TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
137. Kinh PHÂN BIỆT SÁU XỨ
( Salàyatanavibhanga sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ
An trú tại Xá-Vệ thành này
Sa-Vát-Thí (1) cũng là đây
Kỳ Viên Tinh Xá hôm mai tịnh, hòa
Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná (2)
Khu vườn do Trưởng giả tên là
A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka (3)
Tức Cấp-Cô-Độc , thuần hòa tín gia
Mua lại từ Kỳ Đà thái tử (4)
Để cúng dường Điều Ngự Thế Tôn
Cùng với Tăng đoàn Sa-môn
__________________________
(1) : Thành Xá-Vệ – Savatthi – là thủ phủ của nước Kosala, do vua
Ba-Tư-Nặc ( Pasenadi ) trị vì.
(2) & (3) : Kỳ Viên Tinh Xá – Jetavana Vihàra, do Trưởng giả Tu-
Đạt (Sudatta ) thường được gọi là Cấp Cô Độc (Anathapindika)
dâng cúng.
(3) : Thái tử Kỳ-Đà – Jeta , là con vua Ba-Tư-Nặc, là chủ nhân của
khu vườn mà ông Cấp Cô Độc muốn mua để dâng cúng làm Tinh
Xá. Thái tử thì không muốn bán, ông Sudatta thì quyết tâm muốn
mua vì thấy khu vườn rất thích hợp. Bị nài nỉ mãi nên Thái tử mới
nói để ông Trưởng giả bỏ ý định mua : trải vàng tới đâu thì bán
tới đó. Không ngờ ông Trưởng giả hoan hỷ cho chở vàng đến lót
khắp vườn. Cảm phục trước tâm đạo nhiệt thành đó nên Thái tử
xin dâng cúng luôn toàn bộ cây cối trong vườn. Do đó Tinh Xá
có tên là Jetavanànàthapindikàràma – Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên
( vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà ). Nhưng sau Thái tử bị giết bởi người anh em khác mẹ là Adudubbha (Tỳ-Lưu-Ly) để cướp ngôi.
Có nơi hoằng hóa pháp môn nhiệm huyền.
Lúc bấy giờ Phật liền cho gọi
Chư Tỷ Kheo và nói như vầy :
– “ Các Tỷ Kheo ! Hãy nghe đây ! ”.
Chúng Tăng vâng đáp lời Ngài truyền ra.
Đức Phật Đà trang nghiêm thuyết giảng :
– “ Các Tỷ Kheo ! Ta giảng giải ra
‘Phân biệt sáu xứ’ sâu xa
Các ông hãy lắng nghe và nghiệm suy ”.
– “ Bạch đấng Chánh Biến Tri ! Vâng ạ ! ”.
Chúng Tăng đã vâng đáp lời Ngài.
Thế Tôn liền thuyết giảng ngay :
– “ Có ‘sáu nội xứ’ ở đây phải tường.
‘Sáu ngoại xứ’ phải đương cần biết.
Sáu ‘thức thân’ cần thiết biết đây
Sáu ‘xúc thân’ cần biết ngay,
‘Ý hành mười tám’ phải rày biết tinh,
‘Ba mươi sáu hữu tình’ các loại
Cũng cần phải hiểu biết đủ đầy.
Tại đây, y cứ cái này
Và cũng đoạn tận cái này sâu xa.
Còn có ba niệm xứ bậc Thánh
Phải thực hành chân chánh trải qua
Bậc Thánh mới xứng đáng là
Bậc Đạo Sư diễn giả mà chúng nhân
Hằng kính phục. Trong phần các bậc
Huấn luyện sư, chính thật vị này
Đáng được gọi là bậc Thầy
Vô thượng Điều-ngự-sư đây tuyệt vời,
Điều phục người đáng được điều phục.
Đây là mục tổng thuyết về phần
‘Phân biệt sáu xứ’ chánh chân
Khi được nói đến về phần nêu trên.
‘Sáu nội xứ’ phải nên cần biết
Do duyên gì cần thiết nói ra ?
Nhãn & nhĩ & tỷ & thiệt xứ, và
Thân xứ, ý xứ. Đó là duyên đây.
Được nói ngay ‘sáu nội xứ’ đó.
Còn khi có nói đến điều này :
‘Sáu ngoại xứ’ phải biết ngay,
Duyên gì nói đến điều đây như vầy ?
Sắc xứ này cùng thanh & hương xứ,
Vị & xúc xứ, pháp xứ sáu phần.
Khi ta được nghe đến rằng :
Có ‘sáu ngoại xứ’ phải cần biết đây
Do duyên này được nói như vậy.
