có thể thành tựu sở nguyện cho Thường Đề. Nhưng Bồ Tát quá nghèo làm sao có thể mua phẩm vật cúng dường đại Bồ Tát Pháp Dũng. Thường Đề Bồ Tát cảm thấy không vui khi tự nghĩ nếu ta đến tay không thì làm sao biểu lộ được lòng chí thành cầu pháp? Bây giờ ta chỉ còn cái thân là tài sản cuối cùng, có thể bán để mua phẩm vật cúng dường Bát Nhã và pháp sư Pháp Dũng.
Nghĩ như thế rồi Thường Đề Bồ Tát đi lần về hướng Đông đến một thành lớn, rộng rãi nghiêm tịnh, dân chúng đông đúc, an lạc, giàu sang. Bồ Tát Thường Đề vào chợ, đi vòng khắp nơi, lớn tiếng rao: Tôi muốn bán thân này, ai muốn mua tôi sẽ bán cho? Tôi muốn bán thân này, ai muốn mua tôi sẽ bán cho? Tôi muốn bán…!
Bọn ác ma biết nếu Bồ Tát Thường Đề bán được thân mua phẩm vật cúng dường Bồ Tát Pháp Dũng, nhân đó sẽ học được pháp vô thượng, chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, cứu độ nhiều người thì bè lũ ma không còn đất sống. Nghĩ vậy nên bọn ác ma ngăn chặn lời rao, không để cho ai nghe, nhưng ở trong thành chỉ có một nữ trưởng giả, do sức thiện căn đời trước nên ma chẳng có thể ngăn được.
Bồ Tát Thường Đề vòng quanh khắp chợ, phố phường “rao hàng” đã lâu, nhưng chẳng có ai hỏi han. Nên buồn tủi đứng than: “Ta có tội tình gì mà bán thân để cúng dường Bát Nhã và Pháp sư mà chẳng có ai hỏi han chi hết?”
Khi ấy, trời Đế Thích thấy vậy mới nghĩ: Thiện nam tử này dường như là vì muốn cúng dường Bát nhã Ba la mật và pháp sư thuyết pháp Pháp Dũng, nên tự bán thân. Ta nên thử xem là thật sự vì mộ pháp hay vì dối trá lừa gạt thế gian? Nghĩ thế rồi liền tự hóa làm một Bà la môn trẻ tuổi đi đến chỗ Thường Đề hỏi:
- Ngươi nay vì nhân duyên gì mà đứng đây khóc lóc lo sầu?
Bồ Tát Thường Đề đáp:
- Này chú! Ta vì cúng dường Bát nhã Ba la mật thậm thâm và pháp sư thuyết pháp là Bồ Tát Pháp Dũng, nhưng nghèo khó không có vật báu, vì do ái pháp, nên muốn tự bán thân, nhưng khắp trong thành này không ai hỏi mua, chắc mình phước mỏng, phận hèn nên không được toại nguyện!
Khi ấy, thanh niên Bà la môn mới nói với Thường Đề:
- Nay đây tôi muốn tế trời, chẳng dùng thân người, chỉ cần máu người, tủy người, tim người, ngươi có thể bán cho tôi không?
Thường Đề nói thầm: Như vậy là có người mua rồi, ta sẽ có lễ vật cúng dường Bát Nhã và pháp sư, khiến ta đầy đủ phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật, mau chứng quả vị Giác ngộ. Nghĩ như thế rất đổi vui mừng, nên Thường Đề Bồ Tát dùng lời êm dịu đáp lời Bà La Môn:
- Vâng tôi sẽ bán hết cho chú.
- Hết thảy trị giá bao nhiêu?
- Tùy chú, bao nhiêu cũng được.
Thường Đề nói như vậy rồi, liền đưa tay phải ra cầm dao bén đâm vào cánh tay trái cho máu chảy ra; lại lóc đùi phải, thịt da rơi xuống đất, đập xương lòi tủy, đưa cho Bà la môn. Lại đến bên tường toan mổ tim ra, thì nữ trưởng giả ở trên gác cao, trước đó nghe Thường Đề lớn tiếng rao bán thân, sau lại thấy tự cắt thân mình, liền xuống gác, đến chỗ Thường Đề hỏi:
- Vì nhân duyên gì trước đây ngươi rao tự bán thân, nay cắt máu, rút tủy, lại muốn mổ tim?
Thường Đề đáp:
- Cô có biết không? Tôi vì muốn cúng dường Bát Nhã và pháp sư Pháp Dũng, nhưng nghèo túng, không có tài sản, vì mến trọng pháp nên tự bán thân mà không có ai mua. Nay bán ba vật này cho Bà la môn.
Nữ trưởng giả hỏi:
- Ngươi tự bán thân, máu, tim, tủy cúng dường Bát Nhã và pháp sư, để được công đức thắng lợi gì?
