Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

129. Kinh Hiền Ngu

19/05/202011:33(Xem: 7652)
129. Kinh Hiền Ngu

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : honglacmai1@yahoo.com


129. Kinh  HIỀN NGU

( Bàlapandita sutta )

     

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ

          An trú tại Xá-Vệ thành này

              Sa-Vát-Thí  cũng là đây

       Kỳ Viên Tinh Xá  hôm mai tịnh, hòa

          Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná   (1)

          Cấp-Cô-Độc Trưởng giả tín gia

             (A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka)   (1)

       Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.

 

          Tại nơi này, Thế Tôn cho gọi

          Các Tỷ Kheo rồi nói như vầy :

 

       – “ Này các Tỷ Kheo ! Ở đây

       Có ba đặc điểm đủ đầy có ra

          Cũng là ba đặc tướng, đặc ấn

          Của người ngu, chẳng lẫn vào đâu.

              Ba đặc điểm ấy là sao ?

 

       Người ngu suy nghĩ ác vào tư duy

          Lời nói ác, thực thi ác hạnh,

          Nếu người ngu đều tránh thực hành

              Cả ba đặc điểm chẳng lành

       Làm sao kẻ trí biết nhanh như vầy :

         ‘Chính ngưoời này ngu si trói buộc,

          Không phải thuộc Chân-nhân các vì’.

 

              Vì rằng người ngu tư duy

       Là suy nghĩ ác. lời thì ác ngôn

          Và ác hạnh bảo tồn, giữ lấy

          Chính vì vậy, người trí biết ngay :

             ‘Người ngu chính là kẻ này,

       Không thuộc bậc trí sâu dày Chân-nhân’.

          Người ngu ấy, ngay phần hiện tại

          Cảm thọ lấy ba loại khổ ưu.

 

              Hãy nghe, này các Tỳ Khưu !

       Nếu người ngu đến và lưu chốn nào,

          Đến ngồi vào giữa hội chúng đó

          Hay bên đường xe cộ lại qua

              Ngồi tại ngã tư, ngã ba…

       Nếu có người thấy y mà nghĩ suy

          Câu chuyện gì thích hợp người ấy :

          Nếu y ngu thường lấy của người,

              Sát sanh, tà hạnh mọi thời

       Nói láo, ác khẩu, nói lời ba hoa,

          Say rượu men hay là rượu nấu.

          Còn người ngu tự bảo trong khi

              Nhìn người khác nghĩ về y :

      ‘Họ nghĩ cũng đúng những gì về ta,

          Vì những thứ này ta có thật,

          Và ta thật có những pháp này’.

 

              Này các Tỷ Kheo ! Ở đây 

       Khổ ưu thứ nhất người này ngu si

          Cảm thọ ngay trong thì hiện tại.

 

          Người ngu thấy  kẻ trộm cướp, thời

              Vua quan khi biết được rồi

       Áp dụng hình phạt tùy nơi tội hình :

          Đánh roi, gậy lên mình kẻ ấy,

          Chặt chân, tay ; xẻo lấy mũi, tai

              Hình phạt vạc dầu sôi đầy

      ‘Hình con sò xẻo’ ở ngay ‘đỉnh đầu’

          Hoặc ‘la hầu khẩu hình’ ở giữa

          Hoặc lấy lửa đốt như vòng hoa

            ‘Chúc thủ hình’ – phạt đốt tay,

     ‘Khu hành hình’ – rơm bện đây siết dày,

        ‘Bì y hình’ – vỏ cây làm áo ,

        ‘Linh dương hình’ – dê núi hành hình,

              Hoặc hình thức ‘câu nhục hình’

       Lấy câu móc thịt, thật kinh khiếp rày

          Hình đồng tiền, thịt này được cắt          

         ‘Khối trấp hình’ này, hoặc ‘chuyển hình’

             ‘Cao đạp đài’, cách hành hình

       Dầu sôi tưới phỏng thân mình, chân tay,

          Thả chó dữ ra ngay, xé xác,

          Trói vào cọc, hình phạt chém ngay. 

 

              Này các Tỷ Kheo ! Ở đây

       Người ngu thấy thế, nghĩ vầy : ‘Do nhân

          Các ác hành tự thân chuốc lấy,

          Tên trộm cướp phạm phải luật hình,

              Bị Vua quan bắt hành hình

       Với nhiều cách thức thật kinh khủng này.

          Những điều đây nơi ta cũng có,

          Nếu Vua quan mà họ biết ra

             Bắt ta hành phạt khảo tra

       Thật là khủng khiếp khiến ta ưu sầu’.

          Là thứ hai thuộc vào ưu khổ

          Mà người ngu cảm thọ hiện thời.

 

              Lại nữa, người ngu leo ngồi  

       Trên ghế, giường ngủ, nằm nơi đất nền…

          Lúc bấy giờ, dựa trên ác nghiệp

          Của y làm liên tiếp trước sau

              Như thân, khẩu, ý-hành nào

       Khiến bị treo áp rồi mau treo nằm,

          Treo đè lên chỉ nhằm người ấy.

 

          Giống như vậy, này các Tỷ Kheo !

              Bóng các đỉnh núi buổi chiều

       Treo nằm, treo áp hay treo đè liền

          Trên mặt đất. Cho nên cũng vậy

          Người ngu ấy suy nghĩ như sau :

             ‘Ta không làm điều phước nào,

       Không làm điều thiện, dấn sâu tội nhiều,

          Không làm điều chống lại sợ hãi,

          Làm điều hại, hung bạo, ác nhân,

              Do làm điều ác mọi phần

       Phải sinh ác thú khi thân chết rồi’.

 

          Người ấy thời sầu muộn, than vãn

          Khóc lóc, đoạn đấm ngực rên la

              Rơi vào bất tỉnh. Đây là

       Một sự ưu khổ thứ ba hiện đời

          Mà người ngu tức thời cảm thọ.

 

          Các Tỷ Kheo ! Kẻ đó ngu si 

              Làm thân-ác-hành mọi thì

       Ác-hành khẩu & ý, nên khi chết rồi

          Sinh vào nơi ác thú, cõi dữ

          Vào đọa xứ, địa ngục, nạn tai.