Khi được nói : ‘Sáu loại thức thân’
Cần nên biết, phải hiểu rằng
Do duyên gì nói đến phần ‘thức thân’ ?
Nhãn & nhĩ & tỷ & thiệt & thân thức ấy
Cùng ý thức ; chính đấy là duyên,
Sáu thức thân phải biết liền.
Còn khi nói đến từ duyên nào mà
‘Sáu xúc thân’ của ta cần biết ?
Nhãn & nhĩ & tỷ cùng thiệt xúc, và
Thân xúc, ý xúc. Khi mà
Nói đến : Sáu xúc thân ta phải tường
Do duyên này nên thường nói vậy.
Khi nói : ‘Mười tám loại ý hành
Cần phải biết cho thật rành’,
Duyên gì nói đến ý hành ở đây ?
Khi ‘mắt’ này thấy ‘sắc’ đủ thứ
Ý theo sắc trú xứ hỷ này,
Theo sắc trú xứ ưu ngay,
Theo sắc trú xứ xả đây tức thì.
Và sau khi ‘tai’ nghe được ‘tiếng’…
‘Mũi’ ngửi ‘hương’, ‘lưỡi’ nếm ‘vị’ vầy,
Sau khi ‘thân’ cảm ‘xúc’ đầy,
Khi ‘ý’ nhận thức ‘pháp’ này được nêu…
Ý chạy theo pháp khởi lên hỷ
Ý chạy theo pháp khởi ưu liền,
Và xả theo pháp khởi lên.
Như vậy tất cả có nên, tựu thành
Sáu hỷ hành, ưu hành cũng sáu
Và có sáu xả hành, như vầy
Đó chính là do duyên này,
Ý hành mười tám biết ngay đủ đầy,
Do duyên này nói đến như vậy.
Còn ‘Ba mươi sáu loại hữu tình’
Cần phải biết. Duyên gì sinh
Để nói như vậy ? Quá trình xảy ra
Hỷ liên hệ tại gia có sáu,
Hỷ có sáu liên hệ xuất ly.
Sáu ưu liên hệ xuất ly,
Sáu ưu liên hệ tại gia, cùng là
Xả liên hệ xuất ly có sáu,
Xả có sáu liên hệ tại gia,
Ý nghĩa là chi đề ra ?
Sáu hỷ liên hệ tại gia này, và
Hỷ khởi lên, hoặc là do nó
Nhận được hay thấy có nhận vào.
Sắc do mắt nhận thức mau
Khả ái, khả hỷ, dạt dào lạc an
Liên hệ sang đến thế vật đó
Hoặc do nhớ những gì nhận rồi,
Đã qua, đã diệt, mất rồi.
Loại hỷ như vậy ta thời gọi ra :
‘Hỷ liên hệ tại gia’ là nó.
Còn khi có hỷ khởi lên, và
Hoặc do nhận được, hay là
Thấy sự nhận được tiếng là do tai…
Hương do mũi ở đây nhận thức,
Vị do lưỡi nhận thức đủ đầy,
Xúc do thân nhận thức ngay,
Do ý nhận thức pháp này gần xa,
Khả ái, khả hỷ và khả lạc,
Khả ý, liên hệ các vật chi
Hoặc do nhớ được những gì
Nhận được về trước, đã đi qua rồi,
Đã diệt rồi và đã biến hoại.
Như vậy gọi Ưu Hỷ trải qua
Thường liên hệ đến tại gia.
Còn sáu hỷ thế nào mà liên quan
Đến xuất ly ? Khi đang biết chắc
Là vô thường các sắc pháp này ,
Ly tham, biến diệt, hoại ngay.
Nghĩ rằng : ‘Các sắc pháp này ngày xưa
Và sắc pháp sớm trưa hiện tại
Tất cả sắc pháp ấy vô thường,
Khổ và biến hoại, tai ương,
Sau khi như thật tỏ tường thấy ra
Như vậy, và với chánh trí tuệ
Có hỷ khởi lên thế, là chi ?
Khi hỷ liên hệ xuất ly ?
Thế nào liên hệ mọi thì sáu ưu
Với tại gia ? Có ưu đã khởi
Hoặc do bởi không nhận được này
Thấy sự không nhận được này,
Sắc do mắt nhận thức ngay, đó là
Khả ái, khả hỷ và khả lạc
Khả ý, liên hệ các vật chi
Hoặc do nhớ được những gì
Không nhận được trước, đã đi qua rồi,
Đã diệt rồi và đã biến hoại
Như vậy gọi là Ưu trải qua
‘Ưu liên hệ đến tại gia’.