Thường Đề đáp:
- Bồ Tát Pháp Dũng đối với pháp thậm thâm đã được tự tại, sẽ vì tôi mà nói phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật thậm thâm. Sở học của Bồ Tát, sở thừa của Bồ Tát, sở hành của Bồ Tát, sở tác của Bồ Tát, nếu tôi được nghe rồi như thuyết tu hành, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thì mau chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, được thân sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng Đại sĩ và tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc, ánh sáng một tầm, hào quang vô lượng, đủ Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng… cho đến đắc Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, đầy đủ tất cả Pháp bảo Vô thượng, phân chia bố thí cho tất cả hữu tình, làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sanh. Tôi xả thân mạng là vì các công đức thắng lợi này.
Nữ trưởng giả nghe nói Phật pháp vi diệu thù thắng chẳng thể nghĩ bàn, rất đổi xúc động, vui mừng cung kính chấp tay thưa với Thường Đề:
- Điều Đại sĩ nói vi diệu tối thắng to lớn đệ nhất, rất là hi hữu; vì đạt được tất cả Phật pháp như thế dù xả bỏ thân mạng nhiều kiếp như số cát sông Hằng chẳng tiếc, huống chi chỉ xả bỏ một thân. Vì sao? Vì nếu đắc công đức vi diệu như thế thì có thể lợi lạc tất cả hữu tình. Đại sĩ nghèo còn vì công đức vi diệu như thế mà chẳng tiếc thân mạng, huống gì giàu sang phú quý như con. Nay Đại sĩ chớ nên tự hại thân mình, cần những phẩm vật cúng dường nào con sẽ dâng cho Ngài hết kể cả vàng, bạc, ngọc báu, lưu ly, sa cừ, trân châu Mạc ni v.v… cho đến hoa hương, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc, xe cộ, y phục và đủ các thứ phẩm vật cúng dường thượng diệu khác, Ngài có thể đem cúng dường Bát nhã Ba la mật và pháp sư Pháp Dũng. Xin Đại sĩ chớ hại mình. Bản thân con cũng nguyện theo Đại sĩ đến chỗ đại Bồ Tát Pháp Dũng, đồng thời chiêm ngưỡng, cùng trồng căn lành, vì được nghe thuyết Phật pháp vậy.
Khi ấy, trời Đế Thích liền hiện nguyên hình trước mặt Thường Đề, khom người kính cẩn khen:
- Hay thay! Hay thay! Đại sĩ vì pháp mà chí thành kiên cố đến như thế. Chư Phật quá khứ khi hành Bồ Tát đạo cũng như Đại sĩ, dùng nguyện kiên cố cầu Bát nhã Ba la mật, phương tiện thiện xảo, thỉnh vấn sở học, sở thừa, sở hành, sở tác của Bồ Tát, tâm không mỏi mệt, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng quả vị Giác ngộ tối cao. Tôi chỉ thử Ngài thôi, chứ không cần máu, tủy, tim của Ngài. Nay Ngài cần gì, tôi sẽ hiến dâng để đền cái tội khinh xuất vừa qua?
Thường Đề đáp:
- Tôi chỉ có nguyện là đạt quả vị Giác ngộ tối cao. Thiên chủ có thể thỏa mãn nguyện này chăng?
Trời Đế Thích cảm thấy hổ thẹn, thưa với Thường Đề:
- Điều này ngoài sức của tôi, chỉ có chư Phật Đại Thánh Pháp Vương mới có thể làm nổi! Thưa Đại sĩ! Ngoài quả vị Giác ngộ tối cao ra, Ngài còn ước muốn điều gì khác, may ra tôi có thể đáp ứng?
Thường Đề đáp:
- Bát Nhã cũng là ước nguyện của tôi, ông có thể ban cho chăng?
Khi ấy, trời Đế Thích lại thập phần bối rối, bèn thưa với Thường Đề:
- Đối với ước muốn này tôi cũng chẳng có thể ban cho được. Nhưng tôi có khả năng khiến thân Đại Sĩ bình phục như cũ, Ngài có ước muốn như thế chăng?
Thường Đề đáp:
- Điều này tôi có thể tự hoàn thành, khỏi nhọc Thiên Chủ. Vì sao? Vì nếu tôi bày tỏ sự việc với mười phương chư Phật, phát lời chân thành: Nay tự bán thân là vì mộ pháp, chứ chẳng dối trá lừa gạt mê hoặc thế gian. Do nhân duyên này, nhất định đối với quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thối chuyển, thì khiến cho thân tôi bình phục như cũ; lời này chưa dứt, có thể khiến cho tôi bình phục như xưa, đâu dám nhờ oai thần của Ngài!
Thiên Đế Thích nói:
- Đúng vậy! Đúng vậy! Thần lực của Phật chẳng thể nghĩ bàn, Bồ Tát chí thành việc gì mà chẳng xong! Nhưng vì tôi mà tổn hại thân Đại Sĩ, cúi xin từ bi cho tôi hoàn thành việc này.