              Các Tỷ Kheo ! Nếu có ai

       Nói đúng đắn về người đây mọi phần

          Phải nói rằng y thật ngu dốt

          Làm hoàn toàn không tốt đẹp chi,

              Không khả ái, thích ý gì.

       Cũng như nói đến A-Tỳ ngục môn

          Hoàn toàn không tốt đẹp, khả ái,

          Không thích ý sinh tại nơi đây.

              Các Tỷ Kheo ! Vấn đề này

       Có một ví dụ khó ai tả vào

          Vì rất nhiều khổ đau địa ngục ”. 

 

          Nghe Phật nói về mục như vầy 

              Một Tỷ Kheo bạch Phật ngay :

 

 – “ Bạch Phật ! Có thể nào Ngài từ bi

          Cho Chúng Tỳ Kheo một ví dụ ? ”.

          Đấng Điều Ngự chấp thuận, nói ngay : 

 

        – “ Ví như, các Tỷ Kheo này !

       Có người bắt được kẻ đầy hung hăng,

          Y sống bằng trộm cướp thường nhật

          Bị dẫn đến trước mặt Vua ngay

              Tâu rằng : ‘Tên trộm cướp này

       Nay bắt y được, xin ngài xử y

          Theo những gì Đại vương muốn xử’.

          Đức vua liền phân xử tức thì :

             ‘Cẩm y thị vệ đưa y

       Đến Hình-bộ, đoạn thực thi như vầy :

          Đâm kẻ này một trăm ngọn giáo

          Vào buổi sang để tạo thần uy’.

 

              Giáp sĩ đưa kẻ cướp đi

       Thực hiện đúng với điều chi Vua truyền.

          Đến trưa, nhà vua liền hỏi lại :

 

         ‘Các khanh đâm kẻ ấy ra sao ?’

 

             ‘Tâu Vua ! Tên cướp đớn đau  

       Nhưng vẫn còn sống cho dầu thảm thương’.

 

          Vị Quốc vương liền truyền lệnh bảo :

 

         ‘Đâm tiếp trăm ngọn giáo vào y’.

              Chiều hỏi Thị vệ Cẩm y :

 

      ‘Hành hình tên cướp thực thi thế nào ?’   

 

     – ‘Tâu Đại Vương ! Y đau đớn lắm

          Nhưng còn sống dù tắm máu đào’.

 

         – ‘Vậy các khanh hãy mau mau

       Đâm tiếp tên cướo cho sâu chẳng nhầm

          Với một tram ngọn giáo nữa vậy’.

          Và họ đã đâm người ấy thật sâu. 

 

              Các Tỷ Kheo ! Nghĩ thế nào  

       Ba trăm ngọn giáo đâm vào kẻ đây  

          Nhân duyên này khiến cho kẻ cướp

          Cảm thọ được khổ ưu hay không ? ”.

 

       – “ Thọ hình này, bạch Thế Tôn ! 

       Chỉ một ngọn giáo đâm trong một lần

          Kẻ ấy đã muôn phần ưu khổ

          Huống chi họ đã đâm cả ngày

              Ba trăm ngọn giáo như vầy ”. 

 

       Bỗng Thế Tôn cúi nhặt ngay bên đàng   

          Hòn đá nhỏ bằng bàn tay vậy

          Hỏi các Tỷ Kheo ấy như sau :

 

        – “ Này các Tỷ Kheo ! Nghĩ sao

       Tuyết Sơn núi ấy thế nào so qua

          Với hòn đá mà Ta vừa nhặt ? ”.

 

     – “ Bạch Ngài ! Thật quá nhỏ so ra   

              Sánh với Tuyết Sơn thua xa

       Nó không đáng kể nếu mà cân phân

 

 

          Núi lớn hơn triệu lần như thế ”.

 

    – “ Các Tỷ Kheo ! Nếu kể so ra

              Tên tướng cướp đã nói qua

       Bị đâm bởi giáo với ba trăm lần,

          Nhân duyên khiến muôn phần đau khổ

          Y cảm thọ hết sức khổ ưu.

              Nhưng nếu so sánh khổ ưu

       Ở nơi Địa ngục, bị ngưu đầu và

          Các mã diện căng ra mặt đất,

          Lấy cọc sắt nung đỏ đóng ngay

              Vào hai chân và hai tay,

       Đóng vào giữa ngực cọc đây đỏ lừng

          Hình phạt từng gọi là ‘năm cọc’,

          Thọ hình thật thảm khốc đớn đau,

              Thống khổ, khốc liệt biết bao !

       Nhưng không thể chết khi nào chưa xong

          Phần ác nghiệp khó mong tiêu diệt.

 

          Các Tỷ Kheo ! Nên biết tiếp đây :  

              Ngục tốt lại bắt người này

       Nằm xuống, rồi chặt người này nhiều phen

          Bằng búa, khiến y bèn rên xiết

          Thọ lãnh sự khốc liệt khổ đau

              Nhưng y chưa thể chết đâu

       Khi nào ác nghiệp dài lâu chưa cùng,

          Rồi ngục tốt lại dùng nhiều cách

          Như là cách dựng ngược hai chân

              Đầu chúc xuống, khổ muôn phần

       Hay cột người ấy toàn thân dập vùi

          Vào chiếc xe, chạy lui chạy tới

          Trên nền lửa rực với than hừng,

              Rồi đặt người ấy lên sườn

       Ngọn núi cháy đỏ khôn lường, đốt nung.

          Rồi ngục tốt lại dùng hình phạt

          Quẳng tội nhân vào vạc dầu sôi

              Được đun cháy rực liên hồi

       Y bị chìm xuống và rồi nổi lên,

          Hoặc trôi dạt bốn bên, ngang dọc,

          Sự thống khổ thảm khốc nơi đây,

              Nhưng y không thể chết ngay

       Đến khi ác nghiệp người này được tiêu.