Thế nào sáu ưu ấy mà liên quan
Đến xuất ly ? Khi đang biết chắc
Là vô thường các sắc pháp này
Ly tham, biến diệt, hoại ngay.
Sau khi như thật thấy vầy, vị trên
Có chánh trí, khởi lên ước muốn
Với vô thượng giải thoát, nghĩ là :
‘Khi nào ta chứng đạt, và
An trú trong xứ (A-Da-Ta-Nà)
Mà bậc Thánh trải qua chứng đạt,
Trú an lạc. Do ước muốn đây
Với vô thượng giải thoát vầy,
Do duyên ước muốn, Ưu này khởi lên
Loại ưu trên dược gọi, được kể
‘Ưu liên hệ xuất ly’ vân… vân…
Sau khi biết được ‘lục trần’
(Sắc, thinh, xúc, pháp và phần vị, hương)
Sáu trần là vô thường, biến hoại,
Ly dục lại biến diệt. Nghĩ ngay :
‘Sáu trần xưa kia, hiện nay
Đều khổ, biến hoại, diệt ngay, vô thường
Khi như thật tinh tường thấy thế’,
Quán với chánh trí tuệ, vị này
Liền khởi lên ước muốn ngay
Với vô thượng giải thoát đây. Nghĩ là :
‘Khi nào ta có thể chứng đạt
Trú an lạc trong ‘xứ’, khi mà
Bậc Thánh đang chứng đạt, và
An trú trong ấy. Đó là vì sao ?
‘Ước muốn vào vô thượng giải thoát’.
Ưu khởi phát do ước muốn ni
Gọi : ‘Ưu liên hệ xuất ly’.
Sáu ưu liên hệ đồng thì xuất ly.
Thế nào khi ‘sáu xả’ liên hệ
Đến tại gia ? Sự thể là vì
Khi người ám độn, ngu si
Phàm phu, con mắt thấy gì ở đây ?
Thấy sắc này với con mắt ấy,
Xả khởi dậy của một kẻ ngu
Là người vô văn phàm phu
Không chinh phục được âm u não phiền,
Không chinh phục quả duyên dị thục,
Không thấy mục nguy hiểm sâu xa,
Loại xả này không vượt qua
Khỏi sắc pháp. Nên gọi ra xả là
Liên hệ đến tại gia. Cũng thế
Khi một kẻ ám độn, ngu si,
Phàm phu, nghe tiếng mọi thì
Với tai. Hay mũi họ thì ngửi hương,
Nếm vị thường với lưỡi của họ,
Cảm xúc với thân đó, hay là
Với ý nhận thức pháp ra…
Vô văn phàm tục xả mà khởi lên
Không chinh phục được quả dị thục
Không chinh phục được phiền não này,
Không thấy nguy hiểm dẫy đầy
Xả ấy không vượt qua ngay các trần,
Do vậy, cần được gọi, được kể
Xả ‘liên hệ tại gia’ sáu phần.
Ở đây, thế nào nói rằng :
‘Sáu xả liên hệ đến phần xuất ly’ ?
Ngay sau khi biết sắc, vị, xúc,
Và tiếp tục biết pháp, thinh, hương
Là khổ, biến hoại, vô thường,
Ly tham, biến diệt. Hiểu tường, nghĩ ngay :
‘Các sắc pháp, thinh & hương & vị & xúc
Và các pháp chung cục vô thường,
Khổ não, biến hoại, tai ương,
Khi như thật thấy tinh tường điều đây
Với chánh trí tuệ này, xả khởi,
Xả ấy gọi ‘liên hệ xuất ly’,
Sáu xả liên hệ xuất ly.
Còn ‘ba mươi sáu loại chi hữu tình’
Cần phải biết cho tinh, từng loại
Do duyên này, được nói đến vầy.
Khi được nói đến ở đây :
‘Do y cứ vào cái này, diệt ngay
Vào cái này’. Duyên gì nói vậy ?
Các Tỷ Kheo ! Ở đấy sẵn sàng
Do duyên sáu hỷ, liên quan
Đến xuất ly, diệt hoàn toàn, vượt qua
Liên hệ đến tại gia sáu hỷ.
Các Tỷ Kheo ! Nghe kỹ suy nguyên
Do y cứ và do duyên
Sáu ưu, sáu hỷ cũng liền liên quan
Đến xuất ly, hoàn toàn dứt cả,
Vượt sáu ưu, sáu xả liên quan
Đến tại gia. Vậy rõ ràng
Sự đoạn tận chúng, vượt ngang chúng rồi.