Bồ Tát Thường Đề bảo Đế Thích:
- Ngươi đã ân cần thì tùy theo ý người.
Khi ấy, trời Đế Thích liền dùng oai lực mình khiến thân Thường Đề bình phục như cũ, thậm chí chẳng thấy một vết sẹo nào, hình mạo đoan nghiêm hơn trước. Đế Thích xấu hổ tạ lỗi, nhiễu quanh bên phải bỗng nhiên biến mất.
Chứng kiến diễn biến hi hữu trên làm cho nữ trưởng giả càng thêm kính phục bèn chắp tay thưa với Thường Đề Bồ Tát:
- Xin rũ từ bi, quang lâm nhà con giây lát, những phẩm vật cần để cúng dường Bát Nhã và Bồ Tát Pháp Dũng, con thưa với cha mẹ sẽ dâng hiến tất cả. Con và thị nữ cũng từ giã cha mẹ cùng Đại sĩ đi đến thành Diệu Hương để cúng dường nghe pháp.
Khi ấy, Thường Đề thuận theo sở nguyện của nàng, cùng đến nhà nàng, dừng lại ngoài cửa. Nữ trưởng giả liền vào nhà, thưa với cha mẹ:
- Xin cho con nhiều tràng hoa, hương xoa, hương bột v.v... thượng diệu, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, dù tô, trân châu Mạc ni, ngọc báu Phệ lưu ly, ngọc báu Phả chi ca, san hô, hổ phách và các loại phẩm vật cúng dường khác như vàng, bạc v.v... mà trong nhà chúng ta sẵn có, cũng cho con năm trăm thị nữ đã phụng sự con trước đây, mang các phẩm vật cúng dường cùng theo chân Bồ Tát Thường Đề, đi đến thành Diệu Hương để cúng dường Bát nhã Ba la mật và pháp sư Pháp Dũng. Bồ Tát ấy sẽ vì con mà tuyên thuyết pháp yếu; con được nghe rồi, như thuyết tu hành, quyết định đạt được vô biên Phật pháp vi diệu.
Cha mẹ nàng nghe xong thất Kinh, liền hỏi con gái:
- Bồ Tát Thường Đề nay đang ở đâu? Là hạng người nào?
Nàng liền thưa:
- Người này đang chờ ngoài cửa. Vị Đại sĩ ấy vì muốn độ thoát khổ sanh tử cho tất cả hữu tình nên cần cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Vị Đại sĩ ấy vì ái trọng chánh pháp, chẳng tiếc thân mạng, muốn cúng dường Bát Nhã và pháp sư Pháp Dũng cho nên vào trong thành này, đi vòng khắp nơi, lớn tiếng rao bán thân mình để mua lể vật cúng dường, nhất nhất nữ trưởng giả đều kể hết cho cha mẹ không thiếu dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt nào!
Bấy giờ, cha mẹ nghe con gái kể tất cả nội tình, vui mừng khen chưa từng có, liền bảo:
- Theo lời con nói, thì Bồ Tát Thường Đề thật hi hữu, mang giáp bị đại công đức như thế, dõng mãnh tinh tấn cầu Phật pháp; Phật pháp sở cầu vi diệu tối thắng, quảng đại thanh tịnh, chẳng thể nghĩ bàn, có công năng dẫn dắt các loại hữu tình ở thế gian, khiến đạt lợi ích an lạc thù thắng. Con đối với pháp ấy đã mến trọng sâu sắc, muốn theo thiện hữu đem các phẩm vật đến thành Diệu Hương cúng dường Bát nhã Ba la mật và pháp sư thuyết pháp là Bồ Tát Pháp Dũng, vì muốn chứng đắc các Phật pháp thì tại sao cha mẹ chẳng tùy hỷ! Cha mẹ cho phép con và cũng muốn tháp tùng nữa, con hoan hỷ chăng?
Người con vui mừng, liền thưa:
- Con vô cùng sung sướng!
Cha mẹ nàng bảo:
- Con nên mau chuẩn bị phẩm vật cúng dường và thị tùng rồi cùng đi.
Khi ấy, nữ trưởng giả liền chuẩn bị xong năm trăm cỗ xe, trang hoàng bằng bảy báu, cũng khiến năm trăm thị nữ thường theo hầu tự ý lấy các châu báu quý hiếm và đủ các thứ phẩm vật cúng dường thượng diệu khác đủ loại, nhiều vô lượng đem theo. Nữ trưởng giả đã chuẩn bị xong các việc như vậy rồi, cung kính thưa thỉnh Bồ Tát Thường Đề cỡi một xe đi trước, cô ta, cha mẹ và năm trăm thị nữ mỗi người cỡi một xe, vây quanh theo hầu Bồ Tát Thường Đề, đi lần về hướng Đông đến thành Diệu Hương.