 

          Các Tỷ Kheo ! Ngưu đầu mã diện 

          Lại quăng nghiến người ấy vào nơi

              Đại địa ngục kia tức thời

       Nó có bốn góc, bốn nơi cửa vào

          Chia thành phần bằng nhau, tường sắt

          Có mái sắt lợp kín bên trên

              Địa ngục sắt nung đỏ lên

       Trăm do-tuần rộng, ngang trên dưới đều.

          Luôn có mặt , được neo thẳng đứng.

 

          Các Tỷ Kheo ! Nhiều những pháp môn

              Nói về địa ngục Quỷ môn

       Nhưng khó nói đủ, vì không thể nào

          Nói cho hết khổ đau địa ngục.

 

( Cõi thú )

 

          Các Tỷ Kheo ! Tiếp tục nói qua

              Có những loại sinh vật, mà

       Luân hồi trôi nổi gọi là bàng sanh

          Loài có thở, hiền lành ăn cỏ

          Như trâu, bò, dê, thỏ, ngựa, nai…

              Ăn cỏ ướt, cỏ khô hoài,

       Với răng nhai nghiến cỏ đây hằng ngày.

          Những người ngu trước đây hưởng thọ

          Và đã có làm ác đời này,

              Sau khi mạng tận thân vầy

       Sinh ra cộng trú loài đây, tức là

          Loài hữu tình trải qua ăn cỏ.

 

          Các Tỷ Kheo ! Lại có chúng sanh

              Sinh vật thuộc loại bàng sanh

       Có hơi thở và chỉ dành ăn phân

          Khi ngửi thấy mùi phân phảng phất

          Chúng lật đật chạy tới, nghĩ vầy :

             ‘Chúng ta sẽ ăn ở đây’.

       Ví như Phạm-chí chạy ngay đến dành

          Khi ngửi mùi hiến sanh tế lễ

          Nghĩ rằng : ‘Chúng ta sẽ ăn đây’,

              Như các loài gà, heo này

       Hoặc giả-can, chó… hằng ngày kiến ăn

          Có hơi thở, ăn phân – sinh vật.

 

          Người ngu ấy quả thật trước đây

              Đã từng hưởng thụ nơi này

       Làm các ác nghiệp ở đây vô cùng,

          Khi thân hoại mạng chung, tức khắc

          Sinh cộng trú với các loài đây

              Tức hữu tình ăn phân này.

 

       Loại thấp sinh – gọi như vầy cho thông

          Có hơi thở, sinh trong ẩm thấp,

          Già, chết trong ẩm thấp mịt mùng

              Tối tăm – như các côn trùng,

       Dòi, sâu, đom đóm, gián cùng bọ hung…

          Và nói chung gồm các sinh vật

          Loại ẩm thấp, có thở như vầy.

 

              Lại nữa, các Tỷ Kheo này ! 

       Loài sinh trong nước đêm ngày lội bơi

          Già trong nước, chết nơi nước đó

          Là loài có hơi thở, như là

              Cá, rùa, cá sấu, ba ba,

       Hay sinh vật khác sinh ra nơi này.

 

          Các Tỷ Kheo ! Do đầy nghiệp ác 

          Sinh vật khác sinh ra ở nơi

              Môi trường bất tịnh thúi hôi

       Già, chết trong bất tịnh, hôi thúi này

          Thuộc bang sanh, loài đây có thở

          Sinh trong chỗ cá, thịt thúi tha

              Như bọ hung, dòi sinh ra

       Trong cá, thịt thúi, hay là được sinh

          Trong đầm sình hôi tanh như thế.

 

          Các Tỷ Kheo ! Là kẻ ngu này  

              Trước kia hưởng thụ ở đây

       Làm các ác nghiệp nơi này nói chung,

          Khi thân hoại mạng chung, sinh tới

          Cộng trú với loại hữu tình này.

 

              Rất nhiều điều để trình bày

       Bàng sanh các loại nghiệp dày khó so

          Nhưng thật khó nói cho đầy đủ

          Vì đau khổ bàng sanh quá nhiều.

              Ví như, này các Tỷ Kheo !

       Có một khúc gỗ lều bều trôi qua

          Trên mặt biển bao la, sâu rộng

          Ở khúc gỗ có bộng lỗ này,

              Sóng gió thổi dạt đông tây,  

 

       Lúc dạt nam bắc, lúc xoay mọi chiều.

          Một con rùa mắt đều mù cả

          Tận dưới đáy biển cả ẩn thân,

              Trăm năm trồi lên một lần.

       Các Tỷ Kheo ! Cứ như phần nêu trên

          Khi trồi lên làm sao đầu nó

          Có thể chui đúng lỗ bộng cây ? ”.

 

        – “ Bạch Thế Tôn ! Thật quá gay !

       Được chăng đi nữa trúng đây một lần

          Sau vạn lần nổi lên như vậy ”.

 

    – “ Các Tỷ Kheo ! Việc ấy gian nan

              Nhưng so ra còn dễ dàng

       Với sự trở lại thế gian làm người.

          Đó là lời Như Lai tuyên bố

          Khi người ngu sinh chỗ tối tăm,

              Sinh vào đọa xứ đọa trầm

       Ở đó chẳng có duyên & nhân pháp hành,

          An tịnh hành, thiện hành chẳng có,

          Cũng chẳng có phước hành thanh cao,

              Chỉ có ăn thịt lẫn nhau,

       Ăn thịt kẻ yếu, càng sâu ác hành.

 

          Các Tỷ Kheo ! Sinh linh đền tội

          Nơi đọa xứ quá đổi lâu dài,

              Đến thời thoát khỏi nơi đây

       Trở lại nhân thế nhập thai làm người

          Thì làm người đui, què, câm, điếc,

          Trong gia đình hạ liệt thành phần

              Làm nghề đan tre, đi săn,

       Làm xe nghèo khó, đổ phân bần cùng,

          Không đủ ăn, đồ dùng thiếu thốn,

          Quần áo rách, khốn đốn mưu sinh,

              Thân hình thô xấu, khó nhìn

       Lùn thấp, mang tật bẩm sinh, cùng là

          Thiếu đồ ăn, uống và đồ mặc,

          Xe cộ hoặc hương liệu, giường nằm,

              Nơi ở bần tiện, tối tăm

       Do dư nghiệp ác đã thầm tạo ra.