Các Tỷ Kheo ! Do nơi y cứ
Do duyên tự sáu hỷ, đồng thì
Sáu xả liên hệ xuất ly,
Dứt, vượt khỏi sáu ưu vì liên quan
Đến xuất ly. Nói sang như vậy
Là sự ấy đoạn tận chúng thôi,
Là sự vượt qua chúng rồi.
Do y cứ, do duyên nơi mọi thì
Xả liên hệ xuất ly, đình chỉ
Vượt qua cả sáu hỷ liên quan
Đến xuất ly. Nên hoàn toàn
Là sự đoạn tận, vượt ngang chúng rồi.
Các Tỷ Kheo ! Có xả đa diện
Và y cứ đa diện một phương,
Có xả nhất diện dựa nương
Nhất diện đó. Hiểu tận tường ra sao
Xả đa diện dựa vào đa diện ?
Như có xả đối diện lục trần
Sắc pháp, thinh pháp cùng phần
Hương & vị & xúc & pháp. Ta cần hiểu qua
Như vậy là thuộc xả đa diện
Y cứ vào đa diện, hiểu mau.
Còn xả nhất diện là sao ?
Y cứ nhất diện thế nào ở đây ?
Có loại xả chỉ ngay y cứ
‘Hư không vô biên xứ’ chủ trương,
Nương ‘Thức vô biên xứ’ thường,
‘Vô sở hữu xứ’ xả nương tức thì,
Nương ‘Phi tưởng phi phi tưởng xứ’.
Các Phích-Khú ! Là xả thuộc vào
Nhất diên - nhất diện nương mau.
Các ông ! Do y cứ vào, do duyên
Xả nhất diện, xả nguyên y cứ
Vào nhất diện và tự diệt ngay,
Vượt qua xả đa diện này,
Xả y cứ đa diện đây đồng thì.
Như vậy thì sự diệt xả ấy
Là như vậy, vượt qua xả mau.
Các ông ! Do y cứ vào
Sự không tham dục, từ đầu do duyên
Không tham dục và liền diệt cả,
Vượt qua xả nhất diện đó ngay.
Xả y cứ nhất diện này
Như vậy là sự diệt ngay xả này
Là vượt qua xả đây. Nói tới :
‘Tại đây bởi y cứ cái này
Và cũng đoạn tận cái này’
Chính do duyên đó, như vầy nói ra.
Khi được nói : ‘Có ba niệm xứ
Một bậc Thánh phải tự thực hành,
Niệm xứ ấy có thực hành
Mới xứng được gọi trọn lành Đạo Sư,
Vị thuần từ giảng cho đồ chúng’.
Do duyên gì nói cứng như vầy ?
Ở đây, các Tỷ Kheo này !
Bậc Đạo Sư thuyết pháp đây rõ ràng
Cho các hàng đệ tử tinh tấn,
Vì tử mẫn, đem hạnh phúc cho,
Vì lòng thương tưởng học trò,
Bảo : ‘Đây là hạnh phúc to lớn vầy,
An lạc này các ông được hưởng’.
Một số đệ tử vướng tâm mê
Không lóng tai để lắng nghe,
Tâm họ không an trú về trí chân
Hành động ngược với phần lời dạy
Của bậc Đạo Sư ấy. Ở đây
Như Lai không vui điều này
Không có cảm giác điều này hỷ hoan,
Nhưng hoàn toàn Ta không dao động,
Chánh niệm, sống tỉnh giác, an hòa.
Này các Tỷ Kheo ! Đây là
Niệm xứ thứ nhất để mà hành qua.
Của một bậc Thánh, và nếu có
Thực hành niệm xứ đó. Vị này
Mới xứng Đạo Sư trí tài
Diễn giảng cho đồ chúng đây đủ đầy.
Lại nữa, này Chúng Tăng ! Mặt khác
Bậc Đạo Sư thuyết pháp suốt thông
Cho các đệ tử, do lòng
Từ mẫn, mong hạnh phúc trong hành trình
Của đệ tử để sinh lợi lạc
Một số đệ tử khác lóng tai
Khéo nghe, an trú tâm hoài
Vào chánh trí, nhưng đi ngoài lời răn
Của Đạo Sư, không hằng thực hiện.
Các Tỷ Kheo ! Thuộc diện như vầy
Ta không hoan hỷ điều này,
Không có cảm giác điều này hỷ hoan.