Chẳng bao lâu mọi người thấy trước mặt hiện ra một cái thành uy nghi lộng lẫy. Thành này cao rộng bằng bảy báu. Ở ngoài thành, chung quanh đều có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lầu quán, bảy lớp lan can, bảy lớp hào báu, bảy lớp hàng cây Đa la thẳng tắp đều do bảy báu tạo thành, tất cả giống như đã tả ở trên. Đó là thành Diệu Hương mà mọi người mong đợi.
Mọi người từ từ tiến vào. Từ đàng xa mọi người đã thấy đại Bồ Tát Pháp Dũng ngồi trên tòa sư tử ở chính giữa đài bảy báu, có vô lượng, vô số trăm ngàn ức triệu chúng hội vây quanh, đang vì họ nói pháp.
Bấy giờ, Bồ Tát Thường Đề vừa thấy đại Bồ Tát Pháp Dũng, thân tâm mừng vui, liền nghĩ thế này: Chúng ta chẳng nên cỡi xe đi thẳng đến chỗ Đại Bồ Tát Pháp Dũng. Nghĩ rồi, liền xuống xe, sửa lại y phục. Cùng lúc nữ trưởng giả và cha mẹ nàng và năm trăm thị nữ cũng đều xuống xe. Mọi người đều dùng các báu vật và y phục thượng diệu trang điểm thân thể, mang các phẩm vật cúng dường, cung kính vây quanh Bồ Tát Thường Đề, lần bước đến chỗ Đại Bồ Tát Pháp Dũng. Gần chỗ ở của Đại Bồ Tát Pháp Dũng, có đài bằng bảy báu, dùng gỗ chiên đàn đỏ mà trang hoàng, treo linh, chuông báu, phát ra âm thanh vi diệu, chung quanh đều thả lưới trân châu; ở bốn góc đài treo bốn bảo châu để làm đèn sáng, ngày đêm luôn chiếu sáng; bốn mặt bảo đài có bốn lư hương làm bằng bạch ngân, trang hoàng bằng các châu báu, luôn luôn đốt bằng hương hắc trầm thủy và rải các loại hoa quí để cúng dường. Trên đài có tòa do bảy báu tạo, trên đó trải một lớp nệm thêu lụa; có đặt một cái hòm, do bốn báu hiệp thành, trang hoàng lộng lẫy. Hòm này đựng Kinh Bát Nhã, viết bằng mực lưu ly trên các lá bằng vàng ròng. Hòm niêm phong, đóng ấn cẩn thận, chung quanh hòm đâu đâu cũng treo phan hoa báu, trang hoàng đẹp đẽ, khả ái. Bồ Tát Thường Đề, nữ trưởng giả v.v... thấy đài báu này trang nghiêm đẹp đẽ, chấp tay cung kính khen chưa từng có. Lại thấy Đế Thích và vô lượng trăm ngàn chúng trời đứng cạnh đài báu, cầm đủ các thứ hương bột thượng diệu và loại ngọc vụn, hương hoa vi diệu, vàng, bạc v.v... rải lên đài báu.
Bồ Tát Thường Đề thấy vậy mới hỏi Đế Thích:
- Vì duyên gì Thiên chủ và các chúng trời cúng dường đài này?
Trời Đế Thích đáp:
- Đại sĩ biết chăng? Ở trong đài này có Pháp vô thượng gọi là Bát nhã Ba la mật thậm thâm, là mẹ của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các chư Bồ Tát. Nếu các đại Bồ Tát đối với pháp này tinh cần tu học thì mau đạt tất cả công đức giải thoát, có thể thành tựu tất cả Phật pháp, có thể mau chứng đắc Nhất thiết trí trí. Do nhân duyên ấy, tôi và quyến thuộc đối với pháp này, cung kính cúng dường.
Bồ Tát Thường Đề nghe rồi hoan hỷ, hỏi tiếp trời Đế Thích:
- Bát nhã Ba la mật hiện nay ở chỗ nào? Tôi muốn cúng dường, mong Ngài chỉ cho.
Trời Đế Thích nói:
- Đại sĩ biết chăng? Bát nhã Ba la mật đựng trong hòm bằng bốn báu, trên tòa bảy báu kia. Bồ Tát Pháp Dũng tự niêm phong và đóng ấn lại. Chúng tôi chẳng dám mở ra xem.
Bấy giờ, Bồ Tát Thường Đề và nữ trưởng giả, cha mẹ nàng, cùng năm trăm thị nữ, nghe nói vậy rồi liền lấy những vật mang theo như hoa hương, ngọc báu, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc và các phẩm vật cúng dường khác, chia làm hai phần: Một phần dành để cúng dường Bát Nhã, phần còn lại thì dành cho Đại Bồ Tát Pháp Dũng.