          Thân, khẩu và ý-ác-hành ấy

          Khi thân hoại mạng chung, sinh qua

              Cõi dữ, đọa xứ xấu xa

       Hoặc sinh địa ngục thật là khổ thay !

 

          Các Tỷ Kheo ! Như vầy ví dụ :

          Người có thú đánh bạc đỏ đen

              Trong canh đổ bác đầu tiên

       Mất cả tài sản, mất liền vợ con

          Cuối cùng còn phải mang tù tội.

          So tội lỗi kẻ đánh bạc đây

              Thì người ngu tạo tội này

       Rất nhiều ác quả hưởng ngay chẳng lành,

          Thân, khẩu, ý-ác-hành đủ loại,

          Khi thân hoại, sinh tới tức thì

              Cõi dữ, đọa xứ, A-tỳ…

       Đọa xứ viên mãn dành vì kẻ ngu.

 

(Người Hiền Trí)

 

          Các Phích-Khu ! Ba điều cao thượng

          Ba đặc điểm, đặc trưng, hay phần

              Đặc ân của bậc trí nhân

       Thế nào giải thích ba phần nói trên ?

          Các Tỷ Kheo ! Trí hiền suy nghĩ

          Đều suy nghĩ về thiện-tư-duy,

              Thiện hành, thiện ngữ hành trì.

       Nếu người trí không tư duy như vầy

          Làm sao người trí này biết rõ :

         ‘Chính vị đó kẻ trí, Chân nhân’.

 

              Này các Tỷ Kheo ! Vì rằng

       Nghĩ lành, thiện ngữ, thiện hành – vị đây

          Đều thực hiện đêm ngày chân thiệt,

          Do vậy, người trí biết rõ vầy.

 

              Các Tỷ Kheo ! Người trí này

       Ba loại lạc hỷ có ngay hiện thời :

       * Người trí ngồi giữa hội chúng lớn.     

          Bên đường lớn xe cộ lại qua 

              Hay tại ngã tư, ngã ba,

       Nếu thấy người trí, người ta nghĩ liền

          Câu chuyện riêng thích hợp vị ấy :

        “Người trí đấy từ bỏ sát sanh,

              Từ bỏ trộm cướp chẳng lành,

       Từ bỏ tà hạnh dục tình, dối gian,

          Bỏ, không màng rượu men, rượu nấu,

          Người trí thấu suy nghĩ của người

              Cho nên suy nghĩ tức thời :

      ‘Chuyện người ta đã nghĩ nơi ta vầy,

          Những pháp này nơi ta có thật,

          Và ta thật có những pháp này”.

              Là lạc hỷ thứ nhất đây

       Người trí đã cảm thọ ngay hiện thời.

 

       * Các Tỷ Kheo ! Thế rồi người trí 

          Thấy tên cướp đã bị hành hình  

              Với các hình phạt khủng kinh.

       Người trí suy nghĩ : ‘Thật tình nơi ta                

          Những hình phạt trải qua thế đó

          Thật không có nơi ta như vầy,

              Ta không có những pháp này !’

 

    * Lại nữa, khi người trí này leo lên

          Ngồi trên giường hay trên ghế đó

          Lúc ấy có thiện nghiệp vị này

              Đã làm lâu dài trước nay

       Thân, khẩu, ý-thiện-hành nay cận kề

          Treo áp, nằm, treo đè người ấy

          Người trí đấy suy nghĩ như sau :

             ‘Ta không làm điều ác nào

       Không làm tội lỗi, vướng sâu hung tàn

          Ta hoàn toàn làm điều phước, thiện

          Thường làm chuyện chống sợ hãi này

              Với những thiện nghiệp như vầy

       Thiện thú, lạc cảnh đường này trú an’.

          Vị ấy không than van, buồn bực

          Không gào khóc, đấm ngực rên la

              Không bị bất tỉnh ngã ra.

       Là sự lạc hỷ thứ ba như vầy

          Được cảm thọ trong ngay hiện tại.

 

          Các Tỷ Kheo ! Vị ấy trí hiền 

              Thân-thiện-hành làm cần chuyên,

       Thiện-hành khẩu, ý thường xuyên thực hành,

          Khi mạng chung, liền sanh thiện thú

          Sinh Thiên giới, cộng trú cõi đời…

              Nếu ai đúng đắn mở lời

       Nói về người trí ấy, thời công tâm

          Phải nói rằng hoàn toàn xứng đáng

          Được tán thán, tốt đẹp hoàn toàn. 

               Cũng như nói về Thiên đàng

       Một cách đúng đắn về hàng Chư Thiên 

          Phải nói rằng cõi Thiên giới ấy

          Rất khả ái, hoàn toàn đẹp thay !

              Các Tỷ Kheo ! Vấn đề đây

       Không dễ ví dụ cõi này Thiên cung

          Vì Thiên giới vô cùng an lạc.

 

(Cõi Thiên)

 

          Một vị Tỷ Kheo khác nghe vầy

              Liền bạch Đức Thế Tôn ngay :

 

 – “ Bạch Thế Tôn ! Kính xin Ngài từ bi

          Cho Chúng Tỳ Kheo một ví dụ ”.

          Đức Điều Ngự liền nói như vầy :

 

        – “ Ví như, các Tỷ Kheo này !

       Chuyển-luân Vua Thánh đêm ngày an như

          Bảy món báu, bốn như-ý-đức

          Do nhân duyên này thực đủ đầy

              Cảm thọ lạc hỷ ở đây.

       Như vậy bảy món báu này là sao ?