Sau khi bỏ hai đàng ý nghĩ
Hoan hỷ, không hoan hỷ cả hai,
Như Lai trú xả đủ đầy,
Chánh niệm, tỉnh giác. Điều này ở đây
Là niệm xứ thứ hai, mãi mãi
Một bậc Thánh cần phải thực hành,
Niệm xứ ấy có thực hành
Mới xứng là Đạo Sư lành đáng phô
Để diễn giảng cho đồ chúng vậy.
Các Tỷ Kheo ! Được thấy có vì
Vì lòng bi mẫn, từ bi
Vì sự hạnh phúc và vì lòng thương
Thuyết pháp thường cho các đệ tử
Số đệ tử khéo nghe, lóng tai
Trú tâm và chánh trí hoài
Và không đi ngược lời ngài Đạo Sư.
Các Tỷ Kheo ! Như Lai bản ý
Hoan hỷ, cảm giác hỷ hoan ngay.
Sống không dao động như vầy
Chánh niệm, tỉnh giác. Điều đây chính là
Niệm xứ thứ ba mà bậc Thánh
Phải thực hành chân chánh đủ đầy,
Có thực hành niệm xứ này
Mới xứng là Đạo Sư tài trí thay !
Diễn giải ngay cho đồ chúng vậy.
Khi nói : ‘Niệm xứ ấy có ba
Bậc Thánh phải thực hành qua
Có thực hành đúng mới là xứng danh
Đạo Sư lành dạy cho đồ chúng’
Do duyên này, nói đúng như vầy.
Khi được nói đến điều này :
‘Trong các Huấn-luyện-sư đây, vị từ
Được gọi ‘Điều-ngự-sư vô thượng’
Điều phục người đáng hưởng điều là
‘Đáng được điều phục’ trải qua,
Do duyên gì được nói ra như vầy ?
Một con voi bị nài chế ngự
Là một vị ‘Điều ngự tượng sư’,
Dẫn dắt để nó chạy từ
Phương đông, nam, bắc hoặc từ phương tây.
Hoặc ngựa hay do sự điều phục
Của ‘Điều phục mã sư’ có tài
Hoặc một con bò ở đây
Được ‘Điều ngự ngưu sư’ hay, giỏi nghề
Dẫn dắt chỉ chạy về một hướng
Hướng bắc, nam hoặc hướng đông, tây.
Cũng vậy, các Tỷ Kheo này !
Một người do được Như Lai, Phật Đà
Chánh Đẳng Giác, Đại A-La-Hán
Dẫn dắt, chạy khắp mãn bốn phương
Có sắc, thấy sắc pháp tường
Là phương thứ nhất. Không thường có ra
Tưởng nội sắc, thấy qua ngoại sắc,
Đó đích thật là phương thứ hai.
Nghĩ đến thanh tịnh tràn đầy
Chú tâm trên ấy, phương này thứ ba.
Rồi vượt qua hoàn toàn sắc tưởng
Diệt trừ đối-ngại-tưởng trải qua
Không nghĩ sai-biệt-tưởng, và
Nghĩ rằng : Chính ‘Hư không là vô biên’
Chứng đạt, trú Không Vô Biên Xứ
Đó chính là phương thứ tư đây.
Vượt Không vô biên xứ này,
Nghĩ : ‘Thức là vô biên’ vầy, chứng ngay,
An trú đây : Thức Vô Biên Xứ
Phương này là phương thứ năm an.
Vượt qua một cách hoàn toàn
Thức Vô Biên Xứ, nghĩ sang điều là
‘Không có gì cả’ và chứng, trú
Vào Vô Sở Hữu Xứ nơi này,
Đó là phương thứ sáu đây.
Vượt Vô sở hữu xứ ngay tức thì
Chứng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
Và an trú. Phương thứ bảy ni.
Tưởng xứ Phi tưởng phi phi
Hoàn toàn vượt khỏi, rồi thì chứng sang
Và trú an Diệt Thọ Tưởng Định
Phương thứ tám là chính điều đây.
Tóm lại, các Tỷ Kheo này !
Một người đáng được Như Lai, Phật Đà
Chánh Đẳng Giác, Đại A-La-Hán,
Dẫn dắt chạy khắp mãn tám phương.
Khi được nói đến tỏ tường :
‘Trong các Huấn-luyện-sư thường an như
Được gọi ‘Điều ngự sư vô thượng’,
Là vị điều phục, hướng mục tiêu,
Người đáng điều phục lợi nhiều,
Do duyên ấy, được mọi điều như trên ”.
Đức Thế Tôn an nhiên thuyết giảng
Pháp vi diệu, viên mãn, minh quang,
Chư Tỷ Kheo trong đạo tràng
Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 137 : PHÂN BIỆT SÁU XỨ – SALÀYATANAVIBHANGA Sutta )