Đến nơi, thấy Đại Bồ Tát Pháp Dũng ngồi trên tòa sư tử, có đại chúng vây quanh, mọi người tùy tùng liền lấy hương hoa, tràng phan, bảo cái, y phục, anh lạc, kỹ nhạc, đèn đuốc, các thứ ngọc báu v.v... trải ra cúng dường Bát Nhã và pháp sư. Bồ Tát Pháp Dũng liền dùng sức oai thần lấy các loại hoa quí cúng dường rải lên không trung, trên đỉnh đầu, bỗng nhiên hiệp thành một đài hoa quí, kết báu trang nghiêm, thật khả ái. Lại khiến các loại hương thơm đã rải bay lên hư không, ngay trên đài hoa, bỗng nhiên hiệp thành lọng hương quí, có các loại ngọc báu trang hoàng. Lại khiến các loại y phục quí báu đã rải bay lên hư không, ngang trên lộng hương, bỗng nhiên hiệp thành một cái màn báu, cũng dùng các báu vật trang hoàng đẹp đẽ. Còn các phẩm vật khác như tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc các thứ anh lạc v.v... tự nhiên vọt lên trên xung quanh bức màn trên đài, tự trang hoàng đẹp đẽ, xảo diệu.
Bồ Tát Thường Đề, nữ trưởng giả v.v... thấy việc này rồi, vui mừng không ngớt khen ngợi đại Bồ Tát Pháp Dũng: Đại sư của ta rất là hi hữu, có thể hiện sức đại oai thần như thế, khi làm Bồ Tát còn có năng lực như thế, huống là lúc đắc quả vị Giác ngộ tối cao.
Khi ấy, Thường Đề và nữ trưởng giả cùng các quyến thuộc, vì thâm tâm kính ái đại Bồ Tát Pháp Dũng, nên đều phát tâm cầu quả vị Giác ngộ tối cao, phát nguyện rằng: Do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai quyết định thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai tinh cần tu học Bồ Tát đạo, đối với pháp môn sâu xa, thông đạt vô ngại, như Đại Bồ Tát Pháp Dũng hiện nay; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai tinh cần tu học Bồ Tát đạo, ngồi tòa sư tử, ở giữa đại chúng, tuyên thuyết nghĩa lý thậm thâm của Bát nhã Ba la mật, hoàn toàn không sợ như Đại Bồ Tát Pháp Dũng hiện nay; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai tinh cần tu học Bồ Tát đạo, thành tựu sức phương tiện thiện xảo Bát Nhã, có thể mau chóng thành tựu sở cầu là quả vị Giác ngộ tối cao; do thiện căn thù thắng này, chúng con nguyện đời đương lai tinh cần tu học Bồ Tát đạo, đắc thần thông thù thắng, biến hóa tự tại, lợi ích an lạc vô lượng hữu tình như Đại Bồ Tát Pháp Dũng hiện nay.
Sau khi cúng dường xong, Bồ Tát Thường Đề, nữ trưởng giả cùng quyến thuộc đảnh lễ sát chân đại Bồ Tát Pháp Dũng, rồi chắp tay, cung kính nhiễu bên phải ba vòng, xong lui ra đứng một bên.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Thường Đề, khom lưng chắp tay thưa đại Bồ Tát Pháp Dũng:
- Tôi thường ưa ở chỗ thanh vắng cầu Bát Nhã thậm thâm. Có một hôm bỗng nhiên nghe có tiếng trên không trung, gọi: Này thiện nam tử! Ngươi nên đi về hướng Đông, quyết định được nghe Bát Nhã. Tôi nghe như vậy rồi, liền đi về hướng Đông. Đi chưa được bao lâu, lại nghĩ: Tại sao ta chẳng hỏi tiếng trên không trung đi về hướng Đông xa hay gần, đi đến thành ấp nào, sẽ gặp ai thuyết Bát Nhã? Nghĩ như thế rồi liền dừng lại, đấm ngực buồn than, lo sầu khóc lóc, trải qua bảy ngày đêm chẳng hề mỏi mệt, chẳng tưởng ngủ nghỉ, chẳng màng ăn uống, chẳng lo ngày đêm, chẳng sợ lạnh nóng, đối với pháp trong, ngoài, tâm chẳng loạn động, chỉ nghĩ thế này: Khi nào ta sẽ được nghe Bát Nhã?