          Hãy nói vào Vua sát-Đế-Lỵ

          Đã làm lễ quán đảnh Tân Vương

              Sửa sang, chấn chỉnh triều đường

       Thực hành Chánh Pháp Thánh Vương âm thầm

          Vào bố-tát ngày rằm, trai giới

          Lên lầu cao, vua tới lễ đàn

              Thì xe báu trời hiện sang

       Đầy đủ vành, trục và ngàn căm xen

          Thấy như vậy, vua bèn suy nghĩ :

         “Nghe nói Sát-Đế-Lỵ vua nào  

              Được Thiên bảo luân hiện vào

       Thì vị vua ấy dự vào Thánh Vương

          Chuyển Luân Vương cõi đời, sẽ được

          Bảy thứ báu lần lượt có qua

              Chuyển Luân Thánh Vương là ta

       Vì xe trời báu hiện ra tức thời”.

 

           Rồi đức vua từ nơi bảo tọa

          Đứng thong thả, vai đắp thượng y

              Tay cầm bình nước tức thì

       Tay phải rưới nước gia trì thiên xa

          Vua nói là : “Hỡi này xe báu !

          Hãy lăn khắp để dạo thế gian

              Và hãy chinh phục hoàn toàn !”.

 

       Sau đó Vua đã ngự an xe trời

          Bốn binh chủng đồng thời hộ giá

          Đi theo sau, tất cả nghiêm trang.

              Chỗ nào xe báu dừng ngang

       Vua cùng binh, tướng các hàng trú an.

 

          Ở phương Đông, Vua đang đối địch       

          Thấy Thánh Vương, cảm kích phục tùng

              Đến yết kiến đấng Cửu Trùng

       Thưa rằng : “Hoan hỷ đón mừng Đại Vương !

          Xin tùy thuộc Đại Vương định đoạt

          Chúng hạ thần an lạc phục tùng.

              Đại Vương hãy giáo huấn chung

       Thần dân trong nước thảy cùng thực thi”. 

 

          Chuyển Luân Vương đã vì lời thỉnh

          Khuyên dạy rằng : “Chân chính con đường 

              Đưa đến lợi ích vô lường

       Là giữ ngũ giới tinh tường, nghiêm minh :

 

          Không sát sinh, cũng đừng trộm cướp

          Không nói láo , không được tà dâm

              Không được uống rượu, mê tâm,

       Hãy nên ăn uống đúng tầm, thích nghi”.

 

          Rồi các vì địch vương tất cả

          Ở phương Đông đều đã trở thành

              Chư hầu tùng phục, trung thành

       Chuyển Luân Vương được uy danh càng nhiều.

       

           Các Tỷ Kheo ! Một điều cơ xảo

          Thiên-xa báu lặn xuống biển sâu

              Từ phương Đông, rồi trồi đầu

       Lên phương Nam, gặp vương hầu tại đây.

          Các địch vương nơi này cũng thế

          Đều hoan hỷ dùng lễ đón mừng.

              Cầu thỉnh Chuyển Luân Thánh Vương

       Ngũ giới Vương lại dạy đường lợi an.

 

          Rồi xe báu thẳng đàng lặn xuống

          Biển phương Nam, ý muốn qua Tây

              Chiêu an rồi, từ phương Tây

       Thiên-xa lặn xuống, qua ngay bên bờ

          Về phương Bắc, giong cờ gióng trống

          Bốn binh chủng hộ tống uy nghiêm

              Phương Bắc, xe báu dừng liền

       Chuyển Luân Vương đã trú yên tạm thời.

     

          Các địch vương bấy thời nghe tiếng

          Đến yết kiến Chuyển Luân Thánh Vương :

            “Hoan nghênh đón mừng Đại Vương  

       Xin ngài giáo huấn tinh tường chúng tôi”.

 

          Chuyển Luân Vương tức thời giáo giới :

        “Hỡi các vị ! Thiện lợi con đường

              Đưa đến lợi ích vô lường

       Là giữ ngũ giới tinh tường, nghiêm minh :

          Không sát sinh, cũng đừng trộm cướp,

          Không nói láo, không được tà dâm,

              Không được uống rượu, mê tâm,

       Hãy nên ăn uống đúng tầm, thích nghi”.

 

          Phương Tây, Nam địch vương tất cả

          Rồi phương Bắc, đều đã trở thành

              Chư hầu tùng phục, trung thành

       Chuyển Luân Vương được uy danh lẫy lừng.

 

          Các Tỷ Kheo ! Không dừng đâu cả

          Sau khi đã chinh phục, chiêu yên

              Địa cầu cho đến hải biên,

       Thiên-xa báu trở về liền kinh đô

          Đi thẳng vô pháp đình tiền diện

          Trước nội cung, vĩnh viễn trưng bày

              Xe báu quốc bảo, quý thay !

       Được xuất hiện cho Vua này bảo xa.

 

          Tiếp đó là xuất hiện voi báu

          Cũng là một quốc bảo vô lường

              Cho vị Chuyển-luân Thánh vương

      (Quán đảnh Sát-Đế-Lỵ thường nêu danh).

          Voi thuần trắng, phi hành tự tại

          Trên hư không, sức lại phi thường

              U-Pô-Sa-Thá tinh tường            ( Uposatha )

       Là tên voi đó. Thánh vương khi mà

          Thấy U-Pô-Sa-Tha voi quý

          Tâm hoan hỷ hết sức, nghĩ ngay :

             ‘Lành thay được cỡi voi này !

       Nếu nó chịu phục dưới tay ta vầy’.

          Các Tỷ Kheo ! Có ngay hiện tượng

          Như một con hiền-tượng thanh cao

              Chịu sự điều ngự dài lâu,

       Voi báu tự đến nương vào Thánh vương,

          Chịu để cho Thánh vương điều ngự.

          Vua muốn thử voi báu quý này

              Sáng sớm cỡi voi đi ngay

       Thăm khắp quả đất đến rày hải biên

          Rồi về liền Ku-Sa-Va-Tí              ( Kusavati )

          Là kinh đô của vị Thánh vương

              Kịp giờ ăn sáng lệ thường,

       Đây là voi báu Thánh vương có rồi.

 

          Các Tỷ Kheo ! Rồi thời ngựa báu  

          Liền xuất hiện tuyệt hảo, phi mau

              Thuần trắng, nhưng lại đen đầu

       Như quạ. Bờm ngựa cũng màu đen mun

          Có thần lực, hư không bay dạo

          Tên ngựa báu : Vá-Lá-Há-Ka   ( Valahaka )

              Ngựa báu bay đến từ xa

       Chịu sự điều ngự như là long-câu,

          Một hiền-mã biết bao quý phái.

          Thánh vương ấy liển cỡi ngựa này

              Đi khắp nam, bắc, đông, tây,

       Khắp quả đất, cho đến ngoài hải biên

          Rồi về liền Ku-Sa-Va-Tí

          Kịp điểm tâm chuẩn bị cho Ngài.

 

              Này các Tỷ Kheo ! Như vầy

       Xuất hiện ngựa báu tuyệt hay, trung thành.

 

          Sát-Đế-Lỵ vua lành quán đảnh

          Tức Vua Thánh Chuyển-luân-vương này

              Lại nữa, châu báu hiện đầy

       Lưu ly, vàng, bạc, ngọc đây sáng hoài

          Có tám mặt khéo mài, khéo dũa

          Hào quang của châu báu quý thuần

              Chiếu sáng khắp một do-tuần   (1)

       Vua thử châu báu, dàn quân tức thì 

          Bốn binh chủng tinh-kỳ rực rỡ

          Châu báu được đặt ở ngọn cờ,

              Từ quân ký, lúc bấy giờ

       Sáng rực khiến đại quân chờ tiến quân

          Có thể tiến rần rần lập tức

          Dầu đêm tối như mực trước sau,

              Đó là xuất hiện bảo châu

       Cho vị quán-đảnh thuộc vào Thánh vương.

 

          Các Tỷ Kheo ! Am tường mọi chuyện 

          Nữ báu lại xuất hiện, quý sang

              Mỹ miều, cử chỉ đoan trang,

       Khả ái tuyệt mỹ, mịn màng làn da,

          Thân nàng ta không cao, không thấp,

          Không gầy quá, không mập, không đen,

              Nhan sắc loài người vượt trên

       Ánh sáng dung sắc Chư Thiên sánh bằng.

          Nữ báu thân hình hằng êm mịn

          Có đặc tính như bông, như nhung.

              Các Tỷ Kheo ! Khi lạnh run

       Chân tay nữ báu vô cùng ấm êm,

    ______________________________

 

(1) : Do-tuần ( Yojana ) là đơn vị đo chiều dài cổ xưa ở Ấn-Độ.

  Theo Tương Ưng Bộ Kinh 1 do-tuần = 2.91 lý ( 4.68 Km ). Theo

  hai học-giả hiện đại Fleet và Vost thì 1 do-tuần = 19.5 Km.

 

          Khi trời nóng, trở nên lạnh mát,

          Thân nữ báu tỏa các mùi hương

              Mùi thơm chiên-đàn tỏa thường

       Miệng tỏa hương ngát thơm dường liên hoa.

 

          Các Tỷ Kheo ! Thật là hữu phước

          Nữ báu thường dậy trước, ngủ sau,

              Khi Thánh vương đã ngủ sâu

       Nữ báu quán xuyến việc nào cũng an

          Làm Vua càng thỏa thích, sủng ái.

          Nữ báu ấy một dạ trung thành

              Khiến Vua tin tưởng, an lành

       Sự xuất hiện nữ báu dành cho Vua.

 

          Các Tỷ Kheo ! Cũng chưa chấm dứt

          Cư-Sĩ báu lập tức đến ngay

              Giúp Vua Sát-Đế-Lỵ đây

       Đã quán-đảnh Chuyển-luân này Thánh vương.

          Cư-Sĩ báu tinh tường, viên mãn

          Chứng thiên nhãn, nghiệp dị thục sanh

              Nhờ vào thiên nhãn, thấy rành

       Châu báu chôn dấu để dành khắp nơi

          Thuộc có chủ hay thời không chủ.

          Cư-Sĩ báu ưu tú tâu qua :

            ‘Tâu Đại Vương ! Chớ lo mà !

       Thần sẽ xử lý thật là thích nghi

          Tài sản gi Đại vương được hưởng’.

 

          Muốn tuyệt đối tin tưởng vị này 

              Vua thử Cư-Sĩ báu đây,

       Lên long thuyền lớn ran gay giữa dòng

          Của sông Hằng, neo xong liền bảo

          Cư-Sĩ báu : ‘Trẫm muốn có vàng’.

           - ‘Tâu Đại Vương ! Truyền chèo sang

       Bờ  nào cũng được, lấy mang cho ngài’.

 

      - ‘Cư-Sĩ ! Trẫm cần ngay vàng ấy

          Ngay tại đây. Hãy lấy vàng đi !’.

              Vị Cư-Sĩ báu tức thì

       Thọc hai tay xuống nước, quỳ nhấc ngay

          Một ghè đầy vàng ròng lấp lánh,

          Rồi tâu Vua quán-đảnh (1) Thánh vương :

           - ‘Đã đủ chưa, tâu Đại vương ?’

 

    - ‘Này Cư-Sĩ ! Sự cúng dường ở đây

          Đã đủ rồi, như vầy là đủ’.

 

          Các Phích-Khú ! Như vậy chính là

              Vị Cư-Sĩ báu hiện ra

       Để phục vụ Vua quán-đảnh là Thánh vuơng.

 

          Các Tỷ Kheo ! Kiên cường dũng kiện

          Tướng-quân báu xuất hiện tức thì

              Cho vua Sát-Đế-Lỵ ni,

       Có tài thao lược ai bì được đâu !

          Học thức cao, thông minh, sáng suốt

          Lại thông thuộc các cách dùng binh,

              Đáng tiến thì tiến thật nhanh

       Đáng lùi lùi lại, đáng dừng dừng ngay,

          Có khả năng trình bày khuyến nghị

          Để vua Sát-Đế-Lỵ thành công.    