Đang lúc sầu lo khóc lóc, tự than, bỗng nhiên ở trước mặt tôi hiện ra hình Phật bảo tôi rằng: Này thiện nam tử! Ngươi đem tâm cầu pháp dõng mãnh tinh tấn, yêu thích, cung kính như thế, thì nên đi về hướng Đông này, qua khoảng năm trăm do tuần, có vương thành lớn tên là Diệu Hương, trong thành có Bồ Tát tên là Pháp Dũng, thường vì vô lượng trăm ngàn hữu tình tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật. Ngươi nên theo vị Bồ Tát để được nghe Bát Nhã. Lại, này thiện nam tử! Bồ Tát Pháp Dũng là thiện hữu thanh tịnh dài lâu của ngươi, thị hiện dạy bảo, dẫn dắt khiến ngươi mau chứng đắc sở cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Bồ Tát Pháp Dũng ở đời quá khứ, dùng hạnh cần khổ cầu Bát Nhã cũng như ngươi hôm nay. Ngươi mau đến chỗ đại Bồ Tát Pháp Dũng, chớ sanh nghi ngại, chớ kể ngày đêm, chẳng bao lâu sẽ được nghe Bát nhã Ba la mật. (Q.398, ĐBN)
Khi ấy, tôi được nghe lời nói như vậy rồi, thân tâm vui mừng, nên nghĩ: Ta sẽ được gặp Bồ Tát Pháp Dũng để nghe Bát Nhã? Nghe rồi có thể đoạn trừ vĩnh viễn các thứ phân biệt hư vọng, mau chứng quả vị Giác ngộ tối cao. Nghĩ như vậy, đối với tất cả pháp liền có thể hiện khởi tri kiến vô ngại. Do tri kiến này tôi được nhập vô lượng pháp môn Tam ma địa thù thắng, an trụ trong Tam ma địa như thế, hiện thấy vô lượng, vô số, vô biên chư Phật Như Lai khắp mười phương thế giới, vì các chúng Bồ Tát tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật. Khi ấy, chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng khen ngợi an ủi, ân cần dạy bảo tôi: Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Chúng tôi khi xưa hành Bồ Tát đạo cũng như ngươi hôm nay, dùng hạnh cần khổ cầu Bát nhã Ba la mật thậm thâm, trong khi cần khổ cũng như ngươi hiện nay đắc các Tam ma địa như thế. Bấy giờ, chúng tôi tu vô lượng Tam ma địa được cứu cánh rồi thì có thể thành tựu phương tiện thiện xảo Bát Nhã. Do đó, có thể thành tựu tất cả Phật pháp, liền được an trụ bậc Bất thối chuyển.
Khi ấy, mười phương chư Phật dạy bảo an ủi tôi, khiến tôi hoan hỷ rồi, bỗng nhiên biến mất. Tôi từ sở chứng Tam ma địa xuất ra, chẳng thấy chư Phật, ôm lòng buồn bã, nghĩ: Không biết chư Phật mười phương, trước từ đâu đến, nay đi về đâu? Ai có thể vì ta giải quyết nghi vấn này? Lại nghĩ thế này: Bồ Tát Pháp Dũng từ lâu đã tu học phương tiện thiện xảo Bát Nhã, đã đắc vô lượng pháp môn Đà la ni, Tam ma địa, đối với thần thông Bồ Tát đã viên mãn đạt tự tại, đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ở chỗ chư Phật, phát thệ nguyện rộng lớn, trồng các căn lành. Ở trong thời gian lâu dài là thiện hữu của ta, thường nhiếp thọ ta, khiến đạt được lợi lạc. Ta nên mau đi đến chỗ đại Bồ Tát Pháp Dũng, thưa hỏi việc thấy chư Phật mười phương vừa rồi, là: Trước từ đâu đến, nay đi về đâu? Bồ Tát ấy có thể vì ta mà giải đáp nghi vấn. Bấy giờ, tôi nghĩ như vậy rồi, dõng mãnh tinh tấn đi dần về hướng Đông, thấm thoát vào được thành này, thấy Đại sư ngồi tòa Sư tử, trên đài bảy báu, đại chúng vây quanh, vì họ thuyết pháp. Ngay ở chốn này vừa thấy Đại sư, thân tâm vui mừng, cho nên nay tôi thỉnh vấn Đại sư, chư Phật mười phương mà tôi đã thấy trước đây là từ đâu đến, nay đi về đâu? Cúi xin Đại sư vì tôi mà nói để tôi rõ biết; đã rõ biết rồi, đời đời sẽ gặp chư Phật.
Thích nghĩa:
(1). Bồ Tát Thường Đề, có Kinh gọi là Thường Bi Bồ Tát hay Phổ Từ Bồ Tát, Kinh MHBNBLMĐ gọi là Tát Đà Ba Luân: Cả bốn tên đều chỉ cho một vị Bồ Tát, vì thương xót hữu tình sống trong ác trược, nên chẻ xương bán tủy cầu Bát Nhã để cứu độ chúng sanh.
(2). Đại vương thành: Kinh ĐBN gọi là Diệu Hương, Kinh MHBNBLMĐ gọi là Chúng Hương.