              Muốn cho Thánh vương an lòng

    ____________________________

 

 (1) : Theo tập tục Ấn-Độ xưa , khi chính thức tuyên cáo địa vị kế thừa của Thái Tử để chuẩn bị lên ngôi Vua , hoàng tộc lấy nước 4 biền rưới lên đỉnh (đảnh) đầu Thái-tử., Do đó Thái-tử cũng được gọi là“Quán đỉnh vương tử ”. Điều đó có ý rằng sau này vị vương tử có thể thống trị toàn bộ lãnh thổ và nhân dân trong bốn biển.    

 

       Tướng-quân đến trước bệ rồng triều ca

          Rồi tâu qua vị Thánh vương đó :

      - ‘Xin Đại Vương chớ có lo âu !

              Thần sẽ cố vấn nông sâu

       Cho Đại Vương để ngài mau tựu thành’.

 

          Các Tỷ Kheo ! Điều lành xuất hiện

          Tướng-quân báu cho Thánh vương này

              Quán-đảnh Sát-Đế-Ly đây

       Như vậy xuất hiện đủ đầy, khâm tuân

          Cho Chuyển-luân Thánh vương bảy báu.

 

          Các Tỷ Kheo ! Thất bảo có rồi

              Vua Sát-Đế-Lỵ đồng thời

       Bốn như-ý-đức có nơi Vua này.

          Sao là bốn điều đây như vậy ? 

 

       * Thánh vương ấy khả ái, đẹp trai

              Cử chỉ thanh lịch, nghiêm oai

       Tuyệt luân sắc diện vượt ngoài thế nhân,

          Thấy xa hơn thế nhân vượt bực,

          Đó là như-ý-đức đầu tiên.

 

         * Thánh vương thọ mạng trường niên  

       Như-ý-đức ấy kể liền thứ hai.    

 

       * Ít bệnh tật, ít tai ương khuấy 

          Thánh vương ấy thân nhiệt điều hòa,

              Không quá lạnh, nóng trải qua

       Điều hòa tiêu hóa thắng xa mọi người.

          Thứ ba thời là như-ý-đức.

 

       * Vua này được Gia Chủ, Bàn-môn

              Yêu mến, ái mộ, kính tôn.

       Như người cha được các con yêu vì.

          Các Tỷ Kheo ! Mọi thì các vị

          Là Gia-chủ, Phạm-chí mến thương

              Vua sát-Đế-Lỵ Thánh vương.

       Thánh vương cũng rất mến thương, yêu vì  

          Các Gia-chủ, các vì Phạm-chí

          Như người cha yêu quý các con.

 

              Chư Tỷ Kheo ! Các Bàn-môn

       Cùng các Gia-chủ kính tôn vô lường

          Khi Thánh vương hoa viên trực chỉ

          Các Phạm-chí, Gia-chủ theo sau

              Tâu rằng : ‘Đại vương thanh cao !

       Hãy đi chầm chậm, đừng mau đăng trình

          Để chúng thần được nhìn thấy kỹ

          Chiêm ngưỡng vị Thánh vương mọi bề !’.

              Vua Thánh bảo người đánh xe :

      ‘Cho xe đi chậm, đi kề chúng dân

          Để trẫm thấy Bàn-môn, Gia-chủ

          Được trông thấy đầy đủ, lâu dài’.

 

              Người đánh xe vâng lệnh ngài 

       Điều khiển xe tiến khoan thai, từ từ

          Chúng Tăng ! Đây là như-ý-đức

          Thứ tư của một bậc Thánh vương.

 

               Vua Sát-Đế-Lỵ tinh tường

       Suy nghĩ : ‘Ta hãy khai trương xây hồ

          Trồng hàng cây quanh hồ sen đó

          Cây Tha-la long-thọ hàng trăm

              Cách khoảng một trăm cung tầm’.

       Chuyển-luân Vua Thánh thâm trầm khoan thư

          Có đầy đủ bốn như-ý-đức.

 

          Các Tỷ Kheo ! Về bực Vua này     

              Các ông suy nghĩ sao đây ?

       Chuyển-luân Thánh-chúa đủ đầy an như

          Bảy món báu, bốn như-ý-đức

          Do nhân duyên ấy thực tự lòng

              Có cảm thọ lạc hỷ không ? ”.

 

 – “ Bạch Phật ! Vị ấy viên thông như vầy

          Chỉ cần đầy một món báu đó

          Do vậy, có cảm thọ vui an

              Huống chi đầy đủ hoàn toàn

       Bốn như-ý-đức, bảy hàng báu đây ”.

 

          Đức Thế Tôn nhặt ngay hòn đá

          Bằng bàn tay, hỏi cả như sau :

 

        – “ Các Tỷ Kheo ! Nghĩ thế nào ?

       Hòn đá này nếu so vào Tuyết Sơn

          Là dãy núi cao hơn tất cả,

          Thì hòn đá so sánh ra sao ? ”.

 

        – “ Bạch Phật ! Có thể đáp mau

       Thật quá chênh lệch so vào chuyện đây

          Hòn đá này thật là quá nhỏ

          Với Tuyết Sơn núi đó cao to

              Nó không đáng kể là bao

       Không bằng vạn triệu so vào Tuyết Sơn ”.

 

    – “ Cũng như vậy, vị Chơn Thánh-chủ

          Chuyển-luân-vương đầy đủ các phần

              Là bảy món báu quý trân,

       Bốn như-ý-đức. Do nhân duyên này 

          Sẽ cảm thọ đủ đầy lạc hỷ,

          Sự lạc hỷ nếu sánh Chư Thiên

              Với sự Thiên-lạc cõi Thiên

       Thì không đáng kể, chẳng tuyền cân phân,

          Không bằng nghìn vạn lần Thiên lạc.

 

          Lại điều nữa, này chư Tăng-Già !

              Nếu người trí ấy trải qua

       Thời gian lâu lắm – sinh ra làm người

          Sẽ sinh nơi gia đình quyền quý

          Sát-Đế-Lỵ, vọng tộc hoặc là

              Bàn-môn, Cư-Sĩ đại gia

       Giàu sang vô số vàng và châu ngân,

          Phong phú phần lúa thóc, tài vật.