(3). Bồ Tát Pháp Dũng, MHBNBLMĐ gọi là Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
(4). Kinh ĐBN thường nói đến các Tam ma địa, các Tam muội hay định là các loại tập trung tinh thần cao độ. Khi đạt được các Tam muội này thì sẽ có vô vàn thần thông diệu dụng. Nhưng Kinh không có chỉ phương pháp tập luyện. Tuy nhiên, Kinh hé mở một vài chi tiết để thành tựu định này “... Khi đi, ngươi chớ nệ mệt mỏi, chớ lo ngủ nghỉ, chớ nghĩ đến ăn uống, chớ tưởng ngày đêm, chớ sợ lạnh nóng, đối với pháp nội ngoại, tâm chớ tán loạn. Khi đi, chẳng được ngoái nhìn hai bên, chớ ngó trước sau, trên dưới, bốn phía, chớ phá oai nghi, chớ hoại thân tướng; chớ động sắc; chớ động thọ, tưởng, hành, thức; chớ động 12 xứ, 18 giới, chớ động 12 duyên khởi; nói rộng, chớ động tất cả thiện pháp cho đến… chớ động pháp thế gian, chớ động pháp xuất thế gian; chớ động pháp hữu lậu, pháp vô lậu; chớ động pháp hữu vi, pháp vô vi”. Kinh tiếp tục diễn tả: “... Bồ Tát Thường Đề luôn luôn tâm niệm như vậy sáu thời như người bị phải tên độc lúc nào cũng nghĩ đến phương cách làm sao thoát khỏi cảnh đau đớn. Nên biết, Bồ Tát Thường Đề khi nghĩ như thế, ở ngay chỗ này, đối với tất cả pháp, khởi pháp tri kiến vô chướng ngại; do tri kiến này, liền có thể nhập ngay vô lượng pháp môn Tam ma địa thù thắng”.
Trong một đoạn Kinh khác thuộc “Phần Na Già Thất Lợi”, Hội thứ VIII, Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi bảo Bồ Tát Na Già Thất Lợi vào thành khất thực: “... trong khi đi chớ được cất chân, chớ được hạ chân, chớ co chớ duỗi, chớ khởi tâm ta, chớ dấy hý luận, chớ sanh tưởng đường sá, chớ sanh tưởng thành ấp xóm làng, chớ sanh tưởng nam nữ lớn nhỏ, chớ sanh tưởng đường lớn, ngõ hẻm, vườn rừng, nhà cửa v.v... Vì sao? Vì Bồ đề xa lìa các tưởng sở hữu, không cao không thấp, không nắm không buông, tâm dứt dao động, lời lìa hý luận, không có số lượng. Đó là chỗ hướng tới Bồ đề của Bồ Tát. Nếu Ngài có thể đi được như thế, thì tùy ý đi mà hành khất thực. Na Già Thất Lợi nương vào uy lực dạy bảo ấy, nhập định Hải dụ. Ví như biển cả, nước rộng sâu, lặng yên, có nhiều ngọc báu, đầy đủ sinh mạng các loài thủy tộc. Định đây cũng thế, uy lực rộng sâu, thần dụng khó nghĩ, ba nghiệp an tĩnh, đủ các báu công đức, nhiếp dưỡng hàm thức”.
Hai đoạn Kinh tuy khác nhau đôi chút nhưng miêu tả cùng một phương pháp tập trung để đi đến chỗ thành tựu các Tam muội này. Tuy nhiên, nó đòi hỏi một kỹ năng tuyệt hảo, một sự tập trung cao độ. Có lẽ, vì quá nhiếp tâm trong nhất niệm “Làm sao nghe được Bát nhã Ba la mật”, chẳng nề mệt mỏi, chẳng màng ngủ nghỉ, chẳng đếm xỉa đến ăn uống, chẳng tưởng ngày đêm, chẳng sợ lạnh nóng, đối với pháp trong ngoài, tâm chẳng tán loạn. Đó là yếu tố đưa đến chín muồi, nứt vỡ, “giây phút cuối cùng của nhất quán bùng nổ” mà Bồ Tát Thường Đề cũng như Bồ Tát Na Già Thất Lợi chứng đắc các Tam muội thần dụng này chăng?
Thích nghĩa này tuy rườm rà, nhưng để bổ túc cho phần giải thích các Tam muội nói trong “Phần thứ I Tổng luận về các pháp mầu Phật đạo”.
(5). Bỗng nhiên chẳng hiện: Cụm từ này khó hiểu, cả hai Kinh ĐBN và MHBNBLMĐ đều thuật lại là Bồ Tát Thường Đề khi ở Tam ma địa thấy chư Phật chỉ bảo, nhắn nhủ, xong từ Tam ma địa xuất ra thì không còn thấy chư Phật nữa, nên Kinh nói là “bỗng nhiên không hiện”. Nếu trong trạng thái “thức”, dùng mắt thường để nhìn thì ai cũng thấy cũng biết: Có ẩn, có hiện. Nhưng trong trạng thái tập trung tinh thần tức “vào định, hay đang ở trong Tam ma địa”, không thể dùng giác quan, nên chẳng thấy chẳng biết. Kinh thuật rằng “Bồ Tát Thường Đề từ Tam ma địa xuất, chẳng thấy chư Phật, ôm lòng buồn than, liền nghĩ: “Khi ở Tam ma địa được thấy chư Phật mười phương trước từ đâu đến, giờ lại đi đâu, ai là người có thể dứt nghi này?” Như vậy, bỗng nhiên chẳng hiện có nghĩa khi xuất định chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy gì cả có nghĩa là không còn hiện diện nữa.