          Hơn nữa, rất khả ái, đẹp trai

              Dung sắc tối thượng hòa hài

       Đầy đủ thức uống, có hoài thức ăn,

          Dư thừa phần xe cộ, vải mặc,

          Hương liệu, chỗ ở thật huy hoàng

              Giường nằm, ánh sáng chứa chan

       Vị ấy được sống an nhàn, vang danh,

          Thân, khẩu, ý- thiện-hành có mãi.

          Khi thân hoại mạng chung, vị này

              Sinh Thiện thú, Thiên giới ngay.

 

       Này chư Phích-Khú ! Điều này ví như

          Người đánh bạc ngay từ canh bạc

         (Đổ xúc xắc) tham gia đầu tiên

              Thắng lớn, được rất nhiều tiền

       Nhưng thật rất nhỏ nếu liền so ra

          Canh bạc mà người trí hiểu biết

          Sau khi hành tam nghiệp thiện-hành

            (Là thân, khẩu, ý-thiện-hành)   

       Mạng chung sinh đến cỏi lành Chư Thiên

          Hay cõi đời, thiện duyên phước đức. 

          Các Tỷ Kheo ! Địa vức đây là

              Hoàn toàn viên mãn, tinh hoa

       Của bậc có trí trải qua thực hành ”.

 

          Đấng Cha Lành Phật Đà thuyết giảng 

          Pháp viên mãn hiền & ngu các hàng 

              Chư Tỷ Kheo trong đạo tràng

       Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*   *

 

( Chấm dứt Kinh số 129 :  HIỀN NGU

–  BÀLAPANDITA  Sutta )

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/10/2024(Xem: 1)
Thích Ca Mâu Ni Phật Luôn nhắc nhở chúng sinh Phải Từ Bi Hỷ Xả Với đời và với mình. Giáo lý này còn gọi Là Tứ Vô Lượng Tâm. Bốn Vô Cùng, Vô Tận Của Cái Tình, Cái Tâm.
08/10/2024(Xem: 199)
Cung đàn núi lạnh biển im Trăng treo hạt muối thả chìm đáy sâu Cánh chim sà xuống bóng tàu Hôm qua vĩnh viễn Ngày sau tương phùng Nốt thăng bi mẫn lưng chừng
06/10/2024(Xem: 82)
Nghiệp nhân lành kết từ ngàn năm trước Thuận duyên sinh tươi nở cõi ta bà Hoa trái thơm tho sắc màu rực rỡ Cúi đầu đảnh lễ cúng dường Quán Âm. Đây lời thơ của con tim chân thật Cảm nhận từ pháp vũ đạo nhiệm mầu Tâm tịnh an lạc vừa mới khởi đầu Rất thánh thiện nguồn cam lồ vô tận.
06/10/2024(Xem: 124)
Pháp quốc khai giảng Bậc Kiên Trên zoom toàn thể Lam viên đủ đầy Lòng anh chị Trưởng vui thay! Nhìn các em học tràn đầy mến thương Tương lai trên những bước đường Cấy trồng Sen Trắng được vươn thêm cành.
03/10/2024(Xem: 440)
Những lời vàng trong kinh điển chuyển sang PDF Luôn sống cùng, lớn lên theo mãi thời gian Từ sáng tinh mơ, ngồi chăm chú theo âm vang Những pháp thoại đến từ năm cũ hòa với hiện tại Lời động viên, giải đáp giúp nuôi dưỡng mãi Sống để hạnh phúc hay tồn tại, hãy tự tìm ra Làm sao cho những ý tưởng ác là gió thoảng qua, Tạo thêm nhiều điều thiện biến thành châu ngọc Con đường ấy chỉ phải là Nghe, Đọc Để rồi rưng rưng hai hàng giọt lệ tri ân
02/10/2024(Xem: 320)
Nguyễn Bá Chung cùng quê hương đại thi hào Nguyễn Trãi. Một sớm tinh mơ nào, vào cuối thu 1949, nhà thơ mở mắt chào đời nơi vùng quê Định Giàng, Đại Đức, cách chân núi Chí Linh, Hải Dương một đường chim bay. Khoảng giữa năm 1954, mới vừa 6 tuổi đã vội vã chạy theo cha mẹ di cư vào Sài Gòn. Bản chất thông minh, học hành quá xuất sắc, nên được Đại học Brandeis cấp học bổng du học tự túc Hoa Kỳ (1971) và sống định cư luôn bên Mỹ, từ đó cho đến bây giờ.
30/09/2024(Xem: 664)
Dưới cái nhìn trí tuệ trong thời đại mới. Người Phật Tử phải thể hiện được… Bát Chánh Đạo trong sự sống! Dùng pháp chăn trâu mang Đạo Phật vào đời Tư duy đa chiều theo khoa học sẽ rạng ngời (1) Bằng thể hiện phương thức phù hợp xã hội phát triển!
28/09/2024(Xem: 371)
Quán Âm đứng giữa trời thanh Tay bình tịnh thủy tay nhành liễu xanh Nhìn đời qua ánh mắt lành Bằng tâm Bồ Tát chúng sanh không rời. Mẹ ơi! Đứng từ bao giờ Người đời qua lại vui cười thản nhiên Biết đâu rằng khí linh thiêng Từ vô lượng kiếp hiện tiền nơi đây
27/09/2024(Xem: 514)
Phật Pháp là cứu cánh Với mỗi một chúng ta, Để sống thiện, hữu ích, Hạnh phúc và an hòa. Khi thấm nhuần Phật Pháp, Hiểu cái khổ chúng sinh, Ta sống có ý nghĩa, Với đời và với mình.
27/09/2024(Xem: 362)
Hôm nay con vào nghe Ni Sư Tâm Vân giảng Những Người Mẹ Vĩ Đại Sư nhắc Mẹ Tâm Thái Khi Sư qua bên Mỹ Để gieo mầm Phật Pháp Mẹ chia tay dặn Sư: Con gái yêu của Mẹ, con làm con của Mẹ Chỉ được mười mấy năm Duyên của Mẹ cùng con Bây giờ con ra đi Trên con đường của con,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com