Trong luận bốn Thiền luận II của thiền sư D.T. Suzuki do Trúc Thiên dịch nói về “Tính kham nhẫn trong đời sống đạo Phật”, có nói về Thường Đề Bồ Tát, nội dung như sau: “Khi Thường Đề vừa nghe tiếng nói ấy liền thâm nhập Tam muội, nhờ đó thấu suốt rõ ràng các điều kiện tâm linh của hết thảy Chư Phật. Rồi khi ra khỏi Tam muội, tất cả Chư Phật hiện tiền bỗng nhiên biến mất. Tức thì sinh lòng phiền muộn, lại hỏi nữa: “Chư Phật này từ đâu đến? Các Ngài đã đi đâu? Thường Đề buồn bã nhưng cùng lúc càng quyết định gặp cho kỳ được Pháp Thượng Bồ Tát”. Ở đây thay vì dịch là “Bỗng nhiên chẳng hiện” thì dịch là “bỗng nhiên biến mất”. Mong rằng những so chiếu và giải thích tuy dài dòng nhưng có thể giúp độc giải quyết một vài thắc mắc đối với các cụm từ khó hiểu trên. Cụm từ “bỗng nhiên biến mất” dễ hiểu hơn!
Lược giải:
Câu chuyện Bồ Tát Thường Đề cầu Bát Nhã trong phẩm này mà Phật kể cho cụ thọ Thiện Hiện cũng giống như câu chuyện của chính Đức Phật trong thời kỳ tu Bồ Tát đạo gặp Phật Nhiên Đăng thọ ký ở quyển 500, Kinh ĐBN: Lúc bây giờ, Đức Thích Ca là một thanh niên nghèo, nghe tin Phật Nhiên Đăng đến vương đô Liên Hoa thuyết pháp, vì muốn thấy Phật, nghe pháp nên làm thuê để kiếm tiền mua hoa cúng dường. Thanh niên này làm lụng vất vả mà chỉ được mấy quan tiền, không đủ để mua hoa. May thay, có một cô gái cho năm cọng hoa sen. Ở đầu ngã ba đường tại vương đô Liên Hoa, thanh niên này tức Phật Thích Ca phụng hiến năm cọng hoa sen, trải tóc che bùn để Phật Nhiên Đăng đi qua. Nhờ đó được nghe Bát Nhã, siêng năng tu tập các Ba la mật và vô lượng các pháp Phật khác, nên được Phật Nhiên Đăng trao ký Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Ở đây Bồ Tát Thường Đề không có may mắn như đức Thế Tôn trực tiếp được gặp chư Phật truyền pháp và thọ ký, Bồ Tát Thường Đề nghe trên không bảo cứ đi về hướng Đông đến được thành Diệu Hương, sẽ gặp pháp sư tên là Pháp Dũng thuyết Bát Nhã.
Để cúng dường Bát Nhã và pháp sư Pháp Dũng, Bồ Tát Thường Đề phải chẻ xương bán tủy để mua phẩm vật. May thay, tất cả sự kiện trên được con gái của một gia đình giàu có chứng kiến. Cô này nhất nhất thuật lại cho cha mẹ và nhờ vậy được cha mẹ ủng hộ, cho phép cô cùng đi với Bồ Tát Thường Đề mang phẫm vật đến thành Diệu Hương cúng dường Bát Nhã và Bồ Tát Pháp Dũng để được nghe Bát nhã Ba la mật.
Kinh thuật lại đầy đủ, ở đây không cần lập lại nữa, chỉ thêm rườm rà vô ích. Đây chỉ là phần trần thuật về sự kiện hơn là thuyết giảng về giáo lý. Ai cũng có thể đọc và hiểu, nên không cần nói thêm.
Sự kiện quan trọng ở đây là Bồ Tát Thường Đề vì thiết tha cầu Bát nhã Ba la mật và cầu thượng tri thức là Bồ Tát Pháp Dũng thuyết giảng Bát nhã Ba la mật nên muốn mua hoa cúng dường, nhưng không có tiền để mua nên phải bán xương máu, tủy sống. Đây nói lên lòng thiết tha cầu đạo nên không tiếc thân mạng. Sự kiện này có hai ý nghĩa: 1. Kinh Bát nhã Ba la mật là một linh vật xuất hiện ở đời và 2. Là tinh thần cầu đạo để cứu độ chúng sanh. Đây cũng là một thí dụ để hậu thời tất cả chúng sanh muốn trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề muốn cứu hộ người cần được cứu hộ thì phải hành động như Thường Đề Bồ Tát, giống như Thế Tôn khi xưa, phải xả thân mạng để cầu đạo./.
---o0o---